1."Bàng Bạc Gấm Hoa "-Kỳ chót(DTL)2.Nhà văn Nhất Giang hoàn tất từ điển ..(DTL)3.Thơ DTL-4.KHÁNH TRƯỜNG:Nhớ Phạm Công Thiện …

‘Bàng Bạc Gấm Hoa,’ câu hỏi lớn về nghệ thuật cổ truyền Việt Nam!

Du Tử Lê
Nguồn:nguoiviet.com- August 18, 2017


Nhà văn Mặc Lâm (Hình: HM)

(Tiếp theo và hết)

Và, đây là “chân dung” nhà văn Mai Thảo qua nét vẽ (bằng chữ) của Mặc Lâm trong “Bàng Bạc Gấm Hoa:”

“Mai Thảo từ nhiều thập niên trước khi sang Mỹ đã được giới phê bình đánh giá là ngòi bút văn xuôi đậm chất thơ nhất nước. Văn chương của ông ngoài phần kỹ thuật viết, bàng bạc trên các trang chữ là không khí lung linh của thi tứ, của chắt lọc tinh tế chỉ có trong thơ và hơn hết, Mai Thảo chứng tỏ rất sành sỏi khi lựa những cập chữ đậm dấu ấn thi ca vào truyện của ông. (…)

“Trong ‘Ta thấy hình ta những miếu đền’, nhiều bài chỉ bốn câu ngắn viết lên những suy tưởng khác nhau của Mai Thảo. Ngắn nhưng được ông gọt giũa, chưng cất nên thơ của ông trở thành chuẩn mực của một kinh nghiệm có được sau khi sống trọn đời cho văn xuôi. Bài Cục Ðất vừa hóm hỉnh lại vừa thâm trầm, ít nhiều nói lên được cá tính của ông:

“Biển một đường khơi xa thẳm xa
Núi vươn trượng trượng tới mây nhòa
Thì treo cục đất toòng teng giữa
Cho cái vô cùng vẫn nở hoa”

“Từ trên phi cơ, núi non ngất ngưởng và mây trắng bồng bềnh, Mai Thảo nhìn thấy cái vô cùng vừa bát ngát vừa đe dọa cho mầm sống cũng đang lơ lửng trên không là ông. Mai Thảo ‘con người’ chợt nẩy ra ý tưởng cân bằng cái bao la của vạn vật chỉ bằng một cục đất treo toòng teng chính giữa. Và ông nhận ra cái vô cùng cũng hiền hòa, cũng bình an như cục đất vậy thôi…” (BBGH, tr. 88, 89)

Khi đề cập tới nhà thơ Nguyên Sa, Mặc Lâm nhấn mạnh:

“…Những câu thơ mà Nguyên Sa đem từ Pháp về Việt Nam năm 1953 đã thay đổi rộng khắp cảm nhận thi ca của đa số thanh niên Việt Nam. Giống như một nhạc cụ mới, có âm hưởng sâu và đánh thức giác quan thẩm mỹ của thời đại, thơ Nguyên Sa đã góp phần làm bản hòa tấu đa âm của thi ca Việt Nam thêm những rung động lạ lẫm cuốn hút người đọc mà Thơ Mới tỏ ra không còn đủ sức hấp dẫn như lúc khởi đầu.

“Thơ Nguyên Sa nhanh chóng tràn vào từ lớp học, nơi trái tim học trò đập những nhịp điệu đầu tiên của tình yêu. Nguyên Sa yêu và chia sẻ cách yêu của mình qua kinh nghiệm một chàng trai có những thời khắc tuyệt vời tại Pháp, thủ đô của tình yêu trai gái , thủ đô của những dòng thơ trác tuyệt từng một thời là bệ phóng cho hàng trăm thi tài thế giới (…)

“Thanh niên Saigon nhớ cái mà họ chưa từng trải nghiệm qua thơ Nguyên Sa. Bắt đầu từ đây ông bước vào lãnh thổ khép kín của nhiều người. Ông cùng với họ thở hơi thở thi ca bằng những ngôn từ mới, rất mới, cho tới bây giờ sau hơn nửa thế kỷ vẫn còn mới tinh. Paris có gì lạ không em?

“Paris có gì lạ không em?
Mai anh về em có còn ngoan
Mùa xuân hoa lá vương đầy ngõ
Em có tìm anh trong cánh chim

Paris có gì lạ không em?
Mai anh về giữa bến sông Seine
Anh về giữa một dòng sông trắng
Là áo sương mù hay áo em?…”
(BBGH, tr.109,110,111)

Trước khi ra khỏi bài cảm nhận về thơ Nguyên Sa, Mặc Lâm đã rất tinh tế khi viết:

“Nhắc đến Nguyên Sa người yêu thơ ông vẫn tưởng nhà thơ đang rong chơi đâu đó vì ngôn ngữ vẫn sát với khung cảnh thường nhật hôm nay. Mặc dù nhà thơ đã từ trần ngày 8 tháng 4 năm 1998 nhưng thơ ông vẫn được nhiều người nhắc tới như xưa, đặc biệt trong hoàn cảnh tình yêu tuổi học trò ngày một biến mất để thay vào đó là những trò chơi tình cảm nhục dục của thanh niên trong thời đại mới.” (BLGH, tr. 118, 119)

Nhiều người theo dõi sinh hoạt văn chương, nghệ thuật của Mặc Lâm, cho rằng, anh luôn có những nhận xét thâm trầm, sâu sắc về các tác giả mà anh đề cập. Cụ thể, qua 14 nhà văn nhà thơ ở hải ngoại cũng như trong nước. Nhưng qua tác phẩm BBGH, khi bước vào phần thứ 2, tựa đề “Văn Hóa Dân Gian” và phần thứ 4, tựa đề “Nét Ðẹp Việt,” độc giả mới thực sự thấy rõ tính hàn-lâm, tức khả năng nghiên cứu chuyên sâu của Mặc Lâm qua từng bộ môn nghệ thuật cổ truyền của dân tộc.

Trong chúng ta, ít, nhiều hầu như ai cũng hãnh diện về nền văn học Việt truyền thừa từ đời này, sang đời khác. Nhưng nếu bị hỏi hoặc được yêu cầu trưng dẫn và, giải thích một cách rõ ràng thì, chúng ta thường lúng túng, lảng tránh. Lý do, có nhiều hình thái nghệ thuật cổ truyền của chúng ta như “Hát Xoan, Hát Xẩm, Quan Họ, Ðàn Tính Hát Then, Bài Chòi”, v.v…, có thể chúng ta chỉ nghe nói, nghe nhắc tới mà, không thực sự hiểu rõ nó ra sao? Thế nào? Thậm chí, cũng có những hình thái nghệ thuật cổ truyền của tiền nhân, chúng ta không hề nghe tới chỉ- danh, một lần nào trong đời mình!

Mặc Lâm là một tác giả còn trẻ, nhưng như đã nói, là người nặng lòng với hồn tính văn hóa dân tộc, nên anh đã bỏ rất nhiều thời gian, công sức, để tìm hiểu cặn kẽ lịch sử hình thành, lộ trình sinh, tử của khá nhiều bộ môn nghệ thuật cổ truyền – Mà, nếu để lâu hơn nữa, lịch sử của những bộ môn đó có thể, sẽ không còn ai biết tới nữa, nếu những nghệ nhân có thẩm quyền, những truyền thừa nhiều đời của các bộ môn nghệ thuật này, không còn nữa.

Sự lặn lội tìm tới tận đầu nguồn của những kênh nghệ thuật cổ truyền của Mặc Lâm, tôi cho là một đóng góp rất đáng kể của tác giả trẻ tuổi này.

Thí dụ, mở đầu cho phần thứ 2: “Văn Hóa Dân Gian” trong tác phẩm BBGH, Mặc Lâm đã ghi lại cố công tìm hiểu của anh về thể loại “Hát Xoan” của Việt Nam, như sau:

“Cho tới nay một loại hình văn hóa dân gian được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho là cổ xưa nhất Việt Nam đó là Hát xoan.

“Thể loại này đang hiện diện tại Phú Thọ nơi có di tích Ðền Hùng. Hát xoan được coi là xuất hiện từ thời vua Hùng với nhiều truyền thuyết còn lưu giữ trong dân gian, sánh đôi với những câu chuyện chung quanh các thời đại Hùng Vương làm cho Hát xoan bao phủ thêm nét huyền hoặc của thời kỳ dựng nước đầu tiên của dân tộc.

“Hát xoan tuy xuất hiện lâu đời nhưng trong dân gian cả nước lại ít có người biết thể loại này như Quan Họ Bắc Ninh của miền Bắc, Hát Cung Ðình của Huế hay thậm chí gần nhất là Ðàn Ca Tài Tử của miệt sông nước Nam Bộ. Với bề dày như thế nhưng Hát xoan chỉ quanh quẩn tại khu vực Ðền Hùng hay chỉ vài vùng chung quanh đang là câu hỏi lớn cho các nhà văn hóa của tỉnh Phú Thọ, nơi sở hữu di sản văn hóa phi vật thể vừa được UNESCO thừa nhận…” (BBGH, tr.143)

Câu hỏi này của Mặc Lâm, theo tôi, không chỉ được đặt ra cho các nhà nghiên cứu văn hóa mà còn cho tất cả người Việt Nam…

Ðó là một góc khuất rất nhỏ trong tiến trình gần năm nghìn năm lịch sử Việt vậy.

Du Tử Lê

(Calif. Tháng Tám 2017)

……………………………………………………..

Nhà văn Nhất Giang hoàn tất từ điển ‘Chữ Nghĩa Dân Gian Qua Các Thời Đại’

Du Tử Lê/Người Việt
Nguồn:nguoiviet.com-August 25, 2017


Từ điển “Chữ Nghĩa Dân Gian Qua Các Thời Đại” của nhà văn Nhất Giang. (Hình: Du Tử Lê cung cấp)

Mơ ước thực hiện cuốn từ điển “Chữ Nghĩa Dân Gian Qua Các Thời Đại” của nhà văn Nhất Giang nhen nhúm từ trước biến cố Tháng Tư, 1975, ở quê nhà. Nhưng mãi tới hôm nay, Tháng Tám, 2017, ước mơ đó của Nhất Giang mới thành sự thật.

Trong “Đôi lời tâm sự” trước khi bước vào cuốn từ điển (dày 600 trang, chữ nhỏ, giấy láng, do nhà xuất bản Chiêu Dương Hải ngoại ấn hành), nhà văn Nhất Giang kể rằng, ngay từ khi còn rất trẻ, ông đã thành lập thi văn đoàn Hoa Đôi Mươi, tập hợp khá đông những người trẻ cùng xu hướng. Đồng thời một số đoàn viên cũng đồng ý với ông thực hiện một cuốn từ điển, gọi là “Từ Điển Chữ Nghĩa Dân Gian.”

Thời điểm đó, miền Nam Việt Nam phát sinh rất nhiều từ mới… Nhưng vì nhiều lý do, tham vọng vừa kể của Nhất Giang và một số bạn trẻ không thành. Tuy nhiên, năm 1970, trong lúc làm ký giả cho tờ Tiền Tuyến, Nhất Giang lại đem chuyện thực hiện cuốn từ điển với nhà báo Lê Thiệp (báo Chính Luận) – một người bạn cùng giới, và theo Nhất Giang thì đó là người uyên bác và rất “tếu.” Lê Thiệp đồng ý ngay. Nhưng dự án của cuốn từ điển lại bị dang dở vì biến cố Tháng Tư, 1975.

Sau năm 1975, chọn định cư tại thành phố Sydney, Úc, nhà văn Nhất Giang đã liên lạc với nhà báo Lê Thiệp, sau khi họ Lê dừng bước giang hồ, định cư ở Washington, với thành tựu thương mại đáng kể là hệ thống phở 75…

Nhất Giang tâm sự: “Tôi nhắc lại với Lê Thiệp về chuyện quyển ‘Từ Điển Chữ Nghĩa Dân Gian’ và bạn tôi hứa chắc như bắp OK. Lần này nhất định tớ sẽ ‘vén tay áo’ hoàn thành với cậu quyển sách này…”

Nhất Giang kể tiếp: “Nhưng – có lẽ Lê Thiệp không có duyên với quyển sách này, cho nên đến khi nằm trên giường bệnh và trước khi từ giã cõi đời, Lê Thiệp còn viết cho tôi mấy dòng chữ: ‘khất nợ’ trong lá thư sau cùng Thiệp gửi cho tôi: ‘Giang ơi, tôi nợ cậu một lời hứa quá nặng, nhưng sức khỏe không cho phép, cho mình xin lỗi Giang.’ Đọc thư bạn mà nước mắt tôi chảy đầm đìa rồi tôi tự nhủ với lòng thôi thì mình phải tự làm vậy, có nhiêu làm nhiêu. Thế là đầu năm 2000 tôi bắt tay vào việc.”

“Vì công việc quá bận, phần vì theo với thời gian trí nhớ cũng đã bị ‘cùn’ đi rất nhiều, cho nên mãi đến năm 2015 quyển sách mới ‘tạm’ được gọi là hoàn thành. Tuy nhiên, mặc dù đã hết sức cố gắng, tôi biết rằng đây chỉ là một công việc nhỏ bé và thô thiển vì nó còn thiếu sót rất nhiều.”

“Thêm một chi tiết nữa là cho đến thời điểm này có rất nhiều ‘chữ nghĩa dân gian’ mới liên tiếp xuất hiện trong dân gian ở trong nước cũng như ở hải ngoại mà tôi không biết, hoặc không có cơ hội góp nhặt cho đầy đủ được. Vậy, kính xin quý bạn đọc hiểu giùm và lượng thứ cho, tôi cũng rất mong có được những sự bổ khuyết của tất cả quý vị nào có hứng thú với việc sưu tầm những ‘chữ nghĩa dân gian’ trước đây, hiện nay cũng như trong tương lai…”

***

Điều rất đáng nói, theo tôi là khi bước vào nội dung tác phẩm, ngoài phần giải nghĩa thì tất cả những từ nào có thể được “minh diễn” bằng ca dao, tục ngữ, thi ca, hay giai thoại văn chương… Tôi cho đây là một điểm son đáng kể của nhà văn Nhất Giang khi ông soạn cuốn từ điển “Chữ Nghĩa Dân Gian Qua Các Thời Đại.”

Vì từ trước đến nay, các nhà biên soạn từ điển, dường như chưa ai làm như vậy. Cũng như từ trước tới nay, những chữ “đường phố” chưa được một học giả, nhà văn nào sưu tập, thích nghĩa và in thành sách như trường hợp nhà văn Nhất Giang.

Tôi thí dụ khi ghi lại hai chữ “à ơi” nằm trong mẫu tự “A” của “Chữ Nghĩa Dân Gian Qua Các Thời Đại,” tác giả thích, nghĩa là: “Tiếng ru con. Cũng là tiếng la rầy sự biếng nhác: cậu à ơi tối ngày!” “À ơi, con ngủ cho ngoan/ cha con lo chuyện nước non chưa về (ca dao)” (trích từ điển, trang 12).

Hay, ở mẫu tự “T” với hai chữ “Tí toáy” tác giả thích, nghĩa là: “Máy mó, rờ rẫm. Cử chỉ sàm sỡ của nam giới đối với phụ nữ: Quân tử có thương thì đóng cọc/ xin đừng máy mó nhựa ra tay (Hồ Xuân Hương” (trích từ điển, trang 446).

Hoặc: “Chạy ăn: Làm việc kiếm miếng ăn hàng ngày.” Tác giả phụ chú bằng hai câu thơ của Tú Xương: “Van nợ lắm khi trào nước mắt/ Chạy ăn từng bữa toát mồ hôi.”

Hoặc: “Cô đầu thuần túy là nơi phụ nữ ngồi với khách, đàn phách xướng ca, cũng có nơi cô đầu có thể tiếp rượu và tiêm thuốc phiện cho khách, thậm chí có chỗ thiếu lành mạnh cả về vấn đề tình dục. Phố Khâm Thiên ở Hà Nội ngày xưa nổi tiếng về cô đầu.” Tác giả “minh họa” bằng ca dao: “Cô đầu cô đít cô đuôi/ Bố tôi đi vắng ai nuôi cô đầu?”

Giải thích về cụm từ “Dạ sâu hơn biển, bụng kín hơn buồng,” tác giả viết: “Lòng dạ thâm hiểm, kín đáo, khó ai mà biết được.”

Hoặc hai chữ “dâm thư,” tác giả giải nghĩa: “Sách viết về phòng the, gối chăn. Trong khi sách truyện ‘Bảy Đêm Khoái Lạc’ là một dâm thư bị lên án thì Kamasutra của Ấn Độ lại là một dâm thư có tính cách kinh điển được ca ngợi.” Về dâm thư còn tùy theo nhận xét, cũng như cách nhìn hoặc đánh giá dưới nhiều nhãn quan khác nhau. Chẳng hạn như tuyệt tác ‘Kim Vân Kiều’ (truyện ‘Thúy Kiều’ của Tiên Điền Nguyễn Du) được coi là một danh tác, được đưa vào chương trình giáo dục Việt Văn, được nhận xét với câu ‘Truyện Kiều còn, nước ta còn’ của cụ Phạm Quỳnh thì vẫn bị một số lên án cho rằng đây là dâm thư, vì vậy mới có câu: ‘Đàn ông chớ kể Phan Trần/ Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều (Ca dao)'”

Với tôi, đây là cuốn từ điển tuy chưa được hoàn hảo, như nhìn nhận của chính tác giả; nhưng nó vẫn là cuốn từ điển đầu tiên của chúng ta ở lãnh vực chữ nghĩa dân gian vậy.

Du Tử Lê

…………………………………………………………………………………………

Cần liên lạc với nhà văn Nhất Giang, xin thư về: PO Box 64, Cabramatta, NSW 2166, Australia. Điện thoại (02) 9725-6444. Điện thoại di động 04 18 669 981. Fax (02) 9725 6446. Email nhatgiang@chieuduong.com.au.

…………………………………………………………………

THƠ Du Tử Lê – Nguồn:Trang nhà Du Tử Lê

Khuôn Mặt Tình Yêu
21 Tháng Tám 2017 

    Du Tử Lê

Khuôn Mặt Tình Yêu

Khuôn mặt đó phút giây thành tượng đá

Trong hồn tôi trong suốt cả đời tôi

Nét huyền châu tinh túy lửa hương trời

Tay bướm trắng nâng cao tình yêu ảo mỵ

Khuôn mặt đó vào nghìn đêm hư dị

Nửa giấc mơ buồn khăn lệ đưa ngang

Người hiện thân của quyến rũ thiên đàng

Chân hoa cỏ đi trong hoàng hôn bão tố

Khuôn mặt đó mùa thu xanh lá cỏ

Sợ điêu tàn người xóa bỏ tương lai

Tôi loay hoay trong đáy huyệt cuộc đời

Thân trốn chạy không qua vòng dây tình ái

Khuôn mặt đó mùa xuân không đứng lại

Tóc mưa đêm ngủ rối mộng bơ thờ

Chiều dâng cao cùng tiếng hát tiêu sơ

Môi thánh thiện lời bay đầy năm tháng quạnh

Khuôn mặt đó vùi chôn vùng ảo ảnh

Triền sông dài kỷ niệm mãi trôi xuôi

Khi bước chân tìm kiếm đã rạc rời

Lòng se sắt ngậm tăm tình yêu non yểu

Khuôn mặt đó khăn tay vào vĩnh cửu

Vào đau thương thành tượng đá đời tôi

Tôi nói gì đây khi đã yêu người

Tay bướm trắng thả bay tình yêu u uẩn

(1964)

……………………………………………………………………………………

Nguồn dutule.com

Mục: Gặp Lại Thương Yêu

KHÁNH TRƯỜNGNhớ Phạm Công Thiện
18 Tháng Tám 2017 

    Khánh Trường

KHÁNH TRƯỜNG – Nhớ Phạm Công Thiện

Tuần trước, Dung, vợ Phan Tấn Hải, chị Loan, vợ cũ Phạm Công Thiện, và vợ tôi, Thu Oanh, cùng đi tham dự buổi ra mắt hai cuốn sách viết về Bồ Tát Long Thọ của Vũ Thế Ngọc (16 năm nay, sau ngày bị tai biến, tôi gần như đoạn tuyệt với giới văn nghệ, không liên hệ cũng như từ chối mọi lời mời tham dự những buổi ra mắt sách, vốn thường xuyên tại quận Cam. Vợ tôi thỉnh thoảng thay tôi đi dự, nếu tác giả quá thân quen).

Nhà Văn Phạm Công Thiện (phải) và Họa Sĩ Đinh Cường

Buổi ra mắt sách bế mạc, Oanh mời Dung và chị Loan về nhà xơi bánh cuốn, chè 7 màu HK, và nói chuyện linh tinh.

Trong cuộc buổi hàn hu, chúng tôi có gợi nhắc đến Phạm Công Thiện. Chị Loan kể về những giây phút cuối cùng của PCT, cùng những thói tật rất chướng khi “chàng” còn sống chung với “nàng”. Tôi nói về những cú điện thoại một hai giờ sáng của “chàng”: “KT, đến cứu tao….”.

Đó là những lúc có “đại chiến” giữa “chàng” và “nàng”. Vài lần đầu tôi đến, đưa PCT lên một chùa quen “tị nạn”. Nhưng những lần sau tôi vờ đi, vì biết sẽ chả có chi trầm trọng. Một lần cũng xảy ra “đại chiến”, cũng từ “chàng”, nửa khuya, phát ra tín hiệu SOS, tôi cũng nghe và vờ đi. Sáng ra đi ăn sáng ở SL, lại thấy “chàng”một tay bế con (cháu gái rất giống PCT, thông minh cực kỳ, nay là một luật sư, vừa có chồng), một tay khoát tay vợ, “dung dăng dung dẻ”, mặt mày tươi rói, đôi mắt lấp lánh sau hai cái đít chai dày cộm, bước vào SL, xem như vụ “đại chiến” đêm qua chưa từng xảy ra, hoặc chỉ là chuyện giả tưởng.

Chị Loan rất yêu PCT, Lúc nào nhắc đến “chàng” “nàng” cũng một lòng trân quí. Không sống được với nhau chẳng phải vì “nàng” không yêu PCT, và vì, theo lời chị Loan, “giữa anh ấy và con, tôi phải chọn một”. PCT là một người xuất chúng, nhưng cũng là một thứ ngựa chứng so với người bình thường. Chả hạn “chàng” thích say sưa, và khi say “chàng ” thường nói năng lạng quạng đến”trời cũng sợ”. Những bạn bè hay chè chén với PCT đều biết, giữa “triết gia” PCT và bợm nhậu PCT hoàn toàn không liên hệ gì với nhau. Chả hạn không đi làm nên không bao giờ biết giá trị của tiền bạc, đối với PCT, 1$ hay 100$ giá trị như nhau. Đi mua sắm với “nàng” “chàng” thường cằn nhằn “Sao em cứ trả giá. Món đồ có ghi giá hẳn hòi, em còn trả giá làm gì.”. Cho nên, cũng theo chị Loan, một người cha như thế làm sao dạy dỗ được con, “nàng” đành phải chia tay với “chàng”, để con bé không bị ảnh hưởng, hầu ăn học nên người. Tôi không biết quan niệm của chị L có đúng không, nhưng tôi biết chị rất yêu PCT nhưng cũng vô cùng thương con. Sự hy sinh, theo nghĩa nào đó, tình yêu của mình, cho con, của chi L là sự thật. Mấy mươi năm, chị vẫn ở thế, vò võ một mình, rất ít bầu bạn, ngày ngày đi làm, nuôi dạy con, cho đến lúc cháu khôn lớn, thành đạt. Chị L là mẫu đàn bà VN điển hình nhất tôi từng biết.

PCT giỏi ngoại ngữ, thông minh. Điều nay ai cũng biết. Sống gần PCT, chúng tôi còn biết thêm, “chàng” có một trí nhớ cực kỳ tốt. Thời gian chúng tôi cùng làm tờ bán nguyệt san Thời Nay, tiền thân của tạp chí Hợp Lưu, Phạm Việt Cường dịch truyện dài Hương Cây Hạnh, Tình Yêu Và Hoa Quỳnh của Gabriel Garcia Marquez cho tờ nguyệt san. Trong một kỳ, PCT xem xong đoạn vừa dịch, nói với chúng tôi: “Tao nhớ không lầm thì mày (PVC) dịch sai chữ này rồi, xem lại đi.” Chúng tôi xem lại, quả PVC đã dịch sai. Cuốn sách này PCT đã đọc hơn 10 năm trước, hồi “chàng” còn ở Pháp.

Ngoài ngoại ngữ, thông minh và trí nhớ tốt PCT còn trân trọng vô cùng với chữ nghĩa. Với chữ nghĩa, PCT không bao giờ tỏ ra cẩu thả, xem nhẹ. Suốt 12 năm làm tờ HL, PCT và Nguyễn Tất Nhiên là hai người có bản thảo sạch nhất tôi từng biết. Đọc bản thảo thảo của họ, tôi thoải mái lắm, những dòng chữ ngay hàng thẳng lối, rõ ràng, sáng sủa. Nếu có gạch xóa thì cũng đâu ra đó, phân minh. Đánh máy, lay-out xong, thường, tôi phải đưa “chàng” xem lại có sai sót nào chăng. Trên dưới 30 năm trước, computer chưa thịnh hành như bây giờ, nhất là với lớp người trung niên trở lên. Bản thảo của họ thường viết tay. Vài người có “tân kỳ” hơn, thì cũng chỉ đánh máy bằng bàn máy chữ của thập niên 50, 60, như Thế Uyên, Hồ Minh Dũng. Thuở ấy làm báo không dễ dàng như bây giờ. Một trong những khâu làm tôi “kinh hoàng” nhất là đọc bản thảo. Mỗi tuần phải đọc hàng trăm trang chữ viết tay. Sẽ may mắn nếu được đọc những bản thảo sạch sẽ, rõ ràng. Ngược lại, sẽ “đau khổ vô biên” nếu gặp phải những bản thảo viết tháu, lại còn gạch xóa tùm lum, chú thích tiếng Tây tiếng Mỹ, tiếng Đức, tiếng Tàu loạn cào cào. Những chú thích này nếu viết rõ ràng còn khả dĩ, đàng này viết tháu còn hơn bác sĩ kê toa. Một lần tôi phải lái xe lên tận phố Tàu ở Los, nhờ một ông Tàu hay chữ đọc và viết lại hộ một vài chú thích có tiếng tàu, để sau đó tôi photocopy, thâu nhỏ lại, dán vào bản lay-out trước khi mang đến nhà in. Làm báo thời kỳ ấy khổ như đi đày!

Rất tiếc tôi không thể lục tìm vài bài thơ của PCT đăng trên tờ Thời Nay, trong hàng mấy chục thùng sách báo cũ chất đống trong garage. Đó là những bài thơ tôi nghĩ rất hay so với những bài thơ trong tập Ngày Sinh Của Rắn xuất bản tại miền nam VN trước 1975.

Nói đến thơ PCT, tôi chợt nhớ hai câu thơ của “chàng”, hai câu, tôi nghĩ là hay nhất, bình dị, mộc mạc nhưng lại rất thơ, khác hẳn với những rối rắm bí hiểm kiểu Mặt Trời Không Bao Giờ Có Thực, Tôi hiếp dâm mặt trời, sinh ra mặt trăng!:

Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn

Cây khế nhà ai trổ hêt bông

……………………………………………………………………….

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics