1-Chúc Têt(NN)2.Xuân cảnh-Trần Nhân Tông(ĐPNN)3.Một chùm thơ xuân-4.Kịch thơ Hoàng Cầm và tôi..(DTL)

Chúc Tết Bính Thân 2016(NN)

canh mai

Trước thềm năm mới Bính Thân 2016, Nhã Nhạc xin gửi đến quí độc giả, bằng hữu, các em và gia đình lời chúc :

NĂM MỚI BÍNH THÂN 2016 VẠN VẠN PHÚC

An khang.jpg1

…………………………………………………………………………..

Xuân cảnh (Phật hoàng Trần Nhân Tông)
Nguồn:Đạo Phật Ngày Nay-02/12/2013 17:12:00 Trí Bửu

canh xuan

Trần Nhân Tông – Đức Vua, Phật hoàng, Thiền sư, Thi sĩ, có một hồn thơ trong sáng, thanh cao. Hồn thơ Phật hoàng Trần Nhân Tông luôn hướng về Chân, Thiện, Mỹ, luôn hướng đến sự hoàn thiện và tự hoàn thiện.

1.-Đức Vua, Phật hoàng – Trần Nhân Tông: Vua Trần Nhân Tông tên “Húy là Khâm, con trưởng của Thánh Tông, mẹ là Nguyên Thánh Thiên Cảm hoàng thái hậu, sinh năm Mậu Ngọ, Nguyên Phong năm thứ 8, tháng 11, ngày 11, được tinh anh thánh nhân, thuần túy đạo mạo, sắc thái như vàng, thể chất hoàn hảo, thần khí tươi sáng. Hai cung đều cho là lạ, gọi là Kim Tiên đồng tử. Trên vai bên trái có nốt ruồi đen, cho nên có thể cáng đáng được việc lớn, ở ngôi 14 năm, nhường ngôi 5 năm, xuất gia 8 năm, thọ 51 tuổi, băng ở am Ngoạ Vân núi Yên Tử, đưa về táng ở Đức Lăng. Vua nhân từ hòa nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp trùng hưng sáng ngời thuở trước, thực là bậc vua hiền của nhà Trần”.

Vua Trần Nhân Tông là một con người có thật trong lịch sử bằng xương bằng thịt như bao con người bình thường khác, sinh ra và lớn lên tại kinh đô Thăng Long, Hà Nội.

Năm 1284 được tin quân giặc tập trung ở Hồ Nam tới 50 vạn tên, Vua Nhân Tông liền trao cho Trần Quốc Tuấn chức Quốc công tiết chế tức là tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang để lo chống giặc. Ngoài ra Trần Nhân Tông còn tổ chức triệu tập các bô lão về họp ở điện Diên Hồng để hỏi ý kiến về đường lối giữa lúc nước sôi lửa bỏng. Hội nghị Diên Hồng là một đại hội đại biểu nhân dân thời ấy, đã bày tỏ quyết tâm sắt đá của toàn dân đánh giặc đến cùng, đem lại quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc cho muôn dân Đại Việt.

Sau khi chiến thắng giặc ngoại xâm Nguyên Mông, Vua nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, từ bỏ ngai vàng, vào Yên Tử tu hành rồi hiển Phật…- một Hoàng Đế minh quân kỳ tài, góp phần tô thêm trang sử vàng chói lọi của dân tộc thời nhà Trần, tạo lập đỉnh cao nền văn minh Đại Việt.

Ngài sinh ngày 7 tháng 12 năm 1258, tức vào ngày 11 tháng 11 năm Mậu Ngọ và mất ngày 16 tháng 11 năm 1308 tức vào ngày 03 tháng 11 năm Mậu Thân. Thuở nhỏ, nhà vua thường theo vua cha lên chơi núi Yên Tử, sớm bộc lộ chí xuất gia tu hành.

Năm 16 tuổi, được vua cha lập làm Hoàng Thái tử, Ngài hai lần cố xin nhường ngôi lại cho em là Đức Việp, nhưng Vua Trần Thánh Tông không cho, vì thấy Ngài có khả năng gánh vác việc lớn.

Năm 21 tuổi, Ngài được vua cha truyền ngôi báu (1297) và đã làm vua suốt 14 năm. Vì là bậc minh quân có biệt tài kinh bang tế thế, Ngài có công lớn trong việc lãnh đạo toàn dân hai lần kháng chiến chống Nguyên Mông thắng lợi, xây dựng đất nước phồn vinh.

Tháng 7 năm 1299, Ngài cho xây dựng một am thiền trên núi Yên Tử gọi là Ngự Dược Am và theo “Thánh Đăng Lục” tháng 10 năm ấy Vua lên núi Yên Tử xuất gia tu hành, sáng lập dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử.

Mười lăm năm ở ngôi Thái Thượng Hoàng, cũng là mười lăm năm vua Nhân Tông tu hành.

“Thế tôn bỏ ngai vàng quý báu, nửa đêm vượt thành, bỏ áo rồng cao sang, non xanh cắt tóc, mặc chim thước làm tổ trên đỉnh đầu, mặc con nhện chăng tơ trên vai cánh, tu pháp tịch diệt để tỏ đại chân như, dứt cõi trần duyên mà thành bậc chính giác. Đức tổ ta là Điều Ngự Nhân Tông Hoàng đế ra khỏi cõi trần, thoát vòng tục lụy, bỏ chốn cung vua ra giữa sơn môn…”

Có điều, nhà vua không phải cứu đời theo cách của một vị Vua, mà theo cách của bậc thánh nhân, bậc vĩ nhân. Bởi vì làm vua chỉ chăn dân trăm họ, làm Phật cứu độ cả muôn loài. Tấm gương Phật hoàng tuy ẩn mà lại hiện, tuy mờ mà lại sáng. Ngài vượt qua cái bình thường để trở thành cái phi thường. Cho nên, hàng ngàn năm qua, bao triều đại thịnh suy trị vì đất nước, bao người đã làm vua. Song có ai được mọi người ngưỡng vọng, tôn thờ và nhớ mãi như Phật hoàng Trần Nhân Tông?

2. “Xuân cảnh” (Cảnh xuân) là một bài thơ thất ngôn, tứ tuyệt (7 chữ 4 dòng), chỉ có 28 chữ ngắn gọn, đã diễn tả được một nét đẹp ngoại cảnh, của cuộc sống và sự an nhiên, tự tại của tâm hồn nhà thơ Phật hoàng Trần Nhân Tông.

春 景

楊柳 花 深 鳥 語 遲,

畫 堂 簷 影 暮 雲 飛。

客 來 不 問 人 間 事,

共 倚 欄 杆 看 翠 微。

Xuân cảnh

Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì,

Hoạ đường thiềm ảnh mộ vân phi.

Khách lai bất vấn nhân gian sự,

Cộng ỷ lan can khán thuý vi.

Gs Nguyễn Huệ Chi dịch :

Cảnh xuân

Chim nhẫn nha kêu, liễu trổ dày,
Thềm hoa chiều rợp bóng mây bay.
Khách vào chẳng hỏi chuyện nhân thế,
Cùng tựa lan can nhìn núi mây.

Hải Hà dịch :

Cảnh xuân

Lặng lẽ chim trời hót liễu xanh
Chiều buông mây phủ vẽ thềm tranh
Chẳng ai cùng khách bàn nhân thế
Mãi ngắm màn đêm đứng tựa thành.

Phan Thành Khương dịch :

Cảnh xuân

Đám hoa liễu rậm, chim hót chậm;

Bên mái tranh vàng, mây chiều bay.

Khách đến chẳng hỏi chi chuyện thế,

Chỉ tựa lan can nhìn mê say.

Bài dịch theo Thi viện :

Cảnh xuân

Chim kêu hoa liễu nở đầy
Họa đường thềm rợp bóng mây may
Khách vào chẳng bàn chuyện thế sự
Đứng tựa lan can ngắm cảnh trời.

Bài thơ “Xuân cảnh” có lẽ Đức vua Trần Nhân Tông viết khi đã nhường ngôi cho con là Trần Thuyên – Trần Anh Tông (1293 – 1314) để lên núi Yên Tử tu Thiền và sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Bài thơ thất ngôn tứ tuyệt tả cảnh mùa xuân nơi am thanh chiều vắng, có hoa dương liễu trổ dày, có tiếng chim kêu líu lo, nhẩn nha, chậm rãi; trên bầu trời thì áng mây chiều đang lướt bay bồng bềnh, nhẹ nhàng. Trong cảnh tịch tĩnh yên ắng ấy, có vị khách đến thăm, chẳng hỏi chuyện nhân gian, thế sự, cũng không tham vấn về Thiền mà chỉ đứng tựa lan can bên thềm hoa cùng với Thiền sư nhìn ngắm màu xanh nhạt nhòa, mờ mịt ở nơi chân trời xa. Cảnh hiện thực trong buổi tà dương đến đây đã biến thành tâm cảnh. Chủ và khách cùng im lặng, trong cảnh thiên nhiên vắng lặng… Cảnh vật và lòng người như hòa làm một. Chủ cũng thế mà khách cũng thế. Cái vô ngôn ở cuối bài thơ như thể hiện ý vị Thiền đạo, đạt đến chỗ giải thoát.

Cuộc sống trôi qua thật nhẹ nhàng, êm đềm, thanh thoát: hoa liễu nở tưng bừng, chi chít, chim hót chậm rãi, líu lo, mây chiều đang bay lang thang, nhẹ nhàng, lửng thửng … Và, người khách đến chơi nhà “chẳng hỏi chi thế sự”, chẳng hỏi chuyện đời, chuyện người, chuyện thế gian… Chẳng hỏi không phải do thờ ơ, vô tâm, không phải mặc kệ, mà chỉ vì chẳng có điều gì phải hỏi, phải bận tâm.

Xã hội Đại Việt, đất nước Đại Việt dưới thời Vua Trần Nhân Tông, sau hai lần quật ngã bọn xâm lược phương Bắc là một xã hội, một đất nước thái bình, an lạc.

“Xuân cảnh” của Phật hoàng Trần Nhân Tông không chỉ được gợi cảm hứng từ một sự giao mùa, từ đất trời tự nhiên mà chủ yếu là được phát sinh từ một tâm hồn xuân, từ một cõi lòng xuân.

Đọc bài thơ “Xuân cảnh” của Phật hoàng Trần Nhân Tông, chúng ta khát khao phục hưng mùa xuân thời Trần, đất nước thanh bình, mùa xuân mà “khắp thôn cùng xóm vắng, đâu đâu cũng không có tiếng hờn giận, oán sầu” (Nguyễn Trãi)

Đúng, thơ là tiếng lòng, là tiếng nói cảm xúc của thi nhân trước hiện thực. Phan Phu Tiên trong lời tựa Việt âm thi tập đã viết: “Tâm hữu sở chi, tất hình ư ngôn. Cố thi dĩ ngôn chí dã.” (Trong lòng có điều gì, tất thể hiện ra lời nói. Cho nên, thơ là để nói cái chí vậy). Chí ở đây cũng là tâm, là cảm xúc, là tấm lòng. Cảm hứng mùa xuân trong bài thơ “Xuân cảnh” của đức Vua – Phật hoàng – Sơ tổ dòng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là như thế!

Tưởng niệm 705 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết-bàn (1308 – 2013)

(Trí Bửu, Nha Trang -Khánh Hòa 01.12.2013)

………………………………………………………….

Một Chùm Thơ Xuân – Nguồn: Tammy 09-

27/01: 1- Một Chùm Thơ Xuân- 2- Mưa Lành Đêm Xuân(ĐỗPhủ)
Category: Thơ,Văn,Nhạc,Họa Vượt Thời Gian
Posted by: Tbl Đọc: 3534 lần

Nguồn : Website dòng Họ Đỗ Việt Nam 25/02/2007

LGT- Mùa xuân “ngày rộng tháng dài” , chúng tôi thiết nghĩ để dành ra một ít thời giờ để cùng “soi gương kim cổ ” cũng là một điêu thi vị và hữu ích . Mời quí bạn thưởng lãm những bài thơ xuân sau đây của các bậc Tiền Bồi , với hy vọng có thể rút ra được đôi điều cho bản thân mình .- NN)

Hình: Hoa đào – NN sưu tầm

canh dao

MỘT CHÙM THƠ XUÂN

CẢM HỨNG THIỀN VÀ TÂM TRẠNG HỒI CỐ TRONG MỘT CHÙM THƠ XUÂN

Gs. Nguyễn Huệ Chi

Có thể nói, cả một năm qua, trên đất nước ta đã diễn ra tưng bừng biết bao nhiêu lễ hội. Lễ hội nhiều đến mức hầu như cứ mở màn ảnh nhỏ lúc nào ta đều có thể bắt gặp một màn trình diễn ngay lúc ấy. Lễ hội đúng là cần thiết để cả một nước “vui vẻ trẻ trung” và bớt lo lắng trước những chuyện dầu lo cũng không xuể: tham nhũng, lộng quyền, nghiện ngập, trộm cướp, giết người, tai nạn và nhũng nhiễu giao thông… liên tục hoành hành, trong khi thế…

… giới thì đại nạn khủng bố và họa hoạn sóng thần làm rung chuyển trái đất. Nhưng trong truyền thống tư duy phương Đông, không mấy ai chỉ sống với cái vui náo nhiệt bên ngoài. Tư duy phương Đông là tư duy trực quan, rất cần những phút giây tĩnh tại để hướng nhìn vào mình, cho tư tưởng tình cảm của mình “tự thực hiện”. Vì vậy, vào lúc chuyển giao thời tiết trong một năm, cái cũ sắp qua và cái mới đang đến, ta hãy thử dành cho mình một khoảng trống lặng nhằm giúp mình hướng nội, bằng cách cùng nhau lần đọc lại một chùm thơ xuân của ông cha ta ít hay nhiều mang cảm hứng Thiền, hoặc mang cái nhìn hồi cố về thực tại.

Người đầu tiên cần nhắc đến là Mãn Giác (1052-1096), một Thiền sư đời Lý. Ông chỉ để cho đời duy nhất một bài thơ – một bài kệ – làm trước lúc tịch, nhưng đấy lại là bài thơ cảm hứng đan xen với triết luận về mùa xuân. Dưới con mắt Mãn Giác, mùa xuân tượng trưng cho sự “trẻ hóa” – một bước thăng hoa trong chu kỳ đều đặn của vạn vật tuần hoàn. Con người cũng nằm chung trong quy luật ấy. Con người là một sắc tướng hữu hạn, bị chi phối bởi sinh, lão, bệnh, tử, nhưng cũng như muôn vật, nó là một mắt xích nhỏ trong vòng quay tuần hoàn vô tận kia. Vì thế sự sống bao giờ cũng là bất diệt. Ngay khi đang mấp mé bên bến bờ giữa sống và chết, Mãn Giác vẫn hiểu hơn ai hết rằng cái chết của mình không có nghĩa là chấm hết, mà chỉ là điểm mút của một đột phá sinh sôi nấy nở lại sẽ khởi đầu. Cũng như mùa xuân lúc đang tàn, tưởng chừng các loài hoa đều rụng sạch, thế mà sau một đêm, một cành mai trước sân bỗng nhiên nở rộ:

Xuân ruổi trăm hoa rụng,
Xuân đến trăm hoa cười.
Trước mắt việc đi mãi,
Trên đầu già đến rồi.
Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua/ sân trước/ nở cành mai.

(Theo bản dịch Ngô Tất Tố)

Bốn câu đầu là thơ năm chữ, tượng trưng cho sự vận hành chậm rãi, trở đi trở lại của nhịp sinh học trong đời người. Đến câu thứ năm mở ra bảy chữ, liền một mạch không ngắt nhịp, như một lời tuyên chiến với sự tuần hoàn đều đặn ấy, nó đưa con người đến chỗ già lão. Và câu cuối ngắt làm ba nhịp, là một thông báo trang trọng, về cái nhân tố mới – sự hồi sinh của sức sống, sức trẻ ngay trong lòng cái già nua – đã và đang xuất hiện.

Tiếp sau Mãn giác phải nói đến Trần Nhân Tông (1258-1308), ông vua anh hùng trong hai cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lẫm liệt của nước ta ở đời Trần. Ông cũng là một thi sĩ có tầm vóc, có đến mấy bài thơ nói về mùa xuân, trong đó, bài để ấn tượng đậm nhất, theo tôi là bài Cảnh xuân (Xuân cảnh). Một khung cảnh mùa xuân được chấm phá bằng vài nét, không có hoa đào, không có tiếng pháo, không có hội hè tấp nập, chỉ có duy nhất mấy tiếng chim kêu chậm rãi trong bụi liễu đang trổ hoa, có cái hình ảnh động duy nhất của một bóng mây chậm rãi trôi trên bầu trời làm rợp cả thềm nhà, và có sự đối diện giữa hai con người – chủ và khách, cùng để tâm trí vào nơi hư vô – cõi mờ ảo của mây và núi:

Chim nhẩn nha kêu liễu trổ dày,
Thềm hoa chiều rợp bóng mây bay.
Khách vào chẳng hỏi chuyện nhân thế,
Cùng tựa lan can nhìn núi mây.

(Chúng tôi tạm dịch)

Một cảnh sắc xuân thật đơn sơ, thanh đạm nhưng đã để lại trong tâm trí người đọc muôn ngàn vương vấn. Chủ thể sáng tạo ở đây không dùng đến lý tính mà chỉ bằng trực giác đột ngột gợi thức ta, đưa ta vào cái miên viễn của thời gian và cái mênh mông vô tận của đất trời, trong những phút giây mà cả vũ trụ và con người đều như đang chuyển hóa.

Bài thơ thứ ba là bài (Xuân nhật tức cảnh: ngày xuân tức sự) của Huyền Quang (1251-1334), một nhà thơ Thiền chính hiệu, một thi sĩ lớn khác đời Trần. Bài thơ này tuy có mượn lại tứ thơ của nhà thơ Ao Đường Trung Nhân đời Tống nhưng được Huyền Quang thay đổi về câu chữ, và đó cũng là việc làm thông thường trong phép tắc sáng tạo của người xưa, ngay chính Ao Đường Trung Nhân cũng mượn lại tứ thơ của một nhà thơ trước ông. Bài thơ chỉ nói đến một khoảnh khắc của cái hiện tại diễn ra trước mắt Huyền Quang: dưới giàn kinh tía có tiếng chim oanh hót líu lo, một trang giai nhân 16 tuổi vô tư ngồi thêu gấm chậm rãi. Chợt nghĩ đến mùa xuân đang trôi qua ngay trước mắt mà mình không nắm giữ lại được, nàng bỗng bồi hồi thương tiếc và chỉ trong giây lát, đường kim đang thêu dở đã dừng ngay lại. Chính cái giây lát “đốn ngộ” ấy của người đẹp cũng đã làm thức dậy một tình thương vô hạn ở nhà thơ:

Lỏng tay thêu gấm gái yêu kiều,
Hoa rợp, oanh vàng lảnh lót kêu.
Bao nỗi thương xuân, thương biết mấy,
Là khi không nói chợt dừng thêu.

(Chúng tôi tạm dịch)

Trong một câu thơ có cùng hai chữ thương, chữ “thương” trước là thuộc về người thiếu nữ, chữ “thương” sau là của nhà thơ. Nhưng nhà thơ thương cái giây phút thương xuân của người đẹp cũng chính là đang xác nhận một sự liên thông giữa hai con người – hai cá thể người – bằng mẫn cảm của trực giác – trực giác của người này đánh thức trực giác của người kia – đột nhiên cùng bừng ngộ ra dòng trôi chảy vô tận của thời gian mà trong đấy, cái đẹp chỉ là một thoáng hiện hữu.

Ở đầu thế kỷ XV có một đỉnh thơ cao vọi là Nguyễn Trãi (1380-1442). ông cũng là người làm không ít bài thơ xuân. Ông có cái tâm hồn dạt dào của một người đa tình, ở tuổi xế chiều vẫn yêu một nữ sĩ trẻ trung là Nguyễn Thị Lộ. Cho nên trong thơ xuân của ông, có cái cảm hứng lãng mạn của một Lý Bạch muốn “cầm đuốc chơi đêm” – thắp đuốc lên mà chơi cho hết những giây phút cuối cùng trong cái đêm cuối cùng của chín mươi ngày xuân:

Tiếc xuân cầm đuốc mảng chơi đêm,
Những lệ (sợ) xuân qua tuổi tác thêm…
Cầm đuốc chơi đêm này khách nói,
Tiếng chuông chưa gióng ắt còn xuân.

Nhưng bài thơ xuân của ông đọng lâu trong tâm tưởng nhiều thế hệ lại vẫn là bài thơ mang mạch cảm hứng Thiền: bài Bến đò xuân đầu trại (Trại đầu xuân độ). Bài thơ chỉ có 4 câu, phác họa một không gian mơ hồ, ở đấy cỏ xanh lẫn lộn với khói biếc, giữa màn mưa nước sông như vỗ vào nền trời. Và trong cái khung cảnh đều đều, động mà rất tĩnh ấy, có một con thuyền gác đầu ngủ yên trên bãi cát:

Cỏ xuân đầu bến xanh như khói,
Thêm nữa mưa xuân nước vỗ trời.
Đồng nội vắng teo hành khách ít,
Thuyền kề bãi cát trọn ngày ngơi.

(Theo bản dịch của Phan Võ)

Con thuyền ngủ yên chính là tâm thức Nguyễn Trãi, một Nguyễn Trãi không ngủ nhưng đang tìm thấy sự thảng thích trong việc hòa nhập vào cái vô tâm của tạo hóa.

Sau Nguyễn Trãi, một đỉnh cao khác của thi đàn ở thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX là Nguyễn Du (1766-1820). Nguyễn Du cũng như mọi thi hào nổi tiếng khác, vẫn thường cảm xúc về mùa xuân. Một trong những bài thơ xuân đặc sắc của ông là bài Đêm xuân (Xuân dạ). Cảm hứng Thiền ở bài này không nhiều. Nhưng đây là cảm giác nặng trĩu của một con người ốm, bệnh và hết sức cô độc. Cả bài thơ như phủ bóng tối lên cuộc đời người viết. Tuy vậy, ở hai câu cuối, nhà thơ bỗng nghe tiếng con sông bên nhà mình đang chảy. Thế là, trong một bừng tỉnh của trí tuệ sâu thẳm, tiếng sóng sông giúp ông nhìn thấy dòng chảy vô tận của thời gian đang ở sát ngay bên cạnh mình, bất chấp và cuốn trôi cả mọi nỗi bất hạnh của mình:

Đêm đen nào thấy ánh dương trong,
Hàng liễu âm thầm đứng trước song.
Ốm liệt giang hồ bao tháng trải,
Xuân về mưa gió suốt đêm ròng.
Lâu năm đất khách đèn chong lệ,
Ngàn dặm quê hương nguyệt dãi lòng.
Ngoài xóm Nam Đoài Long Thủy chảy,
Trôi hoài kim cổ một dòng không.

(Nguyễn Xuân Tảo dịch)

Cũng trong nửa đầu thế kỷ XIX, một tài thơ không kém cạnh Nguyễn Du là Cao Bá Quát (1808-1855). Cao là một con người suốt đời đi tìm lẽ sống, một người có ý thức về sự tự do tư tưởng của mình. Ông có một bài Đêm xuân đọc sách (Xuân dạ độc thư), tứ thơ thật lạ. Đêm xuân ngồi đọc sách để tìm lại những mùa xuân xưa nhưng mùa xuân xưa không tìm đâu thấy, trái lại lại thấy dường như mình đang đối diện với người xưa, hay đúng hơn, với thời gian, cái hiện tại của chính mình đang trở thành cũ xưa. Sau bao nhiêu thất bại ê chề trên trường đời, Cao Bá Quát hiểu cái hữu hạn của khả năng con người, cái vô nghĩa của đời người thoáng chốc. Ông lóe sáng một trực nhận về sự vận động ngược chiều của hai phạm trù không đồng dạng: thời gian thì luôn luôn đi tới nhưng cuộc sống con người – kiếp người – hóa ra lại đi giật lùi trở lại mà trong sự giật lùi đó, mọi thứ lợi lộc công danh phút chốc đều trở thành hão. Bài thơ cho ta cái dư vị triết lý bàng bạc của một kẻ từ Nho đang đi tới Lão, tới Thiền:

Khách nay chẳng thấy xuân xưa nữa,
Thổn thức xuân nay gặp khách xưa.
Nay hóa thành xưa nào mấy chốc,
Hư nhìn ra thực khỏi lầm chưa?
Bao phường danh lợi cơn mưa sáng,
Mấy bậc anh hùng đám bụi mờ.
Tục lụy cười mình chưa dứt được,
Gần đây sách vở quá say sưa.

(Nguyễn Văn Tú dịch)

Nhà thơ cuối cùng mà tôi muốn đề cập trong mạch thơ xuân này là Nguyễn Khuyến (1835-1909), một tài thơ kiệt xuất ở nửa cuối thế kỷ XIX. Ông cũng có nhiều bài thơ xuân. Bài thơ được nhớ rất nhiều là bài Chợ Đồng thật ra không phải là một bài thơ Thiền mà chủ yếu thuộc mạch thơ hồi cố. Phiên chợ Đồng vẫn còn hiện diện đấy nhưng tác giả đã không thể chống gậy đi xem chợ được nữa, cho nên khung cảnh phiên chợ cuối năm được tác giả vẽ ra là một khung cảnh gợi bằng trí nhớ. Cái không khí ảm đạm của một phiên chợ vào ngày giáp tết có lẽ bao nhiêu năm trời vẫn thế, nhưng trong cảm quan nghệ thuật Nguyễn Khuyến một cái gì đã thay đổi, thời của những phiên chợ Đồng xưa đã mất. Nhà thơ viết nên những dòng thơ tâm trạng, với những câu hỏi buông lửng, những hình ảnh đẹp não nùng, những cặp từ láy gợi nên âm thanh buồn bã về sự rã đám của một phiên chợ chiều, nhất là với cái kết thúc đột ngột bằng một tiếng pháo trúc như khép lại một thời dĩ vãng, cũng là tiếng thở dài của Nguyễn Khuyến về những tập tục quen thuộc của làng quê một đi không trở lại:

Tháng Chạp hai mươi bốn chợ Đồng,
Năm nay chợ họp có đông không?
Trở trời mưa bụi còn hơi rét,
Nếm rượu tường đền được mấy ông?
Hàng quán người về nghe xáo xác,
Nợ nần năm hết hỏi lung tung.
Năm ba ngày nữa tin xuân đến,
Pháo trúc nhà ai một tiếng đùng.

Mùa xuân đem lại cái mới, đem lại sự hồi sinh cho muôn vật. Nhưng mùa xuân đối với lứa tuổi từng trải còn là sự tự vấn, tự chiêm nghiệm, về những gì đắc thất trong kinh lịch cuộc đời. Các nhà thơ lớn trong nhiều thời đại, bằng những áng thơ xuân bất hủ, đã nói hộ chúng ta rất nhiều. Có thể nói họ đã để lại cho chúng ta những viên ngọc sáng mà nhiều đời sau soi vào, còn đủ sức giúp mỗi người thanh lọc để tỉnh táo hơn, bớt mù quáng, đam mê trong con người bản năng hay quyền lực, khiến cho tâm hồn trở nên trong trẻo.

2- Thơ Đỗ Phủ

Xuân dạ hỉ vũ

Hảo vũ tri thì tiết
Đương xuân mãi phát sinh
Tuỳ phong tiềm nhập dạ
Nhuận vật tế vô thanh
Dã kính vân câu hắc
Giang thuyền hoả độc minh
Hiểu khan hồng thấp xứ
Hoa trọng Cẩm quan thành

Đỗ Phủ

Mưa lành đêm xuân

Mưa lành báo hiệu mùa sang
Đây mùa xuân tới rộn ràng trời xuân
Mưa theo làn gió âm thầm
Trong đêm thánh thót tưới nhuần cỏ cây
Đường thôn mây xám đầy trời
Trên sông ánh lửa thuyền ai lập loè
Sáng ra rực rỡ đồng quê
Với ngàn hoa thắm đã về cùng xuân

Quỳnh Chi phóng dịch
– See more at: http://www.saungon.net/tbl/index.php?itemid=645#sthash.Z6v2YYTn.dpuf

…………………………………………………………………………
– See more at: http://www.tambl.net/1-chuc-mung-xuan-moi-at-mui-2015nha-nhac2-mot-chum-tho-xuan-more-3-mua-xuan-di-lacnha-nhac4-xuan-nhu-yorchid-tlvb5-di-cho.html#sthash.KYtVEcRF.dpuf

…………………………………………………………………………………

Kịch thơ Hoàng Câm và tôi, những ngày Hội An thơ ấu

Du Tử Lê

Nguồn : 12/02: 1.Kịch thơ Hoàng Cầm và tôi,những ngày Hội An, thơ ấu(Du Tử Lê)2.Mùa xuân Miên Viễn(Nhã Nhạc)
Category: Tùy Bút / Hồi ký
Posted by: Tbl Đọc: 3535 lần

25/06: Kịch thơ Hoàng Cầm và tôi, những ngày Hội An, thơ ấu
Category: Tùy Bút / Hồi ký
Posted by: Tbl Đọc: 2420 lần

Du Tử Lê,

Kịch thơ Hoàng Cầm và tôi, những ngày Hội An, thơ ấu.

du tl-hc

(Nguồn: DTL.- Hình: DTL ngồi trên bậc thềm của trường cũ,2006 )*

Cách đây mấy tuần, một buổi trưa, tôi tới Thư Viện Việt Nam ở thành phố Garden Grove, tham dự buổi ra mắt thi phẩm của một người bạn…

… về từ tiểu bang Virginia. Nhà thơ Nguyễn Đức Liêm. Trong số bằng hữu đến chung vui với họ Nguyễn, tình cờ tôi gặp lại một người bạn từng làm khá nhiều thơ, những năm đầu di tản. Phùng Minh Tiến.

Điều tôi muốn nói, không phải vì qúa lâu tôi không gặp anh. Cũng không phải vì tôi từng chú ý tới thơ của anh trong những năm đầu tỵ nạn.

(Ở những dậm đường lưu đầy thứ nhất, khi lớp người Việt tỵ nạn đầu tiên còn choáng váng với biến cố 30 tháng 4; thân, tâm còn như những thanh củi mục dạt, trôi vô định, không ngày mai. Những thất lạc, mất mát nóng hổi như những vết thương còn đọng tươi hơi thép lạnh của những lát dao định mệnh hay, nhám, ám mùi bom, đạn oan khốc…Vậy mà, bạn tôi đã…

… có thể viết xuống những vần thơ lãng mạn cho một cuộc tình, nghe đâu, khá gập ghềnh nắng, gió chông chênh.)

Điều tôi muốn nói, cũng không phải vì lần đầu bạn tôi bảo, anh vẫn nhớ tôi, những ngày đóng kịch “Hận Phi Khanh” (1) ở bên hông sân trường Nam Tiểu học Hội An, giáp tết Nguyên Đán, 1954.

Phùng Minh Tiến không phải là người thứ nhất, nhắc tôi nhớ những ngày tôi cầm kiếm gỗ, thắt lưng lụa điều, trong vai Nguyễn Trãi, gân cổ ngâm nga, hay quỳ gối (ra chiều ăn năn, xúc động) dưới chân người cha là Nguyễn Phi Khanh, nơi Ải Nam Quan, để nghe lời cha dặn phải trở về…

Người không bao giờ quên nhắc tới hình ảnh đó của tôi, trong những gặp gỡ tình cờ ở tiệm phở Nguyễn Huệ, là Nguyễn Viết Đĩnh.

Cùng với Phạm Gia Khánh, Nguyễn Huy Hân, Vũ Văn Bằng, Nguyễn Văn Bảo, Nguyễn Viết Đĩnh…chúng tôi là những học trò…“Bắc kỳ rau muống”, “Bắc kỳ ăn cá rô…cây” theo tàu “há mồm”, sớm có mặt ở ngôi trường Nam Tiểu Học Hội An đó.

Ngôi trường chỉ cho tôi vài tháng theo học ngắn ngủi. Nhưng những gì ngôi trường, cũng như thành phố Hội An / Chùa Cầu ưu ái tặng cho ký ức thơ ấu tôi, lại là những kỷ niệm máu, thịt. Tựa như tôi đã được ăn ở với nó, trọn vẹn một tuổi thơ. Ắp đầy một niên thiếu chơi vơi đỉnh ngọn buồn / vui đời mình.

Mỗi lần Nguyễn Viết Đĩnh nhắc lại thời tôi được chọn để đóng vai Nguyễn Trãi, tôi đều trả lời bạn bằng cách nhìn sâu trong mắt Đĩnh. Nắm tay Đĩnh. Mỉm cười…thay cho lời cảm ơn.

Tôi không biết khi tôi đóng vở kịch kia, bạn tôi có phải là một trong mười mấy tên lính Tàu, những kẻ áp tải “cha tôi” là Nguyễn Phi Khanh về Tàu… Và, lâu lâu bọn lính áp tải ấy, lại xô đẩy “cha tôi” ngã chúi đầu xuống đất! Khi ông không chịu đi, vì còn bận…ngâm thơ. Ông đang bận cho tôi những lời khuyên nhủ, giảng giải, để tôi hiểu thế nào là nợ nước tình nhà!

Tôi chủ quan cho rằng, chắc tôi phải “diễn” một cách “ấn tượng” lắm thì, bạn tôi mới có thể mãi nhớ cái “tài” rất ư “nghiệp dư” ấy.

Không nói ra, nhưng tôi ngầm hiểu, có thể bạn tôi, có phần tiếc cho “tài” đóng kịch sớm…nở nhưng cũng sớm…tàn kia của tôi? Vì sau đó, khi đã rời khỏi Hội An, Nguyễn Viết Đĩnh không hề nghe thấy tên tôi ở bắt cứ một sân khấu, một “sàn diễn”…dù heo hút nào.

Nhưng mỗi lần nghe Nguyễn Viết Đĩnh nhắc chuyện xưa, trong tôi lại bùng lên những câu hỏi mà, ký ức mịt mờ chớ hề cho tôi một câu trả lời rõ ràng!

Đó là những câu hỏi đại để:

Người bạn nào của tôi được “vào vai” Phi Khanh để “đóng cặp” với tôi?

Phi Khanh có bị đeo gông nơi cổ, nơi tay hay, chỉ bị trói bằng một sợi thừng tượng trưng?

Chúng tôi có phải tập trước khi diễn thật, hay phần thơ của ai thì người đó mang về nhà học thuộc? Nếu phải tập trước thì, những buổi tập dó diễn ra ở đâu? Giờ nào? “Đạo diễn” của chúng tôi là ai?

Tôi chỉ nhớ một cách mơ hồ, hình như chúng tôi có tới hai… “đạo diễn” chính thức: Thầy Đắc, thầy Hoạt. Cùng rất nhiều “phụ tá”?

Tôi cũng nhớ một lần nào đó, thầy Tháo (hiệu trưởng) ra sân coi chúng tôi diễn thử, đã chỉ bảo tôi rằng, ngay lúc quỳ (một chân thôi,) tay trái (vì tôi thuận tay trái) phải đặt hờ lên đốc kiếm. Không được nắm chặt giống như sắp sửa rút…kiếm đâm quân thù… Nghĩa là dù đau lòng, thương xót “cha” cách mấy, tôi cũng phải giữ phong thái chững chạc, uy nghiêm của một…kẻ sĩ. Không được yếu xìu kiểu cảm xúc thường tình của một đứa con sắp sửa mất cha…

Theo sử sách, sau đó, Nguyễn Trãi đã quay về phò Lê Lợi khôi phục giang sơn.

Tôi không nhớ, Nguyễn Phi Khanh bị trói kiểu nào? Giựt cánh khủyu phía sau? Hay đeo gông phía trước? Nếu hai tay ông ở phía trước, thì trong suốt thời gian diễn, có bao giờ ông xoa đầu tôi?

Lại nữa, vở kịch thơ rất dài, tôi không nghĩ chúng tôi có thể diễn hết. Nhiều phần trích đoạn thôi. Nhưng đó là những đọan nào? Cả chương trình kéo dài bao lâu? Có ai “nhắc tuồng” cho chúng tôi sau “cánh gà” không?” Nhất là khi có những câu thơ mà Phi Khanh ngừng ngang, tôi phải “dzô” ngay, nếu không sẽ lạc quẻ. Sẽ “bể” show, theo cách nói bây giờ!

Như lúc Phi Khanh ngâm:

“…Cha sẽ chờ con trả được thù chung (2)

“Ngày mai đây tấm thân tàn sẽ mất

“Nhưng linh hồn bay lại với non sông

“Con về đi! Cha yên tâm chịu khổ!

“Con về đi! Đúc thép chống giang san

“Cha tin chắc đường gươm nơi đất tổ

“Sẽ có ngày sáng chói những vinh quang

“Con về đi…

Rồi bỏ lửng! Trong vai Nguyễn Trãi, tôi sẽ phải tiếp ngay:

“Thưa cha đau đớn lắm

“Nỗi chia lìa tê buốt bóng trăng xa…

“Như thân con có quản gì bụi lấm

“Xin theo hầu thân phụ đến Trung Hoa…”

Tôi tự hỏi, nếu tôi không nhớ, nếu tôi đứng (hay quỳ gối) mà mặt cứ nghệt ra, thì sao?

Giữa cái không khí u buồn, thê lương ấy, trong số mấy trăm khán giả nhi đồng của chúng tôi, có một tên nhóc nào đó, bỗng cười ré lên…thì còn gì là “uy danh” diễn viên chính!

Tôi muốn nói, mỗi lần gặp Đĩnh, trong tôi lại bùng lên hàng chục câu hỏi ngây ngô như thế!

Nhưng, trong buổi trưa cách đây ít tuần ở Thư Viện Việt Nam, Phùng Minh Tiến không cho tôi cơ hội nhìn sâu trong mắt anh. Nắm tay anh. (Và,) mỉm cười thay cho lời cảm ơn. (Mà,) tựa như anh đã xé rách tấm màn sương quá khứ mấy chục năm của thơ ấu tôi, khi lần đầu tiên anh hỏi tôi có nhớ, cách đây trên 50 năm, anh chính là người đóng vai Phi Khanh, cha của Nguyễn Trãi?

Câu hỏi bất ngờ của người bạn học lớp nhất, trường Nam Tiểu Học Hội An, đã như một phép mầu, tái hiện trong tôi, một phần thơ ấu tôi ở thành phố mà, mỗi ngôi nhà, mỗi viên gạch, mỗi thước đường, mỗi ngọn cây… dường đều có cho riêng nó, một tâm tình. Một lịch sử.

Chính nơi chốn, con người, khung cảnh, thời tiết ấy…đã là đỉnh ngọn buồn / vui một phần ấu thơ tôi, xa.

Tới giờ này, Hội An / Chùa Cầu, với tôi, vẫn còn như một ngôi đền linh liêng, những ngày tôi bé dại.

Tôi nghĩ bạn tôi, Phùng Minh Tiến không thể đoán biết hay, hình dung được những lượng sóng xúc động trong tôi, ở cấp độ nào.

Tôi cũng nghĩ, nhiều phần bạn tôi ngạc nhiên khi thấy tôi làm dấu mời anh ra khỏi phòng sinh họat. Tôi muốn tạm xa những người bạn tham dự buổi ra mắt sách của Nguyễn Đức Liêm; để được ít phút tư riêng với đứa con giòng dõi Hội An / Chùa Cầu.

Tôi muốn được đứng riêng với Phùng Minh Tiến, dù chỉ ít phút, để nghe rõ, thấy rõ hơn những ngày mưa Hội An mà bạn tôi vừa nhắc lại.

“…Mưa Hội An thường bắt đầu từ tháng 9 hoặc tháng10…Đôi khi kéo dài tới Tết!”

Tôi muốn được đứng riêng với bạn, dù chỉ ít phút, để nghe được rõ hơn, qua lời kể của Phùng Minh Tiến, những ngày lụt, nước sông Thu Bồn ì uồm, dâng cao, ngập con đường bờ sông, trước khi ào ào tuôn vào những chiếc sân bậc thang của những ngôi nhà ăn thông hai mặt đường: Phan Bội Châu và bến Bạch Đằng.

Tôi biết, khi đứng với nhau trong ít phút như vậy, người bạn thời lớp nhất tiểu học của tôi, đã không thể nghĩ được rằng, giữa buổi trưa quê người, khi nắng tháng Năm, mùa xuân ở California, còn như tơ nõn, thả những giải lụa vàng lên vai cảnh vật, xanh, tôi gặp lại ấu thơ mình. Tôi gặp lại Hội An / Chùa Cầu những ngày lũ. Lụt.

Những ngày mưa lớn, được nghỉ học, chị em tôi thường rút hết lên tầng phần trên căn nhà mặt tiền ngó vào đường Phan Bội Châu. Đó là là tiệm thuốc bắc của ba chị Dùng. Ông là chủ nhà. Anh tôi thuê một phần, ở tạm, lúc bị đổi về Hội An, từ Đà Nẵng.

Những ngày giáp Tết, những ngày mưa, những ngày lũ, lụt, chị Dùng hay rủ tôi và chị Tâm tôi, lên căn lầu nơi chị có một căn phòng riêng, bên cạnh kho chứa thuốc và, phòng của bố mẹ chị.

Tại đó, trên một chiếc phản gỗ đã lên nước đen lánh, chị Dùng dạy tôi chơi bào cào. Chị Dùng dạy tôi đếm nút…

Cũng ở căn phòng ấy, ít ngày, trước khi tôi phải theo người anh lớn, đổi ngược trở lại Đà Nẵng, chị Dùng xin phép mẹ tôi, cho tôi và chị Tâm tôi, được ngủ một đêm, với chị.

Cũng những ngày nước ngập gần hết các sân bậc thang, trước khi chia tay, chị Dùng hẹn tôi ra tuốt phía sau, chỗ gần cây khế, nơi nước đã rút đi ít nhiều. Chị dúi vào tay tôi một chiếc khăn nhỏ, rút chỉ bốn chung quanh, thêu thêm vài bông hoa xanh, đỏ.

Chị nói đại ý:

“Để mỗi khi dùng, P. sẽ nhớ chị…”

Những ngày lưu lạc quê người, một lần quá nhớ Hội An / Chùa Cầu; quá nhớ chị Dùng và, những ngày mưa bạt ngàn sông Thu Bồn, tôi đã viết lại chuyện ấy. Như một tưởng tiếc ấu thơ, xưa và, lòng biết ơn một nơi chốn, cũ.

Tôi chỉ không kể, cho đến ngày làm mất chiếc khăn thêu của chị Dùng, tôi chưa một lần dùng nó. Tôi cũng không nói với tôi, nó là một thứ “thần thọai”, một loại “cổ tích” của riêng tôi.

Cách đây hai ngày, trong một cuộc điện đám, Phùng Minh Tiến lập lại, anh có đọc, đã lâu, lâu lắm rồi, bài viết ấy. Tôi định hỏi anh, câu hỏi dành cho đứa con dòng chính của Hội An / Chùa Cầu rằng:

Nếu chị Dùng còn sống và, nếu tôi được gặp lại chị, liệu chị có nhớ chuyện ngày xưa? Chiếc khăn thêu? Cây khế sân sau? Những ngày mưa? Thu Bồn lũ, lụt?

Có thể bạn tôi sẽ trả lời, một cách ý nhị rằng:

“Bản chất chất của ký ức người già là lãng quên, tương đồng với phản bội…”

Nếu bạn tôi đã quả quyết như vậy, tất nhiên, tôi không cãi được. Nhưng tôi cũng sẽ quả quyết với anh rằng, riêng tôi, tôi vẫn nhớ! Nếu cần, tôi sẽ nói thêm:

Vì nó là một phần máu, thịt tôi những ngày ấu thơ, cũ.

Hội An / Chùa Cầu không chỉ cho tôi kỷ niệm được chọn đóng vai Nguyễn Trãi, trong vở kịch thơ “Hận Nam Quan” của thi sĩ Hoàng Cầm mà, Hội An / Chùa Cầu, với thầy Tháo, hiệu trưởng trường Nam Tiểu học Hội An còn chọn một tên “Bắc kỳ rau muống” là tôi, đại diện toàn trường, đến tòa tỉnh đọc diễn văn chúc mừng năm mới ông tỉnh trưởng và, các giới chức trong tỉnh. (3)

Dĩ nhiên, diễn văn do các thầy viết. Bổn phận của tôi chỉ là đọc sao cho trôi chảy. Lúc lên bổng. Lúc xuống trầm. Không vấp váp. …

(Tôi nhớ đã được phép đem bài diễn văn này về nhà, đọc tới đọc lui. Anh Quỳnh tôi phải chỉ tôi chỗ nào nghỉ ít, chỗ nào nghỉ nhiều. Ở đoạn nào thì tôi phải ngước mặt lên để nhìn thẳng vào các viên chức đại diện của tòa tỉnh…)

Với tôi, đó là những kỷ niệm một thời thơ ấu. Tôi sẽ mãi giữ chúng, cho riêng mình. (Như tôi đã giữ lại những điều định nói với bạn.)

Thay vào đấy, tôi kể Phùng Minh Tiến nghe, cách đây nhiều năm, đáp lời mời của mấy người bạn trẻ ở Hội An, từ Đà Nẵng, cùng với T., tôi đã trở về Chùa Cầu. Tôi đã trở về cái thành phố mà, mỗi ngôi nhà, mỗi viên gạch, mỗi thước đường, mỗi ngọn cây… dường đều có cho riêng nó, một tâm tình. Một lịch sử.

Tôi kể với người bạn thời lớp nhất của tôi rằng, tôi đã đứng giữa sân trường mùa-hè-tuổi-thơ-tôi-vắng-lặng. Với mái tóc tôi đã trời-chiều-mây-trắng.

Người bạn trẻ tình nguyện hướng dẫn chúng tôi, nói người bảo vệ rằng, hơn 50 năm trước, ông này học ở đây. Anh chỉ tôi.

Tôi chờ đợi phản ứng khó chịu, xua đuổi của anh bảo vệ. (Như tôi đã từng gặp ở những nơi chốn tuổi thơ tôi, khác.)

Nhưng không. Anh gật đầu. Anh cười. Nụ cười chân chất, tuy có thoáng chút ngập ngừng.

Nụ cười chân chất ấy, làm tôi nhớ, hơn nửa thế kỷ trước, Hội An / Chùa Cầu cũng đã từng mở lòng đón tôi, (đón chúng tôi,) những cậu học trò Bắc kỳ di cư- – Những “Bắc kỳ rau muống”, “Bắc kỳ ăn cá rô…cây” như thế.

Khác chăng, ngày ấy, Hội An / Chùa Cầu đã nhận đón tôi, như nhận đón một đứa con thơ dại, thất lạc, mới tìm về. Không hề, dù chỉ một thoáng dè dặt, ngập ngừng. Nghi ngại.

Có dễ biết tôi bị xúc động, T. nói thay:

“Anh cho phép chúng tôi đi loanh quanh trong sân trường hỉ?”

Người bảo vệ lại gật đầu:

“Anh chị tự nhiên…”

Và thêm:

“Bao năm nay, trường vẫn vậy?”

Tôi không biết anh có ý định nói với tôi hay không? Nhưng tôi vẫn trả lời:

“Vâng. Bao năm nay, trường vẫn vậy!”

Người bảo vệ lui về phòng trực.

Tôi bồi hồi chỉ cho T. thấy lớp học tôi ngày xưa. Đó là căn đầu tiên của cạnh dài chữ “L” nằm ngang.

Bước tới. Nắng chói. Chúng tôi không thấy gì sau những cánh cửa gỗ khép kín. Tôi rủ T. và người bạn trẻ dẫn đường, ngồi xuống bậc thềm, xưa.

Phóng tầm mắt từ một khoảng cách sâu trong sân trường tới con lộ tráng nhựa thênh thang nắng, gió trước mặt, tôi nói với T., tiếc họ đã đốn mất quá nhiều cây. Trong khi bên kia đường mấy gốc cây non, mới trồng, chưa đủ sức cho con đường hôm nay, bóng mát.

Đứng với nhau như thế, nơi hàng lang tầng lầu thứ nhất của Thư Viện Việt Nam, những tưởng chúng tôi sẽ cùng nhau giở lại những trang sách ấu thơ một thời Hội An / Chùa Cầu, để cùng sống lại với một Phi Khanh cương nghị, lẫm liệt nhưng cũng không kém phần nát gan, đứt ruột, như:

“A! Nguyễn Trãi! Hãy dẹp tình thảm thiết

“Trông đằng sau: Xương máu ngập giang sơn

“Cha sinh con! Là hy vọng về sau

“Đến ngày nay, giữa đường cha đứt gánh

“Thì con ôi! Tung kiếm cho quên sầu!

“Con về đi! Cha vui lòng vĩnh việt

“Con về đi! Rửa nhục cho non sông

“Con phải nhớ: Con là dòng tuấn kiệt

“Trong người con cuồn cuộn máu anh hùng.”

Và, Nguyễn Trãi vẫn nặng tình phụ tử, vẫn yếu đuối, chí ít cũng cho tới lúc này của vở kịch:

“Nhưng bên trời, cha cùng anh tắm máu

“Con lòng nào yên sống giữa quê hương

“Ôi! Đại Việt vào tay loài thảo khấu

“Khói nghìn năm thoi thóp bên sa trường

“Khắp non sông vừa tàn cơn ác mộng

“Tình yên vui, trăm họ nén đau thương

“Ai đồng chí trong đám người ham sống

“Trên kinh thành lơ lửng một thanh gươm!”…

Và, còn nhiều câu nữa, trước khi vở kịch về lại với Phi Khanh.

Vẫn một Phi Khanh quyết liệt, gia tăng cường độ “mắng mỏ” thảm thiết đứa con nhu nhược:

“Không thể được! Định sang Tàu chết nhục?

“Làm con ma uất hận giữa quê người!

“Con hèn quá, con làm cha tủi cực

“Thôi! Mong gì báo đáp một ngày nai!

“Giống đại Việt không bao giờ hèn yếu,

“Tự nghìn xưa ngẩng mặt lên trời cao

“Ôi! Kiêu hãnh là những trang niên thiếu

“Tự nghìn xưa không nhụt chí anh hào!

“Gái cùng trai trên non sông gấm vóc

“Đã thêu bằng huyết lệ, bằng gươm đao

“Những trang sử đẹp như vàng với ngọc

“Bóng muốn đời không thẹn với trăng sao!

“Con là trai mà không bằng nhi nữ

“Cha sinh con hổ thẹn với trời xanh

“”Mong chết uổng chỉ là người úy tử

“Sống bẽ bàng thêm tủi mặt tài danh”.

Tới đây, theo diễn tiến, vở kịch ghi rõ:

Trãi (mơ màng nhìn về phía xa):

“Ôi bóng quê hương ngả nắng chiều

“Những mùa thu cũ gợi thương yêu

“Mái tranh xơ xác, thềm giăng lạnh

“Sân mốc, vườn hoang, gió tịch liêu

“Tre xanh san sát chuyện gươm đao

“Đứng rũ tà huy nhuộm máu đào

“Thép rỉ buồn tênh lời sắt đá,

“Gươm cùn tựa nguyệt giấc chiêm bao

“Chí khí phai dần trên kỷ niệm

“Như đường tơ nhạt nếp thời gian

“Bao giờ dứt lệ quên đau khổ

“Tung kiếm nghìn thu quét bạo tàn.”

(Đọan thơ trên là phần trách nhiệm của tôi. Tôi nhớ, một trong những “đạo diễn” (thầy Họat hay Thầy Đắc) đã dạy tôi rằng: Tuy là những lời tự thán của Nguyễn Trãi, nhưng khi đó, tôi phải đứng cho thẳng, mắt không hướng về Phi Khanh mà, phải hơi nghiêng về hướng ngược lại. Nhớ nắm chắc đốc kiếm…gỗ…Để tới khi ngâm câu “tung kiếm nghìn thu quét bạo tàn” thì tôi phải rút kiếm ra, chỉ lên không trung. Như một thề nguyền giữa trời đất với một vẻ mặt “tự giác” đầy… hào khí. Nói theo chữ nghĩa hôm nay thì, tôi phải… “diễn” sao cho thật “ấn tượng”. Vì ngay sau đó, là giai đọan Phi Khanh tỏ dấu hài lòng về người con nhu nhược vừa tỉnh ngộ…)

“Con yêu quý! Chớ xuôi lòng mềm yếu

“Gác tình riêng, vỗ cánh trở về Nam!

“Con về đi! Tận trung là tận hiếu

“Đem gươm mài bóng nguyệt dưới khăn tang

“Nếu trời muốn cho nước ta tiêu diệt

“Thì lưới thù sẽ úp xuống đầu xanh

“Không bao giờ! Không bao giờ con chết

“Về ngay đi rồi toại chí công thành!

“Nghĩ đến cha một phương trời ảm đạm

“Thì nghiến răng vung kiếm quét quân thù

“Trãi con ơi! Tương lai đầy ánh sáng

“Cha đứng đây trông suốt được nghìn thu”.

Tới lúc này, theo kịch bản Nguyễn Trãi phải vừa quỳ lạy cha vừa ngâm:

“Cha nói đến tương lai đầy ánh sáng

“Khiến lòng con bừng tỉnh một cơn mê

“Qùy lạy cha, cha lên đường ảm đạm

“Rời Nam Quan, theo gió, con bay về”.

Vở kịch còn tiếp nhiều đoạn nữa, rất cảm động… Nhưng tôi nhớ, mấy thầy “đạo diễn” của chúng tôi đã chuẩn bị cho “hạ màn”, bằng cách cho phép các bạn tôi, những bạn đóng vai lính Tàu (không biết có Nguyễn Viết Đĩnh?) dí kiếm, lôi kéo, xô đẩy Phi Khanh đến gần hơn cửa ải… Trong khi Nguyễn Trãi vừa ngâm thơ vừa phải dợm bước theo…Nguyễn Trãi bị lính Tàu hung dữ cản lại.

Tuy bị xô đẩy phải đi tới, Phi Khanh vẫn trì, chống, lẫm liệt ngoảnh mặt nhìn con tha thiết, hãnh diện:

“Ôi! Sung sướng, trời sao chưa nỡ tắt

“Về ngay đi! Ghi nhớ hận Nam Quan

“Bến Kim Lăng, cho đến ngày nhắm mắt

“Cha nguyện cầu con lấy lại giang san”

Nguyễn Trãi (tiếp liền):

“Hận Nam Quan, biết bao giờ phai nhạt,

“Biết bao giờ cạn lệ khóc cha già

“Lúc vĩnh biệt thật trăm nghìn chua xót!”

Phi Khanh:

“Kìa con trông: Nắng hé chân trời xa”

Nguyễn Trãi:

“Chân trời xa!”

Phi Khanh:

“Về ngay đi Nguyễn Trãi

“Nâng gươm thề, đem quốc sử mà soi.”

Nguyễn Trãi:

“Đã đến giờ con lìa xa quan ải

“Kể từ nay Nam Bắc cách đôi nơi.”

Tới hai câu thơ này, như trí nhớ của tôi, thì “màn hạ”. Gọi là màn hạ cho dễ hiểu, chứ chúng tôi diễn kịch ngoài trời, đâu có màn che, trướng rủ gì!…

Dẫu vậy, Phùng Minh Tiến nhấn mạnh, tuy học trò diễn kịch cho nhau xem, nhưng các thầy cũng cho chúng tôi được mặc quần áo, đeo râu, đánh phấn, bôi mặt…đi ủng kiểu tráng sĩ ngày xưa, tùy từng vai trò…

Bạn tôi, những người đóng vai quân Tàu cũng được đội nón, mang đao hệt như quân…Tàu ngày xưa vậy.

Để khán giả (bạn học các lớp của trường) hiểu màn hạ, tới lúc này tôi phải phủ phục xuống sân, giống như lạy sống “cha tôi” Phùng Minh Tiến…

Chẳng biết có phải vì căng thẳng, quá mệt hay, còn muốn nhận thêm những tràng pháo tay, la hét ồn ào của các bạn mà, tôi đã nằm luôn như thế, cho tới khi một ông thầy bước tới, lay tôi dậy!

Sự chờ đợi “tái hiện” màn trình diễn “độc đáo” của hai diễn viên nhi đồng nghiệp dư” nơi tôi, không xẩy ra. Dường như tâm trí bạn tôi đang bay bổng hay, siêu tán tới một chân trời nào khác.

Tôi bất lực nhìn về con đường Euclid, vắt ngang, với những chiếc xe và, đám người Việt di chuyển mờ nhạt, lẫn với những người Mễ lố nhố… Phùng Minh Tiến lại nói về những người bạn học thời tiểu học.

Anh hỏi tôi có gặp lại Nguyễn Huy Hân, Nguyễn Viết Đĩnh, Phạm Gia Khánh, Nguyễn Văn Bằng, Thái Tú Hạp, Bùi Văn Bảo…?

Tôi nói, nhiều năm trước, thời Nguyễn Huy Hân có một nhà hàng trong khu thương xá Eden ở Falls Church, tôi vẫn gặp Hân, mỗi lần đến Hoa Thịnh Đốn. Tôi nói, hồi đó, người bạn đời của Hân là một ca sĩ. Nhưng dường như họ đã chia tay(?) Bảo và Bằng thì chưa lần nào. Từ ngày sức khỏe “có vấn đề”, tôi ít lui tới phở Nguyễn Huệ, nên cũng không biết văn phòng khai thuế của Nguyễn Viết Đĩnh còn trong khu đó? Phạm Gia Khánh cũng vậy. Khánh về hưu, nhường phòng mạch cho người cháu là một bác sĩ trẻ; tôi không còn cơ hội.

Riêng Thái Tú Hạp, chủ nhiệm tuần báo Saigòn Times, rất thành công, ở Los Angeles, đã lâu, tôi cũng chưa được gặp lại.

Tôi hỏi phần Tiến? Bạn tôi nói, vẫn giữ được liên lạc ít nhất với hai bạn thuở nhỏ là Phạm Gia Khánh và Thái Tú Hạp. Anh bảo:

“Già rồi mà còn gặp nhau, biết được tin tức của nhau là một hạnh phúc to lớn…”

Câu nói vô tình của bạn tôi, như một mảnh gương, cho tôi thấy mình, cũng đang có một hạnh phúc lớn..

Cái hạnh phúc được đứng với bạn thời tiểu học; giữa buổi trưa quê người. Lúc nắng tháng Năm, mùa xuân ở California, còn như tơ nõn, thả những giải lụa vàng lên vai cảnh vật, xanh. Tôi gặp lại ấu thơ mình. Tôi gặp lại Hội An / Chùa Cầu những ngày lũ. Lụt. Những ngày nước sông Thu Bồn dâng cao, xóa trắng đôi bờ.

Nó cũng xóa trắng hàng chục câu hỏi mà, tôi đã định sẽ tuần tự hỏi bạn!

Du Tử Lê

(June 18 – 2010)

————————————————————————————————-

(1): Nhan đề đúng của vở kịch thơ này là “Hận Nam Quan” của thi

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics