09/06: Bài 29. TÂM THỨC – Bài 30. PHẬT TÁNH

09/06: 29. TÂM THỨC – 30. PHẬT TÁNH
Category: Phật Học – Phật học ôn tập-
Posted by: Tbl Đọc: 4649 lần

BƯỚC VÀO CỬA PHẬT

29. TÂM THỨC – 30. PHẬT TÁNH

Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú

Bài 29. Tâm Thức

Lúc còn nhỏ, tôi vẫn nghe nói đến hồn và xác và tôi nghĩ rằng con người ta gồm có hai phần là phần hồn vô hình và phần xác hữu hình. Khi chết thì phần xác hủy hoại đi mất mà phần hồn thì còn. Hồn của những người chết phải qua sự phán xét của Diêm Vương, tốt thì lên trời, xấu thì xuống địa ngục. Rồi sau lại nghe nói hồn đi đầu thai nơi này nơi khác tùy theo sự xấu tốt trong khi còn sống. Có một điều thấy sờ sợ là những oan hồn vơ vẩn, có thể hiện ra làm ma quỷ dọa mình…

Lớn lên một chút, đi lễ chùa, nghe bà con chúc nhau “thân tâm an lạc”, tôi hiểu

rằng con người có thân hữu hình và tâm vô hình. Học được vài chữ luân hồi quả báo, tôi mường tượng ra cái tâm ấy đại khái là cái hồn. Lên trung học, vào thời tôi, mỗi tuần được một giờ Việt văn, chương trình có vài đoạn Kiều. Vì thế mà tôi mới biết…

… mấy câu cuối: “Thiện căn ở tại lòng ta, Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Chỉ hiểu sơ sơ thiện trái với ác, tâm là tấm lòng, và trong câu này, ắt phải là lòng tốt, cho nên mới bằng ba chữ tài. Vậy thôi!

Đi chùa mãi, được nghe giảng, nay một chút, mai một chút, thế mà tôi vẫn chưa nắm được ý nghĩa đầy đủ của chữ “tâm” dù rằng trong đời sống hàng ngày, tôi dùng chữ tâm hoài hoài, dùng một cách tự nhiên và … thoải mái. Không kể cái nghĩa trái tim hữu hình ở trong lồng ngực hay là chỗ chính giữa (như trung tâm), tôi thường nói: chuyên tâm học hành (chí), cũng là do tham tâm mà ra (ý), phàm tâm thì làm sao mà hiểu nổi (trí), trực tâm thì sợ gì ai nghi ngờ (tính), có điều tâm sự muốn thổ lộ (bí mật), Phật học dùng những chữ như vọng tâm và chân tâm, tâm vương và tâm sở v.v…

Vậy thì bây giờ nói thế nào cho gọn? Phải học trong sách Phật mới rõ. Thân và tâm còn được gọi là sắc và danh. Thân, sắc là cái hữu hình; còn tâm, thì ta không nhìn thấy được, không sờ mó được, nó chỉ có tên mà thôi. Theo Phật học, tâm do tám thứ hợp lại, vậy điều đầu tiên phải nhớ là: tâm là một hợp thể. Tám cái gì? Đó là tám cái cùng có chữ thức ở đằng sau: nhãn thức, nhĩ thức, tị thức, thiệt thức, thân thức, ý thức, mạt-na-thức, a-lại-da-thức. Đó là tám thức. Thức thứ 7 và thứ 8 còn rất nhiều tên, ở đây ta chưa cần học vội.

Năm thức đầu dễ hiểu một chút: mắt, tai, mũi, lưỡi và thân (năm căn) giúp ta phân biệt hình dạng và màu sắc, âm thanh, mùi, vị và xúc (năm trần)[ xúc là những cảm giác do da, thân, tay chân mang tới].

Mắt (tức là căn) gặp hình (tức là trần hay cảnh) – theo Phật học thì ta nói “mắt duyên với hình” – làụ điều kiện làm nảy sinh ra nhãn thức. Nhờ nhãn thức mà ta biết rằng: có một hình.

Tai duyên với tiếng là điều kiện làm nảy sinh ra nhĩ thức. Nhờ nhĩ thức mà ta biết rằng: có một tiếng, v.v… Điều kiện vừa nói trên là căn và trần, cho nên ta nói thức dựa vào sinh lý và vật lý vì căn thuộc về sinh lý, trần thuộc về vật lý. Ta bảo đó là điều kiện chứ không bảo đó là điều kiện đủ, vì còn thiếu điều kiện tâm lý nữa. Vậy điều thứ nhì cần phải nhớ là: thức có là do nhân duyên và các nhận thức của năm thức đầu chỉ là cảm giác, thuần túy cảm giác, không có sự so đo, suy lường, phán đoán gì cả.

Thức thứ sáu là ý thức. Chỗ này là chỗ bắt đầu khó, xin đọc chầm chậm! Khi ý căn (vô hình) duyên với pháp trần (gọi ngắn là pháp, pháp ở đây là tên gọi chung những ý tưởng, tư tưởng..) thì làm nảy sinh ra ý thức. Ý thức hết sức quan trọng, nó gây ra ý nghiệp, trong ba nghiệp thân khẩu ý thì ý nghiệp “nặng ký”ù nhất, lên hàng thánh cũng nhờ nó, trôi lăn trong vòng luân hồi cũng vì nó, nó là “công vi thủ, tội vi khôi” (công cũng hàng đầu, tội cũng hạng nhất)! Nói thế chưa hết chi tiết: nó có thể hoạt động chung với năm thức đầu, mà nó cũng có thể hoạt động riêng một mình. Mắt thấy bông hoa, cảm giác là hoa, phải nhờ ý thức mới biết rõ là hoa, vì ý thức tổng hợp cả 5 thức nên ngoài hình cái hoa, màu cái hoa, còn biết mùi cái hoa … Thế là cảm giác thành tri giác. Mắt nhìn trang giấy, thấy chữ, mà chẳng hiểu gì, trò bị thày cô la là đãng trí. Chỉ vì ý thức không làm việc cho nên mới có cảm giác về chữ mà chưa có tri giác về nghĩa. Có tri giác rồi thì không mấy khi dừng ở đấy, vì nghĩ lan man thêm ra do thói quen, do hoàn cảnh, do thiên kiến v.v… Cho nên, lẽ ra cái hoa thế nào thì cứ thế thôi, như thế là như thế, nhưng lại thêm vào nào thương, nào nhớ, nào yêu v.v…

Khi ý thức làm việc một mình thì nó so đo, tính toán, phán đoán, nghĩ ngợi, hồi tưởng, tưởng tượng, lý luận, phân tích, tổng hợp … nói chung là cái ý thức bình thường ta quen thuộc hàng ngày. Nhưng ngoài cái ý thức thường đó còn có ý thức lúc ngủ, lúc điên và lúc định. Đến đây, điều thứ ba cần nhớ là: Ý thức có thể làm việc chung với 5 thức đầu, có thể làm việc riêng, và nó tạo nghiệp.

Nay sang đến thức thứ bẩy, tên là ý căn, mạt-na, mạt-na-thức. Cái đặc biệt, thấy rõ ngay, là: nó vừa là căn, vừa là thức. Nó là căn cho cái gì? Nó là căn (vô hình) cho ý. Nó là thức thì căn của nó đâu? Căn của nó là thức thứ tám tức a-lại-da hay a-lại-da-thức. Mạt-na bám chặt a-lại-da, coi a-lại-da là cái ngã và chấp ngã (dù rằng không có cái ngã thật). Tính chấp ngã này rất nặng, nó rất sâu dày vì tích lũy từ vô lượng kiếp. Cái “ta”, cái “ngã” “cái thân này là thật” ụ do ở mạt-na cả. Danh từ ngày nay nói đến “bản năng sinh tồn”. Cái “muốn sống” , cộng với ái dục là những sức mạnh giúp cho nghiệp lực tác động! Mạt-na lại chấp cả các pháp bên ngoài là thật. Đến chỗ này, điều phải nhớ là: mạt-na dựa vào a-lại-da, mạt-na chấp ngã nặng nề.

Như trên đã nói, thức thứ sáu (ý thức) là công vi thủ, tội vi khôi. Nó “đóng đô” ở thức thứ bảy, căn của nó ở đó, nó chịu ảnh hưởng nặng cái tính chấp ngã, làm ra nhiều sai lầm hay rõ hơn nó xúi làm sai lầm, nhưng cũng phải nhận rằng nó có cái “khôn ngoan” của nó, nó biết “tu hành” chẳng hạn, làm cho mạt-na “tỉnh táo” ra.

Thức thứ tám tức là a-lại-da thì thế nào? Một tên của nó là tạng thức, tàng thức, tạng hay tàng nghĩa là kho để chất chứa, cất dấu (tàng, tàng trữ). Nó chứa hết thảy mọi hạt giống tức chủng tử từ mấy thức kia dồn vào qua mạt-na. Chủng tử chứa trong đó không nằm yên, chúng được huân, được ướp, được dồn ở đó đợi lớn lên, chín mùi rồi phát hiện ra, rồi sau đó những cái phát hiện ấy lại tạo nhân, tạo chủng tử gieo vào a-lại-da v.v .. nhưng chủng tử sẽ thui chột nếu bị buông lơi hay chèn ép. Vì thế a-lại-da mới có tên là chủng tử thức và dị thục thức. Thức thứ bảy đem chủng tử vào thức thứ tám (truyền) rồi lại lấy từ đó mà đem ra (tống) nên thức thứ bảy còn có tên là truyền tống thức. Đến chỗ này, điều phải nhớ là: thức thứ tám quan trọng nhất, cho nên được đặt tên là căn bản thức, và để nói lên vai trò của nó trong đời sống con người nên nó có tên là nguyên thần thức.

Sáu thứ đầu hay được gọi chung là THỨC, thức thứ bảy gọi là Ý và thức thứ tám gọi là TÂM. Chúng ta chưa học Duy thức với những phân tích như trên nên cứ than phiền rằng chữ nghĩa “tùm lum” lúc này thì thức, lúc khác thì ý, lúc kia lại tâm, nên khó quá. Muốn cho đơn giản thì tạm nhớ thế này vậy:

Tâm hay thức hay tâm thức là phần tinh thần bên cạnh phần thể xác.

Cái mà chúng ta hay gọi là hồn, linh hồn… không trường cửu và bất biến, đó chẳng qua là cái tâm mà thôi.

Năm thức đầu cho ta các cảm giác.

Thức thứ sáu cho ta các tri giác. Căn của nó là thức thứ bảy.

Thức thứ bẩy chấp ngã. Căn của nó là thức thứ tám.

Thức thứ tám quan trọng hơn cả, nó chứa nghiệp nhân, chờ nghiệp quả, nó là căn bản, nên có tên là căn bản thức. Thức thứ tám tham dự vào việc tái sinh.

Tu là tìm cách chỉ huy thức thứ sáu để cho nó độc lập dần với thức thứ bảy là thức chấp ngã. Niệm Phật cốt là để huân tập, ướp và chứa chủng tử lành vào a-lại-da. Phải ướp thật đều, thật nhiều để làm thui chột các nhân xấu và làm chín muồi các nhân lành thành ra quả lành. Người ta tu định để cho ý thức không phân tán, không rơi vào mê ngủ hay tán loạn, thế là có định lực. Mình căn cơ kém thì niệm Phật. Niệm Phật tam-muội là định! □

Bài 30. PHẬT TÁNH

Chúng ta hay được nghe nhắc đến câu: “Ai ai cũng có Phật tánh” [thật ra trong kinh Phạm Võng, câu đó có nghĩa rộng hơn, như sau: “Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh, Tất cả chúng sanh đều có tánh giác ngộ nơi mình”; theo Phật học Từ điển Đoàn Trung Còn]. Nói nhiều lần rồi quen đi, nhưng tôi vẫn không hiểu kỹ Phật tánh là gì.

Khi tụng kinh Phổ Môn, đến câu “nguyện cho con sớm được đồng thân Pháp tánh” tôi thắc mắc thế nào là Pháp tánh, có khác Phật tánh không, tại sao nói “đồng thân”? Và trong mấy chữ “tu tâm dưỡng tánh” thì tánh này là gì?

Nghe nói về tổ Bồ-Đề-Đạt-Ma và Thiền tông, lại biết câu: “kiến tánh thành Phật”, tôi tự hỏi “tánh” là gì, có khác “tâm” không. Chắc quý vị cũng muốn hiểu một chút như chúng tôi, cho nên tôi tra cứu trong vài cuốn sách để tìm tài liệu.

Trước hết, chúng ta bỏ ra ngoài chữ “tánh” nói thường ngày: tánh nóng nảy, tính trầm lặng, tính hồ đồ, tính bốc đồng, tính dữ tợn, tính hiền lành v.v … Đó là nói về tánh nết, tánh người.

Rồi chúng ta phân biệt hai chữ Pháp tánh và Phật tánh. Pháp tánh là một thứ gì đó mà đạo Phật nói rằng thấm nhuần vạn sự vạn vật, còn Phật tánh thì chung cho chúng sinh. Vậy thì hơi có sự khác nhau giữa hai chữ đó. Tuy nhiên trên thực tế, không thấy phân biệt gì lắm, trừ khi muốn nhấn mạnh. Muốn “đồng thân Pháp tánh” là muốn “nhập” vào cái Pháp tánh đó, nôm na là muốn thành Phật, muốn lên Niết-bàn. “Người ta cũng dùng chữ Pháp tánh để gọi Niết-bàn của Phật, vì nó là cái thể tánh thường trụ chẳng biến đổi” (Đ.T.Còn) [Niết-bàn của Phật là rốt ráo, cao hơn Niết-bàn của các vị thanh văn chẳng hạn].

Bắt gặp chữ “thể tánh” vừa rồi, tôi tìm ngay cuốn Thế giới quan Phật giáo của HT Thích Mật Thể, và thấy: “Đi vào Phật giáo, ta thấy có hai nguyên lý căn bản:

1/ Hết thảy hiện tượng đều chuyển biến vô thường 2/ Bản thể bất sinh bất diệt.”

Thật là gọn, thật là rõ, hay quá. Phật tánh mà chúng ta nghe nói luôn luôn đó chính là cái bản thể mà HT Mật Thể vừa nêu ra. Vậy quý bạn thanh niên ở đây chắc vui bụng, các phénomènes thì vô thường, còn essence của chúng là bất sinh bất diệt. Nếu các bạn cần cho người Canadien ở đây nghe một chút thì không cần dùng chữ nature-de-Bouddha tiếng Pháp (hay chữ Buddha-nature tiếng Anh), nên dùng chữ essence, hay chữ noumène. Nói rằng họ có nature-de-Bouddha thì chắc họ không thích vì họ có phải là bouddhistes đâu!

Đạo Phật lấy một hình ảnh rất hay như sau: Tất cả các hiện tượng trên thế gian khác biệt nhau, được ví với muôn vàn ngọn sóng trên mặt đại dương. Bao nhiêu sóng đó có một thứ chung, đó là nước. Nước dụ cho bản thể. Cần nhấn mạnh thêm vào lập trường sau này của đạo Phật: sóng và nước không rời nhau, nghĩa là chớ tách riêng hai thứ hiện tượng và bản thể, chúng là hai mặt của một đồng tiền, có cái này là có cái kia. Sở dĩ cần nói vậy vì ở ngoài đời có phái cho rằng bản thể có trước, có phái cho rằng hiện tượng có trước.

HT Mật Thể viết tiếp: “Bản thể ấy, Phật giáo gọi là Tâm. Chớ hiểu lầm chữ tâm theo nghĩa chật hẹp của triết học là tinh thần chủ quan sinh ra vũ trụ khách quan, lại không nên hiểu lầm tâm là ý tưởng thuần túy của nhà triết học duy tâm Hégel là ý niệm của cộng đồng khách quan. Theo nghĩa của Phật giáo, tâm là ‘bản thể chung của vũ trụ’.” … “Chỉ có một bản thể bình đẳng như nhất, Phật giáo thường gọi bản thể này là ‘chân không’ hay ‘không tướng’, như trong Bát-nhã tâm kinh nói ‘ thị chư pháp không tướng bất sinh bất diệt’ nghĩa là ‘tướng chân không của các pháp (= hiện tượng) không sinh không diệt. Kinh Lăng Nghiêm nói: ‘ thể tính của cái sắc bản nhiên trong sạch trùm khắp pháp giới (= vũ trụ) ”.

Nói một chữ tâm không thôi thì dễ hiểu lầm, cho nên người ta phải dùng chữ kép “chân tâm” hay viết theo kiểu mới Tâm với chữ T hoa, T lớn. Cái tâm mà chúng ta nói đến hàng ngày, cái tâm “con vượn chuyền cành” của người phàm như chúng ta thì được gọi là vọng tâm hay chúng sinh tâm.

Bây giờ đến một thắc mắc: “Phật tánh là bản thể. Làm sao mà thấy? Không tai nghe mắt thấy thì tin sao được! Nếu cứ bắt công nhận mà không chứng minh thì đúng là ‘giaó điều’ mất rồi.”. Câu hỏi này hay lắm vì nó bộc lộ điều thắc mắc của một số đông. Bản thể là một cái gì tuyệt đối, không dùng ngôn ngữ nơi thế gian tương đối của chúng ta (đen trắng, xấu đẹp, cao thấp, ngày đêm, yêu ghét …) mà mô tả được, vì thế Tâm kinh đưa ra một loạt những phủ định “không thêm không bớt, không nhơ không sạch, không sinh không diệt…”. Người ta còn trích dẫn câu đầu trong Đạo Đức Kinh của Lão Tử nói về Đạo của Lão Giáo: “Đạo khả đạo phi thường Đạo”, Đạo mà đem ra nói được thì không còn là Đạo thường nữa.

“Này chư tỳ-khưu, chính Như Lai cũng đã chịu cảnh sinh lão bệnh tử, phiền não và ô nhiễm. Nhưng Như Lai đã sớm nhận thức đặc tánh vô thường của vạn pháp, thấy rằng tất cả đều phải chịu chung cảnh sinh lão bệnh tử, phiền não và ô nhiễm. Vì nhận thấy như vậy, Như Lai đi tìm trạng thái tuyệt đối châu toàn, vô sanh bất diệt, không bệnh, không già, không phiền não, không nhiễm ô và Như Lai đã thành tựu đạo quả Niết -bàn, không sanh, không chết, không phiền não, không nhiễm ô. Như Lai đã thấy và đã chứng nghiệm. Như Lai đã hoàn toàn giải thoát. Đây là kiếp sống cuối cùng của Như Lai và khi nhập diệt rồi, Như Lai không còn trở lại nữa” (Lời Phật dạy).

Điều ấy chưa đủ thuyết phục các bạn trẻ, được huấn luyện trong duy lý và thực nghiệm, trong khi sự chứng Niết-bàn đòi hỏi sự tu hành đắc trí huệ bát-nhã khác hẳn phàm trí. Cái trí do thiện tri thức, thày, tổ, Phật luyện cho mà có gọi là trí hữu sư, có thấy tánh cũng chỉ phần nào thôi; cái trí do mình tu hành cao mà được gọi là trí vô sư, có cái trí này mới thấy tánh một cách trọn vẹn. Dùng lý luận thì không thấy tánh, dùng trực giác ở một độ cao nào đó thì thấy tánh, lúc ấy gọi là ngộ; ngộ một phần gọi là giải ngộ, ngộ toàn phần gọi là chứng ngộ; ngộ thì tự mình biết. Ai ăn thì người đó no, tả cho người khác thì chỉ tàm tạm thôi, khi nào chính cái người khác đó no thì người ấy biết. Xưa kia nghe nói “lạnh thấu xương”, nay tới Canada không cần ai mô tả cũng biết thế nào là lạnh! Chính mình trực tiếp với cái lạnh mà.

Chúng ta lại đi tìm thêm. Trong sách Yếu chỉ Thiền tông, HT Thích Thanh Từ giảng như sau: “Giác tánh (hay tánh giác) và chân tâm là hai tên mà một thể. Nhận ra chân tâm là thấy giác tánh. Vọng tâm là tâm phức tạp, dao động, không thực. Chân tâm là tâm chân thực, không dao động, thường hằng … Lấy thí dụ về mắt, mắt thấy cảnh, cảnh đổi thay trăm ngàn thứ, nhưng cái thấy không đổi. Có cảnh thì mắt thấy cảnh, không cảnh thì mắt thấy không cảnh, cảnh khi có khi không, cái thấy lúc nào cũng có. Mở mắt thấy sáng, nhắm mắt thấy tối. Thấy sáng thấy tối là do sự mở nhắm của con mắt, chớ không can hệ gì đến cái thấy. Ví như bóng đèn với điện. Gắn bóng thì sáng, bỏ bóng thì tối. Sáng, tối do bóng đèn gắn vào hay tháo ra, không can hệ gì đến điện. Cái thấy không thuộc về cảnh, không thuộc về con mắt, nó chính là tâm, vì có thấy là có biết, biết tức là tâm. Lấy thí dụ về tai: tiếng có đến trăm ngàn nhưng cái nghe vẫn là một, cái nghe quả thực là tâm. Thế là tâm thấy, tâm nghe vẫn hiện hữu thường trực nơi chúng ta. Nhưng tối kỵ khi có ý thức hợp tác với nó, vì ý thức là cái so lường phân biệt, luôn luôn biến động không dừng.

Tuy nhiên, có một cái gì bên trong chúng ta nó theo rõi được sự rong ruổi của ý thức, nó thấy được vọng niệm khi dấy khi lặng. Cái biết được vọng, nó không phải là vọng, nó chính là tâm vậy. Vọng dấy lên là do vin theo bóng dáng trần cảnh, nó do nhân duyên, có hợp có tan, có còn có mất, có sanh có diệt. Cái biết vọng chưa từng dấy lên, chưa từng vin theo trần cảnh, không thuộc nhân duyên, nó thường hằng, bất biến, chân thực, nó chính là chân tâm.

Vì thể nó rỗng lặng nên gọi là Pháp thân thanh tịnh, thể này hằng giác tri nên gọi là Phật tánh, chân tâm. Mắt tai mũi lưỡi thân ý đều hiển lộ tánh giác nên nơi mắt gọi là tánh thấy, nơi tai gọi là tánh nghe, nơi mũi gọi là tánh ngửi, nơi lưỡi gọi là tánh nếm, …. sáu nơi để sáu chữ giác đứng đầu, tất cả đều do tánh giác phát ra. Trên dụng, dường như có sáu, bản thể vẫn là một. Kinh Lăng Nghiêm nói: ‘Từ một tinh minh sinh sáu hòa hợp’… Các thiền sư thường dùng xảo thuật để làm cho đệ tử nhận ra tánh giác của mình qua biểu hiện ở sáu căn, đặc biệt ở hai căn dễ nhận nhất là mắt và tai….” □

[Trích dẫn không trung thực trăm phần trăm,vì chúng tôi đã cắt ngắn đi vài chỗ].

Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú

Bước Vào Cửa Phật – Book 1

(Hình: Chùa ở Nepal – NN sưu tầm)

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics