01/06/2013: 1.Bài hay.. nhưng nhột quá! – 2.Ao cá bác Hồ(Lê Diễn Đức)-3.Thực hư về Đảng Cộng Hòa(VI Anh)

01/06: 1.Bài hay.. nhưng nhột quá! – 2.Ao cá bác Hồ(Lê Diễn Đức)-3.Thực hư về Đảng Cộng Hòa-I(Vi Anh)-
Category: Như là Ngụ ngôn .. Những nụ cười ..
Posted by: Tbl Đọc: 3578 lần

Fwd: Fw: Bài đọc quá hay, Nhưng NHỘT QUÁ!
An Truong to:…,me – Hình minh họa: Tân Giáo Hoàng Phanxico

**Bài viết quá hay ! Cuộc “cách mạng” trong Giáo Hội đã bắt đầu ?
Tôn vinh Tân Giáo Hoàng một cách thật khéo léo !
Ngược lại, làm cho các hàng Giáo phẩm… nhột không chịu được !
GÓP GIÓ.

***Độc giả nầy xin tặng tác giả bài nầy điểm 10 !
Một tỷ hai người Thiên chúa giáo…

… trên thế giới ,có mấy ai như …..
Nói theo ngôn từ Phật giáo ,bài sám hối ” đại diện cho tỷ hai” : chúng con NHỘT QUÁ Cha ới Hay đáo để . Xin mời các bạn ở mọi tôn giáo nên đọc .
Chúc mừng bên Thiên chúa giáo có minh quân ! – NC
*

Nhột quá!
Cha mới lên ngôi giáo hoàng mấy ngày mà chúng con thấy nhột quá. Báo đài càng khen cha nhiều chừng nào, chúng con càng nhột chừng đó. Chúng con không thể nào bịt miệng được báo đài. Chúng vớ được đức tính lạ, chúng ra rả suốt và dù một người có đui điếc thế nào, cứ nghe, cứ đọc bài vở về cha thì họ không thể nào không so sánh chúng con. Này nhé:

Cha đi xe buýt, chúng con đi xe hơi xịn. Quận lỵ chúng con không có đường xá tốt để đi, chỉ cần đi xe hai bánh là được rồi, nhưng chúng con cũng thượng lên xe 4 bánh, lại còn thích mua xe Đức. Chưa mua được xe Đức lòng còn ấm ức. Khi xuống xe, lại có người chạy nhanh xuống mở cửa. Chúng con chẳng mắc cở gì cha ạ. Kệ, giáo dân cày bừa thì đó là việc của họ, chúng con lo việc trên trời!

Cha ở nhà tầm thường, chúng con ở nhà cao cửa rộng. Khi mới chịu chức, mới đi xứ, việc đầu tiên là chúng con xây nhà thờ, nhà xứ. Của đáng tội, giáo dân thương chúng con lắm, chúng con chỉ cần đăng đàn khơi lên niềm tự hào có một giáo xứ đẹp là bổn đạo người giúp công, người giúp của, chúng con có cơ ngơi tốt đẹp. Kệ, có thực mới vực được đạo. Chúng con khổ cực lâu rồi.

Cha tự nấu ăn, chắc cha có nhiều nữ tính, đàn ông chúng con không ai vào nhà bếp. Bà bếp phải thay đổi món thường xuyên mà cha ơi, không nói, các bà giáo hữu cũng tự động đến nấu. Đồ ăn chúng con ăn không hết. Chúng con chưa có văn hóa từ chối. Cha trốn các bữa tiệc linh đình, dùng thì giờ đó để đi thăm giáo dân nghèo. Còn chúng con… ai quên mời là khốn cho họ!

Cha ngồi ở hàng cuối, khi nào đi họp chúng con cũng ngồi theo phẩm trật. Quen rồi cha ạ! Thói quen làm nên cá tính. Con đứng hạng nhất trong giáo xứ thì phản xạ tự nhiên của con là lên ghế nhất. Xuống ngồi hàng dưới là phản đổi cả một phong cách sống… Khó quá cha ơi! Ngựa theo đường cũ! Với lại thói quen này không có trong bản chất. Bây giờ mà con giả bộ xuống ngồi hàng cuối, chính con cũng cảm thấy lúng túng.

Cha tự làm lấy hết các công việc. Tự điện thoại (không nhờ thư ký) đến văn phòng cha giám tỉnh để chào cha giám tỉnh. Chúng con có thư ký làm hết. Với lại nhiều khi chúng con cũng không nghĩ đến chuyện chào thuộc cấp, họ phải đến chào mình trước.

Không phí phạm, cha dặn em ruột của cha ở nhà, đừng qua Rome dự lễ lên ngôi của cha, cha dặn các giáo hữu Á Căn Đinh đừng qua Rome , để dành tiền đó cho người nghèo. Chúng con gởi giấy mời khắp xứ, khắp tỉnh hết cha ơi. Ai không đi dự là chúng con vô sổ đen. Chờ đó… Rồi thì thuộc hạ chúng con làm việc rất sáng tạo, họ nghĩ đủ cách làm vui lòng khách đến, làm vừa lòng khách coi. Lắm lúc chúng con cũng bắt chước vua Tàu, mình ngồi trên ngai chễm chệ xem bọn con nít múa. 10 năm, 25 năm, 50 năm… một đời một lần, không làm thì còn dịp nào để làm? Tốn kém là chuyện nhỏ cha ạ. Chúa Giêsu cũng có nói người nghèo thì lúc nào cũng còn đó… Còn vuột dịp 25 năm uổng lắm cha ạ! Giáo xứ kia còn làm hoành tráng hơn con nữa đó. Với lại con cũng không biết có sống thêm 25 năm nữa để làm 50 năm không. Cha thông cảm nhé.

Cha tự trả tiền phòng. Chuyện lạ với chúng con! Các đại gia trong giáo xứ dành làm hết mấy chuyện này, không có đại gia thì trung gia, không trung gia cũng tiểu gia. Chúng con quen rồi, gần như không bao giờ xuất tiền riêng để chi vào một việc gì hết. Chuyện này không có trong văn hóa tiêu pha của chúng con. Đi ăn, đổ xăng, mua thuốc lá, mua rượu, mua đồ lặt vặt… trừ khi chúng con đi một mình; một khi chúng con đi chung với người thứ hai thì không bao giờ chúng con móc ví hết. Tụi chúng con tối thiểu một người cũng có vài điện thoại cầm tay, vài iPod… Không nhận giáo dân cũng dí vào tay, cái này đời mới hơn này, cái này nhiều chức năng hơn nè… Con mà dùng quà của ai thì người đó hân hạnh, mừng lắm lắm, từ chối sao đành. Chúng con lại nghĩ từ chối là chạm đến đức ái.

Cha có óc hài hước. Hài hước là đặc nét của người có óc thông minh cao độ. Không dễ cha ơi! Con không được thông minh, con không dám cười trước người khác. Lâu dần không cười thì thành nghiêm, đừng ai giỡn trước mặt con. Cha ơi, chúng con có những người không nhếch được một nụ cười, đến mức giáo dân thầm thì sau lưng, ai bắt cha đó đi tu mà trông khổ ải thế. Chẳng ai hết nhưng chúng con không vượt lên được số phận, bởi vì chúng con nghĩ số phận bắt mình đi tu!

Có một chuyện con chưa hiểu cha ạ. Khi vào y khoa, phải thi tuyển rất khó, phải là những người rất giỏi mới đậu; nhưng khi ra hành nghề, tìm một bác sĩ giỏi rất khó cha ạ. Muốn vào chủng viện cũng phải có một trình độ thông minh, thánh thiện trên trung bình nào đó, nhưng khi ra làm cha, tìm một cha giỏi và thánh thiện thì cũng khó như Diogène đốt đuốc ban ngày đi tìm người. Vì sao cha vẫn giữ thông minh và thánh thiện lâu như vậy, đó là câu hỏi mà khi có dịp con sẽ hỏi cha. Con biết cha sẽ trả lời cha dùng thông minh thánh thiện của quả tim. Nhưng chúng con, chúng con cũng có những người có quả tim tốt vậy mà sao giáo dân than phiền rằng họ không có được một mục tử thánh thiện.

Cha đơn giản, chúng con rắc rối cầu kỳ. Chúng con vừa chịu chức là bố mẹ chúng con – dù còn trẻ – đã vội lên chức ông cố, bà cố và họ thích lắm vì được vị vọng, được nhiều bổng lộc. Chính chúng con cũng chưa hiểu vì sao có văn hóa lên chức cố như vậy. Cha là linh mục chứ cha có phải là cha gia đình đâu mà cha mẹ lên chức ông bà cố có cháu, có chắt.

Cứ mỗi lần cha đi ra ngoài, gặp gỡ ai đó là mỗi lần cha tạo một sự kiện mới. Hôm thứ bảy 16-03-2013, cha đi gặp 3000 ký giả, ngay lập tức họ khen cha là bậc thầy của truyền thông. Được ký giả Tây phương khen không phải dễ. Họ không có văn hóa nhận phong bì. Họ là những người bỏ lên bàn cân cân từng chữ trước khi hạ bút và họ khen ngay “cha đã tìm đúng chữ để nói chuyện với ký giả.”

– Từ khi Đức Giáo hoàng Bênêđitô từ chức, các bạn có nhiều việc để làm hen, tôi cám ơn các bạn đã làm việc rất chuyên nghiệp.

Xong! Thu được cảm tình rồi (biết nghĩ đến người khác trước…)! Sau 15 phút nói chuyện, cha được 3000 ký giả vỗ tay “Đức giáo hoàng muôn năm! Viva il papa!” đúng kiểu các buổi hòa nhạc rock!

Được con cái thương rồi, cha như người cha nhắn nhủ con: “Nhớ nhé, chú ý đến sự thật, đến cái thiện, đến cái đẹp nhé. Chính lúc đó, lúc con cái đã lắng nghe, cha mới kể chuyện mật viện và lựa chọn tên Phanxicô: “Khi tình thế trở nên nguy hiểm vì số phiếu sắp đến bờ. Đến khi nguy hiểm thật sự, bạn thân của tôi là Hồng y người Brasil, cha Hummes, ngài ngồi bên cạnh ôm tôi thật lâu để nâng đỡ tôi: “Đừng quên người nghèo nghe”, tôi nghĩ ngay đến Phanxicô Át-xi-di, đến chiến tranh. Phanxicô là nghệ nhân của hòa bình. Và cái tên Phanxicô đến ngay trong quả tim tôi.” Và thế là cả phòng xúc động ngay lập tức.

Có hơn 3000 ký giả nhưng chỉ có hơn một trăm ký giả bốc thăm trúng để lên chào cha. Ai có vẻ như muốn quỳ gối là cha đỡ lên ngay, và cũng tỏ ra không muốn để bị hôn nhẫn.

Trọng kính cha, chúng con biết chúng con để cả đời cũng không học xong gương của cha. Xin cha ôm chúng con vào lòng, cầu nguyện cho chúng con.

De Mateo

……………………………………………………..

FW: Ao cá “Bác Hồ”

Mời đọc.

dq

—– Courriel transféré —–
Một bài viết nên đọc và suy ngẫm

Đàn Cá trong Ao Bac Hồ và Những Con Chó của Pavlov
Lê Diễn Đức

Kể về bản thân là chuyện nên kỵ. Nói về cái dở thì không sao, nhưng nói cái hay, dễ bị coi là khoe mẽ. Vì thế, tôi thỉnh cầu trước một sự châm chước.
Tôi có ý định lấy chính mình làm điểm xuất phát để bàn về một chuyện khác. Về những cay đắng của một con người. Như một ví dụ. Chẳng phải để dạy dỗ ai (làm gì dám cho mình ghê thế!). Cũng chẳng khoác cái áo “dân chủ, nhân quyền” gì ráo trọi. Càng không nhân danh trí thức. Đơn giản chỉ là những nghĩ suy. Một kinh nghiệm.
Khi mới ở tuổi lên mười, tôi đã đạt danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ”. Năm 1967 tôi được Hồ Chí Minh trao phần thưởng cho kết quả học tập xuất sắc với tất cả 14 môn học đạt điểm cao nhất. Đó là một cuốn sổ tay kích thước khoảng 20 x 15cm, giấy trắng tinh, bìa cứng láng bóng, màu xanh dương, có in hình Hồ Chí Minh chụp thẳng và dòng chữ phía dưới “Giải thưởng của Hồ Chủ Tịch”. Với tôi, gia đình, trường học và chính quyền địa phương, giải thưởng này là một vinh dự, vì không phải tỉnh, thành phố nào cũng có thưởng, và nếu có thì chỉ có một hoặc hai người. Buổi trao giải thưởng được tổ chức hào hứng trên sân kho của hợp tác xã, dưới ánh trăng (vì lúc bấy giờ máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc dữ dội, học sinh đi sơ tán ở thôn quê, ban đêm không dám nổi lửa, thắp đèn). Bà con làng xóm tụ hội rất đông. Ba tôi cảm động đến phát khóc. Tôi nâng niu cuốn sổ tay đến mức không dám xài, lâu lâu lấy ra ngắm nghía ! Tuy nhiên cũng chưa tức cười thảm hại bằng thằng bạn. Năm 1968, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn thăm trường, tặng cho mỗi đứa được cử đi gặp một cục kẹo Hải Châu (thứ cao cấp, hiếm hoi, xa xỉ với lũ học sinh nghèo trong những ngày chiến tranh). Thằng bạn thèm rỏ dãi nhưng trân trọng quá, không dám ăn, để dành làm kỷ niệm. Trời nóng, chỉ vài hôm, cục kẹo chảy nhão nhoẹt dính bê bết với giấy bọc, phải vứt đi. Hắn đi Đông Đức, về nước giảng dạy ở Bách khoa Hà Nội, cho đến giờ. Tôi tin chắc hắn không quên chuyện này!

Tôi sang Ba Lan năm 1969. Cả đoàn du học sinh chúng tôi phải vào nằm viện để bác sĩ khám, tẩy giun sán trước khi được sống chung với người ta tại Trung tâm học tiếng Ba Lan dành cho người nước ngoài. Trong bệnh viện, được báo tin Hồ Chí Minh từ trần, chúng tôi khóc thảm thiết ! Mấy cô y tá Ba Lan ngơ ngác, lúng túng chẳng biết chuyện gì xảy ra !
Chúng tôi đã yêu Đảng, yêu Bác Hồ đến thế ! Đã một thời ngây thơ, ngây ngô như thế !
Đến năm 1994, Kim Nhật Thành chết, xem TV thấy dân Bắc Triều Tiên đứng đông nghẹt hai bên đường ôm nhau gào khóc. Lúc này thì tôi đã bật cười ! Cười cả chính mình ! Tôi cũng đã y chang vậy ngày nào, bị ngu hoá, bị lừa gạt mà không biết.
Phải thừa nhận các chế độ cộng sản đạt mức siêu đẳng về chuyện nuôi trồng con người theo ý đồ của mình.
Thế hệ tôi và cả xã hội miền Bắc, mỗi một con người được nhào nặn, rèn luyện, nhồi nhét tư tưởng vào trí não, để không còn là mình nữa, chỉ biết suy nghĩ và hành động theo những lời dạy dỗ của Đảng và Bác, đi theo con đường mà Bác và Đảng vạch ra, như con rối, như cái máy. Cái bóng Đảng, Bác…bao trùm lên đời sống.
Phản ứng của chúng tôi chẳng khác gì những con cá trong ao của ông Hồ ở Phủ Chủ Tịch. Không hơn, không kém.
Vào năm 1958, theo yêu cầu của ông Hồ, kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh đã thiết kế cho ông ngôi nhà sàn theo kiểu của người miền núi, cùng với vườn cây, ao cá.
Ngôi nhà sàn có hai tầng, tầng trên ông Hồ dùng làm phòng ngủ và phòng làm việc trong mùa đông, tầng dưới là nơi ông làm việc vào mùa hè, họp Bộ Chính trị. Ngôi nhà sàn xây dựng xong vào ngày 1/5/1958, bằng gỗ loại bình thường, chiếu theo căn dặn của ông – báo chí viết như thế.

Tuy nhiên, trong thực tế, mãi sau này tôi mới biết, gỗ được sử dụng để làm ngôi nhà sàn “giản dị” thuộc loại tốt. Ngoài ra, sự giản dị này cũng đáng bàn… Bởi vì, ngôi nhà tọa lạc giữa phong cảnh hữu tình, đầy cây cỏ, hoa lá xanh tươi, chim bay, cá lượn bốn mùa. Bác ngồi thư giãn, hút thuốc lá 555 hay xì-gà của Fidel Castro gửi tặng thì còn gì bằng ! Đấy là chưa nói đến chuyện có các nàng tới hầu hạ (như cô Nông Thị Xuân chẳng hạn)! Ngay giữa thủ đô chật hẹp, ồn ào, bụi bặm mà hưởng thụ một dinh cơ tao nhã, thanh bạch như vầy, thì khác gì cuộc sống của Tiên ông dưới trần, quả là chưa có tiền lệ.

Vào thời buổi kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, lắm đại gia tư bản đỏ “chơi độc” theo gương ông Hồ, cũng xây những dinh thự to rầm theo kiểu nhà sàn bằng toàn gỗ quý, vườn tược được trồng nhiều loại cây kiểng mà một chậu trị giá hàng chục ngàn đôla. Cũng ngay trong lòng Hà Nội.
Hồi nhỏ tôi được nghe nhiều huyền thoại về ông Hồ. Với chúng tôi, tên Hồ Chí Minh đồng nghĩa với đấng siêu nhân, thánh thiện và lòng tôn kính. Ở Nghệ An, có bài đồng giao xem ông Hồ, Tướng Giáp sinh ra như là tất yếu của Trời Đất: “Đụn Sơn phân dái / Hòn Đái thất thanh / Nam Đàn sinh Thánh / Đông Thành sinh Tướng”
Mỗi lần nghe ai kể về đời sống của Bác, nói đến đàn cá trong ao của Bác, lũ trẻ chúng tôi xuýt xoa, phục lăn. Số là đàn cá đông đúc được ông Hồ luyện công phu. Sau một thời gian nhử mồi cám dỗ, ông đã thành công. Khi cho cá ăn, ông chỉ cầm cái que gõ gõ vào cái hộp đựng mồi hay thành bờ ao gì đó.. là cả đàn lúc nhúc bơi lại.
Khi lên cấp 2, bắt đầu học vật lý, tôi không còn phục cao kiến luyện cá của ông Hồ nữa, mà chỉ phục ông ở tính kiên nhẫn. Tôi cúc cục mãi mới tập gọi được đàn gà. Còn dạy cá đâu phải giỡn ! Té ra ông Hồ chỉ thực hành lý thuyết từ xửa xưa của nhà khoa học người Nga Ivan Pavlov, Giải thưởng Nobel Y học năm 1904.
Ivan Pavlov nổi danh từ việc thí nghiệm phản ứng tiêu hoá trên cơ thể chó. Qua nghiên cứu sinh lý học của nước bọt, ông khẳng định rằng, nước bọt không chỉ tiết ra lúc ăn, mà cả trong phản ứng trước bữa ăn. Thức ăn gây chảy nước bọt được gọi là “kích thích ban đầu”, còn tiếng chuông gõ hoặc ánh sáng của cái đèn xuất hiện trước bữa ăn, gọi là loại “thức ăn phụ trợ”. Kích thích chó liên tục một thời gian dài bằng “thức ăn phụ trợ”, cùng lúc với “kích thích ban đầu” để tạo thói quen, ông đã làm chó tiết nước bọt chỉ còn qua sự kích thích thứ cấp. Hiện tượng này được gọi là phản xạ có điều kiện của Pavlov, trái ngược với sự chảy nước bọt bẩm sinh, là phản xạ vô điều kiện.
Thì ra, những con cá của ông Hồ chỉ là một phiên bản nhỏ từ con chó của Pavlov.

Phiên bản lớn mới thật hãi hùng.
Người ta nói Việt Nam là một nhà tù lớn, hay cả quốc gia đang bị nhốt trong cái cũi.
Trong cái cũi này, giống như đàn cá trong ao, ông Hồ và Đảng Cộng sản Việt Nam đã áp dụng muôn vàn “thức ăn phụ trợ” để “trồng người” vì “hạnh phúc trăm năm” của… Đảng.

Bằng quản lý trong tay sổ hộ khẩu, sổ gạo, sổ dầu, phiếu thực phẩm, phiếu vải, học đại học; nay thêm sổ đỏ, chứng minh nhân dân, hộ chiếu, giấy chủ quyền xe, v.v… – ông Hồ và Đảng từ lúc cầm quyền đến nay đã biến đất nước thành một phòng thực nghiệm vĩ đại của “phản xạ có điều kiện”, biến dân tộc thành một bầy đàn ngoan ngoãn. Hàng chục triệu người Việt đã, đang và tiếp tục trở thành những con cá trong ao hay là những con chó của Pavlov.

Ngoài ra, còn một “thức ăn phụ trợ” khác công hiệu. Đó là bộ máy tuyên truyền khổng lồ, chằng chịt từ trung ương xuống thôn xã, bản làng, liên tục đập vào não trạng con người ngay từ thưở thiếu thời. Bất kỳ nguồn thông tin nào bất lợi cho sự độc quyền cai trị của Đảng đều bị ngăn chặn. Những mầm mống phản kháng ngay lập tức bị đè bẹp, đời sống của gia đình, người thân bị phong toả đến bần cùng…
Cho nên, lúc còn là học sinh, tay còn vương mực tím, khi ông Hồ chết, tôi và các bạn tôi cùng thời đã chảy dài nước mắt, cũng không có gì là lạ. Đúng ra, chúng tôi nên được chia sẻ, được thương hại, tội nghiệp.
Nhưng nhờ Trời, ngay trong năm thứ nhất học đại học, tôi đã nhanh chóng nhận ra lẽ thường phải có ở đời, sự bất công và bất nhân của chế độ cộng sản. Nó tước đi của con người đời sống riêng tư, cá tính và những quyền tự do tối thiểu nhất. Chúng tôi bị Toà đại sứ Việt Nam tại Ba Lan cấm không được yêu đương, không được mặc quần jeans ra ngoài đường, không được khiêu vũ, không được đến thăm nhà người bản xứ, không được đi lao động kiếm thêm tiền trong dịp nghỉ Hè, v.v… Một ngàn lẻ một thứ cấm ! Hàng tuần họp chi đoàn, viết bản tự kiểm. Lơ mơ là bị trục xuất về nước !

Và tôi lơ mơ, xé rào nên bị trục xuất thật. Vừa đặt chân tới ga xe lửa Hàng Cỏ, Hà Nội, chưa kịp xuống tàu, hai công an đã xông lên chỗ ngồi và áp tải tôi vào trại giam, sau đó lãnh án tù hai năm về tội yêu và trốn ở lại nước ngoài. Ra tù, lận đận mãi tôi mới xoay được việc làm và quay lại Ba Lan năm 1989, đúng lúc chế độ cộng sản Ba Lan sụp đổ. Làm nhân chứng của 20 năm xây dựng thể chế dân chủ ở Ba Lan với muôn vàn khó khăn nhưng thành quả phát triển giành được thấy rõ qua từng năm tháng, nhãn quan chính trị của tôi thay đổi hoàn toàn. Tôi được tỉnh ngộ qua liệu pháp điện áp của thực tế một xã hội từ chế độ cộng sản chuyển sang dân chủ tự do, cho mình cơ hội nhìn nhận, phân biệt Ác và Thiện. Quy trình tiến hoá bình thường của tôi được tái hiện, từ “con cá của Bác Hồ”, “con chó của Pavlov” lên làm người. Tôi lột xác cùng với những thăng trầm của tiến trình dân chủ hoá ở Ba Lan và Đông Âu.

Ba Lan tự do đã đưa sự thật lịch sử ra ánh sáng và công lý. Quá khứ đã chứng minh không thể chối cãi rằng, chế độ cộng sản tồn tại thực chất nhờ dối trá và bạo lực. Những người cộng sản không thèm nghe ai khi thấy phương hại đến độc quyền lãnh đạo của họ, cho dù những lời khuyên đó có mang lại lợi ích cho đất nước đến đâu. Chỉ khi bị áp lực tranh đấu mạnh mẽ của quần chúng, bị thất bại, bị dồn vào thế cùng, họ mới làm ra vẻ hướng thiện hoặc nhượng bộ. Nhưng khi có sức mạnh và nhất là lúc thành công, họ tự mãn, cao ngạo, và độc ác gấp bội. Bản chất lưu manh, cướp giật của họ, theo thời gian càng ngày càng lộ liễu. Họ biến thù thành bạn, biến bạn thành thù tuỳ theo tình huống có lợi cho sự bảo đảm quyền lực. Họ là bậc thầy của sự tráo trở, lật lọng và bội bạc. Quan điểm phải hợp tác với cộng sản để cải tạo cộng sản, có cách nói cho cộng sản nghe, đã chứng tỏ tính chất xuẩn ngốc của nó qua hậu quả việc làm của rất nhiều người từ hàng chục năm nay. Chưa có vị “quân sư” nào làm cộng sản thay đổi được bản chất, ngược lại, họ thường bị phản phé, ngược đãi và chịu chung một bi kịch giống nhau. Rốt cuộc họ chỉ là những kẻ bị phấn khích hoặc có tâm thức bất bình thường, thích đi theo vết xe đổ.

Thiếu tự do và thông tin với bên ngoài, con người không thể nào có đủ kiến thức để nhìn nhận, so sánh các mô hình sinh hoạt xã hội khác, cho nên đại bộ phận người Việt trong chế độ cộng sản, nhất là nông dân, cứ tưởng rằng, cái ao, cái cũi mà trong đó mình đang được Đảng ban phát là “đỉnh cao chói lọi” rồi.
Mẹ kiếp! Nhốt người ta lại, bưng tai, bịt mắt, chỉ mở cho nhìn, cho nghe những gì mình muốn áp đặt, cùng với sự đe doạ mạng sống thường trực – rồi bảo “dân trí thấp”, “dân tộc chưa trưởng thành”. Nói thế có khác gì trói chân, buộc tay thằng bé, cho ăn uống nhỏ giọt, cách ly với sông nước, rồi phán nó chậm lớn, không có khả năng biết bơi. Đểu giả, mất dạy cỡ này là cùng!

Vậy mà, lạ lùng thay, có những người không sinh ra trong chế độ ấy, đầu đã hai thứ tóc, mà giờ đây bắt đầu muốn yêu Bác Hồ như thế hệ chúng tôi mấy chục năm trước đây !
Lạ lùng nữa, vì những người ấy đã tháo thân chạy khỏi chế độ cộng sản và được lớn lên, ăn học, trở thành kỹ sư, giáo sư, tiến sĩ ở các quốc gia dân chủ, tự do.
Lạ lùng hơn, vì những người ấy, được gọi là trí thức, không thể không biết đến tội ác mà chủ nghĩa cộng sản toàn trị đã gây ra cho nhân loại nói chung và đối với dân tộc Việt Nam nói riêng trong suốt gần một thế kỷ.
Lạ lùng đến kinh ngạc, vì những bi kịch Cải cách Ruộng đất, Nhân Văn Giai Phẩm, vụ Xét lại Chống Đảng, Thảm sát Tết Mậu Thân Huế 1968, Cải tạo Tư bản, Tư thương miền Nam sau 1975, Chiến dịch bán bãi thu vàng, các vụ án Minh Phụng-Epco, Năm Cam, PMU 18, PCI, vân vân và vân vân… – chẳng mang đến cho họ một chút ý thức gì về dã tâm khủng khiếp và ghê tởm của lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam.

Không biết bị ám bởi phản xạ có điều kiện nào qua “thức ăn phụ trợ” của thời “đổi mới”, “tăng trưởng”, “phát triển”, “vươn ra biển lớn”, mà giữa lòng Hà Nội xuất hiện một sự đảo ngược tiến trình tiến hoá của loài người. Cả ngàn con người đang no cơm ấm cật, xiêm áo chỉnh tề, bỗng dưng biến thành đàn cá Bác Hồ, bầy chó của Pavlov, “hân hoan”, “hồn nhiên” hát bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Và rồi sau khi kết thúc thắng lợi ra về, cùng nhau đồng ca điệp khúc: “dân trí Việt Nam còn thấp”, “dân tộc ta chưa trưởng thành” nên chưa thể vươn tới tiến trình dân chủ hoá.
Bệnh này coi bộ hết phương cứu chữa !
Warsaw, Ba Lan 20/12/2009

………………………………………

Thực Hư Về Đảng Cộng Hòa – Phần I
Nguồn:Vietbao.com – 05/28/2013

Tác giả : Vũ Linh
…Nếu giao thương với Trung Cộng là một cái tội, thì cái tội đó phải là tội của TT Clinton…

Mới đây, tác giả nhận được thư của một độc giả, chỉ trích tác giả khá nặng nề về cái tội “mù quáng theo đảng Cộng Hòa” chống lại TT Obama, chê tác giả “không đủ trình độ”, dốt đến độ phải ưu ái giới thiệu cho kẻ viết này đi học một khoá hàm thụ miễn phí. Thay vì phản biện từng điểm về những luận cứ của tác giả, thì vị độc giả đó lại liệt kê ra một danh sách gần hai chục “cái tội” của Cộng Hòa (CH). Vì ông ấy nghĩ tác giả là đảng viên trung kiên của CH.

Phải nói ngay, kẻ viết này không có quan hệ xa gần gì với CH, dù có rất nhiều điểm đồng ý với CH vì trên căn bản, tác giả có khuynh hướng bảo thủ gần với CH hơn. Nhưng CH cũng có vô số điều đáng chê. Như tác giả đã từng bàn trên cột báo này, không chương trình hấp dẫn, không lãnh tụ, tương lai CH chưa thấy gì sáng lạn cho cuộc bầu năm tới, hay cuộc bầu năm 2016.

Dù sao, quan niệm của tác giả từ trước đến giờ luôn là cá nhân người viết bài không quan trọng, mà quan trọng là những ý kiến, tư tưởng được trình bày. Tác giả có là CH hay DC hay vô học hay thậm chí là CS cũng không quan trọng. Quan trọng là quan điểm người viết trình bày nghe có hợp lý, hợp tình đối với người đọc hay không thôi. Đó cũng là lý do tác giả không nêu tên độc giả đó, cũng như không viết rõ ông là ai. Ông ta là ai không quan trọng, những ý kiến ông ta nêu lên mới quan trọng.

Bỏ qua chuyện cá nhân, tác giả thấy những điểm kết tội CH của vị độc giả đó phản ánh quan điểm chung của khối cấp tiến, đã được truyền thông dòng chính “nhai” (danh từ của vị độc giả) tới nhai lui từ lâu nay, chẳng có gì mới lạ, vì đều là những luận cứ kinh điển chống CH, và rất nhiều người đã chia sẻ cái nhìn này.

Tác giả cảm thấy nên bàn thêm về đảng này, không phải vì là đảng viên trung kiên sẵn sàng đứng mũi chịu sào làm liệt sĩ cho CH, mà chỉ để cung cấp cho độc giả một cái nhìn khác với quan điểm của truyền thông cấp tiến dòng chính mà vị độc giả đó đã lập lại nguyên văn, để quý độc giả có thêm dữ kiện nhận định. Gọi là rộng đường dư luận. Một độc giả hiểu biết, nhìn thấy được cả hai mặt của đồng tiền, là độc giả cần thiết nhất cho người viết.

Theo vị độc giả đó, CH có tới gần hai chục “tội”. Nhiều “tội” không quan trọng, có tính chi tiết, đặt ra cho có, cũng có tội được lập lại, từ một tội trở thành hai ba tội. Nhưng cũng có nhiều “tội” chính đáng, đáng bàn thêm. Ta hãy xét qua vài tội đáng bàn.

1. “CH là đảng do nothing ”.

Đây là luận cứ thông thường, được nhai kỹ nhất của phe chống CH, còn được gọi là “the Party of NO”, được tung ra từ khi TT Obama lên nắm quyền. Chỉ vì lý do giản dị là CH không chịu ngoan ngoãn “làm chuyện đúng” (do the right thing) theo ý của TT Obama, mà trái lại chuyện gì TT Obama đề nghị cũng nói “no” và không chịu làm theo. Trong truyền thống dân chủ của Mỹ, vai trò của đối lập là chống, và cái tài của người lãnh đạo là đi tìm thoả hiệp, đi tìm sự hợp tác của đối lập. Tìm được sự đồng ý của phe ta thì quá dễ rồi. Do đó, không tìm được sự hợp tác của đối lập là lãnh đạo dở, không thể đòi hỏi đối lập phải gọi dạ bảo vâng như trong các chế độ độc tài.

Vài ngày sau khi tuyên thệ nhậm chức năm 2009, tân TT Obama nhận được lời chúc mừng của ông Eric Cantor, đại diện khối dân biểu đối lập CH, kèm theo một chương trình hành động của CH đề nghị. Một tuần sau, tân TT tiếp các đại diện đó. Ông đưa ra chương trình tổng quát của chính quyền mới. Ông Cantor nghe xong thì hỏi tân tổng thống sao không thấy một điểm nào do CH đề nghị. Câu trả lời của TT Obama đã đi vào lịch sử: “We won!”, diễn giải nôm na là “các anh đi chỗ khác chơi, chúng tôi thắng, làm gì thì làm”.

Chương trình của CH đề nghị, TT Obama đã cho vào nhà kho (danh từ lịch sự nhất), bây giờ lại nói CH không làm gì, không có chương trình gì.

Khi chính Washington Post mô tả TT Obama là tổng thống tạo phân hoá nhất lịch sử cận đại, thì trách nhiệm trong chuyện tê liệt bộ máy chính quyền là ở đâu?

2. “CH coi thường đàn bà, …, không tôn trọng quyền tự do phá thai, ngay cả khi mang thai là kết quả của loạn luân, hãm hiếp và hay sự mang thai này có thể gây thiệt mạng đến người mẹ, không bao giờ nhận, thương và giúp đỡ ngay cả khi “món quà” thượng đế cho không may là “món quà” đi đường bị hư, bễ như bệnh tật,… Năm 1973 TCPV đã phán quyết rằng quyền hạn phá thai là hợp hiến.”

Không chấp nhận phá thai là một tư tưởng có căn gốc xâu xa từ những suy tư tôn giáo, nhân đạo, và nhân sinh quan. Cả trăm triệu phụ nữ trên thế giới không chấp nhận phá thai, do đó không thể đồng hoá chuyện chống phá thai với việc không tôn trọng phụ nữ. Tối Cao Pháp Viện đã phán quyết phá thai là chuyện hợp hiến. Đó là quyết định trên phương diện luật Hiến Pháp, không có nghiã phá thai đã trở thành tiêu chuẩn đạo lý mẫu mực không ai có thể chống.

Quan điểm của CH là không chấp nhận phá thai ngoại trừ những trường hợp loạn luân, hãm hiếp hay nguy hiểm đến tính mạng bà mẹ. Chủ trương chống phá thai tuyệt đối kể cả trong những hợp đặc biệt trên chỉ là quan điểm của một thiểu số cực đoan trong phe bảo thủ. Cũng tương tự như trong phe cấp tiến có thiểu số cực đoan cho phá thai ngay cả khi thai nhi đã nẩy nở thành một em bé trong bụng, vẫn chấp nhận cho bác sĩ thọc kim hay chính thuốc giết đứa trẻ đó rồi kéo xác ra.

Còn nói chuyện CH không có tình thương đối với “món quà đi đường bị hư”, chỉ cần nhìn vào đứa con út của bà Sarah Palin, ứng viên phó tổng thống của CH năm 2008. Đứa con đó đã được bác sĩ biết là bị bệnh Down (chậm phát triển) từ khi còn là bào thai trong bụng mẹ. Nếu bà Palin có quan điểm cấp tiến, phá thai tự do, thì có lẽ đứa trẻ đó đã không bao giờ thấy được ánh sáng mặt trời và hưởng được tình thương của mẹ.

3. “CH kỳ thị và coi thường dân di cư, tị nạn, hay dân thiểu số”.

Nói về dân di cư là ám chỉ di dân Nam Mỹ, hợp pháp hay bất hợp pháp. Vấn đề mang màu sắc chính trị hiển nhiên, không phải là vấn đề kỳ thị màu da. Ai cũng biết dân di cư, dân tỵ nạn, và dân thiểu số, đại đa số là cử tri của đảng DC, vì thiên kiến, luôn cho rằng CH là đảng của nhà giàu, DC mới là đảng lo cho nhà nghèo, họ là nhà nghèo nên phải bầu cho DC. Do đó, DC chủ trương thu nạp càng nhiều dân thiểu số càng tốt vì càng tăng phiếu cho họ, trong khi CH muốn kềm hãm lại vì sợ thua phiếu. Không phải chuyện DC thương yêu mấy ông bà Mễ hơn CH. Thực tế không có ông bà chính khách nào thương ai hay kỳ thị ai hết. Mùi lá phiếu thơm nhất, đánh bạt mọi mùi vị khác.

Còn muốn biết thực sự CH và DC nghĩ sao về dân tỵ nạn thì chỉ cần nghe Thượng Nghị Sĩ Joe Biden tuyên bố trước Thượng Viện năm 1975 khi bàn về việc chấp nhận dân tỵ nạn Việt: tôi không muốn nhận bất cứ một người tỵ nạn Việt Nam nào vào nước Mỹ và tôi sẽ biểu quyết không cho TT Ford một đồng nào để giúp định cư họ tại Mỹ. Đa số thượng nghị sĩ CH đã bỏ phiếu chấp nhận cho dân Việt vào tỵ nạn, và dự luật của TT Ford được thông qua, cho phép hơn một triệu người Việt vào Mỹ tỵ nạn. Nếu khi đó, đa số nghe theo ông DC Biden thì ngày nay đã không có cộng đồng tỵ nạn Việt tại Mỹ.

4. “CH ngu dốt và vì vậy thường cuồng tín, giáo điều, chủ trương đem tôn giáo vô chính quyền”.

Nước Mỹ được thành lập một phần bởi những người muốn được tự do tôn giáo, chống lại những đàn áp tôn giáo của Anh Quốc, nhưng không có nghiã họ là vô thần. Tờ giấy dollar có ghi rõ châm ngôn của Mỹ “In God We Trust”. Tất cả các viên chức quan trọng, kể cả các tổng thống, đều tuyên thệ nhậm chức trên Kinh Thánh. Tất cả các chính khách, kể cả DC, đọc diễn văn đều kết luận bằng câu God Bless America. Tất cả đều xuất phát từ các vị lập quốc Mỹ (Founding Fathers) chứ không phải từ một nhóm “ngu dốt, cuồng tín” nào. Tất cả tổng thống đều phải làm gương, chăm chỉ đi nhà thờ thường xuyên, được báo chí chụp hình phổ biến khắp nơi.

Tôn giáo luôn luôn là yếu tố cực kỳ quan trọng trong đời sống Mỹ, kể cả trong chính trị. Trong tất cả các nước Tây Phương, không có dân nào sùng đạo bằng dân Mỹ. Dù vậy, Hiến Pháp quy định rõ ràng cách biệt giữa tôn giáo và chính trị, và chưa bao giờ một chính quyền Mỹ nào, dù DC hay CH, đã bị cáo buộc không tôn trọng tự do tôn giáo, hay mang “tôn giáo vào chính trị”.

Còn chuyện “CH ngu dốt” hay DC thông minh thì đó là nhận định cá nhân.

5. “CH coi thường Hiến Pháp và luật pháp, dối trá”.

Đúng là TT Nixon vi phạm Hiến Pháp và luật pháp, nhưng như vậy không có nghiã toàn thể đảng CH đều như vậy, nếu không thì phe DC trong quốc hội thời đó đã không đủ phiếu để đòi đàn hạch TT Nixon. Ông này phải từ chức vì hầu hết các đồng chí CH của ông đều muốn tuân thủ Hiến Pháp và luật pháp và không chấp nhận việc làm của lãnh tụ của họ, mà chấp nhận lột chức TT Nixon.

TT Clinton mang cô Monica vào Phòng Bầu Dục, dối trá với cả nước khi ra trước truyền hình khẳng định không có quan hệ tình dục gì, rồi nói láo khi dơ tay tuyên thệ trước tòa. Nhưng đa số thượng nghị sĩ DC đã biểu quyết vẫn chấp nhận Clinton làm tổng thống.

6. “CH đối xử thợ thuyền như những tên nô lệ.”

Còn chuyện TT Obama, cựu giảng viên luật Hiến Pháp, có tôn trọng Hiến Pháp và luật pháp, và có dối trá hay không hiện nay đang là dấu hỏi thật lớn qua ba vụ xì-căng-đan mà quốc hội đang điều tra. Cuộc điều tra chỉ mới bắt đầu. Chuyện Bộ Tư Pháp theo dõi ký giả của AP và FoxNews là chuyện mà đài truyền hình “phe ta” NBC gọi là “đến cả Nixon cũng chưa dám làm”.

Trong vấn đề thợ thuyền, sự khác biệt cơ bản là DC chủ trương bành trướng nghiệp đoàn trong khi CH chống lại.

Vai trò của nghiệp đoàn ngày xưa là một vai trò cần thiết để giúp các công nhân chống lại sự bóc lột của các chủ hãng xưởng, đồn điền. Ngày nay, vai trò của nghiệp đoàn đã thay đổi hoàn toàn. Quyền lợi của các công nhân đã được đủ thứ luật lệ bảo đảm, khó có thể bóc lột ai được. Nghiệp đoàn ngày nay đã trở thành những tổ chức áp lực –lobby group- nặng mùi chính trị, chủ yếu là công cụ tranh cử đắc lực nhất của đảng DC. Các thành viên nghiệp đoàn bị ép buộc đóng tiền, nghiệp đoàn tự động trích lương đóng niêm liễm dù công nhân đồng ý hay không. Một phần lớn số tiền đó được đưa cho các chính khách DC, phần còn lại để trả lương cao ngất ngưởng cho các lãnh tụ nghiệp đoàn. Trong cuộc tranh cử tổng thống vừa qua, cả chục ngàn thành viên nghiệp đoàn đã được tung xuống đường đi vận động cho TT Obama.

Trên phương diện kinh tế, những đòi hỏi của nghiệp đoàn đã trở thành gánh nặng quá lớn khiến cho kỹ nghệ Mỹ không thể cạnh tranh được với thế giới, không biết bao nhiêu đại công ty với nghiệp đoàn lớn đã bị phá sản vì mức lương quá lớn. Cả ba hãng xe của Mỹ đều là nạn nhân của nghiệp đoàn, đến độ gần phá sản, Nhà Nước can thiệp, không phải để cứu các đại gia chủ hãng, mà để cứu các nghiệp đoàn. Nói trắng ra, những nhân công trong các nghiệp đoàn xe hơi lãnh lương tối thiểu từ $20 đến $40 một giờ. Khi hãng gần xập tiệm vì không kham nổi mức lương đó, thì Nhà Nước can thiệp lấy tiền thuế của thiên hạ cứu họ để họ tiếp tục lãnh lương khổng lồ. Cứu họ, tức là cứu nghiệp đoàn, tức là cứu công cụ chính trị của DC.

Ủng hộ hay phản đối tình trạng này là quyền của mỗi người. Những người đi làm lương cỡ $10 một giờ có quyền phản đối chuyện họ phải đóng thuế để Nhà Nước trả lương $40 cho người khác.

7. “Khi ô Obama và đảng DC cũng như các gia đình, bà mẹ của nhưng nơi có con nít bị thảm sát tập thể lên tiếng có biện pháp kiểm soát súng, được 90% dân chúng ủng hộ thì đảng CH theo lệnh NRA chống đối mãnh liệt.”

Nói đảng CH “theo lệnh của NRA (National Rifle Association, hội những người sở hữu súng) chống đối mãnh liệt” là không hiểu gì hay bóp méo tổ chức chính trị Mỹ. Tất cả chỉ là tiền và đếm phiếu, chẳng có tổ chức NRA nào ra lệnh được cho ai hết. Ngay cả trong một chính đảng Mỹ, cũng chẳng có chuyện “đảng trưởng” hay “tổng bí thư” ra lệnh cho đảng viên. Tổ chức đảng phái ở Mỹ lỏng lẻo hơn cả kỷ luật của chợ cá.

Thượng Viện do DC nắm đa số đã biểu quyết chuyện này, và gần hai chục thượng nghị sĩ DC biểu quyết cùng với khối CH chống lại, 60 phiếu chống. Nếu 90% dân Mỹ ủng hộ thì khó giải thích được sao 60 nghị sĩ lại chống. Chẳng lẽ 60 ông bà này sợ NRA hơn là sợ thất cử kỳ tới? Nói chuyện kiểm soát súng đạn là chuyện được dân Mỹ hoan hô là không hiểu gì về văn hoá Mỹ.

8. “CH chủ trương buôn bán với TC để kiếm lời cho tư bản.”

Kẻ viết này có điều mù mờ không hiểu tại sao đây lại là “cái tội” của CH. Nước Mỹ là nước tư bản hàng đầu luôn chủ trương buôn bán với các nước khắp thế giới, kể cả Trung Cộng hay Congo hay Việt Nam, hay bất cứ nước nào khác trên hành tinh này, để kiếm lời cho tư bản, dưới các chính quyền nào cũng vậy, DC hay CH chẳng có gì khác. Tại sao đây lại là cái tội của CH?

Nếu giao thương với TC là một cái tội, thì cái tội đó phải là tội của TT Clinton, là người đã bắt đầu thương thảo với TC để mang TC vào Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới WTO, cho dù điều đình mấy năm trời, mãi đến cuối năm 2001, dưới thời TT Bush con, TC mới được tổ chức này chấp nhận.

xxx

Vị độc giả còn nêu thêm nhiều ý kiến đáng bàn về CH, nhưng vì khuôn khổ bài báo có hạn, tác giả xin tạm gián đoạn đề tài bài viết lần này tại đây, để sẽ tiếp tục bàn thêm vài đề tài khác như Obamacare, Iraq, vào số báo tới. (26-05-13)

Vũ Linh

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.

…………………………………….

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics