1/.5 lý do Donald Trump thắng cử(BBC)2.Chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ sau bầu cử TT(BBC)3.Cuộc chiến giữa Đảng và Chính phủ(RFA)

US Election 2016 – Trump chiến thắng- Nguồn:BBC-9-11-2016

Bầu cử Mỹ 2016: 5 lý do Donald Trump thắng cử
Anthony Zurcher Phóng viên Bắc Mỹ

Bầu cử Mỹ 2016: 5 lý do Donald Trump thắng cử
Anthony Zurcher Phóng viên Bắc Mỹ


Hillary Clinton  228 –
Donald Trump – 279 –  Sau 47 trong số 50 tiểu bang
270 phiếu cần để chiến thắng

 Donald Trump đã lật ngược tất cả các dự đoán ngay từ đầu chiến dịch tranh cử cách đây hơn một năm.

Rất ít người ngờ được ông Trump sẽ đứng ra tranh cử, ông đã tranh cử. Họ nghĩ ông không thể giành thêm điểm trong các cuộc thăm dò ý kiến, ông đã giành được thêm điểm. Họ nói ông không thắng được các cuộc bầu cử thứ cấp, ông đã thắng. Họ nói ông không thể được bầu làm ứng viên của đảng Cộng hòa, ông đã được bầu.

Cuối cùng, họ nói ông không có cách nào để cạnh tranh, chứ đừng nói là chiến thắng cuộc tổng tuyển cử này.

Và giờ đây ông đã là tổng thống đắc cử Trump.

Dưới đây là 5 lý do khiến ông làm được điều nhiều người không ngờ được và không thể hiểu được.
Làn sóng da trắng ủng hộ Trump


 Làn sóng ủng hộ Trump

Từng thành trì được đánh đổ. Từng bang một, Trump đã giành được chiến thắng ở Ohio, Florida và North Carolina.

Điều đó làm bà Clinton bị quây trong “bức tường xanh” và bức tường này cuối cùng cũng bị đổ.

Nơi bám trụ cuối cùng của đảng Dân chủ dựa vào sức mạnh của Clinton ở các bang Tây bắc nước Mỹ. Đây là các bang đã hàng thế kỷ nay vốn bỏ phiếu cho đảng Dân chủ, một phần dựa vào sự ủng hộ của các cử tri da đen và giai cấp lao động da trắng.

Những người thuộc giai cấp lao động da trắng, nhất là những người không có bằng đại học, cả phụ nữ và đàn ông, đã đồng loạt bỏ rơi đảng Dân chủ. Những cử tri vùng nông thôn đi bỏ phiếu rất đông. Và những người Mỹ cảm thấy họ bị chính phủ bỏ rơi và bị tụt hậu so với giới tinh hoa ở các vùng bờ biển cũng đã lên tiếng.

Dù đảng Dân chủ giữ được những bang như Virginia và Colorado, Wisconsin đã đổ – và theo đó là hy vọng làm tổng thống của bà Clinton.

Sau cùng, bà Clinton đã thắng vòng bầu cử phổ thông nhờ có sự ủng hộ mạnh mẽ ở các bang như California và New York, và đã thua ở mức sát nút hơn dự đoán ở các bang đỏ vốn ủng hộ đảng Cộng hòa như Utah.

Làn sóng Trump đã tràn vào tất cả các bang nó cần tới. Và tràn mạnh.

Một Donald không hạ được


 Một Donald không hạ được

Ông Trump đã bôi nhọ cựu chiến binh có nhiều thành tích John McCain.

Ông đã gây chiến với hãng tin Fox News và biên tập viên được yêu mến, Megyn Kelly.

Ông đã gây tranh cãi mạnh khi ông được phỏng vấn về lần ông đã chế nhạo một cựu hoa hậu gốc Latin khi cô tăng cân.

Ông đã đưa ra lời xin lỗi nửa vời khi đoạn băng video quay ông khoác lác về những lần đề nghị tình dục với phụ nữ bị tiết lộ.

Ông ngắc ngứ trong ba vòng tranh luận tranh cử tổng thống với các màn trình diễn ít có sự chuẩn bị.

Tất cả những điều đó không quan trọng. Dù ông bị mất điểm trong các cuộc thăm dò sau mấy sự cố trên, sự ủng hộ của ông như là lò xo – cuối cùng đã bật lại.

Có lẽ những vụ tai tiếng của Trump diễn ra nhiều quá và nhanh quá nên đối thủ chưa kịp trở tay. Có lẽ tính cách và sức lôi cuốn của ông Trump là quá mạnh, nên các vụ xì căng đan đã chóng qua. Vì lý do gì đi nữa, không gì hạ được ông.
Người ngoài cuộc


Người ngoài cuộc

Ông Trump tranh cử chống lại đảng Dân chủ. Ông còn chống lại quyền lực ngay trong đảng của mình.

Ông đã thắng tất cả.

Ông Trump lên ngôi nhờ đã hạ gục nhiều đối thủ thứ cấp của đảng Cộng hòa . Một số người, kể cả Marco Rubio, Ted Cruz, Chris Christie và Ben Carson, cuối cùng cũng phải chùn. Một số người cố chống chọi với Trump, như Jeb Bush và Thống đốc bang Ohio John Kasich, bây giờ chỉ là người ngoài đảng nhìn vào.

Còn những người còn lại trong đảng, từ người phát ngôn của Thượng Nghị Viện Paul Ryan trở xuống thì sao? Ông Trump không cần đến sự giúp đỡ của họ – và có thể ông đã thắng vì ông đã không ngần ngại phản đối họ.

Thái độ không cần ai hết của ông Trump đã thể hiện sự độc lập và vị trí người ngoài cuộc của ông tại thời điểm mà nhiều người dân Mỹ bất mãn với Washington (dù họ không đủ bất mãn để đến mức không bầu lại các hạ nghị sĩ đang giữ ghế).

Các chính trị gia đã cảm nhận được tinh thần này của dân chúng – chẳng hạn đại biểu Bernie Sanders của đảng Dân chủ, cũng như ông Cruz. Tuy nhiên, không ai đã nắm bắt được tinh thần này bằng Trump, và ông đã vào được nhà Nhà Trắng nhờ điều đó.
Nhân tố Comey


Nhân tố Comey

Các cuộc thăm dò rõ ràng là đã sai khi dự đoán thành phần và lựa chọn của các vùng bầu cử, nhất là ở các bang miền Trung Tây Mỹ. Tuy nhiên, trong những ngày cuối cùng của chiến dịch, sự thật là các kết quả thăm dò cho thấy hai đối thủ sát nút và Trump có thể có đường thắng cử.

Con đường này không hề rõ cách đây hai tuần, khi mà giám đốc FBI James Comey đưa ra lá thư thông báo cơ quan này sẽ mở lại cuộc điều tra về việc sử dụng email cá nhân của bà Clinton.

Đúng là thời điểm đó, các kết quả thăm dò cho thấy khoảng cách đang thu hẹp, nhưng ông Trump được nhiều điểm nhất trong mấy tuần từ khi ông Comey đưa ra lá thư đầu tiên thông báo mở lại cuộc điều tra, cho đến khi ông có lá thư thứ hai nói FBI sẽ ngừng điều tra bà Clinton.

Dường như trong thời gian này, ông Trump đã củng cố đại bản doanh của mình thành công, đưa những người có quan điểm bảo thủ lâu năm về phe mình và làm tan vỡ hy vọng đưa ra thông điệp cuối chiến dịch ấn tượng với các cử tri Mỹ của bà Clinton.

Tất nhiên, các động thái của ông Comey sẽ không bao giờ là yếu tố quan trọng nếu bà Clinton luôn nghiêm chỉnh gửi tất cả các email công việc của mình qua các máy chủ của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Điều này sẽ còn làm bà phải suy ngẫm lâu.
Tin vào bản năng


 Tin vào bản năng

Cuộc tranh cử của ông Trump là không truyền thống nhất từ trước tới nay, nhưng cuối cùng ông lại thạo hơn tất cả các chuyên gia.

Ông chi nhiều tiền để mua mũ hơn là để thuê những người dự đoán phiếu bầu. Ông đến vận động ở các bang như Wisconsin và Michigan nơi mọi người nói ông không có khả năng thắng.

Ông tổ chức các cuộc gặp mặt cử tri lớn thay vì tập trung gõ cửa từng nhà và vận động dân đi bầu.

Ông có cuộc đại hội chính trị quốc gia bất đồng và có lúc hỗn loạn, và một bài phát biểu nhận chức ứng viên đen tối nhất trong các bài phát biểu cùng loại trong lịch sử chính trị đương thời Mỹ.

Ông chi tiêu ít hơn rất nhiều so với chiến dịch tranh cử của bà Clinton, cũng như ở vòng bầu cử đảng Cộng hòa thứ cấp. Ông lật ngược các tôn chỉ làm thế nào để thắng cử tổng thống.

Tất cả các quyết định này của ông Trump – và nhiều quyết định nữa – bị chế nhạo trong giới “hiểu biết”.

Tuy nhiên, cuối cùng thì các quyết định của ông Trump đã mang lại kết quả. Ông Trump và những người thân cận nhất của ông – con cái ông và một số ít cố vấn – sẽ là người cười sau. Và họ sẽ làm điều đó từ Nhà Trắng.

………………………………………………………………….

Bầu cử Mỹ: Điều gì sẽ xảy ra với chính sách ngoại giao Hoa Kỳ?
Mark Urban Biên tập viên mảng quốc phòng và ngoại giao, Newsnight

   Nguồn:BBC-  8 tháng 11 2016


Image copyright AFP

Chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ sau kỳ bầu cử tổng thống có lẽ sẽ vẫn tiếp tục xu hướng tránh tham gia vào các cuộc xung đột lớn ở hải ngoại nhằm tập trung giải quyết chuyện nội bộ – điều mà có lẽ khó có thể đoán được từ cách tiếp cận chính sách ngoại giao của hai ứng viên tổng thống.
Vì sao vậy?

Trước tiên, cố vấn thân cận của cả hai ứng viên dường như đều muốn nhấn mạnh rằng một số chính sách gây tranh cãi mà họ vận động – chẳng hạn như ông Trump nói sẽ tái thương lượng Thỏa thuận Thương mại Tự do Bắc Mỹ, hay bà Hillary Clinton nói sẽ ủng hộ vùng cấm bay ở Syria – thực ra đều không đến mức cực đoan như người ta tưởng, mà có lẽ “vẫn vậy mà thôi” thay vì có bất kỳ thay đổi lớn nào.

Tuy phe Cộng hòa chỉ trích Tổng thống Barack Obama là “bê trễ” vai trò lãnh đạo toàn cầu, và một số ý kiến cho rằng bà Hillary Clinton sẽ là người can thiệp nhiều hơn, nhưng trên thực tế, bất kỳ ai lên nắm quyền cũng sẽ tránh lặp lại những gì đã xảy ra ở Iraq và Afghanistan.

Đó là những cam kết quân sự trường kỳ quá đắt đỏ khiến nhiều người Mỹ cảm thấy khó có thể cam nổi.

“Hoa Kỳ đang trải qua một giai đoạn rất thú vị,” vị cựu Bộ trưởng Quốc phòng và Giám đốc Trung tâm Tình báo Leon Panetta nói với BBC, “và không có nghi ngờ gì trước việc người ta đã cảm thấy mệt mỏi khi phải đối mặt với những thách thức trong giai đoạn đó cùng với cái giá mà chúng ta đã phải trả. Điều này phản ảnh không chỉ trong đảng Dân chủ mà ở cả đảng Cộng hòa.”
‘Nhân vật Trump’

Về thương mại tự do, sự lựa chọn này giữa bà Clinton và ông Trump cũng không đến mức quá cực đoan như người ta nghĩ.

Mặc dù bà Clinton là một trong những người ủng hộ nhiệt tình thỏa thuận tự do, phe tả trong đảng của bà đã nhập hội cùng phía Cộng hòa tranh luận rằng thỏa thuận mới được ký kết hồi đầu năm nay (Đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP) không nên được thông qua, và họ cũng nghi ngờ nhu cầu cần có một thỏa thuận tương tự với châu Âu trong tương lai.

“Nếu ta tách biệt các dự luật cụ thể khỏi nhân vật Trump,” bà Danielle Pletka từ viện American Enterprise Institute nói về thương mại tự do, gánh nặng khi là đồng minh khối Nato và cắt giảm quân sự, “thực tế là, những kiến nghị này hợp lý và Quốc hội có pháp quyền và sức mạnh chính trị để có thể làm được điều gì đó về vấn đề này.”

Liệu Hoa Kỳ có thay đổi chính sách của mình ở Trung Đông?

Khả năng không ứng viên nào có được chiến thắng tuyệt đối ở tòa Bạch ốc, Thượng viện và Hạ viện, có nghĩa là họ sẽ bị hạn chế khả năng làm hết mức những gì đã hứa từ vị trí của mình.

Nếu xét theo các cuộc thăm dò dân ý, bà Clinton có thể thắng ghế tổng thống, nhưng phe Cộng hòa sẽ chiếm đa số ở Hạ viện, thì có rất nhiều dự đoán cho rằng chia rẽ và bế tắc sẽ còn gay gắt hơn những gì đã xảy ra ở nhiệm kỳ hai của Tổng thống Obama.

Thế nên có lẽ chính sách của bất kỳ ứng viên nào cũng sẽ gặp phải cản trở ở Quốc hội.

Bình luận về chính sách thương mại của ông Trump, thành viên đảng Cộng hòa Carlos Gimenez, và là Thị trưởng Miami – thành phố chủ yếu dựa vào thương mại nước ngoài, nói với tôi: “Cái hay của nước Mỹ là chúng tôi không có vua… chúng tôi có sự chia sẻ quyền lực,” và nhấn mạnh rằng các thượng nghị sỹ Florida và thành viên hạ viện sẽ bảo vệ lợi ích của họ ở Washington.

Với đề xuất của chính ứng viên tổng thống từ đảng của ông, rằng Hoa Kỳ có thể sẽ phải tăng thuế đối với một số sản phẩm và hàng hóa rẻ tiền của nước ngoài, nơi việc làm của người Mỹ bị đưa ra hải ngoại, ông Gimenez nói việc dựng lên những hàng rào như vậy “thực sự không hiệu quả”, và nói thêm, “chúng tôi cần thương mại tự do”.

Thế nhưng, đó là quan điểm của một đô thị đặc biệt và có vẻ như điều đang xảy ra và là xu hướng lâu dài, là Hoa Kỳ ngày càng ít quan tâm tới vai trò dẫn dắt toàn cầu cũng như trong việc xúc tiến các thỏa thuận thương mại tự do, mà còn mải bận rộn với các chính sách trong nước và sự chia rẽ nội bộ.
Kiềm tỏa nội bộ

Ông Panetta nói với tôi về những lo lắng đối với việc Hoa Kỳ lùi khỏi vai trò dẫn dắt trên toàn cầu.

“Hoa Kỳ hy vọng rằng những người khác sẽ đảm nhận vai trò này,” ông nhắc tới những năm tháng nhiệm kỳ Obama, nhưng “nó đã không xảy ra và kết quả là an ninh quốc gia chúng tôi bị thách thức.@

“Đây là điều mà người Mỹ giờ đã hiểu rằng, nếu Hoa Kỳ không lãnh trách nhiệm lãnh đạo ấy thì rất tiếc là không ai khác sẽ gánh vác.”

Tuy ông Panetta và nhiều nhà làm chính sách ngoại giao ở Washington coi bà Clinton là lựa chọn tốt hơn, về khía cạnh đảm nhiệm vai trò tích cực trên trường quốc tế, sự tự do hành động của bà sẽ bị hạn chế bởi các sức mạnh mới cũng như sự kiềm tỏa từ chính trị nội bộ.

Trong những tháng gần đây, Nga đã can thiệp vào Syria trong lúc đẩy mạnh quan hệ với nhiều quốc gia Trung Đông khác.

Trung Quốc cũng vậy. Quốc gia này không chỉ nhanh chóng đuổi kịp Hoa Kỳ về kinh tế, mà còn đang chuẩn bị sẵn sàng về ngoại giao và quân sự để khép cánh cửa với Mỹ ở những khu vực nhạy cảm như Biển Đông.

Cảm giác lo ngại Hoa Kỳ đang trượt khỏi chính trị của đại cường đã khiến ông Trump gợi ý sẽ tăng cường chi tiêu cho quốc phòng và siết chặt chính sách thương mại với Trung Quốc.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta lo ngại trước việc Hoa Kỳ lùi khỏi vai trò dẫn dắt trên toàn cầu

Cả hai ứng viên đều đưa ra những nghịch lý đáng chú ý – ông Trump đề xuất chi tiêu nhiều hơn cho lực lượng quân sự mà ông sẽ dùng đến ít hơn, trong khi đó bà Clinton đề nghị có vai trò năng động hơn đối với các lực lượng đang bị giảm sút theo kế hoạch hiện nay.

Nhưng không một ứng viên nào có thể chỉ ra một cách thẳng thắn rằng sự thay đổi của trật tự quốc tế dẫn tới kết quả của việc các quốc gia như Trung Quốc và Nga phóng tay chi tiêu cho lực lượng của mình và cũng có ý định sẵn sàng dùng tới quân sự.

Đúng là trong một kỳ bầu cử tổng thống, và với ý nghĩa là khải hoàn ca về sự vĩ đại của một đất nước, thì đây có lẽ thời khắc tệ nhất để bàn tới những hạn chế ngày càng lớn về mặt sức mạnh của nó ở thế giới, mà các chuyên gia về chính sách ngoại giao mô tả là ngày càng “đa cực”.

Nếu nhìn theo cách này, việc ông Trump khăng khăng rằng ông sẽ không cam kết đưa đất nước vào cuộc chiến ở nước ngoài, hay những gợi ý từ các cố vấn của bà Clinton rằng chính sách Syria sẽ không gồm các hành động leo thang lớn nào, có thể được coi là sự tiếp tục của chính sách trước.

Tổng thống Obama tự hào, như ông nói, khi đưa những người lính Mỹ về nhà từ hai cuộc chiến và đã đề ra những giới hạn nghiêm ngặt về sự tham gia của Hoa Kỳ ở Libya và Syria.

Mark Urban là biên tập viên mảng ngoại giao và quốc phòng của chương trình BBC Newsnight. Quý vị có thể đọc thêm trên Twitter và blog .

……………………………………………………….

Cuộc chiến giữa Đảng và Chính phủ

Nguồn:Kính Hòa, phóng viên RFA

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (trái) và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Đại hội Đảng lần thứ 12 ở Hà Nội hôm 28/1/2016. AFP

Trong liên tục hai năm qua các viên chức cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện nhiều hoạt động đối ngoại, vốn là vai trò của ngành ngoại giao hay người đứng đầu Chính phủ.

Các viên chức này là những người thuần túy hoạt động đảng chứ không giữ chức vụ gì trong Chính phủ.

Điều gì đang xảy ra đằng sau những hoạt động này?

Sau đây là ý kiến một số nhà quan sát trong và ngoài nước về sự thay đổi này.
Thay đổi mô hình

Ông Đặng Xương Hùng, một cán bộ ngoại giao Việt Nam, từng là đảng viên cộng sản, nay bỏ Đảng và tị nạn tại Thụy Sĩ nhận định về sự xuất hiện liên tục của các cán bộ Đảng Cộng sản cao cấp trong hoạt động đối ngoại:

“Đảng Cộng sản Việt Nam họ muốn chứng tỏ cho mọi người rằng là các chính phủ trên thế giới, kể cả Mỹ, đều công nhận sự khác biệt về thể chế, tức là công nhận một chế độ do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”.

Giáo sư Vũ Tường, giảng dạy tại khoa chính trị, Đại học Oregon ở Mỹ phân tích thêm về sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong những hoạt động của Nhà nước Việt Nam trong thời gian gần đây:

“Từ 2010, 2012 khi ông Trọng lên đã có cái xu hướng tăng cường sự quản lý của Đảng trong những hoạt động của Nhà nước. Từ lãnh vực ngoại giao đến kinh tế, đến nội chính… Theo tôi đọc các tài liệu của Đảng thì sự tăng cường quan hệ đối ngoại của Đảng này mục đích của nó là để các nước tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam là do Đảng lãnh đạo. Trong quá trình chuyển qua kính tế thị trường, thì vai trò của Đảng lu mờ rất nhiều so với Chính phủ. So sánh ông Nguyễn Phú Trọng với ông Nguyễn Tấn Dũng thì sẽ thấy là nước ngoài người ta đều biết Nguyễn Tấn Dũng mà không biết Nguyễn Phú Trọng là ai cả, hay Nông Đức Mạnh trước đó”.

Giáo sư Tường cũng nói thêm là hoạt động đối ngoại của Đảng là cũng nhằm để giải quyết những bất đồng với các nước có thể chế tương tự với Việt Nam như Trung quốc. Theo quan sát của ông thì ông Nguyễn Phú Trọng đã thực hiện đến 17 chuyến viếng thăm ra nước ngoài.

Một nhà quan sát chính trị Việt Nam từ Pháp là ông Nguyễn Gia Kiểng, người thành lập tổ chức Tập hợp dân chủ đa nguyên, tranh đấu cho chính trị đa đảng tại Việt Nam, bình luận rằng mô hình phân biệt Đảng và Nhà nước ở Việt Nam đang bị thay đổi:

“Chính sách phân biệt Đảng và Nhà nước đã đưa tới tình trạng ông Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng và bất chấp Bộ Chính trị. Cho nên khuynh hướng hiện nay đã được công khai hóa là nhất thể hóa chính trị, chính sách cầm quyền tại Việt Nam. Điều đó có nghĩa là họ trở lại với mô hình mà Đảng Cộng sản đã bỏ đi hồi năm 1986, khi mở cửa là phân biệt Đảng và Nhà nước”.

Nhưng riêng trong lĩnh vực ngoại giao, ông Đặng Xương Hùng cho rằng thực ra không có thay đổi gì. Khi được hỏi rằng liệu tới đây vai trò của các viên chức bộ ngoại giao có bị lép đi so với các viên chức Đảng phụ trách đối ngoại hay không, ông Đặng Xương Hùng không cho là như thế:

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry (phải) và ông Đinh Thế Huynh, thường trực Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tại Washington DC ngày 25/10/2016. State photo.

“Theo quan sát của tôi thì tôi thấy những chuyến đi như của ông Trọng, ông Huynh, cũng là sự sắp xếp của ngoại giao Việt Nam với phía Mỹ, chứ không phải là của Ban Đối ngoại, trong cái quan hệ, trong cái tình huống mà ngoại giao Việt Nam lợi dụng được việc người Mỹ chiều chuộng Việt Nam hơn trong bối cảnh người Mỹ thấy nguy cơ lấn át của Trung Quốc ở châu Á Thái Bình Dương.

Sự quản lý đối ngoại của Việt Nam lâu nay vẫn như thế thôi, tức là mọi hoạt động đối ngoại đều thông qua Ban Bí thư và Bộ Chính trị hết. Các đề án quan trọng và các bước đi về đối ngoại cần thiết đều phải có các đề án được thông qua ở Ban Bí thư và Bộ Chính trị hết, chứ không hẳn ở một vai trò như ông Bộ trưởng Bộ Ngoại giao”.

Trở lại việc thay đổi mô hình tách biệt hoạt động Nhà nước và Đảng Cộng sản, ông Nguyễn Gia Kiểng cho rằng còn có một lý do nữa là sự lúng túng trong phương hướng điều hành, lãnh đạo đất nước của Đảng Cộng sản:

“Họ thấy rằng Chủ nghĩa Mác Lê nin bị chối bỏ, rồi cái định hướng xã hội chủ nghĩa không còn hợp thời nữa, họ lại cố thủ trên cái mô hình đó, nên họ thấy rằng phải trở lại mô hình cũ. Hiện nay họ phải làm những việc mà họ không muốn làm. Những ai mà đọc Nghị quyết của Hội nghị Trung ương bốn, và bài diễn văn bế mạc của ông Tổng Bí thư thì đều thấy rằng họ phải làm những việc không muốn làm, ví dụ như họ nói nguyên nhân gây ra những khó khăn của kinh tế hiện nay là đầu tư công quá nhiều. Nhưng mà cuối cái bản phúc trình đó họ lại nói rằng muốn kinh tế giữ mức tăng trưởng thì phải tăng thêm đầu tư công”.
Đảng, Nhà nước, và tranh chấp nội bộ

Sự xuất hiện của các viên chức cao cấp của Đảng trên trường ngoại giao quốc tế cũng được ông Đặng Xương Hùng cho là có một lý do thứ hai là thể hiện sức mạnh của các nhân vật ấy trong cuộc đấu tranh nội bộ của Đảng:

“Cái đó nó thể hiện sự đấu đá nội bộ giữa các lãnh đạo Việt Nam trong việc quản lý chính quyền cũng như là cai trị đất nước. Vừa rồi các nhân vật như Phạm Quang Nghị, Đinh Thế Huynh, Nguyễn Phú Trọng, tham gia vào các hoạt động ngoại giao có tính chất nổi bật để thể hiện mình”.

Có những viên chức, sau khi thực hiện một chuyến đi quan trọng tại nước ngoài như ông Phạm Quang Nghị lại bị thất bại khi trở về Việt Nam.

Từ khi Việt Nam mở cửa về kinh tế vào năm 1986, nhiều nhà quan sát trong và ngoài nước cho rằng vai trò của Chính phủ Việt Nam ngày càng lên cao. Trước những diễn biến mới khi Đảng Cộng sản đang muốn tăng cường sự quả lý của họ lên mọi hoạt động của Nhà nước, Giáo sư Vũ Tường nhận định:

“Đương nhiên đó là chuyện ông Trọng và các ban Đảng của ông ấy muốn, nhưng có làm được hay không lại là chuyện khác. Tôi nghĩ là ông ta đã vung tay quá trán, ông ta không có quyền lực cá nhân để tạo ra thay đổi, dù có thể tạo ra hay đổi trong nhất thời. Nhưng không đủ lực cá nhân để tạo ra thay đổi”.

Ngay sau khi Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 12 kết thúc hồi đầu năm nay, người ta thấy ông Nguyễn Tấn Dũng không còn giữ một cương vị nào nữa trong Đảng Cộng sản cũng như trong Chính phủ. Ngay sau đó xảy ra một loạt vụ án kinh tế liên quan đến những người điều hành của Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam, nằm dưới quyền của ông Nguyễn Tấn Dũng trước đây. Đó là vụ ông Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn ra nước ngoài, ông Vũ Huy Hoàng nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương bị cách chức.

Trong khi đó thì ông Đinh La Thăng, đương kim Ủy viên Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực nhất nước, cũng bị chỉ trích, dù không chính thức, là phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những chuyện tham nhũng ở Tập đoàn Dầu khí. Giáo sư Vũ Tường, dù cho biết là ông không có nhiều thông tin, nhưng cho rằng ông Thăng là một người thuộc nhóm của Chính phủ ông Dũng, mà nhóm viên chức Đảng muốn loại trừ.

Về quan hệ giữa Đảng và Chính phủ, gần đây trên tạp chí chuyên về lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam là Tạp chí cộng sản có đề cập một cách không chính thức chuyện nhất thể hóa bộ máy Đảng và Nhà nước. Theo Giáo sư Vũ Tường thì chuyện đó khó có thể xảy ra vì hiện không có một gương mặt nào đủ mạnh của nhóm cán bộ Đảng có thể làm được điều đó. Giáo sư Tường nói thêm là chuyện như vậy có thể xảy ra do một nhân vật nào đó có nhiều quyền lực trong ngành công an hay quân đội, hay phải có nhiều tiềm lực kinh tế như ông Đinh La Thăng.

Khi chúng tôi thực hiện bài viết này, chúng tôi đã phỏng vấn ông Đặng Xương Hùng vào ngày 3 tháng 10, Ông Đặng Xương Hùng cho biết nhận định của ông về cuộc tranh chấp giữa nhóm Đảng và Chính phủ:

“Rồi sau này cũng sẽ có những nhân vật trốn đi nữa. Nó cho thấy rằng sự áp đặt khống chế hoàn toàn của ông Nguyễn Phú Trọng không hẳn là có hiệu quả. Vụ Trịnh Xuân Thanh, rồi Vũ Huy Hoàng cho ta thấy phản ứng của phe Chính phủ không hẳn lép vế hoàn toàn, phe của ông Trọng không hẳn là áp đảo”.

Ngày 5 tháng 10, báo chí Việt Nam loan tin rằng ông Vũ Đình Duy, một cán bộ quản lý cao cấp của tập đoàn dầu khí Việt Nam là người chịu trách nhiệm trong vụ bê bối tài chính ở một nhà máy do tập đoàn này quản lý. Bài báo trên báo thanh niên viết rằng cơ quan chủ quản của ông Duy là Bộ Công Thương cho biết ông không có mặt ở Việt Nam, nhưng không biết ông đi đâu.

K. H.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/fight-between-party-gov-11072016103509.html

……………………………………………..

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics