01/07: Bước Vào Cửa Phật-Quyển 3 (tiếp theo)-Bài 3 và 4
Category: Phật Học – Phật học ôn tập-
Posted by: Tbl Đọc: 4712 lần
BƯỚC VÀO CỬA PHẬT Quyển 3
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
Nhân ngày kỷ niệm Đức Phật Thích Ca thành đạo, kể
3. CÂU CHUYỆN ĐƯỜNG XA
– Đã mỏi chân chưa con? Nhà sư già ân cần hỏi chú tiểu đồng đi theo sau.
– Bạch thầy, chưa ạ; Chú bé trả lời.
– Được, khi nào mỏi thì nói với thầy, ta sẽ nghỉ một lát. Từ sáng đến giờ, không thấy con nói chi, ta e con mệt nên hỏi như vậy. Có gì suy nghĩ thế con?
– Bạch thầy, ngày hôm qua, thầy và con nghỉ tại chùa Vân Am, ở đó đang làm lễ kỷ niệm ngày Đức Bổn Sư thành đạo. Từ tối qua đến nay, con vẫn suy nghĩ tự hỏi Đức Bổn Sư thành đạo là thế nào? Vì mải nghĩ nên con không nói gì. Vả lại, con nghĩ lông bông lắm, không có gì mạch lạc, vì thế con lại càng lẩn quẩn thêm. Thầy mở lòng từ bi giảng cho con nghe.
Vị sư già yên lặng, quay lại nhìn chú tiểu đồng. Từ khi theo thầy đi đây đi đó, chú đã học hỏi được khá nhiều, ít khi học…
… trên sách vở mà phần nhiều là qua lời chỉ dạy vắn tắt nhưng rành rẽ của nhà sư.
– Ừ, thầy nói cho con nghe. Dưới gốc cây bồ-đề, đức Thế Tôn ngồi thiền. Trước đó, Ngài đã theo hai ông thầy để học đạo, rốt cuộc không được như ý, phải bỏ đi, tự mình tìm lấy. Một ngày kia, tia sáng lóe ra trong đầu óc Ngài, Ngài đã tìm được Chân lý, Ngài đã thành đạo.
– Bạch thầy, tìm được Chân lý là thế nào?
– Nói dài, con có nhớ được chăng?
– Con xin cố gắng.
– Thế này. Đức Thế Tôn tham thiền, nhập định, suy nghĩ về vạn sự vạn vật, về vũ trụ, về nhân sinh, nhất là về nhân sinh, tức là về đời người. Ngài đã thấy rõ “cuộc đời là bể khổ”. Con còn nhớ các điều khổ tóm tắt ra sao không?
– Dạ có, chú bé nhanh nhẹn trả lời. Mọi thứ khổ tóm lại chẳng qua 8 điều: sinh, già, bệnh, chết, cầu chẳng được, ưa mà xa, ghét mà gần, năm ấm khổ. Bạch thầy đúng, cuộc đời là bể khổ. Con nhớ thoang thoáng hình như có lần Đức Thế Tôn thuyết pháp xong rồi, có đến mấy chục vị tì kheo tự vẫn.
– Không phải, đó là sau khi nghe thuyết về tấm thân xác này là túi chứa đồ dơ. Mấy vị tì kheo đó không hiểu, đi hủy cái túi chứa đồ dơ đó bằng cách tự vẫn. Thật ra “quán thân bất tịnh” là nhằm mục đích phá ái dục. Khi Ma Vương cho con gái thật đẹp đến phá Đức Phật, Ngài nạt rằng: “Túi da chứa đồ dơ kia, hãy đi mau!” Thế là bọn họ mắc cỡ, đi mất!
– Bạch thầy, tìm thấy rằng “đời là bể khổ”, nhưng đã là chân lý chưa?
– Đâu phải! Thiếu gì người biết rằng đời là bể khổ, nhưng Đức Thế Tôn biết nguyên do sinh ra khổ, biết cách chấm dứt sự khổ. Điều ấy mới là quan trọng. Nguyên do sinh ra khổ là ái dục, lòng yêu thích, lòng ham muốn, là vô minh. Muốn chấm dứt khổ thì cắt ái dục đi, dứt vô minh đi.
– Bạch thầy, như vậy là đơn giản lắm. Nhưng, làm cách nào mà cắt ái dục được, dứt vô minh được?
– Đức Thế Tôn chỉ cách: hãy thi hành tám đường chánh. Là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
– Con nhớ ra rồi. Thầy vừa mới nhắc lại Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo.
– Đúng đó. Khi Đức Thế Tôn nói pháp, làm gì có sách vở ghi chép nên muốn dễ nhớ người ta hay dùng con số. Tứ Diệu Đế là Khổ đế (nói về khổ), Tập đế (nguyên nhân của khổ), Diệt đế (diệt khổ), Đạo đế (đường thoát khổ).
– Xin thầy giảng cho con nghe về Bát Chánh Đạo.
– Con đang hỏi ta về sự thành đạo của Đức Thế Tôn. Đến lưng chừng con muốn quẹo sang nẻo khác, thế thì làm sao rõ được đề tài. Học về Bát Chánh Đạo, tức là Bát Thánh Đạo hay Trung Đạo, phải một buổi khác chớ!
– Xin vâng. Bạch thầy, nếu chỉ có thế thì Đức Thế Tôn là một nhà luân lý học.
– Không hẳn như vậy. Trong pháp của Ngài thiếu gì chỗ bàn về luân lý, nhưng dó không phải là điểm chánh. Điểm chánh, Ngài nói rõ rồi: “Như nước biển chỉ có một vị mặn, đạo của ta chỉ có một vị, đó là vị giải thoát”. Giải thoát khỏi cái gì? Khỏi vòng sanh tử luân hồi.
– Bạch thầy, thế nào là Sinh Tử Luân Hồi?
– Đây lại là một sự thật, một chân lý mà Đức Thế Tôn đã giác ngộ. Ngài dạy rằng: Tất cả mọi sự việc ta làm, nói và nghĩ, tốt hay xấu, không tốt không xấu, đều tích lũy lại thành một thứ gọi là nghiệp. Cái nghiệp này sẽ quyết định những gì ta được hưởng thụ hoặc phải hứng chịu ở các kiếp sau. Cũng như ngày nay, những gì mà ta gánh lấy là do nghiệp ở các kiếp trước đem lại. Chính cái nghiệp này làm cho con người sinh tử mãi, chết kiếp này, sống sang kiếp khác, cái nghiệp không dứt nên chìm đắm trong vòng luân hồi.
– Như vậy có phải là Luật Nhân Quả không?
– Do Luật Nhân-Quả, nhân nào quả nấy, nên mới có nghiệp. Nhân này sinh ra quả này; quả này lại làm nhân mới, sinh ra quả mới, cứ thế hoài. Cái nghiệp tích lũy lại đủ thứ, tốt, xấu, không tốt không xấu, mang nghiệp quả sang kiếp tiếp theo. Thân xác tan biến đi, thần thức mang cái nghiệp sang một kiếp sống mới.
– Con thấy có người tốt lắm mà sao lại khổ, và ngược lại có người xấu mà lại sướng.
– Có gì đâu, người tốt gây nhân lành, nhân lành sẽ gây quả lành; người tốt mà bị khổ là vì cái nghiệp xấu ở các kiếp trước đem lại kiếp này. Còn người xấu kia gây nhân ác, nhân ác sẽ gây quả ác, sau sẽ ráng chịu, còn như kẻ ác mà đang hưởng sướng là vì nghiệp lành các kiếp trước còn rớt lại.
– Bạch thầy, như vậy ai làm nấy chịu, ai tu người đó hưởng. Con vẫn nghe: “Phúc đức tại mẫu”, “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Như vậy “cha làm” mà con chịu!
– Thuyết nhân quả của Nhà Phật gọi đủ là thuyết nhân duyên quả báo. Nhân, thầy đã nói rồi. Duyên là những cái phụ vào để cho nhân thành ra quả, y như nước, phân bón, ánh nắng v.v… giúp cho hạt lúa nẩy mầm mọc thành cây lúa, cho hạt lúa vậy. Người mẹ kia ăn ở hiền lành phúc hậu, tạo ra cái khung cảnh tốt trong gia đình, người con nhờ duyên đó mà noi theo các điều lành, gây nghiệp lành cho chính mình, thế gọi là “phúc đức tại mẫu”. Có thể nói thêm phúc đức tại phụ, tại huynh đệ, tại vua quan được lắm chứ! Còn như người cha tàn ác, làm gương xấu cho con theo, đem cái duyên đến cho con làm ác, con làm ác thì gây nghiệp ác, “khát nước” là phải rồi. Tuy vậy, nếu người con biết suy nghĩ, có nghị lực thì có thể phản ứng lại, gây duyên lành để cho cha hồi tỉnh. Có gì cấm đoán điều đó đâu? Có gì bắt buộc gặp cảnh nào thì chịu theo đó đâu; đem chánh kiến, chánh tư duy ra để biết, rồi làm chánh nghiệp, tức là gây nghiệp tốt, thế là hiểu bát chánh đạo chứ còn gì.
– Bạch thầy, thế là Đức Phật đã tìm ra chân lý và chân lý đó có nhiều định luật. Nay con đã biết luật nhân quả, chính luật nhân quả đã tạo ra cái nghiệp, chính cái nghiệp làm cho con người luân hồi, kiếp sau làm người khác.
– Đại khái là như thế. Nhưng cẩn thận. Không chắc kiếp sau làm người khác đâu. Có 6 đường cho kiếp sau: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, a-tu-la, nhân, thiên, ba đường kể trước là ba đường ác, tức là ác đạo. Ba đường sau là ba đường lành, tức là thiện đạo. Có 4 đường nữa là thanh văn, duyên giác, bồ-tát, Phật. Đó là bốn thánh đạo của những bậc đã giải thoát khỏi sinh tử luân hồi.
– Đức Phật nhìn thấy đủ 10 cảnh giới, chúng ta chỉ thấy có một cảnh giới là cảnh người. Những ai thiếu lòng tin có thể lý luận rằng đức Thế Tôn đã tưởng tượng ra như vậy. Ngài dùng phép gì mà thấy?
– Có 5 loại mắt: nhục nhãn, thiên nhãn, huệ nhãn, pháp nhãn và Phật nhãn. Nói là mắt cho dễ hiểu, chắc đâu phải là mắt. Đó là sự biết, sự hiểu biết, một khả năng để biết, theo trình độ giác ngộ tiến lên dần dần cũng như người đi học ngoài đời qua bậc tiểu học rồi lên trung học, đại học vậy. Chưa nên nói về chỗ này ngay bây giờ, sợ lạc đề. Chúng ta tiếp tục: đức Thế Tôn nhận thấy cuộc đời là bể khổ và chỉ cho chúng sinh con đường giải thoát. Để thoát khổ, phải hành Bát Chánh Đạo, và còn nhiều đường nữa, gọi chung là 37 phẩm trợ đạo trong đó gồm luôn Bát Chánh Đạo. Trước khi, hay khi tu hành như vậy, phải hiểu thêm các lý, vì hành thuộc về phần sự, Lý và Sự phải đi đôi.
– Bạch thầy, đó là những lý nào?
– Tóm tắt lại, Đức Thế Tôn dạy về khổ, vô thường, vô ngã, không, niết-bàn và thực tướng. Ngài thành đạo là vì đã thấu suốt hết các lý đó, đem ra ứng dụng để thành Phật.
– Xin thầy giảng ngắn cho con nghe các lý đó.
– Trên đây, đã nói tứ diệu đế, phần niết-bàn nằm trong diệt đế. Ở đời, chẳng có gì là bền vững, từ trái núi to lớn kia cho đến con vật nhỏ li ti dưới nước. Cái gì cũng thay đổi, có thứ thay đổi từng giây từng phút, có thứ phải cả thế kỷ mới thay đổi, nhưng cái gì cũng thay đổi. Đó là lý vô thường. Đã biết vô thường thì đừng có tham đắm làm chi; không tham đắm thì khỏi khổ, đơn giản quá phải không? Còn như vô ngã, nôm na là “không có ta”. Quả là rắc rối! Cái ta sờ sờ ra đây mà nói rằng không có ta, như thế có vẻ gàn. Nhưng, phân tích cho cùng, cái ta đây chỉ là một sự kết hợp của xương thịt tức phần vật chất hay sắc, với mấy thứ nữa là thọ, tưởng, hành, thức, tức phần tinh thần. Mấy thứ đó không kết hợp nữa thì không có cái ta. Biết không có ta thì hết ích kỷ, hết nghĩ đến “ta”, “của ta”, danh lợi, tiền tài, ta và người, ta và chúng sinh, ta và vạn vật là một. Là một thì phải thương yêu, do đó lòng từ bi phát sinh, từ bi là một trong hai đức căn bản từ bi và trí tuệ của Phật giáo.
Nói vậy thì dễ nhưng thực hành vô cùng khó khăn. Hiểu được lý vô ngã đã khó mà hành được lý vô ngã còn khó hơn nhiều. Còn lý Niết-bàn là như thế này: không phải Niết-bàn là một nơi chốn sung sướng như người ta nói thiên đàng đâu. Người đạt đến Niết-bàn là người diệt được tham, sân, si tức tam độc, thực hiện được lý vô ngã và thoát khỏi sinh tử luân hồi.
– Bạch thầy, ai, cái gì vô Niết-bàn?
– Lúc chết rồi, thần thức đầu thai sang kiếp khác, đó là trường hợp thông thường. Còn như việc nhập Niết-bàn, cái gì nhập Niết-bàn, thầy chưa học đến chỗ đó. Tuy vậy, không nên nói “nhập Niết-bàn” mà nên nói “chứng ngộ Niết-bàn”. Niết-bàn là một tình trạng của tâm, không phải một nơi chốn. Các bậc tu hành chứng ngộ Niết-bàn chỉ các bậc đó mới biết, không có chữ để tả ra được, vì thế ai tu đến mức đó mới biết, phải chính mình chứng, không ai kể ra được sự chứng ngộ đó bằng ngôn ngữ thông thường.
– Bây giờ con mới hiểu thế nào là “đạo bản vô ngôn thuyết” và trong kinh Kim Cương có đoạn ghi “Là không thể nói được”. Con nghĩ rằng đến chỗ đó thì quả là “không thể nói được”.
– Phải đó. Cái chân lý của phàm phu chúng ta gọi là tục đế. Cái chân lý của các bậc thánh gọi là chân đế hay đệ nhất nghĩa đế. Đến mức này là mức tuyệt đối, thoát ra ngoài cảnh tương đối rồi, nên không còn thiện ác, thánh phàm, vì thế mới nói “Niết Bàn tức phiền não, Phật tức chúng sinh”. Khi nào học kinh cần phải chú ý đến hai loại chân lý đó thì mới không bị hoang mang. Bát-nhã Tâm Kinh ghi: “vô trí diệc vô đắc”, rồi ngay dưới lại ghi “đắc a-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề”. Mới nghe thấy mâu thuẫn “vô đắc rồi lại đắc”, nhưng phần trên là đệ nhất nghĩa đế, phần dưới là tục đế!
– Bạch thầy, xin cho con vài chữ về thực tướng.
– Trong Kinh Thập Thiện, đức Thế Tôn đại ý bảo Long Vương rằng: các loài trong đại hải này hình tướng khác nhau rất nhiều. Đó là mới nói đến các loài cá, cua, tôm, sò v.v… dưới nước, nếu nói mọi chúng sinh thì hình tướng khác nhau cả. Ngay như người ta trong cõi đời này, có ai giống hệt ai đâu? Đó là nói về hình tướng, tức là cái hình thức bên ngoài. Nhưng, theo đức Thế Tôn, tất cả đều có chung một bản thể, một thứ không nhìn thấy được, bản thể đó có nhiều tên để gọi, tùy theo kinh sách. Có nơi gọi là Phật tánh, là Di Đà tự tánh, là Chân tâm, tâm Chân như, Bổn lai diện mục v.v… tất cả các tên đó chỉ là tạm, không mô tả ra được cái bản thể. Bản thể đó bao trùm tận hư không, cái đó là có thật, các hình tướng tuy có nhưng chỉ là giả thôi, vì thế cái bản thể ấy được gọi là thực tướng. Tóm lại, hình tướng thì khác nhau, nhưng thực tướng là một. Biết vô ngã, biết vô thường là mới biết về hiện tượng. Biết thực tướng mới là biết về bản thể. Gọi cho dễ hiểu, dễ tưởng tượng, người ta dùng danh từ Pháp thân Phật. Nhập Niết-bàn, chứng ngộ Niết-bàn là hòa vào Pháp thân đó, tan vào bản thể của vũ trụ, và như vậy sẽ thường trụ khắp nơi và sẽ “là” tất cả. “Là” tất cả nên biết tất cả, do đó mới gọi là Phật nhãn, do đó mới hiểu Phật có khắp nơi và có mọi lúc. Thầy trò mình hàng ngày niệm Đức A-Di-Đà, sự thật là chúng ta niệm Pháp thân Phật đó, vì Đức A-Di-Đà là gì? Ngài Vô-lượng-quang (chiếu khắp nơi) và Vô-lượng-thọ (lúc nào cũng có), chẳng phải chính là Pháp thân Phật đấy ư?
– Bạch Thày, tu Phật là nhằm mục đích gì?
– Nhằm đạt đến Pháp thân Phật.
Xa xa, mái chùa Pháp Hoa đã hiện ra, sắp tới nơi nghỉ, nhà sư không nói thêm nữa, chú tiểu sốc lại gói hành lý trên vai, yên lặng mà bước, mắt hướng về chùa. □
4. CÂU CHUYỆN TRÊN ĐỈNH NÚI
Sau khi từ biệt nhà sư trụ trì chùa Giải Oan ở ngay chân núi, hai thầy trò bắt đầu lên dốc. Mới đi chân còn khoẻ, nhà sư già bước thoăn thoắt, chú tiểu đồng nhanh nhẹn theo sau. Qua một đoạn đường gần như dựng đứng, họ đến một khu đất khá rộng và phẳng với mấy chục ngôi tháp, ngôi lớn nhất và đẹp nhất là tháp vua Trần Nhân Tông – vị sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử – bỏ ngôi đi tu, tên là Điều Ngự Giác Hoàng hay Hương Vân đại đầu đà.
Không nấn ná nhiều, họ tiến nhanh trên đường dốc để lên chùa Hoa Yên, ngôi chùa chính của khu Yên Tử, lớn và đẹp. Tiểu đồng đứng dưới cây đại già, đọc được đôi câu đối:
Dẹp giặc độ chúng sinh, làm vua làm Phật,
Dạy dân tu thiền giáo, yêu đạo yêu đời.
Suối Ngự róc rách chảy bên cạnh chùa. Hai thầy trò rửa mặt rồi tiếp tục lên cao. Con đường không phải là đường, thật ra chỉ là một lối đi chật hẹp, cheo leo, hai người gắng theo hẻm nhỏ giữa hai vách đá để đến Cửa Trời.
Không khí trong lành, mát mẻ, làm cho người ta quên cả mệt nhọc, cố cất bước thêm, mong lên đỉnh núi. Mục tiêu đã đạt: hai thầy trò đến chùa Đồng, gọi là chùa mà thật ra chỉ là một cái am, mỗi bề chừng hơn một mét, cao khoảng một mét rưỡi. Gọi là chùa Đồng vì làm bằng đồng, nhưng sau bị mất nên được làm lại bằng gạch.
Hai thầy trò thắp nhang làm lễ, xong ngồi nghỉ, phóng tầm mắt ra xa. Được ngày trời đẹp, họ thấy tận Vịnh Hạ Long. Gió từ biển thổi vào làm cho cả ngàn cả vạn cây thông rung động vi vu. Trước cảnh bao la thơ mộng ấy, hai thầy trò không ai nói câu nào. Quay về phía tay mặt, xa xa, một rặng núi hiền lành mờ mờ xanh xanh ven theo dòng sông Kinh Thầy. Ngọn Yên Phụ ở đó chăng?
Thấy chủ tiểu yên lặng, vị sư già hỏi:
– Con có điều gì suy nghĩ thế?
– Dạ, bạch thầy, đứng trước cảnh này con nghĩ đến hai câu: “Dù ai quyết chí tu hành, có về Yên Tử mới đành lòng tu”. Và con không ngạc nhiên về việc lên núi này để tu hành. Tuy nhiên bỏ cả ngai vàng để đi tu như ngài Điều Ngự Giác Hoàng, điều ấy làm con tự hỏi: Đạo Phật có những điểm gì đặc biệt đến mức thu hút cả bậc đế vương như vậy.
– Có chứ!
– Xin thầy thương dạy cho con.
– Được, đạo Phật có một số đặc điểm. Thứ nhất, đạo Phật không nhận có một đấng thần linh sáng tạo ra vũ trụ, vạn vật, nghĩa là không nhận có một nguyên nhân đầu tiên. Ở Đông phương, ngoài đạo Phật còn đạo Lão nói đến “nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật”. Cái “nhất” ấy là “ĐẠO”; Đạo Khổng nói đến “thái cực sinh lưỡng nghi (âm dương), lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái …”. Nguyên nhân đầu tiên ĐẠO, THÁI-CỰC không có hình tượng và không được nhân cách hóa.
– Bạch thầy, thế thì đạo Phật nói đến cái gì?
– Đạo Phật có cái lý duyên khởi. Nhân gặp đủ duyên thì có sự vật. Cái nầy làm nhân cho cái khác, cái khác lại làm nhân cho cái khác nữa, muốn có quả thì phải đủ duyên. Vì lập trường ấy mà có người cho rằng đạo Phật là vô thần. Điều này cần xét lại vì cái quan niệm về vô thần và hữu thần cần phải rõ rệt mới thảo luận sâu hơn được.
– Đạo Phật còn đặc điểm gì nữa, bạch thầy?
– Đạo Phật có thuyết vô ngã tức là “không có ta”. Lý vô ngã rất khó. Nôm na mà nói thì đức Phật dạy như thế này: Cái mà ta vẫn coi là ta gồm có thân và tâm. Thân chẳng qua là do những cái khác hợp lại mà thành, Phật học gọi đó là duyên hợp. Hết duyên thì hết thân. Thân tuy có, mà là “giả có” chứ không thật có. Tâm thì biến chuyển từng giây từng phút, lúc vui lúc buồn, lúc thương lúc giận. Nó tuy có mà là “giả có”. Cái ta mà người ta thường nói đến chỉ là “cái ta” do xã hội qui ước ra, gọi là “ta” cho tiện thôi!
– Có thầy đây, có con đây, mà lại bảo rằng không có ta, thật là bí hiểm!
– Thế mới gọi là đặc điểm, phải mất nhiều thời gian tham cứu mới “ngấm”, phải mất nhiều thời gian tu tập mới “vô”.
– Thế là hai đặc điểm rồi, bạch thầy.
– Đúng, cái thứ ba là: Đạo Phật đòi hỏi Phật tử “hiểu rồi mới tin” chứ không phải “nghe gì tin nấy”. Có cả một bài kinh nói về chuyện nầy, đó là kinh Kalama và đặc biệt nhất là điểm thứ tư: Tính cách khoan dung. Đức Phật dạy đệ tử không được bài bác các tôn giáo khác. Khi có một người khác đạo đến xin quy y Phật, Ngài bảo nên về suy nghĩ kỹ rồi hãy quyết định và khuyên người đó phải tôn trọng sư phụ cũ. Vì tính cách khoan dung đó mà trong lịch sử không có chiến tranh nào mang tính cách Phật giáo cả.
– Bạch thầy, đạo Phật có giáo điều không?
– Tùy theo cách hiểu biết. Có người bảo rằng giáo điều của đạo Phật là “Vạn pháp có chung một bản thể tuy rằng hình tướng khác nhau. Ai cũng có Phật tánh, ai cũng có thể thành Phật được”. Điều này cho biết: người tu Phật có thể thành Phật như vị sáng lập ra Phật giáo. Ở tôn giáo khác, đệ tử không thể lên ngang giáo chủ được! Vì không thể “chứng minh” rằng vạn pháp có chung một bản thể và ai ai cũng có Phật tánh, nên người ta nghĩ rằng câu ấy là một giáo điều. Tuy nhiên cũng có người trả lời rằng: Tu hành đến chứng ngộ sẽ “thấy”, không ai chỉ cho được!
Mặt trời đã ngả bóng, hai thầy trò khoác bị lên vai, ngắm nhìn cảnh vật xung quanh một lần nữa; những đám mây trắng cuồn cuộn nổi bật trên nền trời xanh bắt đầu ngăn tầm mắt phóng ra vịnh Hạ Long và đảo Cát Bà, nhưng gió mát vẫn thổi nhè nhẹ, rừng thông vẫn reo vi vu êm ả, lòng người lâng lâng, vừa say mê cảnh đẹp của đất nước, vừa muốn theo dấu chân của Điều Ngự Giác Hoàng.
Hai thầy trò đi lần xuống núi, đến chùa Hoa yên nghỉ đêm tại đó. Ăn xong lương khô đạm bạc cạnh đống lửa đốt lên để xua khí lạnh ban đêm, thầy trò ngồi yên lặng.
Thầy nhập thiền, trò nghiền ngẫm về những điều vừa được nghe. Chú tiểu đồng bỗng nhớ lại câu: Đạo là để thực hành chứ không phải là để nghiên cứu xuông.
Ánh bình minh ló rạng, chú tiểu có cảm giác lòng mình cũng đang có bình minh. □
Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
Hình: Vườn Phật -Dọc sông Mekong-Lào-NN sưu tầm