1.. chuyến đi của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc(NBG)2..đại họa`Hồng vệ binh VN' (VT Hảo)3.Trump mạnh tay với T.Q ở Biển Đông-

Đôi điều về chuyến đi của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Người Buôn Gió

Nguồn:nguoibuongio.com- Chủ Nhật, 4 tháng 6, 2017


Đầu tiên là những hình ảnh đón tiếp quá tệ hại của Hoa Kỳ đối với Nguyễn Xuân Phúc,  không có những quan chức cao cấp, chỉ một vài nhân viên đến nỗi báo chí Việt Nam còn không biết tên và chức vụ của họ , buộc phải mô tả chung chung là nhân viên ngoại giao Hoa Kỳ.  Các phóng viên kỳ cựụ về việc bỡ đợ đi theo Phúc không thể nào chớp được tầm hình để nâng tầm hoành tráng cho vị thủ tướng của mình, tất cả các tấm hình đều được chụp lấy phạm vị hẹp để tránh những hình ảnh xuề xoà xung quanh lọt vào khung hình.

 Nhìn hình ảnh Trump đứng ở cửa Nhà Trắng đón Phúc,  người ta không hiểu ông Trump đón ông Phúc vào ở đâu, nếu như báo chí Việt Nam không ghi chú đó là nhà trắng. Tấm hình không nói nên điều ấy,  vì  trong khuôn hình chỉ mỗi một cánh cửa nhỏ và hai nguyên thủ quốc gia bắt tay nhau ở đó. Cái cửa mà Trump đón Phúc như một lối đi ra vườn. Nếu so hình ảnh mà Hoa Kỳ đón tiếp Nguyễn Tấn Dũng trước đó với việc đón Nguyễn Xuân Phúc ngày nay thì dường như thấy sự khác biệt khá rõ rệt.

 Việc đón tiếp lạnh nhạt và theo nghi lễ tối thiểu cho phải phép như thế đã thấy kết quả của cuộc gặp sẽ thế nào. Được ấn định trong vài chục phút hội đàm với tổng thống Trump, không có thời gian kéo dài thêm, sau màn chào hỏi và vài lời xã giao đến vài trao đổi, Trump là người ấn định cuộc chơi mặc dù báo chí Việt Nam chỉ thấy đưa tin rằng thủ tướng nói thế này, ý kiến nọ , đề nghị kia.

 Hoa Kỳ  đòi Việt Nam ủng hộ vấn đề phi hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên, cải thiện thâm hụt thương mại của Hoà Kỳ với Việt Nam,  tiếp tục quân nhân Mỹ mất tích, tình trạng nhân quyền ở Việt Nam…và cuối cùng là việc Hoa Kỳ cần một trụ sở ngoại giao khang trang và rộng rãi hơn ở Hà Nội. Đổi lại Hoa Kỳ ủng hộ Việt Nam tổ chức thành công hội nghi Apec và hoà bình trên biển Đông.

Hoa Kỳ đãi tiệc cho Nguyễn Xuân Phúc ở trụ sở Bộ Ngoại Giao chứ không phải Nhà Trắng.

Đón tiếp sơ sài, đòi hỏi nhiều thứ …đó là sự khác biệt trong quan hệ ngoại giao Hoa Kỳ và Việt Nam so với những năm trước đây. Điều này phản ánh đúng  bản chất thực tế trong quan hệ hai nước, cho thấy Việt Nam muốn nâng cao vị trí của mình trong con mắt quốc tế thì phải có nhiều nỗ lực để được quốc tế chú ý, những nỗ lực mang tính tích cực chứ không phải những nỗ lực của các nghệ sĩ Việt Nam trên sân khấu tạo những vụ bê bối để gây chú ý dư luận.

 Nếu là một người có liêm sỉ, hẳn thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ nhận mình cần phải làm những gì để lần sau đến Hoa Kỳ được đón tiếp trọng vọng hơn. Không phải chỉ là việc cơi nới một vài điều khoản trong chính sách cho nhà đầu tư nước ngoài là đủ, bởi những nhà đầu tư Hoa Kỳ còn nhiều thị trường khác trên thế giới này hấp dẫn với họ hơn. Vì thế, vấn đề nhân quyền ở Việt Nam nếu như được giải quyết tốt sẽ là cách nâng cao vị thế Việt Nam tốt hơn cả.

 Chuyến đi Hoa Kỳ lần này là bài học cho thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, một chuyến đi có thể khẳng định là thất bại toàn diện về mọi mặt hay nói cách khác là sự xuống cấp thảm hại trong quan hệ Việt Nam với Hoa Kỳ.

 Hy vọng ông Phúc sẽ sáng mắt và có những cải cách để nâng vị trí của mình lên ở những chuyến đi sau tới các nước phương Tây khác. Những vụ việc đàn áp tôn giáo, nhân quyền bằng các sử dụng côn đồ, vũ lực ở khắp đất nước Việt Nam ngày càng gia tăng mức độ rộng hơn, nhiều hơn và tàn bạo hơn trong nhiệm kỳ ông làm thủ tướng, các vụ việc này đều được các tổ chức nhân quyền quốc tế báo cáo rõ ràng tới quốc hội ở những quốc gia tiến bộ, đặc biệt là thái độ của chính phủ Việt Nam thiếu thiện chí xử lý giải quyết ô nhiễm môi trường. Nhìn những gì mà Trump thể hiện từ khi ngồi ở Nhà Trắng đến nay, và thái độ đón tiếp thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa qua có lẽ cộng sản Việt Nam khó mà trông đợi gì vào Hoa Kỳ khi Trump còn làm tổng thống. Tuy nhiên thì vẫn còn nhiều cường quốc tiến bộ văn minh khác đang trông chờ nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam tỏ ra văn minh và tôn trọng môi trường, tôn trọng quyền con người để nâng cao hợp tác quan hệ.

Muốn người ta coi trọng mình hay khinh thường mình là do mình. Sự đón tiếp  của những cường quốc tiến bộ mới là những thước đo xem vị trí của Việt Nam có cao trong quốc tế hay không, chứ sự đón tiếp của các quốc gia độc tài như Trung Quốc, Nga, Cuba dù hoành tráng đến mấy cũng không nâng tầm quốc tế cho Việt Nam lên, trái lại còn làm người ta kinh tởm hơn.

 Là người háo danh, sĩ diện và thích được tâng bốc,  Nguyễn Xuân Phúc sau chuyến đi Mỹ này chắc về chắc sẽ biết làm gì để đến châu Âu vào những lần tới đây.

…………………………………………………………………

Phòng ngừa đại họa “Hồng vệ binh VN“
Thứ Bảy, 05/27/2017 – 04:43 – vothihao

Nguồn:vothihao’s blog -RFA Vietnam-

Bằng sự tăng cường mức độ, thủ đoạn đàn áp người bất đồng chính kiến và người dân khiếu kiện vụ Formosa, nhóm quyền lực đang nắm thế thượng phong trong hệ thống cầm  quyền VN đã tự cáo giác về họ. Rằng quyền lợi của họ và thủ pahjm hại nước hại dân là một. Chỉ có như thế thì họ mới có thể giày xéo lên quyền lợi của đất nước và nhân dân để  bảo vệ tuyệt đối cho những kẻ ngoại bang đã hủy diệt môi trường biển VN và dồn hàng triệu ngư dân cũng như những người làm các ngành kinh tế liên quan đến thủy hải sản vào con đường khốn quẫn.

 Các nạn nhân mòn mỏi chết trong vô vọng không lối thoát khi những người nắm quyền lực và thủ phạm cùng chung quyền lợi, cố kết bảo vệ nhau. Điều mà phe đàn áp làm lâu nay dân là mô phỏng một số cách quản trị độc tài và nhiều thủ đoạn khủng bố, hãm hại các nạn nhân không chịu cúi đầu im lặng

    Chuyện lạ: trẻ em  ồ ạt xuống đường đòi “giết người“:

Chúng ta vừa chứng kiến một trong những thủ đoạn khủng bố gây nguy hiểm đối với xã hội vừa được đem ra áp dụng vào ngày 6/5/2017, tại huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An.

 Qua hình ảnh được người dân ghi lại và đưa lên mạng xã hội cũng như tường thuật của những nhân chứng, thì đó dường như sự `sống lại` của những `Hồng Vệ binh` TQ từ thế kỷ trước. Nạn Hồng Vệ binh ấy đã gieo rắc không biết bao nhiêu kinh hoàng trên khắp đất nước TQ và để lại di chứng lâu dài không thể xóa bỏ về việc hủy hoại tâm hồn và nhân cách của những trẻ em ngay từ khi chúng mới bước vào đời.

Mục tiêu hãm hại của các Hồng vệ binh TQ  đã được cán bộ cách mạng chỉ ra và thường là để mặc chúng tự tung tác. Chúng hành động dựa trên lòng hận thù với trí thức và những thành phần ưu tú hơn, khá giả hơn trong xã hội những bần cố nông. Mục tiêu của chúng cũng là những người dám nói sự thật, không cúi đầu làm theo những mệnh lệnh bất lương của cán bộ thời Mao.

`Cỗ máy cái sản xuất` hàng triệu Hồng Vệ binh đường sá` ấy là nhà cầm quyền TQ dưới sự dẫn dắt của Mao Chủ tịch. Bằng việc “nhồi sọ“, huấn luyện và kích động, ép buộc hàng triệu trẻ em đang ở tuổi thiếu niên và sau đó là thanh niên chưa hiểu biết gì về pháp luật cũng như đạo lý làm người xuống đường, họ đã biến chúng trở thành những kẻ tàn nhẫn, manh động, sẵn sàng dùng sức mạnh hung tợn của đám đông, sự liều chết mù quáng cho cái gọi là `lý tưởng cộng sản`để làm vũ khí thực hiện bất kể ý muốn nào của nhà cầm quyền.

 Hiện trạng Hồng Vệ binh TQ bị phê phán là một trong những tội ác lớn nhất của mọi thời đại. Đây là một trong những hành vi đại ác khiến cho Mao bị đời đời nguyền rủa và bị thế giới xếp hạng đầu tiên trong số những trùm tội ác của nhân loại.

Không ai có thể tưởng tượng được nỗi kinh hoàng mà đám Hồng vệ binh TQ. Chúng tràn khắp đường sá, rầm rộ như cả một rừng mãnh thú nhe những “răng nanh“ nhỏ nhưng đã được mài rất sắc nhọn, với gương mặt non trẻ  ngây thơ khiến người ta xao lòng và chủ quan. Bên trong là chúng lại được đào tạo lại già dặn về kinh nghiệm áp đảo và vu oan giá họa.

Chúng đã là những cơn lũ quét, góp phần quan trọng trong giàn vũ khí triệt hạ hữu hiệu cho nhà cầm quyền của Đại Cách mạng Văn hóa, Đại nhẩy vọt… Khoảng 67 triệu người TQ vô tội đã bị chết đói hoặc bị đấu tố, giết chết trong thời kỳ này, mà đáng tiếc thay, hầu hết là tầng lớp tinh hoa(theo  `Mao Trạch Đông ngàn năm công tội` , tác giả: Tân Tử Lăng)

Nạn Hồng vệ binh TQ, sau khi chính quyền TQ có những cải cách, đã chìm xuống và không dám hoạt động một cách trắng trợn nữa. Gần đây mới xuất hiện hiện tượng Hồng vệ binh trên mạng Internet.( `Hồng Vệ binh kiểu mới: sinh viên yêu nước TQ` – BBC.com, 25.5.2017). Dù vẫn áp dụng nhiều biện pháp đàn áp nhân quyền nhưng nhà cầm quyền TQ cũng không đủ can đảm làm việc ô nhục và nguy hiểm là thổi hồn cho những `thây ma` Hồng Vệ Binh đường sá` sống lại.

 Ngày 6.5.2017, người VN không khỏi sửng sốt khi thấy bóng dáng của nạn `Hồng Vệ binh đường sá` trong những cuộc biểu tình phản đối linh mục Đặng Hữu Nam và các giáo dân đi kiện Formosa của Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên và các thiếu nhi tại huyện Quỳnh Lưu.

 Cuộc biểu tình này, được nhiều nhân chứng chứng minh là do chính quyền đứng đằng sau tổ chức, đã làm sống lại không khí đấu tố, thù hận, bất chấp công lý khi họ vu cáo và kết tội linh mục Đặng Hữu  Nam và các giáo dân. Lần đầu tiên người ta thấy đông đảo “Hồng vệ binh VN“ lao ra đường, tay cầm gậy gộc, khí thế hung hăng và hò hét `Bác Hồ muôn năm( Hồng vệ binh TQ cũng hô `Mao Chủ tịch muôn năm trước khi đấu tố hoặc giết ai đó). Đám đám trẻ em này đòi “tử hình cha Nam“và mạt sát những người đi kiện Formosa đòi công lý!

Đặc biệt là chúng đòi tử hình một linh mục hoàn toàn tuân thủ pháp luật VN, đang phải chịu bao nguy hiểm, bị vây hãm, bị xua đuổi, từng bị công an đội lốt côn đồ đánh đập đổ máu trong khi đang cùng người dân Nghệ An đi bảo vệ quyền lợi cho cả chính gia đình chúng.

Hiện tượng này khiến nhiều người không thể không lo ngại, cảm thấy trước thảm họa đối với người VN nếu không ngăn chặn việc một số người trong chính quyền tiếp tục dùng công cụ “Hồng Vệ binh VN“ để đàn áp.  Phải chăng, họ nghĩ rằng dùng lực lượng công an đội lốt côn đồ để đàn áp dân, giết dân trong đồn công an là chưa đủ tàn bạo và bây giờ họ quyết định lơi dụng sự ngây thơ của trẻ em để tạo sức ép đấu tố, đàn áp mù quáng?

Ai đã tàn nhẫn biến những thiên thần trong trắng đầu đời ấy biến thành những “Hồng Vệ binh“ một mực đòi giết người để bảo vệ sự tồn tại của Formosa?

Trong vụ đấu tố vừa rồi, rõ ràng là hành động chia rẽ lương giáo có chủ đích và gây thù hận. Nhưng linh mục Nam và các bà con giáo dân đã điềm tĩnh nêu gương không oán giận, ủng hộ quyền tự do biểu đạt ý kiến và quyền biểu tình của người dân, lại còn tiếp tế bánh và nước cho những người đang muốn giết mình. Cách ứng xử khiêm nhường, hành động bao dung độ lượng đó có thể hóa giải sự thù hận và cảnh “nồi da nấu thịt“ mà những kẻ bán nước đạo diễn tội ác mong muốn.

Mặc dù vậy, không thể không cảnh giác với thủ đoạn “đóng đinh câu rút“ mới, dùng bổn cũ soạn lại của quan thầy TQ, là dùng “Hồng Vệ binh VN“.

Quốc hội và các nhà trí thức, nhà giáo dục, đặc biệt là các bận cha mẹ cần lên tiếng trước vấn đề này để bảo vệ trẻ em và xã hội.

………………………………………………………………

Chiến dịch “Đá Vành Khăn”: Trump mạnh tay với Trung Quốc ở Biển Đông
Nguồn: RFI – Mai Vân – 05-06-2017 15:48

 

Khu trục hạm có trang bị tên lửa dẫn đường USS Dewey quá cảnh Biển Đông ngày 06/05/2017. Ảnh tư liệu của Hải Quân Mỹ.
Kryzentia Weiermann/Courtesy U.S. Navy/Handout via REUTERS

Phải chờ đến bốn tháng sau ngày tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức, ngày 25/05/2017 vừa qua mới thấy một chiến hạm Mỹ tiến vào tuần tra bên trong khu vực 12 hải lý chung quanh một hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi đắp tại vùng quần đảo Trường Sa (Biển Đông).

Trong bài phân tích đăng trên nhật báo Singapore The Straits Times ngày 02/06 vừa qua, tiến sĩ Lynn Kuok, nhà nghiên cứu tại Đại Học Cambridge, Anh Quốc, thỉnh giảng tại Trung Tâm Luật Quốc Tế, Đại Học Quốc Gia Singapore, đã nhận định rằng: chiến dịch khẳng định quyền tự do lưu thông hàng hải tại Biển Đông đầu tiên thời chính quyền Trump là một dấu hiệu cho thấy là Mỹ vẫn tiếp tục dấn thân vào khu vực.

Bên cạnh đó, căn cứ vào một số thông tin hiếm hoi có được về chiến dịch được khu trục hạm USS Dewey, thuộc Hạm Đội 3 Hoa Kỳ thực hiện ở khu vực Đá Vành Khăn (Mischief reef), có thể thấy là lần này, so với thời tổng thống Obama, Washington đã bắn đi một tín hiệu cứng rắn hơn về phía Trung Quốc.

Một cuộc tuần tra cho thấy quyết tâm tiếp tục dấn thân

Mở đầu bài viết mang tựa đề « Chiến dịch tuần tra đầu tiên của chính quyền Trump vì quyền tự do hàng hải ở Biển Đông: Trễ còn hơn không », tác giả bài phân tích trước hết ghi nhận tâm lý nóng ruột của cả giới quan sát lẫn các đối tác và đồng minh trong khu vực trước sự kiện chính quyền mới tại Mỹ có vẻ như bất động về Biển Đông.

Ngay từ đầu, các nhà quan sát đã tự hỏi là liệu chính quyền Donald Trump có tiến hành chiến dịch tự do hàng hải gần những đảo tranh chấp ở Biển Đông hay không, và nếu có thì vào lúc nào, và như thế nào. Theo họ, việc sẵn sàng tiến hành chiến dịch là dấu hiệu cho thấy quyết tâm của Mỹ trong việc bảo vệ luật quốc tế, đặc biệt là những quyền về hàng hải được quy định trong Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS. Nói một cách rộng hơn, đó là một chỉ dấu quan trọng của sự dấn thân của Mỹ trong khu vực.

Năm 2016, tức là năm cuối cùng trong nhiệm kỳ của chính quyền Obama, chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải tại Biển Đông đã được thực hiện theo nhịp độ 3 tháng một lần, và dù như thế, vẫn vấp phải lời chỉ trích là quá ít. Đồng minh và đối tác của Mỹ bên trong và cả bên ngoài khu vực đã càng lúc càng lo ngại khi thấy đã 4 tháng trôi qua mà chính quyền Trump vẫn không cho tiến hành một chiến dịch tự do hàng hải nào. Điều đó đã khiến nhiều người tự hỏi là phải chăng chính quyền Mỹ đã bỏ rơi Biển Đông để đánh đổi lấy hợp tác của Trung Quốc ở nơi khác, như trên vấn đề Bắc Triều Tiên chẳng hạn.

Tàu Mỹ tập trận thực sự bên trong vùng 12 hải lý của Đá Vành Khăn

Thông tin về chiến dịch mới đây của chiến hạm Mỹ USS Dewey bên trong vùng 12 hải lý quanh Đá Vành Khăn, quần đảo Trường Sa, như vậy đã chấm dứt hàng tháng trời thắc mắc. Một quan chức Mỹ xin giấu tên, nhấn mạnh rằng « chiến hạm USS Dewey đã thực hiện một cuộc « diễn tập bình thường », với bài tập « điều khiển con tàu » bên trong vùng 12 hải lý của Đá Vành Khăn. Một số thông tin còn nói rõ là chiếc tàu cũng đã di chuyển ngang dọc theo hình chữ Z, thậm chí còn thực hiện một cuộc diễn tập cứu « người bị rơi xuống biển ».

Đối với chuyên gia Lynn Kuok, như vậy là hiển nhiên chiến hạm Mỹ đã không áp dụng thủ tục « qua lại vô hại » khi đi qua vùng biển của một nước khác.

Theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, khi đi qua vùng 12 hải lý của một lãnh thổ nào đó, kể cả đảo, tàu một nước khác phải thực hiện cái gọi là thủ tục « qua lại vô hại – innocent passage ». Dù không cần phải xin phép nước có chủ quyền, nhưng khi đi qua thì phải đi thẳng và liên tục, không được có hành vi hay hoạt động không tốt cho « hòa bình, trật tự hay an ninh » đối với quốc gia có chủ quyền, ví dụ như hoạt động quân sự hay do thám. Một bài tập kiểu « cứu người rơi xuống biển » rõ ràng là không phù hợp với quy định về quyền qua lại vô hại.

Còn ở bên ngoài vùng 12 hải lý, theo UNCLOS, đó là quyền tự do hàng hải, với một loạt quyền trong đó có tự do lưu thông hàng hải, hàng không… Tự do hàng hải đối với phần đông các quốc gia trong cộng đồng quốc tế còn bao hàm quyền thao diễn quân sự, hoạt động do thám.

Khi một quan chức Mỹ mô tả là chiếc tàu USS Dewey đã thực hiện những « nhiệm vụ bình thường » và một bài tập « điều khiển con tàu », thì điều đó có nghĩa là Mỹ không áp dụng thủ tục qua lại vô hại, dùng khi đi qua hải phận quốc gia, mà là thực hiện quyền tự do hàng hải, một quyền khi di chuyển trên biển khơi và trong vùng đặc quyền kinh tế tính từ bờ biển.

Không công nhận lãnh hải quanh Đá Vành Khăn

Đối với chuyên gia Lynn Kuok, cách thức được chiến hạm Mỹ áp dụng đầy ý nghĩa, vì nếu chiếc USS Dewey tuân theo quy định trong thủ tục qua lại vô hại, thì điều đó có nghĩa là Mỹ ngầm công nhận Đá Vành Khăn là một hòn đảo đích thực có quyền có lãnh hải.

Chiến dịch tự do hàng hải đầu tiên của chính quyền Trump tại Biển Đông như vậy đã phù hợp với phán quyết tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye tháng 7 năm 2016 về Biển Đông, cho rằng Đá Vành Khăn nguyên là một thực thể nửa chìm, nửa nổi, cho nên không thể có hải phận hay vùng đặc quyền kinh tế, bất kể việc Trung Quốc đã bồi đắp đá này thành đảo nhân tạo.

Theo chuyên gia trên tờ The Straits Times, hiện không có cơ chế nào để thực thi phán quyết của Tòa Thường Trực La Haye, nhưng các chiến dịch tự do hàng hải phù hợp với quy chế các thực thể ở Trường Sa là một cách hậu thuẫn gián tiếp cho phán quyết.

Nói một cách khái quát thì việc thực hiện thường xuyên các chiến dịch này, phù hợp với luật quốc tế, sẽ giúp ngăn chận nỗ lực của Trung Quốc thực hiện trên thực tế việc kiểm soát Biển Đông.

Trung Quốc phản đối nhưng với lập luận không thuyết phục

Trước tiên Bắc Kinh tố cáo Mỹ tác hại đến « chủ quyền và an ninh » của Trung Quốc. Thế nhưng, như phán quyết của Tòa Trọng Tài đã xác định, Trung Quốc không thể có chủ quyền gì trên các bãi ngầm hay thực thể nửa chìm nửa nổi, trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của một quốc gia khác. Đá Vành Khăn lại nằm trong vùng đặc quyền kinh tế Philippines

Điểm thứ hai, Bắc Kinh phản đối việc chiếc USS Dewey đã đi vào  « vùng biển tiếp giáp của các đảo trong quần đảo Nam Sa (tên Trung Quốc gọi Trường Sa) của Trung Quốc mà không được phép của chính quyền Bắc Kinh ».

Thật ra cho dù Mischief Reef là một thực thể có lãnh hải, điều mà phán quyết Tòa Thường Trực đã hoàn toàn phủ nhận, thì tàu chiến vẫn có quyền đi qua theo thủ tục qua lại vô hại mà không cần xin phép trước.

Thứ ba, bộ Ngoại Giao và Quốc Phòng Trung Quốc đã đưa ra một loạt những lời tố cáo các chiến dịch tự do hàng hải: « hành động sai trái », « khiêu khích », « phô trương sức mạnh », « thúc đẩy quân sự hóa khu vực », « hành vi lệch lạc ».

Tuy nhiên, quan điểm của Hoa Kỳ và phần lớn các quốc gia là hoạt động đó chỉ là sự khẳng định quan điểm pháp lý một cách hợp pháp, ôn hòa…

Mỹ cần có thêm hành động dứt khoát chống lại yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông

Với việc chính quyền Trump thể hiện thái độ sẵn lòng tiến hành các hoạt động bảo vệ quyền tự do hàng hải trên Biển Đông, nhiều quốc gia trong khu vực đã thở phào nhẹ nhõm, mặc dù một cách kín đáo và tránh xa ánh mắt giận dữ của Trung Quốc…

Tuy nhiên, theo phân tích của chuyên gia Lynn Kuok, Bắc Kinh nên hiểu rằng cách tiếp cận của Mỹ không phải là chống Trung Quốc, mà bắt nguồn từ việc bảo vệ nguyên tắc của một trật tự dựa trên luật pháp, từ đó thúc đẩy hòa bình và ổn định.

Về phần Hoa Kỳ, nước này không thể chỉ dừng lại một chiến dịch duy nhất, nếu muốn duy trì ảnh hưởng chiến lược rộng lớn của mình trong khu vực. Mỹ cần thường xuyên khẳng định các quyền trên Biển Đông, theo tinh thần phù hợp với Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, đồng thời nên công bố rõ ràng và nhanh chóng các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải đó.

Riêng đối với chính quyền Trump, cần phải nghiêm túc thúc đẩy việc phê chuẩn UNCLOS để khỏi bị chỉ trích là đạo đức giả.

……………………………………………………………

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics