1.Chúc mừng Xuân Mới Ất Mùi-2015(Nhã Nhạc)2.Một chùm thơ xuân &More-3.Mùa Xuân Di Lặc(Nhã Nhạc)4.Xuân như ý(Orchid TL/VB)5.Đi chợ.

CHÚC MỪNG XUÂN MỚI- ẤT MÙI 2015

Nhã Nhạc

Hoa dao Nhat Tan.jpg1

Trong phút giao hòa thiêng liêng của Đất Trời giữa Năm Cũ và Năm Mới, chúng tôi thân ái chúc mừng gia đình, bằng hữu, các em, cùng quý độc giả Năm Mới Ất Mùi 2015 :KHANG AN-THỊNH VƯỢNG- HẠNH PHÚC- VẠN SỰ NHƯ Ý .

Trân trọng,
Nhã Nhạc

=========================================

MÙA XUÂN DI LẶC

Nhã Nhạc

Lời nói đầu: Mùa Xuân Canh Dần năm 2010, chúng tôi viết và đăng bài “Mùa Xuân Di Lặc” trên trang web này . Xuân Ất Mùi 2015 năm nay, chúng tôi trích đăng lại, xin được coi như một lời “Chúc Xuân Mới” đến Gia đình,Bằng hữu,Quý độc giả- theo tinh thần ngài Di Lặc- vào ngày Mồng Một Tết, cũng là ngày vía của ngài vậy .

Trân trọng,

Nhã Nhạc

Di Lac 1

04/02: Mùa Xuân Di-Lặc
Category: Tôi Tìm Hiểu Đạo Phật
Posted by: Tbl Đọc: 3830 lần

Mùa Xuân Di-Lặc

Canh Dần 2010

Nhã Nhạc

Hầu hết chúng ta đã được nhìn thấy Tượng Đức Di Lặc . (Hình trên: Tượng Đức Di-Lặc, núi Cấm, An Giang)

Đối với các Phật Tử thì ngày mồng Một Tết Âm lịch hàng năm – như mồng Một Tết Canh Dần sắp tới đây – chính là ngày vía đức Di Lăc.

Như thế, ngày Mồng Một Tết Âm Lịch đã mang hai ý nghĩa : một ý nghĩa Dân-tộc và một ý nghĩa Tôn giáo . Theo ý nghĩa Dân-tộc , ngày mồng một Tết , chúng ta làm lễ đón Tổ Tiên về ăn Tết với con cháu , chúng ta chúc nhau “ một năm mới an lành, hạnh phúc, v…v…” . Theo ý nghĩa tôn giáo, người Phật tử làm lễ kỷ niệm ngày vía Đức Di Lặc vào ngày mông Một Tết ( Âm lịch) và người Phật Tử chúc nhau “ Một mùa xuân Di Lặc” , ngụ ý sẽ theo chân Ngài Di Lặc để thành Phật trong tương lai . Ngụ ý này bắt nguồn từ trong sách nhà Phật như sau : Chúng ta có thói quen gọi là Đức Phật Di Lặc . Sự thực Ngài chưa thành Phật .Theo kinh sách nhà Phật , trong một buổi thuyết pháp có Bồ-Tát Di Lặc tham dự, Đức Phật Thích-Ca đã dạy rằng : “ Sau khi nhập diệt, Ngài Di Lặc sẽ lên trụ trên cung trời Đâu-Xuất, ngài Di Lặc được thọ ký thành Phật và là Giáo chủ của hội Long Hoa . Điều đó cho ta hiểu rằng Ngài là vị Phật trong tương lai , nối tiếp Đức Phật Thích-Ca .

Người xưa đã chọn ngày mồng Một Tết ( Âm lịch) làm ngày vía của Ngài, vì theo tâm lý người đời, ai cũng muốn làm điều tốt , điều vui , điều thiện trong ba ngày Tết . Đi xa hơn nữa, qua câu chúc nhau “Một mùa xuân Di Lặc”, người Phật tử đã tha thiết nói lên ý nguyện được trở thành Phật trong tương lai như Đức Di Lặc, vì ai cũng nhớ lời Đức Phật dạy : “Ta là Phật đã thành , chúng sinh là Phật sẽ thành” .

(Xin mở một dấu ngoặc : trước đây, khi chưa đọc sách nhà Phật, tôi cứ nghĩ “một mùa xuân Di Lặc” chỉ có nghĩa là một mùa xuân vui tươi , hạnh phúc như cái cười rộng mở , vẻ mặt tươi tắn của Ngài mà thôi !! )

Ý nghĩa Tựong Di Lặc : Ngài Di Lặc là một vị mập mạp, ngồi phanh bụng, miệng cười tươi tỉnh . Chung quanh Ngài là sáu đứa trẻ vây quanh .Sáu đứa trẻ đó chính là sáu tên giặc , tượng trưng cho sáu cơ quan : mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý . Có tượng chỉ để năm đứa trẻ -tức 5 cơ quan, vì “ý” khó tưởng tượng và không hình tướng .Năm đứa trẻ đó quấy phá mà Ngài vẫn tươi cười .Điều đó có nghĩa là, qua 6 đứa trẻ -hay 6 giác quan – Ngài cũng đã tiếp xúc với sự sự, vật vật – hay lục trần (thí dụ : nhãn trần là sự vật mắt nhìn thấy ; thanh trần là âm thanh tai nghe thấy, v…v…), nhưng Ngài đã không để các trần này lôi cuốn vào vòng phiền não ( xin xem lại bài trước : tứ diệu đế ; tham,sân,si…),

Ngài biết tất cả sự sự vật vật ( vạn pháp) đều là giả tạm vì sẽ thay đổi không ngừng ( vô thường …) Chúng sinh vì vô minh mà không thấy, vì tham,sân,si …mà gây nghiệp quả luân hồi .

Ý nghĩa câu chúc “Một mùa xuân Di Lặ.c” đã rõ ràng : chúng sinh hãy phát nguyện tu hành thành Phật trong tương lai .

Phương cách tu hành theo Đức Di Lặc :

* Không để lục trần ảnh hưởng : không để mắt, mũi, tai, lưỡi, thân, ý, hướng dẫn làm điều sai lầm, mê hoặc …

* Cần tu theo hạnh xả , tức là hạnh thứ tư trong tứ vô lượng tâm (từ, bi, hỉ, xả: xin xem lại Từ Ngữ -Bài ba ). Xả : là buông hết thảy mọi phiền não một cách tự ý , vui vẻ, không bị ép buộc . Được vậy là chúng sinh đã được giác ngộ , thành Phật (trong tương lai, như Đức Di Lặc).

Xin chúc bạn đọc một mùa xuân Di Lặc .

Xuân Canh Dần 2010

Nhã Nhạc

– See more at: http://www.saungon.net/tbl/index.php?itemid=114#sthash.pbKN3IjG.dpuf

…………………………………………………………………………………

27/01: 1- Một Chùm Thơ Xuân- 2- Mưa Lành Đêm Xuân(ĐỗPhủ)
Category: Thơ,Văn,Nhạc,Họa Vượt Thời Gian
Posted by: Tbl Đọc: 3534 lần

Nguồn : Website dòng Họ Đỗ Việt Nam 25/02/2007

LGT- Mùa xuân “ngày rộng tháng dài” , chúng tôi thiết nghĩ để dành ra một ít thời giờ để cùng “soi gương kim cổ ” cũng là một điêu thi vị và hữu ích . Mời quí bạn thưởng lãm những bài thơ xuân sau đây của các bậc Tiền Bồi , với hy vọng có thể rút ra được đôi điều cho bản thân mình .- NN)

Hình: Hoa đào – NN sưu tầm

canh dao

MỘT CHÙM THƠ XUÂN

CẢM HỨNG THIỀN VÀ TÂM TRẠNG HỒI CỐ TRONG MỘT CHÙM THƠ XUÂN

Gs. Nguyễn Huệ Chi

Có thể nói, cả một năm qua, trên đất nước ta đã diễn ra tưng bừng biết bao nhiêu lễ hội. Lễ hội nhiều đến mức hầu như cứ mở màn ảnh nhỏ lúc nào ta đều có thể bắt gặp một màn trình diễn ngay lúc ấy. Lễ hội đúng là cần thiết để cả một nước “vui vẻ trẻ trung” và bớt lo lắng trước những chuyện dầu lo cũng không xuể: tham nhũng, lộng quyền, nghiện ngập, trộm cướp, giết người, tai nạn và nhũng nhiễu giao thông… liên tục hoành hành, trong khi thế…

… giới thì đại nạn khủng bố và họa hoạn sóng thần làm rung chuyển trái đất. Nhưng trong truyền thống tư duy phương Đông, không mấy ai chỉ sống với cái vui náo nhiệt bên ngoài. Tư duy phương Đông là tư duy trực quan, rất cần những phút giây tĩnh tại để hướng nhìn vào mình, cho tư tưởng tình cảm của mình “tự thực hiện”. Vì vậy, vào lúc chuyển giao thời tiết trong một năm, cái cũ sắp qua và cái mới đang đến, ta hãy thử dành cho mình một khoảng trống lặng nhằm giúp mình hướng nội, bằng cách cùng nhau lần đọc lại một chùm thơ xuân của ông cha ta ít hay nhiều mang cảm hứng Thiền, hoặc mang cái nhìn hồi cố về thực tại.

Người đầu tiên cần nhắc đến là Mãn Giác (1052-1096), một Thiền sư đời Lý. Ông chỉ để cho đời duy nhất một bài thơ – một bài kệ – làm trước lúc tịch, nhưng đấy lại là bài thơ cảm hứng đan xen với triết luận về mùa xuân. Dưới con mắt Mãn Giác, mùa xuân tượng trưng cho sự “trẻ hóa” – một bước thăng hoa trong chu kỳ đều đặn của vạn vật tuần hoàn. Con người cũng nằm chung trong quy luật ấy. Con người là một sắc tướng hữu hạn, bị chi phối bởi sinh, lão, bệnh, tử, nhưng cũng như muôn vật, nó là một mắt xích nhỏ trong vòng quay tuần hoàn vô tận kia. Vì thế sự sống bao giờ cũng là bất diệt. Ngay khi đang mấp mé bên bến bờ giữa sống và chết, Mãn Giác vẫn hiểu hơn ai hết rằng cái chết của mình không có nghĩa là chấm hết, mà chỉ là điểm mút của một đột phá sinh sôi nấy nở lại sẽ khởi đầu. Cũng như mùa xuân lúc đang tàn, tưởng chừng các loài hoa đều rụng sạch, thế mà sau một đêm, một cành mai trước sân bỗng nhiên nở rộ:

Xuân ruổi trăm hoa rụng,
Xuân đến trăm hoa cười.
Trước mắt việc đi mãi,
Trên đầu già đến rồi.
Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua/ sân trước/ nở cành mai.

(Theo bản dịch Ngô Tất Tố)

Bốn câu đầu là thơ năm chữ, tượng trưng cho sự vận hành chậm rãi, trở đi trở lại của nhịp sinh học trong đời người. Đến câu thứ năm mở ra bảy chữ, liền một mạch không ngắt nhịp, như một lời tuyên chiến với sự tuần hoàn đều đặn ấy, nó đưa con người đến chỗ già lão. Và câu cuối ngắt làm ba nhịp, là một thông báo trang trọng, về cái nhân tố mới – sự hồi sinh của sức sống, sức trẻ ngay trong lòng cái già nua – đã và đang xuất hiện.

Tiếp sau Mãn giác phải nói đến Trần Nhân Tông (1258-1308), ông vua anh hùng trong hai cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lẫm liệt của nước ta ở đời Trần. Ông cũng là một thi sĩ có tầm vóc, có đến mấy bài thơ nói về mùa xuân, trong đó, bài để ấn tượng đậm nhất, theo tôi là bài Cảnh xuân (Xuân cảnh). Một khung cảnh mùa xuân được chấm phá bằng vài nét, không có hoa đào, không có tiếng pháo, không có hội hè tấp nập, chỉ có duy nhất mấy tiếng chim kêu chậm rãi trong bụi liễu đang trổ hoa, có cái hình ảnh động duy nhất của một bóng mây chậm rãi trôi trên bầu trời làm rợp cả thềm nhà, và có sự đối diện giữa hai con người – chủ và khách, cùng để tâm trí vào nơi hư vô – cõi mờ ảo của mây và núi:

Chim nhẩn nha kêu liễu trổ dày,
Thềm hoa chiều rợp bóng mây bay.
Khách vào chẳng hỏi chuyện nhân thế,
Cùng tựa lan can nhìn núi mây.

(Chúng tôi tạm dịch)

Một cảnh sắc xuân thật đơn sơ, thanh đạm nhưng đã để lại trong tâm trí người đọc muôn ngàn vương vấn. Chủ thể sáng tạo ở đây không dùng đến lý tính mà chỉ bằng trực giác đột ngột gợi thức ta, đưa ta vào cái miên viễn của thời gian và cái mênh mông vô tận của đất trời, trong những phút giây mà cả vũ trụ và con người đều như đang chuyển hóa.

Bài thơ thứ ba là bài (Xuân nhật tức cảnh: ngày xuân tức sự) của Huyền Quang (1251-1334), một nhà thơ Thiền chính hiệu, một thi sĩ lớn khác đời Trần. Bài thơ này tuy có mượn lại tứ thơ của nhà thơ Ao Đường Trung Nhân đời Tống nhưng được Huyền Quang thay đổi về câu chữ, và đó cũng là việc làm thông thường trong phép tắc sáng tạo của người xưa, ngay chính Ao Đường Trung Nhân cũng mượn lại tứ thơ của một nhà thơ trước ông. Bài thơ chỉ nói đến một khoảnh khắc của cái hiện tại diễn ra trước mắt Huyền Quang: dưới giàn kinh tía có tiếng chim oanh hót líu lo, một trang giai nhân 16 tuổi vô tư ngồi thêu gấm chậm rãi. Chợt nghĩ đến mùa xuân đang trôi qua ngay trước mắt mà mình không nắm giữ lại được, nàng bỗng bồi hồi thương tiếc và chỉ trong giây lát, đường kim đang thêu dở đã dừng ngay lại. Chính cái giây lát “đốn ngộ” ấy của người đẹp cũng đã làm thức dậy một tình thương vô hạn ở nhà thơ:

Lỏng tay thêu gấm gái yêu kiều,
Hoa rợp, oanh vàng lảnh lót kêu.
Bao nỗi thương xuân, thương biết mấy,
Là khi không nói chợt dừng thêu.

(Chúng tôi tạm dịch)

Trong một câu thơ có cùng hai chữ thương, chữ “thương” trước là thuộc về người thiếu nữ, chữ “thương” sau là của nhà thơ. Nhưng nhà thơ thương cái giây phút thương xuân của người đẹp cũng chính là đang xác nhận một sự liên thông giữa hai con người – hai cá thể người – bằng mẫn cảm của trực giác – trực giác của người này đánh thức trực giác của người kia – đột nhiên cùng bừng ngộ ra dòng trôi chảy vô tận của thời gian mà trong đấy, cái đẹp chỉ là một thoáng hiện hữu.

Ở đầu thế kỷ XV có một đỉnh thơ cao vọi là Nguyễn Trãi (1380-1442). ông cũng là người làm không ít bài thơ xuân. Ông có cái tâm hồn dạt dào của một người đa tình, ở tuổi xế chiều vẫn yêu một nữ sĩ trẻ trung là Nguyễn Thị Lộ. Cho nên trong thơ xuân của ông, có cái cảm hứng lãng mạn của một Lý Bạch muốn “cầm đuốc chơi đêm” – thắp đuốc lên mà chơi cho hết những giây phút cuối cùng trong cái đêm cuối cùng của chín mươi ngày xuân:

Tiếc xuân cầm đuốc mảng chơi đêm,
Những lệ (sợ) xuân qua tuổi tác thêm…
Cầm đuốc chơi đêm này khách nói,
Tiếng chuông chưa gióng ắt còn xuân.

Nhưng bài thơ xuân của ông đọng lâu trong tâm tưởng nhiều thế hệ lại vẫn là bài thơ mang mạch cảm hứng Thiền: bài Bến đò xuân đầu trại (Trại đầu xuân độ). Bài thơ chỉ có 4 câu, phác họa một không gian mơ hồ, ở đấy cỏ xanh lẫn lộn với khói biếc, giữa màn mưa nước sông như vỗ vào nền trời. Và trong cái khung cảnh đều đều, động mà rất tĩnh ấy, có một con thuyền gác đầu ngủ yên trên bãi cát:

Cỏ xuân đầu bến xanh như khói,
Thêm nữa mưa xuân nước vỗ trời.
Đồng nội vắng teo hành khách ít,
Thuyền kề bãi cát trọn ngày ngơi.

(Theo bản dịch của Phan Võ)

Con thuyền ngủ yên chính là tâm thức Nguyễn Trãi, một Nguyễn Trãi không ngủ nhưng đang tìm thấy sự thảng thích trong việc hòa nhập vào cái vô tâm của tạo hóa.

Sau Nguyễn Trãi, một đỉnh cao khác của thi đàn ở thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX là Nguyễn Du (1766-1820). Nguyễn Du cũng như mọi thi hào nổi tiếng khác, vẫn thường cảm xúc về mùa xuân. Một trong những bài thơ xuân đặc sắc của ông là bài Đêm xuân (Xuân dạ). Cảm hứng Thiền ở bài này không nhiều. Nhưng đây là cảm giác nặng trĩu của một con người ốm, bệnh và hết sức cô độc. Cả bài thơ như phủ bóng tối lên cuộc đời người viết. Tuy vậy, ở hai câu cuối, nhà thơ bỗng nghe tiếng con sông bên nhà mình đang chảy. Thế là, trong một bừng tỉnh của trí tuệ sâu thẳm, tiếng sóng sông giúp ông nhìn thấy dòng chảy vô tận của thời gian đang ở sát ngay bên cạnh mình, bất chấp và cuốn trôi cả mọi nỗi bất hạnh của mình:

Đêm đen nào thấy ánh dương trong,
Hàng liễu âm thầm đứng trước song.
Ốm liệt giang hồ bao tháng trải,
Xuân về mưa gió suốt đêm ròng.
Lâu năm đất khách đèn chong lệ,
Ngàn dặm quê hương nguyệt dãi lòng.
Ngoài xóm Nam Đoài Long Thủy chảy,
Trôi hoài kim cổ một dòng không.

(Nguyễn Xuân Tảo dịch)

Cũng trong nửa đầu thế kỷ XIX, một tài thơ không kém cạnh Nguyễn Du là Cao Bá Quát (1808-1855). Cao là một con người suốt đời đi tìm lẽ sống, một người có ý thức về sự tự do tư tưởng của mình. Ông có một bài Đêm xuân đọc sách (Xuân dạ độc thư), tứ thơ thật lạ. Đêm xuân ngồi đọc sách để tìm lại những mùa xuân xưa nhưng mùa xuân xưa không tìm đâu thấy, trái lại lại thấy dường như mình đang đối diện với người xưa, hay đúng hơn, với thời gian, cái hiện tại của chính mình đang trở thành cũ xưa. Sau bao nhiêu thất bại ê chề trên trường đời, Cao Bá Quát hiểu cái hữu hạn của khả năng con người, cái vô nghĩa của đời người thoáng chốc. Ông lóe sáng một trực nhận về sự vận động ngược chiều của hai phạm trù không đồng dạng: thời gian thì luôn luôn đi tới nhưng cuộc sống con người – kiếp người – hóa ra lại đi giật lùi trở lại mà trong sự giật lùi đó, mọi thứ lợi lộc công danh phút chốc đều trở thành hão. Bài thơ cho ta cái dư vị triết lý bàng bạc của một kẻ từ Nho đang đi tới Lão, tới Thiền:

Khách nay chẳng thấy xuân xưa nữa,
Thổn thức xuân nay gặp khách xưa.
Nay hóa thành xưa nào mấy chốc,
Hư nhìn ra thực khỏi lầm chưa?
Bao phường danh lợi cơn mưa sáng,
Mấy bậc anh hùng đám bụi mờ.
Tục lụy cười mình chưa dứt được,
Gần đây sách vở quá say sưa.

(Nguyễn Văn Tú dịch)

Nhà thơ cuối cùng mà tôi muốn đề cập trong mạch thơ xuân này là Nguyễn Khuyến (1835-1909), một tài thơ kiệt xuất ở nửa cuối thế kỷ XIX. Ông cũng có nhiều bài thơ xuân. Bài thơ được nhớ rất nhiều là bài Chợ Đồng thật ra không phải là một bài thơ Thiền mà chủ yếu thuộc mạch thơ hồi cố. Phiên chợ Đồng vẫn còn hiện diện đấy nhưng tác giả đã không thể chống gậy đi xem chợ được nữa, cho nên khung cảnh phiên chợ cuối năm được tác giả vẽ ra là một khung cảnh gợi bằng trí nhớ. Cái không khí ảm đạm của một phiên chợ vào ngày giáp tết có lẽ bao nhiêu năm trời vẫn thế, nhưng trong cảm quan nghệ thuật Nguyễn Khuyến một cái gì đã thay đổi, thời của những phiên chợ Đồng xưa đã mất. Nhà thơ viết nên những dòng thơ tâm trạng, với những câu hỏi buông lửng, những hình ảnh đẹp não nùng, những cặp từ láy gợi nên âm thanh buồn bã về sự rã đám của một phiên chợ chiều, nhất là với cái kết thúc đột ngột bằng một tiếng pháo trúc như khép lại một thời dĩ vãng, cũng là tiếng thở dài của Nguyễn Khuyến về những tập tục quen thuộc của làng quê một đi không trở lại:

Tháng Chạp hai mươi bốn chợ Đồng,
Năm nay chợ họp có đông không?
Trở trời mưa bụi còn hơi rét,
Nếm rượu tường đền được mấy ông?
Hàng quán người về nghe xáo xác,
Nợ nần năm hết hỏi lung tung.
Năm ba ngày nữa tin xuân đến,
Pháo trúc nhà ai một tiếng đùng.

Mùa xuân đem lại cái mới, đem lại sự hồi sinh cho muôn vật. Nhưng mùa xuân đối với lứa tuổi từng trải còn là sự tự vấn, tự chiêm nghiệm, về những gì đắc thất trong kinh lịch cuộc đời. Các nhà thơ lớn trong nhiều thời đại, bằng những áng thơ xuân bất hủ, đã nói hộ chúng ta rất nhiều. Có thể nói họ đã để lại cho chúng ta những viên ngọc sáng mà nhiều đời sau soi vào, còn đủ sức giúp mỗi người thanh lọc để tỉnh táo hơn, bớt mù quáng, đam mê trong con người bản năng hay quyền lực, khiến cho tâm hồn trở nên trong trẻo.

2- Thơ Đỗ Phủ

Xuân dạ hỉ vũ

Hảo vũ tri thì tiết
Đương xuân mãi phát sinh
Tuỳ phong tiềm nhập dạ
Nhuận vật tế vô thanh
Dã kính vân câu hắc
Giang thuyền hoả độc minh
Hiểu khan hồng thấp xứ
Hoa trọng Cẩm quan thành

Đỗ Phủ

Mưa lành đêm xuân

Mưa lành báo hiệu mùa sang
Đây mùa xuân tới rộn ràng trời xuân
Mưa theo làn gió âm thầm
Trong đêm thánh thót tưới nhuần cỏ cây
Đường thôn mây xám đầy trời
Trên sông ánh lửa thuyền ai lập loè
Sáng ra rực rỡ đồng quê
Với ngàn hoa thắm đã về cùng xuân

Quỳnh Chi phóng dịch
– See more at: http://www.saungon.net/tbl/index.php?itemid=645#sthash.Z6v2YYTn.dpuf

…………………………………………………………………………

Xuân Như Ý
Nguồn:Vietbao.com – 01/02/2015

Tác giả: Orchid Thanh Lê
Bài số 4450-15-29850vb8020215

Đây là bài trích từ báo xuân Việt Báo Tết Ất Mùi 1015, hiện đã phát hành khắp nơi. Tác giả định cư tại Hoa Kỳ tháng 9 năm 1997, hiện là Phó Giáo Sư Tiến Sĩ tại Viện Nghiên Cứu Ngôn Ngữ, Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ tại Monterey, California. Với bài “Đi Tìm Tên Một Người Vô Danh”, cô đã nhân giải vinh danh tác giả Viết về nước Mỹ 2014. Đồng thời với bài “Thầy Việt Trò Mỹ”, cô nhận thêm giải viế văn Trùng Quang 2014.

* * *

Nhu Y
Hình ảnh họp mặt phát giải ra mắt sách Viết Về Nước Mỹ 2014, từ trái: Nguyễn Xuân Nghĩa, Trần Dạ Từ, Du Tử Lê, Orchid Thanh Lê, Nhã Ca, và Trần Du Sinh, người đang nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm, do Kiều Chinh trao tặng.

=

Tôi nghe tiếng Việt loáng thoáng của ai đó “Bà đừng chộ tui chớ! Sẽ có người đón mà.” Tiếng ai khác đáp lại “Vậy thì mình cứ theo họ vào trong đã.”

Bước vội lại phía có tiếng nói, tôi len lỏi giữa đám đông xôn xao từ chiếc xe buýt lớn vừa đổ xuống và nhận ra cặp vợ chồng cụ già người Việt không mấy khó khăn. Ông đội mũ phớt, mặc áo sơ mi dài tay xám nhạt, bên ngoài là gi-lê nỉ đen, chiếc quần tây hơi thụng màu sậm, tay ông vịn vào chiếc can. Bà một tay xách chiếc túi da nhỏ, bàn tay kia đặt trên chiếc gậy trúc. Bà ăn bận ấm hơn, ngoài khăn nhung đen bông trùm đầu còn dễ chừng có đến hai lớp áo hộ thân rồi mới đến áo len khoác ngoài màu gụ.

– Dạ, có phải hai bác Vinh không ạ?

Bà mừng ra mặt:

– Ông nhà tôi tên Vĩnh, cô ạ. Ông cứ lo không có người giúp tiếng Việt. Cháu nội tôi học ở đây bốn năm trước. Bây giờ cháu đang ở chiến trường Iraq.

Tôi thầm nghĩ ắt hẳn cháu nội của ông bà đã học tiếng Ả Rập từ trường tôi. Nhưng trước hết phải đưa hai ông bà vào hội trường đã. Ông dường như đi đứng khó khăn hơn dù có chiếc can trợ lực. Tôi đi chậm lại đợi. Ông cười móm mém khập khễnh bước, giọng phân bua:

– Tui đau khớp, trời lạnh chân tay có phần ngúc ngắc.

– Để con đi lấy xe lăn cho bác.

Ông ngần ngại sợ phiền. Tôi cho ông biết đường đi bộ vào hội trường dễ đến năm trăm mét vì vậy nếu để tôi đẩy xe cho ông ngồi thì tiện hơn, còn vào bên trong thì ông có thể bỏ xe lăn để đi đứng thoải mái. Ông gật đầu cám ơn. Tôi lấy chiếc xe đẩy ông vào hội trường, bà chống gậy trúc bước đi bên cạnh thong thả. Tiếng trống thùng thình phối hợp với những vũ điệu uốn khúc, trườn đảo nhịp nhàng của đội múa rồng đang biểu diễn đón chào các khách đến. Cả tuần trước đó, tôi đã thấy có đến vài mươi em sinh viên học tiếng Trung Hoa đã cất công luyện tập để có được những động tác đồng bộ thể hiện thần oai của linh vật này.

Đây là lần đầu tiên trường tôi tổ chức Ngày Tri Ân Gia Đình Quân Nhân mà con, em của khách mời đã từng là sinh viên của trường và hiện nay đang làm nhiệm vụ tại nhiều chiến tuyến khác nhau. Người nhà của các quân nhân nếu cư ngụ trong phạm vi 300 dặm đều có xe buýt đưa đón đến nơi tham dự. Có một số thân nhân không thể giao tiếp bằng tiếng Anh nên trường kêu gọi các ban ngành góp sức. Nhìn vào danh sách thấy họ có nhu cầu trợ giúp tiếng Việt, tôi ghi tên thiện nguyện.

Một tuần trước ngày này, ban tổ chức cho họp các thiện nguyện viên nhằm trình bày kế hoạch tổ chức và phân công để kết quả được mỹ mãn. Ngày Tri Ân Gia Đình Quân Nhân được chọn đúng vào mùa lễ hội: Tết Việt, Tết Trung Hoa, Tết Đại Hàn, Lễ Tình Nhân nên họ khuyến khích thiện nguyện viên góp sức tạo một ngày vui kết hợp sắc thái đa văn hóa.

Ngày hôm trước tôi đã chọn một bàn bên góc hội trường cho hai vị khách lớn tuổi mà tôi trợ giúp. Từ góc bàn này ông bà sẽ quan sát rõ những tiết mục trên sân khấu và thuận tiện cho ông bà đi ra ngoài xem biểu diễn ngoài trời hoặc đi nhà vệ sinh. Tôi trang hoàng chiếc bàn với chút không khí Tết. Chiếc độc bình nhỏ với cành đào tươi màu hồng điều cùng vài tấm thiệp xuân treo trên cành. Hộp mứt Tết và đòn bánh tét tự gói để góp vui đón Năm Mới. Tôi chọn đủ năm loại trái cây tươi mà tôi có thể kiếm được để bày đĩa ngũ quả ngày Tết gồm bưởi, hồng, quýt, thơm và Phật thủ.

Thời gian eo hẹp, ở xa cộng đồng Việt nên tôi không thể đến chợ mà đem cả cái Tết về. Thôi thì vài thứ gọi là để Tết có thể len lỏi giữa trời mùa đông nước Mỹ.

Khi đưa được ông bà đến bàn, tôi xếp gọn chiếc xe lăn rồi đem nước trà nóng đến. Ông bà đang tẩn mẩn ngắm các thứ bày Tết trên bàn. Ông nói “Thằng cháu nội vắng nhà nên chẳng có ai lái xe đưa tụi tui đến chợ Việt sắm Tết, cô à!”

Bà tiếp lời “Nó nhắc nhở, thúc giục ông bà nội ghi tên tham dự ngày hôm nay để biết đâu họ kết hợp mừng Tết luôn thể mà ngờ đâu đúng thật.”

Thấy ông bà ra chiều thích thú, lòng tôi vui lây.

Mở đầu cho Ngày Tri Ân Gia Đình Quân Nhân là nghi thức đơn giản: lời chào mừng người thân của các quân nhân đã đến tham dự và cám ơn sự hy sinh đóng góp của con, em họ hiện đang phục vụ khắp miền đất nước xả thân để bảo vệ tự do. Quân đội chu đáo, người chiến sĩ từ nơi xa xôi được nhớ đến đã đành, người thân của họ cũng không bị quên.

Tôi nhắc sơ qua cho ông bà những tiết mục trong chương trình, tùy ông bà thấy hợp phần nào thì tham gia, không bắt buộc. Có một tiết mục tặng giải thưởng vào cuối chương trình thì tôi phải giải thích trước để ông bà chuẩn bị.

Tiết mục này yêu cầu người tham gia ghi lại cảm tưởng hoặc một điều đáng nhớ nhất đối với họ về Ngày Tri Ân này để ban tổ chức bình chọn điều nào ý nghĩa nhất sẽ được tặng giải. Cả ông lẫn bà đều chần chừ. Tôi hiểu rằng mới đầu ngày thì người tham gia chưa dễ có được một ấn tượng hay cảm xúc sâu lắng nên góp ý:

– Hai bác cứ tham gia các hoạt động giải trí khác, đến sau bữa trưa thì nộp giấy vẫn kịp.

Ông và bà gật đầu. Tôi ra quầy chọn vài món ăn Á Châu quen thuộc đem đến, chúc ông bà ngon miệng và hẹn quay trở lại sau khi ông bà dùng xong bữa sáng. Cả ông và bà tha thiết muốn tôi cùng ăn sáng chung. “Chúng tôi thèm nói tiếng Việt.” Thay vì có những giây phút riêng tư để dùng bữa với nhau thì ông bà lại chọn sự giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ. Tôi hiểu rằng mình không cần nói nhiều, cốt chỉ lắng nghe cũng làm ông bà vui.

Những câu chuyện rất đỗi đời thường được ông và bà thay phiên chia sẻ. Qua đó, tôi biết ông bà chỉ có một con trai duy nhất, anh lập gia đình và có một con trai là cháu nội hiện tại của ông bà. Không may anh con trai bị tai nạn xe chết trẻ, ông bà thương con dâu góa bụa quá sớm, giục cô đi lấy chồng khác và xin giữ cháu nội để nuôi. Ông bà dẫu thương cháu nội cách mấy đi nữa cũng đành tôn trọng lý tưởng riêng của cháu, để cháu tham gia phục vụ đất nước làm phận sự người trai. Ông bà lớn tuổi có chính phủ lo, thằng cháu săn sóc ông bà theo khả năng của nó.

Ăn sáng xong, tôi đưa ông bà đi đến từng quầy trò chơi vui nhộn. Nhằm mục đích mang lại niềm vui cho khách tham dự, tiết mục nào cũng có tặng thưởng để khuyến khích mọi người tham gia. Chẳng mấy chốc, chiếc túi in hàng chữ “Ngày Tri Ân Gia Đình Quân Nhân” mà ban tổ chức phát từ đầu ngày cho ông và bà đều rủng rỉnh quà tặng. Tham gia một hoặc hai tiết mục thì ông phải nghỉ chân một lát hoặc ngồi vào xe đẩy nhưng cả ông bà đều hứng khởi muốn tiếp tục tham gia thêm trò chơi. Có trò chơi đoán hình, ông nhắc tuồng bà nhưng không trúng. Ông cười chọc quê “Mắc chi bà nghe tui nói bù trất. Thôi để tui thền bà mấy món quà tui trúng nè.” Bà háy ông một cái thật dễ thương.

Sang tiết mục khiêu vũ, người già người trẻ rộn ràng kéo tay nhau bước ra hoà theo điệu nhạc. Ông và bà nhìn nhau lắc đầu. Bà quay sang bảo tôi:

– Chúng tôi không biết khiêu vũ gì sất, cô ạ!

– Dạ không sao, con đưa hai bác ra ngoài đi dạo một chút.

Căn cứ Ord thuộc Lục Quân Mỹ nơi Ngày Tri Ân Gia Đình Quân Nhân diễn ra hiện nay đã chuyển thành trung tâm sinh hoạt dành để tổ chức các buổi họp mặt, lễ hội. Các công sự, ụ đắp ngày trước dùng làm nơi huấn luyện binh sĩ vẫn còn đó. Tiếng ông bỗng như lạc đi:

– Xem nè bà, cái hào này làm tui nhớ lại ngày đầu tiên tui gặp bà.

Có những điều tưởng chừng như rất đỗi bình thường trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người nhưng tưởng đã lưu lại trong tiềm thức rồi đến một lúc nào bỗng trỗi dậy trong tâm trí. Bà nhìn sững theo tay chỉ của ông, giọng bà bồi hồi:

– Phải đấy!

Ông quay nhìn bà hết sức trìu mến, giọng nhẹ hẳn:

– Nhị ơi, đã bao nhiêu năm rồi còn gì!

Bà có phần nào ngỡ ngàng khi nghe ông gọi, nhưng ánh mắt rạng rỡ hẳn. Bà quay sang thì thầm với tôi:

– Lâu lắm nhà tôi mới gọi tôi bằng cái tên thời con gái của tôi đấy. Ngay từ lúc mới quen, ông đã gọi tôi là “Nhị” theo giọng người miền nam dù tên khai sinh của tôi là “Nhụy” đấy chứ!

Tủm tỉm cười, bà kể với giọng đều đều:

– Chúng tôi quen nhau không bao lâu, ông ấy đã kiếm dịp ghé đến gia đình tôi. Nghe tôi thưa gọi “cậu mợ”, ông cũng bắt chước “Con chào cậu mợ.” Đợi ông Vĩnh về, ông cụ tôi mới nói với bà cụ “Anh này tự nhiên ra phết, bà ạ. Ta đã nhận anh ta làm rể đâu cơ chứ!” Sau đó tôi kể lại điều ông cụ tôi nói cho ông Vĩnh. Chẳng biết ông có giả ngộ hay không mà nói với tôi: “Bộ không phải em mồ côi ba má hay khó nuôi nên mới phải ở với cậu mợ đó sao?”

Nhưng hình như ông không nghe điều bà kể với tôi. Ông bận mơ màng với kỷ niệm lần đầu gặp bà.

– Cô không tưởng tượng được đâu, tụi tui gặp nhau trong cảnh đạn lạc bom rơi.

Bà chùng giọng:

– Ngày đó, tôi là cô giáo tiểu học trong căn cứ Đồng Tâm, còn ông Vĩnh làm ở Quân Y Viện đóng trong căn cứ. Chưa bao giờ tôi quên được cảm giác của cái ngày trường bị pháo kích, phụ huynh và thầy trò hoảng loạn, sợ hãi cực điểm. Bao nhiêu năm qua rồi tôi vẫn nhớ hình ảnh những bức tường lớp học đầy máu. Các đồng nghiệp và tôi cứ vớ được trò nào đẩy nhanh chúng xuống đường hào bao quanh trường. Mặc kệ bùn sình, mặc kệ rắn rít, học trò lớn cứ tự nhảy xuống, tụi bé hơn sợ hãi khóc thét. Lóp ngóp giữa tiếng đạn pháo gầm rú và bị chen chúc đạp nhau dưới mương, bọn trẻ con cả trăm đứa chỉ biết khóc lóc kêu cha mẹ.

Ông tiếp lời bà:

– Có một đứa học trò của bà xã tui lúc đó chạy khắp nơi trong khu vực nguy hiểm để tìm đứa em gái và sau đó bị miểng đạn lướt qua cắt vào đùi nên bả mới chặn lại được. Đâu phải khi khổng khi không mà quen bả đâu. Tui là y tá quân y nên xuống hào phụ bả lúc đó quýnh quáng với tụi nhỏ rồi đưa mấy đứa vô quân y viện sau khi tiếng đại bác vừa ngớt. Tụi tui biết nhau từ đó.

Tôi đẩy xe ông đến sát gần nơi gợi hồi ức lần đầu ông bà gặp nhau. Bà bước theo. Tôi bước ra xa nhìn ngắm cảnh trí để ông bà có những giây phút riêng tư, lắng đọng.

Khi trở vào trong hội trường ăn trưa, ông thích chọn món ăn cho cả bàn và nhờ tôi đi lấy. Ông dặn vói “Cô lấy kha khá món mực nướng xả ớt nghen cô, ăn với Kim Chi Đại Hàn là ve kêu luôn đó!”

Ông bà dùng bữa trưa thật ngon miệng trong lúc kể chuyện tôi nghe về bất cứ điều gì ông bà có thể nhớ. Khi món tráng miệng được dùng gần xong, tôi đặt trước mặt ông bà mỗi người một mảnh giấy và một cây bút họ phát sẵn để viết xuống điều mình thích nhất trong ngày. Ông hí hửng, một tay cầm bút một tay che khum mảnh giấy như thể sợ bà nhìn thấy điều ông viết. Bà có nét đáng yêu của bà, tặng một cái lườm trước cử chỉ trẻ con của ông rồi xoay hẳn lưng về phía ông để viết phần mình. Bà viết xong trước, yêu cầu tôi đi gửi ngay cốt ý không cho ông xem. Tôi cười, thưa với cả hai:

– Con phải dịch điều hai bác viết thì họ mới hiểu.

Viết xong phần dịch cho bà, tôi gấp mảnh giấy theo đường răng cưa định sẵn rồi xé phân chia phần cuống giấy có in số đưa cho bà giữ làm biên lai, phần mảnh lớn đem bỏ vào thùng rồi quay lại cũng kịp lúc ông vừa viết xong. Tôi đọc qua để viết phần dịch. Tim tôi đập mạnh. Có một ký ức đã in sâu trong tiềm thức của ông bà bởi vì đó là điều không thể quên, sự đồng cảm giữa hai trái tim dù chỉ là thoáng qua nhưng lại khiến ông nhớ bà thương để rồi cả hai chung nỗi hoài niệm.

Tiếng chuông rung leng keng kêu gọi sự tập trung của mọi người khi một tiết mục mới xuất hiện. Tôi quỳ ngồi giữa hai ông bà để tiện thông dịch cho hai người kịp hiểu.

Người phụ trách tiết mục này cho biết giải thưởng là một phiếu mua sắm trị giá 100 Mỹ Kim cùng một phiếu ăn tối trị giá tương đương. Họ lựa ra mười ý tưởng có yếu tố gây cười của người tham gia để chọc vui khán giả trước khi tuyên bố giải thưởng chính và đọc phần ý tưởng được chọn.

Đa số các ý tưởng được đọc lên làm ông bà cười vui. Chỉ một, hai ý tưởng là ông cho rằng người nước ngoài có cảm nhận hài hước khác người Việt. Đến phần đọc kết quả, người phụ trách cho biết lần này sẽ có hai người cùng chia giải thưởng này. Họ gọi số 14. Tôi thiếu điều muốn nhảy lên, vui mừng quay lại ông:

– Bác xem phần giấy của bác là số 14 không?

Ông lúng túng, loay hoay quay sang hỏi bà. Bà dỗi. Phần ông, ông cất mà. Tìm lại xem. Đây rồi!

Ông không tỉ mỉ như bà. Ông chỉ đặt phần cuống giấy trên bàn, dằn dưới dĩa trái cây ông ăn chưa xong. Đúng số 14.

Tôi đưa cao tay hân hoan cho người phụ trách biết đã có người trúng giải. Ông được mời lên sân khấu. Tôi loay hoay đỡ ông ngồi vào xe đẩy. Họ xướng tiếp số 67 được chia giải thưởng. Thâm tâm tôi dự đoán phần nào có thể là niềm vui nhân đôi của ông bà nhưng không lên tiếng để theo dõi cảm xúc của bà. Đến phiên bà quýnh quáng. Bà đứng lên ngay, bà đưa cao 6 ngón tay rồi 7 ngón tay. Bà vẫn chưa chắc ăn, giọng hơi run nhưng đủ rõ bằng tiếng Anh:

– Seven.

– Vâng, còn chần chờ gì nữa. Mời bà lên đây cho.

Một nhân viên giúp đẩy xe cho ông để tôi rảnh tay dìu bà lên sâu khấu. Người phụ trách chương trình cho biết hai ý tưởng ngẫu nhiên lại đến từ hai người bạn đời của nhau nên ban tổ chức đã quyết định tặng giải thưởng cho cả hai. Phần ông viết được chia sẻ đến khán giả “Cảnh trí nơi này gợi nhớ ngày đầu tiên tôi gặp Nhị, vợ tôi.” Bà đứng chết trân, xúc động. Tiếp nối là phần của bà “Ở đây có đường hào làm tôi nhớ đến nơi vợ chồng tôi gặp nhau lần đầu.” Nghe dịch lại, ông run run nắm tay bà, khe khẽ gọi “Nhị ơi! Nhị ơi!”

Điều chân thật thường đơn giản. Người tham gia vỗ tay chúc mừng. Ông bối rối. Bà thấy chân tay thừa thãi. Ông và bà mỗi người nhận một phiếu quà giải thưởng. Ông không biết nói gì. Bà đưa tay đỡ micro, chút ngại ngùng trước đám đông “Thank you very much!”

Hân hoan về lại chỗ ngồi cũ, ông bà trông rạng rỡ quá. Tôi tin rằng niềm vui lớn là cả ông và bà đều tìm thấy hai trái tim họ có chung nhịp đập, chung cảm xúc và đó chính là điều ý nghĩa nhất của họ trong ngày này. Tôi đứng lùi vào góc khuất ngắm ông bà tận hưởng men vui ngây ngất còn thấm đẫm trong tim. Ông chụm đầu nhỏ to với bà, bà gật gù ra chiều đồng ý. Bà lần tay vào trong túi xách lấy ra cái bao ny lông nhỏ để bỏ hai phiếu tặng quà vào trong, vuốt nếp bao phẳng phiu lần nữa trước khi cất vào túi áo ấm và gài cẩn thận.

Bà vẫy tôi đến gần, thì thào:

– Ông nhà tôi và tôi dành hai phiếu quà cho thằng cháu nội để nó dẫn bạn gái đi ăn và mua sắm, cô ạ.

– Dạ, vậy thì hay quá rồi, thưa bác!

– Ấy! Thằng cháu vẫn chưa có bạn gái. Cô xem ai người Việt thấy được thì giới thiệu cho cháu nhé.

Chà! Ông bà thương cháu nội đến thế là cùng. Ông bà dồn hết niềm vui ngày này để dành san sẻ cho đứa cháu yêu và bạn gái tương lai của cháu. Tôi quan sát ánh mắt ông bà ngời ngời đến tận lúc tạm biệt. Tôi không quên gửi chúc Tết nơi này về theo ông bà cùng với bánh, mứt, trái cây và cành đào. Ông bà xiết tay tôi nồng ấm. Cả ông bà và tôi đã có một ngày mừng xuân trọn vẹn.

Tôi trở lại công việc thường ngày, trong đó có phần phụ trách một lớp học tiếng Việt qua vi tính vào mỗi chiều thứ năm trong tuần. Các trò của tôi trong suốt hai giờ học nếu có câu hỏi nào thì có thể ghé đến lớp. Lớp học kéo dài từ tháng này sang tháng khác, lúc đông lúc thưa tùy thuộc vào yêu cầu công việc của trò. Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ kính, trời đang trong, gió se lạnh, buổi chiều vẫn còn nắng. Lúc này ở nơi khác có trò còn đang thức khuya, có trò vẫn còn ngái ngủ vào rạng sáng.

Đầu giờ lớp học yên ắng, tôi nghe tiếng “bing boong” báo hiệu có trò xin phép vào lớp. Tôi nhấp chuột mời vào. Nhìn vào địa chỉ, tôi hiểu rằng nơi trò đang đóng quân không cho phép dùng microphone hay webcam. Không sao, chúng tôi giao tiếp bằng thư vậy.

Chăm chú đọc dòng chữ đánh máy theo kiểu telex, một kiểu gõ theo hình thức bỏ dấu của tín hiệu điện tín tiếng Việt, gửi từ người mới đến, tôi khá ngạc nhiên vì từ hơn mười năm nay khi các lớp học tiếng Việt đóng cửa, tôi đã không còn luyện các em đánh máy theo kiểu chữ này nữa. Hiện tại tôi khuyến khích các em dùng tiếng Việt có dấu khi giao tiếp qua vi tính.

– Bill Trinhj ddaay. Coo nhows ra em khoong? (Bill Trịnh đây. Cô nhớ ra em không?)

Đương nhiên là sinh viên Mỹ gốc Việt rồi. Có vài sinh viên tên “Bill” nhưng hình như không có tên nào đi với họ “Trịnh”. Bộ nhớ của tôi tăng tốc hoạt động nhưng vẫn chưa có câu trả lời cụ thể. Tôi mím môi gõ một loạt dấu hỏi, hàm ý “Trò nào vậy cà? Nhớ chưa ra. Cô chịu thua.”

– ?

Vẫn dùng kiểu chữ telex, Bill viết tiếp:

– Cuối tuần trước cô với ông bà nội em mừng Tết với nhau đó.

Ôi trời, thằng cháu nội Bill của ông bà cụ trong buổi sinh hoạt Tri Ân Gia Đình Quân Nhân! Cháu Bill mà ông bà rất tự hào rằng dạy được cháu biết đọc và viết tiếng Việt. Tôi nhớ lại lúc bịn rịn chia tay, bà cụ hứa: “Tôi sẽ nói thằng cháu liên lạc với cô giáo.” Tôi vâng dạ cho qua chuyện mà ngờ đâu bà cụ giữ lời, nhắc Bill tìm ra được lớp học của tôi để ghé chào.

– Ừm! Ông bà đã kể cô nghe nhiều về cháu nội Bill.

– Cám ơn cô đã giúp ông bà em hưởng một ngày thật ý nghĩa. Đây là năm đầu tiên ông bà nội ăn Tết mà không có em.

Thảo nào mà thằng cháu lo Tết không đến với ông bà. Tôi mường tượng đến cảnh Bill gọi điện thoại về thăm, ông và bà tranh nhau kể cho cháu nghe về niềm vui vẫn còn đọng lại từ hôm đó. Tết hẳn còn nằm dễ thương trong tim. Trời hẳn đương xuân trên nét mặt ông bà.

– Bây giờ em phải đi. Bữa khác em sẽ ghé lại lớp cô. Chúc cô vui Tết.

– Cám ơn Bill. Lần sau cô bày em đánh máy tiếng Việt có dấu, nhé!

– Dạ, cô!

Một hình mặt cười gửi đến tôi liền sau đó thay lời chào tạm biệt của Bill.

Xuân này ai cũng vui.

Orchid Thanh Lê

…………………………………………………………….

Đi chợ hoa Tết ở Phước Lộc Thọ
Nguồn:nguoiviet.com – Sunday, February 01, 2015

Ngọc Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Ngày còn ở Sài Gòn, khái niệm chợ hoa chợ Tết dường như được phân định khá rõ ràng. Nghe rủ “đi chợ hoa” là mình hình dung ra đến đó chỉ có hoa là hoa, bao nhiêu hoa đẹp nhất, tươi nhất người ta đều để dành mang đến chợ hoa mà thi thố, mà trưng bày, mà mua bán. Lúc nghe kêu “đi chợ Tết” thì trong đầu ắt hiện lên hình ảnh của vô vàn các loại mứt được gói bằng những lớp giấy kính trong đủ màu sặc sỡ, của hàng chồng bánh trái, từ bánh chưng bánh tét, đến bánh tổ, bánh dày, bánh in, bánh gói, rồi nhiều loại trái cây – dưa hấu, mãng cầu, xoài cát, dừa tươi, đu đủ, rồi rau củ, thịt thà, giò lụa và những gian hàng đồ mã…

cho hoa PLT 1

Ngắm hoa chợ hoa Tết Phước Lộc Thọ là một thú vui của nhiều người dân nơi đây. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Sang đến Mỹ, trong khi Tết chỉ còn trong tâm tưởng của nhiều người ở các tiểu bang hiếm hoi người Việt, thì ngay tại Little Saigon, không khí Tết cũng tưng bừng, nhộn nhịp chẳng kém quê nhà, chỉ khác là nghe rủ đi “chợ hoa Phước Lộc Thọ” hay “chợ Tết Phước Lộc Thọ” thì nó cùng một nghĩa như nhau.

Kể từ khi ra đời, chợ hoa Tết Phước Lộc Thọ gần như trở thành nơi không thể không dừng chân của người Việt xa xứ ở miền Nam California khi cái lành lạnh của mùa Tết tràn về.

Đến Phước Lộc Thọ dịp này, loại hoa người ta bắt gặp nhiều nhất không phải là đào hồng, đào phai, đào Nhật hay mai Mỹ, mai vàng biểu tượng cho ngày Tết, mà hoa lan bao trùm tất cả.

Thật khó có thể kể được có bao nhiêu loại lan được trưng bày và mua bán nơi đây, bởi ngay cả chủ nhân từng gian hàng cũng không thể nói hết được các loại lan mình có. Họ chỉ có thể vắn tắt, rằng thì là “Gian hàng tôi có lan rừng, lan hồ điệp, lan Úc, lan Nhật, lan hài, lan vũ nữ, cát lan, phong lan, địa lan…” Mỗi loại lan như vậy lại có thêm vô số màu trắng, tím, vàng, xanh, hồng, đỏ,… Mà khổ nỗi có lan nào chỉ có một màu đâu. Lan bao giờ cũng có sự pha trộn của nhiều màu, theo nhiều kiểu cách ngẫu hứng mà thiên nhiên “nghĩ” ra, để làm sao cho nó lúc nào cũng xứng đáng với danh xưng “Nữ hoàng” của muôn hoa.

cho hoa PLT 2

Bánh chưng bánh tét, dưa món, củ kiện… không thể thiếu trong chợ hoa Tết Phước Lộc Thọ. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Ngoài lan, dĩ nhiên chợ hoa còn có thêm mai, nhiều nhất không phải mai Việt 5 cánh mà là mai Mỹ. Có những cành đào nụ trắng nụ hồng. Có thủy tiên trắng nhụy vàng nhụy tím. Có cúc đại đóa vàng tươi. Có tắc ngọt trĩu quả. Có xương rồng. Có bonsai.

Đi chợ hoa Tết còn có những gian hàng bánh mứt. Này là mứt bí, mứt dừa, mứt xoài, mứt me, mứt tắc. Này là mứt hạt sen, mứt gừng dẻo, mứt mãng cầu, mứt củ năng, mứt chùm ruột. Rồi thèo lèo, “cứt chuột”.

Đi chợ hoa Tết cũng có thể mua luôn bánh chưng bánh tét, dưa món, củ kiệu, dưa hành.

Đi chợ hoa Tết có luôn cả mít tươi, dưa hấu, nhãn Thái, mãng cầu, thanh long, sa bô chê, chuối sứ, xoài ngâm

Đi chợ hoa Tết mua được luôn cả phong bao lì xì, chuỗi hạt may mắn, phong liễn treo nhà. Cả những “ống heo” đủ hình đủ màu. Và pháo – món “ăn chơi” chỉ còn là ký ức với người trong nước.

cho hoa PLT 3

Bao lì xì, dây treo đỏ… là những món không thể thiếu ngày Tết. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Nhưng hơn hết, người từ nhiều nơi tìm đến chợ hoa Tết Phước Lộc Thọ chỉ cốt để tìm, để nghe cho bằng được cái chất quê hương.

“Bánh tét này bao nhiêu một cái” – “Dạ $15.”

“Còn bánh chưng này?” – “Dạ $18.”

Chàng thanh niên đứng nơi hàng bánh tét trông thấy một người quen nào đó bước ngang, í ới gọi theo, “Cô ơi! Năm nay không mua ủng hộ con gì hết hả cô?” Giọng tỉnh rụi của anh chàng làm bần thần người xa xứ, cứ ngỡ như đang ở chợ Tết quê hương ngày nào.

Bước chân ngang qua một gian hàng đồ ăn khác, lại nghe tiếng chào mời lanh lảnh, “Cô chú cứ mang về ăn thử thì sẽ biết ngon dở thế nào, chứ bây giờ con bán thì dĩ nhiên con nói ngon rồi. Nhưng khẩu vị cô chú khác lại nói con nói dóc. Nhưng con đảm bảo là 10 người ăn thì hết 9 người khen rồi đó!” Tiếng người bán tha thiết vậy, ai nỡ bước chân đi.

Cho hoa PLT 4

Trái cây nhiệt đới lại càng thu hút bao khách thập phương khi đến du Xuân tại chợ hoa Tết Phước Lộc Thọ. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Đâu đó từ một hàng hoa vang lên tiếng mặc cả “Mỗi cây đó $15 anh à.” – “Sao để giá ở đây 2 cây $25 đồng?” – “Thì anh lấy 2 cây đi em tính $25” – “Tính hai cây $20 đi” – “Không được anh ơi, bán mỗi cây lời có $1-$2 , nói thiệt bán anh thông cảm, tiền thuê ở đây cũng mắc lắm anh ơi!”

Mà thật lạ, nhiều người nghe tiếng trả giá, là đứng lại nhìn. Rồi mỉm cười, bước đi. Chất quê hương là đó. Không tìm thấy được ở bất kỳ ngôi chợ Mỹ nào.

Rồi tiếng “chập cheng, chập cheng”, “tùng cắc tùng tùng” của đoàn múa lân khiến đám đông khác bủa vây đứng nhìn, quay phim chụp ảnh.

cho hoa PLT 5

Bánh mứt không thể thiếu trong ngày Tết, trong chợ hoa Tết Phước Lộc Thọ (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Xen trong tiếng Hồ Quảng từ một gian hàng nào đó mở lên là giọng ca của những khách du Xuân thích làm “ca sĩ bất đắc dĩ”. Trong lúc trên sân khấu giọng ai đó cứ thảm thiết gào lên “Đến với em, một lần đến với em/Cho đêm nay thôi không còn cô đơn/Đến với em, xin đến với em/Cho những nhớ thương tan theo khói mây…” thì nơi quầy hàng lưu niệm, những viên pháo ném được khách mua cứ liên hồi thảy xuống đất “đì đùng” cho át bớt cái ỉ ôi “Nhớ đến anh từng ngày nhớ đến anh/ Nơi đây em xin còn mãi mong chờ.”

Đi chợ hoa Tết Phước Lộc Thọ, đôi khi ra về chẳng một chậu hoa, chẳng một hộp mứt trên tay, mà nghe ra nằng nặng một nỗi hoài hương, là vậy.

Liên lạc tác giả: Ngoclan@Nguoi-viet.com

……………………………………………………………………

Tấm lòng của một Thẩm phán Indonesia

Nguồn:danlambao.com / 3/2/2015

Dân Việt (Danlambao) – Trong phòng xử án, chủ tọa trầm ngâm suy nghĩ trước những cáo buộc của các công tố viên đối với một cụ bà vì tội ăn cắp tài sản. Bà bị buộc phải bồi thường 1 triệu Rupiah. Lời bào chữa của bà lý do ăn cắp vì gia đình bà rất nghèo, đứa con trai bị bênh, đứa cháu thì suy dinh dưỡng vì đói.

Nhưng ông chủ quản lý khu vườn trồng sắn nói bà ta cần phải bị xử tội nghiêm minh như những người khác.

Thẩm phán thở dài và nói:

“Xin lỗi, thưa bà…”.

Ông ngưng giây lát, nhìn ngắm bà cụ đói khổ:

“Nhưng pháp luật là pháp luật, tôi là người đại diện của Pháp luật nên phải xử nghiêm minh. Nay tôi tuyên phạt bà bồi thường 1 triệu Rupiah cho chủ vườn sắn. Nếu bà không có tiền bồi thường, bà buộc phải ngồi tù 2 năm rưỡi.”

Bà cụ run run, rướm nước mắt, bà đi tù rồi thì con cháu ở nhà ai chăm lo. Thế rồi ông thẩm phán lại nói tiếp:

“Nhưng tôi cũng là người đại diện của công lý. Tôi tuyên bố phạt tất cả những công dân nào có mặt trong phiên tòa này 50.000 Rupiah vì sống trong một thành phố văn minh, giàu có này mà lại để cho một cụ bà ăn cắp vì cháu mình bị đói và bệnh tật.”

Nói xong, ông cởi mũ của mình ra và đưa cho cô thư ký “Cô hãy đưa mũ này truyền đi khắp phòng và tiền thu được hãy đưa cho bị cáo”.
Cuối cùng, bà cụ đã nhận được 3,5 triệu Rupiah tiền quyên góp, trong đó có cả 50.000 Rupiah từ các công tố viên buộc tội bà, một số nhà hảo tâm khác còn trả giúp 1 triệu Rupiah tiền bồi thường, bà lão run run vì vui sướng.

Thẩm phán gõ búa kết thúc phiên tòa trong hạnh phúc của tất cả mọi người.

Đây là một phiên tòa xử nghiêm minh và cảm động nhất mà tôi được biết, vì tất cả chúng ta đều phải chịu trách nhiệm với cuộc sống xung quanh chúng ta, vị thẩm phán đã không chỉ dùng luật pháp mà còn dùng cả trái tim để phán xét.

Dân Việt
danlambaovn.blogspot.com

…………………………………………………….

One comment

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics