1.Biển Việt Nam có còn cá để đánh bắt?(RFA)2.Obamacare Thoát Nạn(VB)3.Biển Đông Xong Rồi?(VB)

Biển Việt Nam có còn cá để đánh bắt?
 Nguồn: RFA-Nhóm phóng viên tường trình từ VN-2017-03-27

Luồng nước vàng tại biển Thừa Thiên Huế, ảnh chụp hôm 23/3/2017.
RFA photo

Hầu hết vùng gần bờ không có cá tôm, các loài hải sản đều vắng ở những vùng gần bờ. Trong khi đó, hiện tượng cá chết đã bắt đầu xuất hiện cách bờ từ 15 đến 20 hải lý. Đặc biệt là hầu như cả vùng biển Việt Nam từ Nam chí Bắc đều không còn cá để đánh bắt.

Biển ngày càng hiếm cá

Một ngư dân đánh bắt xa bờ, không muốn nêu tên, từng bị tàu hải cảnh của nhiều nước rượt đuổi vì đánh bắt trộm, chia sẻ:

“Khó khăn quá nên qua vùng biển các nước để đánh thôi, bị rượt đuổi hoài. Bây giờ biển Việt Nam không còn cá nữa rồi nên chúng tôi phải qua vùng biển các nước mà tiền hỗ trợ dầu thì bây giờ nó khó khăn quá!”

Theo ngư dân này bộc bạch, ông cũng như hàng triệu người làm nghề biển Việt Nam khác chẳng bao giờ muốn chọn cái khổ, muốn bị tàu hải cảnh nước khác rượt đuổi nhưng vì gần một năm trở lại đây, biển Việt Nam hầu như không còn cá để đánh bắt.

    Bây giờ biển Việt Nam không còn cá nữa rồi nên chúng tôi phải qua vùng biển các nước mà tiền hỗ trợ dầu thì bây giờ nó khó khăn quá!
– Một ngư dân

Theo nhận định của ngư dân này, trước đây chừng 5 năm, biển Việt Nam đã bị giảm đi số lượng cá một cách trông thấy bởi kiểu đánh bắt bằng thuốc nổ. Hầu hết các loại cá đều bị chết sau mỗi lần đánh và một số ngư dân Việt Nam dùng thuốc nổ đánh bắt là chủ yếu, sau khi đánh thuốc nổ, chết nổi lềnh bềnh trên mặt nước thì người ta mới dùng lưới để vây cá lại và thu hoạch. Với kiểu đánh bắt này, không có bất kì con cá nhỏ nào sống sót để duy trì nòi giống. Và vùng biển bị đánh thuốc nổ sẽ không có con cá nào dám bén mảng tới trong vòng ít nhất là ba tháng.

Ông lấy làm lạ là không hiểu sao các ngư dân kia lại có thuốc nổ để đánh bắt vì đây là thứ hàng nhà nước cấm. Và hơn nữa việc mang thuốc nổ xuất cảng để đi đánh bắt là chuyện rất khó nhưng một số ngư dân vẫn cứ dùng thuốc nổ để đánh bắt. Ông cho rằng có một đường dây chuyên bán thuốc nổ trên biển và nếu họ tiếp tục hoạt động cũng như ngư dân Việt Nam tiếp tục đánh bắt kiểu này thì chắc chắn hậu quả của nó là khó lường.

Nhưng đáng sợ hơn cả là gần một năm trở lại đây, biển Việt Nam hầu như không còn cá. Ông nhấn mạnh rằng không còn cá không có nghĩa là không còn con cá nào mà hầu như rất hiếm cá. Trước đây 5 năm, mỗi lần đánh bắt cách bờ chừng 16 đến 18 hải lý, cách gì ông cũng mang vào bờ được từ hai đến ba tấn cá. Nhưng 5 năm trở lại đây, mỗi chuyên đi của ông chỉ mang về cao nhất là 500kg cá. Còn hiện tại, sau một chuyến đi, có khi ông mang về nhà được 80kg cá, những bữa gặp may thì được 200 đến 300kg. Nhưng hiếm khi gặp may mà toàn là vừa bù xăng dầu. Với tình trạng này, ngư dân chỉ còn cách bỏ lưới.

Đáng sợ nhất là thời gian gần đây, biển nhiễm độc do Formosa xả thải đã làm cho các loài hải sản chết hàng loạt, biển Việt Nam trở nên trơ trọi. Trong khi đó, phần lớn ngư dân phải vay tiền ngân hàng để đóng tàu thuyền. Một khi thất thu, nợ nần sẽ nhanh chóng chồng chất và nguy cơ phá sản, mất nhà cửa là chuyện trước mắt.

Độc đã nhiễm vào đất liền


Chất lạ đóng làm hư lưới ngư dân. RFA photo

Ngư dân tên Ngọc, làng chài Bình An, Thừa Thiên Huế, chia sẻ: “Hiện nay ngoài bờ 18 hải lý, tui thấy hai, ba con cá liệt, cá liệt cạn loại lớn cỡ bàn tay, cá sóc nổi lờ đờ, đi theo mé nước rứa. Anh em tui thấy rứa chứ không vớt làm chi. Ngoài bờ 18 hải lý cũng có những luồng nước màu vàng này, cứ khoảng 1 lý là có một luồng, bây giờ dân cũng không có ai dám bủa lưới xuống hết trơn.”

Ông Ngọc cho biết thêm là hiện nay, ngư dân làng chài Bình An khủng hoảng nặng bởi biển nhiễm độc một cách trầm trọng. Nếu như năm 2016, Formosa xả độc vào biển và sau đó cá chết hàng loạt các bờ biển miền Trung thì hiện nay, cá không còn để mà chết, những vùng nước đỏ, nước vàng tràn ngập bờ biển Thừa Thiên Huế trong vài ngày trở lại đây hoàn toàn không có bất kì con cá nào.

Nhiều ngư dân bị mất lưới bởi chất nước màu vàng này bởi nó là một loại hợp chất rất kì lạ, có màu vàng như nước phèn, nặng và đậm đặc, kéo đi từng luồng, cách nhau một hải lý thì có một luồng như vậy và có mùi rất hắc, tanh nồng khó chịu. Nếu đi ngang qua vùng có nguồn nước như vậy thì rất khó thở. Lưới bị luồng nước đó bám vào sẽ bị xuống đáy biển, không tìm lại được.

    Ngoài bờ 18 hải lý cũng có những luồng nước màu vàng này, cứ khoảng 1 lý là có một luồng, bây giờ dân cũng không có ai dám bủa lưới xuống hết trơn.
– Ngư dân tên Ngọc

Lưới của gia đình ông Ngọc cũng bị dính luồng nước và mất hết một cuộn, cuộn còn lại, ông mở ra cho chúng tôi xem thì bám đầy chất nhầy màu vàng hôi thối, nồng nặc. Và ông Ngọc nói thêm là không có con cá nào dính lưới được khi luồng nước vàng đục đi qua.

Ông Ngọc khẳng định đây là luồng nước đến từ phía Bắc, bởi với kinh nghiệm đi biển lâu năm của ông, vài mùa tháng 12 âm lịch trở đi cho đến tháng 5 âm lịch, dòng hải lưu chuyển mạnh từ phía Bắc vào phía Nam. Chính vì vậy mà năm 2016, khi Formosa xả độc, vùng biển phía Bắc của nó ít bị ảnh hưởng hơn vùng biển phía Nam. Và năm nay cũng vậy, trước đây hai tháng, ngư dân Hà Tĩnh, Quảng Bình cũng gặp những luồng nước có màu đỏ, vàng như vậy ngoài khơi, chẳng bao lâu sau đó, luồng nước này di chuyển vào phía Nam và hiện nay, nó chính thức dạt vào bờ biển Bình An, Thừa Thiên Huế.

Cả một dải bờ biển vàng đục, hôi hám, nồng nặc, thuyền chài lại phải đắp chiếu, ngư dân lại tiếp tục ngồi nhìn ra biển và tìm một công việc lao động nào đó để kiếm sống qua ngày. Ông Ngọc cho rằng nếu tình trạng này kéo dài thì thị trường lao động Việt Nam sẽ rối loạn. Bởi chỉ số thất nghiệp của Việt Nam vẫn còn cao, bây giờ thêm hàng triệu ngư dân tìm việc nữa thì e rằng nguy cơ đói khổ là thấy trước mắt.

Lại một mùa biển chết đang kéo đến bờ biển miền Trung. Và lại một lần nữa, ngư dân Việt Nam phải lắc đầu, nói rằng biển Việt Nam không còn cá!

……………………………………………………………

Obamacare Thoát Nạn
Nguồn:vietbao.com- 28/03/2017 

    Vũ Linh

Obamacare Thoát Nạn
…Kế hoạch cải tổ Obamacare được dự đoán sẽ tiết kiệm cho Nhà Nước hơn 300 tỷ đô…

Tin nóng hổi giờ chót, dự luật y tế của khối CH thay thế Obamacare chết trong trứng nước và chủ tịch Hạ Viện, Paul Ryan, đã rút lại không mang ra biểu quyết, với sự đồng ý của TT Trump. Ông Ryan cũng cho biết hiện giờ chưa có kế hoạch nộp lại, có nghiã là sẽ không có gì hết trong tương lai gần. Trong khi chờ đợi, Obamacare vẫn được duy trì không có gì thay đổi hết.

Thất bại này một lần nữa xác định vấn đề cải tổ hệ thống y tế của Mỹ là việc làm cực kỳ khó khăn. Từ thời TT Roosevelt đến nay, tổng thống nào cũng thấy cần phải thay đổi, nhưng phần lớn thất bại, chỉ làm được từng phần. Như TT Johnson thành công với Medicare và Medicaid (một phần nhờ lợi dụng cảm tình của dân chúng với đảng DC sau khi TT Kennedy bị ám sát), và TT Bush con với Plan D trợ cấp tiền thuốc cho người già. TT Clinton thử nghiệm cải tổ quy mô nhưng dự luật của ông -giao cho bà Hillary soạn thảo- cũng chết trong trứng nước, không hội đủ hậu thuẫn ngay trong nội bộ đảng DC, giống hệt như tình trạng hiện nay.

TT Obama là người duy nhất thành công thay đổi được hệ thống y tế một cách hết sức quy mô qua cái gọi là Obamacare được thông qua tháng Ba 2010. Nhưng sự thành công của ông cũng mang nhiều tỳ vết. Trước hết nhờ cơn bão 2008 giúp đảng DC chiếm tuyệt đại đa số tại Hạ Viện, và nhất là nhờ DC chiếm luôn đa số 60 ghế kiểm soát cả Thượng Viện một cách tuyệt đối, một hiện tượng hình như chưa từng có. Dù vậy, việc thông qua cũng phải nhờ cách “đi cửa sau”, lách qua thủ tục biểu quyết của Thượng Viện. Để rồi Obamacare thành luật, nhưng lại bị trên dưới 60% dân Mỹ chống.

Sau khi bắt đầu được áp dụng, Obamacare đã gặt hái được kết quả cũng rất đáng tranh cãi. Thành công hay thất bại, phần lớn là do đứng nhìn từ phiá nào.

Cũng giống như bất cứ bộ luật nào khác, Obamacare mang lại lợi ích cho nhiều người nhưng cũng mang tai hoạ đến cho nhiều người khác.

Đại cương thì có hai cái lợi lớn mà không ai có thể lật ngược hay sửa lại được. Đó là việc bắt các hãng bảo hiểm phải nhận bảo hiểm cho những người trước đó đã mang bệnh, bất kể bệnh nặng nhẹ; và việc giúp cho rất nhiều người không đủ khả năng tài chánh có thể mua bảo hiểm được qua trợ cấp của Nhà Nước, đưa đến triển vọng toàn dân đều có bảo hiểm y tế hết, không chừa ai. Hai khối người đã bị bệnh và người nghèo nhất nhận trợ cấp đã hưởng lợi lớn của Obamacare nên ủng hộ Obamacare hết mình.

Ngược lại, cái giá phải trả rất nặng cho những người khác. Trong 7 năm ngắn ngủi qua, dân Mỹ đã thấy:

– Chi phí y tế, tiền mua bảo hiểm cũng như chi phí dịch vụ y tế, đã tăng rất mạnh trong khi tiền bệnh nhân phải trả trước khi hãng bảo hiểm trả -deductibles- cực kỳ cao;

– Tất cả mọi người bị bắt buộc phải mua bảo hiểm y tế, một gánh nặng cho giới trẻ khoẻ mạnh không có nhu cầu y tế, và cho giới trung lưu chưa đủ giàu để chi trả nhưng lại “giàu” quá mức được lãnh trợ cấp; việc tất cả bị ép buộc mua bảo hiểm vừa có tính “nhân đạo” vì bảo đảm mọi người đều có bảo hiểm y tế, vừa có tính “mánh mung” kinh tế vì đó là cách duy nhất có thể tài trợ chi phí bảo hiểm cho những người đã có bệnh nặng từ trước;

– Obamacare cũng đã gián tiếp giữ tỷ lệ thất nghiệp ở mức quá cao vì chính sách này gây tốn kém lớn cho các công ty, nhất là công ty với mức nhân công khoảng khít nút trên 50 người: quá lớn nên bị bắt buộc phải cung cấp bảo hiểm tập thể cho nhân viên, nhưng lại quá nhỏ không đủ thu nhập để trả chi phí này, đưa đến tình trạng rất nhiều công ty không muốn phát triển thuê thêm nhân viên quá mức 50 người, hay chỉ thuê nhân viên bán thời để khỏi phải mua bảo hiểm tập thể;

– Hầu như tất cả mọi người đều phải thay hãng bảo hiểm, chương trình bảo hiểm, đổi luôn cả bác sĩ, bệnh viện, thậm chí thuốc đang uống, vừa phiền toái vừa tạo bất an cho bệnh nhân;

– Hầu hết các hãng bảo hiểm, nhất là các hãng tương đối nhỏ nằm trong hệ thống Obamacare đều bị lỗ nặng, đưa đến phá sản hay rút ra khỏi hệ thống; đẩy thiên hạ vào tay vài đại công ty bảo hiểm tha hồ định giá, nhiều khi cắt cổ; sở dĩ các hãng bảo hiểm lỗ nặng hết vì cái cột trụ của Obamacare bị gẫy đổ: giới trẻ không chịu mua bảo hiểm, tức là không chịu trả chi phí bảo hiểm và dịch vụ y tế cho những người bị bệnh và những người lớn tuổi.

Nhìn vào cái giá phải trả thì ai cũng thấy về lâu về dài, Obamacare sẽ không thể tồn tại. Ngay chính TT Clinton cũng phải nhìn nhận Obamacare là cái gì “điên rồ nhất”. Trong vấn đề này, thực sự đã có sự đồng thuận là “phải làm gì” để cứu vãn tình thế.

Ở đây, có nhiều cách nhận định trách nhiệm của TT Obama. Có người cho rằng TT Obama đã cố gắng đẻ cho bằng được Obamacare để “lưu danh muôn thuở” mà không lưu tâm đến hậu quả tai hại lâu dài. Có người khác cho rằng TT Obama biết trước những khó khăn nhưng chấp nhận vì tính toán những lỗ lã sẽ giúp tiêu diệt các hãng bảo hiểm tư nhân, giúp Nhà Nước tóm thâu được ngành bảo hiểm y tế như tại Âu Châu hay Canada, một bước tiến lớn trong tiến trình xã hội hoá cả nước. Sự thật, tính toán này sai bét, lỗ lã đưa các hãng bảo hiểm nhỏ đến phá sản, dồn ngành bảo hiểm vào vài đại gia thao túng thị trường.

Nhiều người thắc mắc tại sao các chương trình y tế của Tây Âu thành công mà lại không thể áp dụng được tại Mỹ. Họ không hiểu là hệ thống y tế Tây Âu hầu như miễn phí cho tất cả mọi người do Nhà Nước chu cấp sống được là nhờ dân chúng bị đóng thuế… tới bến, tới gần nửa mức lợi tức trong khi ở Mỹ, thiên hạ chỉ đóng trung bình 15%-20% thuế. Một điều không ai không đồng ý là mọi ý nghĩ tăng thuế đều là điên nặng, không thể nào thực hiện tại nước Mỹ này.

Trước viễn tượng “không thể sống còn” của Obamacare và việc đa số dân Mỹ thuộc giới trung lưu chống Obamacare, thì cải tổ Obamacare đã trở thành nhu cầu thiết yếu mà ngay cả bà Hillary khi tranh cử cũng phải nhìn nhận. Việc này cũng phần nào giải thích sự đắc cử của ông Trump sau khi ông long trọng hứa sẽ hủy Obamacare ngay sau khi chấp chánh.

Một vài người nhận định dự luật cải tổ được gọi là Trumpcare “bị đánh bại vì không tốt hơn Obamacare”. Có người hô hoán “CH không đủ phiếu dẹp Obamacare”. Vài người khác lý luận Trumpcare thất bại vì đa số dân Mỹ ủng hộ Obamacare. Như bà dân biểu Nancy Pelosi đã lớn tiếng khoe Obamacare thắng lớn, được dân Mỹ ủng hộ quá mạnh khiến CH không đụng tới được. Tất cả đều không phải là sự thật mà chỉ mang tính xuyên tạc phe phái. Sự thật là đa số dân Mỹ vẫn chống Obamacare và Hạ Viện dư thừa phiếu để thu hồi hay chỉnh sửa hay “dẹp” Obamacare, nhưng vấn đề là họ không có sự đồng thuận trong giải pháp thay thế, chứ không phải họ muốn bảo vệ Obamacare.

Đại để, ai cũng đồng ý cái nhà mục nát Obamacare cần phải kéo xụp xuống, nhưng lại chưa có sự đồng ý xây nhà mới như thế nào, đành phải chấp nhận sống trong căn nhà mục nát đó chứ không thể kéo xụp để mọi người chịu cảnh màn trời chiếu đất. Chưa kéo xuống được không có nghiã là căn nhà mục nát đó bất thình lình trở thành một dinh thự lộng lẫy vững vàng.

Phải nói ngay là chẳng có cái gì gọi là “Trumpcare” hết. Cái mà mọi người nhìn thấy là một dự thảo của một khối đa số dân biểu CH tại Hạ Viện do chủ tịch Hạ Viện Paul Ryan cầm đầu, chưa thành dự luật được nữa. Nếu muốn gắn tên một cách chính xác thì phải gọi là Ryancare. Họ đã thành công thuyết phục được TT Trump chấp nhận, nhưng vẫn chưa có được hậu thuẫn cần thiết ngay trong nội bộ CH để có thể được cả Hạ Viện chấp nhận. Tất cả dân biểu khối DC chống dĩ nhiên, nhưng một số không nhỏ dân biểu CH cũng không chấp nhận, đưa đến tình trạng đếm không đủ phiếu để thông qua.

Trong khối CH, có 3 khuynh hướng chính. Khối đa số do ông Paul Ryan cầm đầu và được TT Trump hậu thuẫn đã thảo ra được một đề nghị. Nhưng bị hai khối chống. Đó là khối Freedom Caucus là khối bảo thủ cực đoan khi họ cho rằng dự luật đề nghị chỉ là Obamacare pha chút nước lạnh cho đỡ đắng thôi. Họ chống lại việc tiếp tục dùng thuế chi trả tiền trợ cấp mua bảo hiểm dưới bất cứ hình thức nào, và chống lại việc bị đóng phạt nếu không mua bảo hiểm. Và khối ít bảo thủ hơn Tuesday Group cũng chống nhưng vì lý do ngược lại là đã đi quá xa khi không ép buộc mọi người phải mua bảo hiểm. Tức là dự luật bị cả hai phe cực đoan chống, nghe có vẻ tốt vì tính trung dung ôn hoà, nhưng vì sự chống đối đó, có thể có tới 30 dân biểu CH chống. Khi tất cả 193 dân biểu DC chống thì chỉ cần 22 dân biểu CH cũng chống là dự luật không thông qua được. Như TT Trump nói, CH chỉ thiếu có 9 phiếu.

Việc thu hồi dự luật được cả truyền thông phe ta và phe đối lập DC nhẩy tưng tưng ăn mừng, khua chiêng trống như “thất bại lớn nhất” của TT Trump, nhưng theo chính báo phe ta Washington Post thì thất bại đó lại có lý do chính là TT Trump không thực sự ủng hộ đủ mức. Từ cả tháng nay, việc soạn thảo dự luật do chủ tịch Hạ Viện lãnh trách nhiệm trong khi TT Trump hầu như không để ý vì ông không hoàn toàn tin tưởng, cứ hỏi đi hỏi lại “có chắc là dự luật này tốt nhất không?”. Mãi cho đến tuần cuối cùng thì ông mới thật sự hồ hởi cố gắng nói chuyện với các dân biểu CH chống đối. Nhưng ông đã thất bại, không thuyết phục được họ. Chủ tịch khối bảo thủ cực đoan Freedom Caucus tuyên bố “nếu nhìn vào cá nhân TT Trump thì tất cả chúng tôi sẵn sàng ủng hộ dự luật này, nhưng nếu nhìn vào dự luật, vào chính sách, thì chúng tôi không thể đồng ý được vì cử tri của chúng tôi không thể chấp nhận được”.

Dù viết TT Trump chưa chú ý đúng mức, nhưng cuối cùng thì WaPo cũng quay qua chỉa mũi dùi vào TT Trump và kết luận thất bại này đã phá tan hình ảnh một nhà kinh doanh tuyệt hảo trong nghệ thuật điều đình thương thảo mà lâu nay ông Trump vẫn thường khoe khoang. Thất bại này theo WaPo, chứng minh TT Trump chỉ giỏi điều đình mua bán nhà cửa với các doanh nhân thôi, chứ hoàn toàn mù tịt về việc đấu tranh chính trị với các chính khách, nghiã là trực diện với những người chịu sự chi phối của cả chục ngàn cử tri. Ông đã thất bại ngay cả trong nội bộ CH thì làm sao có thể làm việc được với khối đối lập DC hay đi xa hơn nữa, đấu võ với Putin, Tập,…

Theo ý kẻ này, lập luận TT Trump chưa chú ý đúng mức có lẽ là lý do chính xác nhất. Trước tuần cuối cùng, chẳng những TT Trump ển ển xìu xìu, có vẻ không quan tâm lắm, mà ông lại còn nói rõ nếu dự luật không thành công thì ông sẽ để cho Obamacare tự động chết vì ông tin chắc Obamacare sẽ tự hủy diệt trong vài ba năm tới khi các hãng bảo hiễm lỗ quá, phải rút ra hết, chi phí bảo hiểm tăng quá cao, dân tình quá bất mãn, thì lúc đó chính khối DC sẽ bị áp lực đòi thay đổi Obamacare, nghiã là khi đó thời điểm sẽ thuận lợi hơn, dự luật sửa đổi Obamacare có nhiều hy vọng được thông qua hơn.

Một ngày trước khi Hạ Viện được dự trù biểu quyết, TT Trump nói rõ một là biểu quyết thuận thay đổi, hai là cứ để Obamacare y nguyên, chứng tỏ ông sẵn sàng chấp nhận sống với Obamacare. Nôm na ra, TT Trump tin rằng Omabacare nguy hại nhưng phần đông thiên hạ chưa… thấy quan tài chưa đổ lệ nên vẫn khó cải tổ. Đợi cho họ lãnh nạn rồi thì chỉnh sửa sẽ dễ hơn nhiều.

Cái nhìn thực tế này có cái hại là khi đó sẽ không thiếu gì người đổ lỗi cho TT Trump đã quá lơ là với đại họa này.

Một cách khác giải thích sự thất bại là việc làm quá gấp rút. Trước đây, TT Obama đã mất cả năm trời mới sanh ra được Obamacare, và dù vậy, chính kẻ này cũng đã có quan điểm là vì nhu cầu lưu danh nên TT Obama gấp rút tung ra nên Obamacare bị luộm thuộm, hư hỏng tứ phiá. Bây giờ TT Trump muốn thay thế Obamacare trong vòng hai tháng thì quả là quá hấp tấp hơn nữa, không đủ thời gian tham khảo ý kiến mọi phiá, cũng như không có thời gian “rao hàng” quảng cáo sản phẩm để mọi người sẵn sàng chấp nhận, đặc biệt là chưa đủ thời gian để bác bỏ các luận điệu có tính phóng đại hù dọa kiểu như với cải tổ mới, tiền mua bảo hiểm sẽ tăng lên cao hơn mức lợi tức, một chuyện cực kỳ vô lý nhưng không ít người vẫn tin. Khi nghe TTDC doạ sẽ có 24 triệu người mất bảo hiểm thì cả nước run sợ là dĩ nhiên. Tại sao CH lại quá hấp tấp như vậy? Đó là vì họ muốn lợi dụng đà chiến thắng bầu cử nóng hổi, rồi nếu thông qua được cải tổ y tế thì sẽ lại có trớn xúc tiến những dự án cải tổ lớn khác.

Đây là chuyện liên quan trực tiếp đến sức khỏe của hơn 300 triệu dân, không phải là chuyện có thể thực hiện được trong vòng hai tháng, nhất là khi khối CH không có chuẩn bị giải pháp thay thế trước. Trong mấy năm qua, khối CH tại Hạ Viện đã biểu quyết cả trăm lần thu hồi Obamacare, nhưng ai cũng hiểu rõ chỉ là làm cho có hay cho vui thôi vì không ai nghĩ CH sẽ có cơ hội thắng lớn cả Toà Bạch Ốc, Thượng Viện lẫn Hạ Viện để có dịp thay thế Obamacare được. Chưa hề có một cố gắng cụ thể nào để có một giải pháp thay thế. Phải nói chiến thắng của TT Trump và phe CH trong kỳ bầu cử vừa qua đã là một bất ngờ thực tế quá lớn.

Chính ông Ryan cũng thú nhận trong cuộc họp báo công bố quyết định thu hồi dự luật là phe CH đã đóng vai trò đối lập quá lâu, bây giờ bất ngờ mang trách nhiệm nắm quyền nên thiếu chuẩn bị.

Nhìn về tương lai, chuyện gì sẽ xẩy ra?

Obamacare sẽ không thay đổi gì hết cho đến sớm nhất là mùa thu năm tới, trước ngày bầu cử giữa muà, nếu khi đó TT Trump bị áp lực quá mạnh của cử tri ép ông “phải làm gì”. Quý độc giả đang có bảo hiểm y tế như thế nào thì vẫn cứ tiếp tục ít ra trong hai năm nữa. Không có bảo hiểm, sẽ vẫn phải đóng tiền phạt. Giới nghèo vẫn lãnh trợ cấp tiền mua bảo hiểm. Các hãng bảo hiểm vẫn không có quyền từ chối khách hàng nào hết. Sẽ không có ai bị mất bảo hiểm hết.

Vài người hăng tiết chống Trump đã mau mắn tố thất bại này chứng tỏ TT Trump không có khả năng lãnh đạo đất nước. Không hiểu như vậy khi TT Clinton thu hồi dự luật cải tổ y tế của ông năm 1992 thì sao ông vẫn làm tổng thống đủ hai nhiệm kỳ?

CNN dĩ nhiên cũng “quên” thất bại của TT Clinton để chạy tít “thất bại lớn nhất lịch sử 100 ngày đầu của một tổng thống”.

Nhìn ra ngoài Obamacare, thất bại vừa qua của TT Trump sẽ rất tai hại cho ông. Các chính khách của cả hai đảng bớt sợ ông, và dám chống ông mạnh hơn. Sẽ tạo khó khăn cho việc thông qua các chương trình lớn của ông như ngân sách mới (giảm chi tiêu nặng), cắt giảm thuế quy mô cho tất cả mọi cá nhân và cho các công ty, cải tổ giáo dục, cắt giảm thủ tục hành chánh và số lượng công chức, nâng cấp hạ tầng cơ sở,… Ngay cả việc phê chuẩn thẩm phán Gorsuch vào Tối Cao Pháp Viện cũng sẽ gặp khó khăn hơn.

Quan trọng hơn cả vẫn là vấn đề… đầu tiên, tức là tiền đâu? Kế hoạch cải tổ Obamacare được dự đoán sẽ tiết kiệm cho Nhà Nước hơn 300 tỷ đô, giúp việc giảm thuế là kế hoạch tới của TT Trump được dự trù sẽ tung ra tháng Tám tới. Bây giờ không có số tiết kiệm này mà giảm thu nhập thuế nữa thì ngân sách sẽ thâm thủng nặng, ảnh hưởng luôn đến các kế hoạch nâng cấp hạ tầng cơ sở được ước tính sẽ tốn khoản 1.000 tỷ.

Không cải tổ Obamacare được, không giảm thuế được, không chỉnh trang hạ tầng cơ sở được, TT Trump sẽ là tổng thống một nhiệm kỳ. Bà Hillary vẫn còn đủ “trẻ” để nghĩ đến chuyện thử lửa lần thứ ba vào năm 2020. (26-03-17)

Vũ Linh

Đính chính:

– Trong bài viết tuần trước, tác giả viết sai lầm là tướng Flynn cần sự phê chuẩn của Thượng Viện trong chức vụ Cố Vấn An Ninh Quốc Gia. Thật ra, chức vụ này không cần phê chuẩn của TV và tướng Flynn đã tuyên thệ nhậm chức ngay sau khi TT Trump nhậm chức. Phần còn lại vẫn chính xác: tướng Flynn vẫn chưa hề bị kết tội gì (tuy FBI có thể đang điều tra), và nếu có tội thì có từ chức cũng không thoát tội.

– Cũng trong bài đó, kẻ này viết TT Trump năm 1995 khai lỗ kinh doanh “900 tỷ”; đúng ra là “900 triệu”.

Bài tuần rồi được viết gấp rút vì lý do riêng, nên có nhiều sơ xuất không chấp nhận được. Lỗi hoàn toàn của tác giả. Xin cáo lỗi quý độc giả và đa tạ những độc giả đã sửa sai.

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.

……………………………………………………………….

Biển Đông Xong Rồi?
Nguồn:vietbao.com- 28/03/2017 

    Trần Khải

Biển Đông Xong Rồi?
Đối với quôc tế, Biển Đông đã bị Trung Quốc khống chế xong rồi… hễ xảy ra chiến sự, có lẽ không ai chống nổi Trung Quốc vì các đảo nhân tạo đã trở thành các căn cứ quân sự.

Thế là, TQ dòm ngó sang vùng biển khác…

Báo Domain-B cho biết TQ đang tìm cách tranh thầu xây dựng ở các vùng biển Trung Mỹ và Nam Mỹ…

TQ cho biết các công ty quốc doanh TQ có kinh nghiệm xây dựng các vùng đảo nhân tạo Biển Đông, và do vậy chuyện xây dựng quanh khu vực Panama Canal không có gì khó.

Chính quyền Panama Canal Authority dự định xây dựng khoảng 1,200 hectares đất vòng quanh kênh biển này để xây một công viên vận tải hàng, và Panama có thể sẽ nghĩ tới kinh nghiệm xây dựng của các hãng TQ ở Biển Đông.

Trong khi đó, tuần báo Newsweek ghi nhận một bản nghiên cứu của viện Asia Maritime Transparency Initiative (AMTI), bản doanh ở thủ đô Hoa Kỳ và là một phần của Center for Strategic and International Studies, nói rằng TQ có vẻ như đã hoàn tất việc xây dựng các hạ tầng quân sự trên các đảo nhân tạo ở vùng Biển Đông, và bây giờ có thể đưa ra chiến đấu cơ và các thiết bị quân sự khác tới các nơi đó bất kỳ lúc nào.

Bản nghiên cứu nói về 3 đaỏ nhân tạo — Fiery Cross, Subi và Mischief Reefs — ở quần đảo Trường Sa, đã được TQ xây hoàn tất các cơ sở hải quân, không quân, radar, dàn phòng thủ…

AMTI nói rằng 3 căn cứ không quân trên vùng Trường Sa và một căn cứ không quân khác ở đảo Woody Island ở Hoàng Sa sẽ cho không quân TQ hoạt động toàn vùng Biển Đông…

Nghĩa là, quốc tế lúng túng.

Trong khi đó, bản tin RFA kể chuyện: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Exxon Mobil của Mỹ ký kết thỏa thuận hợp tác trong dự án mỏ khí Cá Voi Xanh.

Lễ ký kết diễn ra hôm 26 tháng 3, tại Quảng Nam, trong “Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Nam 2017” với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Theo thỏa thuận vừa ký kết, Exxon Mobil sẽ đầu tư vào Mỏ khí Cá Voi Xanh 1 giàn đầu giếng để xử lý tách nước ngoài khơi, 4 giếng khai thác và một đường ống dài 88 km nối vào bờ biển Chu Lai.

Phía PVN sẽ đầu tư vào một nhà máy xử lý khí và một nhà máy điện, xây dựng tại huyện Núi Thành và dự kiến vận hành vào năm 2023.

Trong khi đó, bản tin VOA ghi rằng Philippines ngày 27/3 đã nhận 2 máy bay giám sát quân sự của Nhật giúp Manila tuần tra các hải lộ quan trọng tại Biển Đông dù Philippines đang ngày càng chứng tỏ quan điểm hòa giải với Bắc Kinh trong tranh chấp lãnh hải.

Nhật sẽ cho Philippines thuê tổng cộng 5 máy bay Beechcraft TC-90, theo Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, Delfin Lorenzana.

Manila nói các máy bay này sẽ được triển khai tới khu vực Benham Rise và Biển Đông.

Nỗ lực củng cố hợp tác quốc phòng của Nhật với Philippines diễn ra giữa bối cảnh quan ngại trong khu vực gia tăng liên quan đến các hoạt động của Trung Quốc tại các vùng biển có tranh chấp bao gồm Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Phát biểu tại lễ bàn giao 2 máy bay hôm Thứ Hai, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật, Kenji Wakamiya, nhấn mạnh: “Trong khi chúng ta đối mặt với nhiều vấn đề liên quan tới an ninh ở Châu Á-Thái Bình Dương, kể cả ở Biển Đông, sự hợp tác của chúng ta với Philippines vì an ninh-ổn định khu vực hiện nay càng thiết yếu.”

Nhật, nước có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh tại Biển Hoa Đông, đang nỗ lực tăng cường quan hệ với các nước khác để kiềm chế đối thủ.

Trung Quốc phản đối việc Philippines thuê mướn máy bay Nhật hầu như ngay lập tức sau khi tin này thoạt đầu được loan báo hồi năm ngoái, dưới thời cựu Tổng thống Benigno Aquino của Philippines.

Trong khi đó, bản tin RFI ghi rằng tàu chở trực thăng lớn nhất của Nhật từ thời Thế chiến thứ hai sẽ ghé thăm Philippines vào tháng 6 tới đây, theo tiết lộ của một đô đốc Philippines với báo chí hôm Thứ Hai 27/03/2017.

Theo trang mạng của nhật báo Inquirer, trung tướng hải quân Joseph Mercado cho biết họ đang chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của tàu chở trực thăng Izumo, nhưng chưa thể cho biết chi tiết vì còn đang phối hợp với hải quân Nhật.

Trước đó hãng tin Reuters cho biết là tàu Izumo sẽ đi một vòng Biển Đông trong ba tháng, bắt đầu từ tháng 5 và Vịnh Subic của Philippines sẽ là một trong những chặng dừng của tàu này. Tàu Izumo cũng sẽ ghé Indonesia, Singapore và Sri Lanka, trước khi tham gia tập trận chung với các chiến hạm của Ấn Độ và Hoa Kỳ ở vùng Ấn Độ Dương vào tháng 7.

Với trọng tải 27 ngàn tấn, được trang bị để chống tàu ngầm và đổ bộ, chiếc Izumo đã được đưa vào hoạt động từ năm 2005. Tuần trước, Nhật cũng đã đưa vào hoạt động tàu chở trực thăng lớn thứ hai, chiếc Kaga, nâng cao khả năng của quân đội Nhật triển khai lực lượng ra bên ngoài, nhằm đối lại với ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở châu Á.

Một bản tin khác từ VOA ghi rằng Trung Quốc và các nước xung quanh Biển Đông nên lập ra cơ chế hợp tác để thúc đẩy trao đổi trong các nỗ lực từ cứu trợ thảm họa cho tới an toàn hàng hải, một giới chức ngoại giao cao cấp của Bắc Kinh kêu gọi ngày 27/3.

Giữa lúc hoạt động xây đảo nhân tạo và điều động quân sự của Trung Quốc trong khu vực đang khiến cho các nước láng giềng quan ngại, Bắc Kinh đang tìm cách trấn an các nước Đông Nam Á với các nỗ lực như thảo luận về Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông.

Phát biểu tại một cuộc hội thảo cuối tuần qua ở tỉnh đảo Hải Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Lưu Chấn Dân, cho rằng cơ chế hợp tác đó sẽ củng cố tin tưởng lẫn nhau và thúc đẩy hợp tác, theo văn bản bài diễn văn được công bố ngày 27/3.

Có ai tin được TQ chăng?

……………………………………………………………

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics