08/12: Bước Vào Cửa Phật-Quyển 2 ( tiếp theo ) Bài 9- Bài 10

08/12: Bước Vào Cửa Phật-Quyển 2 ( tiếp theo )
Category: Phật Học – Phật học ôn tập-
Posted by: Tbl Đọc: 4333 lần

BÀI 9.Kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa

Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú

Trước đây, tôi có một bản dịch Kinh Pháp Hoa sang tiếng Anh mang tên là Saddharma-pundarika or The Lotus of the True Law. Gần đây, tôi mua được hai cuốn, cũng tiếng Anh, dịch giả là người Nhật. Cuốn thứ nhất là Buddhism for Today, a Modern Interpretation of the Lotus Sutra của Nikkyò Niwano, bản tiếng Nhật in năm 1961, bản tiếng Anh năm 1980. Cuốn thứ nhì là The Threefold Lotus Sutra, nhiều dịch giả, Niwano viết tựa, ấn bản thứ nhất năm 1975, ấn bản thứ 12 năm 1992. Hai bản đều gộp cả ba kinh: kinh Vô Lượng Nghĩa, kinh Pháp Hoa và kinh Quán Phổ Hiền bồ-tát. Người ta cho rằng hai kinh thứ nhất và thứ ba là mở đầu và kết luận cho kinh Pháp Hoa.
Hôm nay chúng tôi xin trình bày mấy lời tóm tắt về kinh Vô Lượng Nghĩa, bản in mà chúng tôi dùng là Kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa do HT Thích Tuệ Hải dịch, Hương Quang xuất bản, Phật lịch 2508, TL 1964, Saigon.
Kinh này tương đối ngắn, 74 trang nhỏ, chữ lớn và…

… đậm. Kinh gồm có ba phần: phẩm thứ nhất là Đức hạnh, 17 trang; phẩm thứ nhì là Thuyết pháp, 24 trang; phẩm thứ ba là Mười công đức, 33 trang.
Trong phẩm Đức hạnh, ý chính là nhắc đến các đại bồ-tát và bồ-tát, những vị đã hoằng dương Phật pháp, theo gương chuyển pháp luân của Phật. Thứ tự giáo pháp được trình bày rất rõ ràng. “Trước hết, vẩy giọt nước pháp để tưới tắt dục trần; mở cửa Niết-bàn, quạt gió giải thoát trừ mọi nhiệt não nơi đời, được mọi pháp mát mẻ. Thứ, lại ban cho 12 món nhân duyên rất sâu để gột rửa vô minh, cho đến già bệnh chết, những sự khổ não, hệt như cơn mưa làm cho những ai nóng bức được mát mẻ. Pháp đại thừa vô thượng làm cho chúng sinh được thấm nhuần; những nơi có thiện căn thì đều gieo hạt giống tốt ở khắp các ruộng công đức và đều khiến cho phát khởi mầm mống bồ-đề. Lấy trí tuệ làm ngày tháng, lấy phương tiện làm thời tiết mà giúp cho sự nghiệp đại thừa thêm lớn, khiến cho ai nấy chóng thành ngôi vô thượng chính đẳng chính giác, thường trụ yên vui ở chốn vi diệu chân thật, dùng vô lượng đại bi cứu khổ chúng sinh”.
Trong phẩm thứ nhì, tựa là Thuyết pháp, bồ-tát Đại Trang Nghiêm bạch Phật đại ý như sau: “Thế tôn trong 45 năm đã dạy các pháp, đặc biệt là bốn lý khổ, không, vô thường, vô ngã … Sau, Thế tôn giảng về thực tướng của vạn pháp. Những ai nghe các pháp ấy đều được công đức tùy trình độ, nhằm tới chứng ngộ và sau cùng lên tới bậc cao nhất của bồ-tát đạo. Nghĩa của các giáo lý trước kia và hiện nay có sự khác biệt nào không mà lại bảo rằng kinh Vô Lượng Nghĩa này rất cao siêu, mầu nhiệm, sâu xa, bồ-tát theo đó tu hành chóng được thành đạo vô thượng chính đẳng chính giác.”
Đây là đại ý câu trả lời của đức Phật: “Từ khi thành đạo, ta dùng Phật nhãn xem thấy các pháp mà không thể nói ra được. Là vì tính ham muốn của các chúng sinh khác nhau, cho nên phải dùng phương tiện mà nói pháp, họ không hiểu lý chân thật nên đắc đạo có sai khác và chậm thành đạo vô thượng chính đẳng chính giác. Giáo pháp ví như nước, rửa sạch mọi cấu uế. Dù là nước giếng, nước ao, nước sông, nước suối hay nước biển, nước nào cũng rửa sạch mọi cấu uế; cũng thế, nước pháp rửa sạch mọi phiền não cho chúng sinh. Công dụng rửa sạch cấu uế của nước kia chỉ là một, cũng thế công dụng rửa trần lao của các pháp cũng là một. Nhưng nước giếng chẳng phải nước hồ, nước hồ chẳng phải là nước biển; các pháp nói lúc ban đầu, khoảng giữa và lúc sau cùng chẳng phải một: lời văn tuy nói ra chỉ là một nhưng ý nghĩa đều sai khác. Lúc đầu ta nói tứ đế cùng các pháp bản lai rỗng lặng, tàn tạ thay đổi không ngừng. Sau, ta nói thập nhị nhân duyên, lục ba-la-mật cùng các pháp bản lai rỗng lặng, tàn tạ thay đổi không ngừng, niệm niệm sinh diệt. Nay ở nơi đây, diễn nói kinh đại thừa Vô Lượng Nghiã, và cũng nói các pháp bản lai rỗng lặng, tàn tạ thay đổi không ngừng, niệm niệm sinh diệt. Lời nói ban đầu, lời nói chặng giữa và lời nói ngày nay văn tự tuy là một, nhưng ý nghĩa có khác. Vì thế sự hiểu ngộ của chúng sinh có sai khác, do hiểu sai khác mà đắc pháp, đắc đạo, đắc quả có sai khác. Ban đầu, ta nói Tứ đế cho người cầu quả Thanh văn, sau nói Thập nhị nhân duyên cho người cầu ngôi Bích-chi Phật (Duyên giác). Rồi nói kinh Phương đẳng 12 bộ, kinh Đại bát-nhã, kinh Hoa Nghiêm, lịch kiếp tu hành của Bồ-tát. Chưa lúc nào là không nói khổ, không, vô thường, vô ngã …”
Như vậy, chúng ta hiểu rằng việc chia thành tam thừa chỉ là tạm thời và điều đáng ghi nhớ là: “Vì chúng sinh ham muốn vô lượng nên thuyết pháp cũng vô lượng, do đó nghĩa cũng vô lượng, vô lượng nghĩa từ một pháp mà sinh, đó là vô tướng vậy”.
Phẩm thứ ba tựa là Mười công đức, nêu lên 10 công đức của những ai thọ trì kinh này: mỗi công đức có công dụng vô biên giúp hành giả tiến lên giác ngộ.
Tóm lại, kinh này mở đường vào kinh Pháp Hoa và giải thích tính cách cao siêu của kinh Pháp Hoa trong đó đức Phật sẽ trình bày chân lý cùng tột. □

BÀI 10. KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA

Chúng ta thường nghe nói kinh Diệu pháp liên hoa – nói gọn: kinh Pháp Hoa – là “vua của các kinh”. Nay, chúng ta muốn tìm hiểu tại sao như vậy.
Ở Trung quốc, có một tông phái rất có uy tín tên là tông Pháp Hoa, lý thuyết và thực hành đều căn cứ trên kinh Pháp Hoa. Tổ thứ tư của tông ấy là Trí Khải đại sư (538-597) đến lập tự viện và hoằng pháp tại núi Thiên Thai nên tông này được gọi là tông Thiên Thai. Ngài Trí Khải – tên khác: Trí Giả – viết nhiều sách rất có giá trị (có sách do môn đồ của ngài viết, ghi lại lời giảng của ngài) nên được tôn là giáo tổ của tông. Một trong những sách đó là Diệu pháp liên hoa huyền nghĩa.
Tông Thiên Thai chia 45 năm thuyết pháp của đức Phật làm năm thời kỳ gọi là ngũ thời giáo; đó là cách chia của tông Thiên Thai, không chắc chắn là đúng theo lịch sử.
1. Thời Hoa nghiêm, dài 21 ngày, Phật chỉ thuyết một kinh Hoa nghiêm mà thôi.
2. Thời Lộc Uyển, 12 năm, Phật thuyết các kinh A-hàm, tiểu thừa.
3. Thời Phương Đẳng, 8 năm, Phật thuyết các kinh đại thừa.
4. Thời Bát-nhã, 22 năm, Phật thuyết các bộ kinh Bát-nhã.
5. Thời Pháp Hoa và Niết-bàn, 8 năm , Phật thuyết kinh Pháp Hoa và một ngày một đêm thuyết kinh Niết-bàn.

Kinh Pháp Hoa được coi là quan trọng bậc nhất, nên lúc đầu tên gọi của tông là tông Pháp Hoa.
Kinh Pháp Hoa được chia làm hai phần ngang nhau: phần đầu gồm 14 phẩm, phần cuối gồm 14 phẩm còn lại. Phần đầu là tích môn, tích là dấu vết, môn là cửa (để vào đạo), ghi lại dấu vết của các lời dạy, lời phó chúc của Phật. Phần sau là bổn môn, bổn là gốc rễ, ghi lại căn bản tu hành. Phần đầu nói về hiện phật tức Phật thời nay (tức là Phật Thích-Ca), phần sau nói về cổ phật (như Phật Đa Bảo).
Quan trọng nhất trong tích môn là phẩm 2 tức là phẩm Thí dụ trong đó đại ý đức Phật dạy rằng tùy cơ mà thuyết pháp, tạm chia ba thừa nhưng rút lại cũng chỉ có nhất thừa mà thôi. Rất nhiều vị được thọ ký thành Phật, cả hàng thanh văn, duyên giác cũng được thọ ký thành Phật. Đó là nói ai cũng có thể thành Phật. Quan trọng nhất trong bổn môn là phẩm 16 tức phẩm Như Lai thọ lượng, đại ý phẩm này cho biết rằng Phật có từ vô thủy và tồn tại mãi, đức Thích-Ca chỉ là một vị Phật lịch sử bằng xương bằng thịt có sanh có tử, nhưng thành Phật nên vào ngồi trong bảo tháp cùng với đức Phật Đa Bảo. Ý nói Phật tánh không sinh không diệt, trùm khắp không gian, trải suốt thời gian.
Cả hai cho chúng ta thấy tư tưởng chủ yếu của kinh: Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh và do công đức tu hành có thể thành Phật. Diệu pháp là ở tư tưởng đó vậy. Chúng ta còn nhớ câu này: Chư Phật ra đời vì một nhân duyên lớn, là khai thị ngộ nhập Phật tri kiến. Thoạt đầu, tôi tưởng rằng tri kiến là thấy biết, nhưng sau vỡ nghĩa ra rằng Phật tri kiến là Phật tánh. Mở cho chúng sinh thấy, gặp được và vào Phật tánh.
(Tôi nhớ đến cụ Chánh Trí : cụ đã xin sám hối rồi nói rằng tại sao việc đơn giản như thế mà đức Thế Tôn lại thuyết dài quá vậy, lại có bao nhiêu huyền nghĩa ở trong, nghĩ mãi chưa hiểu).
Còn liên hoa là hoa sen, tại sao hoa này quý, sách giảng nghĩa như sau:
1. Hoa và quả cùng kết thành một lượt.
2. Cọng hoa riêng, cọng lá riêng.
3. Ở chỗ bùn lầy mà không dính bùn.
4. Ong bướm không bu quanh.
5. Phụ nữ không dùng hoa sen mà gài lên đầu (ở Ấn-Độ xưa).
[Chư Phật và bồ-tát đứng hay ngồi trên tòa sen, hàm ý rằng từ nơi thế gian mà ra khỏi thế gian. Ai về cõi Phật A-Di-Đà thì sanh ra từ hoa sen, “hoa sen là cha mẹ”. Áo cà-sa gọi là liên hoa y].

Từ câu: “ai ai cũng có Phật tánh” hay câu: “Phật tại tâm”, nhiều người nghĩ rằng khỏi phải đi chùa tụng kinh, nghe pháp, khỏi phải tu hành gì cả, đạo nào cũng tốt, đều dạy làm lành tránh dữ như nhau. Đành rằng ai cũng có Phật tánh, nhưng phải nhớ thêm rằng Phật tánh ấy bị vô minh che lấp, không hiển lộ ra được. Cho nên cái đang có là chúng sinh tánh chứ không phải là Phật tánh. Phải tu mới “thấy” Phật tánh được, tu là sửa mình chứ không bắt buộc phải xuống tóc mới là tu. Lên chùa tụng kinh nghe pháp để mở rộng sự hiểu biết về Phật pháp, ngõ hầu áp dụng cho mình. Thế là: “ngày ngày phải lau chùi, chớ để bụi bám vào”, như lời ngài Thần Tú. Bao giờ thấy tánh rồi thì hiểu tánh là không, như Lục tổ bảo: “Xưa nay không một vật, bụi bám vào đâu?”. Phật tại tâm, nhưng tâm này là tâm thanh tịnh chứ không phải tâm đầy tham sân và si.
Đồng ý, đạo nào cũng dạy làm lành tránh dữ, tuy nhiên đạo Phật bảo rằng làm lành sẽ được quả lành, kiếp sau sẽ hưởng phước báo ở cõi nhân, cõi thiên, nhưng khi phước báo hết thì vẫn lại chịu luân hồi. Đạo Phật nhằm thoát khổ, thoát luân hồi, cho nên ngoài phước, còn phải trí nữa mới đủ. Trí này là trí huệ bát-nhã, do tu mà được, nó cũng có sẵn trong mỗi người, nhưng phải làm cho nó hiển lộ ra.
Đó là mấy điều thô thiển mà tôi hiểu về chủ đích của kinh Pháp Hoa, vua của các kinh: xác nhận rằng ai ai cũng có Phật tánh và có thể tu hành thành Phật. □

PHỤ CHÚ. Ở Nhật bản, có một tông phái mang tên là Pháp Hoa tông nhưng được biết nhiều hơn dưới tên Nhật Liên tông, gọi theo tên nhà sáng lập Nhật Liên (1222 – 1282); sư Nhật Liên trước học Chân ngôn tông (Mật giáo), sau học Thiên Thai tông, rất phục bộ kinh Pháp Hoa nên lập tông và biên soạn thêm. Tín đồ luôn luôn niệm Nam mô Diệu pháp liên hoa kinh, thờ linh phù ở giữa viết chữ Diệu pháp liên hoa kinh, chung quanh vẽ 10 cảnh giới, thân khẩu ý lúc nào cũng nghiêm trang. Tông này rất mạnh, lại chú ý nhiều đến việc nước, triều đình nghi ngờ, có lần định xử trảm giáo chủ Nhật Liên nhưng sau lại thôi. Tín đồ có khi đi tới độ cuồng tín, dùng võ lực sát sinh, trái với luân lý Phật giáo. Ngày nay, tông phái này vẫn còn. □

Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú

Bước Vào Cửa Phật-Quyển 2-Montreal 2010

(Hình:Chùa Prambanan-Temple -Java-Indonesia – NN sưu tầm)

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics