08/11/2011: Tạng Thư Sống Chết-Phần II:Chết-Ch.12 :Lòng Bi Mẫn (tiếp theo va` hết)

08/11: Tạng Thư Sống Chết-Phần II:Chết-Ch.12 :Lòng Bi Mẫn (tiếp theo va` hết)
Category: Tôi Tìm Hiểu Đạo Phật
Posted by: Tbl Đọc: 5790 lần

TẠNG THƯ SỐNG CHẾT
The Tibetan Book Of Living And Dying
Sogyal Rinpoche – Ni sư Thích Nữ Trí Hải dịch
Nhà xuất bản Thanh Văn Hoa Kỳ 1992 và Nhà xuất bản Xuân Thu Hoa Kỳ 1996 (*)

Phần Hai: CHẾT

Ch.12- Lòng bi mẫn : viên ngọc như ý (tiếp theo và hết)

4- Tonglen cho người khác

Hãy tưởng tượng một người mà bạn cảm thấy rất gần gũi, nhất là một người đang đau…

… khổ. Khi thở vào, tưởng tượng bạn thở vào tất cả đau khổ của họ với tâm đại bi, và khi thở ra, bạn gở đến nơi họ niềm thân thiết, hàn gắn, yêu thương, niềm vui, hạnh phúc.

Cũng như trong thực tập về tâm từ, hãy nới rộng dần dần phạm vi của bi tâm bao gồm trước nhất những người thân, rồi đến những người dưng, rồi đến những người bạn ít ưa, thường gặp rắc rối với họ, và cuối cùng cả đến những người mà bạn cho là quỷ quái, tàn bạo thực sự. Hãy để cho bi tâm của bạn lan khắp không chừa một ai :

Hữu tình vô lượng như hư không

Mong tất cả đều dễ dàng chứng được tự tính

Mong cho mỗi chúng sanh trong sáu đường

Ðã từng là cha mẹ tôi trong đời này hay đời khác đều đạt đến thật địa, sự toàn hảo tối sơ.

Trong đoạn này tôi đã đưa ra đường lối thực hành toàn diện để chuẩn bị cho pháp Tonglen chính thức, mà bạn sẽ thấy bao hàm một tiến trình quán tưởng phong phú hơn nhiều. Thực tập sơ khởi này làm việc với thái độ tâm thức của bạn, khiến bạn chuẩn bị mở lòng ra và gợi cảm hứng cho bạn.

Không những nó giúp bạn chữa lành hoàn cảnh tâm bạn, nỗi đau khổ quá khứ của bạn, và khởi sự giúp ích mọi hữu tình nhờ bi tâm của bạn, mà nó còn giúp bạn thân thiết, quen thuộc, an trú tiến trình “cho và nhận” trong phép Tonglen chính thức.

Pháp Tonglen chính thức
Trong phép “cho và nhận”, chúng ta nhận vào, qua tâm đại bi – tất cả đau khổ thân tâm của mọi hữu tình – nỗi sợ hãi, bất mãn, đau đớn, giận dữ, tội lỗi, cay đắng, hoài nghi, điên tiết ; và chúng ta cho họ, qua tâm đại từ, tất cả hạnh phúc, sự thoải mái, an tâm, chữa lành và sự thành tựu của ta.

1- Trước khi thực tập, ngồi yên tĩnh và đưa tâm về nhà. Rồi xử dụng bất cứ phương pháp nào đã chỉ, mà thích hợp với bạn. Hãy thiền quán sâu xa về tâm đại bi. Triệu thỉnh tất cả Phật, Bồ-tát, thánh chúng, để nhờ ân phước các ngài, mà tâm bạn có thể phát sinh đại bi.

2- Hãy tưởng tượng trước mặt bạn – càng sống động càng tốt – một người thân đang đau khổ, hãy cố tưởng đến mọi khía cạnh của cơn đau và nỗi buồn khổ của họ. Khi đã thấy tâm mình mở ra với họ trong niệm đại bi, bạn hãy tưởng tượng tất cả khổ đau của họ nhóm tụ thành một khối lớn khói nóng màu đen.

3- Bây giờ, hãy quán tưởng khi bạn thở vào, luồng khói đen ấy tan ra theo hơi thở của bạn và đi vào cốt lõi của ngã chấp trong tim bạn. Ở đấy nó hoàn toàn phá hủy mọi dấu vết của ngã ái, và nhờ vậy tịnh hóa tất cả ác nghiệp trong bạn.

4- Tưởng tượng, vì ngã ái của bạn đã bị phá hủy, nên cốt lõi của tâm giác ngộ, tức Bồ-đề tâm được hoàn toàn hiển bày. Vậy, khi thở ra, hãy quán tưởng bạn đang gởi đến người bạn đang đau khổ của bạn, tia sáng mát dịu của hỷ lạc, hạnh phúc, bình an, và ánh sáng ấy đang tịnh hóa mọi ác nghiệp của họ.

Theo Shantieva, bạn hãy quán tưởng Bồ-đề tâm đã chuyển hóa tim bạn, toàn thân, toàn thể bạn thành một viên bảo châu như ý có thể ban cho ai bất cứ gì họ mong muốn, và cung cấp đúng cái gì họ đang cần. Tâm đại bi là viên bảo châu như ý, vì nó sẵn có năng lực đem lại cho mỗi hữu tình cái mà nó cần nhất, để giảm bớt đau khổ và đem lại cho họ sự viên mãn chân thực.

5- Như vậy, khi ánh sáng của Bồ-đề tâm bạn tuôn ra đến nơi người đang khổ, thì điều cốt yếu là bạn phải tin chắc mọi nghiệp ác của y đã sạch, và cảm thấy một niềm vui sâu xa bền bỉ vì người ấy đã thoát khổ hoàn toàn.

Khi tiếp tục thở vô ra bình thường, bạn hãy tiếp tục tập luyện như thế. Thực tập đối với một người thân đau khổ giúp bạn nới rộng dần phạm vi của lòng bi mẫn để chịu thay đau đớn và tịnh hóa nghiệp ác của tất cả hữu tình, đem cho họ tất cả hạnh phúc, hỷ lạc, an bình của bạn. Ðây là mục tiêu kỳ diệu của pháp môn Tonglen, và trong nghĩa rộng, của toàn thể con đường đại bi.

Tonglen cho một người sắp chết
Bây giờ, tôi nghĩ các bạn đã thấy Tonglen có thể đặc biết hướng về người sắp chết như thế nào, nó đem lại cho bạn sức mạn và lòng tin như thế nào khi bạn giúp đỡ người sắp chết ; và nó có thể cống hiến cho người ấy lợi ích thực tiễn chuyển hóa ra sao.

Tôi đã nói đến pháp Tonglen chính thức. Bây giờ bạn thay vì quán tưởng người thân đang đau đớn, hãy quán tưởng người sắp chết. Hãy trải qua các giai đoạn đúng như trong pháp Tonglen chính thức. Trong pháp quán phần 3, hãy tưởng tượng mọi khía cạnh của nỗi đau đớn nơi người sắp chết, nỗi sợ hãi của họ, tất cả tụ lại thành một đống khói đen nóng ghê rợn, mà bạn thở vào, và khi làm thế, hãy quán bạn đang phá hủy ngã chấp, ngã ái, và thanh lọc tất cả nghiệp ác nơi bạn.

Rồi cũng như trên, khi thở ra, bạn quán ánh sáng của tâm Bồ-đề đang tỏa đến người sắp chết, đem lại bình an, thoải mái, và thanh lọc mọi ác nghiệp nơi họ.

Vào mọi lúc trong đời, chúng ta đều cần tình thương, nhưng không lúc nào cấp thiết cho bằng lúc ta đang chết. Còn món quà an ủi mầu nhiệm nào hơn cho người sắp chết khi họ biết mình đang cầu nguyện cho họ, đang hóa giải hết khổ đau của họ và tịnh hóa ác nghiệp họ bằng cách thực hành pháp “chịu thay” cho họ ?

Dù họ không biết bạn đang tu tập cho họ, bạn vẫn là đang giúp họ, đồng thời họ đang giúp bạn. Họ đang thực sự giúp bạn phát triển tâm đại bi, và nhờ thế bạn thanh lọc bản thân, chữa lành chính bạn. Với tôi, mỗi người sắp chết là một vị thầy đem lại cho tất cả những người giúp đỡ vị ấy một cơ hội để tự chuyển hóa nhờ phát triển tâm đại bi.

Bí quyết thánh linh
Bạn có thể tự hỏi : “Nếu tôi chịu thay tất cả đau đớn khổ sở của người khác, liệu tôi có tự hại mình chăng ?”. Nếu bạn còn chút do dự nào, và cảm thấy chưa đủ năng lực, can đảm hay đại bi để thực tập Tonglen một cách nhiệt tâm, thì đừng lo lắng. Bạn chỉ cần tưởng mình đang làm việc ấy, tự nhủ trong tâm : “Khi thở vào, tôi đang mang vào đau khổ của bạn tôi hay người khác ; và khi thở ra, tôi đang đem cho họ hạnh phúc và bình an” . Chỉ cần làm thế cũng tạo một khí hậu trong tâm, khiến bạn dễ dàng khởi sự thực tập Tonglen một cách trực tiếp.

Nếu bạn do dự hoặc không thể làm trọn vẹn sự tu tập, bạn cũng có thể làm phép “chịu thay” dưới dạng một lời cầu nguyện, ước vọng sâu xa muốn giúp đỡ cho hữu tình. Bạn có thể cầu, chẳng hạn : “Mong cho con có thể chịu thay người khác ; mong sao con có thể cho họ niềm an lạc hạnh phúc của con”. Sự cầu nguyện này sẽ tạo điều kiện tốt lành để đánh thức khả năng thực hành “chịu thay” của bạn về sau.

Ðiều duy nhất bạn nên biết chắc, đó là pháp Tonglen chỉ có làm hại cho một cái đã hại bạn nhiều nhất, đó là ngã ái, ngã thủ nơi bạn, gốc rễ của đau khổ. Nếu bạn thực tập thường xuyên, ngã chấp ấy sẽ yếu dần, và bản tính chân thực, tâm đại bi sẽ có cơ hội xuất đầu lộ diện, càng ngày càng mạnh. Tâm đại bi của bạn càng mạnh càng lớn, thì niềm tin, đức vô úy nơi bạn càng sâu xa. Bởi thế tâm đại bi lại hóa ra là tài nguyên lớn nhất của bạn, sự che chở bảo đảm nhất. Shantideva nói :

Ai muốn nhanh chóng có được sự che chở

Cho cả mình lẫn người

Thì hãy thực hành bí quyết thánh linh :

Chịu thay khổ đau và ban vui kẻ khác.

Bí quyết linh thiêng của pháp Tonglen này là một pháp mà mọi bậc thánh và đạo sư của mọi truyền thông đều biết, sống và thể hiện nó. Và chính sự từ bỏ, cùng với nhiệt tình của trí tuệ và đại bi chân thực, đã làm cho đời họ tràn đầy hỷ lạc.

Một tấm gương hy sinh cho người ốm và người chết, tỏa sáng niềm vui của “cho và nhận” ngày nay là Mẹ Teresa. Không lời nào diễn tả tinh túy của Tonglen hay hơn lời của bà : “Tất cả chúng ta đều mong mỏi được lên thiên đường với Chúa, nhưng có điều là chúng ta đều có khả năng ở thiên đường với Chúa ngay lúc này. Và sống hạnh phúc với Chúa ngay bây giờ có nghĩa là :

Yêu thương như ngài yêu thương

Giúp đỡ như ngài giúp đỡ

Cho như ngài cho

Phụng sự như ngài phụng sự

Cứu giúp như ngài cứu giúp

Ở với ngài trọn hăm bốn tiếng

Sờ hóa thân của ngài dưới dạng đau thương.

Một tình yêu rộng lớn như thế đã chữa lành những người bệnh cùi của Geshe Chekhawa ; nó cũng có thể giúp chữa chúng ta khỏi một căn bệnh nguy hiểm hơn thế : bệnh vô minh, mà nhiều đời kiếp đã ngăn che ta trực nhận tự tánh tâm, ngăn cản ta giải thoát.

………………………………..(hết Chương 12)

**Hình trên: Chùa Minh Thạnh – Pleiku -NN sưu tầm **

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics