Bút ký Nam Dao: ‘đàn-tràng’ cho văn nghệ sĩ?
Nguồn:nguoiviet.com- November 4, 2016
Nhà văn Nam Dao. (Hình: Việt Báo)
Du Tử Lê
(Tiếp theo kỳ trước)
Theo định nghĩa, “bút ký” là một thể loại văn xuôi ghi lại những điều tác giả thấy và nghe được từ các nhân vật, sự kiện mà họ có dịp tiếp cận. Tuy nhiên, cũng có những tác giả chỉ nghe người khác kể sự việc, đã viết lại sau khi thêm thắt ít, nhiều chi tiết bên lề, để độc giả nghĩ rằng họ là nhân chứng sống của câu chuyện; sau đó cho phổ biến… cũng ghi là ” bút ký”!!!
Với tập bút ký nhan đề “Những con người những bóng ma” nhà văn Nam Dao/Nguyễn Mạnh Hùng, không ở trường hợp thứ hai. (6) Ông là nhân chứng sống với những điều mắt thấy tai nghe, cộng thêm cảm nhận của riêng mình, như những nén nhang muộn, được thắp trong một “đàn-tràng-trên-giấy,” giải oan cho những tài hoa oan khuất một thời.
Bút ký “Những Con Người Những Bóng Ma” có 2 phần. Phần 1, “Những Con Người” gồm 16 bút ký; đa số viết về kỷ niệm tác giả có với những nhân vật trung tâm của vụ án “Nhân Văn Giai Phẩm.” Phần 2, “Những Bóng Ma,” chiếm trên 100 trang của tổng số gần 350 trang sách.
Phần hai này, tựa một bản “tự kiểm” can đảm, ngay thẳng tới mủi lòng của Nam Dao/Nguyễn Mạnh Hùng. Nó như bản tổng kết toàn bộ tâm-cảnh của một trí thức, khi nhìn lại mình – – Từ những mơ mộng, lãng mạn, ảo tưởng thời niên thiếu, tới trưởng thành… Tiếp tục ôm mộng đóng góp phần cá nhân cho quê hương, đất nước. Nhưng thưởng công cho họ Nguyễn, lại những bẽ bàng, đắng, chát…
Bút ký mở đầu cho phần 1, “Những Con Người,” Nam Dao viết về nhà văn Nguyễn Tuân, từng là bạn thân thiết với bố nuôi của ông:
“…Bác rủ đi ăn bánh cuốn với mình. Thế là một già một trẻ khệnh khạng bước như hai kẻ nhàn du, một lát sau thì đến phố Yết Kiêu, ngay dưới nhà Văn Cao. Bác Nguyễn chào bà hàng, nheo mắt, khủng khỉnh, bà cho hai suất, như thường lệ. Không hỏi, bà hàng cười, đẩy đến trước mặt chúng tôi hai cái ly nhỏ, rút gầm bàn một cút rượu trắng, vừa rót vừa nói, thưa cụ cứ xem rượu sủi tăm thì biết, rượu chào khách đấy. Bác Nguyễn cười, ria mép bần bật thứ âm thanh khô mà ấm một lời cám ơn. Bà hàng đổ bánh, hỏi, cậu đây là người ở đâu? Tôi chưa kịp đáp thì bác Nguyễn bảo, bên Tây đấy, tận Canada. Bà hàng hấp háy nhìn tôi từ đầu chí chân, ngỡ ngàng, thôi cụ đừng lỡm nhà cháu. Tây gì mà đi dép Bình Trị Thiên, lại mặc cái áo zết bộ đội thế này? Bác Nguyễn phá lên cười sằng sặc, đáp với giọng giễu cợt, thì về đây phải nhập gia tùy tục, ăn vận như thế mới Hà Nội mình chứ…” (Nđd)
Ở bút ký tựa đề “Xổ Bụi,” ghi lại cuộc chia tay nhà thơ Trần Dần – – Tác giả bài thơ nổi tiếng “Nhất Ðịnh Thắng” viết năm 1956. Trước đó, tháng 3 năm 1955, Trần Dần cũng là người dám phê bình tập thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu là “Nhỏ bé nhạt nhẽo trước cuộc sống vĩ đại và mắc một sai lầm nghiêm trọng là sùng bái cá nhân, thần thánh hóa lãnh tụ…” giữa khi Tố Hữu đang lẫm liệt quyền uy!!! (7)
Như một thứ “đàn-tràng-trên-giấy” với “kinh giải oan” cho những tài hoa văn chương bị oan khuất một thời, như Trần Dần, Nam Dao viết:
“Vào độ cuối Ðông, Hà Nội thu mình khép gió. Những tàn cây trụi lá co ro trơ xương chống đỡ cơn may hiu hắt lạnh, mênh mang nhớ rưng rức đau nỗi niềm không tên gọi, có đây rồi lại vụt mất, chập chờn kéo hiện tại vào tiền kiếp không thể ngày một tiêu ma dấu vết. Trần Dần chống gậy, lao chao bước, vứt lại ‘thôi nhé’, đi không quay đầu lại. Tấm áo cánh trắng xóa ngõ Phan Huy Chú, chiếc mũ len sùm sụp, anh một mình lê cho về đến phố Vũ Lợi, chẳng gần, cũng chẳng xa, để vào lòng tôi một nỗi man mác…” (Nđd)
Vẫn Trần Dần, ở một trong những trang kế tiếp, Nam Dao ghi:
“…Chúng tôi gặp lại nhau ở Sài Gòn giữa một buổi trưa nắng gắt. Anh đợi, ngồi rìa một cái quán bên đường. Vẫn cái tư thế cọp ngồi chống mắt nhìn đời, chập chùng xe qua xe lại nhả khói két mùi xăng nhớt. Cọp nheo mắt chóa nắng lững thững chống gậy đứng lên. Lần ấy là lần đầu anh vào miền Nam. A, cái lưỡi dao cùn. Nó chẳng phải chỉ cứa cổ người. Nó chém ngang lưng Tổ Quốc. Không đứt được thật, miền Nam vẫn đó. Nhưng mà đau, nỗi đau còn đó, lưng rớm máu, nay vết sẹo mới tấy da non, xin chớ ai động mạnh…” (Nđd)
Về những câu “kinh giải oan” cho danh họa Bùi Xuân Phái (8), Nam Dao viết:
“…Nhớ đến Hà Nội là nhớ đến những con người, là nhớ đến phố Phái, và… nhất là nhớ Phái. Cơn bực bội ùa về làm lũ trong lòng. Này, thiên hạ, Phái đã nằm xuống rồi, hãy can đảm cất lên tiếng nói chứ. Ít nhất, nếu không khẳng định gì thì cũng nêu vài câu cần hỏi. Tỉ như sinh thời Phái được đãi ngộ thế nào? Sau vụ án Nhân Văn, Phái phải sống ra sao? Nghệ thuật của anh bị vây bủa o ép thế nào? Phải có những phương tiện gì để sáng tạo?…” (Nđd)
Cũng vậy, khi viết về nhà văn, nhà thơ Phùng Cung, tác giả “Con Ngựa Già Của Chúa Trịnh,” (9) Họ Nguyễn cảm thán:
“Bốn mươi năm sau khi đọc Con Ngựa Già của Chúa Trịnh, đầu tôi vẫn cứ một câu tại sao? Phùng Cung xưa phụ trách nhà in, không ‘chính trị’ như Nguyễn Hữu Ðang, uy tín như Phan Khôi, và cũng không là chiến tướng như Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Ðạt, Phùng Quán… Trừ Ðang và Thụy An, tất cả đều đi thực tế, một cách cải tạo không phải là gay gắt nhất. Sau thực tế thì về Hà Nội nhưng bị treo bút, cô lập. Khổ nhất là bị cô lập, không ai dám ‘dây với hủi’, kể cả những người trong gia đình.
“Năm 1999, tôi có dịp hỏi một nhân chứng ruột thịt của Phùng Cung. Con anh là Phùng Hà Phủ, đến thăm tôi vào dịp Giáng Sinh, Phủ kể, ‘…thời Cải Cách Ruộng Ðất, ông nội cháu lo là có thể bị quy chụp là địa chủ cường hào, và quả là sau ông bị đấu tố rồi đưa lên giam trên Thái Nguyên. Bố cháu lên thăm, nhưng đến nơi thì mộ ông cháu mới đắp, trên chỉ có một ngọn sắn lá đã héo để làm dấu, đất còn ướt…’ Phủ châm thuốc lá, rít một hơi, thở dài ‘thế mà trước đó bố cháu cứ tin rằng có một bầy con đi kháng chiến thì sẽ chẳng đến nỗi nào (…).
“…Phùng Cung chỉ buồn? Anh tiếp tục công tác trong cơ quan hội Văn Nghệ. Ðến khi Nhân Văn ra đời, anh đợi đến số 4, tháng 10 năm 1956 mới đưa in Con Ngựa Già Của Chúa Trịnh. ‘Thế thì 5 năm sau, tức vào năm 1961, người ta lại bắt bố cháu đi tù? Và tù liền 12 năm? Tại sao?’
“Phủ không trả lời, chỉ thở dài. Nhưng tôi nghe đâu đây như có tiếng ngựa hí? Không, ở xứ này giờ đây là mùa đông, ngoài trời lạnh -20 độ C, nước chỉ dăm phút là đóng đá. Gió rít lên, lửa trong lò sưởi chập chờn, tuyết bay, bám vào cửa kính vẽ mơ hồ những đóa hoa trước lúc đóng băng (…).
“…Phủ tiếp, giọng trầm hẳn xuống. Bố ra tù khi hai anh em cháu đâu mười một, mười hai. Một hôm cả nhà cháu đi bộ trên lề phố Trần Hưng Ðạo, khúc gần Bà Triệu, thì có tiếng gọi, Cung ơi, Cung. Mọi người quay lại. Bác Dần đứng lề bên kia vẫy. Bố cháu chưa kịp phản ứng thì mẹ cháu giằng lấy tay, miệng van vỉ, em lậy anh, đi thôi… Em và các con đã khổ lắm rồi… Ði thôi, anh ơi! Ra tù, bố cháu cách ly với bạn bè, chỉ chuyện áo cơm cũng đã khổ sở. Ðập đinh, rồi làm bánh. Và khi có việc thì nề, mộc… Thế mà công an họ cứ đến ‘làm việc’, khủng bố tinh thần đến độ mẹ cháu bảo thà là ở trong tù còn hơn…” (Nđd)
(Kỳ sau tiếp)
——–
Chú thích:
(6) Bút ký “Những Con Người Những Bóng Ma” do nhà Thi Văn xuất bản tại Hoa Kỳ, 2015.
(7) Trong bài thơ “Nhất Ðịnh Thắng” của Trần Dần, có những câu nổi tiếng như: “Tôi bước đi/ không thấy phố, không thấy nhà/ Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ.” Trần Dần sinh ngày 23 tháng 8 năm 1926, tại Nam Ðịnh; mất ngày 17 tháng 1 năm 1997. (Nguồn Wikipedia-Mở)
(8) Vì Bùi Xuân Phái vẽ nhiều tranh mang linh hồn phố Hà Nội, nên Nguyễn Tuân đã gọi ông là “Phái Phố”. Danh họa Bùi Xuân Phái sinh ngày 1 tháng 9 năm 1920 tại Hà Ðông, mất ngày 24 tháng 6-1988. Theo trang mạng Wikipedia-Mở thì, “Bùi Xuân Phái là một trong những họa sĩ thuộc thế hệ cuối cùng của sinh viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Ðông Dương, cùng thời với các danh họa Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên – những tên tuổi ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam hiện đại.”
(9) Nhà văn, nhà thơ Phùng Cung sinh ngày 18 tháng 7-1928 tại Vĩnh Yên, mất ngày 28 tháng 4-1997.
…………………………………………………………………
Thâm Tâm, người thơ yểu mệnh
Nguồn:nguoiviet.com- November 2, 2016
Chân dung Thâm Tâm (1917-1950). (Hình: Viên Linh cung cấp)
Viên Linh
Vợ con thí tất cho thiên hạ
Yêu rất ban ngày, ghét rất đêm
(Thâm Tâm, Can Trường Hành, 1944)
Thâm Tâm là một trong tam anh thời Tiền Chiến, bên cạnh Nguyễn Bính và Trần Huyền Trân. Họ là ba người bạn thân nhau nhất. Trong ba người này một người có thể chính là T.T.KH, đó là phỏng đoán của dư luận thời tiền chiến, còn tự nhận thì không ai tin dẫu có một người đã tự nhận. (Nếu có những bạn đọc trẻ không rõ bốn chữ viết tắt trên là gì, thì một cách vắn tắt, đó là bút hiệu phụ nữ viết tắt của một người làm ra 3 bài thơ não nùng đã làm rơi lệ và tuôn mực xuống cả ngàn trang giấy về một mối tình tan vỡ não nề, gói ghém trong vần điệu những bài “Hai Sắc Hoa Ti-Gôn,” “Bài Thơ Thứ Nhất,” “Bài Thơ Đan Áo,” và “Bài Thơ Cuối Cùng.”) Ba mươi ba tuổi, vào một ngày cuối năm âm lịch, xem ra là năm Canh Dần (dương lịch 1950), Thâm Tâm từ trần sau một cơn sốt nóng râm ran trong khi tham dự chiến dịch Thu Đông.
Ba mươi ba tuổi, với một ít truyện dài đăng báo, một vài vở kịch chưa diễn, một tập thơ chưa hề được xuất bản dù vậy khuôn mặt văn chương của Thâm Tâm đã là một khuôn mặt hiển lộ. Rải rác. Cái ông còn để lại đây đó trên một số báo chí xuất bản hồi ông mới ngoài hai mươi tuổi. Rải rác, những câu thơ; những bài hành. Ông chết, tác phẩm còn tản mạn nơi những trang giấy rời những người bạn thiết. Đó là một điển hình ở tiền chiến, mà vài chục năm sau cái chết của ông, văn thơ Việt Nam còn tiếp tục đánh mất những trường hợp như thế. Chắc chắn đó không phải là những trường hợp hiếm hoi. Một bàn tay đếm không đủ những người văn nghệ Việt Nam đã vĩnh viễn ra đi trong khói lửa, và tệ hơn, trong đói nghèo bệnh tật). Hàn Mặc Tử (1912-1940). Nguyễn Nhược Pháp (1914-1938). Bích Khê (1916-1946). Ở miền Nam trước 75 có Quách Thoại 27 tuổi, Chế Vũ, xấp xỉ 30 tuổi.
Cách đây ít lâu, sau khi về thăm nhà ở Sài Gòn, một chị bạn khi trở lại quận Cam có mang cho tôi cuốn “Thâm Tâm và T.T.KH” của Hoài Việt. Hoài Việt là một tác giả trẻ, phóng viên tờ Vệ Quốc Quân. Lúc ấy Thâm Tâm là Thư Ký Tòa Soạn, ngồi nhà cắt đặt công việc cho các biên tập viên, trình bày tờ báo, lại vẽ cả tranh cho tờ báo. Đó là giai đoạn kháng chiến, người đi kháng chiến coi cuộc kháng chiến là việc cứu nước đuổi thực dân xâm lược Pháp. Đó là thời rực rỡ cua những thơ văn thắm thiết tình yêu nước, của lòng trai thế hệ, thời của những đoàn quân khổng mọc tóc, những đồi tím hoa sim, những bên kia sông đuống, những nhà tôi, những tha la xóm đạo, những bài hành phương Nam… Thay vì ngồi tòa soạn, lần này Thâm Tâm lại đi. Đó là chuyến đi cuối cùng của tác giả Tống Biệt Hành. Hoài Việt kể: “Và chúng tôi đi. Tới Cao Bằng, bỗng một hôm anh kêu mệt. Anh sốt, nằm ở một căn nhà sàn, gần biên giới…Tôi cũng tưởng anh chỉ sốt bình thường một hai ngày rồi qua khỏi. Đến một buổi chiều, tôi được cử xuống đơn vị. Trước khi đi, tôi vào ngồi với anh một lát. Tôi nắm tay anh, thấy rất nóng. Mắt anh vàng hơn ngày thường. Anh bảo tôi đưa anh sang một chỗ nằm khác cho thoáng hơn. Tôi ôm lấy lưng anh, dắt đi. Anh vừa run lẩy bẩy vừa khẽ bảo:
-Mình thấy trong người thế nào ấy. Cậu đi khỏe nhé.
Tôi không thể ngờ đó là câu cuối cùng của anh nói với tôi. Ở đơn vị được một tuần, một hôm bỗng Thôi Hữu gặp tôi, báo tin là Thâm Tâm đã mất.” (tr.19). Trong tập Văn Học I, nhà xuất bản Tác Phẩm Mới in tại Hà Nội vào năm 1985, Từ Bích Hoàng viết: “…dọc đường đi lên biên giới (thu 1950), khi tới Quảng Uyên thì Thâm Tâm bị sốt cao, anh em trong đoàn phải gửi anh lại… Anh được đưa vào ở một nhà sàn tại Nà Pò và được một chú liên lạc viên đêm ngày chăm sóc chu đáo. Tuy ốm nặng nhưng anh không kêu than và cũng không dối dăng lại gì khi mất. Anh được chôn cất luôn tại bản Nà Pò. Chú liên lạc, sau khi anh mất, đã xỉn được bà con dân bản một mảnh vải trắng làm khăn tang và chỉ duy nhất đó là người để tang cho Thâm Tâm (trang 140).
Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay,
Chị thà coi như là hạt bụi,
Em thà coi như hơi rượu say.
(Thâm Tâm, Tống Biệt Hành, 1940)
Theo nhiều tài liệu, Thâm Tâm tự học và ngoài những học hành giáo khoa, ông còn học người xưa bằng những bộ sách lúc nào cũng kè kè bên mình, ở thành phố hay trong kháng chiến: những bộ Tam Quốc Chí, Thủy Hử… Cũng như phần đông thanh niên Việt Nam khác, Thâm Tâm dở dang chuyện học và lỡ làng kiếp sống. Đó cũng lại là một mặt tác hại của chiến tranh. Chưa hai mươi tuổi đã phải mưu sinh, cắm cúi trên những lòng sách và vừa hai mươi tuổi đã già dặn, cái già có thể hình dung thấy trên tuổi trẻ Việt Nam, và chỉ là Tuổi Trẻ Việt Nam. Cái già hai mươi tuổi va chạm ngoài đời, cái già với thê nhi quá sớm, cái già với hối hả hay chán chường.
Sinh ta, cha ném bút rồi
Rừng Nho tàn rụng cho đời sang xuân.
Nuôi ta, mẹ héo từng năm,
Vắt bầu sữa cạn tê chân máu gầy.
Dạy ta, ba bẩy ông thầy
Gươm dài sách rộng, biển đầy núi vơi
Nhà ta cầm đợ tay người,
Kép bông đâu áo, ngọt bùi đâu cơm?
(Thâm Tâm, Trảng Ca)
Thâm Tâm tên thật là Nguyễn Tuấn Trình, sinh ngày 12 tháng 5 năm 1917, tại Hải Dương, Bắc phần. Năm 18 tuổi ông bước vào làng văn với công việc trình bày bìa sách bìa báo cho nhà xuất bản Mai Lĩnh, Tiểu Thuyết Thứ Bảy. Trước đó, và có thể ngay lúc đó, gia đình sống bằng nghề đóng sách. Có lúc vẽ tranh đem bán bên hồ Hoàn Kiếm. Những năm Nhật vào giải giới Pháp, ông đi Sơn Tây học nghề làm đồ gốm, và vẽ đồ gốm.
Bài thơ đầu tiên của ông in trên tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy. Ngoài thơ, Thâm Tâm còn viết kịch và truyện dài. Ông đã có 6 truyện dài in ra, là Tiếng Hát Mùa Xuẩn, Gánh Hát Sử Nam, Người Giữ Ngựa, Thuồng Luồng Ở Nước, Bọn Trẻ Tàn Tật và Thuốc Mê. Từng viết trên các báo Bắc Hà (do ông và Trân Huyền Trân tự xuất bản, chỉ được vài số) – Tiểu Thuyết Thứ Năm – Truyền Bá.
Thâm Tâm ốm yếu, bé nhỏ, bệnh tật nhiều, viết không đủ sống mà lại có một gánh nặng gia đình. Ông không hút thuốc, không trà đình tử quán tuy đôi khi uống rượu trong anh em. Thâm Tâm, người thanh niên có đủ ý thức, người cầm bút có đủ thứ bệnh, lúc tuổi vừa qua hai mươi. Và cũng chính trong thời gian đó, ông ôm ấp một trưởng thành khác trong tuổi già của thanh niên, một sinh lực khác cho một đời sống khác sau này, là đời sống của Thơ Thâm Tâm.
Tuổi ấy ông còn thao thức vì một tiếng gọi xa xôi vọng về. Và “ngày mai tôi phải đi, mai này tôi phải đi,” đó là những lời ông đã nhắc đi nhắc lại trong một số bài thơ. Năm 1945 ông đã đi, góp cái thân thể nhỏ nhoi, thêm cánh tay gầy guộc cho kháng chiến. Nhưng ý thức hệ kháng chiến không để lại gì trong thơ Thâm Tâm. Những gì ông để lại là những gì đã viết trên Tieu Thuyết Thứ Bảy, giai đoạn từ 1937 tới khoảng 1944. Hào khí trong thơ Thâm Tâm có trước giai đoạn kháng chiến. Cái sức lực suy nhược ấy không cất nổi gánh nặng ở đời, nhưng biến thành Thơ, thành Hành, trở thành hào khí của những bài thơ, bài hành nổi tiếng nhất trong những bài thơ bài hành Việt Nam, về tâm huyết trai trẻ của một nước đang sống trong thời bị trị, mặc dù xung quanh tràn ngập những sáng tác lãng mạn, không khí lãng mạn, của một nền thi ca lãng mạn và tượng trưng.
Vọng Nhân Hành
Thăng Long đất lớn chí tung hoành
Bàng bạc gương hồ ánh mắt xanh
Một lứa chung tình từ tứ chiếng
Hội nhau vầy một tiệc quần anh.
Mày gươm nét mác chữ nhân già
Hàm bạnh hình đồi, lưng cỗi đa
Tay yếu đang cùng tay mạnh dắt
Chưa ngất men trời hả rượu cha.
Rau đất cá sông gào chẳng đủ
Nổ bùng giữa tiệc trận phong ba
Rằng: “Đương gió bụi thì tơi tả
Thiên hạ phải dùng thơ chúng ta!”
Thơ ngâm giỏ giọng, thời chưa thuận
Tan tiệc quần anh, người nuốt giận
Chim nhạn, chìm hồng rét mướt bay
Vuốt cọp, chân voi còn lận đận.
Thằng thí cho nhàm sức võ sinh
Thằng bó văn chương đôi gối hận
Thằng thơ trói buộc, thằng giã quê
Thằng phấn son nhơ, chửa một về!
Sông Hồng chẳng phải xưa sông Dịch
Ta ghét hoài câu “nhất khứ hề.”
Ngoài phố mưa bay: xuân bốc rượu
Tấc lòng mong mỏi cháy tê tê
-Ới ơi bạn tác ngoài trôi giạt
Chẳng đọc thơ ta tất cũng về.
(Tiểu Thuyết Thứ Bảy, 1944)
……………………………………………………………….
Nguồn: dutule.com – DTL: Một bài thơ cũ –
Thơ Ở Những Nơi, Những Người Và, Những Tháng Mười Một
30 Tháng Mười 2016
Tranh Du Tử Lê
Thơ Ở Những Nơi, Những Người Và, Những Tháng Mười Một
Du Tử Lê
bình minh phóng tay rót tiếng chim lênh láng căn phòng
mặt trời nghiêng bầu rót sóng sánh mật ong lên ghế
người rót hậu hĩ sinh nhật tôi
biệt, ly
bậm trợn
mùa đông phóng tay rót lửa xuống mặt đường
mỗi chúng ta tự rót đầy linh hồn mình
nỗi nhầy nhụa
năm, tháng
đêm tối phóng tay rót bình sương muối ắp, đầy mọi ngả đường
thân thể ngày nhám, khô
người rót hoan hỉ rừng quạnh hiu tôi
im lặng tím
bầm, thâm nỗi bặt, bặt
những ngọn nến tìm nhau phóng tay rót dòng lệ xót xuống môi tulip
mỗi chúng ta tự rót đầy xa vắng mình
kỷ niệm/ tiếng nói/ vòng ôm/ ngực trần/ căn phòng/ giáo đường
và những lời nguyện, đuối
kẻ chứng gian cho tình yêu ta bảo:
– chân lý thuộc về miền nín lặng, gió
bên cạnh lãng quên, nâu
bông hoa vàng nở xong
mất tích.
chẳng ai trong chúng ta
rót đầy được khoảng trống bụng mẹ
chỗ mẹ mang thai anh
(chứng tích hoan lạc, hiếm)
chỗ mẹ nâng niu/ dấu kín/ em
(vùng hạnh phúc rôm rả những xấu hổ, xanh và, nguyền rủa, trắng)
tháng mười một
(của những niên lịch không có tháng mười ba)
các bà mẹ xé, banh thịt da
cho những mầm non hân hoan/ bất hạnh/
lớn
tháng mười một
nỗi buồn xám ngọ, nguậy
những đời sâu vịn lá mùa đông đứng lên
kịp khi đôi chân biết đi
đã chạy trũng/ xuôi/ chiều bất định
hai con số một
hai đường song song
tựa hai nỗi tình cờ
chung lời:
-vĩnh biệt
Du Tử Lê
(20-11-94)
………………………………………………………………….