Bình Dương: Hàng trăm người dân tham gia tưởng niệm cố Tổng thống Ngô Đình Diệm
Nguồn:danlambao.com
CTV Danlambao – Tưởng niệm 52 năm ngày Tổng thống Ngô Đình Diệm bị sát hại, sáng nay, 2/11/2015, hơn một trăm người dân khắp nơi đã tập trung về nghĩa trang Lái Thiêu (Bình Dương) để bày tỏ lòng thành kính và tưởng nhớ công ơn của vị tổng thống đã khai sinh nền Đệ nhất Cộng Hoà.
Theo thông báo, lễ tưởng niệm chính thức sẽ diễn ra vào lúc 10 giờ sáng cùng ngày, tuy nhiên, rất đông người đã có mặt ngay từ lúc 8 giờ sáng.
Buổi lễ tưởng niệm được cử hành bởi các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế, dòng Thánh Đa Minh và Giáo Phận Vinh…
Buổi lễ có sự tham dự của các cựu quân nhân và thương phế binh Việt Nam Cộng Hoà.
Tham gia viếng mộ, có khoảng hơn hơm một trăm người dân thuộc đủ mọi thành phần, bao gồm các cựu tù nhân lương tâm, cựu quân nhân và các thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa…
Đáng chú ý, khá nhiều những gương mặt trẻ cũng đã có mặt trong dòng người lặng lẽ thắp nén nhang, tưởng nhớ đến vị Tổng thống đã dành trọn cuộc đời đau đáu nỗi lo cho vận mệnh của quốc gia, dân tộc.
Các linh mục cử hành buổi lễ tưởng niệm
Phía bên ngoài, có rất nhiều công an và an ninh đứng quay phim, chụp hình những người đến tham dự buổi tưởng niệm.
Không dừng lại ở đó, họ cho côn đồ gây rối: cố tình gây tiếng ồn ào, kiếm chuyện cãi vã chửi bới người tham dự, đốt cây cối xung quanh tạo khói cay nồng nặc. Tuy nhiên buổi tưởng niệm vẫn diễn ra suôn sẻ, ngoài một số hành vi khiêu khích của CA thì không có sự việc đáng tiếc nào xảy ra thêm.
Trong không khí trang nghiêm của buổi lễ, tất cả mọi người lần lượt đến viếng mộ và thắp nhang kính viếng gia đình của Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm.
Cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành nhấn mạnh: “Cố Tổng Thống là một người công chính, cả đời ông đã dấn thân cho sự thật và danh dự của đất nước, mà ông đã phải hy sinh tính mạng của mình”.
Vị Linh mục cựu Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế này còn nói thêm: “Cố Tổng Thống như là một tấm gương sáng của lòng yêu nước trong giai đoạn lịch sử đã diễn ra khốc liệt tại Việt Nam”.
Cựu tù nhân lương tâm Trần Minh Nhật
Cựu tù nhân lương tâm Trần Minh Nhật, một người sinh năm 1986 đến từ Lâm Đồng chia sẻ: “Hôm nay tôi đến đây và thấy có rất nhiều người trẻ như tôi đến đây. Tôi thấy rất vui và tự hào khi được đứng trước một con người đã hiến thân cho tổ quốc, tôi rất khâm phục và kính trọng ông”.
“Chính Tổng Thống Diệm là một người rất yêu tổ quốc và đồng thời đã đấu tranh cho quyền lợi của tổ quốc. Ngày lễ hôm nay, tôi ghi nhớ công lao một con người đã luôn tranh đấu cho quyền lợi tổ quốc”.
Hai bạn trẻ thầm lặng cầm bó hoa trên tay cho biết: “Gia đình em có người là lính VNCH và đã nói cho em biết con người của Cố Tổng thống Ngô Đình Diệm thế nào. Và em cũng có lên mạng để tìm thêm thông tin và biết đúng là đúng như vậy. Nên hôm nay tụi em đến đây để viếng ông và gia đình”.
Thương phế binh Lư Bửng
Chú thương phế binh Lư Bửng, thuộc tiểu đoàn 2 nhảy dù, bị thương vào 20/7/1972 tâm sự: “Vào thời của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, tuy chú còn đi học nhưng đến hôm nay chú vẫn còn nhớ rất rõ”.
“Vào thời gian này nước Việt Nam thật sự thanh bình. Người dân của mình lúc bấy giờ việc sinh hoạt ăn uống rất sung túc, nạn trộm cắp hầu như không có, thậm chí ngủ không khóa chốt then cài mà vẫn an tâm. Hôm nay chú đến đây để cùng mọi người tham dự buổi tưởng niệm cố tổng thống Ngô Đình Diệm, một người đã hy sinh cả cuộc đời cho đồng bào, cho dân tộc Việt Nam”.
“Và chú cũng rất xúc động khi nhìn thấy một số bạn trẻ sinh sau 1975 cũng có mặt. – Chính nghĩa bao giờ cũng chiến thắng”.
Mộ phần thân mẫu cố Tổng thống Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu.
Mộ phần cụ Ngô Đình Nhu.
Mộ phần cụ Ngô Đình Diệm.
Buổi lễ kết thúc vào khoảng 11 giờ. Sau đó mọi người vẫn ở lại thắp nhang tại mộ của gia đình Cố Tổng Thống, tất cả cùng nhau ôn lại quá khứ bi thương về vị cố Tổng Thống đáng kính, người đã dành cả cuộc đời hy sinh vì lợi ích quốc gia, dân tộc cho đến tận ngày nhắm mắt.
Đến 12 giờ trưa, tất cả mọi người cùng nhau ra về.
CTV Danlambao
danlambaovn.blogspot.com
…………………………………………………………………….
Nam California tưởng niệm cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm
Nguồn: Nguyên Huy/Người Việt – Sunday, November 1,2015
WESTMINSTER, California (NV) – Hàng trăm đồng hương người Việt ở Nam California đã tập trung đông nghẹt trước Tượng Tài Chiến Sĩ Việt-Mỹ, Westminster, hôm Chủ Nhật, 1 Tháng Mười Một, để tham dự Lễ Tưởng Niệm Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm.
Rước di ảnh cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm vào Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ,
Westminster. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)
Lễ năm nay do giới trẻ trong các tổ chức ở Nam California đứng ra tổ chức.
Cô Thu Hà Nguyễn, đại diện ban tổ chức, trong bài diễn văn khai mạc lễ đã nhắc lại một giai đoạn lịch sử đen tối mà cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm phải trải qua, trong lúc đem đến cho dân tộc Việt Nam một đất nước có chủ quyền.
Cô nói: “Hôm nay chúng ta tề tựu nơi đây để tưởng niệm đến một vị lãnh đạo anh minh, cương quyết tranh đấu cho đất nước và dân tộc, chúng ta sẽ nguyện noi theo tinh thần của cố tổng thống, tiếp tục cuộc tranh đấu ấy để quyết bảo vệ chủ quyền của đất nước.”
Bài diễn văn ngắn gọn mang đầy đủ ý nghĩa của tuổi trẻ hải ngoại đã được mọi người tham dự nhiệt liệt hoan hô.
Chủ tọa buổi lễ là cựu Đại Tá Phạm Huy Sảnh.
Ông khen ngợi các bạn trẻ trong ban tổ chức đã vận động được đông đảo đồng hương đến tham dự tạo được một không khí long trọng để tri ân một người đã hết lòng tranh đấu cho tự do và dân chủ của đất nước.
Sau đó, vị chủ tọa nhắc đến công trạng của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, người đã sáng lập nền Đệ Nhất Cộng Hòa.
Ông nói: “Qua chín năm chấp chính, với muôn vàn khó khăn từ trong và ngoài nước, cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã đưa đất nước và dân tộc thành một quốc gia vững mạnh trên thế giới, lãnh đạo tiên phong thế giới chống Cộng Sản, và Việt Nam trở thành một tiền đồn chống Cộng. Tinh thần này, sau này được Tổng Thống Ronald Reagan của Hoa Kỳ nhắc lại trong đường lối chống Cộng Sản quốc tế của Hoa Kỳ để bảo tồn nền tự do cho nhân loại. Trong nước, dù Cộng Sản phá hoại, nhưng đất nước được phát triển, người dân được hưởng mọi thứ tự do, nhân quyền được tôn trọng. Cố tổng thống với một đảng phái chân chính sau lưng đã hiến dâng cả cuộc đời cho tự do và bảo vệ chủ quyền của đất nước dù phải chết.”
Bàn thờ cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ,
Westminster. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)
Bài diễn văn của vị chủ tọa khiến nhiều người tham dự nhớ lại cả một thời gian của nền Đệ Nhất Cộng Hòa trong đó mọi lãnh vực được phát triển nhất là về văn hóa, giáo dục và kinh tế khiến người dân có được một cuộc sống yên bình, no đủ, con cái được học hành đến nơi đến chốn.
Tiếc rằng, Cộng Sản đã phá hoại cuộc sống an vui ấy để tiến hành cuộc xâm lăng thế giới tự do của đế quốc Cộng Sản khiến Hoa Kỳ phải đổ quân vào bảo vệ dù chính quyền Ngô Đình Diệm không chấp nhận và hai anh em ông đã phải chết để cho Hoa Kỳ trực tiếp điều hành cuộc chiến với CSBV được cả thế giới Cộng Sản tiếp trợ.
Diễn giả chính trong buổi lễ là cựu Nghị Sĩ Lê Châu Lộc. Ông cũng từng là sĩ quan tùy viên của cố Tổng Thống Diệm.
Ông Lê Châu Lộc đã bầy tỏ sự xúc động khi thấy năm nay đồng hương đến tham dự Lễ Tưởng Niệm Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm đông hơn mọi năm, nhất là vào buổi lễ câu hồn ngày hôm trước tại nhà thờ Santa Barbara, Santa Ana.
“Điều đó chứng tỏ những gì mà cố tổng thống đã làm trước đây chính là con đường để chúng ta noi theo. Đó là phải xây dựng một nền kinh tế vì dân, một thể chế chính trị tôn trọng con người, quyền làm người và bảo vệ được chủ quyền của đất nước,” ông Lộc nói.
Ông nhấn mạnh: “Không chỉ ở đây mà ở các nơi trên thế giới có người Việt tị nạn, lễ giỗ Tổng Thống Diệm đã theo chân người tị nạn bao nhiêu năm nay. Điều đó chứng tỏ, chúng ta không là những con người trôi sông lạc chợ mà là những con người có lý tưởng vẫn còn tiếp tục chiến đâu để quyết hoàn thành một nước Việt Nam tự do dân chủ thực sự trong đó con người được tôn trọng.”
Cựu Nghị Sĩ Lộc cũng bầy tỏ sự tin tưởng vào thế hệ con em sẽ tiếp được con đường của cố tổng thống đã đi. Nên, gặp nhau nơi đây để cùng nhau tưởng niệm đến một người quốc gia đã chiến đấu cho tự do no ấm của đất nước và dân tộc và đã chết trong cuộc chiến đấu ấy.
Những vòng hoa tưởng niệm Tổng Thống Ngô Đình Diệm.
(Hình: Nguyên Huy/Người Việt)
“Chúng ta nhắc nhau và riêng chúng tôi thế hệ lớn tuổi đang quyết chọn một dự án, dự án Ngô Đình Diệm để làm kim chỉ đường cho những hoạt động của mình,” ông Lê Châu Lộc kết luận.
Tiếp đó là những phát biểu của các đại diện dân cử, của đại diện tuổi trẻ ca tụng một vị lãnh đạo anh minh đã phải hy sinh vì tinh thần bảo vệ chủ quyền đất nước.
Gần 20 vòng hoa của các hội đoàn trong cộng đồng người Việt ở Nam California đã được các đại diện mang đến đặt quanh bàn thờ cố tổng thống để bày tỏ lòng thương nhớ.
Theo ban tổ chức cho biết, quan khách có mặt nhiều vị dân cử địa phương, và đại diện cho hơn 20 hội đoàn quân cán chính VNCH.
Ban tù ca Xuân Điềm hiện diện trong suốt buổi lễ nhắc lại nhiều bài ca trong thời “Suy Tôn Ngô Tổng Thống” và những bản hùng ca ca tụng các anh hùng liệt nữ trong lịch sử Việt Nam.
Buổi lễ kết thúc với phần đồng hương lên niệm hương trước bàn thờ Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm.
…………………………………………………..
Tuấn Khanh – Tư tưởng độc lập của hai vị tiên sinh họ Ngô
Nguồn: danluan-org- 01/11/2015
Nhạc sĩ Tuấn Khanh
Theo blog Nhạc sĩ Tuấn Khanh
Nhân ngày mất của hai con người yêu nước
Ngày 2/11/1963, trước khi một người sĩ quan bị mua chuộc và hèn nhát ra tay hạ sát cả hai anh em mình, ông Ngô Đình Diệm đã đến nhà thờ Cha Tam, Quận 5 để cầu nguyện.
Ít ai biết được lúc đó ông Diệm và em mình, ông Ngô Đình Nhu, đã im lặng cầu nguyện điều gì.
Không lâu sau đó, hai anh em lãnh đạo nền Đệ nhất Cộng hoà tại miền Nam Việt Nam bị hạ sát. Dân tộc Việt mất đi những nhà chính trị kiệt xuất mà có thể nhiều thế kỷ sau vẫn không thể có người sánh bằng.
Sự xuất sắc của anh em ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu được thấy, qua việc hai ông nhận ra rất sớm, âm mưu thôn tính Việt Nam của Bắc Kinh, thông qua ngõ Hà Nội. Các tài liệu nghiên cứu ghi lại từ 1952, cho thấy ông Ngô Đình Nhu đã lập nên một mạng lưới thu thập thông tin về việc can thiệp của Trung Cộng ở miền Bắc. Sự kiện cải cách ruộng đất đẫm máu mà ông Hồ Chí Minh thực hiện theo yêu cầu của cố vấn Trung Cộng vào năm 1953-1954 đã khiến cho hai vị lãnh đạo miền Nam càng quyết tâm hơn nữa trong việc ngăn không cho chủ nghĩa cộng sản tràn vào miền Nam.
Sau khi ông Ngô Đình Nhu mất, năm 1964, nhà xuất bản Đồng Nai, Saigon, cho ra mắt tập Chính đề Việt Nam của ông với bút danh Tùng Phong. Tất cả những gì viết trong đó, là máu và nước mắt, là tương lai đầy uẩn khúc của dân tộc Việt được dự đoán – xác đáng trong từng con chữ.
“Trong hoàn cảnh hiện tại, sự tồn tại của miền Nam vừa là một bảo đảm cho dân tộc thoát khỏi ách thống trị của Trung Cộng, vừa là một bảo đảm một lối thoát cho các nhà lãnh đạo Cộng Sản Bắc Việt, khi họ ý thức nguy cơ họ đang tạo cho dân tộc. Nhưng ngày nào họ vẫn tiếp tục thực hiện ý định xâm chiếm miền Nam thì họ vẫn còn chịu sự chi phối của chính sách chiến tranh xâm lăng của Trung Cộng, thay vì chính sách sống chung hòa bình của Nga Sô”. (trích)
Sự kiên quyết với tự do và độc lập, sự thành kính và quyết liệt với di sản của tổ tiên người Việt trao lại của hai ông vị lãnh đạo ấy, đã khiến cho hai ông vẫn được nhắc nhở, kính trọng sau khi qua đời. Đặc biệt, với những xung đột xã hội trước khi bị lật đổ – như với phía Phật Giáo – người Việt ngày càng nhận ra bên trong có sự dàn dựng và can thiệp từ phía Bắc.
Rất nhiều thông tin tuyên truyền cho rằng hai anh em Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu là căn cơ Công giáo nên ghét bỏ Phật giáo. Nhưng cũng ít ai biết rằng năm 1959, khi ông Ngô Đình Diệm được giải thưởng Leadership Magsaysay (dành cho các nhà lãnh đạo xuất sắc) với ngân phiếu 15,000 USD, ông đã gởi sang cho ông Đỗ Vạn Lý, Tổng Lãnh Sự VN tại New Delhi, Ấn Độ, để biếu Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, lúc đó đang rất khó khăn vì bị Mao Trạch Đông cho quân đội truy đuổi. Chính Ngài Đạt Lai Lạt Ma đã xác nhận điều này trong một bài nói chuyện trước cộng đồng Việt Nam – Mỹ, tại California.
Ý nguyện về một Việt Nam độc lập của hai vị Ngô tiên sinh cũng rất rõ. Năm 1961, khi đi kinh lý tỉnh Kiến Tường. Phía đón tiếp chuẩn bị rất nhiều cờ hai màu vàng trắng của Vatican. Thấy thiếu cờ quốc gia, Ngô tổng thống đã gọi viên thiếu tá tỉnh trưởng đến để chất vấn ”Đây không phải là xứ Vatican, đây là xứ Việt Nam, vậy cờ Việt Nam đâu?”.
Thật khó mà biết được hai vị đã cầu nguyện điều gì với Đức Jesus trong những giây ngặt nghèo ấy của đời mình. Nhưng có thể không phải là sự sợ hãi cho bản thân, mà sự sợ hãi cho một nền độc lập, một nền tự do non trẻ của nhân dân Việt Nam sẽ mai một.
Sinh thời, câu nói nổi tiếng của Ngô tổng thống vẫn hay được nhắc đến:
“Tôi tiến. Hãy tiến
Tôi lui. Hãy giết tôi
Tôi chết. Hãy nối chí tôi!”
Nhân ngày mất của hai con người yêu nước ấy. Xin được nhắc lại vài lời của họ với sự kính trọng. Người Việt đã từng có người dẫn đầu cho cuộc trường chinh vào tự do, thoát khỏi bóng ma xâm lược của Trung Cộng. Người Việt cũng đã có người chết, có người tù đày vì hào khí anh linh của giống nòi. Người Việt cũng đang kêu gọi, chờ đợi một thế hệ sẽ nối chí để đưa đất nước này ra khỏi gọng kìm phương Bắc.
Sĩ khí của hai con người yêu nước, đã nhắc chúng ta rất nhiều điều vào lúc này.
– See more at: https://www.danluan.org/tin-tuc/20151101/tuan-khanh-tu-tuong-doc-lap-cua-hai-vi-tien-sinh-ho-ngo#sthash.WLOSAI9c.dpuf
…………………………………………………………………………………………………
Thăm cố hương của cố Tổng thống Ngô Đình Diệm
Nguồn: RFA- Nhóm phóng viên tường trình từ VN- 2015-11-02
Ông Ngô Đình Nhu cùng phu nhân, bà Trần Lệ Xuân cùng các con.
AFP photo
Ngày 1 tháng 11 năm 1963, Tổng Thống nền Cộng Hòa đầu tiên của Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm cùng với bào đệ là Cố Vấn Tổng Thống Ngô Đình Nhu bị giết tại Sài Gòn trong một cuộc đảo chính. Đây cũng là khoảnh khắc khép lại thời vàng son của dòng họ Ngô Đình. Và đây cũng là thời điểm mà cố hương của cố Tổng thống Ngô Đình Diệm gặp nhiều nguy biến nhất. Có thể nói rằng số phận lênh đênh của dòng họ xuất chúng này vẫn chưa bao giờ ngừng.
Cố hương vời vợi…
Một người tên Hàm, sống ở Lệ Thủy, Quảng Bình, chia sẻ: “Ông đầu tiên học trường thuộc địa, gọi là trường Hậu Bổ, sau đó ra làm quan Tuần Vũ, cũng như tỉnh trưởng vậy đó. Sau đó nhờ tài năng ông được rút về trung ương, tức triều đình Huế. Sau đó đụng chạm với Phạm Quỳnh, đụng phải sự cố chấp, không chịu canh tân, ông từ quan. Sau đó nữa ông âm thầm hoạt động cách mạng độc lập, để có nền Việt nam Cộng Hòa sau này là nhờ ông biết hoạt động độc lập…”.
Theo cụ Hàm, quê gốc của cố Tổng thống Ngô Đình Diệm không phải ở làng Đại Phong, xã Phong Thủy, Lệ Thủy, mà là ở phủ Xuân Dục, Quảng Bình. Cụ Ngô Đình Dinh, ông nội của Tổng Thống Diệm là một con chiên mộ đạo. Do tránh nạn tiêu diệt Ki-Tô giáo của triều đình Huế, cụ đã trốn vào làng Đại Phong, Phong Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình để sống.
Ban đầu cụ làm nghề chèo đò, nấu nước trà cho làng mỗi khi có lễ lạc. Bởi quan niệm dân gốc và dân trú thời đó nên cụ gặp rất nhiều khó khăn, sống trong nghèo khổ, bần hàn. Cụ sinh được một người con là Ngô Đình Khả, chính là thân sinh của Tổng Thống Ngô Đình Diệm sau này. Cụ Dinh mất sớm do bệnh tật, lúc đó, Ngô Đình Khả là đứa bé sáu tuổi. Một vị linh mục người Pháp mang Ngô Đình Khả về nuôi và cho học hành tử tế. Vốn có tư chất thông minh, Ngô Đình Khả nhanh chóng thăng tiến sau này nhờ vào học hành.
Với đời vợ cả, cụ Ngô Đình Khả sinh ra được hai người con trai là Ngô Đình Khôi, Ngô Đình Thục. Sau khi vợ cả qua đời, cụ Khả tái hôn với bà Phạm Thị Thân, sinh ra sáu người con là Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn, Ngô Đình Luyện, Ngô Đình Thị Giáo và Ngô Đình Thị Hiệp.
Với gia thế làm quan kể từ sau giai đoạn khó khăn của ông nội Ngô Đình Dinh, có thể nói rằng đến thời cụ Ngô Đình Diệm là thời phát tiết của tộc Ngô. Cụ nổi tiếng là người học giỏi, cụ được Pháp đưa sang mẫu quốc để du học nhưng cụ không chịu đi để giữ khí tiết chống thực dân đô hộ, cụ ra Hà Nội để học Hành chính quốc gia, còn gọi là trường Hậu Bổ. Năm 1921, cụ tốt nghiệp trường Hậu Bổ và về làm quan tại Huế. Thời kì làm quan của cụ là thời kì mà nhân dân địa phương được sống sung túc nhất dưới sự dẫn dắt của cụ.
Cụ tổ chức đào kênh, đắp đường lộ, làm nhiều việc có lợi cho dân. Sau nhiều biến thiên lịch sử, cụ phải trốn sang nhiều nơi, thậm chí nhiều nước. Và đến năm 1954, cụ làm Thủ tướng dưới quyền của Quốc trưởng Bảo Đại. Mười năm sau, năm 1955, nền Cộng Hòa đầu tiên của Việt Nam ra đời dưới sự dẫn dắt của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm.
Cuối năm 1955, cụ Diệm làm Quốc Trưởng và sau này đổi thành danh xưng Tổng Thống cho đến tháng 11 năm 1963.
Ông Hàm cho rằng cái chết và sự lưu vong của gia đình họ Ngô là do một thủ đoạn tính toán về phong thủy. Bởi lúc đó, Quảng Bình nằm phía Bắc vĩ tuyến 17, thuộc lãnh địa của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Nghiệt nỗi, mộ cụ nội của Tổng Thống Ngô Đình Diệm vẫn nằm trên đất Đại Phong, Phong Thủy, Quảng Bình. Mà theo lời của một nhà chiêm tinh có uy tín lúc bấy giờ thì đất Lệ Thủy sinh ra bậc kỳ tài, ứng vào tộc Ngô và tộc Võ.
Sông Kiến Giang, đoạn ngang qua ngôi mộ cụ Dinh. RFA photo
Nếu giữ bậc hiền tài tộc Ngô thì khí vận của nhân tài tộc Võ không đủ để lay chuyển thời vận. Và người ta đã nhắm đến mộ của cụ Ngô Đình Dinh, ông nội cụ Ngô Đình Diệm để phá phách, trấn yểm. Việc trấn yểm, phá phách này kéo dài gần chục năm, cho đến khi ngôi mộ của cụ Dinh bị phá tan hoang cũng là lúc Tổng thống Ngô Đình Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu bị ám sát.
Hiện tại, không còn dấu vết nào của dòng họ nhà Ngô Đình trên đất Đại Phong, Phong Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình. Mặc dù trong quá trình di cư, vẫn còn nhiều người họ hàng của tộc Ngô Đình sống lại làng Đại Phong nhưng đã đổi thành một họ khác như Trần, Lê. Sau biến cố ngày 1 tháng 11 năm 1963, những người họ hàng này lại một lần nữa rời bỏ quê hương, sống lưu vong.
Dấu xưa không còn và ngôi mộ thiên táng
Cụ Hải, sống ở Đại Phong, Lệ Thủy, Quảng Bình, chia sẻ: “Nhà ông Giáp và ông Diệm gần nhau. Rõ ràng ông Diệm phải giỏi ngang ngửa với ông Giáp mới đấu nổi với nhau chứ. Nhưng do người ta giết hại ông Diệm nên đành vậy thôi.”.
Theo cụ Hải, lúc cụ Ngô Đình Dinh, tức ông nội của Tổng thống Ngô đình Diệm qua đời, vì gia cảnh nghèo khó, vợ chết sớm, chỉ có một con trai nhỏ là Ngô Đình Khả mới sáu tuổi. Hai cha con sống lây lất qua ngày bằng việc chèo đó thuê ban ngày và ngủ nhờ đình làng ban đêm. Khi cụ Dinh mất, dân làng thương tình mua áo quan khâm liệm và chèo thuyền đưa thi hài ông dọc theo sông Kiến Giang, đến núi Bến Đẻ để an táng.
Nhưng đi nửa đường thì trời đổ mưa, nghe tiếng cọp gầm, dân làng sợ quá đào qua loa một huyệt bên đường lên núi để chôn tạm rồi sáng mai tiếp tục an táng. Đang đào thì cọp gầm gần quá, người dân hoảng hốt lấp vội đất và bỏ chạy. Sáng mai, bà con lại bơi ghe lên chỗ huyệt mộ để lấp đất cho tử tế. Nhưng khi đến nơi thì thấy một gò đất tròn, cao đã phủ trên ngôi mộ. Gò đất này do mối đụn lên mà tạo thành. Người làng kháo nhau ngôi mộ được thiên táng, tức trời chôn, đời sau sẽ phát tích. Và chuyện này đã thành sự thật.
Cùng lúc đó, bên khu nhà thờ làng tộc Võ, một cây dừa bị bão đánh đã lâu, từ thân khô của nó mọc ra hai nhánh và phát triển rất nhanh. Tin đồn về khí vận ở Lệ Thủy đang phát tiết lan rộng. Trong đó, ngôi mộ thiên táng của tộc Ngô được cho là tụ khí hơn khu nhà thờ làng có cây dừa mọc đôi của tộc Võ.
Đến những năm 1950, công cuộc đào phá long mạch mộ tộc Ngô bắt đầu nhưng không có tác dụng. Đến năm 1961, một đường hầm đào xuyên qua trước ngôi mộ, gọi là công sự để chế tạo vũ khí nhưng thực chất chưa bao giờ có vũ khí nào chế tạo ở đây.
Sau đó một thời gian, các đường công sự đào ngang đào dọc và ngôi mộ cũng tự dưng biến mất. Cuối cùng là cái chết thương tâm của gia đình Tổng thống Ngô Đình Diệm và cuộc đời tứ tán của dòng họ Ngô. Dấu vết xưa của dòng họ Ngô trên đất Lệ Thủy, Quảng Bình cũng không còn.
Theo như chia sẻ của cụ Hải thì khi mà khí vận của đất Lệ Thủy bị tuyệt, từ đó đến giờ, đời sống khó khăn, người đỗ đạt cao một cách nghiêm túc rất hiếm và niềm tự hào của người dân về gia tộc họ Ngô cũng bị triệt tiêu một cách đáng sợ. Nhưng cụ Hải cũng khẳng định rằng nếu chọn một điều gì đó để nói về quê hương mình, ông sẽ chọn gia tộc họ Ngô bởi đây là một gia tộc đi từ nghèo khổ đến đỗ đạt và cống hiến cho dân tộc này rất nhiều.
…………………………