1.DTL:Vài khía cạnh đặc thù của 20 năm Văn học Miền Nam-2.Dương Thiệu Tước,mạch tương lai láng..(QG/NV)-

DU TỬ LÊ – Vài khía cạnh đặc thù của 20 năm Văn Học Miền Nam.
Nguồn: dutule.com-12/12/2014

Tác giả : Du Tử Lê

phac hoa

Tác phẩm mới xuất bản tháng 12-2014 của tác giả Du Tử Lê(Hình: dtl.com)

==

Hoi thao 20 nam VH mien Nam.jpg1

(Bài nói chuyện trong cuộc Hội thảo chủ đề “20 Năm văn học miền Nam, tổ chức tại phòng SH nhật báo Người Việt, Thứ Bảy, ngày 6 tháng 12-2014)

Không cần phải nhấn mạnh, chúng ta đều biết dòng VH miền Nam 20 năm, là một dòng văn học cực kỳ phong phú, nhiều mầu sắc. Dù tuổi thọ của dòng VH đó, chỉ kéo dài vỏn vẹn có 20 năm.

– Đứng về phương diện nhân sự tức những cá nhân làm thành dòng VH này, tôi trộm nghĩ, có thể tạm chia thành 3 thành phần chính:

– Thành phần thứ nhất: Những nhà văn, nhà thơ gốc miền Bắc

– Thành phần thứ hai: Những nhà văn nhà thơ gốc miền Trung. (Và)

– Thành phần thứ ba: Những nhà văn, nhà thơ Nam Bộ.

– Vì miền Nam phải đương đầu với cuộc chiến được khởi xướng bởi nhà cầm quyền CS Hà Nội, nên miền Nam sớm có chế độ quân dịch hay động viên.

Do đó, trừ một thiểu số thanh niên được hoãn dịch vì lý do gia cảnh hay nghề nghiệp thì, trong hạn tuổi quân dịch, ai cũng phải nhập ngũ. Và nhà văn, nhà thơ không ngoại lệ.

Tuy cùng ở trong quân đội, nhưng về phương diện sinh hoạt văn chương, chúng ta lại có hai thành phần:

a- Thành phần thứ nhất, là những người cầm bút tiếp tục theo đuổi con đường văn chương mà họ đã, hay muốn chọn.

Ở thành phần này, tôi có thể nêu thí dụ như các nhà thơ, nhà văn Tạ Tỵ, Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, Thảo Trường, Mai Trung Tĩnh, Lê Tất Điều, Tô Thùy Yên, v.v.…

b- Thành phần thứ hai, là những người cầm bút chọn viết về đời sống quân ngũ.

Ở thành phần này, tôi nhớ tới các nhà văn quân đội như Văn Quang, Nguyên Vũ, Phan Nhật Nam (nổi tiếng với bút ký chiến trường). Tôi cũng nhớ tới nhà thơ Tường Linh, nổi tiếng với những bài thơ viết về người lính v.v…

Nhưng, dù thuộc thành phần nào thì không một ai, tôi lập lại, không một ai bị bắt buộc hoặc, nhận được chỉ thị phải viết theo nhu cầu này, đòi hỏi kia từ thượng cấp hoặc, cao hơn là từ bộ Tổng Tham Mưu QL/VNCH.

1- Tính chất TỰ DO đó, theo tôi là khía cạnh đặc thù thứ nhất, của dòng VH miền Nam 20 năm.

2- Khía cạnh đặc thù thứ 2, của 20 năm VH miền Nam, theo tôi là TÍNH NHÂN BẢN.

Dù cho các nhà văn nhà thơ miền Nam, trong khoảng thời gian vừa kể, có đề cập gần xa hay, trực tiếp tới cuộc chiến tranh tàn khốc do chế độ CS Miền Bắc chủ xướng thì, cũng không một độc giả nào tìm thấy trong tác phẩm văn chương của họ tính chất hận thù, sắt máu, như trong các sáng tác văn chương của miền Bắc.

– Khía cạnh này, nổi bật tới độ, giáo sư Neil L. Jamieson, hiện đang giảng dạy tại đại học George Mason, Virginia, đã phải công nhận và, ngợi ca qua cuốn phê bình văn học nhan đề “Understanding Vietnam” của ông. Cuốn này được xuất bản bởi liên đại học Berkeley, Los Angeles và London ấn hành, bìa mỏng đầu tiên in năm 1995.

– Cũng vậy, trong cuốn “La Rage d’être Vietnamien” của ký giả nổi tiếng thiên tả Jean Claude Pomonti, do nhà Seuil de Paris, Paris, XB năm 1975, cũng đã xiển dương khía cạnh đó với dẫn chứng thơ của miền Nam.

3- Khía cạnh đặc thù thứ 3, của 20 năm VH miền Nam là NHỮNG CÁI “TÔI” TRẦN TRỤI. Hay, những cái “Tôi” khác hẳn với cái “Tôi” có trong văn chương tiền chiến.

– Cụ thể hơn, theo ghi nhận của tôi thì, trong văn chương tiền chiến, cái “Tôi” xấu xa, dị hợm, khuyết tật hoặc, không mấy đẹp đẽ nếu có hiện ra trong văn bản thì, chúng cũng được thác vào các nhân vật A,B,C, D nào đó. Và, rất hiếm thấy trong thi ca.

– Nhưng, với 20 năm VH miền Nam thì ngược lại. Người đọc thấy được rất nhiều cái “Tôi”, dị hợm, xấu xí, hèn nhát, bậm trợn… được phơi bày một cách trực tiếp từ các tác giả, chứ không thể hiện qua một hình nhân thế mạng nào hết.

Thậm chí, đời sống tình cảm riêng tư của tác giả, cũng được phơi bày trong thi ca. Điển hình như nhà thơ Nhã Ca, trong bài “Tiếng chuông Thiên Mụ”.

Bài thơ phản ảnh một sự việc phải nói là can đảm, táo bạo hiếm thấy.

Đó là khi bà ghi lại việc bà trốn nhà đi theo tiếng gọi tình yêu – (tình yêu của nhà thơ Trần Dạ Từ) năm bà 19 tuổi.

Bài thơ khá dài, tôi chỉ xin trích dẫn một đoạn ngắn, như sau:

“Tôi bỏ nhà ra đi năm mười chín tuổi
Đêm trước ngày đi nằm đợi tiếng chuông
Cuối cơn điên đầu giấc ngủ đau buồn
Tiếng chuông dịu dàng lay tôi dậy
Tiếng chuông đến chỉ một mình tôi thấy
Chỉ mình tôi nhìn thấy tiếng chuông tan
Tiếng chuông tan đều như hơi thở anh em
Tiếng chuông tan rời như lệ mẹ hiền
Tiếng chuông tan lâu như mưa ngoài phố…”

4- Khía cạnh đặc thù thứ 4, của 20 năm VH miền Nam, theo tôi là sự tự phát nhà XB, do các nhà văn, nhà thơ chủ trương.

Tôi không nói chế độ miền Nam có một nền tự do rộng rãi, lý tưởng. Nhưng chí ít về phương diện XB thì miền Nam, 20 năm được ghi nhận là dễ dàng, thoải mái không thua gì những quốc gia tự do dân chủ khác trên thế giới.

Hồi đó, không kể những nhà xuất bản lớn, chuyên nghiệp thì, để XB một tác phẩm văn chương, các tác giả chỉ phải nộp bản thảo cho phòng Kiểm Duyệt tại Bộ Thông Tin, với một tờ khai rất sơ sài là tên họ, địa chỉ người xin XB. Khoảng 2 hoặc 3 tuần, tác giả trở lại, sẽ nhận lại bản thảo và, giấy phép XB.

Điều đáng nói nữa là dù bạn XB bao nhiêu đầu sách trong năm thì, cũng không ai bị sở thuế tìm kiếm, gây khó dễ.

Về những nhà văn, nhà thơ điều hành những nhà xuất bản kiểu “tự phát” như vậy, có thể kể tới nhà Thời Mới của Võ Phiến, Kẻ Sĩ của Tô Thùy Yên, Thương Yêu của Nhã Ca-Trần Dạ Từ, Hoàng Đông Phương của Nguyễn Thị Hoàng, Đại Ngã của Nguyên Vũ, Kinh Thi của Hoàng Như An (một trong những bút hiệu của giáo sư Như Hạnh / Nguyễn Tự Cường sau này) v.v…

5- Khía cạnh đặc thù thứ 5 của 20 năm VH miền Nam, theo tôi là:

– Song song với dòng chảy văn chương bởi những cây bút miền Bắc và miền Trung thì, VH miền Nam 20 năm, còn có dòng chảy của văn chương “Nam Bộ” với những tác giả miền Nam – – Viết bằng ngôn ngữ đặc thù miền Nam.

– Tiêu biểu như nhà văn Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam. Phổ cập hơn, có thể kể tới những tác giả khác, như Bà Tùng Long, Ngọc Linh, Sĩ Trung, Trọng Nguyên, Dương Hà, Dương Trữ La, Hoài Điệp Tử, v.v…

6- Khía cạnh đặc thù thứ 6, trong ghi nhận của tôi là sự xuất hiện rực rỡ, tươi tốt của hàng ngũ những nhà văn nữ.

Tất nhiên, ở giai đoạn văn chương Tiền Chiến, cũng có sự góp mặt của một số tác giả nữ. Nhưng họ không chiếm lĩnh những vị trí trung tâm, chói lọi của ánh sáng tiền trường.

Có thể kể các tác giả như Tương Phố, Anh Thơ, Vân Đài, Thụy An, Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội, v.v…

Trong khi các nhà văn nữ của 20 năm VH miền Nam thì ngược lại. Họ hiện diện như những điểm đứng nổi bật.

Có thể kể Trùng Dương, Nhã Ca, Túy Hồng, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Trần Thị NgH, v.v…

Ở lãnh vực này, có một đặc điểm mà tôi chú ý đó là:

– Trong khi đa số các nhà văn nữ thời đó, tuồng có xu hướng chung là: đem tính dục vào tác phẩm thì, Nhã Ca lại là người duy nhất, nói “không” với tính dục trong các tác phẩm của mình.

Những tưởng điều đó sẽ khiến số lượng độc giả đọc bà bị sút giảm. Nhưng thực tế không hề – – Nếu không muốn nói là ngược lại.

7- Khía cạnh đặc thù thứ 7, theo tôi là sự THAY ĐỔI CÁCH VIẾT.

Người có công lớn trong nỗ lực thay đổi cách viết là nhà văn Mai Thảo. Khi ông biến những động từ, tính từ thành những danh từ, làm chủ từ cho một mệnh đề.

– Thí dụ…khi ông viết “Ném một cái nhìn về thành phố…” Thì, “Ném” là động từ, nhưng được ông dùng như một danh từ, làm chủ từ cho câu văn của mình.

– Cũng với Mai Thảo, một câu văn có thể dài lướt thướt hoặc chỉ có một, hai chữ. Hình thức này, trước đó, người ta chỉ thấy trong thi ca mà, không có trong văn xuôi.

– Sự đổi mới cách viết của Mai Thảo, sau đấy, được nhiều người hưởng ứng.

8- Khía cạnh đặc thù thứ 8, của 20 năm VH miền Nam, theo tôi là sự tiếp nhận, KHAI TRIỂN MỌI TRÀO LƯU VĂN CHƯƠNG THẾ GIỚI.

Nói rõ hơn, bên cạnh các tác giả tiếp tục con đường văn chương tiền chiến, dựa trên các yếu tính như cốt truyện , khai thác tâm lý nhân vật, nghiêng về mặt tối tăm của xã hội thì, đa số còn lại, lại hăm hở tìm kiếm, thử nghiệm những trào lưu văn chương mới: Từ thơ Tự Do tới những xu hướng văn chương khác, như Hiện Sinh, Triết Học, Phân Tâm Học, Tiểu thuyết Mới (Nouveau-Roman) v.v…

9- Khía cạnh đặc thù thứ 9 và, cuối cùng theo tôi, là khía cạnh ĐẢ KÍCH TÔN GIÁO. Đây là một lãnh vực cực kỳ nhậy cảm. Thời tiền chiến, các nhà văn, nhà thơ của chúng ta, rất ít chạm tới. Nhưng với 20 năm VH miền Nam thì vòng phấn cấm kỵ này cũng đã bị vượt qua.

Người mạnh mẽ, quyết liệt xóa đi cái “taboo” đó, là nhà văn Thế Nguyên với tác phẩm “Hồi Chuông Tắt Lửa” – – Và, những truyện dịch do nhà Trình Bày của ông ấn hành, như cuốn “Chúa đã khước từ” của nhà văn Đại Hàn Richard Kim v.v… Tuy tác giả Richard Kim không phải là nhà văn VN, nhưng sách của ông sau khi được chuyển dịch sang Việt ngữ, thì nó đã chảy chung trong dòng văn chương miền Nam.

.

Để kết thúc bài nói chuyện của tôi hôm nay, ở đây, tôi xin nhấn mạnh:

– Có thể 20 năm VH miền Nam còn nhiều điểm đặc thù khác nữa, nhưng tự biết khả năng giới hạn của mình, nên bài nói chuyện của tôi, có tựa đề là “Vài khía cạnh đặc thù của 20 năm VH miền Nam”, mà thôi.

Dám mong quý vị và, các bạn lượng thứ cho mọi sơ sót không thể tránh khỏi của tôi.

Trân trọng cám ơn quý vị và, các bạn.

Du Tử Lê.

…………………………………………………

Dương Thiệu Tước, mạch tương lai láng chờ phím ngân trùng
Nguồn:nguoiviet.com-Wednesday, December 10, 2014

Quỳnh Giao

Giao
Trong một dịp bình nghị về nhạc, Phạm Duy đã phát biểu, rằng vào đầu thập niên 40 khi Văn Cao và Phạm Duy còn viết nhạc với âm thanh chuỗi như trong Cung Đàn Xưa hay Khối Tình Trương Chi, thì người đó đã tài tình hòa cả thất cung lẫn ngũ cung trong một khúc tình ca diễm tuyệt. Người mà Phạm Duy nhắc tới đó, chính là Dương Thiệu Tước.

Khúc hát làm Phạm Duy cảm phục mãi tới giờ chính là Trời Xanh Thẳm, mà Dương Thiệu Tước đã viết từ năm 1939. Và Phạm Duy nhớ bài ca vô cùng, vì do nghe Thái Hằng ngây ngất với Trời Xanh Thẳm mà ông đã bị cú sét ái tình… và Thái Hằng trở thành bà Phạm Duy từ đó…

Đối với nhiều nhạc sĩ ở tuổi thất tuần hiện nay, Dương Thiệu Tước là một người đàn anh đáng yêu, không chỉ vì tuổi đời hay tuổi nghề, mà còn vì tài nghệ xuất chúng và cung cách phong nhã khác thường.

Sinh quán ở Vân Đình, Hà Đông, nay là tỉnh Hà Tây, Dương Thiệu Tước là người dòng dõi nho học và quyền quý. Ông nội ông là Dương Khuê hay em ruột ông nội là Dương Lâm đều là danh sĩ và làm quan tới chức thượng thư của triều Nguyễn. Cụ thân sinh là Dương Tự Nhu thì đã làm bố chính Hưng Yên. Nhưng Dương Thiệu Tước lại chẳng chọn đường khoa cử và lánh xa hoạn lộ, để rồi thành một trong những người mở đường cho tân nhạc.

Sau một đời yêu và sống với nhạc và đào tạo bao thế hệ nhạc sĩ, ông đã lánh đục về trong, để lặng lẽ từ biệt chúng ta một năm sau tuổi bát tuần, vào mùa Thu 95 tại Sài Gòn.

Nói rằng ông dành một đời để yêu và sống với âm nhạc là không quá, vì ông mở tiệm bán và sửa đàn, mở lớp dạy nhạc dạy đàn, và là bậc thầy của nhiều thế hệ về Hạ uy cầm và Tây ban cầm. Ông liên tục dạy Tây ban cầm tại trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Sài Gòn từ thập niên 60 cho tới những năm sau 75. Rất giỏi về nhạc lý và nhạc khí Đông Tây, ông được bằng hữu và học trò quý mến vì phong thái khiêm cung ôn tồn mỗi khi luận bàn hoặc chỉ dẫn về nhạc thuật và sáng tác…

Khi nói đến Văn Cao rồi nhạc thuật Dương Thiệu Tước, ta cần nhớ tới vài quy tắc viết ca khúc.

Chẳng hạn như một bài hát nói có một số quy ước về thể thức, với mưỡu đầu hay mưỡu hậu, đủ khổ hay dôi khổ, hay câu gối hạc… thì ca khúc cũng có phần mở đầu, có nhiều chuyển đoạn dẫn tới điệp khúc và trở về chuyển đoạn để chấm dứt với phần coda. Nhiều người đã không viết như vậy, cho nên như ở Buồn Tàn Thu của Văn Cao hay Tạ Từ của Tô Vũ, ta có thể chấm dứt hoặc hát tiếp ở bất cứ đoạn nào.

So sánh, Dương Thiệu Tước mô phạm và có căn bản về nhạc lý cả Đông lẫn Tây nên tôn trọng nhạc thuật ở mức cao nhất, và các sáng tác của ông đều có thể là mẫu mực về kỹ thuật viết nhạc cho nhiều thế hệ sau…

Nói về di sản âm nhạc Dương Thiệu Tước, ta sẽ nói về nửa thế kỷ tân nhạc vì ông sáng tác rất nhiều, ở đủ mọi thể loại và bài nào cũng xuất sắc đáng ghi. Quỳnh Giao chỉ xin giới thiệu về nhạc trữ tình của ông, vì ông là người viết nhạc tình quý phái và trang nhã nhất của chúng ta.

Ông đã thấm nhuần phong hóa cổ truyền, với đủ nét cầm thi Á Đông, lại được học guitar và nhạc lý với một giáo sư Pháp từ nhỏ, nên sáng tác của ông đều cao nhã với âm điệu Tây phương mà uẩn súc trong nỗi rung động Đông phương. Đằm thắm mà không suồng sã, và dù là kén người hát người nghe, nhạc tình của ông sẽ tồn tại với thời gian vì càng nghe ta sẽ càng yêu quý.

Ca khúc nổi tiếng nhất của ông chẳng hạn, bài Đêm Tàn Bến Ngự, có lẽ tiêu biểu cho nghệ thuật Dương Thiệu Tước trong các cung bậc cổ truyền để diễn tả hình ảnh đậm nét dân tộc, còn hơn hẳn bao nhạc sĩ thường viết về dân ca cải biên. Sinh tại miền Bắc, ông là tác giả của bài ca bất hủ và u uẩn nhất về non nước hương bình.

Một ca khúc thứ hai có âm hưởng dân nhạc là bài Tiếng Xưa, với hình tượng của Đường thi trong làn điệu của dân ca miền Nam. Phải yêu và hiểu nhạc Việt tới chỗ sâu sắc mới viết nên ca khúc như vậy, mà nếu chỉ căn cứ vào lời từ cổ kính với cung đàn nhỏ lệ Tầm Dương, phím loan vương tình… ít khi ta nhớ tới sông nước Cửu Long…

Ấy vậy, cũng Dương Thiệu Tước khi sử dụng tiết điệu Tây phương, lại cho ta nhiều nhạc khúc có âm hưởng Âu Châu cổ điển và cả hiện đại, như bài Bến Xuân Xanh lôi cuốn với nhịp 3/4 của một bài luân vũ bên thành Vienne, hoặc rộn ràng nhịp Tango habanera với Bóng Chiều Xưa, và rực rỡ âm sắc La Tinh với Khúc Nhạc Dưới Trăng hay Hội Hoa Đăng.

Trừ mấy bài như Chiều phổ thơ Hồ Dzếnh, hay Bóng Chiều Xưa có lời từ của Minh Trang, các ca khúc Dương Thiệu Tước dù viết trên cung bậc Tây phương cổ điển hay hiện đại đều có lời từ thuần nhã của một người thấm đậm văn hóa Việt. Chúng ta thấy rõ điều đó ở các tuyệt tác như Áng Mây Chiều, Phút Say Hương, Sóng Lòng, Mơ Tiên, Đêm Ngắn Tình Dài, Kiếp Hoa hay Thuyền Mơ… với lời ca cổ kính, cứ tưởng như ước lệ mà lại gợi ra hình ảnh mới, chan hòa màu sắc và ánh sáng mới.

Ở Dương Thiệu Tước, nhạc là màu sắc và vũ điệu, và thanh âm là thơ, là tình.

Điều đáng tiếc cho ông, và cho cả chúng ta, các ca khúc Dương Thiệu Tước có chất bác học và đòi hỏi một trình độ nào đó về hòa âm và nghệ thuật diễn tả. Dương Thiệu Tước lại quá yêu nhạc để lưu ý tới quảng bá thương mại, cho nên các ca khúc của ông, vốn đã kén người nghe lại ít được thực hiện và phổ biến cho xứng đáng với giá trị của chúng.

Thuở sinh tiền, ông có thấy điều đó và thường mỉm cười trong sự tĩnh lặng của ông. Lòng ông như một phím tơ chỉ chờ rung lên dưới bàn tay nghệ thuật, mà ông lại lạnh tanh với tiếng vỗ tay và, như Duy Trác đã luận, “giữa sân khấu cuộc đời, Dương Thiệu Tước hoàn toàn đóng vai của người vắng mặt.” Nơi ông, lòng yêu nghệ thuật đã quá lớn để ông quan tâm tới tên tuổi của ông hay người thưởng ngoạn.

Chúng ta càng yêu tài và nhớ ơn thì càng kính trọng ông trong sự im vắng của ông. Được sống với ông như người con gái trong những bước đầu bước vào âm nhạc cho tới 1975, Quỳnh Giao luôn luôn trân quý các ca khúc của ông, và thiết tha cầu mong là người Việt sau này sẽ không quên công lao rất lớn của ông cho tân nhạc, từ những năm khơi nguồn cho tới về sau này…

Trong các ca khúc viết về tình yêu, Dương Thiệu Tước ưa nhất bài Ngọc Lan. Đây là tác phẩm trang trọng quý phái nhất của các tình khúc nước ta, và cho thấy chiều cao nghệ thuật và chiều sâu văn hóa của tác giả. Ông họa chân dung người đẹp trong giấc Xuân, yêu kiều như đóa ngọc lan, rồi vẽ đóa thơm tỏa hương như một mỹ nhân, để rồi hoa với người hòa lẫn trong cung bậc đặt dìu, đài các mà không lả lơi, nồng nàn mà không suồng sã.

Ngần ấy hình ảnh đẹp như tranh cổ lại đan lượn trên cung bậc trang nhã của nhạc bán cổ điển Tây phương, để kết thúc mơ hồ như một giấc hư ảo…

Quỳnh Giao xin kính chào tạm biệt quý vị, và xin hẹn tái ngộ trong chương trình tới của Suối Nguồn Tân Nhạc Việt Nam để nhớ về Phạm Đình Chương…
…………………………………………………………..

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics