06/07: Bài 39. Niết Bàn – Bài 40. Tăng – Già

06/07: 39. Niết Bàn – 40. Tăng – Già
Category: Phật Học – Phật học ôn tập-
Posted by: Tbl Đọc: 4706 lần

BƯỚC VÀO CỬA PHẬT – Book 1

Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú

39. Niết – Bàn- 40. Tăng-Già

BÀI 39. NIẾT-BÀN

Trong sách Việt Nam Văn Học Sử Yếu, tác giả Dương quảng Hàm đã trích một đoạn lấy trong cuốn Phật Giáo Lược Khảo của Phạm Quỳnh, liên quan đến Niết-Bàn để làm bài đọc thêm. Ông Phạm Quỳnh viết: “… Muốn thoát khổ thời phải diệt khổ, nhưng khổ là liền với thân, khổ là một với sống, diệt khổ là diệt thân, diệt sống, tự diệt vậy … Song người đời vẫn lấy sự hư vô làm sợ; nếu mãn kiếp tu hành, hết sức học đạo mà cứu cánh chỉ đến tiêu nhập vào chốn hư vô, thời kinh hãi biết chừng nào! Phật cũng biết thế, nên Phật đối với vấn đề cứu cánh cũng giữ một thái độ như Khổng phu tử đối với quỷ thần vậy; không hề nói rõ bao giờ, mỗi khi đề cập đến, vẫn có ý thoái thác … Xưa nay những bậc triết nhân quân tử đã sáng suốt mọi lẽ, đã thấu hiểu mọi sự, muốn ra tay tế độ cho quần sinh thường có nhiều điều tự mình biết mà…

… không thể truyền bá ra được tức như ông thày thuốc biết là bệnh trạng nguy mà không dám nói rõ cho bệnh nhân biết vậy. Phật tổ cũng vậy: chắc trong ý riêng vẫn biết rằng linh hồn sau khi tịch diệt rồi là vào cõi tịch mịch hư vô, chớ chẳng phải nơi thiên đàng cực lạc gì; nhưng không hề thuyết minh cho ai biết bao giờ, là sợ có kẻ chưa thoát sạch trần tục, nhân thế mà ngã lòng tu đạo chăng? vì những sự biết như thế là sự biết “chết người” vậy…”.

Chúng tôi thấy rằng lập luận như trên thì chưa xứng với một học giả như ông Phạm Quỳnh vì ông đã dùng những mệnh đề như “chắc trong ý riêng vẫn biết …”, “sợ có kẻ … chăng?”, thật là mơ hồ.

HT Thiện Hoa đã viết (nói chung chung chứ không hỉ trích riêng ai): “…nhiều người đã hình dung một cách quá sai lạc nên cuối cùng kết luận rằng cứu cánh của đạo Phật là một sự không tưởng.”. HT dùng chữ không tưởng (utopie) còn ông Phạm Quỳnh dùng chữ hư vô (néant).

[“In the West, nirvàna has often been misunderstood as mere annihilation” (trong The Shambala Dictionary of Buddhism and Zen)].

Để kết luận, ông Phạm Quỳnh có trích dẫn ý kiến của Oldenberg “Chúng tôi đã hết sức nghiên cứu mà kết quả cũng lạ thay: chỉ có hai thuyết, không ra ngoài được, một rằng nát-bàn là cõi hư vô, hai rằng nát-bàn là nơi cực lạc, thời rút cục lại chẳng thuyết nào đúng hẳn”. (Oldenberg là người Đức, tác giả một cuốn sách do Foucher dịch ra tiếng Pháp là Le Bouddha, Sa Doctrine et Sa Communauté, nhà Félix Alcan xuất bản năm 1921. Xin cám ơn đạo hữu Đào Đức Hoành đã tặng tôi cuốn sách ấy).

Chúng ta thử tìm hiểu xem Niết-bàn là gì. Chữ pali nibbāna, chữ sanskrit nirvāna được phiên âm thành nê-hoàn hay niết-bàn-na, gọi ngắn là niết-bàn, nát-bàn. Nir là ra khỏi, vana là rừng (ý nói rừng mê), niết-bàn là ra khỏi rừng mê (theo Đoàn Trung Còn). Dịch nghĩa là diệt, diệt tận, diệt độ, tịch diệt, bất sinh, viên tịch, giải thoát, vô vi, an lạc (theo Chân Nguyên & Nguyễn Tường Bách).

HT Thiện Hoa nói rằng còn nhiều nghĩa nữa, nhưng không ra ngoài ba ý: bất sanh, giải thoát, tịch diệt. Bất sanh: không sanh ra, không sanh tội lỗi. Giải thoát: khỏi mọi sự ràng buộc. Tịch diệt: vắng lặng, an lành, dứt hết nguồn gốc mê lầm.

Đối với Nam tông, có hai loại Niết-bàn: hữu dư niết-bàn chưa được hoàn toàn bởi vì còn phải chịu quả báo, sự an vui chưa trọn vẹn, và vô dư niết-bàn của bậc a-la-hán đã hoàn toàn dứt bỏ mọi phiền não. Vô dư Niết-bàn còn được gọi là Niết bàn toàn phần hay Bát-niết-bàn (Parinirvàna).

Cụ Đoàn Trung Còn viết: “Vô dư Niết-bàn là cảnh Niết bàn rốt ráo, không còn để lại cái chi hết nghĩa là không còn nghiệp báo khổ quả chi nữa. Khi Phật, Thánh đắc Niết -bàn nhưng còn trụ thế, còn trả những quả báo còn dư từ những đời trước, còn chịu cái Nghiệp chung của chúng sanh, kêu là Hữu dư Niết-bàn. Khi đến thời kỳ bỏ cái xác thân này, dứt hết tất cả, kêu là Vô dư Niết-bàn. Như nói: Phật nhập Vô dư Niét-bàn tại rừng cây ta-la, gần thành Câu-thi-na”.

Đối với Bắc tông, thế vẫn chưa xong. Phải lên tới vô trụ niết-bàn của bậc bồ-tát, đến mức coi không thật có sinh tử, không thật có niết-bàn, bồ-tát ra vào sanh tử mà độ sanh, vì lý tưởng của bồ-tát là “trên cầu đạo bồ đề, dưới độ chúng sanh”. Còn tánh tịnh niết- bàn thì đích thực là Phật tánh, Chân tâm, Chân như, Như lai tạng …

Để cho đủ, chúng ta phải kể bốn đức của Niết-bàn (niết-bàn tứ đức), đó là: thường, lạc, ngã, tịnh. Thường: không bị luật vô thường chi phối. Lạc: hết hẳn khổ não. Ngã: hoàn toàn tự chủ, nội tâm và ngoại cảnh không chi phối được. Tịnh: hoàn toàn thanh tịnh trong sáng. Có sách còn kể đến tám đức (niết-bàn bát đức).

Như trên vừa nói, Nam tông phân biệt hai loại Niết-bàn: Hữu dư Niết-Bàn và Vô dư Niết-Bàn. Đối với bồ-tát đạo của Bắc tông thì chư bồ-tát hoãn việc nhập Niết-bàn bởi vì hạnh nguyện của các ngài là độ hết thảy chúng sinh vào Niết-bàn. Khi còn chúng sinh vướng nẻo luân hồi thì bồ-tát coi như việc chưa xong! Bắc tông không thấy sự khác biệt giữa Niết-bàn và sinh tử. Chư bồ-tát chứng Niết-bàn mà không trụ nơi đó cho nên đó là Vô trụ Niết-Bàn. Đó cũng là trạng thái Niết-Bàn của các vị Phật đã thoát khỏi ràng buộc của thế gian nhưng chưa muốn hoàn toàn tịch diệt

Còn Thường trụ Niết-bàn thì được coi như tương đương với Vô dư Niết-bàn.

Nói như trên đây chỉ là nói một cách lý thuyết mà thôi. Đó là tạm dùng các danh từ của thế gian mà bàn chuyện xuất thế gian.

Chắc là quý đạo hữu ngán quá, vì nghe chữ không thôi đã khó rồi, thế thì tu còn khó đến đâu! Sợ lắm, không phải sợ hư vô như ông Phạm Quỳnh nói đâu, mà là sợ khó! Xin thưa: chúng tôi có lúc nào nói rằng dễ đâu. Nhưng chúng tôi xin thưa thêm: pháp môn niệm Phật ngay đây này, mời quý vị thực hành cho, làm ngay cho ngày hôm nay, việc đó quả là không đến nỗi khó.

Niết-Bàn là mục đích tu hành của mọi người tu đạo Phật.

Khi người tu pháp môn Tịnh độ được vãng sanh cõi Cực Lạc thì lên đó rồi phải tu hành học hỏi thêm để rồi chứng Niết-bàn chư không phải ngồi yên ở đó.

Đối với Phật giáo nguyên thủy thì Niết-bàn chính là cắt đứt dòng luân hồi và đi vào một thể tồn tại khác. Đó là tận diệt gốc rễ của nghiệp bất thiện là tham, sân, si. Đó là sự ngưng chịu sự tác động của luật nhân duyên, hết thành, trụ, dị, diệt.

Đối với Phật giáo Bắc tông thì Niết-bàn là sự thống nhất với cái bản thể của vũ trụ, cái nhất thể tuyệt đối, cái Pháp tánh. Chứng Niết-Bàn là an trụ trong cái tuyệt đối, sự an lạc trong trạng thái đó, sự giải thoát khỏi mọi ảo giác, mọi khổ đau.

Không coi Niết-bàn là hư vô, kinh sách coi Niết-bàn như “một ngọn lửa đã tắt”. Ngọn lửa tắt không có nghĩa là nó hoại diệt, nó trở nên vô hình nhưng nó sang một trạng thái tồn tại khác. Lửa phát sinh từ hư không và trở về với hư không, Niết-bàn là tình trạng của tâm thức khi nó về nơi không có sự sinh diệt. Nó chẳng phải là một nơi chốn!

Nói nhiều cũng không tả hết được vì lý do đơn giản là: Niết-bàn là một dạng siêu việt, xuất thế gian, chỉ có những hành giả nào đã chứng mới “biết” được mà thôi.

Nếu đi sâu vào lý thuyết của các tông phái thì sẽ thấy nhiều ý kiến, nhiều lập trường. Chúng tôi xin thú thật là không đủ sức để nghiên cứu vấn đề ấy.

Để kết thúc, chúng tôi xin chép ra mấy câu ngắn gọn sau đây: Niết-Bàn không phải là một nơi chốn, đó là một trạng thái của tâm khi hành giả thực hiện được ít ra ba điều này:

một là diệt xong tham sân si (phương diện luân lý),

hai là dẹp xong cái “ngã” (phương diện tâm lý),

ba là ra khỏi vòng sanh tử luân hồi (phương diện siêu hình). □

BÀI 40. TĂNG – GIÀ

Đến chùa, chúng ta thường nghe nói đến Tam Bảo, tức là ba thứ quý. Đó là Phật, Pháp và Tăng. Phật là đấng giác ngộ, tự giác, giác tha, giác hành viên mãn. Trong nhiều trường hợp, nói Phật là có ý nói đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni. Chữ pháp nghĩa rất rộng, nhưng khi viết với chữ P hoa thì Pháp nghĩa là những lời dạy của đức Phật Thích-Ca. Tăng là chữ mà ta nghe nói luôn nhưng chữ này nghĩa khá rộng.

Thoạt nghe, chúng ta nghĩ ngay đến nghĩa tăng là nhà sư, tỳ-kheo … dùng trong những danh từ như tăng, ni, chư tăng ni, tăng lữ, tăng phòng, cúng dàng trai tăng. Tăng là do chữ tăng-già nói ngắn. Tăng-già lại do chữ Phạn samgha phiên âm mà ra. Tăng-già là đoàn thể hiệp lại tất cả các nhà sư có thọ cụ túc giới [nghĩa là giới đầy đủ. Tăng giữ 250 điều, ni giữ 348 điều], giữ gìn tịnh hạnh, ít nhất ba vị sư hòa hiệp tại một chỗ mà tu thì mới gọi là tăng. Chữ Tăng-già được dịch là Hòa, Chúng, Hòa hợp chúng, Hòa hợp tăng. Trong danh từ “Phật Pháp Tăng” thì chữ Tăng là để chỉ sự tập hợp chứ không chỉ cá nhân.

Coi tiểu sử đức Phật Thích-Ca, ta thấy rằng sau khi thành Phật dưới gốc cây bồ-đề, ngài thốt lên những lời vui mừng và nhịn ăn luôn nhiều ngày để tận hưởng niềm an lạc trong Niết-bàn. Ngày thứ 50, có hai thương gia đi qua, họ cúng dường ngài bột khô và mật ong và xin quy y Phật, Pháp. Sở dĩ lúc đó chỉ có Nhị Bảo vì ngài chưa nhận ai làm môn đồ cả. Hai người này, tên là Tapassu và Bhallika, là hai cư sĩ đầu tiên. Họ xin Phật một thứ gì để chiêm bái; Phật rứt mấy sợi tóc mà cho họ (nay thờ ở chùa Shve Dagon, tại thủ đô nước Miến Điện).

Đức Phật chưa muốn đem giáo pháp của ngài ra quảng bá, nhưng do trời Phạm thiên thỉnh cầu, ngài quyết định hoằng pháp. Ngài nghĩ đến hai đạo sĩ trước kia đã dạy thiền cho ngài, nhưng nhờ thần thông ngài biết cả hai đã qua đời. Ngài nghĩ đến năm người cùng tu với ngài là nhóm ông Kiều-Trần-Như. Ngài bèn đi đến Vườn Nai ở thành Ba-La-Nại và thuyết pháp cho họ nghe. Bài pháp đầu tiên này ghi trong kinh Chuyển pháp luân (nghĩa là Quay bánh xe Pháp), nội dung là Tứ diệu đế.

Năm người được khai ngộ: ông Kiều-Trần -Như chứng quả tu- đà- hoàn, bốn ông kia sau cũng chứng quả tu-đà-hoàn. [ Sau nữa, khi nghe kinh Vô ngã tướng, cả năm mới đắc quả a-la-hán. Theo thứ tự từ thấp lên cao, tứ quả là: tu-đà-hoàn, tư-đà-hàm, a- na-hàm, a-la-hán].

Như vậy, ngoài 2 cư sĩ, đức Phật có 5 vị tu-đà-hoàn. Rồi ngài thu nhận thêm một đệ tư, đó là ông Da-Xá, ông này con nhà giàu nhưng nhàm chán thế gian, gặp Phật, nghe Pháp rồi quy y Tam Bảo. Cả cha, mẹ và vợ ông cũng xin quy y, đều là cư sĩ. 54 người bạn của ông Da-Xá cũng theo gương và như ông Da-Xá, tất cả đều trở thành a-la-hán. Vậy vào lúc này, Giáo Hội đã có 60 a-la-hán, 5 cư sĩ (3 nam, 2 nữ). Đức Phật khuyên các vị tăng đi hoằng pháp khắp nơi, còn ngài thì đi một mình.

Giáo Hội mỗi ngày một đông thêm, càng đông thì càng nhiều vấn đề, mỗi khi có một việc xẩy ra, đức Phật lại chế ra một giới. Trong cuộc kết tập lần thứ nhất do ngài Ca-Diếp chủ tọa, ngài Ưu-Bà-Ly đọc toàn thể các giới luật, sau này trở thành một trong Tam tạng (Kinh, Luật, Luận). Trong số các đệ tử, nhiều vị đắc quả cao là quả a-la-hán. Đó là quả cao nhất trong tứ quả của thanh văn (nghĩa đen là các người nhờ “nghe pháp”của Phật mà chứng quả). Người ta căn cứ vào 3 nghĩa sau này để giải nghĩa chữ a-la-hán, gọi ngắn là la-hán:

1/ sát tặc, đã giết hết giặc phiền não.

2/ ứng cúng, xứng đáng được thiên và nhân cúng dường vì đã dứt hết các lỗi lầm.

3/ bất sanh, chẳng còn sanh ra ở cõi thế gian nữa.

Khi nghe kể các cuộc kết tập, ta thấy kể 500 vị la-hán ở kỳ I, 700 vị ở kỳ II và 1000 vị ở kỳ III … Ngoài ra ta còn nghe kể 16 vị la-hán đi ra các nước ngoài để quảng bá đạo Phật (nhiều chùa xưa có vẽ hình thập lục la-hán, có nơi nói tới 18 vị!).

Trong số các đệ tử của đức Phật, có 10 vị gọi là thập đại đệ tử kể sau đây:

1. Ngài Xá-Lỵ-Phất, trí huệ đệ nhất

2. Ngài Mục-Kiền-Liên, thần thông đệ nhất

3. Ngài Ma-Ha Ca-Diếp, đầu đà đệ nhất

4. Ngài A-Na-Luật, thiên nhãn đệ nhất

5. Ngài Tu-Bồ-Đề, giải không đệ nhất

6. Ngài Phú-Lâu-Na, thuyết pháp đệ nhất

7. Ngài Ca-Chiên-Diên, luận nghĩa đệ nhất

8. Ngài Uư-Bà-Ly, trì luật đệ nhất

9. Ngài La-Hầu-La, mật hạnh đệ nhất

10. Ngài A-Nan-Đà, đa văn đệ nhất.

Đã nói đến Tăng-già, không thể bỏ quên thế nào là Lục Hòa Kính gọi ngắn là Lục Hòa và Tăng-già còn có tên là Lục hòa tăng. Đó là sáu điều mà tăng, ni phải tuân theo khi sinh hoạt trong đoàn thể. Chữ hòa và chữ kính được nhấn mạnh, cho nên khi giải thích sáu điều, lúc nào cũng phải nêu lên hai ý hòa và kính.

Lục hòa là những gì? Đó là:

1/ Giới hòa ( Đồng giới hòa kính hay Giới hòa đồng tu): vì cùng tuân thủ giới luật của nhà Phật, nên phải hòa thuận với nhau, kính trọng lẫn nhau.

2/ Kiến hòa (Đồng kiến hòa kính hay Kiến hòa đồng giải): vì cùng thờ kính Phật, cùng học và hành giáo pháp của đức Phật nên kiến thức, hiểu biết hòa nhau.

3/ Lợi hòa (Đồng lợi hòa kính hay Lợi hòa đồng quân): chung hưởng đồ cúng dường của bá tánh một cách hòa thuận, ái kính.

4/ Thân hòa (Thân từ hòa kính hay Thân hòa đồng trụ): vì ở chung một nơi mà tu học, đông người thiếu chỗ, cho nên phải từ hòa, kính nhường nhau trong mọi hành động.

5/ Khẩu hòa (Khẩu từ hòa kính hay Khẩu hòa vô tranh): nơi tu học chật chội, dễ xẩy ra va chạm, phải nhường nhịn nhau lời ăn tiếng nói để giữ không khí an hòa, ái kính trong tự viện.

6/ Ý hòa (Ý từ hòa kính hay Ý hòa đồng duyệt): đã sống chung trong chùa hòa kính, lời nói giữ gìn, lại phải hòa kính về ý tứ nữa, chia sẻ vui buồn, không làm mất lòng nhau.

Không những là giữ lục hòa với các sư trong chùa mình mà còn phải giữ lục hòa đối với các sư chùa khác nữa, có như thế mới là hiểu nghĩa chữ Giáo Hội.

Lục hòa coi như chất keo sơn làm cho sư đoàn kết trong Giáo Hội được vững vàng, làm cho lòng tương thân tương kính giữa các vị xuất gia ngày càng gia tăng, làm cho uy tín của giáo hội lên cao vì bá tánh nhìn thấy giáo hội là một khối thuần nhất sinh hoạt đúng theo giới luật , đồng thời rèn cho tu sĩ biết tự chế, dẹp dần cái ngã của mình, từng giờ từng phút áp dụng lý thuyết vào thực hành, làm cho Giáo Hội không những lớn lên mà còn mạnh thêm.

Ước mong rằng tinh thần lục hoà luôn luôn hiện hữu và tăng trưởng dù rằng đức Từ Phụ đã nhập Niết-bàn từ hơn 25 thế kỷ nay!

Đôi khi chúng tôi nghe thấy chỗ này chỗ khác phàn nàn về vài người xuất gia không giữ đúng giới luật làm cho Phật tử chán ngán, chẳng muốn đến chùa. Xin thưa rằng tình trạng này không hiếm, ngay trong lịch sử nước ta cũng đã có lần ghi rằng “số tăng sĩ đông hơn phu dịch” để nói lên sự kiện “trốn việc quan đi ở chùa”.

Đạo Phật khuyên ta rằng: “Y pháp, bất y nhân” ! □

GHI CHÚ.

● Theo Từ điển Phật học Hán Việt: Tăng Bảo = Thánh chúng Tam thừa tức Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát, đã phát chân vô lậu trí, trở thành phúc điền được đời kính trọng quy theo. Nếu cần nêu Pháp Bảo thì có thể chọn cả những vị phát tâm tu đạo trở lên … Tăng-già = chỉ người tín thụ giáo lý của đức Phật tu hành, tuân theo đạo đó mà nhập thánh đắc quả. Cũng chỉ người xuất gia cắt tóc, theo học đạo Phật đà… hoặc còn chỉ đoàn thể tín thụ Phật pháp, tu hành Phật đạo … Ngoài ra, Tăng là tiếng gọi chung cho tì-khiêu và tì-khiêu-ni, sau này gồm cả sa-di và sa-di-ni. Tì-khiêu là đại tăng, sa-di là tiểu tăng …

● Theo the Shambala Dictionary. of Buddhism & Zen: In a narrower sense, the samgha (sangha) consists of monks (bhikshu), nuns (bhikshunì) and novices (shrāmanera). In wider sense, the sangha also includes lay followers (upāsaka).□

Nguyễn Văn Phú

Bước Vào Cửa Phật – Book 1- Montreal 2010

(Hình: Nga Mi Sơn Tự .- NN sưu tầm)

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics