05/08: Bài 45. Giác Ngộ – Bài 46. Tứ Niệm Xứ

05/08: 45. Giác Ngộ – 46. Tứ Niệm Xứ
Category: Phật Học – Phật học ôn tập-
Posted by: Tbl Đọc: 4674 lần

BƯỚC VÀO CỬA PhẬT- BOOK 1

Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú

BÀI 45. GIÁC NGỘ

Cách đây nhiều năm, khi bắt đầu học Phật, tôi dùng cuốn Phật học tinh hoa của Nguyễn duy Cần. Tác giả đã kể câu chuyện này: Hương Nham hòa thượng nghiền ngẫm mãi một câu mà chẳng nghĩ ra giải đáp, bèn đến cầu tổ Huy Sơn giảng cho. Tổ bảo rằng: “Nếu ta nói cho ngươi biết, nhất định sau này ngươi sẽ mắng ta, vì đó chỉ là cái biết của ta, không ăn thua gì đến ngươi cả”. Hương Nham về khổ công nghiên cứu lâu ngày chầy tháng. Một hôm đi phát cỏ chặt cây, vô ý liệng một mảnh sành trúng vào thân cây trúc, liền nghe phát ra một tiếng ngân lạ lùng bỗng liền hoát nhiên tỉnh ngộ … và nói: “Nếu lúc trước tổ vì ta mà nói ra, thì ngày nay sao ta được sự đắc ngộ này!”.

Trong chuyện kể trên, nhiều chỗ đáng làm cho ta suy nghĩ. Có một thắc mắc cứ theo tôi hoài. Ngộ là thế nào, đắc ngộ, giác ngộ là gì? Nghiên cứu lâu rồi hoát nhiên ngộ, thế thì phật…

… tử chúng ta có theo cách đó được chăng? Sau, tôi biết rằng các vị tu theo Thiền tông được sư phụ cho một câu làm đầu đề suy nghĩ, suy nghĩ hoài hoài cho đến khi ngộ; sư phụ theo rõi sự tiến triển nếu thấy cần giúp cho ở giai đoạn cuối cùng thì giúp bằng một câu rất khó hiểu đối với người ngoài hay một hành động có vẻ lạ thường nếu không nói là quái gở, thí dụ như hét, đánh, véo mũi … Chỉ hai thày trò hiểu nhau mà thôi; câu đó, hành động đó của vị thày chỉ dành riêng cho người đệ tử đó mà thôi. Một tiếng “choang” của mảnh sành đập mạnh vào cây trúc làm cho ngài Hương Nham giác ngộ cũng giống như vậy.

Trở về với câu “giác ngộ là gì?”; nói tàm tạm thì giác là biết, ngộ là gặp. Tỉnh ngộ ra, bắt gặp được sự thật. Trong danh từ phật giáo, có chữ bồ-đề, phiên âm từ chữ pali bodhi, dịch là giác, xưa dịch là Đạo. Người đạt đến toàn giác thì gọi là buddha, bouddha, phiên âm thành phật-đà, gọi ngắn là phật; người ta dịch bouddha là giác giả tức là bậc giác ngộ. Trong tiếng Việt, ta thấy chữ bụt, dùng trong văn và lời nói dân gian, trong những truyện như Tấm Cám, “bụt ngồi bụt khóc”, ta không thấy ai nói: “tôi lên chùa lễ bụt”, “nam mô A-Di-Đà bụt” mà có thấy nói “hiền như bụt”, “gần nhà gọi bụt bằng anh”, “chưa nặn bụt đã nặn bệ”. Hiện nay có một số người đổi chữ phật thành chữ bụt trong mọi trường hợp; đó là quyền tự do của người ta.

Phải hiểu trước thế nào là vô minh, tình trạng tối tăm, ám độn, chẳng hiểu sự và lý theo đúng sự thật, không có sự sáng suốt để biết sự thật, không có trí tuệ bát-nhã.

Tự điển Phật học Đoàn Trung Còn ghi: “Vô minh nghiã là không minh bạch.

1/ không minh bạch rằng thân thể không phải là mình.

2/ không minh bạch rằng vạn vật đều không.

3/ không minh bạch rằng tất cả đều giả, không trường tồn.”

Như thế ta có thể nói vô minh là không nắm được vô ngã, không và vô thường hoặc ngã không, pháp không.

Biết vô minh là thế rồi, ta nghĩ đến chữ đối nghĩa của nó là tạm hiểu thế nào là giác ngộ. Tăm tối là mê, sáng suốt là giác. Giác ngộ là mở mang được sự sáng suốt cùng tột để nắm bắt được chân lý, sự vật trên thế gian này đúng như thế nào thì thấy biết được như thế, không lầm lạc (như thị). Thông thường, con người ta nhận thức một cách điên đảo, thí dụ như dơ mà nghĩ là sạch, đoạn mà nghĩ rằng thường. Nói ngắn giác ngộ là mở con mắt huệ, thấy sự vật như thị, khai và ngộ được chân lý, nắm được thực tướng của vạn pháp để mà theo, mà hành chứ không phải để biết xuông. Cái thực tướng ấy chính là “thị chư pháp không tướng bất sinh bất diệt, bất tăng bất giảm, bất cấu bất tịnh”vậy.

Trong hàng đắc Đạo có nhiều bậc: thanh văn, duyên giác, bồ-tát, Phật. Thanh văn và duyên giác là bậc tự giác. Bồ-tát là bậc tự giác, giác tha. Phật là đấng toàn giác, người ta tôn ngài là Giác Vương, Giác Hoàng, Giác Hùng. Ngài là bậc tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn.

Cái tánh giác vẫn có sẵn ở nơi các hạng chúng sinh, chẳng phải chờ thành thánh, thành Phật mới có. Chúng sinh bị vô minh che mất tánh giác. Chư thánh, chư Phật đã dứt hết phiền não, hết mê lầm nên thấy được tánh giác. Một đằng là mê, một đằng là tỉnh. Mê là chúng sinh, giác là Phật. Chỉ cách nhau một sợi tóc, bước cuối cùng vượt ranh giới là hoát nhiên ngộ!

Trước khi kết thúc, xin kể sự chứng ngộ của tu sĩ Cồ-Đàm (sau là Phật Thích-Ca Mâu- Ni). Khi đã quyết định từ bỏ lối tu ép xác chỉ đưa đến sự suy sụp cùng cực của thể xác dẫn luôn đến sự rã rời về tinh thần, tu sĩ Cồ-Đàm ăn uống trở lại; năm bạn đồng tu cho rằng ngài đã nản chí rồi nên bỏ đi, để ngài ở lại trong rừng một mình, ngài chấp nhận hoàn cảnh như thế và ngồi tu dưới cội cây to. Một hôm, ngài nhận ăn bát cháo trộn sữa của một thôn nữ đem đến cúng dàng, ngài cảm thấy khỏe mạnh, rồi phát nguyện không rời chỗ ngồi dưới gốc cây tất-bát-la (sau sẽ được gọi là cây bồ-đề) khi chưa thành đạo.

Vào canh một trong đêm ngài đạt được túc mạng minh, một khả năng siêu phàm nhờ đó ngài nhớ lại được nhiều kiếp đã qua. Đến canh giữa đêm, ngài đạt được thiên nhãn minh, một khả năng nhờ đó ngài thấy được sự sinh tử luân hồi của chúng sinh. Sau cùng, ngài chứng được lậu tận minh, một khả năng hiểu biết cách giải thoát khỏi mọi khổ đau, tức là ngài chứng ngộ tứ diệu đế và trở thành vị tam-miệu-tam-bồ-đề tức là bậc toàn giác.

Chúng tôi chưa tu hành được bao nhiêu, chưa hiểu chữ giác ngộ, mà dám đánh bạo nói chuyện hôm nay cốt là để làm bổn phận của một thành viên ban Hoằng pháp, trích sách vở ra mà sắp xếp trình bày, mong quý đạo hữu hiểu cho mà bỏ qua các điều kém cỏi và sai lầm. □

BÀI46.TỨ NIỆM XỨ

Khi học Tứ diệu đế, chúng ta biết rằng bốn sự thật đó là: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Nói rõ hơn, đĩ là sự khổ, nguyên nhân của khổ, sự xác nhận có thể diệt khổ và các kết quả sẽ thu lượm được, và phương pháp tu hành để diệt khổ, tức là con đường diệt khổ. Tập là nhân, Khổ là quả. Đạo là nhân, Diệt là quả.

Đức Phật dạy cho chúng ta cách diệt khổ, gồm có 37 phẩm trợ đạo kể sau đây:

1/ tứ niệm xứ 2/ tứ chánh cần 3/ tứ như ý túc 4/ ngũ căn 5/ ngũ lực 6/ thất bồ đề phận 7/ bát chánh đạo [ 4 + 4 + 4 + 5 + 5 + 7 + 8 = 37 ].

Nay chúng ta bàn về tứ niệm xứ, tứ là bốn, niệm là nhớ nghĩ, xứ là nơi chốn. Tứ niệm xứ là bốn điều mà người tu phải luôn luôn nhớ tới, nghĩ tới. Bốn điều ấy là:

1. quán thân bất tịnh (quán thân là không trong sạch)

2. quán tâm vô thường (quán tâm là không thường còn)

3. quán thọ thị khổ (quán thọ là khổ)

4. quán pháp vô ngã (quán các pháp là vô ngã).

QUÁN THÂN BẤT TỊNH.

Nghĩa là: tập trung tư tưởng để xem xét kỹ lưỡng, tường tận về sự nhơ bẩn của cái thân thể chúng ta. Nghe vậy, không thiếu gì người ngạc nhiên, vì nếu nhơ bẩn mà tắm rửa kỹ thì sẽ sạch chứ có sao đâu. Cái thân này quý lắm chứ, cho nên lúc nào cũng tìm cách cho cái thân mỹ miều hơn, sung sướng hơn, cung cấp cho thân miếng ăn ngon, đồ mặc đẹp, vàng ngọc, nhạc êm, cảnh đẹp vv… Nhưng quán sát cho thật kỹ thì cái thân toàn là đồ dơ dáy. Đến lúc đau ốm, ngoài cái xấu xí lại còn thêm sự tanh hôi nữa. Ấy là chưa kể sau khi chết, không kịp chôn hay thiêu, thì cái gì xảy ra. Ở đây, chúng ta chỉ nêu ra như thế thôi, không dám vào chi tiết. Trong kinh Quán Niệm (kinh số 10 của Trung bộ kinh). có ghi lại cửu tưởng quán, nghĩa là chín sự quán về các biến chuyển của một cái xác chết khi bị vất bỏ vào trong rừng, đọc không thôi cũng đủ rùng mình! Chúng ta tự hỏi: làm như thế để làm gì? Để phá lòng dục. Nếu ông vua kia mà đem bà phi tuyệt sắc đi chụp hình quang tuyến, chỉ thấy bộ xương trắng như tất cả các bộ xương khác thì ông ta bớt mê mẩn và có lẽ không mất nước và chữ “sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành” có lẽ không có!

QUÁN TÂM VÔ THƯỜNG.

Nghĩa là: tập trung tư tưởng để xem xét kỹ lưỡng, tường tận về sự thay đổi liên tục của cái tâm. Cái tâm nói đây là cái tâm mà chúng ta thường hiểu hàng ngày chứ không phải là cái chân tâm của đạo Phật. Ta thường hiểu rằng con người ta có hai phần thân và tâm. Thân là phần vật chất, tâm là phần tinh thần. Nhiều người hiểu đơn giản rằng, sau khi chết thì phần vật chất, tức là phần xác, “mất đi”, “trở về cát bụi”; còn phần tinh thần, gọi là phần hồn, thì vĩnh cửu nghĩa là còn mãi mãi. Thật ra cái phần gọi là tâm ấy chỉ là hợp thể của mấy thứ khác là thọ tưởng hành thức (sắc, thọ, tưởng, hành, thức gọi là ngũ uẩn) chúng duyên hợp với nhau, đủ duyên thì có đó, hết duyên thì tan, không trường tồn, không vĩnh cửu. Vì không nắm chắc lý duyên hợp nên cho rằng cái tâm là cái ta thật, chạy theo nó, chiều theo nó, rồi gây nghiệp, từ đó mà trôi mãi trong vòng sinh tử luân hồi. Quán tâm vô thường để làm gì? Để phá sự chấp ngã. Hết cái ta, cái ngã, đó là một trong những “điều kiện” để chứng ngộ Niết-Bàn.

QUÁN THỌ THỊ KHỔ.

Nghĩa là: tập trung tư tưởng để xem xét kỹ lưỡng, tường tận rằng có nhận lãnh là có khổ (thọ hay thụ có nhiều nghĩa, trong bài này thọ là nhận lãnh). Nhận lãnh cái gì? Nói chung là nhận lãnh đủ thứ trên đời. Nhận lãnh cái thân này, “hữu thân hữu khổ phàn nàn cùng ai!”. Tam khổ, bát khổ… đủ thứ khổ tinh thần, vật chất, kinh tế, ganh ghét, chiến tranh… Nhận cái ý niệm rằng thân này là cái ta thật, tâm này là cái ta thật, rồi lo cho cái ta đó hưởng đủ thứ, đổ bao nhiêu năng lực tìm kiếm mà phục vụ cho cái ta, cái ta được chiều lắm trở nên hư, rồi trở nên hỏng, khổ ở đó. Tham cầu không được, khổ. Dù có được, lúc hết, cũng khổ. Đang có, phải lo bảo vệ, cũng khổ! Kể ra dài dòng lắm. Điều quan trọng là: quán thọ thị khổ để làm gì? Để diệt lòng tham. Mà tham chính là một trong ba độc tham sân si, đầu mối của đủ thứ chuyện lôi ta vào vòng luân hồi, luân hồi là khổ nhất, mục đích của người tu Phật là thoát khỏi sinh tử luân hồi.

QUÁN PHÁP VÔ NGÃ.

Nghĩa là: tập trung tư tưởng để xem xét kỹ lưỡng, tường tận rằng vạn pháp không có tự thể. Chữ “pháp” trong đạo Phật, nghĩa rất rộng, nó chỉ mọi sự vật trong vũ trụ, cả hữu hình lẫn vô hình. Pháp nào cũng là một hợp thể, gồm có nhiều thành phần ghép lại, đủ duyên thì hợp, hết duyên thì tan, vật này là nhờ cái khác mà ra, chính nó lại làm nhân cho cái khác nữa, “trùng trùng duyên khởi”. Chính cái pháp ấy dựa dẫm vào các yếu tố đã làm nên nó, nó không có tự thể, danh từ nhà Phật nói rằng nó vô ngã. Thế là pháp vô ngã. Không còn bị nội tâm dằn vặt, không bị cảnh ngoài chi phối ảnh hưởng, vì vạn pháp không có tự thể, giả cả, huyễn cả, mộng cả!

Tưởng thân mình là quý báu đẹp đẽ, tưởng tâm mình trường tồn vĩnh cửu, tưởng thọ lãnh thật nhiều là sướng, tưởng vạn pháp là có tự thể, là có thật, đó là bốn sai lầm lớn. Sửa bốn sai lầm ấy là bổn phận của người cất bước trên đường tìm giác ngộ và giải thoát. □

Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú

Bước Vào Cửa Phật – Book 1-Montreal-2010

(Hình: NN sưu tầm)

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics