1.Đỗ Kim Bảng và, ca khúc 'Bước chân chiều chủ nhật'(DTL)2.Bài La Paloma..(RFI)3.Những điều Mai Lệ Huyền..(ĐứcTuấn/NV)-

Ðỗ Kim Bảng và, ca khúc ‘Bước Chân Chiều Chủ Nhật’
Nguồn:nguoiviet.com-Friday, July 25, 2014

Du Tử Lê

(Tiếp theo và hết)

do kim bang 1.jpg1

Nhạc sĩ Ðỗ Kim Bảng. (Hình: hopamviet.com)

Có thể rất nhiều người biết tên nhạc sĩ Ðỗ Kim Bảng. Bởi ngoài một số ca khúc rất nổi tiếng, ông còn là một nhà giáo dạy nhiều trường khác nhau; từ các trường trung học phổ thông, tới Võ Bị Ðà Lạt. Nhưng, là người ít khi nói về mình, nên có dễ ít ai biết rõ tiểu sử của ông.

Trong số những tư liệu được lưu trữ trên Internet thì, tư liệu sau đây, về cuộc đời cũng như sự nghiệp của họ Ðỗ, theo chỗ chúng tôi thấy, tương đối đầy đủ hơn cả. Tài liệu vừa kể cho biết:

“Nhạc sĩ Ðỗ Kim Bảng gốc Quảng Nam, sinh năm 1932 tại Huế. Ông là bạn đồng khóa với nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương từ trường trung học Khải Ðịnh cho đến trường Cao Ðẳng Sư Phạm và Ðại Học Văn Khoa Hà Nội. Ông học đàn với nhạc sĩ Lê Quang Nhạc, học lóm nhạc lý Tây phương với nhạc sĩ Văn Giảng và học thêm cổ nhạc với nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba. Những năm học trung học ông tham gia sinh hoạt văn nghệ trong trường và trong Gia Ðình Phật Tử với các bạn như Phạm Mạnh Cương, Hồ Ðăng Tín, Hoàng Nguyên, Kiêm Ðạt, Diên Nghị, Tạ Ký (thơ), Minh Tuyền (nhiếp ảnh), Lữ Hồ (văn học)…

“Năm 1949, ông sáng tác ca khúc ‘Mục Kiền Liên’ và trình bày trong mùa Vu Lan tại Huế.

“Năm 1951, ông làm bài ‘Mùa Thi’ được ban hợp ca Thăng Long dựng thành nhạc cảnh và trình diễn nhiều nơi ở trong nước.

Hôm nay mùa thi , bao nhiêu người đi
Xe rộn ràng, lớp ồn ào, niềm vui vấn vương.
Thi ơi là thi, sinh mi làm chi ,
“bay” nghẹn ngào, “bám” ồn ào, buồn vui vì mi.

“Sau đó được ban Gió Nam của nghệ sĩ Trần Văn Trạch cùng ban Thăng Long trình diễn ‘Mùa Thi’ tại Hà Nội năm 1954. Ban Thăng Long đã làm bài hát này nổi tiếng và đưa tên tuổi ông đến giới hâm mộ nhạc VN.

“Năm 1953, ông ra Hà Nội học tại Ðại Học Văn Khoa và Cao Ðẳng Sư Phạm. Trong thời gian này ông học thêm âm nhạc với nhạc sĩ Hùng Lân. Cuối năm 1954, ông di cư vào Saigon.

“Năm 1955, ông tốt nghiệp Cao Ðẳng Sư Phạm, được Bộ Giáo Dục biệt phái sang Bộ Quốc Phòng và dạy tại trường Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt từ 1955 đến 1960. Trong thời gian này ông sáng tác bản “Khúc Hát Ngày Mai” được ban Thăng Long trình bày trên đài phát thanh Saigon và đài Quân Ðội.

“Năm 1960 về lại Bộ Giáo Dục ông dạy tại trường Trần Lục rồi Nguyễn Du. Trong năm này ông cho ra đời bài ‘Mưa Ðêm Ngoại Ô’ và năm 1963 bài ‘Bước Chân Chiều Chủ Nhật’ do Thanh Thúy hát.
“Năm 1965 ông nhập ngũ khóa 21 trường Võ Bị Thủ Ðức… Ra trường với cấp bậc chuẩn úy (…) Năm 1969 ông được biệt phái về lại Bộ Giáo Dục và tiếp tục dạy học cho đến tháng 4, 1975. Sau đó, ông đi học tập cải tạo đến năm 1978.

“Năm 1980, ông vượt biên rồi được định cư tại Hoa Kỳ. Ông đi học lại nghề cũ và dạy học ở Boston cho đến 1999 thì về hưu. Trong thời gian ở Mỹ ông phổ nhạc bài thơ “Tháng Ba Ði Hành Quân” của Trần Hoài Thư.

“Ngoài những nhạc phẩm nêu trên ông còn những sáng tác khác như: Mưa Ðêm Ngoại Ô, Sương Ðêm, Vòng Tay Giữ Trọn Ân Tình, Vui Dựng Gia Ðình, Xin Dìu Nhau Ðến Tình Yêu.”

(Trích Nguyệt San Việt-Nam, chủ đề “Những Nhạc Sĩ Gốc Huế” (Bách khoa toàn thư mở – Wikipedia)

do kim bang 2.jpg1

Bìa nhạc “Bước Chân Chiều Chủ Nhật.” (Hình: Hồ Ðình Vũ)

Tuy nhiên, nhạc sĩ Ðỗ Kim Bảng không chỉ nổi tiếng với ca khúc “Mùa Thi,” một ca khúc hiếm hoi của kho tàng tân nhạc miền Nam 20 năm. Ông cũng không chỉ nổi tiếng với thể loại nhạc đạo, điển hình qua ca khúc “Mục Kiền Liên” mà, ông còn nổi tiếng, đồng thời nhận được sự trân trọng của những người cùng giới, khi ông sáng tác ca khúc “Bước Chân Chiều Chủ Nhật” năm 1963.

Ở thời điểm này, dòng tân nhạc miền Nam đang bị quá tải bởi những hình ảnh “anh anh / em em” sướt mướt, ủy mị… Hoặc bị “hội chứng mùa Thu” vì, nhạc sĩ nào, dù lớn hay bé, chí ít cũng có dăm ba ca khúc viết về mùa Thu… Mặc dù miền Nam về phương diện khí hậu, thời tiết, mỗi năm chỉ có hai mùa rõ rệt là mùa nắng và mưa. Khí hậu hay thời tiết miền Nam, không giống miền Bắc. Mùa Thu hay mùa Ðông, nếu có chỉ thoảng qua trong tưởng tượng, trong hư cấu của rất nhiều nhạc sĩ mượn mùa Thu, để “biểu dương” tính lãng mạn cao độ của mình?!

Ðỗ Kim Bảng thì không. Tuyệt nhiên ông không cố tình ôm lấy hay “thét gào mùa Thu.” Ngược lại, ông để lại cho đời “Bước Chân Chiều Chủ Nhật” – Một ca khúc mà, giai điệu mới lạ ông đem đến cho nó, khiến tự thân nó bật sáng. Chói lọi. Một cõi. Ngay ca từ của ca khúc này, người ta cũng không tìm thấy một nhân xưng đại danh tự “anh anh / em em” nào. Ngoài một chữ “tôi,” nhân xưng đại danh tự ngôi số ít, mở đầu phân khúc cuối: “Tôi thích lang thang trong chiều Chủ Nhật.”

Cách khác, với tôi, ngọn hải đăng soi suốt dòng chảy ca từ của “Bước Chân Chiều Chủ Nhật” chính là “những bước chân” và “những chiều Chủ Nhật” nào đó, của một Saigon, xưa, cũ:

Ðêm vẫn chưa buông nhưng chiều dần tàn
Mây tím giăng ngang trên trời Sài Gòn
Phố phường chìm trong tiếng đời nỉ non
Lòng ai như vấn vương, ai về chan chứa tình thương

Ôi tiếng chân đi trong chiều chủ nhật
Nghe quá bâng khuâng nghe sao rời rạc
Như từng hạt mưa rớt đều mái hiên
Nhịp chân vương bóng đêm, khuất dần cuối đường phố yên

Bước chân khắc khoải đi khi ngày vui vừa hết,
thôi luyến lưu mà chi
Bước chân nhuốm hoàng hôn
bước chân đếm chờ mong
đếm bao nỗi buồn niềm thương

Tôi thích lang thang trong chiều chủ nhật
Nghe tiếng chân vang lên từng điệu nhạc
Ðể lòng nhẹ ru với thành phố im
Vì ngày mai nắng lên, phố phường xóa nhòa bước êm
(Trọn bài)

Với tôi, khi ông viết “Bước chân nhuốm hoàng hôn” rồi “bước chân đếm chờ mong / đếm bao nỗi buồn niềm thương” thì hai động từ “nhuốm” và “đếm” khá hiếm thấy trong ca từ nhạc Việt. Nhất là động từ “nhuốm” trong câu “bước chân nhuốm hoàng hôn.” Ngay với các thi sĩ của chúng ta, chẳng phải ai cũng có thể sử dụng động từ này đúng chỗ và đẹp đến như thế.

Ðể kết luận bài viết ngắn này, tôi muốn nói, số ca khúc họ Ðỗ để lại cho đời sau, không nhiều. Nhưng chỉ với một “Bước Chân Chiều Chủ Nhật” không thôi, Ðỗ Kim Bảng cũng đã xứng đáng để chúng ta nhớ tới ông, như một điểm son của lịch sử tân nhạc miền Nam, 20 năm vậy.

(Garden Grove, Tháng Bảy 2014)

……………………………………………………………

Nguồn:RFI- Thứ sáu 25 Tháng Bẩy 2014
Bài La Paloma do đâu lại được phổ biến nhất thế giới ?
Tuấn Thảo

La Paloma

Nổi tiếng là bài hát tiêu biểu nhất cho thể điệu habanera (trong tiếng Pháp havanaise), La Paloma cũng là bản nhạc phổ biến nhất thế giới. Tùy theo nguồn ghi chép, bài có đến bốn, năm ngàn phiên bản khác nhau. Quý phái nhưng không cầu kỳ, sang trọng mà vẫn đơn giản, là yếu tố cơ bản giúp cho giai điệu đi vòng quanh trái đất.

Thể điệu habanera mà nhiều người tưởng rằng nó xuất phát từ các nước La Tinh thật ra lại bắt nguồn từ vũ điệu contredanse của vương quốc Anh vào cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII. Các bước nhảy cơ bản do vũ sư John Playford định hình trong một quyển sách phát hành vào năm 1651. Điệu contredanse sau đó được phổ biến tại các vương triều Tây Âu, thịnh hành tại Pháp từ năm 1684 trở đi, cho ra đời các vũ khúc biến tấu như carré hoặc quadrille.

Theo nhà nghiên cứu Jean-Michel Guilcher trong quyển sách mang tựa đề La contredanse, chính giới điền chủ người Pháp đã đưa vũ điệu này vào quần đảo Caribê khi họ lập các đồn điền nông trại trên vùng đất thuộc địa. Cuộc nổi dậy của những người nô lệ tại Haiti vào năm 1791, buộc giới điền chủ phải bỏ chạy về các hòn đảo lân cận. Một khi du nhập vào Santiago de Cuba từ đầu thế kỷ XIX (những năm 1820), điệu nhảy này mà tiếng Tây Ban Nha gọi là contredanza cubana, sẽ hoà quyện thêm với văn hóa của người dân bản xứ.

Chính trong cái bối cảnh đó mà tác giả người Tây Ban Nha Sebastián Iradier viếng thăm Santiago de Cuba. Ông sinh trưởng tại Sauciego (1809-1965) chứ không phải là Lanciego như một số nguồn có ghi chép. Gợi hứng từ chuyến đi xa này, ông hoàn chỉnh vào khoảng những năm 1863-1864, hai giai điệu tên là La Paloma và El Arreglito, cả hai bài về sau này đều trở nên cực kỳ quen thuộc. Về cấu trúc, ông Sebastián Iradier vay mượn hai nhịp chậm là paseo và cadena của vũ điệu contredanza. Về từ ngữ ông gọi đó là habanera, vì ông được xem điệu vũ này lần đầu tiên tại thành phố La Habana.

Giai thoại kể rằng, trong hai bài habanera mà ông Sebastián Iradier đã soạn, bản El Arreglito tuy được viết sau nhưng lại nổi tiếng trước. Vào thời đó, ngôi sao Mila Traveli của làng nhạc cổ điển đặt hàng với nhà soạn nhạc người Pháp Georges Bizet để chuẩn bị cho đợt trình diễn của cô tại nhà hát opera Paris. Dưới triều đại Napoléon đệ tam, nhà hát này mang tên là Nhà hát của Hoàng đế (Théâtre Impérial). Thế nhưng, tất cả các khúc nhạc mà tác giả Georges Bizet viết cho cô Mila Traveli, đều bị giọng ca soprano này từ chối. Bí quá không biết phải xoay sở như thế nào, ông Georges Bizet mới sực nhớ lại habanera, khúc đàn dịu dàng của Sebastián Iradier.

Ông Georges Bizet mới chỉnh sửa thêm vài nốt trong giai điệu El Arreglito cho tròn câu chữ. Được biểu diễn thành công lần đầu tiên vào năm 1863 tại nhà hát Théâtre Impérial, nhưng mãi đến hơn 10 năm sau (1875), khúc nhạc chủ đạo này mới ghi chú đúng tên tác giả và nguồn gốc bài hát khi được đưa vào vở kịch opera nổi tiếng Carmen, với tựa đề “L’amour est un Oiseau Rebelle”, hiểu theo nghĩa Tình yêu như cánh chim không dễ thuần hóa, chim trời tự nhiên hót vang, chứ không ai mà bắt nó phải hót. Phiên bản nghe trong chương trình RFI tuần này là bản song ca ảo hoà quyện giọng hát của thần tượng Maria Callas với ca sĩ Angela Gheorghiu.

Về phần bài La Paloma, bản nhạc này là tác phẩm để đời của Sebastián Iradier, cho dù ông mất hai năm sau khi sáng tác giai điệu, tức là ông không được sống lâu để chứng kiến sự thành công vượt bực của nó. Theo nhà nghiên cứu Pierre-Paul Lacas, trong chương mục dành riêng cho habanera trong quyển tự điển bách khoa Encyclopedia Universalis, thì việc tác giả Sebastián Iradier vay mượn gợi hứng từ contredanza để viết thành bài La Paloma quá là hiển nhiên. Một trong những tác giả đầu tiên viết cho thể điệu này là tác giả người Cuba Ignacio Cervantes. Khi đem ra so sánh các tác phẩm của hai tác giả này, thì người ta sẽ thấy cả hai nhịp điệu rất gần giống với nhau. Chỉ có điều một bên gọi là contradanza, còn bên kia thì đặt tên là habanera.

Nhưng yếu tố cốt lõi và quan trọng hơn cả, là ông Sebastián Iradier đã hấp thụ, thấm nhuần rồi diễn giải lại điệu habanera theo góc nhìn của một người thầy chuyên dạy nhạc. Cũng cần biết rằng, ông đã được mời sang Paris để dạy đàn, dạy hát cho nữ hoàng Eugénie de Montijo. Cả hai đều là người Tây Ban Nha, và bà Eugénie trước khi thành hôn với hoàng đế Napoléon đệ tam, là con gái ruột của bá tước Teba de Granada.

Khi đến Paris, ông Sebastián Iradier vào hoàng cung để dạy nhạc, không chỉ riêng gì cho nữ hoàng Eugénie mà còn cho các phu nhân thuộc dòng dõi cao sang. Chính cũng vì thế mà khi sáng tác đoản khúc, ông thường chú ý đến hai điều. Giai điệu phải trau chuốt thanh tao để dễ lọt tai giới qúy tộc, cấu trúc phải đơn giản để dễ tập đàn, dù trên danh nghĩa là thầy nhưng ông phải tránh làm mất thể diện các bậc phu nhân quyền qúy.

Khi soạn bài La Paloma, tác giả chỉ dựa vào một nhịp điệu đơn giản gồm : một nốt móc có dấu chấm dôi, một nốt móc kép, rồi hai nốc móc đơn. Từ cấu trúc này, ông triển khai ra toàn bộ giai điệu lúc trầm lúc bổng, nhẹ nhàng chầm chậm như nhịp cánh bồ câu. Hình tượng bồ câu trắng, tựa như những sứ giả đưa thư hồi âm để nhắn gửi bao tình cảm đối với quê hương của một người viễn xứ.

Nhưng đó phải chăng là cảm xúc của một người ghé thăm La Habana rồi nhớ về nguyên quán Tây Ban Nha, hay là cảm xúc của một nữ hoàng dù sống trong “lầu vàng cung son”, giữa chốn kinh thành ánh sáng nhưng vẫn chạnh lòng nhớ về quê cha đất tổ.

Dù gì đi nữa, cái nét cực kỳ đơn giản ấy giúp cho La Paloma thăng hoa, chấp cánh vượt không gian và thời gian. Đây có lẽ là bài hát được dịch sang nhiều thứ tiếng nhất, ít nhất là 40 ngôn ngữ khác nhau, kể cả tiếng Nhật, tiếng bahasa của Indonesia, tiếng tagalog của Philippines, tiếng hindi của Ấn Độ. Bài hát có ít nhất là hai lời khác nhau trong tiếng Anh (No More của Elvis Presley và The Dove của Dean Martin). Còn trong tiếng Việt cũng vậy, bài La Paloma từng được tác giả Từ Vũ chuyển thành Cánh buồm xa xưa. Lời thứ nhì của tác giả Khắc Dũng với ca từ khác hẳn là bài Thuyền Mơ Bến Đợi, khi được phối thành tango, lúc thì rumba.

Cấu trúc đơn giản của bài La Paloma (nốt móc có dấu chấm dôi, một nốt móc kép, hai nốc móc đơn) đặt ra khuôn thước cho thể điệu habanera, Sebastián Iradier ra đi quá sớm để không nhìn thấy ông mở đường cho hàng loạt tác giả trứ danh như Saint-Saëns (1887), Ravel (1907) hay là Debussy (1912) sáng tác theo thể điệu này. Làn điệu ‘’bồ câu trắng’’ đi vào văn hóa phổ thông đại chúng : hợp ca hoành tráng tại Đức, lễ hội thôn làng tại Thụy Sĩ, nhạc nền để rước dâu ngày cưới ở Zanzibar …

Mỗi nước một kiểu, mỗi người một cách : La Paloma đẩy lùi về quá khứ bài hát Yesterday của nhóm Tứ Quái The Beatles. 150 năm sau ngày ra đời, bản nhạc với gần năm ngàn phiên bản khác nhau tưởng chừng rất xưa mà lại không cũ, tuy đơn giản mà vẫn sang, như thể bồ câu không biết mỏi cánh, gió bay rủ bỏ lớp bụi thời gian.

…………………………………………………………………

Những điều Mai Lệ Huyền chưa bao giờ thổ lộ
Nguồn:nguoiviet.com-Tuesday, July 22, 2014

Ðức Tuấn/Người Việt

Ca si MLH

Ca sĩ Mai Lệ Huyền. (Hình: Ca sĩ cung cấp)

GARDEN GROVE, California (NV) – Một trong vài ca sĩ chuyên trị nhạc lính, từ trước năm 1975 ở trong nước, đến khi ra hải ngoại, cho đến ngày hôm nay, tiếng hát chị vẫn được những người đã từng là lính yêu thích, ủng hộ.

Chị là Mai Lệ Huyền, chị nói chị có tên thật là Nguyễn Thị Kim Cúc, vậy mà mọi người chẳng ai gọi chị là chị Cúc, mà chỉ biết tên đi hát của chị là Mai Lệ Huyền.

Mai Lệ Huyền là ai?

Chị đi hát năm 17 tuổi, chị kể năm đó dù còn nhỏ, nhưng mà chỉ thích hát nhạc “quậy,” loại nhạc mà người Sài Gòn trước 1975 gọi là kích động nhạc.

Chị kể: “Khi về Sài Gòn hát ở những hộp đêm như Văn Cảnh, gặp mấy ông nhạc sĩ, như Ðinh Việt Lang, Trần Trịnh, và nhà văn Vạn Thuyết Linh, mấy ông đặt cho tôi tên Mai Lệ Huyền, vì Mai là con khỉ, Lệ là nước mắt, còn Huyền là đen.”

Chị chia sẻ, hồi nhỏ tinh nghịch lắm, leo trèo lên các cây cao, ngồi trên đó học bài. Bởi vậy mọi người ví chị giống như con khỉ phá phách, thế nhưng con khỉ lại hay mau nước mắt, và nước da của chị màu đen, nên tổng hợp lại thành tên Mai Lệ Huyền.

Mai Lệ Huyền và nhạc Rock

Khoảng 1965, ca sĩ Mai Lệ Huyền kể, trong một dịp tình cờ gặp nhạc sĩ Trần Văn Trạch ở các hộp đêm, sau khi ông chứng kiến chị hát nhạc giựt, quậy, nhạc sĩ nói ông sẽ giới thiệu chị vào hát cho các câu lạc bộ của quân đội Mỹ thời đó.

Sau đó, chị được nhận vào hát cho các câu lạc bộ của người Mỹ, những bài chị hay hát thời đó như The House of the Rising Sun, Besame Mucho, Twist Again…

Chị nhớ lại thời đi hát ở những câu lạc bộ của Mỹ, cùng với Elvis Phương, Khánh Hà, nhạc sĩ Lê Văn Thiện, anh Trỗ Guitar, Huỳnh Háu, Huỳnh Anh…

“Nhờ mình đi hát chung với nhiều anh chị ca nghệ sĩ nổi tiếng như vậy nên có điều kiện học hỏi thêm, nhờ vậy tôi có thể hát được đủ thể loại nhạc từ slow, boston, tango, hip hop, rock..,” ca sĩ Mai Lệ Huyền tâm sự.

Chị kể, chỉ sau một thời gian đi hát ngắn thôi, nhưng tên tuổi chị được nổi tiếng ngay từ lúc đó, sau đó có những lần gặp các nhạc sĩ nổi tiếng như Khánh Băng, Phùng Trọng… Chính nhờ những nhạc sĩ này về sau mời chị đến biểu diễn ở những đại nhạc hội, và từ đó chị tình cờ gặp được ca sĩ Hùng Cường.

Thời vinh quang nhất

“Ðỉnh vinh quang cao nhất của ca sĩ Mai Lệ Huyền là lúc nào?”

“Tôi nghĩ thời huy hoàng nhất của Mai Lệ Huyền kéo dài hơi lâu, ít nhất 10 năm từ 1965 đến 1975, sở dĩ nói như thế vì lúc đó mặc dù tôi chỉ là một ca sĩ, không hề có kinh nghiệm đóng phim, vậy mà được mời tham gia ít nhất 5, 7 cuốn phim, như phim Gác Chuông Nhà Thờ, Nhà Tôi, Còn Gì Cho Nhau, Mãnh Lực Ðồng Tiền…, hay tôi không biết đóng kịch nhưng cũng được mời đóng những tuồng kịch nặng ký như ’45 phút chuyện vui hằng tuần của La Thoại Tân’, ‘ban kịch Thẩm Thúy Hằng’, ‘ban kịch Sống Túy Hồng,’” ca sĩ Mai Lệ Huyền nhớ lại những kỷ niệm trước 1975.

Chị cho biết thêm, tiền bạc và thời gian của những năm trước 1975 đối với chị rất quý, bởi vì lúc đó chị chỉ biết đi làm, kiếm ra tiền thật nhiều.

Chị nói: “Năm 17, 18 tuổi tôi đã cầm trong tay bạc triệu, lúc đó tiền đến với tôi nhiều vô số kể, và dễ dàng lắm!”

Mai Lệ Huyền và lính

“Ca sĩ Mai Lệ Huyền hát nhạc lính, có phải vì ‘cơm áo gạo tiền’ hay vì chị thật sự yêu lính?”

“Lúc đó là thời gian chiến tranh, tất cả mọi nơi đều nhắc về cuộc chiến, những nhạc sĩ tên tuổi đua nhau sáng tác các ca khúc viết cho người lính ở tiền đồn, ở mặt trận. Và tôi có được diễm phúc gặp họ, họ trao cho tôi các ca khúc đó, mặt khác khi tôi thể hiện dòng nhạc ấy lại rất sống động, bên cạnh đó tôi ‘thấm’ được ý nghĩa của cuộc chiến, tôi mến phục người lính, và vì thế tôi hát cho lính, không phải đơn giản chỉ vì ‘cơm áo gạo tiền,’” chị Mai Lệ Huyền trả lời.

“Chị hát nhạc lính, chị ra các tiền đồn được các anh chiến sĩ đón tiếp nồng nhiệt, thế thì có phải mối tình đầu của chị cũng là lính không?”

“Tôi thần tượng người lính, hát nhạc lính nhiều, và nhận được cảm tình sâu đậm từ các anh chiến sĩ VNCH, thế nhưng trong cuộc sống, tôi vẫn tin vào chữ ‘duyên’ và chữ duyên đó, rơi vào sự gặp gỡ, cảm phục với một người là nhạc sĩ.”

“Chị từng kể về những lần nhảy trực thăng xuống chiến trường, hay tiền đồn rất nguy hiểm để hát cho lính, thế chị có sợ không?”

“Hình như cái gan của tuổi trẻ và những sự đón tiếp nồng hậu của người lính dành cho người ca sĩ đã làm tôi quên, hay bớt sự sợ hãi, tuy nhiên, mỗi lần về đến nhà, đôi lúc ngồi suy nghĩ lại cũng thấy sợ chứ, nhưng mà khi chuyện đến thì lại tiếp tục đi phục vụ,” chị Mai Lệ Huyền giải thích.

Sau 1975

“Sau khi sang Mỹ định cư, được bao lâu thì chị đi hát lại?”

“Nơi đầu tiên tôi đặt chân đến là Washington, DC, ở đó được gần hai năm, sau đó tôi móc nối được với các anh chị em ca nghệ sĩ như chị Kiều Chinh, anh Tế, anh Hoàng Thi Thơ, anh Huỳnh Anh.. tại California, nhờ các anh chị ấy hùn tiền lại, gửi vé máy bay cho Huyền bay sang đây, và định cư tại California kể từ đó.”

“Ðời sống chị hôm nay thế nào?”

“Tôi vẫn đi hát, vẫn sinh hoạt ca nhạc, nghệ thuật như các ca sĩ khác, tuy nhiên vì hoàn cảnh gia đình, tôi là ‘mẹ góa, con côi,’ mà con gái tôi bị hội chứng down từ bé, năm nay cháu đã 30 tuổi, và cháu chỉ có một mình tôi là người chăm sóc cho cháu, bởi vậy đời sống khá khó khăn, để lo chu toàn cho vừa công ăn việc làm và vừa cho gia đình.”

Ca sĩ Mai Lệ Huyền kể về những gian truân trong suốt mấy chục năm qua, kể từ khi người chồng của chị bị bệnh nặng, rồi mất, chị nói không thể tưởng tượng được thời gian đó nhà cửa bị ngân hàng xiết nợ, ba bốn căn nhà mất hết, một thân một mình chị bươn chải, nuôi con, chỗ ở không ổn định, khi cứ phải đi tìm những căn nhà thuê an toàn cho cả hai mẹ con.

“Con gái tôi vừa bị hội chứng down, lại vừa bị bệnh tim nữa, cháu đã đôi ba lần vào bệnh viện mổ tim, và hiện tại bệnh cũng bắt đầu trở lại, bác sĩ đang rất lo ngại khi phải giải phẫu thêm một lần nữa,” chị Mai Lệ Huyền tâm sự. Chị cho biết, có hôm 3 giờ sáng, một mình phải chở con đi bệnh viện cấp cứu, lúc đó vừa lo, vừa sợ nhưng mà vẫn phải leo lên xe, một mình lái chở con.

Chị tâm sự: “Không phải mình kể lể, vì chuyện đó là chuyện gia đình của mình, nhưng khổ lắm bạn ạ! Bởi vì con bệnh như thế, nên khi bầu sô từ những tiểu bang xa mời mình đi hát, mình phải từ chối, vì xa quá, đi hát mà ở nhà không ai chăm sóc con, làm sao yên tâm mà hát được?”

Nói đến đây, nước mắt người mẹ nhạt nhòa. Chị không cầm được xúc động, kể về đứa con.

“Khi đời sống xuống đến tận cùng, động lực nào giúp chị có thể vực dậy được?”

“Tôi nghĩ cả Chúa, Phật đều không muốn lấy đi tất cả từ một con người, bởi vậy khi bị đời đẩy xuống tận vực thẳm, thì tự nhiên sẽ có một lối thoát khác mở ra, trường hợp tôi cũng vậy, khi ở lúc tận cùng tôi cũng phải cố gắng, vì con mình vùng dậy, chạy tìm lối thoát, mình không cứu mình thì ai cứu mình, phải không?” Mai Lệ Huyền trả lời.

……………………………………….

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics