1."Đêm dài một đời" ..(DTL)2. Hưng khí vương thi, thơ phong thủy(NV)3.Ông "khói sóng"(DTL)

‘Ðêm dài một đời’, tác phẩm đẹp tới nao lòng của Lê Tất Ðiều
Nguồn::nguoiviet.com- August 5, 2016

Nhà văn Lê Tất Ðiều. (Hình: forum.phunuviet.org)
Du Tử Lê

Lê Tất Ðiều, một trong vài nhà văn của 20 năm VHNT miền Nam (1954-1975) được ghi nhận là thành công rất sớm. Khởi đầu bằng những truyện ngắn với bút hiệu Ái Nhân vào những năm giữa thập niên 1950, trước khi từ bỏ bút danh này, lấy tên thật Lê Tất Ðiều làm bút hiệu.

Thoạt đầu, truyện ngắn của họ Lê xuất hiện trên nhiều nhật báo, được người đọc đón nhận như một cây bút già dặn và, ít ai nghĩ rằng tác giả chỉ mới ở độ mười lăm, mười sáu…

Nhưng phải đợi vài năm sau, chính xác, năm 1966, khi Trung Tâm Văn Bút, xuất bản truyện dài “Ðêm Dài Một Ðời” thì, tài năng và tính nhân bản rực rỡ trong sự nghiệp văn chương của Lê Tất Ðiều mới thực sự được khẳng định. (1)

Tuy nhiên, năm 2012, nếu nhà sách Phương Nam, Saigon, không cho tái bản lần thứ nhất “Ðêm Dài Một Ðời” của họ Lê thì, có lẽ những độc giả trưởng thành sau biến cố tháng 4, 1975, sẽ không hề biết rằng trong kho tàng VHNT miền Nam, từng có một tác phẩm viết về tuổi thơ, ngây ngất tình người, “đẹp” đến nao lòng như “Ðêm Dài Một Ðời” của Lê Tất Ðiều.

Ngay khi “Ðêm Dài Một Ðời” được tái hiện sau hơn 40 năm bị chôn vùi, tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên đã có một bài điểm sách, như một cuộc gặp gỡ ở độ sâu tâm cảm với tác giả; đồng thời, theo tôi, cũng là một bài viết giá trị, vì khả năng mở rộng những ngõ ngách vi tế, rung động nơi tâm hồn người đọc. Họ Nguyễn viết:

“Những ngày đầu năm, đọc lại ‘Ðêm Dài Một Ðời’ như được trải nghiệm một cảm giác xa xót mà lung linh của tình người trong thời loạn. Không hiện lên với khói lửa và tàn khốc xương máu, chiến tranh đi sâu vào những phận người nhỏ bé và lầm lũi với sự âu lo chết chóc thường trực, với những chuyến tàu chở học trò về thăm quê nhà có thể bị trúng mìn bất cứ lúc nào, với những cuộc chia tay của đám học sinh nội trú được biến thành trò chơi đám ma… Bối cảnh cuộc chiến ở rất xa, thậm chí không được nhắc đến, nhưng lại rất gần, day dứt trong mỗi tâm hồn, biến cố cuộc đời.

“Lê Tất Ðiều được biết đến như một cây bút viết về ký ức tuổi thơ tuyệt vời. Nhưng trong ‘Ðêm Dài Một Ðời’, thế giới tuổi thơ lại có sức lay động mãnh liệt hơn cả. Ðó là thế giới của những tuổi thơ không nhìn thấy mặt trời, những đứa trẻ mù hoang mang và chưa thể tìm thấy sự chủ động trước đời sống.

“Tất cả hiện lên trong lời dẫn chuyện của cậu bé Thương, một cậu bé rơi vào cảnh mồ côi cha mẹ và mù lòa sau một chuyến tàu cán mìn trở thành học sinh nội trú ở trường khiếm thị. Sự chật chội thiếu thốn của không gian sống nội trú, những cuộc chia tay bạn bè không hứa hẹn gặp lại, mối quan hệ với những ‘người sáng’ đầy phức tạp và những tình cảm ân cần, trìu mến mà những nhóm thanh niên sinh viên tình nguyện dành cho bọn trẻ… đã tạo nên bức tranh đời sống kỳ lạ, đầy cảm động. Cả cái cách mà bọn trẻ trước khi rời xa môi trường nội trú tìm cho mình những nghề nghiệp, những nơi nương tựa để tiếp tục sống (người làm bàn chải, người bán vé số, người cố gắng khẳng định mình trong ban nhạc) cũng chồng chất ưu tư thân phận, song lại luôn ánh lên những niềm lạc quan trong trẻo vào cuộc đời, vào tình người.

“Lê Tất Ðiều viết về đời sống tâm hồn của lũ trẻ bằng sự đồng cảm đầy tinh tế. Ðó có thể là khoảnh khắc nhân vật tôi ngồi mân mê cái mấu xương nhô ra ở cổ tay bạn, đó là khi lũ trẻ mù chơi đàn, chính âm thanh làm cho chúng cảm nhận đầy đủ đời sống xung quanh xôn xao, thấy được mùi hoa ngâu phảng phất, thấy bóng tối bớt nặng nề…

“Nỗi buồn miên man thấm sâu vào nhạc văn của ‘Ðêm Dài Một Ðời’, có sức gợi mở và ám ảnh người đọc triền miên: ‘Tôi tìm được sự rung động, xúc cảm trong khi hát. Tôi phải nói về một thế giới nào đó, một thế giới mềm nhỏ kết bằng những nỗi buồn man mác, đôi khi chan chứa tình thương yêu. Tôi muốn hát thế nào để mọi người cùng hiểu về thế giới đó. Mọi người phải cùng sống, cùng bàng hoàng vì bài hát như tôi’ (trang 128).

“Có thể nói, đây là thứ văn chương hồn hậu, giúp người ta nghĩ đẹp, cảm xúc đẹp, sống đẹp và biết hướng tha với một tinh thần đầy rộng mở, chia sẻ, yêu thương. Ðâu đó, ta đã bắt gặp những nghịch cảnh, những đời sống chan chứa nghĩa tình, khốc liệt mà đằm sâu, sát thực mà rất thi ca trong một vài truyện ngắn của Duyên Anh, người văn chương cùng thời.

“Tràng Thiên (Võ Phiến) nhận xét rằng: ‘Ðọc Ðiều, ta tiếp cận một tâm hồn nhân ái, bao la và dịu dàng’…” (2)

……

Ðược biết, để viết “Ðêm Dài Một Ðời” (như đòi hỏi hay thói quen sống cùng, sống với nhân vật, nội dung tác phẩm của các tác giả tây phương, nhất là những nhà văn Hoa Kỳ); Lê Tất Ðiều đã bỏ rất nhiều thời gian để sống, tìm hiểu, ghi nhận tâm tình, sinh hoạt của các em khiếm thị nội trú ở trường khiếm thị, Saigon, qua tất cả mọi kênh mạch tâm cảm và đời thường…(3)

Phong cách này của nhà văn Lê Tất Ðiều, ở thời điểm xuất hiện “Ðêm Dài Một Ðời” là phong cách chưa hề phổ cập trong sinh hoạt sáng tác ở miền Nam…

Nói thế không có nghĩa bất cứ nhà văn nào cũng có thể có được cho tác phẩm của mình những vòng nguyệt quế, một khi chịu đi thực tế hay, thâm nhập thực địa, để xây dựng tác phẩm.

Tôi nghĩ, thành tựu của một sáng tác còn đòi hỏi nơi nhà văn nhiều yếu tố căn bản, quan trọng khác. Thí dụ, tài năng, tâm thái, mức độ nhậy cảm, khả năng quan sát, ghi nhận tinh tế, không vì một lý do nào khác hơn tình yêu, sự đồng cảm sâu lắng nhất, dành cho đề tài hay, nội dung tác phẩm.

(Kỳ sau tiếp)

Chú thích:

(1) ”Ðêm Dài Một Ðời” từng được trao giải truyện dài do TTVBVN/Saigon tổ chức.

(2) Nguồn Wikipedia-Mở.

(3) “Lê Tất Ðiều sinh ngày 2 tháng 8 năm 1942 tại Hà Ðông, vào Sài Gòn từ năm 1954; được biết đến qua tạp chí Bách Khoa, một tạp chí uy tín, thành công tại Sài Gòn trong giai đoạn dài, từ năm 1957-1975. Ngay từ tập truyện ngắn đầu tay có tựa “Khởi Hành,” do Bách Khoa xuất bản năm 1961, khi họ Lê chưa tới 20 tuổi, tác giả đã được giới phê bình và độc giả lúc bấy giờ đánh giá cao. Tính đến năm 1975, ông là tác giả của tám cuốn tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện dài gây được nhiều chú ý. Trong số đó có “Ðêm Dài Một Ðời” và “Những Giọt Mực” xuất bản năm 1974. Sau năm 1975 ông sang Mỹ và mở một bước ngoặt mới trong văn nghiệp: Không viết văn xuôi nữa mà chuyển hẳn sang làm thơ với bút danh Cao Tần. Các tập thơ nổi tiếng của ông trong thời kỳ này là: Thơ Cao Tần (1977), Thư về Bloomington, Illinois (1997). Cũng trong thời kỳ này, ông cộng tác với các tạp chí: Hồn Việt, Bút Lửa, Văn Học Nghệ Thuật trong chức vụ tổng thư ký hoặc chủ bút; từ năm 1990, làm cố vấn trưởng Thư Viện Toàn Cầu…” (Nđd)

………………………………………………………………………………………………..

Hưng khí vương thi, thơ phong thủy
Nguồn:nguoiviet.com- July 27, 2016

Hai tác phẩm Văn Học Ðời Trần xưa và nay của Ngô Tất Tố và Phạm Khắc Hàm. (Hình: Viên Linh cung cấp)Hai tác phẩm Văn Học Ðời Trần xưa và nay của Ngô Tất Tố và Phạm Khắc Hàm. (Hình: Viên Linh cung cấp)

Viên Linh

Trong những trận đánh làm thay đổi lịch sử, hoặc đưa một ông vua một triều đại lên ngôi đế bá uy nghi một phương trời, hoặc dìm chết một thời kỳ một kỷ nguyên xuống cõi phù trầm, tịch diệt, có ba trận đánh Nguyên Mông thời hai vua Trần Thánh Tông (1240-1290) và con là Trần Nhân Tông, thụy danh [tên được đời đặt cho sau khi mất] là Ðiều Ngự Giác Hoàng, sinh và mất (1258-1308). Trong phạm vi nhân văn, ông vua con là người hòa ái, quảng bác, nghiên cứu đạo pháp văn triết sử tới cõi vô cùng, trở thành vị tổ sư Trúc Lâm thứ nhất trong tam tổ [hai vị kia là thiền sư Pháp Loa và Thiền sư Huyền Quang]. Ông là vị vua thứ ba của Nhà Trần, triều đại trị vì đất nước được 175 năm, từ 1225 tới 1400. Về Văn Học, Việt Nam có hai thời kỳ rực rỡ nhất trong lịch sử, dân gian quen gọi Thơ Văn Lý Trần, bài này là phần sau của bài đã đăng tuần trước, “Ðiều Ngự Giác Hoàng, sách đầy giường.”

Bán song đăng ảnh, mãn sàng thư
Bóng đèn nửa cửa, sách đầy giường.
(Trần Nhân Tông)

Một nhà vua mà chiến trận vang lừng đã là vĩ đại, một nhà vua mà sách đầy giường còn tuyệt vời đến thế nào? Thái tổ nhà Trần cũng có thơ nói đến sách, không phải giường sách mà am sách:

Mã thủ thu phong xuy kiếm giáp
Ốc lương lạc nguyệt chiếu thư am
Ðầu ngựa thanh gươm, cơn gió thổi
Trên giường am sách, ánh trăng lồng.
(Trần Thái Tông, Ngô Tất Tố dịch)

Khi bàn tới Nhà Trần, đã không thiếu những chuyện truyền kỳ, đã vô vàn giai thoại, đã trường thiên mạn lục những ức đoán và chuyện kể, không thiếu huyền bí và hoang đường. Quê hương nhà Trần cụ thể là làng Tức Mặc, phủ Thiên Trường, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Hà Nam – sau này người ta quen viết tỉnh Nam Ðịnh, nhưng Nam Ðịnh chỉ là thành phố tỉnh lỵ của Hà Nam, và tên Nam Ðịnh chỉ có từ năm 1831 do vua Minh Mạng nhà Nguyễn đồng loạt đặt ra mấy chữ Hà Nội, Nam Ðịnh, Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ, những tiếng hành chánh của một giai đoạn. (1) Ngay tiếng Hà Nam thời thế kỷ XIII dường như cũng chưa chắc có, còn gọi là Sơn Nam thượng, Sơn Nam hạ nữa,…

Ði vào phong thổ, hay phong thủy, người ta hay nói tới những ngôi đất kết của nhà Trần, thành những chuyện dân gian hấp dẫn. Thuở vào những lớp đầu bậc trung học trong một khóa hè, người viết bài này vào học Trung học Phủ Lý, cách tỉnh lỵ Nam Ðỉnh khoảng 16, 17 dặm (khoảng hơn 30 cây số), nhưng không có chuyện gì để xuống Nam Ðịnh, dù chỉ một giờ đạp xe. Có truyền thuyết nói đến những ngôi đất để mả [huyệt địa] của nhà họ Trần, có ngôi được ra giá tới hai ngàn lượng vàng! Thủy tổ họ Trần đã mời một thầy Phong Thủy từ bên Tầu qua đi các nới xem đất, tìm cho được đất kết Ðế Vương, tốn bao nhiêu cũng được. Ông thầy Ðịa Lý này nói rằng ở nước Ðại Việt có hai ba nơi có đất làm vua, nhưng ông ta đòi muốn ổng làm việc đó, phải tốn vài ngàn lượng vàng.
Tượng Vua Trần Nhân Tông người hai lần đánh bại quân Nguyên trong thế kỷ XII với các danh tướng Trần Hưng Ðạo, Phạm Ngũ Lão và Hội Nghị Diên Hồng. (Hình: Viên Linh cung cấp)Tượng Vua Trần Nhân Tông người hai lần đánh bại quân Nguyên trong thế kỷ XII với các danh tướng Trần Hưng Ðạo, Phạm Ngũ Lão và Hội Nghị Diên Hồng. (Hình: Viên Linh cung cấp)

Lúc này Trần Cảnh (1218-1277) đã lên làm vua – làm vua từ lúc 7 tuổi, do vợ [!] là Lý Chiêu Hoàng nhường cho, cho nên các tôn thất họ Trần đã “nghĩ đến chuyện lâu dài” không chậm trễ. Nhưng phải chờ cho đến lúc Trần Khâm lên ngôi vua, tức là Trần Nhân Tôn. Ông vua đọc sách đầy giường này – chắc hẳn cũng có sách Phong Thủy – là người rất rành chuyện đó, chính ông là người biết rằng ngay làng ông, làng Tức Mặc, có một ngôi đất nếu phát tích, có thể ngôi vị sẽ lâu dài cho cả họ Trần.

Ngôi đất này do chính vua Trần Nhân Tông quan sát tìm ra.

Ðó là ngôi đất trên có một đền thờ, gọi Ðền Bào Lộc hay cũng gọi là Ðền Trần. Hãy nghe bài phê sau đây:

Mạch Ðế Vương

Mỹ Lộc chân quí địa
Tức Mặc bản thiên nhiên
Thủy ngoại thành hoàn nhiễu
Sơn nội vệ bản toàn
Lộc mã thiền tầm dược
Kim Châu vạn đóa liên
Quỷ hậu quần phong điệp
Chu tiền chúng tú viên.
Câu thương, âm dương hợp
Ðường trang, khí thế toàn
Cửu ngũ cư kiền cục
Tam bát hiện không huyền
Huyệt tại trung lạc nhũ
Ðốc sinh đại thánh hiền
Hưởng trung hưng trường tộ
An định lộc tái truyền
Phát đế vương vạn đại
Cơ nghiệp ức vạn niên.

Mỹ Lộc có đất quí
Trời cho làng Tức Mặc
Ngoại vi nước chảy quanh
Trong núi non bao bọc
Trong nổi gò Lộc Mã
Nhiều như vạn đóa sen
Phía sau tụ hội đá
Ðằng trước quây quần gò
Trên lợp mái âm dương
Dưới bày tròn khí thế
Chính Nam mở tại Kiền
Ba tám hướng ra Khôn
Huyệt kết tại bầu Nhũ
Tại đây sinh thánh hiền
Hưởng trung hưng vạn thuở
Bền vững lộc lưu truyền
Phát đế vương nối kiếp
Cơ nghiệp ức vạn niên. (2)

Trong chuyện Phong Thủy, có loại đất kế Dương Cơ, có loại đất kết Âm phần. Ðất nhà Trần là đất kết Âm phần, kết tại gò Nhũ (Vú). Người viết bài này không nghiên cứu về Ðịa Lý Phong Thủy, nên không dám bàn luận gì. Chỉ biết Nhà Trần quả đã xuất phát những danh tướng cho dân tộc, nhưng cũng mang tiếng về tham vọng gìn giữ ngai vàng, họ đã chủ trương chuyện nội hôn, cho anh chị em họ, thân thích lấy nhau, con cháu dâu rể gì đó đều cùng một họ, thậm chí cháu lấy thím, chuyện loạn luân là chuyện thường xảy ra.

Một vài nhà thơ và những bài thơ hay của Ðời Trần:

Trần Quang Khải
Tòng Giá Hoàn Kinh
Ðoạt sáo Chương Dương độ
Cầm Hồ Hàm Tử quan
Thái bình tu trí lực
Vạn cổ thử giang sơn.

Chương Dương cướp giáo giặc
Hàm Tử bắt quân thù
Thái bình nên gắng sức
Non nước ấy ngàn thu.
Trần Trọng Kim dịch. (3)

Trần Thánh Tông
Hạnh An Bang Phủ
Triêu du phù vân kiệu
Mộ túc minh nguyệt loan
Hốt nhiên đắc giai thú
Vạn tượng sinh hào đoan.

Sáng lên chơi mây núi
Chiều ngủ vịnh trăng xanh
Ðột nhiên đầy cảm hứng
Hoa bút vẽ muôn hình.
Vô Ngã dịch.

Chú thích:
1. Theo sách Ðại Nam Nhất Thống Chí do Quốc sử quán nhà Nguyễn biên soạn.
2. Tài liệu riêng và bản dịch của Hồ Tùng Nghiệp, Khởi Hành.
3. Văn Học Ðời Trần của Ngô Tất Tố và sách cùng tên của Vô Ngã Phạm Khắc Hàm.

……………………………………………………………………………………….

Ông ‘Khói Sóng’
Nguồn:nguoiviet.com-July 29, 2016

(Từ phải) Như Phong Lê Văn Tiến, Ðường Thiện Ðồng, Trần Huy Bích, Võ Phiến, Ngô Thế Vinh. (Hình: Diễn Ðàn Thế Kỷ)(

Du Tử Lê

Tôi không có nhiều kỷ niệm với nhà văn Như Phong. Nhưng, đó là người tôi hâm mộ từ thời còn học trung học ở Saigon.

Những tháng, năm cuối thập niên 1950, hầu như không buổi sáng nào, tôi không nôn nả tìm đọc cho bằng được nhật báo Tự Do. Những ngày không tìm được tờ Tự Do, tôi bấm bụng mua tờ báo này, trích từ số tiền ít ỏi kiếm được bởi công việc kèm trẻ tư gia.

Thời gian đó, tin tức, hình ảnh có trên tờ Tự Do, không phải là lý do để tôi say mê tờ báo ấy. Mà, bởi vì nơi trang hai và, trang ba, cố định ở phần dưới cùng trang báo, là hai trường thiên tiểu thuyết. Trang hai, là trường thiên “Tỵ Bái” của nhà văn Nguyễn Hoạt tức Hiếu Chân. Trang ba là “Khói Sóng” ký tên Lý Thắng. (Lý Thắng chứ không phải Như Phong/Lê Văn Tiến).

Hôm nay, nếu tôi nhớ không lầm thì tác giả “Khói Sóng” cho in chữ nghiêng, ngay dưới tựa đề tiểu thuyết, hai câu thơ:

“Quê hương khuất bóng hoàng hôn

Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.”

Sau, tôi mới biết đó là hai câu thơ cuối cùng trong bản dịch bài “Hoàng Hạc Lâu” của Tản Ðà.

Người đầu tiên cho tôi biết Lý Thắng, một bút hiệu khác của Như Phong/Lê Văn Tiến, là chủ nhiệm báo Tự Do, Phạm Việt Tuyền. Khi tôi nói với ông, tôi là “độc giả trung thành” của Lý Thắng. (Tuy đã biết rõ tên tác giả, nhưng tôi vẫn thích gọi là ông “Khói Sóng.” Cách gọi này, cho tôi cảm tưởng, tôi gần ông hơn).

Nhà văn Mai Thảo, người thứ hai giới thiệu tôi với… ông “Khói Sóng,” vài năm sau cuộc đảo chánh 1 tháng 11, 1963.

Nhớ đó là một buổi trưa, tôi ghé lại tòa soạn tạp chí Văn, lấy báo và nhận tiền nhuận bút. Tình cờ gặp Mai Thảo. Ông bảo tôi, nếu rảnh thì ra Givral uống café với ông. Tôi đề nghị chở ông bằng chiếc vespa cũ của mình… Ông từ chối và, bước lên chiếc cyclo dường đã chờ ông từ trước. Tôi đậu xe ở đường Lê Thánh Tôn, bên hông café La Pagode, thả bộ tới Givral. Khi bước vào, nơi chiếc bàn sát cửa kính bên tay phải, trông vào đường Tự Do, nhìn xéo qua tòa nhà Quốc Hội, tôi thấy một số nhà báo ngồi sẵn. Mai Thảo dừng lại chiếc bàn này, giới thiệu tôi với những người hiện diện. Trong số những tên tuổi tôi được giới thiệu hôm đó, ngoài ông Cao Dao/Huỳnh Văn Phẩm (nổi tiếng ở lãnh vực phê bình hội họa?), còn có ông “Khói Sóng.” Mai Thảo nói:

“Ðây là anh Như Phong/Lê Văn Tiến…”

Ðó là lần đầu tiên, tôi được gặp và bắt tay ông. Ngay trong gặp gỡ đầu tiên ấy, tôi những muốn nói, tôi hâm mộ trường thiên “Khói Sóng” của ông, từ nhiều năm trước. Vì bên cạnh ông, có nhiều người, tôi thấy, nên kiềm chế niềm vui của mình!

Lúc đã ngồi trên chiếc ghế cao nơi quay rượu, Mai Thảo cho tôi biết thêm, đại ý: Như Phong là em kết nghĩa với cố nhà văn Hoàng Ðạo, nhóm Tự Lực Văn Ðoàn. Ðồng thời, ông cũng là nhà báo, làm chính trị, giao du rất rộng và, có uy tín với số ký giả ngoại quốc…

Tôi nói, tôi thấy ông ta rất thư sinh, giống một nhà văn hơn là một người làm chính trị.

Mai Thảo, nheo mắt, cười cười:

“Thấy vậy thôi. Ðó là một tay chọc trời khuất nước đấy!”

Qua khung kính lớn, chạy suốt hai mặt đường của Givral, khi thoáng thấy nữ danh ca T.T. “người bạn đặc biệt” của Mai Thảo, tôi rời quầy rượu, bước tới bàn của ông “Khói Sóng” – – Lúc đó, chỉ còn mình ông và, dường như ông đang đọc tờ L’ Express. Rất lịch sự, ông gấp lại tờ báo, chỉ ghế, mời tôi ngồi.

Lần này, tôi nói ngay với ông rằng, tôi là một trong những người trẻ, hâm mộ trường thiên “Khói Sóng.” Và, ngập ngừng hỏi ông, tại sao ông ký tên Lý Thắng, mà không phải Như Phong/Lê Văn Tiến?

Ông nhìn tôi, như thăm dò, trước khi đáp, đại ý, với cái tên lạ hoắc, Lý Thắng, ông nghĩ sẽ tránh được cho tờ báo những khó khăn, dòm ngó từ phía chính quyền, cũng như các khuynh hướng chính trị khác, vì tính nhậy cảm của nội dung truyện. Trước khi xin phép ông trở lại sở làm, tôi nói, tôi cũng khâm phục ông trong bao nhiêu năm theo dõi “Khói Sóng” cũng như “Tỵ Bái,” chưa một lần nào tôi thấy tòa soạn phải “cáo lỗi” vì lý do tác giả ngã bệnh thình lình hay, công tác xa không kịp gửi bài về.

Ông cười bằng cả đôi mắt tinh anh, thoáng chút giễu cợt:

“Vì tôi không thuộc loại đó!”

Và, thật bất ngờ, khi ông hỏi, tại sao tôi lại thích “Khói Sóng”?

Tôi nói “bất ngờ” vì tôi không chờ đợi một câu hỏi như thế. Tôi lúng túng trả lời:

“Tôi cũng không biết tại sao nữa!!!”

Có dễ cảm được sự lúng túng, rất đỗi thành thật của tôi, nên chính ông, sau đó, đã gỡ rối cho tôi. Ông nói, ông hiểu. Vì:

“Khi ta yêu một tác phẩm văn chương, đôi khi cũng giống như yêu một người phụ nữ. Rất khó để có thể giải thích một cách minh bạch được…”

Sau chia tay, tôi tiếc, tại sao tôi không cho ông “Khói Sóng” biết, tôi yêu trường thiên đó, vì những nhân vật trong truyện có được một cuộc sống lý tưởng, đầy bất trắc, gian lao, tận hiến cuộc đời cho tổ quốc… Ðiều tôi không làm được!

Tính đến khi biến cố 30 tháng 4, 1975, tôi không có thêm dịp nào được trò chuyện với ông “Khói Sóng.” Mặc dù nhiều lần đi ngang qua Givral, nhìn vào chiếc bàn sát khung kính trông vào đường Tự Do, thỉnh thoảng tôi lại thấy ông ngồi với bằng hữu của ông. Ðôi khi bên cạnh ông là một vài nhà báo ngoại quốc (?).

Ở quê người, giữa thập niên 1990, qua hối thúc của bạn tôi, Trương Trọng Trác, tôi di chuyển về thành phố Houston, Texas, để nhận sự giúp đỡ, điều trị bệnh Thyroid của Bác Sĩ Hồ Tấn Phước, đồng môn CVA, lớp trước. Nửa chừng, vì lý do tình cảm, tôi phải “đào thoát” khỏi Houston, bay về Virginia, “tỵ nạn” ở nhà cựu trung tá TQLC, Nguyễn Văn Phán…

Thoạt đầu, tôi gần như không ra khỏi nhà dù ngày hay đêm. Sau một thời gian, thấy “mặt trận miền Tây” coi bộ “vẫn yên tĩnh”; để bớt cuồng chân, thỉnh thoảng, buổi chiều, tôi lại mượn xe của bạn, lái ra Phở Xe Lửa, trong khu Falls Church, của Toàn “Bò”, một bạn học thời niên thiếu.

Một buổi tối, ra về trước khi tiệm phở đóng cửa, trong khu parking mênh mông, vắng ngắt, tôi thấy một người đàn ông cao, gầy, lưng đeo chiếc ba lô nhỏ, thả bộ dưới những ngọn đèn và, hàng cây cypress thấp, ở những quãng cách không đều. Bóng ông, cũng không đều, thấp, cao hắt xuống mặt đường, những im lặng, thẫm. Như khắc, vạch từng vệt nhẫn nhục trên nền xi măng lạnh… Lái xe lại gần, tôi ngạc nhiên, hạnh phúc nhận ra ông “Khói Sóng.” Tôi dừng xe, bước xuống, nói, tôi muốn được đưa ông về.

Cũng phải nhiều giây sau, ông mới nhận ra tôi.

Trên đường đi, tôi hỏi thăm ông về những tháng, năm tù đày triền miên của ông. Ông kể, thản nhiên, như chuyện của một người nào khác, không phải ông.

Gần tới nhà ông, tôi nhắc lại buổi gặp gỡ lần đầu, giữa Saigon. Tôi nói, hôm nay, tôi mới có dịp cảm ơn ông, đã gỡ rối cho tôi, trước câu hỏi của ông, về lý do tôi say mê “Khói Sóng?” Tôi cũng kể, ngày đó, tôi ân hận là đã không nói ra cảm nhận của mình suốt bao nhiêu năm đọc “Khói Sóng”…

Vẫn với nụ cười bằng cả đôi mắt tinh anh và, thoáng chút giễu cợt, ông bảo:

“Khi người ta hiểu được tại sao mình yêu người nào đó, thì tình yêu sẽ bị giảm đi ít nhiều…”

Tôi đáp:

“Hoặc trái lại?”

“Có thể!” Ông nói.

Tôi thêm:

“Tôi ước ao trong đời mình, một lần được đọc lại ‘Khói Sóng’, nơi đất khách.”

Giọng ông trùng xuống. Ông bảo:

“Khó lắm!”

Nhưng rồi ông tiếp ngay, đầy tin tưởng:

“Tuy nhiên…”

Hai chữ “tuy nhiên” của ông, làm tôi liên tưởng tới những bài viết về ông, tôi được đọc. Hầu hết cho thấy, “lạc quan” tựa ngọn hải đăng chưa bao giờ ngưng rọi suốt hành trình nồng nàn tình yêu đất nước của ông.

Rồi, khi ông khuất sau cánh cửa gỗ lớn, tôi thấy, dường ông không chỉ đem theo hai chữ “tuy nhiên” mạnh mẽ mà, trong mắt, trong chiếc ba lô nhỏ của ông, còn có biết bao đời…“Khói Sóng.” Những đời sống bất tử (trong đó có ông), cả khi họ và ông, không còn nữa!!

(Calif. Tháng Bảy 2016)

……………………………………………………………………

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics