Báo VN đưa tin phóng sự của Đài Loan
Nguồn:BBC- 2016-06-26
Cá chết ở miền Trung Việt Nam đang là chủ đề nóng trên báo chí và tại Quốc hội Đài Loan
Hai báo Việt Nam đưa tin về phóng sự cá chết của truyền hình Đài Loan trong lúc một nhà hoạt động nói với BBC “lẽ ra chủ động truyền thông trong vụ này phải là báo Việt Nam”.
Hôm 26/6, báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ cùng đăng bài về phóng sự dài 60 phút ‘Việt Nam – Cái chết của cá’ phát trên kênh truyền hình PTS của Đài Loan.
“Trước việc cá chết hàng loạt, người dân địa phương đã nghi ngờ có liên quan tới Formosa.
Tất cả những người được PTS phỏng vấn đều khẳng định cá chết là do Formosa xả nước thải trực tiếp ra biển.
Tôi có cảm nhận rất rõ về khả năng kiểm soát báo chí nhà nước của Ban Tuyên giáo và Bộ Thông tin – Truyền thông.
nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn
PTS cũng nhận định, lý do tảo đỏ được đưa ra là khó chấp nhận và thuyết phục”, Tuổi Trẻ tường thuật.
“Phóng sự của PTS cũng nhắc đến tuyên bố gây sốc “chọn cá hay chọn thép” của đại diện lãnh đạo Formosa khiến dư luận Việt Nam bất bình, phẫn nộ”.
Báo Thanh Niên cùng ngày viết:
“Người xem cũng không thể không thấy nhói lòng trước những hình ảnh tay ngư dân bị lở ngứa bởi chất nhớt màu vàng bám dính vào lưới, biển vắng tanh không ai dám tắm hay những lời ngậm ngùi từ bạn lặn của người thợ lặn xấu số Lê Văn Ngày”.
‘Cải trang thành người địa phương’
Hôm 26/6, trả lời BBC từ Đà Nẵng, nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn, người đã có hơn một tháng điều tra độc lập tại Hà Tĩnh và là một trong các nhân vật được truyền hình Đài Loan phỏng vấn, nói:
“Các báo Việt Nam đã bỏ qua hai chi tiết nổi bật trong phóng sự. Một là chuyện 155 học sinh ở Kỳ Lợi không được phép đến trường vì bố mẹ các em không đồng ý với phương án giải phóng mặt bằng cho dự án Formosa của chính quyền”.
“Hai là những mô tả về việc bố ráp của lực lượng an ninh địa phương, việc bắt giữ các nhà hoạt động về đưa tin trong vùng cũng như việc chính phủ đàn áp biểu tình ở Sài Gòn, Hà Nội”.
Một nhà báo Đài Loan nói với tôi lúc ở Hà Tĩnh: ‘Tôi cũng biết tự do báo chí ở Việt Nam không được tôn trọng, giống Trung Quốc. Nhưng không hề nghĩ tình hình lại tệ đến thế, tới mức mà việc làm tin có thể khiến nhà báo bị đánh đập, bắt giữ
Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn
Ông Tuấn cho biết thêm: “Tôi vui vì góp phần giúp đoàn làm phim Đài Loan tác nghiệp, mang được tiếng nói của ngư dân và cư dân miền Trung đến với công chúng Đài Loan. Buồn là vì lẽ ra phần chủ động về truyền thông trong vụ việc này phải thuộc về báo chí Việt Nam, vốn có nhiều lợi thế hơn về thực địa”.
“Dù tôi đã cảnh báo việc tác nghiệp ở Vũng Áng trong thời điểm đó có thể khiến các nhà báo Đài Loan gặp phải rủi ro, kể cả khả năng bị bắt, song cuối cùng họ vẫn quyết định đến Việt Nam thực hiện phóng sự”.
“Trong quá trình tác nghiệp, họ đã phải cải trang thành người địa phương, đi làm tin trong cảnh phập phồng lo sợ, bị các nhân viên an ninh mặc thường phục theo sát và chỉ có thể thoát nạn nhờ vào sự giúp đỡ tận tình của người dân địa phương”.
“Thật sự tôi tin là những nhà báo Việt Nam cũng có tinh thần dấn thân, trình độ tác nghiệp cũng không thua kém đồng nghiệp Đài Loan, song sản phẩm của họ khó mà đến được với công chúng một cách chính thức, vì bị kiểm duyệt và tự kiểm duyệt”, nhà hoạt động nói với BBC.
“Một nhà báo Đài Loan nói với tôi lúc ở Hà Tĩnh: ‘Tôi cũng biết tự do báo chí ở Việt Nam không được tôn trọng, giống Trung Quốc. Nhưng không hề nghĩ tình hình lại tệ đến thế, tới mức mà việc làm tin có thể khiến nhà báo bị đánh đập, bắt giữ’.
“Nếu như trước ngày 29/4, các nhà báo tràn ngập ở Kỳ Anh, khai thác mọi khía cạnh của vụ việc, phỏng vấn rất nhiều ngư dân và cư dân địa phương; thì sau ngày đó, Kỳ Anh vắng hẳn bóng nhà báo, đến nổi nhiều người dân phải hỏi tôi là sao nhà báo đi đâu hết rồi”.
“Tôi nghĩ đây là một trở ngại chính khiến báo chí Việt Nam sẽ còn tụt hậu so với báo chí các nước. Và đây cũng là một thiệt thòi lớn cho những nhà báo chân chính ở Việt Nam”.
………………………………………………….
Ý kiến: Biển Đông và tư thế Việt Nam hiện nay
Nguyễn An Dân Gửi tới BBC từ TPHCM- 23 tháng 6 2016
Philippines đã đệ đơn kiện Trung Quốc vào 22/1/2013 trước Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc về “Thẩm quyền trên các vùng biển của Philippines đối với Biển Tây Philippines”
Mấy ngày nay, dư luận lại một lần nữa bị khuấy động về việc Philippines kiện Trung Quốc ở tòa quốc tế, và vì vụ kiện này sắp có phán quyết, mà theo dư luận đánh giá là “sẽ có lợi cho phía nguyên đơn là Philippines”.
Trong bối cảnh đó, Trung Quốc càng tăng cường sức ép lên chính quyền Philippines và đe dọa quân sự. Ngược lại, trong vai trò đồng minh quân sự và có hiệp ước thủ hộ Philippines, Mỹ điều thêm hàng không mẫu hạm vào Biển Đông cũng như khẳng định sẽ bảo vệ nếu Philippines “bị tấn công”.
Cần thấy là theo nhiều nhà nghiên cứu, chưa bao giờ Mỹ điều động nhiều quả đấm chiến thuật – hàng không mẫu hạm – như lần này, đến các khu vực có tranh chấp và có khả năng va chạm vũ trang.
Cùng bị ảnh hưởng bởi chính sách bành trướng của Trung Quốc như Philippines là Việt Nam, và vì là công dân Việt Nam, nên tôi chú trọng bình xét chuyện Việt Nam.
Việt Nam và ASEAN
Phán quyết của tòa quốc tế trong vụ Trung Quốc-Philippines sẽ là một bước ngoặt quan trọng với tình hình tranh chấp Biển Đông về sau nên một sự đánh giá toàn diện, tổng hợp lúc này để tất cả cùng nhìn rõ là hết sức cần thiết.
Trong bối cảnh là một nước nhỏ yếu và nội lực chưa đủ mạnh để bảo vệ chủ quyền vốn có ở Hoàng Sa-Trường Sa, Việt Nam chọn lựa quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông cũng như tìm kiếm một sự đoàn kết từ ASEAN để đề kháng Trung Quốc là một việc có thể hiểu được.
TQ tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông dựa trên bản đồ ‘lưỡi bò’
Tuy nhiên, e rằng lựa chọn này còn thiếu tính khả thi trong bối cảnh khối ASEAN rời rạc, thiếu đồng nhất vì lợi ích riêng của từng quốc gia ở Biển Đông là khác nhau, chưa kể chính sách đối ngoại của từng quốc gia cũng khác nhau.
Sự kiện hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN vừa qua rút lại tuyên bố chung về Biển Đông vào giờ chót là một bằng chứng cho thấy nỗ lực này của Việt Nam đã không mang lại nhiều kết quả.
Vì Trung Quốc cần chiếm Biển Đông để giữ cân bằng cho việc mất kiểm soát eo biển Malacca, nên gần như chỉ có các nước ở khu vực Malacca trong khối ASEAN là có lợi ích trong việc chống bành trướng từ Trung Quốc. Đó là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore.
Các quốc gia khác như Thái Lan, Campuchia, Lào, Brunei, Myanmar hầu như không thiết tha trong việc này, vì họ hầu như chẳng bị ảnh hưởng gì nếu Trung Quốc thành công trong kế sách đường chín đoạn, nên việc họ thờ ơ và đôi khi ngả về Trung Quốc nếu được cho thêm lợi ích là điều dễ hiểu.
Họ chỉ phản ứng lại khi Trung Quốc đe dọa trực tiếp đến chủ quyền của họ, điển hình như Campuchia.
Còn lại, dĩ nhiên họ theo Trung Quốc vì lợi ích của Trung Quốc với các nước đó lớn hơn bất kỳ lợi ích nào của một nước trong ASEAN, như Việt Nam, có thể mang lại cho họ. Chúng ta đã học được nhiều bài học từ phản ứng của Thái Lan, Malaysia, Campuchia lâu nay.
Do đó, tôi tổng kết là Việt Nam chỉ có khoảng 3-4 quốc gia trong ASEAN có thể coi là đồng minh trong tranh chấp Biển Đông, còn lại thì không hi vọng gì nhiều.
Việc dựa vào ASEAN để “kháng Trung” coi như chỉ thành công được một phần ba, e rằng hơi ít.
Cuộc họp các ngoại trưởng khối ASEAN đã rút lại tuyên bố chung về Biển Đông vào phút chót, hồi trung tuần tháng Sáu 2016
Việt Nam và Nga
Nga là nước có quan hệ lâu đời về lịch sử với Việt Nam từ thời kỳ Xô Viết.
Hiện nay Nga cũng là một quốc gia mà Việt Nam đang kỳ vọng có thể ủng hộ Hà Nội trong vấn đề an ninh khu vực. Chuyến đi đối ngoại đầu tiên mà tân thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lựa chọn là Nga cho thấy điều đó.
Tuy nhiên, tôi e rằng việc kỳ vọng vào Nga ủng hộ Việt Nam trong lúc này cũng khó khả thi. Quan hệ Nga-Trung đang được củng cố, và bằng chứng mới nhất là ngoại trưởng Nga đã có những phát ngôn “ủng hộ Trung Quốc” trong tranh chấp Biển Đông.
Chưa kể tình hình nước Nga lúc này cũng đã suy yếu, vì nội lực suy yếu, ảnh hưởng và tiếng nói của Nga lúc này trên quốc tế không còn như trước.
Đảng Cộng sản Nga không còn là đảng cầm quyền, nên quan hệ của hai đảng cộng sản Việt-Nga cũng không ảnh hưởng gì đến chính sách ngoại giao của Nga lúc này.
Thành ra dùng Nga như một đối trọng để hy vọng có thể làm giảm uy hiếp từ Trung Quốc trên Biển Đông theo tôi e rằng hiệu quả kém.
Giới lãnh đạo của Nga trong những năm gần đây đã có các chuyến thăm Việt Nam
Việt Nam và Mỹ
Chuyến đi của Tổng thống Obama đến Việt Nam vừa rồi chỉ là một điều cần thiết cho việc phát triển quan hệ Mỹ -Việt, còn xa lắm nó mới có hiệu quả trong việc Mỹ “giúp Việt Nam bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông”.
Về tư, Mỹ không có lợi ích cũng như cơ hội có chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông, nên Mỹ không có động cơ riêng cá nhân trong việc ủng hộ một phe nào đó trong tranh chấp ở vùng biển này.
Về công, quan hệ Việt –Mỹ chưa có đủ hành lang pháp lý để hậu thuẫn quân sự bảo vệ như quan hệ Mỹ-Philippines. Mỹ là nước thượng tôn pháp trị, nếu Mỹ muốn đưa quân bảo vệ Việt Nam, giữa hai nước cần ít nhất một hiệp ước quân sự làm cơ sở pháp lý để chính phủ Mỹ hành động.
Về liên minh địa-chính trị để cùng chia lợi ích, vì Obama không nhận được 21 phát đại bác như Tập Cận Bình ở Việt Nam, nên Mỹ cũng chưa thể coi Việt Nam là quan hệ anh em như Mỹ-Israel để mà ra tay giúp.
Do đó, nếu Việt-Trung xảy ra va chạm lúc này trên Biển Đông, Mỹ chỉ có thể ngồi nhìn, và hô hào “stop, stop” là chính.
Khi đó, vì nhỏ yếu hơn, khả năng Việt Nam mất hết các khu vực còn lại ở Trường Sa là chuyện dễ thấy.
Tuy được đón tiếp nồng nhiệt tại Việt Nam, nhưng ông Obama đã không được nghênh đón với loạt 21 phát đại bác như ông Tập Cận Bình
Việt Nam và Trung Quốc
Vì Trung Quốc đã chiếm hẳn Hoàng Sa từ 1974, và nhiều đảo ở Trường Sa từ năm 1988 bất chấp tình hữu nghị giữa hai đảng cộng sản Trung –Việt, nên chúng ta cần dẹp bỏ hi vọng vì “16 vàng 4 tốt” mà Trung Quốc sẽ dừng lại trong việc lấn chiếm thêm.
Tuy nhiên, việc giữ tấm mặt nạ hữu nghị Trung-Việt để giảm sức ép nội bộ trong hai nước là cần thiết, nên Trung Quốc dù hô hào to lớn thế nào, họ vẫn sẽ hết sức tránh việc chủ động nổ súng trước khi Việt Nam nổ súng.
Và vì Việt Nam khó chủ động va chạm trước, nên tình hình vẫn sẽ như lâu nay là Trung Quốc âm thầm bành trướng chiếm lãnh hải và không phận, vốn thuộc về Việt Nam, ở Biển Đông.
Trung Quốc sẽ dùng tàu chiến, tàu cá, máy bay… để bao vây, cô lập tiếp tế ở các đảo mà Việt Nam còn chiếm giữ, dẫn đến Việt Nam phải từ bỏ.
Chưa kể Trung Quốc đang và sẽ tiếp tục tung “hạm đội dân quân” tàu đánh cá có vũ trang, trá hình dân sự, để tung hoành và độc chiếm ở Biển Đông, ngăn chặn các tầu đánh cá của ngư dân Việt Nam.
Sau đó, Trung Quốc chỉ việc lý luận rằng do Việt Nam tự từ bỏ chứ Trung Quốc không đánh chiếm vũ trang, và thế là Việt Nam mất nốt những gì còn lại.
Qua thực tế từ 1974 đến nay, tôi e rằng Trung Quốc có đủ máy bay và tàu chiến để thực thi kế hoạch này.
TQ hồi đầu 2016 đã cho tiến hành một số chuyến bay dân sự ra sân bay nhân tạo xây trên Bãi Chữ Thập ở Biển Đông
Giải pháp ngắn và trung hạn
Việc khởi kiện Trung Quốc thì có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng cá nhân tôi vẫn nhớ lời phát ngôn của Hồng Lỗi, phát ngôn nhân của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc trước đây, lúc đó tại Việt Nam nổ ra nhiều cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc (giai đoạn 2007-2008).
“Chúng tôi nhận thấy chính quyền Việt Nam có những tuyên bố khác nhau vào các thời điểm khác nhau,” ông Hồng Lỗi đã nói thế khi nhận định về chủ quyền của Trung Quốc ở Hoàng Sa-Trường Sa.
Tôi e ngại rằng những điều ẩn sau phát ngôn này có thể gây bất lợi cho Việt Nam khi kiện Trung Quốc. Nên giải pháp khởi kiện cần cân nhắc cẩn thận.
Thiết lập liên minh phòng thủ với Philippines là điều có thể và cần làm ngay.
Với vị trí chiến lược của cảng Subic của Philippines, cảng Cam Ranh của Việt Nam, đảo Phú Quốc ở Vịnh Thái Lan, các nước có thể hình thành tam giác phòng tuyến hải-không quân án ngữ Trung Quốc bành trướng ra thêm, giữ vững ưu thế ASEAN ở Malacca, để có thêm điều kiện lôi kéo các nước trung lập còn lại trong khối này.
Hiện nay ba nước Indonesia-Malaysia-Singapore đang liên kết lại là một thuận lợi theo chiều hướng này.
Nên tạo cơ chế đấu tranh nhân dân, khuyến khích, hỗ trợ ngư dân Việt Nam khởi kiện tàu Trung Quốc khi có va chạm dẫn đến thiệt hại người và của trái luật quốc tế, và thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao Việt-Trung.
Bài học của Nhật Bản trong quan hệ Nhật-Mỹ sau 1945 nên và cần được áp dụng cho quan hệ Việt-Trung hiện nay, khi dân chúng Nhật ngày ngày biểu tình “chống Mỹ” trong khi chính phủ Nhật vẫn đi gặp Mỹ xin viện trợ và thiết lập cơ chế đồng minh.
Chính quyền Việt Nam nên cho phép dân chúng biểu tình khi Trung Quốc có hành động bành trướng phi pháp, còn việc quan hệ hữu nghị Việt Trung vẫn duy trì là việc khác của đảng.
Về đối ngoại, ngoài Nga, chính phủ Việt Nam cần củng cố quan hệ quân sự-đối ngoại với các quốc gia tuy chưa bằng Mỹ nhưng có sức mạnh và không ủng hộ Trung Quốc như Ấn Độ, Nhật, Úc…, nhất là những quốc gia có lợi ích bị tổn hại khi Trung Quốc có thể mạnh lên.
Cũng còn nhiều giải pháp khác, nhưng trong phạm vi bài viết này, tôi không đi vào chi tiết.
Rất đáng tiếc, với sự kiện những máy bay bị nạn vừa qua, theo tôi, với việc từ chối đề nghị từ Mỹ hỗ trợ trong việc tìm kiếm các máy bay bị nạn, cũng như chậm công bố thông tin từ chính quyền đã làm quần chúng hoài nghi “có yếu tố Trung Quốc” trong đó.
Nếu từ bây giờ chúng ta không có những hành động thiết thực mà chỉ ngồi phản đối và hô hào suông, mai này con cháu chúng ta dựa vào cái gì, có sức mạnh gì để có thể đòi lại Hoàng Sa-Trường Sa?
Bài viết phản ánh văn phong và quan điểm của riêng tác giả, hiện đang sống tại TP HCM.
………………………………………………………………………………………….
Sau Nha Trang đến Đà Nẵng loạn vì khách du lịch Trung Quốc
Nguồn:danlambao.com-
Đêm 14.6.2016, một du khách Trung Quốc đã có hành vi châm lửa đốt tiền Việt Nam tại quán bar TV Club trên đường Nguyễn Chí Thanh, quận Hải Châu, Đà Nẵng. Photo: Võ Văn Trung
CTV Danlambao – Ngày 24/6/2016, trong cuộc gặp gỡ, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp tại Đà Nẵng, ông Huỳnh Tấn Vinh, Tổng Giám đốc Furama Resort, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thành phố nêu rõ tình trạng gia tăng lượng du khách Trung Quốc đến địa bàn mà trong đó có những biểu hiện gần như ngoài tầm kiểm soát.
Một trong những ví dụ được nêu rõ tại buổi gặp mặt là tình trạng hướng dẫn viên tiếng Trung tại Đà Nẵng đình công vì không có việc làm.
Đây là thảm trạng đã xảy ra tại thành phố du lịch Nha Trang trong suốt 6 tháng đầu năm 2016, bởi các doanh nghiệp Trung Quốc bằng nhiều cách đã thâu tóm hết các dịch vụ tour, tạo thành đường dây khép kín và không sử dụng dịch vụ hướng dẫn viên người Việt nói tiếng Trung.
Nguy hại nhất theo thông tin từ nhiều hướng dẫn viên (HDV) tiếng Trung tại Nha Trang và Đà Nẵng đó là cách giới thiệu địa danh của HDV Trung Quốc khi cho rằng: “trước đây Việt Nam thuộc Trung Quốc, toàn bộ biển Đà Nẵng là của Trung Quốc…”
Đây là một trong những nguyên nhân giải thích tình trạng nghênh ngang, vô lối của du khách Trung Quốc tại Nha Trang và Đà Nẵng trong thời gian qua. Điển hình là sự việc du khách Trung Quốc có hành vi đốt tiền tại một quán bar ở Đà Nẵng.
Việc nhà cầm quyền Việt Nam mở cửa đón du khách Trung Quốc ồ ạt như hiện nay làm lộ rõ cung cách quản lý yếu kém và bị động của các cơ quan chức năng tại địa phương. Bên cạnh đó, việc các nhà quản lý du lịch nhắm mắt tiếp tay với các doanh nghiệp Trung Quốc để đưa người đến Việt Nam lao động trái phép cũng là vấn đề đáng cân nhắc.
Tại Nha Trang, công ty TNHH Du lịch Silent Bay, do vợ ông Trương Đăng Tuyến (cựu Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Khánh Hòa) làm chủ, đã đứng ra “bảo kê” cho người Trung Quốc đến Nha Trang lao động bất hợp pháp.
Một trong những lý do đầu tiên được đưa ra để thuyết phục thị trường du lịch Việt Nam mở cửa đón du khách Trung Quốc đó là lợi nhuận kinh tế. Tuy nhiên trên thực tế, khi người Trung Quốc sang Việt Nam núp bóng người Việt kinh doanh thì lợi nhuận thu về thực tế của Việt Nam không còn bao nhiêu. Việc quản lý, kiểm soát chi trả bằng đồng nhân dân tệ đang bị bỏ ngỏ. Khách Trung Quốc đến Việt Nam đi theo chu trình khép kín, mọi hoạt động chi tiêu đều nằm trong tầm kiểm soát của các doanh nghiệp Trung Quốc lọc lõi.
Nha Trang và Đà Nẵng sẽ thu lợi được gì khi mở cửa ồ ạt đón khách Trung Quốc?
Sẽ rất khó để trả lời câu hỏi trên với tình hình thực tế trước mắt.
Điều nguy hại gần nhất có thể thấy đó là nguồn khách du lịch từ các nước Châu Âu. Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… đã rời bỏ Việt Nam để chọn một điểm đến khác yên tĩnh và trong lành hơn.
Lợi đơn và thiệt kép về hình ảnh du lịch, nguy cơ an ninh quốc phòng là sự thật mà nhà cầm quyền Việt Nam phải đối diện và sớm giải quyết nếu không muốn rối loạn xảy ra.
……………………………………………………………………………………..
Khánh Hoà: “Phép vua thua lệ làng”?
Nguồn:danlambao.com-
Photo: Nam Huynh
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh – Mặc dù nhiều báo đưa tin “Thu hồi giấy phép công ty Silent Bay” từ hôm 21/6/2016 do vi phạm nhiều quy định quản lý nhà nước về hoạt động lữ hành quốc tế và có biểu hiện lừa đảo. Tuy nhiên trên thực tế công ty này vẫn hoạt động bình thường.
Ảnh chụp sáng nay (ngày 26/6/2016), tại khu An Viên cho thấy hướng dẫn viên Trung Quốc (quần đùi cam) vẫn có hoạt động đưa đón khách đến các điểm du lịch.
Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Silent Bay, do bà Huỳnh Thị Minh Thanh, vợ ông Trương Đăng Tuyến (nguyên giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Khánh Hòa, vừa nghỉ hưu). Công ty này có giấy phép hoạt động lữ hành quốc tế, giám đốc hiện nay là ông Trương Đăng Vũ Thụy, con trai ông Tuyến.
Photo: Nam Huynh
Sự việc công ty TNHH Silent Bay tiếp tay cho lao động Trung Quốc trái phép tại tỉnh Khánh Hòa chỉ bị phanh phui khi chính Công ty Du lịch quốc tế Chengdu (Công ty Chengdu, Trung Quốc), có đơn “xin hỗ trợ” gửi Bộ Công an và UBND tỉnh Khánh Hòa nhờ can thiệp để công ty này kinh doanh du lịch tại Việt Nam.
Trong đơn gửi cơ quan chức năng, ông Wang Tao, Phó Giám đốc Công ty Chengdu cho biết theo thỏa thuận, Công ty Chengdu trả phí 500.000 USD/năm cho Công ty Silent Bay (trả trước 100.000 USD, còn lại mỗi tháng sẽ trả 40.000 USD). Công ty Silent Bay bảo đảm các thủ tục tạm trú hợp pháp và an toàn ở TP Nha Trang cho tất cả nhân viên của Công ty Chengdu. Ngày 4-2-2016, đại diện Công ty Silent Bay mời ông Yang Ziming đến họp và yêu cầu trả thêm cho Công ty Silent Bay 500.000 USD/năm gọi là phí bảo kê.
Trên thực tế hợp đồng hợp tác theo ý đồ của các công ty Trung Quốc chính là kiểu góp vốn vào công ty, sau đó sẽ đứng sau điều hành các công ty do người Việt làm chủ bằng cách hướng dẫn viên vào thực hiện hết các dịch vụ rồi sẽ chi lại một khoản hoa hồng nhất định.
Hiện nay tình trạng khách du lịch Trung Quốc tràn ngập Nha Trang là một bài toán khó cho các cơ quan chức năng về phương thức quản lý, giữ gìn hình ảnh thành phố du lịch thân thiện, thu hút cân bằng lượng khách quốc tế đến thăm.
Việc gia đình cựu giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa tiếp tay với doanh nghiệp Trung Quốc, bảo kê cho các giao dịch lao động phi pháp cho thấy rằng rối loạn xã hội tại thành phố biển Nha Trang phần lớn bắt nguồn từ những người có địa vị và quyền lực trong xã hội. (1)
Nghĩ cũng lạ, cách đây vài năm, in cái áo Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam thì bị bắt, bị giam giữ.
Nay tiếp tay cho doanh nghiệp Trung Quốc đưa lao động nước ngoài đến làm việc bất hợp pháp thì vẫn an nhiên.
Có địa vị, được bảo kê bán cái gì cũng dễ, kể cả bán nước?
(1) http://danlambaovn.blogspot.com/2016/06/khanh-hoa-cuu-giam-oc-so-du-lich-tham.html
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh
https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1081232651966591&id=100002395992114
…………………………………………………………………………………….