1.Bài phát biểu tuyệt vời của TT Obama ..2.Obama,Nguyễn Du và Lý Thường Kiệt(NV)3.'Bún chả thượng đỉnh' của TT Obama..4.Tại SG-

8429. Bài phát biểu tuyệt vời của Tổng thống Mỹ Obama trước sinh viên, trí thức Việt Nam

Nguồn: Posted by adminbasam on 24/05/2016

Chúng Ta

FB Cao Bảo lược dịch- 24-5-2016

Cảnh thanh niên chờ vào Trung Tâm Hội Nghị Mỹ Đình (Hà Nội) để nghe tổng thống Mỹ Obama nói chuyện ngày 24/05/2016. Nguồn: Reuters

Cảnh thanh niên chờ vào Trung Tâm Hội Nghị Mỹ Đình (Hà Nội) để nghe tổng thống Mỹ Obama nói chuyện ngày 24/05/2016. Nguồn: Reuters

Sáng 24-5-2016, khoảng 4000 sinh viên, trí thức trẻ và doanh nhân trẻ Việt Nam đã có mặt tại Trung tâm hội nghị Quốc gia tại Mỹ Đình rất sớm để chờ đón sự kiện Tổng thống Obama sẽ có cuộc trò chuyện, phát biểu tại đây…

Bài phát biểu của một người nước ngoài, một người Mỹ, đặc biệt là của Tổng thống Mỹ. Bước ra sân khấu, Tổng thống Obama vẫy tay chào khán giả và gửi lời chào bằng tiếng Việt tới tất cả mọi người. “Xin chào, xin chào”.

“Xin cám ơn những người trẻ tuổi, đại diện cho sự năng động của Việt Nam đã đến đây!

Trong chuyến thăm này, sự thân thiện của các bạn đã chạm tới trái tim của chúng tôi. Nhiều người vẫy tay chào tôi bên đường, làm tôi cảm thấy được tình hữu nghị giữa các dân tộc.

Hôm qua tôi đến thăm phố cổ Hà Nội và được ăn bún chả rất ngon, uống bia Hà Nội. Đường phố thật đông đúc, tôi chưa bao giờ thấy nhiều xe máy như vậy trong đời. Tôi chưa thử qua đường, nhưng sau này có dịp trở lại Việt Nam, các bạn sẽ chỉ cho tôi cách qua đường như thế nào.

Tôi không phải Tổng thống Mỹ đầu tiên đến Việt Nam trong những năm gần đây, nhưng tôi là (tổng thống) đầu tiên – cũng như các bạn – trưởng thành sau cuộc chiến tranh Việt Nam.

Khi lực lượng quân sự Mỹ rời Việt Nam lúc đó tôi 13 tuổi. Lần đầu tiên tôi tiếp xúc với người Việt Nam là ở Hawaii, nơi tôi lớn lên. Tôi đã gặp một số người Mỹ gốc Việt ở đó, nhiều người còn trẻ hơn tôi. Nhiều người trẻ Việt Nam, cũng như hai con gái tôi, khi sinh ra chỉ biết đến tình hòa bình và bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ. Khi đến đây tôi ý thức về quá khứ, ý thức về một lịch sử khó khăn, nhưng chúng ta hướng về tương lai, sự thịnh vượng, an ninh và sự ổn định để chúng ta có thể thúc đẩy lẫn nhau.

Khi những phi công Mỹ đến đây, người Việt Nam đã giúp đỡ họ. Vào ngày tuyên bố độc lập của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích tuyên ngôn độc lập của Mỹ, rằng mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng và được hưởng các quyền khác nhau trong đó có quyền sống, quyền tự do, mưu cầu hạnh phúc. Vào một thời điểm khác, việc đánh đuổi thực dân đã đưa chúng ta xích lại gần nhau. Không may, chiến tranh Lạnh và sự sợ hãi chủ nghĩa cộng sản đã khiến lịch sử hai nước đớn đau. Ở hai nước, gia đình các cựu chiến binh vẫn còn đau đớn vì những người thân đã mất.

Trong các nghĩa trang liệt sĩ, trên bàn thờ của các gia đình Việt Nam chứa đựng đầy những nỗi đau. Có khoảng 3 triệu người Việt Nam, dân thường và binh sĩ ở cả hai phía, đã mất đi. Trên bức tường chiến tranh ở đất nước chúng tôi, người ta có thể chạm vào tên của 58.315 binh sĩ vĩnh viễn không trở về. “Khi chúng ta bất đồng một điều gì đó, chúng ta vẫn phải nhớ đến những người đã ngã xuống vì đất nước, cả người Việt và người Mỹ”. Chúng ta đã hàn gắn với nhau: tìm kiếm người mất tích, đưa họ về nước, gỡ bỏ những bãi mìn còn chưa nổ. Trẻ con không thể nào bị mất chân bởi những bãi mìn này.

Trẻ em khuyết tật và chất độc màu da cam sẽ được chúng tôi hỗ trợ nhiều hơn. Chúng tôi tự hào vì những công việc chúng ta đã phối hợp với nhau tại Đà Nẵng và chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ ở sân bay Biên Hòa. Quá trình hòa giải của hai nước chúng ta không chỉ là liên quan đến các cựu chiến binh. Thượng nghị sĩ John McCain, cựu binh trong chiến tranh, đã đến gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nói rằng “Hai nước chúng ta không nên là kẻ thù, nên làm bạn”.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã phát triển mạnh về kinh tế, tiến bộ, từ những nhà cao tầng, khu đô thị, vệ tinh phóng vào vũ trụ, hàng ngàn doanh nghiệp khởi nghiệp, hàng nghìn người trẻ kết nối trên mạng, không chỉ selfie mà còn cất giọng vì những điều các bạn quan tâm.

Việt Nam đã giảm nghèo, tăng tiếp cận điện nước, tỉ lệ em gái được đến trường là những tiến bộ cực lớn. Quan hệ hai nước cũng thay đổi, hai nước đã học được bài học như Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói rằng “Muốn đối thoại, cả hai bên phải thay đổi”.

Chúng ta đã cùng nhau giải quyết bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại, làm sạch đất đai khỏi chất độc da cam. Quá trình hòa giải hai nước và cũng đã đem lại những lợi ích cho hai nước được dẫn dắt bởi những cựu chiến binh từng ở hai chiến tuyến, như thượng nghị sĩ McCain và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hay trung úy Hải quân giờ là Ngoại trưởng John Kerry. Xin cảm ơn ngoại trưởng. Chính bởi những người cựu chiến binh đã cho chúng ta thấy con đường đi và người dân đã cảm thấy rất phấn khích để tiếp tục mưu cầu hòa bình. Chúng ta trở nên gần gũi nhau hơn, thương mại tự do ngày càng tăng lên, các sinh viên, học giả nghiên cứu với nhau.

Câu chuyện hai nước là bài học cho cả thế giới, rằng trái tim có thể thay đổi, khi ta từ chối làm tù nhân của quá khứ, rằng hòa bình tốt hơn chiến tranh.

Việt Nam là nước độc lập, có chủ quyền, không nước nào có thể áp đặt, quyết định số phận thay Việt Nam.

Mỹ có thể giúp Việt Nam cách vận hành nền kinh tế một cách minh bạch. Các công ty, trường đại học của Mỹ sẽ đến Việt Nam để đem lại công nghệ và giáo dục chất lượng cao.

Từ thơ Nguyễn Du, triết học Phan Chu Trinh, toán học Ngô Bảo Châu đều có thể đem ra thế giới. Ở Việt Nam và trên thế giới, phụ nữ sẽ có cơ hội phát triển, những phụ nữ là con cháu của Bà Trưng, Bà Triệu.

“Nước lớn không được bắt nạt nước nhỏ”.

Mỹ sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện TPP. TPP sẽ giúp minh bạch, chống tham nhũng, bảo vệ môi trường, là tương lai cho mọi người, vì thịnh vượng và an ninh.
Để tăng cường hợp tác an ninh và lòng tin, Mỹ sẽ cung cấp tàu cho cảnh sát biển Việt nam, dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí để bình thường hóa trọn vẹn quan hệ với Việt Nam, giúp Việt Nam mua sắm vũ khí bảo vệ Tổ quốc.
Người dân hai nước đang gần nhau hơn bao giờ hết, doanh nghiệp, du học sinh, khách du lịch đều tăng lên. Chúng tôi đã đón nhiều sinh viên Việt Nam hơn bất kỳ nước nào khác ở Đông Nam Á. Rất nhiều khách du lịch đã đến thăm Việt Nam, 36 phố phường cổ Hà Nội, các cửa hàng ở Hội An, cố đô Huế. Như nhạc sĩ Văn Cao trong bài hát có lời: “Từ nay người biết yêu người, từ nay người biết thương người”.

Nguyên tắc là các nước nhỏ hay lớn đều phải được tôn trọng chủ quyền và lãnh thổ, nước lớn không được bắt nạt nước nhỏ.

Với Biển Đông, Mỹ ủng hộ tự do hàng hải và hàng không, giải quyết tranh chấp hòa bình và theo luật pháp quốc tế.

Chúng ta cũng có những khác biệt về nhân quyền. Nhưng tôi không nói riêng Việt nam, không nước nào hoàn hảo, kể cả Mỹ. Tôi ngày nào cũng nghe những than phiền về nhân quyền.

Nhưng chỉ trích khiến ta tiến bộ. Mỹ không muốn áp đặt lên Việt Nam, nhưng nhân quyền là phổ quát, các quyền tự do ngôn luận, biểu tình đều có trong Hiến pháp của chính Việt Nam.

Người Việt nam sẽ tự quyết định tương lai của Việt nam. Tôi tin các nước sẽ thành công hơn khi người dân có có quyền bày tỏ, ngôn luận, tiếp cận thông tin, kinh tế sẽ phát triển. Facebook đã bắt đầu như thế…

Việt Nam qua nhiều năm đã tiến bộ, minh bạch hơn. Người Việt Nam sẽ tự quyết định tương lai của Việt nam. Tôi tin các nước sẽ thành công hơn khi người dân có có quyền bày tỏ, ngôn luận, tiếp cận thông tin, kinh tế sẽ phát triển. Facebook đã bắt đầu như thế.

Ai đó có ý tưởng mới mẻ và có thể chia sẻ. Khi báo chí, truyền thông có thể soi rọi những nơi tối tăm, các quan chức sẽ bị kiểm soát. Bầu cử tự do sẽ có những lãnh đạo tốt.

Tự do tôn giáo sẽ khiến người dân yêu thương nhau hơn. Tự do lập hội, người dân sẽ giúp giải quyết những vấn đề Chính phủ không thể làm. Những quyền này không gây rối loạn xã hội mà khiến xã hội bền vững hơn. Việt Nam có thể làm khác các nước, nhưng những nguyên tắc là chung.

Hai nước đã từng chiến tranh, giờ chúng ta lại cùng nhau gìn giữ hòa bình thế giới. Mọi việc không phải sau một đêm là có. Có những khó khăn, thụt lùi. Nhưng tôi đứng đây, trước các bạn, rất lạc quan về tương lai của hai nước.

Như Trịnh Công Sơn đã viết “Nối vòng tay lớn”, người dân hai nước đã mở trái tim mình ra để đến với nhau. Một bác sĩ Việt kiều đã nói với tôi rằng ông đã thực hiện được giấc mơ Mỹ, ông tự hào là người Mỹ và cũng tự hào là người Việt Nam. Hôm nay ông có mặt ở đây để trở về giúp đỡ Việt Nam.

Thế hệ trẻ Việt Nam có cơ hội để phát triển đất nước, Hoa Kỳ ở đây để giúp đỡ các bạn, luôn bên các bạn. Sau này khi các bạn cùng người trẻ Mỹ hợp tác, các bạn sẽ nhớ phút này, tôi đứng ở đây.

Như Nguyễn Du đã viết:
Rằng trăm năm cũng từ đây
Của tin gọi một chút này làm ghi…”
Cuối cùng, tổng thống Obama đã nói câu tiếng Việt: “Cám ơn các bạn” trong tiếng vỗ tay kéo dài của khoảng 4.000 người.

Tổng thống Obama rời đi trong tiếng nhạc của bài hát “Việt Nam tươi đẹp” và những tràng pháo tay không ngớt.

Nguồn: FB Cao Bảo

………………………………………………………………………………………………

Obama, Nguyễn Du, Lý Thường Kiệt
Nguồn:nguoiviet.com- Tuesday, May 24, 2016 1:56:53 PM

Ngô Nhân Dụng

BINH LUAN

Sau khi ông Obama tuyên bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Bắc Kinh tỏ ý hoan nghênh, nói, “Trung Quốc cũng muốn Mỹ bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí!” Sau vụ tàn sát ở Thiên An Môn năm 1989, các nước Tây đã ngưng bán bom đạn cho Trung Cộng.

Nhưng các nhà bình luận bên Tàu không nói “ngoại giao” như vậy. Tân Hoa Xã đe rằng không nên kết thân với nhau để “đe dọa và làm thiệt hại quyền lợi chiến lược của một nước thứ ba!” Ai cũng hiểu họ nói nước thứ ba nào. Giáo Sư Nghê Nhạc Hùng, (Ni Lexiong), một chuyên gia về hàng hải Ðại Học Thượng Hải, nói rõ hơn, rằng quyết Washington và Hà Nội đã lập một “liên minh gần như quân sự, nhắm vào Trung Quốc.”

Ngày hôm sau, chắc quan chức Trung Cộng còn nổi giận hơn, khi ông Obama nói với dân Hà Nội: “Trong lịch sử, nhiều lần các bạn không được tự quyết định số phận mình.” (Chúng tôi biết: Một ngàn năm không quyết định được số phận mình). Ông ta nhắc: “Người Việt Nam có bài thơ: Sông núi nước Nam vua Nam ở – Rành rành định phận tại sách trời.” Người Việt Nam nào nghe một ông tổng thống Mỹ nhắc tới câu thơ của Lý Thường Kiệt, thế kỷ thứ 11, mà không muốn đứng dậy, máu sôi lên? Ðến lúc ông Obama nhắc đến “trăm năm,” đến “của tin” thì chắc các cụ bà vẫn thuộc lòng thơ Nguyễn Du có thể rớt nước mắt; các cụ sẽ ngân nga ngâm Kiều: “Rằng trăm năm cũng từ đây, của tin gọi một chút này làm ghi!”

Ai dạy cho ông tổng thống Mỹ câu “Nam quốc san hà Nam đế cư – Tiệt nhiên định phận tại thiên thư?” Ai cho ông biết bài “Nối vòng tay lớn?” Ai chỉ cho ông dẫn lời Thiền sư Thích Nhất Hạnh? Ai biết mà biết nêu ra hai câu Truyện Kiều? Có sử gia Mỹ nào đã được tham khảo ý kiến khi họ soạn diễn văn? Hay tòa Ðại Sứ Mỹ ở Hà Nội đã đi nghe ngóng các trong cuộc biểu tình, đã hỏi thăm các ông Nguyễn Huệ Chi và Nguyễn Quang A? Hay là Nguyễn Văn Hải, Ðiếu Cầy, mới mách nước khi được Tòa Bạch Ốc mời vào hỏi ý kiến trước khi ông khởi hành?

Người Việt ở Mỹ chắc phải lắc đầu: Mình biết cậu Obama này khôn lắm, hùng biện, nói giỏi lắm. Nhưng cũng không ngờ cậu ấy lanh đến thế! Ðặt chân trên đất Thăng Long mà nhắc đến câu “thơ thần” trên sông Như Nguyệt, xác định: Núi sông nước Nam thuộc chủ quyền của người nước Nam! Cậu Obama này đã không “lú” mà lại được rất nhiều “chú khôn” hiến kế!

Sau khi nhắc dân tộc Việt ôn lại lời dạy của Lý Thường Kiệt, ông Obama còn giải thích rõ hơn bằng một nguyên tắc, cả thế giới ngày nay đều công nhận: “Nguyên tắc là các nước nhỏ hay lớn đều phải được tôn trọng chủ quyền và lãnh thổ, nước lớn không được bắt nạt nước nhỏ!”

Những lời lẽ nhắn nhủ Bắc Kinh này còn “nặng ký” hơn cả lời tuyên bố chấp nhận bán thêm vũ khí. Quyết định bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí chắc chắn đã được chọn nhiều tháng trước khi ông tổng thống Mỹ lên đường, không phải vì Việt Cộng mới trả tự do cho cha Nguyễn Văn Lý. Họ không nói trước, để mọi người hồi hộp chờ đợi, và để khi nói ra giữa Hà Nội thì “ấn tượng” mạnh hơn. Trước hết, là một tín hiệu gửi giới lãnh đạo ở Bắc Kinh.

Obama còn ràng buộc việc bán vũ khí sát thương với tình trạng nhân quyền. Lối nói dè chừng này là một trò “mèo vờn chuột,” vờn cả Việt Cộng lẫn Trung Cộng. Bao giờ bán, bán những vũ khí nào, bán số lượng bao nhiêu, sẽ được tính toán tùy theo hành vi của Cộng Sản Việt Nam và Trung Quốc.

Ðối với Việt Cộng: Bỏ lệnh cấm bán vũ khí, nhưng bao giờ bán, bán cái gì, còn tùy anh, anh có chịu nới lỏng gông cùm cho dân Việt được sống làm người hay không?

Ðối với Trung Cộng: Nếu anh bớt hung hăng, Mỹ sẽ chỉ bán mấy thứ vũ khi nhẹ, chỉ phòng thủ. Nếu anh hăm dọa láng giềng trâng tráo quá, sỗ sàng qua, sẽ bán thứ nặng, bán nhiều hơn. Trong trò vờn nhau giữa con ó Mỹ và con rồng Trung Cộng trong vùng Biển Ðông, từ bây giờ Mỹ sẽ có một khí cụ mới để tăng hay giảm nhiệt độ, tùy hành vi của đối thủ. Lâu nay việc Mỹ bán máy bay, hỏa tiễn cho Nhật Bản, Ðài Loan, Nam Hàn và Phi Luật Tân cũng vẫn diễn trò này. Ông Obama còn nói, “Việt Nam mua sắm vũ khí bảo vệ Tổ quốc.” Tại sao lo bảo vệ Tổ quốc trong lúc này, ai cũng biết!

Barack Obama đã phóng một tín hiệu mới cho Tập Cận Bình. Ðồng thời, giúp cho các doanh nghiệp Mỹ tuyển mộ thêm hàng chục ngàn công nhân trong mấy năm tới. Một tin mừng trong lúc dân Mỹ sắp đi bầu! Cổ phiếu công ty Boeing đã tăng 0.68% trong ngày công bố sắp bán 100 máy bay 737 cho Vietjet, giá hơn 11 tỷ đô la, cộng thêm các hợp đồng bảo trì, bán phụ tùng thay thế, vân vân, trong tương lai. Công ty Pratt & Whitney của Mỹ cũng bán được 135 đầu máy phản lực để gắn trên những phi cơ Airbus được đặt hàng năm ngoái, thâu hơn ba tỷ nữa. Mỹ bán được máy bay còn Việt Nam sẽ bán được giầy dép, quần áo nhiều hơn, khi thỏa ước TPP được thi hành.

TPP chính là “của tin gọi một chút này làm ghi” mà ông Obama đem tới. Cả nước Việt Nam đang chờ TPP. Nhất là các thanh niên đang lo không có việc làm. Sau khi TPP được thi hành, năm 2030 kinh tế Việt Nam sẽ gia tăng mỗi năm 10%. Không những giúp Việt Nam phát triển kinh tế, TPP còn là một đòn bẩy để nâng Việt Nam lên thoát khỏi lệ thuộc kinh tế Trung Cộng.

Nhưng TPP cũng sẽ thành một tác nhân có thể chuyển hóa xã hội Việt Nam. Ông Obama nói ở Hà Nội: “TPP sẽ giúp cho xã hội minh bạch, sẽ ngăn bớt tham nhũng, sẽ bảo vệ môi trường,…” Nói đến tham nhũng là điểm đúng tử huyệt của chế độ độc tài đảng trị. Nói tới môi trường làm xúc động tâm can hàng triệu con người đang sống ngất ngư vì cá chết.

Người dân Việt Nam đang ngộp thở vì sống 70 năm dưới chế độ sắt máu cũng cảm thấy một luồng gió mát khi một tổng thống Mỹ đi uống bia, ăn bún chả, ngồi trên chiếc ghế đẩu bằng plastic, trò chuyện với một đầu bếp quốc tế Anthony Bourdain; rồi còn đem khoe ở hội trường Mỹ Ðình. Mạng Internet ở Việt Nam tràn ngập những lời bình phẩm: “Thể hiện nhân cách sống, hòa đồng, gần gũi, thân thiện, khiến mọi người thêm yêu mến và cảm phục.” “Một người lãnh đạo tuyệt vời, tài giỏi và giản dị, miệng luôn mỉm cười đầy thân thiện. Tuyệt vời Obama!” Có người còn tính tiền: “Chi phí bữa ăn của hai người chỉ có 6 USD.” Tôi thấy cả nét đẹp của người Việt và sự thân thiện, dễ gần của ngài tổng thống. Nhiều người khen Obama cầm đũa thông thạo.

Không biết công an Việt Nam và mật vụ Mỹ đã gặp quý vị chủ quán Bún chả Hương Liên và các thực khách bao nhiêu lâu, trước khi ông tổng thống Mỹ tới ăn. Bao nhiêu người ngồi trong quán lúc đó là do tòa Ðại Sứ Mỹ dàn xếp trước? Nhưng việc dàn cảnh rất tài, trông rất tự nhiên! Ðây là một dịp hiếm hoi khi một quán ăn Việt Nam bán cho thực khách ngoại quốc mà không tự động tăng giá lên gấp ba, gấp năm lần! Nếu đồng bào mình giữ được “nét đẹp” này, tạo thành thói quen, thì chuyến công du của ông Obama mới thật sự thành công!

Ðáp lại thịnh tình đó, ông Obama đã nói chuyện nhân quyền cho dân Việt cùng nghe. Ông khẳng định: “…nhân quyền là những giá trị phổ quát, chung của cả loài người. Các quyền tự do ngôn luận, tự do biểu tình đều ghi trong Hiến Pháp chính nước Việt Nam của quý vị. Tôi tin các nước sẽ thành công hơn khi người dân có có quyền phát biểu, quyền ngôn luận, quyền tiếp nhận thông tin, khi đó kinh tế sẽ phát triển. Khi báo chí, truyền thông có thể soi mói tới những chỗ tối tăm, các quan chức sẽ bị kiểm soát. Lời chỉ trích sẽ khiến chúng ta tiến bộ, ai có ý tưởng mới mẻ có thể chia sẻ. Bầu cử tự do sẽ có những lãnh đạo tốt. Tự do tôn giáo sẽ khiến người ta yêu thương nhau hơn. Ðược tự do lập hội, người dân sẽ giúp giải quyết những vấn đề mà chính phủ không thể làm.”

Chắc thanh niên Hà Nội, Sài Gòn, Vinh, Huế, Ðà Nẵng,… đang tán gẫu với nhau trong các quán bún chả, quán cà phê, về những chuyện ông Obama mới nói ở Hà Nội, và sắp nói tại Sài Gòn. Lại thêm việc Ðại Học Fulbright sắp mở trong ba tháng nữa. Chưa bao giờ một đại học tư được cấp giấy phép nhanh kỷ lục như vậy! Ðây là đại học tư, vô vị lợi, độc lập, tự trị, lần đầu tiên trong chế độ Cộng Sản Việt Nam! Rõ ràng là đảng Cộng Sản đang khát nước! Nói tới Nguyễn Du, Lý Thường Kiệt, ông Obama đã khích động niềm tự hào của giới trẻ Việt Nam, tự hào về văn hóa dân tộc, tự hào về lịch sử oai hùng!

Nhiều bạn trẻ Việt Nam, ở trong nước cũng như ở ngoài, đang Google coi hai câu thơ Nguyễn Du trích từ đoạn nào trong Truyện Kiều: “Rằng trăm năm cũng từ đây, của tin gọi một chút này làm ghi!”! Bà mẹ tôi, sinh trưởng ở Ðáp Cầu, bên dòng sông Như Nguyệt, nếu còn sống chắc cũng muốn xoa đầu một “ông Tây Ðen” biết lẩy Kiều, bà sẽ mắng yêu: “Cái chú nhọ nồi này, ai dạy mà chú lém thế, láu thế?” Nhiều thanh niên Việt Nam chưa nghe hai câu Kiều này bao giờ. Nhiều người còn chưa hề nghe hai câu thơ Lý Thường Kiệt.

Cho nên dân Hà Nội đang kể cho nhau nghe một chuyện tiếu lâm cung đình mới. Bà chủ tịch Quốc Hội hỏi ông tổng bí thư đảng Cộng Sản: “Chúng nó nói thằng Obama nhắc đến thơ Lý Thường Kiệt. Anh biết nó là ai không?” “Biết, sao không biết! Ðồng chí Lý Thường Kiệt là bạn chí thân của Hồ chủ tịch. Hồi Bác Hồ đi lính cho Bác Mao, làm hậu cần trong Ðệ Bát Lộ Quân, bác nấu cơm, còn đồng chí Lý Thường Kiệt bổ củi và gánh nước!”

…………………………………………………………………………………………………………………..

Bún chả thượng đỉnh’ của Tổng thống Obama xáo động thế giới

Nguồn: Posted by adminbasam on 24/05/2016

Thanh Niên

Kiều Oanh – 24-5-2016

H1

Tổng thống Obama uống bia Hà Nội như cách người Hà Nội uống. Ảnh: ANTHONY BOURDAIN/ INSTAGRAM

Bữa bún chả giá 6 USD mà Tổng thống Mỹ Barack Obama ăn cùng đầu bếp trứ danh Anthony Bourdain của CNN tại Hà Nội đang nổi đình nổi đám khắp thế giới đến nỗi nó được đặt tên là “bún chả thượng đỉnh”.

Dưới đây là 6 điều cư dân mạng khắp thế giới đang bàn tán xôn xao về bữa “bún chả thượng đỉnh” đó, do hãng truyền thông BBC tổng hợp:

1. Không thực khách nào biết họ đang ngồi ăn cạnh ai?

Cứ nhìn trong tấm hình đình đám mà Bourdain chia sẻ trên mạng xã hội thì bầu không khí trong quán ăn vô cùng bình thản.

Tất cả những người xung quanh dường như đều không để ý đến “người không quen ăn bún chả” trong quán. Không ai ngoái đầu, không ai ngước mắt, chỉ chú tâm vào bữa ăn của riêng họ. Quái lạ? Nhà báo Sofia Perpetua, người Brazil không tin có chuyện như thế. Perpetua viết trên Twitter: “Thích cái kiểu các thực khách giả vờ như thật là họ không biết ai ngồi cạnh bàn họ”.

Rồi thì các phóng viên, các tay quay phim, nhân viên mật vụ… tuyệt nhiên không thấy!

Trên Reddit, hàng ngàn người đổ xô thách đố nhau, đoán già đoán non coi nhân viên mật vụ trốn ở đâu!

2. Ẩm thực Việt lại có dịp lên ngôi

Ẩm thực Việt Nam xưa nay nổi tiếng thế giới về sự cân bằng. Trong một món ăn giản dị, bình dân như bún chả cũng đã có đạm từ thịt, tinh bột từ bún, chất xơ từ rau xanh, chất béo từ dầu. Nhưng cách trình bày, sắp đặt món ăn không phải là thế mạnh của ẩm thực Việt.

Thế nhưng cách sắp đặt vô cùng đơn giản của một quán ăn bình dân như Hương Liên đã làm thế giới kinh ngạc. BBC nhận xét cách thức ăn được đặt trên bàn “như đang dạy thế giới về cách ăn uống cân đối đến hoàn hảo”.

Một người dùng Instagram viết: “Sự cân đối của thực phẩm khiến tôi bối rối. Hãy nhìn xem các chén, đũa, đĩa đối xứng nhau đến lạ lùng”.

Một cư dân mạng khác bình luận: “Ăn uống theo kiểu cân đối, sành điệu và thông minh”.

3. Tổng thống Obama dùng đũa rất cừ!

Rất nhanh chóng, Anthony Bourdain khen khả năng dùng đũa của ông Obama, bảo nó là “hoàn hảo”. Nhiều người khác cũng vỗ tay theo dẫu họ thực sự… không thấy người đàn ông quen dùng dao nĩa có toát mồ hôi với 2 “cái que”trong tay hay không.

Nhưng họ khen là khen cách ông… đặt đũa lên chén thịt. Một cư dân Instagram viết: “Rất tự hào về tổng thống, về cách ông đặt đũa gọn gàng lên chén chứ không cắm đũa vào đĩa bún, vốn sẽ là thô lỗ và thiếu tôn trọng”.

Nhưng không phải ai cũng chỉ nhìn vào đôi đũa ông Obama đặt trên bàn. Có người cúi xuống… gầm bàn để nhìn cái bao đũa màu đỏ rớt dưới đó. Một cư dân Twitter nhặt sạn: “Chỉ mình tôi hay có ai khác nhìn thấy cái bao đũa màu đỏ rớt dưới sàn không?”.

4. Ghế nhựa và bia Hà Nội

“A, những cái ghế đẩu nhựa màu xanh không chắn chắn – đó là thứ Việt Nam dành cho ông”, người dùng Instagram có nick Chi Mai reo lên.

Một người khác nhận xét: “Không có nội thất cầu kỳ, chỉ là những vật dụng đơn giản để chỉ chú tâm vào ăn và nói chuyện”, một người khác viết.

Trên Twitter, người dùng Mic Vo hỏi: “Họ uống bia gì thế?”. Người khác hy vọng: “Đừng làm tôi thất vọng nhé, hy vọng họ uống bia Hà Nội”. Anh ta đã không phải thất vọng!

Việc chọn một quán bình dị, món ăn thức uống bình dân, cung cách ngồi ăn không khác gì bác xe ôm của vị tổng thống quyền lực đã ghi điểm trong lòng mọi người, không chỉ ở Việt Nam.

5. Họ nói gì?

Người đàn ông quyền lực và đầu bếp truyền hình nổi tiếng nhất nước Mỹ nói gì giữa lúc ăn bún chả Hà Nội? Đó là một đề tài khác đang xôn xao mạng xã hội.

Họ đồn 2 ông ấy nói đủ thứ chuyện, từ Donald Trump đến ẩm thực, đến ung thư, đến hòa bình thế giới… Và trong bối cảnh bữa ăn diễn ra sau khi Tổng thống Obama tuyên bố một điều quan trọng như hủy bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam, có thể 2 ông vừa nhai miếng nem giòn rụm vừa “tám” chuyện thiết giáp, chiến đấu cơ?

Nhưng nói sao cho hết bao nhiêu đó chuyện? Không ai biết bữa “bún chả thượng đỉnh” kéo dài bao lâu (tất nhiên là trừ những người trong cuộc và “bộ sậu” của ông ấy). Còn một bữa ăn bún chả bình thường có thể kết thúc trong vòng 10 phút là xong!

Người được lợi nhất trong phi vụ này hẳn là CNN, nơi chương trình du lịch ẩm thực nổi tiếng The Parts Unknown do Bourdain dẫn sẽ được phát. Rất nhanh chóng, phát ngôn viên CNN “bật mí”: nội dung cuộc nói chuyện sẽ được tiết lộ trong mùa tới của The Parts Unknown vào tháng 9, trong đó nói về cảnh đẹp, về văn hóa, về ẩm thực Việt.

The Parts Unknown được lợi. Nhưng người Việt hẳn cũng phải cảm ơn ngài Tổng thống Mỹ đã giúp quảng bá món ăn ngon tuyệt của đất Việt (và có lẽ cả những món ông chưa ăn) ra thế giới.

6. Tấm ảnh thực sự có ý nghĩa gì?

Rất nhiều cư dân mạng nhận xét rằng cảnh Obama ngồi ăn bún chả đã được dàn dựng rất công phu với mọi chi tiết đều hoàn hảo. Không có gì lạ vì đó là chương trình The Parts Unknown nổi tiếng.

Nhưng cái hình ảnh đó vẫn cứ làm người ta hân hoan, không chỉ ở Việt Nam mà trên khắp thế giới. Cư dân New York Jon Hopper viết trên Twitter: “Bạn tưởng mình sành điệu à? Bạn không bao giờ được ăn bún chả, uống bia, ngồi trên ghế đẩu nhựa mà tán dóc với Anthony Bourdain và Barack Obama ở Việt Nam sành điệu đâu nhé”.
………………………………………………………………………………………………….

Hàng ngàn người Sài Gòn mong ‘nhìn thấy’ Obama
Nguồn:nguoiviet.com- Tuesday, May 24, 2016 10:43:47 AM

Khôi Nguyên & Đỗ Dzũng (từ Sài Gòn)

SÀI GÒN (NV) – Hàng ngàn người dân Sài Gòn đứng dọc đường Hai Bà Trưng, góc với đường Lê Duẩn, gần khách sạn InterContinental Asiana Saigon và tòa tổng lãnh sự Mỹ, vào tối Thứ Ba, 24 Tháng Năm để mong được nhìn thấy tổng thống Mỹ.

Theo Sở Ngoại Vụ cho biết, khách sạn InterContinental Asiana Saigon là nơi ông Obama ở qua đêm.

Tổng Thống Barack Obama bước ra cầu thang máy bay tại phi trường Tân Sơn Nhất. (Hình: Đỗ Dzũng/Người Việt)

“Tôi chỉ mong nhìn thấy Tổng Thống Obama, cho dù phải chờ mấy tiếng đồng hồ,” một chị chỉ cho biết tên là Bích nói, khi được phóng viên nhật báo Người Việt hỏi, trong lúc chị đứng đợi đoàn xe của tổng thống Mỹ.

Chị cho biết, trước đó, chị đã đón chờ và được nhìn thấy đoàn xe của ông đi trên đường Điện Biên Phủ để vào thăm chùa Ngọc Hoàng ở khu Đa Kao.

“Tôi rất ngưỡng mộ ông Obama, nhất là sau chuyến thăm này, hy vọng Việt Nam sẽ khá hơn,” chị Bích nói tiếp.

Hàng ngàn người dân Sài Gòn đổ ra đường chào đón tổng thống Hoa Kỳ. (Hình: Khôi Nguyên/Người Việt)

Đông đảo người chờ trước khách sạn

Toàn bộ đường Hai Bà Trưng, đoạn từ Lê Duẩn đến phía sau Nhà Hát Thành Phố, đều bị đóng.

Trên đường Lê Duẩn, bắt đầu từ đoạn Hai Bà Trưng, cảnh sát dựng hàng rào chặn đường, không cho bất cứ ai đi về phía tòa tổng lãnh sự Hoa Kỳ.

Hàng trăm cảnh sát giao thông, cơ động, và trật tự túc trực mọi nơi, không để mọi người tràn xuống lòng đường.

Anh Võ Phan Hoàng Tú nói: “Tôi đến đây để nhìn đoàn xe của ông Obama. Tôi rất vui vì lần này ông đến để xóa bỏ lệnh cấm vận vũ khí, gia tăng thương mại, và mang lại nhân quyền cho Việt Nam.”

Anh Bạch Xuân Vinh cho biết anh ra chờ đoàn xe của ông Obama cũng như mọi người dân khác.

“Tôi cũng như mọi người thôi. Đây là lần thứ nhì tôi đi xem xe tổng thống. Chỉ có tổng thống Mỹ đến mới đông như vậy, chứ ông Tập Cận Bình đến sẽ không ai thèm để ý,’ anh Vinh nói.

Dù các đường gần khu vực khách sạn bị đóng và đông người, rất nhiều người vẫn tiếp tục đổ về ngã tư Hai Bà Trưng và Lê Duẩn.

Hai phóng viên nhật báo Người Việt đi từ phi trường Tân Sơn Nhất về đến Diamond Plaza không thể nào đón xe về khách sạn được, vì người quá đông và vì kẹt xe.

Cuối cùng chúng tôi quyết định đi bộ dọc theo đường Hai Bà Trưng xuống khách sạn ở gần sông Sài Gòn.

Nhiều người đứng trên đường Hai Bà Trưng vào tối Thứ Ba để mong nhìn thấy đoàn xe tổng thống Mỹ. (Hình: Khôi Nguyên/Người Việt)

Thăm chùa Ngọc Hoàng

Trước khi tổng thống đến, hàng ngàn người tụ tập gần chùa Ngọc Hoàng để đón ông, mặc dù không vào được, vì cảnh sát dùng hàng rào ngăn họ lại để bảo đảm an ninh.

Khoảng 12 giờ trưa, tất cảc các tiệm giữ xe gần chùa đều hết chỗ, kể cả nhà giữ xe ở chợ Đa Kao sát cạnh ngôi chùa.

Trên một tòa cao ốc gần chùa, một ai đó treo một tấm bảng rất lớn có hình ông Obama, nhưng sau đó bị kéo xuống.

Có người cầm theo cả băng rôn, ghi bài thơ do mình sáng tác, với nội dung:

“Chào mừng ông đến Sài Gòn
Bao ngày chờ đợi thỏa lòng hôm nay
Người ra đón tận sân bay
Người chờ theo dõi báo đài đưa tin
Đón ông bằng tấm chân tình
Đón ông với một niềm tin vô bờ
Bao năm hy vọng mong chờ
Mối tình Việt-Mỹ bây giờ nở hoa
Sài Gòn chờ đón bác Ma
Như chờ người bạn phương xa trở về.”

Trong lúc tổng thống thăm chùa, ông được vị sư trụ trì chỉ cho một tượng Phật và nói rằng “pho tượng này tượng trưng cho sự sám hối của con người và có thể thấy sự đớn đau,” theo thông cáo báo chí của Tòa Bạch Ốc.

Rồi vị sư lại chỉ cho ông Obama xem một bức tượng khác và nói rằng ở Tây Tạng và Ấn Độ bức tượng này là giống đực, nhưng ở Trung Quốc và Việt Nam bức tượng là giống cái, tùy theo tập tục từng địa phương.

Vị sư cũng cho biết, một số người ở Châu Á vẫn hy vọng có con trai hơn là con gái nên thường uống một thứ nước nào đó để lấy hên.
“Tôi thích con gái hơn,” ông Obama nói với vị sư trụ trì chùa Ngọc Hoàng, còn có tên là chùa Phước Hải.

Trong lúc ông Obama thăm chùa, nhiều tiếng chuông chùa gióng lên.

Sau một hồi, ông Obama và đoàn tùy tùng rời chùa đi qua tòa nhà Dreamplex gần đó tham quan và tham dự một buổi hội thảo với các doanh nghiệp vào lúc 5 giờ chiều.


Nhân viên mật vụ Mỹ túa ra chiếc Air Force One ngay khi chiếc máy bay vừa đáp xuống. (Hình: Đỗ Dzũng/Người Việt)

Tại đây, ông gặp ông Đinh La Thăng, bí thư thành ủy, và ông Nguyễn Thanh Phong, chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố.

Rất nhiều người tỏ ra vui mừng khi chứng kiến đoàn xe tổng thống. Họ hô vang: “Obama, Obama…I love you.”

Gặp đại diện xã hội dân sự

Theo Tòa Bạch Ốc, trước khi bay vào Sài Gòn, ông Obama gặp sáu người đại diện các tổ chức xã hội dân sự tại Hà Nội.

Tòa Bạch Ốc không cho biết địa điểm gặp ở đâu, và cũng không có cơ quan truyền thông nào có mặt để làm phóng sự, nhưng ông Obama nói rằng ông đã có một buổi nói chuyện tuyệt vời với các đại diện này.

“Chúng ta có các nhà hoạt động xã hội dân sự ở đây, có những giáo sĩ đang làm những công việc rất tốt, giúp con người chống lại sự nghiện ngập và khuyến khích con người tin vào một số giá trị của một niềm tin nào đó,” ông Obama được trích lời nói. “Chúng ta có người giúp đỡ người khuyết tật để bảo đảm họ có được việc làm và cơ hội tại Việt Nam. Chúng ta có cả các nhà hoạt động đồng tính, những người mà công việc của họ là bảo đảm nhóm người này có tiếng nói trong xã hội.”

Tổng Thống Barack Obama tiếp: “Và điều mà tôi nghe họ nói nhiều tới là Việt Nam đã có những cố gắng vượt bậc trong nhiều lãnh vực – nền kinh tế đang tăng trưởng rất nhanh, Internet đang bùng nổ, và sự tin tưởng ngày càng gia tăng – thế nhưng, như tôi nói hôm qua, vẫn còn những khác biệt về tự do ngôn luận, tự do hội họp, và trách nhiệm của chính quyền.”

“Như tôi đã nhấn mạnh với các nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam hôm qua, rằng Hoa Kỳ tôn trọng thể chủ quyền và độc lập của Việt Nam, nhưng cuối cùng, tất cả tùy thuộc vào người dân để quyết định các chức năng của xã hội và trạng thái tự nhiên của chính quyền,” ông cho biết.

Ông được trích lời nói tiếp: “Nhưng chúng ta tin vào một số giá trị chung và điều quan trọng là chúng ta phải lên tiếng, thay mặt cho những giá trị này, bất cứ nơi nào chúng ta đến. Và điều quan trọng và hữu dụng cho tôi là được nghe trực tiếp từ quý vị, những người thường sống trong hoàn cảnh rất khó khăn, dám lên tiếng cho tự do và nhân quyền hơn nữa.”

“Tôi cũng nói cho quý vị biết rằng có nhiều nhà hoạt động được mời đến đây hôm nay, nhưng họ bị ngăn cản vì nhiều lý do,” thông cáo báo chí Tòa Bạch Ốc trích lời ông Obama nói. “Và tôi nghĩ đây là một biểu hiện cho một thực tế là, mặc dù có nhiều tiến bộ khiêm tốn, chúng ta hy vọng rằng một số cải tổ về tư pháp đang được soạn thảo và thông qua, sẽ đem đến nhiều tiến bộ hơn nữa. Có một số người gặp khó khăn trong tự do hội họp và tổ chức lên tiếng một cách ôn hòa những gì họ thật sự quan tâm,” ông Obama được trích lời nói thêm.

Ông thêm rằng: “Và tôi hy vọng chính quyền Việt Nam thừa nhận rằng có nhiều quốc gia trên thế giới cũng thấy rằng, rất khó để mà thịnh vượng trong nền kinh tế hiện đại này nếu chúng ta không chịu để cho tiềm năng của người dân phát triển. Và tiềm năng này, một phần nào đó, có bao gồm tự do phát biểu và tự do đưa ra các ý tưởng, để sửa đổi những sai trái đang xảy ra trong xã hội chúng ta.”

“Và tôi hy vọng rằng, dần dần, chính quyền Việt Nam sẽ thấy những cố gắng mà quốc gia này đang làm, để mà tin tưởng hơn vào người dân, để cùng nhau làm việc, nhưng cũng muốn được quyền tụ tập và tham gia vào xã hội bằng những cách làm tốt cho mọi người trong tương lai lâu dài,” nhà lãnh đạo Mỹ được trích lời nói.

Sau khi gặp các đại diện xã hội dân sự, ông Obama có đến Trung Tâm Hội Nghị Quốc Gia Mỹ Đình đọc một bài diễn văn về các vấn đề kinh tế, quan hệ giữa người dân hai nước, an ninh, nhân quyền, và các vấn đề khu vực và toàn cầu, trước khi bay vào Sài Gòn.

Sau khi máy bay Air Force One đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất, ông Obama được bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, chủ tịch Hội Đồng Nhân Dân Thành Phố, và ông Lê Thanh Liêm, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố, đón ngay chân cầu thang máy bay.

Vào sáng Thứ Tư, 25 Tháng Năm, Tổng Thống Obama sẽ đến tòa tổng lãnh sự Mỹ gặp nhân viên và thân nhân của họ. Sau đó, ông đến GEM Convention Center trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm để gặp một số thành viên Sáng Kiến Lãnh Đạo Trẻ Đông Nam Á (YSEALI).
Đến 2 giờ 30 chiều, tổng thống rời Sài Gòn, kết thúc chuyến thăm chính thức Việt Nam, và bay đi Nhật dự hội nghị thượng đỉnh G7.

……………………………………………………………………

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics