Sơ lược 40 năm văn học nghệ thuật Việt (1975-2015)
Nguồn:vietbao.com – 26/04/2015
Sơ lược 40 năm văn học nghệ thuật Việt (1975-2015)
SƠ LƯỢC 40 NĂM VĂN HỌC NGHỆ THUẬT VIỆT (1975- 2015): Cách đây nhiều năm, khi khởi sự viết tập sách này, vì không hề có tham vọng làm công việc giống như “tổng kết” hay “tổng quan” một giai đoạn VĂN HỌC NGHỆ THUẬT quá rộng lớn nên, chúng tôi đã giới hạn nội dung bằng cách minh thị ngay nơi tựa sách là: “Sơ lược 40 năm VĂN HỌC NGHỆ THUẬT VIỆT (1975- 2015)”.
Chúng tôi cũng không hề có tham vọng đóng vai nhà phê bình văn học mà, chỉ là người thu thập, ghi nhận một số những tác giả hiện diện trong sinh hoạt VĂN HỌC NGHỆ THUẬT giai đoạn vừa kể, không phân biệt hải ngoại hay trong nước.
Việc phê bình, lượng định giá trị tác phẩm của giai đoạn này, tôi trộm nghĩ, là công việc của các nhà phê bình văn học.
Chúng tôi chỉ xin nhấn mạnh, những tác giả không có tên trong cuốn sách này, không phải vì đóng góp của họ không đáng kể (đôi khi trái lại) – Tuy nhiên vì những lý do chủ quan hay khách quan, như:
– Thiếu tư liệu. (Hoặc)
– Chúng tôi đã viết xuống, nhưng vì giới hạn số trang do công ty Amazon quy định, nên chúng tôi buộc lòng phải để dành cho một lần in khác.
Nhân đây, chúng tôi cũng xin nói thêm cho rõ:
– Có những tác giả khởi nghiệp tự trước thời điểm tháng 4- 1975, như các nhà văn, nhà thơ Nguyễn Tường Giang, Đỗ Hồng Ngọc, Lê Thánh Thư…; các nhà báo như Đỗ Ngọc Yến, Lê Thiệp, Vũ Ánh, Lê Đình Điểu…; hoặc các nhạc sĩ như Đăng Khánh, Trần Duy Đức, Trần Quảng Nam… Nhưng họ chỉ được quần chúng biết đến nhiều kể từ ngày định cư tại hải ngoại…
Do đấy, chúng tôi chọn ghi tên họ trong giai đoạn VĂN HỌC NGHỆ THUẬT VIỆT 1975- 2015.
– Cũng có những tác giả hiện diện ở nhiều hơn một lãnh vực, thí dụ từ văn xuôi, thi ca tới phát thanh, báo chí như Trần Trung Đạo, Phạm Quốc Bảo, Việt Dzũng… thì, chúng tôi chọn ghi tên họ nơi chương mục mà, dư luận chung cho rằng họ nổi bật nhất.
– Chúng tôi chọn viết, giới thiệu một số tác giả, có thể còn xa lạ với đám đông. Nhưng trong ghi nhận của tôi, họ đã vượt được chính họ về nội dung hay hình thức… Hoặc ở nơi họ, có đôi nét đặc biệt nào đó mà, tôi không thấy ở các tác giả khác.
– Vì hoàn ảnh địa lý / chính trị đặc biệt của đất nước, trong cuốn sách này, chúng tôi cũng thêm một chương tạm gọi là “Những văn, nghệ sĩ vào được dòng chính”, như các nhà văn Lan Cao, Thuận, họa sĩ Nguyễn Việt Hùng, nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Cường, hay biên đạo múa Thắng Đào…
– Lại nữa, tên tác giả được sắp xếp theo alphabetic, căn cứ vào chữ đầu, mà không y cứ theo thời gian bài viết được phổ biến.
Ngoài ra, mọi khiếm khuyết khác không thể tránh khỏi, thuộc trách nhiệm của cá nhân chúng tôi.
Dám mong bạn đọc rộng lòng lượng thứ.
Trân trọng,
Du Tử Lê,
Calif. Feb – 2015.
*Mua Sách có chữ ký của tác giả, liên lạc với phanhanhtuyen@gmail.com / Tel: (714) 383.4937
hoặc:
Tuyen le
12751 Lucille Ave
Garden Grove, CA 92841
*Tại Việt Nam, chúng tôi có nhận giao sách tận nhà: Giá 750.000 đồng. Xin liên lạc với cô Sóc: 0902604722
(nguồn: Trang nhà Du Tư Lê).
Có thể đọc một số trang, tìm mua qua Amazon.
……………………………………………………………………….
Tôi, Café, Một Thời Và…
Nguồn:dutule.com- 03/28/2015
Tác giả : Du Tử Lê
Tôi không biết tôi “bén duyên” với cà phê từ lúc nào? Chắc từ khi còn rất nhỏ!
Thuở học trò mới lớn ở Saigon, tôi thấy hầu như ở các ngã ba, ngã tư, hẻm lớn, hẻm nhỏ, không có quán cà phê. Những người muốn uống cà phê thường vào những tiệm ăn của Tàu.
Dù ở đâu thì đó vẫn là loại cà phê được rót ra từ những cái vợt làm bằng vải. Vì thế trong giang hồ mới có tên gọi: Cà-phê-bít-tất. Hoặc cà-phê-dzớ.
Những ngày tháng đầu tiên làm quen sinh hoạt Saigon, tôi thích lắm, hình ảnh sớm mai, khi bóng tối còn nhựa nhựa chưa chịu ra đi, mấy ông đạp xe xích lô, ba gác, gác xe lên lề đường, vô quán gọi ly “xây chừng”! Hình ảnh vừa thanh bình, vừa an nhiên tự tại của lớp người mà xã hội gọi chung là giới lao động. Tôi không biết ngoài Saigon, thế giới còn có nơi nào cho người lao động sự an nhiên tự tại như vậy?
“Xây chừng” là tên gọi một ly cà phê sữa nóng, “size” nhỏ nhất. Những người ít thời giờ hoặc, nôn nóng thưởng thức ngay ly cà phê đầu ngày của mình, thường chọn cách đổ từng đợt cà phê trong ly, ra đĩa sành. Họ uống tới giọt cà phê cuối cùng, từ đĩa sành ấy.
Cà phê bít tất hay cà phê dzớ phục vụ những người có lợi tức thấp, hoặc không…có lợi tức…như chúng tôi, Đám học sinh mới lên trung học được vài năm, đã tập tọng hút thuốc lá, uống cà phê! Trong khi thực tế, cả tháng, cả năm không kiếm được một xu…(trừ tiền quà sáng bố, mẹ phát cho!)
Bên cạnh loại cà phê bình dân, Saigon thuở đó, cũng có những quán cà phê thuộc loại… “đẳng cấp”. Một trong những cà phê đẳng cấp ra đời sớm nhất, khoảng cuối thập niên (19)50 là cà phê Gió Bắc, ở đường Phan Đình Phùng.
Đấy là nơi từng được nhà thơ Trần Dạ Từ (thưở còn ký bút hiệu Hoài Nam), thỉnh thoảng ghé đến với tiếng sáo tuyệt vời của ông.
Gió Bắc cũng là nơi nhà thơ Hoài Khanh, giới thiệu tập thơ đầu tay “Dâng Rừng”. Thời gian đó, hầu như chưa có một nhà thơ nào ở thế hệ sinh trước, sau (19)40 vài năm, có sách in. Nên ông được chúng tôi nhìn với tất cả lòng…“ngưỡng mộ”.
Kịp khi Gió Bắc đóng cửa, chìm vào quên lãng thì một loạt quán cà phê thuộc loại “cộm cán” lần lượt ra đời.
Trước nhất tôi muốn nhắc tới cà phê Năm Dưỡng. Khởi nghiệp ở đầu đường Nguyễn Kim, khu Bà hạt, Phú Thọ, cà phê Năm Dưỡng “danh chấn giang hồ” nhờ những ly cà phê đen đá nổi bọt, cao ngất.
Tôi không biết các “ẩm khách” khác nghĩ gì, riêng tôi, mỗi lần được bạn tôi Đào Quý Châu, cho đi uống cà phê Năm Dưỡng, thì nguyên một ngày đó, tôi vui biết bao với “đen đá nổi bọt, cao ngất.”
Cách đây vài năm, bạn tôi đã chấm dứt cuộc chơi mà trước, sau vẫn chỉ là cà phê.
Đề cập tới những quán cà phê có cho riêng nó một hai “dấu ấn” gì đó, tôi cho sẽ là thiếu sót nếu không nhắc tới quán cà phê ở gần cuối đường Pasteur. (Còn gọi là cà phê hai chị em).
Về chất lượng, cũng như trang trí của quán này thì cũng thường thôi. Không có gì nổi bật. Tuy nhiên, cô chị, chủ quan, lại là người có một nhan sắc quanh năm “ướt rượt. Não nùng”. Nghe đâu cô có làm thơ. Thỉnh thoảng cô cũng còn ngâm thơ nữa?
Hai yếu tố vừa kể khiến trong chiếc quán âm u, hẹp bề ngang đó, trở thành “chiến trường…không đổ máu” của đôi ba văn nghệ sĩ (có tên tuổi hoặc sẽ…có tên tuổi).
Một trong những vụ “Long tranh hổ dấu” mà “giang hồ” thời đó không ngớt kháo nhau, đó là vụ một nhà thơ có tên tuổi thi triển “võ công” với một dịch giả mới nổi… Cuối cùng kẻ “đưa nàng về dinh” là dịch giả trẻ tuổi kia. Vì một trong hai nhân vật trung tâm của xì căng đan, vừa mới qua đời, nên tôi xin được không kể tên.
Quán cà phê thứ hai, cũng thuộc loại “cộm cán” ở đầu đường Nguyễn Phi Khanh, bên cạnh văn phòng tướng số của thầy Ba La, không có tên. “Băng đảng” ghiền cà phê hay lui tới chỗ này, bèn lấy tên người chủ, làm tên quán. Quán Chị Chi.
Chị Chi là một thiếu phụ trung niên, với một nhan sắc khó tạo được cảm tình của người dễ tính nhất, trong lần gặp đầu. Nhưng chị Chi lại là người đầy…“cá tính”. Chị gần như không cười với ai, dù là khách “ruột”. Quán chỉ kê được vài chiếc bàn nhỏ, với độ 10 chiếc ghế thấp. Gặp ngày đông người khách phải đứng ngoài hiên. Tuy vậy, bạn vẫn có thể bị chị Chi mời ra khỏi quán ngay lập tức, nếu bạn hăm hở, chứng tỏ mình là tay sành cà phê hoặc nước bột sắn. Ngược lại, khi bạn đả trở thành khách quen của chị Chi, thì bạn giống như một đứa em trong gia đình – – Dù không một ai biết gì về đời riêng của chị.
Mồng một tết, ghé lại, dù bạn uống bao nhiêu ly cà phê, chị Chi cũng sẽ không lấy tiền. Đó là cách “lì xì” “mừng tuổi” đầu năm mới của chị Chi. Cuộc đời lính tráng của bạn, có ném bạn ra khỏi Saigon bao nhiêu năm, khi trở về, ghé quán, chị Chi vẫn không quên bạn.
Người dẫn tôi tới quán chị Chi là nhà biên khảo Nguyễn Khắc Ngữ, tác giả “Mẫu Hệ Chàm”. Ông dặn dò tôi từng chi tiết nhỏ. Buổi tôi… “ra mắt” chị Chi được coi là suôn sẻ. Có lẽ vì thế, chỉ vài lần sau, chị đã nhìn tôi như khách “ruột”. Chị bảo tôi, những khi không có tiền, thèm cà phê, cứ đến quán của chị.
Cũng thuộc dạng quán chị Chi, là cà phê Thăng Long trong hẻm khu Ngã Ba Ông Tạ. Chủ nhân là một lão niên, nghe nói từng làm báo hay viết lách gì đó ở Hà Nội. Ông chọn cách “đối nhân, xử thế” ngược hẳn chị Chi. Vì thế nhiều thanh niên, sinh viên cần tìm một chốn êm đềm giữa Saigon náo nhiệt thì họ tới Thăng Long. Vừa thưởng thức cà phê vừa được hưởng những câu chuyện văn nghệ thời tiền chiến mà, không phải ai cũng biết được.
Một quán cà phê không có tên khác, nằm trong một con hẻm ở đường Nguyễn Thiện Thuật, cũng “cộm cán” không kém, được khách gọi nôm na là “Cà phê Ông Già.”.Tới đây, bạn có thể hút thuốc lào… mệt nghỉ; vì lão quán là người nghiện thuốc lào. Ông có tài kéo một hơi thuốc dài, làm thành một chuổi âm thanh réo rắt, đầy “khí thế”. Khi ông nhả ra từng cụm khói trắng, xanh, bay quẩn trong căn phòng hẹp. Còn ông thì như một “tiên ông” đang “bay” khỏi cõi trần với đôi mắt nhắm tít.
Muốn tìm một quán café ngon, nhạc hay (chọn từng bài), bạn phải tới café Hân, đường Đinh Tiên Hoàng, Ở đây chủ, khách đối xử với nhau êm đềm như những người cùng sở thích…
Dù vậy, tất cả các quán cà phê tôi đã lược kê trên, đều chưa phải là những tiệm cà phê vừa “đẳng cấp” vừa “cộm cán”.
Theo tôi, chỉ có ba quán cà phê trên đường Tự Do (trước 1975) xứng đáng là quán sang, lịch sự, được nhiều người ngoại quốc lui tới. Đó là cà phê La Pagode, cà phê Givral và, Cà phê Brodard.
La Pagode được coi là nơi “đóng đô” của giới nhà văn nhà thơ Saigon. Givral, là nơi các ký giả ngoại quốc tìm đến, săn tin, mua tin, mua ảnh, hay nhận những cố vấn, chỉ dẫn liên quan tới những phần thời sự nóng hổi… được cung cấp bởi một số nhân vật Việt Nam am hiểu tình hình…
Brodard thành phần nào cũng có. Khách, đa số trẻ, nên ồn ào, sôi nổi hơn hai quán kia.
Từ trái qua: Du Tử Lê, Cao Lập, Đoàn Thạch Hãn, Hà Quang Minh (2012).
Những năm đầu của đời tỵ nạn, tôi định cư tại quận hạt Orange County — Nơi tập trung nhiều người Việt nhất. Nhưng không có quán cà phê. Muốn uống cà phê (Việt Nam, dĩ nhiên), bạn phải vào nhà hàng Việt Nam. Nhà hàng Việt Nam thời đó, cũng ít. Khởi đầu có Hội quán Việt Nam, ở đường số 1, Santa Ana. Kế tiếp là nhà hàng Thành Mỹ, ở khu Mini Bolsa, trên đường Bolsa.
Khoảng giữa thập niên (19)80, một số quán cà phê thuần túy mới xuất hiện. Có thể kể một số như quán Lục Huyền Cầm, Cà phê Lup. Cà phê Croissand d’ Oré. Cà phê Mái Tây Hiên v.v…
Cùng với sự phát triển, thành công của người Việt phương diện thương mại, nhiều quán cà phê khác ra đời. Căn bản các quán cà phê mới này, dựa trên yếu tố nữ chiêu đãi viên trẻ, đẹp. Khách gọi những quán cà phê ấy là, cà phê mát mẻ. Tiêu biểu cho loại quán này, đứng đầu là cà phê Da Vàng.
Tôi không đủ điều kiện để bước vào một trong mấy quán cà phê Da Vàng. Nhưng một vài bằng hữu của tôi, như Hòa, như Tuấn…cho biết, tùy nơi, độ “mát mẻ” của các nữ chiêu đãi viên có thể lên tưới 90 hoặc 95%. Tuy nhiên, khách “hào hoa, phong nhã” chỉ được “đía” mà, không được “đụng”. Đụng vào thân thể các cô, là có chuyện…lớn!
Giữa lúc cà phê có nữ tiếp viên được mùa thì, hai quán café nhất định nói “không” với “mát mẻ” ra đời: Café Lily Barkery, ở đường Bolsa, gần ngã ba Hope St. Và Café Factory ở ngã tư Brookhurst – McFadden.
Tôi không nhớ bạn tôi bác sĩ Phạm Gia Cổn, trưởng Môn Hoàng Hạc Khí Công, hay nhà báo Long Ân là ngươi đầu tiên rủ tôi tới Café Factory – – Nơi chốn, mau chóng, trở thành điểm hẹn, chỗ gặp gỡ của chúng anh hùng hắc, bạch.
Nhiều vụ xung đột “chánh kiến”, “lập trường” phải dùng tới tay chân, để giải quyết bên ngoài khung kính Café Factory…Nhưng, cuối cùng rồi cũng… chín bỏ làm mười. Mọi người vẫn tìm đến Café Factory, như một thói quen không thay đổi được.
Riêng café Lily Bakery không biết có phải là nơi nặng mùi bánh ngọt hay không mà, đấy là nơi tập trung nhiều ca, nhạc sĩ nhất. Bạn làm show? Có poster? Phải dán cho bằng được ở Lily Bakery. Nếu không, kể như bạn “khuyết” mất một… “khâu” quan trọng. Dù tôi không biết có người nào đến với các chương trình ca diễn, từ những tấm poster ở LiLy Barkery!?
Sau này, LiLy Bakery có một địa điểm thứ 2, đường Forbes. Đây là nơi các ông Nguyễn Đức Quang, Ngô Gia Truy, Võ Thành Điểm… chọn “đóng chốt” mỗi ngày.
Không biết sau khi nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang chọn về hẳn phía “bên kia sông”, cái “chốt” ấy có thay đổi?
Tôi có một người bạn học từ nhỏ, nhà thơ Bùi Vĩnh Hưng, ông được sắc phong là “Tư lệnh Café Phước Lộc Thọ – – Vì ông có trên mười năm, không sáng nào vắng mặt.
Bạn tôi nói, là con người, nhất là những người già, ở đây, lạc lõng, cô đơn… đôi khi trong chính gia đình của mình! Nên họ cần tìm đến những tiệm cà phê, để hàn huyên với những người cùng cảnh ngộ. Chuyện của họ, trước sau chỉ là những chuyện ngày đó, năm ấy…Những công việc, những vai trò họ đã đảm nhận. Những trại tù họ đã trải qua…Nhưng, đó là một loại thuốc trị stress, trị trầm cảm công hiệu hơn bất cứ một loại thuốc nào hiện có.
Một trong những nhu cầu căn bản của con người là nói. Nhưng, nói, phải có người nghe! Không ra quán cà phê thì nói với bốn bức tường à?
“Vợ con nào ở không và đủ kiên nhẫn để nghe hoài chuyện ngày đó, năm nớ của những người già này?” Bạn tôi nêu câu hỏi?
Cá nhân tôi, từ nhiều năm qua, sau giải phẫu ung thư ruột, theo chân Hoàng Sỹ và Khang Nguyễn, gần như sáng nào tôi cũng ngồi ở café Lan Hương hoặc, nhà hàng Tài Bửu…Tôi vẫn còn tìm đến hai địa chỉ ấy, sau khi Khang Nguyễn đã mất. Và, Hoàng Sỹ ở Saigon, nhiều hơn ở Garden Grove…
Hình như tôi cũng có nhu cầu gặp gỡ, nghe, nói của tuổi già! Dù cho nhiều lần nhà tôi muốn nổi “khùng” khi thấy mưa gió, bão bùng gì thì tôi cũng vẫn ra Lan Hương hay Tài Bửu, để gặp Vỵ, Phương, Phong, Hòa, Tuấn… như thể đó là “dốp” chính của tôi….
Bạn tôi,nhìn từ một góc độ nào khác, tôi vẫn thấy ngồi café là một cách sống. Nó như một khía cạnh văn hóa của người Việt chúng ta, ở quê người vậy,Bạn tôi à!
Du Tử Lê
(Calif. Mar. 2013)
………………………………………………..
Ðề tài Tháng Tư trong thơ Việt Nam
Nguồn:nguoiviet.com- Wednesday, April 22, 2015
Viên Linh
Hồi còn ngồi trên ghế nhà trường, học sinh bậc trung học của ta phần lớn đều được học qua những đề tài như “tiết thanh minh trong Truyện Kiều,” “thu trong thơ Nguyễn Khuyến,” “rượu trong thơ Tản Ðà,” “cái nghèo trong thơ Tú Xương,” “trăng trong thơ Hàn Mặc Tử,” v.v… bàn xuôi viết ngược đến thế nào chăng nữa cả thầy lẫn trò khi đọc cổ văn, đọc thơ tiền chiến, cũng vẫn thấy cuộc sống trong văn chương những thời đại ấy phản ảnh những tâm hồn bình an, những cảnh đời dung dị, song nếu sau này có một cuốn sách giáo khoa nào đưa ra đề tài “Tháng Tư trong thơ Việt Nam,” thì rõ ràng Tiết Thanh Minh không có gì đáng nói, cái nghèo không có gì đáng nói, rượu không có gì đáng nói, mùa Thu hay ánh trăng không có gì đáng nói, cái đáng nói chính là Tháng tư. Tháng Tư, một đề tài văn học sử về thơ, sẽ phải như thế nào?
Một tấm hình có chữ Saigon in chồng lên, của Sydney Schanberg, in trên bản Việt ngữ Vĩnh Biệt Sài Gòn do Phạm Kim Vinh dịch từ Jean Larteguy.
Các nhà thơ Việt Nam trong nửa thế kỷ qua viết gì về Tháng Tư? Và thơ Việt Nam viết về Tháng Tư sẽ là một đề tài đáng phải chiêm nghiệm, nghiên cứu và thực hiện rộng rãi, nặng phần sự kiện hơn là văn chương. Mà đối tượng không phải chỉ bây giờ, đối tượng là độc giả mai sau, làm sao để qua vài vần điệu người ta thấy được thời thế của những vần thơ đó, thời thế của tác giả những vần thơ đó. Ðó là thời điểm hiển hiện và xuất hiện những vần điệu ghi lại một lịch sử thống khổ của dân tộc, khi sự chia cắt từ 1954 chấm dứt bằng cuộc thống nhất hận thù 1975, xảy ra ngày 30 Tháng Tư, sau đó cả nước mở ra các trại tù tập trung để Cộng Sản thu lượm tước đoạt toàn thể mọi bất động sản và tài sản của miền Nam trong khi bắt giữ các sở hữu chủ, buộc họ đi lao động nơi ma thiêng nước độc không những không cung cấp bao nhiêu gạo nước mà còn bắt họ phải dựng chòi cất lán mà ở.
Cũng từ Tháng Tư 1975, bờ biển Việt Nam trở thành một hải cảng bao la xuất khẩu đi khắp thế giới những món hàng lậu không ai muốn nhận, những con người thất bại, tan tác, bơ vơ, kẻ có học một đời dù đến bậc trí thức khi lên bờ một nước tạm dung cũng mừng rỡ khi được làm lao công như rửa bát, lau nhà, cắt cỏ, phu phen; còn hơn là làm dân một nước tự nhận là độc lập tự do hành phúc – vì chủ nghĩa xã hội, những tiêu đề trên công văn và dưới tên các tờ báo quốc doanh.
Nỗi bi thống ấy của người miền Nam làm chảy nước mắt nhân loại trong khi “đồng bào” của họ từ Trung ra Bắc, những người vừa lên nắm quyền trị nước hả hê tán thán quốc sách siêu việt của mình.
Ðề tài thơ Tháng Tư chia ra nhiều phần, vượt biển, tù đày tập trung, lưu vong,… Dưới đây là những bài thơ sớm nhất, mấy năm đầu.
Nhất Sơn Vũ Quang Hân
Từ ngày mất nước ra đi
Người ta thường hỏi mất gì bạn ơi?
Thưa tôi mất
Những người bạn mà tôi thường rất quí
Hăm lăm năm chiến đấu bước chưa chồn
Khi sình lầy, lúc bãi bể, sườn non
Chân đặt khắp mọi nẻo đường đất nước
Trước quân thù chưa run tay lùi bước
Rồi bỗng dưng bị bỏ giữa rừng hoang
Nghe phát thanh phải hạ súng đầu hàng
Họ đã thác, hoặc lẫn đi cùng cây cỏ
Họ mất núi sông hay núi sông mất họ?
Tôi không sao giải đáp nổi câu này.
(Mất Gì? Văn Hữu, 1982) (1)
Những người bạn của nhà thơ họ Vũ “trước quân thù chưa run tay lùi bước,” chắc chắn cũng là những người bạn của anh, của tôi, của chúng ta. Binh sĩ Miền Nam đánh giặc hào hùng, tình chiến hữu ở miền Nam phảng phất phong vị giang hồ hào kiệt trong truyện kiếm hiệp thời Xuân Thu Chiến Quốc.
Nguyễn Nam An
Vài thằng bạn thân giờ còn hay mất
Rao kiếm mỏi lời tao vẫn mình tao…
Có những đêm tao nhớ thời xưa đó
Uống say rồi ôm mặt khóc rưng rưng
Có những đêm tao nằm nghe mưa xuống
Chết hồn theo từng lá úa thu rừng
Chết hồn theo từng lá cây ngọn cỏ
Quê nhà xa – đã chợt đến chợt đi
Một thời xưa tao đã không còn nữa
Ôi hỡi tìm đâu trên nhánh sông chia
Ôi lũ bạn thân, tụi mày ở lại
Tháng tư qua rồi – ai nhớ ai quên?
(Gửi Lũ Bạn Quê Nhà, Bố Cái, 1978, tr. 74) (2)
Hình chụp một cảnh trực thăng bốc người di tản khỏi Sài Gòn, in lại từ một mạng lưới toàn cầu.
Những ngày tháng đầu ở vùng Washington, D.C., ngay từ 1975, đồng bào tị nạn gọi là vùng Tam Biên – nơi Maryland và Virginia ráp ranh giới với thủ đô – đám làm báo chúng tôi liên hệ chặt chẽ với các nhóm cộng đồng, nên thường thường cuối tuần vừa họp mặt khi thì hát nhạc đấu tranh, khi thì biểu tình phơi bày tội ác giặc đỏ. Có Ngô Vương Toại, Nguyễn Ðình Hùng, Giang Hữu Tuyên, ba cây bút trẻ của các tờ Việt Chiến, Hoa Thịnh Ðốn Việt Báo, giờ này hai người đã khuất bóng, mà chàng công tử Bạc Liêu Giang Hữu Tuyên đặc biệt là làm thơ hay. Thơ tranh đấu của anh thật tình cảm, vần điệu chở theo hình ảnh quê hương, gây xúc động người đọc. Trong các cuộc cùng đi biểu tình, khi thì ở trước Tòa Bạch Ốc, khi thì lên tận trụ sở Liên Hiệp Quốc ở thành phố New York, tôi thấy Tuyên vung tay lên, nhưng trái tim anh tôi biết, vừa hận vừa đau, lòng anh phải tràn ngập bóng dáng những người thân yêu bỏ lại quê nhà, khi anh tả một bà cụ già trong đoàn biểu tình với anh:
Giang Hữu Tuyên
Dưới cơn mưa lạnh của buổi chiều New York
Vì đồng bào ruột thịt đang bị giam cầm, đầy ải, lưu vong
Mẹ đã khóc trong ngày tranh đấu.
Thưa mẹ
Với niềm tin tự do là tất thắng,
Với ý chí là vũ khí sắt đá keo sơn
Thế hệ chúng con hăng hái lên đường.
Vì giọt nước mắt của mẹ là niềm hy vọng cửu trùng
Chuyền hơi ấm linh thiêng vào lòng tuổi trẻ
Nên chúng con nguyện đạp đổ hết thành trì tù ngục
Khai trừ hết những tên bán máu gian manh
Mở ngỏ cho tình thương ngự trị.
Vì nước mắt của mẹ là bài thơ kết từng đọt lá của núi rừng năm cũ
Nên chúng con nguyện trau dồi đức độ
Sống chân tình lồng lộng trời xanh
Ôi dòng sông cây cầu và đường đất
Hoa chân tình sẽ nở ngát tinh anh.
(Giọt nước mắt của mẹ trong ngày tranh đấu, Bố Cái, 1978, tr. 54-55) (3)
Hoàng Chính Nghĩa
Tháng Tư mưa lũ vừa dựng ngược
Cả gan theo ta hỏi đất trời
Từ đó chỉ còn toàn mây trắng
Ngoảnh lại đằng sau là núi đồi.
Giữa đêm tàn rượu ta vùng dậy
Lửa đạn lại về trong giấc mơ
Ma chạy qua đồng không đuổi kịp
Ta ngó ta trơ một ngựa già.
Huyệt mộ giữa mưa đang sủi bọt
Bạn ta vừa nhắc lại hương trầm
Tháng tư trời đất đầy mây trắng
Trí lòng như sói tru căm căm.
(Của Tháng Tư, Bố Cái, 1978, tr.94-95)
Miền Nam mất không vì quân sự, ai cũng biết thế, nhưng ta vỡ mặt trận khi Miền Nam là một nước Cộng Hòa, người dân sống trong một xã hội có những cơ chế dân chủ, trong khi miền Bắc là một trại lính khổng lồ, và nhất là trên bàn cờ chính trị, tại miền Nam nội trùng ở ngay dinh lãnh tụ, ngày tháng chót giặc đỏ mặc áo lam làm quốc sư cho dinh hoa lan, do đó mà tướng quốc trở thành hàng tướng. Và mở đầu ngày 30 Tháng Tư.
Chú thích
1. Bài thơ này in trong “Tuyển Tập Thơ Văn 90 Tác Giả Việt Nam Hải Ngoại, 1975-1981,” Văn Hữu xuất bản, 1982, tr. 110. Tuyển tập này đáng kể vì vừa ra sớm, vừa dầy, 432 trang, tác giả có tiếng và bài vở chọn lọc, hầu như nhiều người vẫn tiếp tục sáng tác. Sách do nhà thơ Hoàng Ngọc Ẩn ở Houston chủ trương và ấn hành. Ông Vũ Quang Hân cộng tác với nhiều tạp chí hồi đầu thập niên ’50, vốn là công chức Nha Báo Chí Bắc Phần di cư vào Sài gòn, tiếp tục làm việc trong Bộ Thông Tin chính quyền Miền Nam. Ông mất tại Hoa Kỳ.
2. Bài thơ này xuất hiện trong“tuyển tập thi ca 75-77,” tựa đề không viết hoa, xuất bản năm 1978, nhưng như nhan đề ghi rõ: thơ trong đó làm từ 1975 đến 77. Chỉ có 126 trang, các tác giả được chọn cho tới mấy chục năm sau, là thời gian viết bài này, không còn mấy người thấy tiếp tục. Ðây là một tập thuần thơ, của chưa đầy 10 người, không có tiểu sử tác giả. Có một người đã qua đời sớm là Giang Hữu Tuyên, những người còn lại thì kẻ về Việt Nam sống, nhiều kẻ không hề thấy xuất hiện nữa.
3. Nhà thơ Giang Hữu Tuyên (1949-2004) sinh tại Bạc Liêu, mang họ mẹ (bà Giang Thị Nữ), học trung học An Xuyên Cà Mau, từng theo học Ban Báo Chí Ðại Học Vạn Hạnh, nhập ngũ năm 1969, binh chủng Hải Quân. Chủ nhiệm Hoa Thịnh Ðốn Việt Báo, tham gia tranh đấu bằng ngòi bút, thực tế xuống đường chống cộng trong các cuộc biểu dương, anh mất vì đột quỵ khi đi phát hành tờ báo của mình; hiện nay, 4.2015, vợ anh Tuyên là bà Trương Ngọc Sương- bạn học cũ ở An Xuyên – thay chồng tiếp tục xuất bản tờ báo, trở thành một trong vài diễn đàn sống lâu nhất tại hải ngoại.
……………………………………………………………………………….
Fwd: Trịnh Cường ngữ lục
Kim Vu to:…,me
>> Trịnh Cường ngữ lục – bài diễn thuyết bị ngắt quãng bởi 127 lần vỗ tay
>> April 11, 2015 ·
>> Ghi chép những phát ngôn nổi tiếng của giáo sư Trịnh Cường (鄭強) – Đại học Chiết Giang (Trung Quốc).
>> 1. Người Nhật thà thích người da đen, chứ nhất định không chịu thích chúng ta, vì người Trung Quốc mất tinh thần lâu rồi.
>> 2. Mọi người đều cười người Nga, nhưng tôi biết nước Nga sau này sẽ phát triển, vì ở đó người ta dù bị đói 2 ngày thì vẫn xếp hàng, còn chúng ta dù chỉ có 2 người thì cũng chen lấn đến mức không thể đóng cửa xe bus.
>> 3. Nhật Bản xâm lược nước ta, vì nước ta có rất nhiều Hán gian. Sau này nếu Nhật lại xâm lược, thì chúng ta có Hán gian nữa không ? Ai sau này sẽ là Hán gian của Trung Quốc ? Đại bộ phận mọi người ở đây đều sẽ làm. Vì mọi người cười nhạo những người yêu nước, sùng bái quyền lực và tiền bạc, khinh bỉ lý tưởng và chí khí.
>> 4. Hiện tại ai là Hán gian ? Là sinh viên Thanh Hoa, Bắc Đại ; vì họ dùng kiến thức học được để giúp người ngoại quốc khai thác thị trường nội quốc, đánh bại doanh nghiệp Trung Quốc.
>> 5. Chúng ta coi thường giá trị lịch sử, cho rằng nhà cửa càng mới càng tốt, nhưng các bạn hãy đến các trung tâm thành phố ở Pháp mà xem, gần như không có công trình kiến trúc mới. Họ coi sự tích lũy lịch sử là đáng tự hào, còn chúng ta tự giày vò mình bằng cách không ngừng phá nhà xây nhà.
>> 6. Bản chất của giáo dục không phải là mưu sinh, mà là thức tỉnh hứng thú, cổ vũ tinh thần. Dựa vào giáo dục để mưu sinh và phát triển cũng được, nhưng chúng ta đã coi trọng nó quá mức.
>> 7. Cho dù sau này Trung Quốc phát triển, nhưng các bạn hãy nhìn những triệu phú lái xe đắt tiền, rồi mở cửa xe để nhổ đờm vứt rác. Các bạn sẽ hiểu rằng, nếu không có giáo dục, Trung Quốc giàu có đến mấy cũng không thể lớn mạnh.
>> 8. Đi học là để biết gánh trách nhiệm. Nhưng giáo dục hiện nay làm cho nữ giới phải gánh vác quá nhiều trách nhiệm, còn nam giới thì trốn tránh quá nhiều trách nhiệm.
>> 9. Lịch sử nhân loại thực ra là một loạt những sự bồng bột, nên các bạn đừng coi khinh sự bồng bột, bồng bột là đáng yêu.
>> 10. Bóng rổ Trung Quốc không thiếu kỹ thuật, không thiếu tiền, cái thiếu là tinh thần trách nhiệm, cho dù chỉ là trách nhiệm đối với khách hàng.
>> 11. Người biết hát thì phát âm bằng hơi, nên họ không mệt, khi các bạn nói, tôi thấy thanh quản các bạn rung, nên tôi biết bạn hát không hay.
>> 12. 20 năm nữa, người Trung Quốc sẽ sùng bái tri thức chứ không phải quan chức. Điểm này chúng ta nên học người Nhật Bản, sự tôn trọng tri thức của người Nhật Bản đã lên đến cao độ. Nhưng Trung Quốc ngày nay, người có tiền, người có chút uy quyền – dù chỉ là một ông trưởng phòng, cũng có thể làm cho một giáo sư đánh mất hết lòng tự trọng. Cái trí tuệ có vẻ thông minh ấy, cái đám con buôn giương giương tự đắc ấy, thật nông cạn biết bao.
>> 13. Một người đàn ông, chỉ có thể quỳ trước cha mẹ và bạn đời, chỉ có thể cúi trước người thầy, chứ không thể cúi đầu trước uy quyền và tiền bạc. Nhưng ngày nay đại đa số là ngược lại.
>> 14. Vì sao người Nhật Bản không đi xin lỗi, vì sao tổng thống Nhật Bản không đi tạ tội ? Vì họ biết lòng tự tôn và lịch sử của Nhật Bản là quan trọng nhất, còn sự bất mãn của các nước Á châu là không có chút trọng lượng nào, nên họ không cần phải để ý.
>> 15. Giáo dục nên làm cho người Trung Quốc biết tự trọng. Nhưng ngày nay chúng ta nhìn thấy người ngoại quốc là cúi đầu, con gái nhìn thấy đám con trai vớ vẩn ngoại quốc là đều muốn lấy lòng. Thưa các bạn, trước mặt người ngoại quốc, chúng ta đánh mất hết lòng tự trọng. Trong số những người du học tại Đại học Tokyo, tôi là người duy nhất quay về, nhưng người Nhật Bản lại kính trọng tôi, vì tôi sống có linh hồn, sống có khí phách.
>> 鄭強
>>
>> (theo : Bạch Ngọc Sách)
………………………
Nhân Quả Làng Mô Trâu
Nguồn:vietbao.com- 20/04/2015
Cô Tư Sài Gòn
Những chuyện huyền bí thời nào cũng có, kể cả thời máy tính liên mạng.
Có chuyện nhân quả báo oán chăng?
Bản tin VietnamNet viết theo VTC ghi về điều họ gọi là “Chuyện rùng rợn quanh lời đồn ‘báo oán’ ở làng mổ trâu ở Hà Nội.”
Bản tin VTC ghi lời Ông thủ từ ngôi đền Giang Xá (Hoài Đức, Hà Nội) Hồ Xuân Đức nói rằng: “Con trâu là loài làm thật, ăn giả. Nó chỉ ăn cỏ, ăn rơm, mà làm ra lúa gạo, tiền của nuôi sống con người. Gia đình nào tốt bụng, còn lấy bao tải mặc cho nó, rồi căng bạt, đốt lửa sưởi ấm cho nó vào những ngày giá lạnh. Vậy mà con người nỡ giết nó, thì nặng nghiệp lắm!”.
Ông Đức bảo rằng, mấy chục năm nay, ông theo dõi chủ lò mổ trâu, bò, ngựa, những con vật ăn cỏ, là đầu cơ nghiệp của nhà nông và nhận thấy rằng, hầu hết những gia đình đó đều có hậu vận không tốt, gặp họa đến nhiều đời sau nữa. Còn kiếp sau của những đồ tể đó thế nào, thì chỉ có về thế giới bên kia mới biết được.
Bản tin kể, trích:
“Rồi ông Đức kể chuyện về ông ba toa H., nhà ở làng Giang Xá, xã Đức Giang. Ông H. có lò mổ trâu nhỏ, mỗi ngày giết 1-3 con. Nghề mổ trâu có từ đời cha ông H. Bố của ông cũng là thợ mổ trâu có tiếng. Bố chết, ông H. nối tiếp công việc sát sinh này.
Là bạn thân, nên ông Đức thường xuyên trò chuyện, tâm tình với ông H. về nghề sát sinh, đặc biệt là sát hại loài trâu. Ông H. làm giàu bằng nghề này, nên không thể bỏ được. Nghe khuyên giải nhiều quá, nhiều lần ông H. còn nổi cáu với người bạn thân.
Một hôm, cách đây chừng 10 năm, ông H., khi đó ngoài 50 tuổi, ra đền Giang Xá ngồi uống nước với ông Đức và mấy cựu chiến binh trong xóm. Vừa thắp nhang trong đền xong, ngồi uống được mấy chén nước, rít điếu thuốc lào, ông H. kêu tức ngực, khó chịu trong người và bảo: “Mấy ông ngồi đây, tôi về nghỉ tí”.
Nói rồi, ông H. lững thững đi về. Lát sau, vợ ông H. hớt hải chạy ra đền, mặt mũi xám ngoét: “Các bác vào nhà tôi xem thế nào, ông nhà tôi cứ làm sao ấy!”.
Ông Đức chạy vào, thấy ông H. nằm bất động trên giường, lay không dậy, gọi không thưa. Lát sau, y tá đến, thì ông H. co giật đùng đùng, rồi hộc máu tươi chết. Ông chết một lúc rồi, mà dòng máu tươi vẫn rỉ ra từ miệng. Nhìn cảnh ấy, ai cũng kinh hãi.
Ông H. chết đi, nghe lời khuyên của ông Đức, con cháu dẹp bỏ lò mổ, không theo nghề sát sinh này nữa. Theo lời ông Đức, ông đã theo dõi một số vụ chết chóc của những người giết mổ gia súc và thấy rằng, một số người trong số họ, dù chết trẻ hay chết già, đều có máu tươi chảy ra đằng miệng (?!).”(ngưng trích)
Có đúng là nhân quả hay không?
Mắt thường dĩ nhiên không thấy nổi…
Nhưng tốt nhất, là hãy ăn hiền ở lành, tránh nghiệp sát cho xa vậy. Còn hơn là, cứ mê muội hung hăng, chỉ khổ đời này, cả đời sau.
…………………………………………………..