02/04: 37.Trưởng giả Cấp Cô Độc-38.Chùa Dâu .

Header
02/04: 37.Trưởng giả Cấp Cô Độc-38.Chùa Dâu
Category: Phật Học – Phật học ôn tập-
Posted by: Tbl Đọc: 6115 lần

BƯỚC VÀO CỬA PHẬT-Quyển 2

Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú

Bài 37.Trưởng giả CẤP CÔ ĐỘC

1. Khi tụng kinh A-Di-Đà, cũng như khi tụng nhiều kinh khác, Phật tử chúng ta bắt đầu bằng câu : “Chính tôi được nghe : vào một thời kia, đức Phật trụ ở vườn Cấp Cô Độc, rặng cây Kỳ đà, thuộc nước Xá -Vệ, …”.
Cấp Cô Độc là ai? Có liên hệ gì với Phật giáo thời đức Thế Tôn còn tại thế?
Hôm nay, chúng tôi xin trình bày vài điều về vị trưởng giả Cấp Cô Độc ấy, người được gọi là một đại hộ pháp của Phật giáo.
2. Tại kinh thành Xá-Vệ nước Câu-Tất-La do vua Ba-Tư-Nặc trị vì, có một vị thương gia tên là Tu-Đạt-Đa rất giầu có, được coi là người giầu nhất nước. Dinh cơ của ông thật to lớn tráng lệ, gia nhân của ông hết sức đông đảo. Một điểm đặc biệt nơi ông là lòng từ thiện rất rộng rãi, lúc nào ông cũng tích cực giúp đỡ những người nghèo đói, khổ sở, già nua, bệnh tật, cô đơn. Vì thế người ta gọi ông là Cấp Cô Độc (nghĩa là…

… chu cấp cho những người cô độc) hay là Chẩn tế bần phạp (chẩn tế nghĩa là giúp đỡ, bần phạp nghĩa là nghèo túng), Cấp chư cô lão (cô lão nghĩa là người già cô đơn). Được người đời xưng tụng như thế, hẳn là hạnh bố thí của ông phải cao lắm! Theo tiếng Phạn thì danh hiệu ấy của ông viết là Anātthapindika, trong đó anāttha nghĩa là không được ai che chở và pindika nghĩa là dân nghèo. (1)
Ông Tu-Đạt-Đa có gia đình : ông có vợ và ba con gái, một con trai. Bà Tu-Đạt-Đa tên là Punnalakkhana (tên này có nghĩa là người phụ nữ có phúc tướng), bà là một người hiền lành, đối xử với gia nhân có độ lượng nên được kính mến. Cũng như chồng, bà là một Phật tử thuần thành, một trong các nữ tín đồ đầu tiên của đức Phật, và thường xuyên thành tâm hộ trì Tam Bảo. Cả ba cô con gái đều là người đức hạnh, thấm nhuần chánh pháp, y giáo tu hành, và đều đắc quả. Riêng người con trai thì hàng ngày chỉ mài miệt trong công việc kinh doanh và chăm lo quản trị tài sản khổng lồ của gia đình, ít chú tâm tu tập nhưng sau được cha hướng dẫn vào đường Đạo và theo được gương sáng của cha, trở thành một đại hộ pháp và cũng đắc quả.
3. Thời bấy giờ, khi mới thành đạo vô thượng bồ-đề, đức Phật Thích-Ca đến thành Vương Xá, kinh đô nước Ma-Kiệt-Đà do vua Tần-Bà-Sa-La trị vì. “Vua Tần-Bà-Sa-La quy y Phật, cúng cảnh Trúc Viên cho Phật và ngôi Tam Bảo, để Phật an trụ nơi đó mà truyền bá đạo lý. Vua cất luôn nơi đó cảnh Tinh xá rất trang nghiêm, có đủ nhà giảng, tăng phòng và mọi đồ vật dụng cho Giáo Hội. Tại Trúc Viên, Phật dạy đạo cho mấy vị đệ tử đại danh đầu tiên như các ngài Xá-Lỵ-Phất, Mục-Kiền-Liên, Ma-Ha Ca-Diếp v.v… Cảnh Trúc Viên là ngôi Tinh xá trước nhất mà người ta dâng cúng cho Giáo Hội vậy” (theo Phật học Từ điển của Đoàn Trung Còn).
Một ngày kia, do công việc buôn bán, ông Cấp Cô Độc đi từ thành Xá-Vệ tới thành Ma-Kiệt-Đà. Ông tới ngụ tại nhà một người anh rể và cũng là một bạn thân. Thấy gia đình này đang bận rộn tíu tít, hình như đang lo thu xếp đón tiếp quốc vương hay là đón một vị thượng khách nào đó, ông ngạc nhiên.
Hỏi rõ thì biết rằng họ đang sửa soạn cung nghinh đức Phật và chư Tăng. Thì ra người anh rể của ông Cấp Cô Độc, cũng là một đại phú thương, đã quy y Tam Bảo và đã phát tâm cúng dường Giáo Hội một số tịnh cốc.
Ông Cấp Cô Độc nghe nói đến Phật đang ở gần thì thao thức suốt đêm, mới sáng tinh mơ ông đã tìm đường tới Trúc Lâm tịnh xá.
Tới nơi, trong làn sương buổi sớm, ông thấy ở đằng trước ông một người đang đi kinh hành. Bỗng người ấy quay lại, gọi đích tên thực của ông bằng một giọng rất hiền hòa. Vô cùng kinh ngạc, ông cảm thấy một sức mạnh vô hình kéo ông tiến lên và khi đến gần, ông vội sụp lạy, đó chính là đức Phật. Ông vấn an Ngài và được Ngài chúc lành. Rồi ông theo chân Ngài đi kinh hành. Vừa đi Ngài vừa giảng giải căn bản Pháp Bảo cho ông. Khi Ngài nhận thấy thiện căn của ông đã lộ rõ, tâm thức đã khai mở, Ngài bèn thuyết Tứ Diệu Đế cho ông. Lành thay! Ông giác ngộ, hiểu vạn pháp đúng như sự thật và tin tưởng sâu xa, vững chắc vào Đạo Giải Thoát, ông đắc quả tu-đà-hoàn.
4. Đức Phật được anh rể của ông Cấp Cô Độc cung thỉnh đến nhà để cúng dàng trai tăng. Nhân dịp này, ông Cấp Cô Độc xin Ngài cho ông được xây cất một tinh xá tại thành Xá-Vệ ở nước ông là nước Câu-Tất-La. Ngài bảo ông rằng chư Phật chỉ ưng những nơi thanh tịnh. Ông hiểu ý Ngài và thưa rằng ông sẽ tìm một nơi an tịnh gần Xá-Vệ.
Về đến nhà, sau khi cố gắng, ông tìm được một khu rừng thưa cây gần thành Xá-Vệ thuộc quyền sở hữu của thái tử Kỳ Đà, con vua Ba-Tư-Nặc. Ông hỏi mua nhưng thái tử không có ý bán. Thấy ông khẩn khoản mãi, thái tử ra giá thật cao, cốt ý cho ông thoái chí. Không ngờ ông ưng thuận điều kiện trải vàng kín cả khoảng đất mà ông muốn mua. Thái tử phải chịu vậy. Ông Cấp Cô Độc bèn cho gia nhân chở vàng đến phủ kín đất nhưng chỉ vừa đủ đất để xây chùa mà thôi nên phải về chở thêm.
Hết sức xúc động trước đạo tâm và hạnh bố thí cúng dường của vị thí chủ ấy, thái tử Kỳ Đà bảo ngưng chở vàng và chính ông cũng phát tâm cúng dường vùng đất cùng cây cối còn lại. Hơn thế nữa, khi ông Cấp Cô Độc cho thợ xây cất chính điện, tịnh thất và giảng đường, trai đường, tăng phòng, đường kinh hành với mọi căn nhà phụ thuộc cùng ao sen, giếng nước v.v… thì thái tử sai xây cất mọi thứ ngoại vi như tường bao, cổng ra vào, sân cỏ, vườn cảnh với hoa lá màu sắc xinh tươi. Chính vì lý do này mà sách vở về sau gọi tên nơi này là Kỳ thụ Cấp Cô Độc viên nghĩa là cây của thái tử Kỳ Đà, vườn của ông Cấp Cô Độc. Người ta cũng gọi ngắn là Kỳ Viên.
5. Xong việc xây cất, ông Cấp Cô Độc cung thỉnh đức Phật tới nơi làm lễ lạc thành để ông dâng hiến ngôi chùa có tính cách quan trong trong lịch sử Phật giáo. Đức Phật thuyết pháp độ sinh trong 45 năm, Ngài đã nhập hạ 19 lần ở Kỳ Viên, việc ấy cho chúng ta thấy rằng nơi này quả thật có tính cách thiêng liêng.
Khi đức Phật và chư Tăng an trú tại Kỳ Viên thì ông Cấp Cô Độc cùng gia đình và gia nhân chăm lo về mọi phương diện. Danh từ Phật học nói gọn là tứ sự cúng dường, nghĩa là thức ăn, quần áo, nơi ở giường nằm và thuốc men. Trong thực tế, ông Cấp Cô Độc còn chú ý đến nhiều chi tiết khác như săn sóc vườn hoa cây cảnh, cây cối lớn nhỏ, giếng nước cùng hồ tắm v.v… Không những ông là một đại hộ pháp của chùa Kỳ Viên mà ông còn là đại hộ pháp của chư tăng không cư ngụ trong Kỳ Viên: ông thường cúng dàng trai tăng, có khi trong nhà ông có tới hàng ngàn vị được cung thỉnh, như thế ta biết rằng dinh cơ biệt thự của ông lớn đến chừng nào.
Có một lần, địa phương của ông Cấp Cô Độc bị một cơn bão lụt lớn, tài sản của ông coi như tiêu tán: nhà cửa bị đổ nát, tiền bạc bị cuốn trôi. Dù bị đẩy vào cảnh nghèo khó, ông vẫn tận tâm cúng dàng Tăng Bảo trong phạm vi tài lực của mình. Nhưng do sức phù hộ của các thiên thần hay nói cách khác, do phúc nghiệp vĩ đại của ông, chẳng bao lâu ông lại trở nên giàu có, mà giàu có hơn trước nữa, để tiếp tục công việc hộ pháp của mình.
6. Không phải lúc nào đức Phật cũng trụ tại Kỳ Viên vì Ngài còn phải đi hoằng pháp nhiều nơi khắp lưu vực sông Hằng. Những lúc ấy, ông Cấp Cô Độc không thể hàng ngày đến lễ bái hầu hạ Ngài được. Ông bèn xin với chư Thánh tăng giúp ông có cách gì để hàng ngày nhớ đến đức Phật, chiêm ngưỡng và lễ bái. Ngài A-Nan bạch chuyện ấy với đức Thế Tôn và được Ngài dạy rằng có ba hình thức là bảo tháp tức đền thờ, thánh địa tức nơi ghi dấu các di tích và cuối cùng là nơi lưu giữ những vật kỷ niệm. Suy nghĩ kỹ, ông Cấp Cô Độc chọn cách thứ ba là đem trồng một nhánh cây bồ-đề tại cổng của Kỳ Viên. Ngài Mục-Kiền-Liên dùng thần thông giúp ông việc này: ngài tới Khổ Hạnh Lâm, cạnh sông Ni-Liên-Thiền, bẻ một nhánh cây bồ-đề là nơi đức Phật ngồi nhập định trước khi thành đạo, đem về cho ông. Ông Tu-Bồ-Đề được vua Ba-Tư-Nặc nhường cho cái vinh dự trồng cây bồ-đề này. Nhà vua nghĩ rằng tuy đất nằm trong lãnh thổ của nhà vua nhưng với việc gieo mầm Phật giáo trên cả nước thì rõ ràng là ông Cấp Cô Độc là người xứng đáng nhất để nhận vinh dự ấy.
7. Khi ông Cấp Cô Độc bị bệnh nặng thì hai thánh tăng là trưởng lão Xá-Lỵ-Phất và tôn giả A-Nan đến thăm. Ngài Xá-Lỵ-Phất nhận thấy ông Cấp Cô Độc sắp lìa đời bèn thuyết pháp cho ông, đại ý khuyên ông dứt khoát buông xả sự dính mắc với lục căn, tách rời tâm thức ra khỏi lục trần, không cho lục thức duyên theo lục trần nữa. Ngài A- Nan khuyên ông giữ tâm bình thản, thanh tịnh.
Khi Ngài Xá-Lỵ-Phất cho ông biết rằng những lời thuyết pháp ấy chỉ để dành cho các vị xuất gia nhưng nay đem thuyết cho ông vì tâm của ông không khác gì tâm của một vị đại sa-môn, ông Cấp Cô Độc thỉnh cầu đức Phật và chư Thánh tăng ban cho hàng cư sĩ tại gia nhiều phạm hạnh được nghe các bài pháp nhiệm mầu như vậy. Sau đó, ông Cấp Cô Độc nhập chánh định và xả báo thân ngũ uẩn, giác linh của ông được lên cõi trời Đâu-Suất.
Phật học Từ điển của Đoàn Trung Còn ghi rằng : “ Trong Soạn tập bá duyên kinh đức Phật có thọ ký cho ông Cấp Cô Độc quả bồ-đề vô thượng, mách rằng trong ba a-tăng-kỳ kiếp, ông Cấp Cô Độc sẽ thành Phật hiệu là Abhayaprada (Cấp cho sự yên ổn)”.
Cuốn sách nhỏ nhan đề Sự tích Tu-Đà Cấp Cô Độc của Hellmut Hecker, do Nguyễn Điều dịch, cho biết rằng : “Điều đáng tưởng niệm và ngưỡng mộ vị cố đại ân nhân Phật giáo ở đây là sau khi gia nhập Thiên chúng, “ông” là vị thiên thần hộ trì Tam Bảo nhiệt thành nhất. Theo kinh sách kể lại thì chùa Kỳ Viên, sau lễ hỏa táng Tu-Đà, có nhiều đêm được Thiên chúng viếng thăm. Hào quang sáng rực. Vị dẫn đầu chư Thiên thần ấy dĩ nhiên là giác linh cố cư sĩ Tu-Đà Cấp Cô Độc”.
Sách ấy còn cho biết : “Trong mười tám bài pháp nói đến Tu-Đà Cấp Cô Độc ghi trong Tạng kinh, có mười bốn bài do đức Phật tùy cơ duyên tự nói ra, một bài Phật thuyết do Tu-Đà đặt câu hỏi, một bài khác Phật giảng sau khi nghe Tu-Đà thuật chuyện đã đối thoại với những đạo sĩ Bà-la-môn giáo. Và sau cùng là hai bài pháp do tôn giả A-Nan và trưởng lão Xá-Lỵ-Phất đến bên giường bệnh của Tu-Đà để nhắc nhở. Mười tám bài pháp này chứng tỏ rằng trong kho tàng Phật giáo, hẳn đã có một phần quan trọng dành riêng cho người cư sĩ hay Phật tử tại gia, khi họ muốn đạt đến thánh quả mà không cần sống trong Giáo Hội!” □

Bài 38. CHÙA DÂU

Bà Trưng quê ở châu Phong,
Giận người tham bạo, thù chồng chẳng quên,
Chị em nặng một lời nguyền,
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân …
Hai Bà Trưng đuổi được quân Tàu, lên ngôi trị nước. Đó là vào khoảng năm 40 dương lịch.
Đô kỳ đóng cõi Mê Linh,
Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta.
Làm vua mới được 3 năm, Hai Bà phải chống lại số quân rất lớn của tướng Mã Viện mà nhà Hán bên Tàu cử sang đánh nước ta. Thua trận, Hai Bà từ trầm ở sông Hát. Nước ta lại bị nhà Hán đô hộ.
Gần hai trăm năm sau, vào cuối thế kỷ thứ 2, tức là cách đây hơn 1800 năm, có một viên quan thái thú người Tàu tên là Sĩ Nhiếp. Ông này là một người tốt nên dân ta gọi là Sĩ Vương. Ông ta cho đắp thành Luy Lâu (còn gọi là Liên Lâu) trên bờ phía Nam sông Đuống (là con sông nối sông Hồng với sông Thái Bình). Ngày nay gần chỗ đó còn một ngôi chùa tục gọi là chùa Dâu, chùa này được coi như là chùa cổ nhất ở nước ta.
Chùa Dâu ở thôn Khương Tự, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội chừng 30 km về phía Tây, trên bờ sông Dâu, sông này là một nhánh của sông Đuống (sông Đuống tên chữ là sông Thiên Đức, người Pháp gọi là Canal des Rapides). Khi mới được thành lập thì Luy Lâu là một trung tâm văn hóa, tôn giáo và thương mại sầm uất, nay chỉ còn chút ít di tích mà thôi.
Chùa Dâu còn những tên sau đây : chùa Pháp Vân, chùa Cổ Châu (thời Lý), chùa Thiền Định (thời Trần), chùa Diên Ứng (thời Lê).
Muốn hiểu rõ lai lịch của chùa Dâu thì phải tìm đọc cuốn Lĩnh Nam Trích Quái là một tác phẩm vô danh thời Hậu Lê ghi lại những truyện lạ ở Lĩnh Nam tức là ở nước ta, thí dụ như truyện Họ Hồng Bàng, truyện Thánh Tản Viên, truyện Phù Đổng Thiên Vương, sự tích bánh chưng, dưa hấu v.v… Truyện thứ 14 là truyện Man Nương, tóm tắt như sau này :
Có một nhà sư Thiên Trúc (Ấn-Độ) sang nước ta, tu tại một ngôi chùa bên bờ Bắc sông Đuống; ông ta được nhiều người phục vì có pháp thuật. Một người con gái tên là Man Nương từ làng Mãn Xá bên bờ Nam tới theo học. Một hôm, khi nàng mệt, ngủ thiếp bên bậu cửa, thì nhà sư vô tình bước qua; nàng thụ thai. 14 tháng sau, sanh được một bé gái, nàng mang đến cho nhà sư. Nhà sư nhận, bế đứa bé đến một cây đa lớn bên sông rồi niệm thần chú. Khi cây nứt ra, ông đặt đứa bé vào trong, cây khép lại. Nhà sư cho Man Nương một cây gậy, dặn rằng khi nào hạn hán thì dùng gậy cắm xuống đất, sẽ có nước phun ra. Nhờ cây gậy đó mà dân chúng trong vùng nhiều lần thoát nạn hạn hán. Một ngày kia, cây đa nói trên đổ xuống sông và trôi về làng Dâu. Mọi người không sao kéo nổi cây, chỉ có Man Nương (lúc đó đã già) kéo cây vào bờ được. Do thần nhân báo mộng, dân làng xẻ cây ra để tạc bốn bức tượng thờ thần Mây, Mưa, Sấm, Chớp tức là Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện (Tứ Pháp). Trong thân cây, người ta tìm được một tảng đá tỏa sáng (Thạch Quang), người ta cho rằng đó chính là người con gái mà xưa kia nhà sư đã đặt vào thân cây, nay hóa đá.
Tượng bà Pháp Vân (bà Dâu) được thờ ở chùa Dâu. Tượng bà Pháp Vũ (bà Đậu) thờ ở chùa Đậu (tức chùa Thành Đạo). Tượng bà Pháp Lôi (bà Tướng) thờ ở chùa Phi Tướng. Tượng bà Pháp Điện (bà Dàn) thờ ở chùa Phương Quang. Bốn chùa này làm thành một hệ thống, gọi là hệ thống Tứ Pháp. Còn một chùa nữa ở Mãn Xá, thờ Phật Mẫu Man Nương, được coi như mẹ chung của bốn bà. Hàng năm, chùa Dâu mở hội vào ngày mồng 8 tháng tư âm lịch.
Dù ai đi đâu về đâu,
Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về.
Dù ai buôn bán trăm nghề,
Nhớ ngày mồng tám thì về hội Dâu.
Cái tháp nói đây là tháp Hòa Phong của chùa Dâu, trước kia có chín tầng, nay chỉ còn ba tầng, tuy cổ nhưng vẫn còn vững chãi, trơ gan cùng tuế nguyệt.
Chùa Dâu là một trung tâm Phật giáo nổi tiếng của nước ta. Nơi chùa này, nhiều nhà sư danh tiếng trụ trì, thuyết pháp độ sinh và truyền pháp cho môn đệ. Vị sư Thiên Trúc Tì-Ni-Đa-Lưu-Chi sang đây khoảng năm 580. Ngài truyền tâm ấn cho đệ tử là Pháp Hiền, vị này sau trở thành một danh tăng. Còn nhiều vị khác như Quán Duyên, Trì Bát, Định Không, Thiện Hội …
Còn một điều rất đáng lưu ý là : chùa Dâu nổi tiếng vì sự linh ứng trong việc cầu mưa khi gặp nạn hạn hán. Không phải chỉ có dân làm lễ cầu mưa mà các vua quan cũng cầu mưa. Sử chép rằng vua Lê Nhân Tông đã cho rước tượng bà Pháp Vân về chùa Báo Thiên ở kinh đô Thăng Long để làm lễ cầu mưa. Nhà vua hầu Hoàng Thái Hậu đến dự lễ và ngày ấy tha cho 24 người tù bị tình nghi. Vua Lê Thánh Tông làm tới ba bài thơ về chùa Dâu và một bài thơ về chùa Đậu. Nhà nho Lý Tử Tấn (1378-1460) đã soạn văn bia chùa Dâu (Pháp Vân cổ tự bi ký) ; việc các nhà nho soạn văn bia cho nhà chùa không phải là hiếm nhưng người đứng soạn ở đây là một tiến sĩ nổi tiếng, đã phò Bình Định Vương Lê Lợi và giữ chức lớn trong triều nhà Lê. Hơn nữa, văn bia này lại được nhà bác học Lê Quý Đôn chép lại trong sách Kiến văn tiểu lục và Toàn Việt thi lục.
Thường thường, người ta thờ các vị thần ở các đền. Đặc biệt, Tứ Pháp lại được thờ trong các chùa. Đặc biệt hơn nữa, tượng bà Dâu lại lớn hơn tượng Phật, hai bên có Kim Đồng, Ngọc Nữ khá lớn, quần áo đúng là phụ nữ miền quê Việt Nam. Chùa Dâu còn thờ Thạch Quang (tảng đá phát sáng), lại thờ cả lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi là người đứng ra trùng tu chùa.
Đạo Phật sang tới Việt Nam đã thu nhận luôn tín ngưỡng địa phương là việc thờ Mây, Mưa, Sấm, Chớp. Tín ngưỡng này bắt nguồn ừ xã hội nông nghiệp lúc nào cũng trông mong mưa thuận gió hòa để cho cây cối được tươi tốt, mùa màng thu hoạch được nhiều. Người nông dân lúc nào cũng
Trông trời, trông đất, trông mây,
Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm …
Cũng có thể nói : người Việt Nam ta đã tiếp thu đạo Phật và bản địa hóa đạo Phật. Vì thế bên cạnh các vị Phật «chính thức» lại còn có các vị Phật bản địa : Phật Man Nương, Phật Pháp Vân …
Trong suốt thời kỳ gần hai ngàn năm nay, chùa Dâu vẫn là một biểu tượng về lịch sử, văn hóa và tôn giáo của chúng ta. Thế mà tiếc thay, mới đây, đã có tiếng kêu cứu cấp bách và thiết tha: chùa đang bị viên chức địa phương phá hoại, họ chiếm đất của chùa và bao che cho những kẻ làm bậy. Thật đáng buồn vì đó là một tiếng kêu trong sa mạc! □
CHÚ THÍCH
1. Vinitaruci (? – 594) phiên âm là Tì-Ni-Đa-Lưu-Chi, dịch nghĩa là Diệt Hỉ, người Ấn- Độ, sang Trung Quốc cầu học, làm môn đệ của Tam tổ Tăng Xán, đắc pháp, được Tam tổ khuyên xuống phương Nam hoàng pháp. Ngài tới nước ta năm 580, cư trú tại chùa Dâu và thu nhận đệ tử. Trước khi tịch năm 594, ngài truyền tâm ấn cho ngài Pháp Hiền. Người ta thường cho rằng ngài Vinitaruci là sơ tổ Thiền tông ở Việt Nam, tuy nhiên có ý kiến khác cho rằng ngài Khương Tăng Hội mới là sơ tổ (ngài K.T. Hội là người Việt Nam – lúc ấy là Giao Chỉ – thế kỷ thứ 3). Dòng thiền Vinitaruci được 19 đời, chấm dứt năm 1213, ảnh hưởng nhiều đến các vua đời Lý. Lịch truyền thừa của thiền phái này còn thiếu sót. Hai thiền phái khác ở nước ta là phái Vô Ngôn Thông và phái Thảo Đường. Sau chỉ còn một thiền phái Trúc Lâm Yên Tử với sơ tổ là Trúc Lâm đầu đà (vua Trần Nhân Tông). Rồi đến hai tông Lâm Tế và Tào Động từ Trung Quốc truyền sang VN.
2. Đây là một trong ba bài thơ của vua Lê Thánh Tông vịnh chùa Dâu, trong Hồng Đức Quốc âm thi tập :
Một áng giao nguyên ngọc đúc nên
So trong tĩnh giới khắp tam thiên.
Trân châu tráng lệ tầng tầng xếp,
Kim ngọc đoan trang rỡ rỡ in.
Hây hẩy từ phong duồng tính tục,
Làu làu trí nguyệt tỏ cơ thiền.
Nghiệm xem ấm tí thần thông ấy,
Phổ độ nào đâu chẳng phỉ nguyền.
giao nguyên : cánh đồng rộng; tam thiên đại thiên thế giới là 1 tỉ thế giới. Thế giới ở đây là một thái dương hệ; từ phong : luồng gió từ bi; trí nguyệt : bóng trăng trí tuệ; ấm tí : che phủ; phổ độ : độ khắp. □

Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú

Bước Vào Cửa Phật-Quyển 2- Montreal 2010

Hình do chị Trương Thị An FW : Tượng Phật nằm nổi tiếng trong “Vườn Phật Tượng” trên bờ sông Mekong -Thái Lan –

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics