1.Du Tử Lê: Nguyên Đán 1975(Tùy bút)-Cõi Mẹ Về-Tháng chạp,mới(Thơ)2.Ernest Hemingway(FW)

Nguyên Đán 1975,
Nguồn:dutule.com-01 Tháng Tám 2017 

   Du Tử Lê.

Tranh Du Tử Lê

Trang nhà Du TỬ Lê

Nguồn:trang nhà dtlTôi vẫn nghĩ, nếu có những sự kiện đáng ghi nhớ, bị thời gian xóa nhòa hay đánh cắp một cách thô bạo, khi người ta bước vào tuổi già thì, cũng có những sự kiện, thời gian đã cho thấy sự bất lực của nó. Với tôi, đó là những vết chém đã lành, vết sẹo có thể cũng đã nhạt, nhưng không vì vậy mà, con lươn nổi cộm trên da thâm, sẽ teo tóp. Nó vẫn còn đó. Nguyên trạng. Mỗi khi ta vô tình trông thấy, chạm phải hoặc, gặp một mùi hương vô tình dẫn lộ…

Tới giờ, tôi vẫn không quên (dù không muốn nhớ) một ngày trước Giáng Sinh tháng 12- 1975, buổi chiều, đi làm về, bỏ hộp đựng thức ăn trưa lên quầy bếp, tôi  thấy lá thư mang dấu bưu điện, một thành phố ở ngoại ô Paris. Mở ra, bên trong là lá thư tôi chờ đợi mỏi mòn, tuyệt vọng từ hơn nửa năm trước!  Ngồi xuống sofa, những dòng quen thuộc, nhưng xiêu vẹo của chị T. tôi, khiến tôi không nén được xúc động.’

Mở đầu, chị tôi cho biết, đã nhận được tin tức của tôi, qua một lá thư tôi gửi cho chị N., ở Pháp, nhờ chuyển về Saigon cho mẹ tôi. Đó là lá thư đầu tiên của tôi, tới tay mẹ tôi, ở Saigon, sau hàng chục lá thư do Hội Hồng Thập Tự cung cấp miễn phí cho người tỵ nạn ở Camp Pendleton. Không hồi âm!!!

Chị tôi nói, lá thư ấy, như một thứ thuốc hồi sinh cực mạnh, giúp mẹ tôi tiếp tục sống được, sau một loạt tin đồn, cho rằng, tôi đã bị bắn chết ở chân cầu xa lộ Đại Hàn. Có  người cúi xuống, lấy chiếc ví đựng giấy tờ tùy thân của tôi. Nhưng người đó không biết ai là thân nhân, để trao lại!

Những dòng chữ nhỏ li ti, xiêu vẹo của chị T., như những con sóng dữ nhận chìm tôi cánh bèo tội nghiệp. Biết mình chẳng thể cản ngăn, tôi để mặc xúc động tìm lối đi của nó…

Cũng vậy, Tết Nguyên Đán Bính Thìn, ngày 11 tháng 2 năm 1976, là cái Tết đầu tiên của tôi, ở xứ người. Nó không mang lại cho tôi những giây phút nghẹn ngào như đứa trẻ con bị hắt hủi. Nhưng nó vẫn là vết chém để lại trong tôi, vết sẹo con lươn nổi cộm trên da, sau bốn mươi năm, lưu lạc.

Thời gian đó, gia đình anh Q. tôi được bảo trợ về thành phố Pomona, sau khi tôi được gia đình sponsor, đón về Costa Mesa. Ngôi nhà gần trường OCC.

Khoảng cách giữa Costa Mesa và Pomona không xa lắm. Hiềm nỗi, khi ấy, với tôi, đó là cả một đoạn đường đầy rẫy bất trắc…

Nhớ lại, sau khi ra trại được hơn hai tháng, tôi xin ông bà bảo trợ cho tôi “ra giêng”. Công việc thứ hai của tôi là công nhân dây truyền trong phòng Lab của hãng Rockwell International, ở Newport Beach. Trước đấy, tôi nhận việc  ở một xưởng mộc, Santa Ana, với lương căn bản 2 đồng 10 xu / một giờ. Đứng đủ 8 tiếng mỗi ngày, qua tới tuần thứ hai, tôi xỉu tại chỗ…  Có được công việc thứ hai, lương gấp đôi, tôi thuê một căn apartment loại duplex, trên đường Harbor, cũng gần trường OCC. Để giữ việc và, giảm bớt những ngày mùa thu lạnh lẽo, co ro nơi mấy trạm xe buýt, tôi mua trả góp một chiếc Volkswagen số tay, cũ. Rẻ. Giống như chiếc Volkswagen tôi có, ở Saigon.

Từ ngày có xe, tôi nhớ chỉ đi thăm gia đình anh chị Q. tôi ở Pomona, đâu dăm ba lần. Đoạn đường tuy không dài lắm, nhưng mỗi lần chạy xe trên xa lộ 57, với tôi là cả một quãng dài căng thẳng, hồi hộp.

Có dễ vì thế mà buổi chiều mồng Một Tết, rơi vào ngày Thứ Ba, khi thấy tôi xuất hiện, anh chị và các cháu tôi, không khỏi bất ngờ.

Leo tới gần đầu cầu thang của căn apartment hai phòng ngủ, tầng thứ hai, chỗ ở của 6 người gồm cả lớn bé, tôi đã ngửi thấy mùi nhang quen thuộc. Một thứ mùi gợi lên sự  ấm áp của gia đình VN, những ngày giỗ chạp hoặc Tết nhất. Tôi tự hỏi, ở đâu ra mà chị tôi có thể có những thẻ nhang đó? Mùi thơm làm tôi khựng lại. Tôi hít đầy lồng ngực mùi hương, những tưởng sẽ chẳng bao giờ còn có thể được thở!.!

Bước vào, hình ảnh đầu tiên nhói mắt tôi, là chiếc bàn ăn cũ, phủ khăn trắng. Trên bày một bát ăn cơm, đổ đầy gạo làm bình nhang. Mấy cây nhang cháy dở. Tàn tro rớt trên ba tách trà. Vài chén chè. Con gà luộc ốm nhom, chúi đầu trên chiếc đĩa bày một tệp giấy bản màu vàng sốt rét; in chữ Tàu đỏ. Chúng đợi tiễn chân ông bà theo tục lệ gọi là hóa vàng, sau mấy ngày Tết? Gần đấy, hai cây nến đỏ, cắm tạm trong hai chiếc đĩa nhựa mà, những giọt sáp ứa ra, bám dọc thân nến. Như những giọt lệ chờ góp nốt phần da, thịt cuối cùng của nó, cho ngọn lửa.   

Tôi thấy đủ các cháu tôi. (Trừ Trâm đã được bà bảo trợ cha mẹ nuôi lo cho nhập trường Berkeley. Ánh được gửi đi trước 30 tháng 4, trôi dạt đâu đó ở Canada).

 Ở một góc phòng, Huân, Hoàng Anh, đang mở cuốn tự điển Anh-Việt bỏ túi, làm bài. Góc đối diện là Yến, Trinh châm chú theo dõi một chương trình gì đó nơi chiếc TV to đùng, đặt trên một chiếc bàn gỗ nhỏ. Anh Q. tôi cũng đang theo dõi TV, từ một chiếc ghế sắt có tựa, kê gần bàn… thờ. Tôi chỉ hơi ngạc nhiên khi thấy Luân, được ông bà bảo trợ giầu có ở Hollywood chở Luân về thăm gia đình.

Không biết vì đâu, mùi nhang thoảng, không tan, tuồng bị cột, níu bởi một quá khứ mơ hồ nào đấy, làm tôi nao lòng. Tôi bất ngờ gặp lại tôi đâu đó, giữa quê nhà (?) Qua tấm kính lớn cửa sổ, tôi thấy những ngọn núi lầm lì vây quanh. Những ngọn núi xa, cao hơn, được tuyết rải lớp muối trắng, xốp. Dưới thấp, dăm cây sồi còn giữ lại được vài chiếc lá, héo. Khi gió thổi tới, những chiếc lá lạc loài, lung linh tiếng thở dài, tựa bài hát không lời, nhấn nhá nỗi buồn, chỉ nó biết!!!

Tôi chào anh Q.  Anh tôi vui hẳn; chỉ chiếc ghế con gần đó, bảo ngồi xuống. Tôi “Dạ. Vâng” rồi đi thẳng vào bếp, ôm vai chị Q. Chị đang nấu một nồi canh (?) Nhiều bóng? Xu hào? Tôm khô? Cà rốt sắt nhỏ?

Vẫn nụ cười buồn nhiều hơn vui, từ mấy chục năm trước, chị nói, chị không nghĩ tôi về được ngày Mồng Một Tết. Tôi nói, tôi xin nghỉ nửa ngày vì thế mà về trễ. Tôi hỏi chị kiếm đâu ra mấy thứ “xa xỉ” bày trên bàn…thờ? Chị bảo, cả tháng trước, chị đã phải nhờ người kiếm ở chợ Tàu. “Nếu không thì cũng chịu chết thôi!” Và chị nhắc nhở:

“Em xem có việc gì ở vùng em ở, xin cho chị làm. Bất cứ việc gì. Chị sẽ về Costa Mesa ở với em.”

Chị coi như tôi có khả năng giúp chị thực hiện cái mơ ước đau đáu ấy!?! Tuy nhiên, tôi vẫn “Dạ. Vâng” dù không có một ý niệm gì, trong đầu.

Trở ra, tôi ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh anh tôi. Huân ra khỏi bài tập của mình, kể tôi nghe chuyện bán kem cuối tuần cho một tiệm kem ở downtown Pomona và, những đồng tiền típ… Luân hồn nhiên hơn, liến thoắng kể những mẩu chuyện liên quan tới ông bà bảo trợ. Cu cậu có vẽ hãnh diện khi biết người bảo trợ của mình là một tài tử từng đóng nhiều vai phụ, cho một số phim ở Hollywood. Tôi hỏi thăm anh tôi về việc làm ở một chi nhánh Bank of America, Los Angeles…

Không ai nói hoặc nhắc lại những cái Tết ở Saigon, trước tháng 4-1975. Cũng không ai nhắc tới mẹ tôi, chị T., và anh Du tôi (đã đi tù cải tạo).

Tôi không biết có phải vì bản năng sinh tồn, buộc mọi người phải quên đi? Hay đời sống mới đã lạnh lùng chặt đứt mọi rễ cây quá khứ? Như thể đó là những thứ gì từng được coi là tốt, đẹp, nay, bỗng trở thành hầm mộ tối tăm, phải lấp, bỏ? (Dù giữa phòng vẫn là… bát ăn cơm, đổ đầy gạo làm bình nhang. Mấy cây nhang đang cháy dở. Con gà luộc ốm nhom, chúi đầu trên chiếc đĩa sành. Tệp giấy bản màu vàng sốt rét, in chữ Tàu, đợi tiễn chân ông bà… Và, hai cây nến đỏ, với những giọt sáp ứa ra, bám dọc thân nến. Như những giọt lệ chờ góp nốt phần thịt, da cuối cùng cho ngọn lửa…)

.Khi dãy đèn thưa thớt chỉ đủ sức hắt những bóng cây cypress tù mù, xuống mấy con đường Pomona rộng thênh, tôi mới bắt đầu lái xe về lại Costa Mesa. Huân, Yến, Hoàng Anh muốn tôi ở lại, sáng mai về. Chị Q. nói chiều mồng ba Tết, cố về. Đó là ngày giỗ anh Uyển tôi – – Người bị máy bay Pháp bắn chết ở Nho Quan năm 1951. Và cũng là ngày “hóa vàng”, đưa ông bà về trời.

 Tôi lại “Dạ. Vâng”; dù không nghĩ có thể trở lại.

Dò dẫm trên đường về, chiếc xe cũ của tôi lẻ loi bám sát vách đá, dưới chân những ngọn núi được tuyết rải một lớp muối trắng, xốp. Khi gió lay động rừng sồi dưới thấp, sót lại vài chiếc lá héo, nắn ná chưa rụng; lung linh tiếng thở dài, như bài hát không lời, chia buồn năm mới của tôi (?) Lẫn trong tiếng thở dài, tôi nghe được mùi nhang không tan, đâu đó. Tựa chúng bị cột, níu bởi một quá khứ hào hển mơ hồ nào đấy! Hình ảnh mẹ tôi, chị T. và, anh Dư tôi, cũng như vài chiếc lá héo, nắn ná chưa rụng. Âm bản câm. Lặng lẽ hiện rõ trong tôi.

Trong một giây, vô thức, tôi buột miệng: “Con đây! Me ơi!”

Gió buốt thổi vào lòng xe, qua những ke hở, cùng tiếng sóng xa lộ rì rầm, thay mẹ tôi, dội lại.

Gần khuya, về tới nhà, tôi còn tự hỏi, liệu đời sống tôi có giống “…những giọt sáp ứa ra, bám dọc thân nến, như những giọt lệ chờ góp nốt phần thịt, da cuối cùng của mình cho ngọn lửa?” Khi ngày Tết sẽ rất sớm, qua đi. Và, những chiếc lá héo, sót lại trong rừng xồi, dù nắn ná cách mấy, rồi cũng phải rụng! Nhưng, ai sẽ rụng trước?

Tôi cầu xin hãy là tôi. Trước nhất.

Du Tử Lê.
……………………………………………………………………….

Cõi Mẹ Về

  Du Tử Lê

Nguồn: dutule.com- 11 Tháng Năm 2017 

cõi mẹ về

em đâu biết tôi có những giấc mơ
bay dọc lộ trình Hà Nam-Hà Nội
cùng những chiếc ghe muối
những chiếc thuyền đinh
chở bương, chở nứa
chúng chở hồn tôi trôi dọc sông Đáy
và tấm lòng thủy chung của mẹ tôi
cũng không đáy.

em đâu biết tôi có những giấc mơ
tỉnh ra còn ngỡ
như có chuyến xe lửa vừa mới khởi hành
về Hà Đông.
nơi mẹ tôi được sinh ra, lớn lên
rồi theo chồng đi miết
quê ngoại với tôi tới giờ vẫn còn
là một niềm bí mật
như những sợi tơ dăng khắp bầu trời
tôi từng vói mà chưa lần nắm được.

em đâu biết tôi có những giấc mơ
thấy rõ mẹ về
đắp lại tôi, tấm chăn
vuốt lại tôi, mái tóc
đã bao năm mất hút sau lưng
mà mẹ tôi vẫn không thể tin rằng
mái tóc xanh của con bà đã bạc
những đường kẻ dọc ngang vầng trán tối
đôi mắt nay đã mờ
(đôi mắt trong veo ngày xưa nhìn theo
mẹ tôi những ngày họp chợ)
đôi mắt giờ đã xụp, lở nắng mưa
mẹ tôi hỏi sao tóc con lại trắng
những sợi gân nào lấp ló dưới da nhăn?
tôi hỏi mẹ lúc rày người có khỏe
mẹ tôi cười
quết trầu đỏ
đôi làn môi cắn chỉ
bà vẫn buồn như thuở bố đi luôn.

em đâu biết tôi có những giấc mơ
tỉnh rồi cứ ngỡ
tuổi thơ mình vẫn còn ở đó
con đường Trần Hưng Đạo
căn nhà mang số 1029
đôi hàng cây sao
Sàigòn, những chú Ba Tàu mặc quần xà lỏn
vê chiếc áo thung cháo lòng lên cao
xì xồ khoe bụng mỡ.

em đâu biết tôi có những giấc mơ
bay mềm con đường Trần Bình Trọng
nơi mỗi sớm mai tôi phải đi ngang
ngôi nhà thờ mang tên Huyện Sĩ
lối dẫn tới ngôi trường
có băng ghế dài
có bảng đen
có bài học vỡ lòng về tình bạn
nhờ tình bạn này mà tôi biết yêu em.

em đâu biết tôi có những giấc mơ
lúc tỉnh ra còn nghe sóng biển
vỗ đâu đây
Hải Phòng? Đồ Sơn? Vũng Tàu? Hà Tiên? Guam?
nơi tôi phơi mình trần trụi
trên một trong những doi cát
nơi người con gái mười lăm tuổi tên Thư
học trường Tây, nói với tôi bằng tiếng Pháp
rằng tôi là tình yêu thứ nhất của nàng
lúc hai đứa ôm nhau trong bụi rậm
Thư đã buồn khi hỏi mẹ tôi đâu?

em đâu biết tôi có những giấc mơ
buổi sáng, Camp Pendleton, xếp hàng, đợi bữa
nơi có rất nhiều chuyến xe buýt miễn phí
nối liền processing center và Trại Một
người con gái ốm o ngồi cùng một băng ghế
hỏi có phải tôi là người mới tới vài hôm
và nàng muốn được nghe từ tôi một bài thơ cũ
nàng đọc:
“mừng em sinh nhật mới này
nến đau đớn thắp lên đầy cuộc vui…”
tiếng động cơ, tiếng gió, tiếng chim gõ kiến
tiếng cười tiếng khóc
tiếng loa phóng thanh nhắn tin tìm thân nhân
và hơi thở gấp gáp trong lồng ngực nhấp nhô
mới nhú
của người con gái
tan trên miệng vực.

tôi đưa nàng xuống đáy thung lũng
chỗ an nghỉ của những cành sồi bị gió sương đánh gẫy
nàng đọc lõm bõm những câu thơ còn lại của bài
sinh nhật, mười hai
tôi hỏi mới bây nhiêu mà sao đã
lần về nát tan sớm vậy?
nàng mỉm cười
(nụ cười tựa vết nứt sớm của một trái cây non!)
nàng bảo tuổi thơ nàng thế đó
lúc ngang qua khu nhà ăn
tôi thấy người yêu tôi đang xếp hàng
chờ lấy cơm mang về barrack
nàng mỏng tanh như một chiếc lá thuộc bài bị ép.
sau này tôi mới hay
đó là lúc nàng đã mang bầu hơn tháng
người con gái tên Thảo không biết
có còn ở San Jose?
riêng người yêu tôi, bây giờ
đã có chồng và đang nuôi hai đứa con của tôi
rất mực tử tế.

em đâu biết tôi có những giấc mơ
lập lại hoài như cuộn băng đã nhão
những tiếng rè, đứt quãng
như con đường Ranchero Way cụt ngủn
xe chẳng cần quay đầu.
như trong ngôi nhà có mảnh vườn bát ngát
bao lần mẹ tôi ngã ngồi dưới gốc cây chanh
bà ưa hỏi: chanh đâu mà lắm thế
hãy coi chừng kẻ trộm nghe con!
như người con gái mắt mưa
tóc dài gió bão
đã bỏ đi
cho những lời nguyền ở lại.

em đâu biết tôi có những giấc mơ
bùn lầy khu chợ cầu Ông Lãnh
mùi cá ươn. mùi bùn. mùi rác
mùi thoi thóp từ những xác thân đợi chết
mùi mồ hôi. mùi nước mắt vô tri
mùi áo len người con gái mang ảnh hình Đức Mẹ
nàng sống huyễn hoặc nhờ những trang thư
hơn là đời thật
đoạn đường có quán cà phê mở khuya
nghe nói hồi mồ ma Lê Văn Trương
ông đặt tên là Quán Biên Thùy
chiếc quán tôi ngồi gần hết thời mới lớn
với những người bạn
(nhiều đứa chết lúc còn rất trẻ
như Hoài Lữ, như Hoàng Đình Tập…)
nơi tôi trở lại
lúc tóc bạc tơi
cùng hạt lệ muộn của người con gái hiện thân
Quan Thế Âm.

ở đó, tôi nhớ mùi con đường Westminster
chạy dài tới biển
mùi tóc đẫm nhà thương
mùi những ngón tay run trên nền ngực trắng
mùi nước mắt của người đàn bà
(mà tôi thích gọi bằng Hựu)
mùi hàng găng ngày mưa
mùi tóc ngắn
mùi tiệm phở tôi thường ngồi với bạn mỗi sớm mai
và tiệm mì cũng không xa lắm

em đâu biết tôi có những giấc mơ
đầy chim. về núi
khu rừng phong. dăm tờ thư cũ
không ai còn hỏi nữa: tôi đâu?
mọi người đều bận việc
chẳng ai đủ rỗi
để hỏi mình là ai
ở chốn nào trên mặt đất đang nhăn
và cớ sao đời ta lại mau tối vậy?

em đâu biết tôi có những giấc mơ
tỉnh dậy còn nhớ tới ngày chết trong bệnh viện
mẹ tôi chưa từng ăn một cọng bún
một tô phở, một tô bánh canh
một hột vịt lộn
một miếng cá chiên
dù bây giờ mỗi ngày tôi vẫn ăn
như mùa xuân vẫn tới
như con đường Garden Grove
đương nhiên cắt ngang Magnolia
cắt ngang Brookhurst…

nhưng em ạ, mọi điều nay đã đổi
bởi vì em, như mẹ, đã không còn.

Du Tử Lê

2-91

………………………………………………………………

 tháng chạp, mới
Nguồn:dutule.com- 07 Tháng Mười Hai 201612:00 SA(Xem: 2720)

    Du Tử Lê

tháng chạp, mới

người buồn một cánh rừng
tôi buồn một dòng sông
đời buồn muôn kiếp trước
đêm buồn một cánh chim

đêm buồn một cánh chim
người buồn một đốm lửa
tôi buồn một mùi hương
chiều buồn đôi cọng cỏ

chiều buồn đôi cọng cỏ
người buồn một sớm mai
tôi buồn sân nắng, cũ
mưa buồn trên mái ai?

mưa buồn trên mái ai?
tôi buồn như ghế ngồi
người buồn như bếp lạnh
tóc buồn rơi xuống vai

tóc buồn rơi xuống vai
em còn không, tháng chạp?
mắt buồn rơi xuống tôi
rưng rưng ngày gió lớn

rưng rưng ngày gió lớn
em còn không, gương đời?
ai ngồi trong hiu quạnh?
tôi ngồi trong con tôi

tôi ngồi trong con tôi
mưa rơi hoài cuối bãi
người ngồi mơ mấy nơi?
trông chờ ngày nắng mới?

trông chờ ngày nắng mới
người buồn tôi cánh rừng
tôi buồn… tôi núi sông
thịt xương xưa đã gửi
rữa tàn chưa, cuối năm?

………………………………………………………………………..

Fwd: Căn nhà của Ernest Hemingway ở Cuba
Ngoc Thanh Dam to:…..,me

>     Nhà văn Ernest Hemingway.
>
>     Những độc giả yêu mến nhà văn Hoa Kỳ Ernest Hemingway, Nobel văn chương năm 1954, có lẽ ít người biết rằng, một phần ba trong 62 năm cuộc đời mình, ông sống ở Cuba khoảng thời gian lâu nhất so với tất cả các nơi khác: 21 năm.
>
>     Từ đầu năm 1939, ông đã chuyển sang ở Cuba và năm sau, mua một ngôi nhà ở vùng quê có tên là Finca Vigia, cách thủ đô Havana chừng 10 dặm. Căn nhà nằm trong một trang trại rộng 13 mẫu xây vào năm 1886 trên một ngọn đồi, được mua với giá $12,500.
>
>     Chính từ ngôi nhà này, nhà văn đã viết những tác phẩm quan trọng trong sự nghiệp văn chương của mình như “The Old Man and The Sea” (Ông Già và Biển Cả), “For Whom The Bell Tolls” (Chuông Gọi Hồn Ai), “Across the River and Into the Trees” (Qua Sông và Vào Trong Rừng), “A Moveable Feast” (Hội Hè Miên Man), “Islands in the Stream” (Những Hòn Ðảo Giữa Hải Lưu) cùng rất nhiều truyện ngắn và tiểu luận khác.
>
>     Hemingway rất yêu mến Finca Vigia và qua đó, yêu mến đất nước Cuba. Khi đoạt giải Nobel văn chương, ông tuyên bố, “Tôi là người Cuba đầu tiên đoạt giải Nobel,” và không ngần ngại mang tặng tấm huy chương cho thánh địa mang tên thánh bổn mạng của đất nước Cuba, Virgen de Cobre. Có lẽ vì thế mà hiện nay, vẫn còn rất nhiều người Cuba không hề biết rằng, nhà văn đoạt giải Nobel này vốn là người Mỹ.
>
>     Sau khi Fidel Castro lật đổ chế độ độc tài Batista năm 1959 và tiến hành cuộc cách mạng Cộng Sản, Hemingway phải rời bỏ căn nhà, về định cư ở Idaho, Hoa Kỳ, vào Tháng Năm, 1960. Một thời gian ngắn sau vụ đổ bộ Vịnh Con Heo (Bay of Pigs invasion) do những người Cuba lưu vong chống Cộng thất bại Tháng Tư, 1961, và sau khi Hemingway dùng súng tự sát ở nhà riêng vào Tháng Bảy, 1961, Finca Vigia bị tịch thu.
>
>     Người vợ thứ tư của ông cưới vào năm 1945, bà Mary Welsh, thương lượng với chính quyền Cuba, mang đi được một số rất ít các vật dụng và tài liệu cá nhân cần thiết như tranh ảnh, sách vở, bản thảo,… còn tất cả đành phải để lại. Từ đó, tuy được xem là viện bảo tàng và được chính quyền mới cho bảo vệ cẩn mật, nhưng căn nhà trở thành một nơi bỏ hoang, hoàn toàn bị đóng kín, cấm vào, kể cả những người có phận sự canh gác. Dẫu vậy, đây là một địa điểm thu hút du khách khắp nơi trên thế giới. Khách tham quan đi vòng vòng bên ngoài, được phép nhìn qua cửa sổ, chỉ để thấy một vài chai, lọ và một bàn máy đánh chữ bám đầy bụi.


>
>     Nhà văn Ernest Hemingway suy tư viết truyện. (Hình: commons.wikimedia.org)
>     Wikimedia Commons
>
>     commons.wikimedia.org

>
>     Mãi đến 40 năm sau.
>
>     Vào đầu năm 2002, nhờ sự vận động của những người yêu mến Hemingway, trong đó có Scott Berg là người viết tiểu sử của nhà văn, và với sự giúp đỡ của Jim McGovern – một dân biểu Dân Chủ thuộc tiểu bang Massachusetts từ lâu vẫn ủng hộ nối lại bang giao với chính phủ Cuba, cuối cùng chính phủ Cuba đồng ý cho các học giả Hoa Kỳ sử dụng các tài liệu ở đó với điều kiện: bản gốc phải được lưu giữ tại Cuba.
>
>     Thế là, ngôi nhà Finca Vigia được mở cửa cho những người thân và những nhà chuyên môn đến viếng, chấm dứt một thời gian dài bế tắc đã từng làm những nhà nghiên cứu văn học Hoa Kỳ vô cùng tức giận.
>
>     Sau một thời gian dài không ai chăm sóc, tất cả những gì còn lại trong căn nhà, nhất là ở tầng hầm, đều ẩm mốc, bẩn thỉu. Sách vở, giấy tờ bị mối mọt gặm, rách nát, bạc màu. Tuy vậy, theo những nhà chuyên môn, căn nhà vẫn là một kho tài liệu quý giá giúp tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Hemingway.
>
>     Nằm lẫn lộn giữa đủ thứ linh tinh chẳng hạn những cây súng trường đi săn và những đầu thú Phi Châu nhồi bông, người ta tìm thấy rải rác đây đó trong nhà ước chừng có đến 3,000 lá thư, 3,000 hình ảnh và 9,000 cuốn sách, trong đó rất nhiều cuốn có những ghi chú bên lề do Hemingway viết. Những ghi chú này, vốn chẳng có ý nghĩa gì đối với độc giả, nhưng đối với những nhà chuyên môn viết tiểu sử nhà văn thì chúng cung cấp một “nội soi cao cấp vào bộ óc sáng tạo” của Hemingway.
>
>     Theo họ, chỉ mới nhìn sơ qua một ít tài liệu, người ta tìm thấy ngay chúng sẽ giúp làm sáng tỏ hoạt động sáng tạo của Hemingway. Ðó là những đoạn viết thảo trên giấy, trên bìa sách, bản thảo đầu tiên của những tác phẩm chính, một tuyển tập thơ… Có cả bản sao kịch bản phim “The Old Man and The Sea” (Ông Già và Biển Cả) với những ghi chú của ông.
>
>     Một mảnh giấy vụn trên đó có ghi nhanh những mẩu đối thoại ghi lại từ hồi Thế Chiến thứ II định dùng trong câu chuyện, nhưng sau bỏ đi. Một đoạn “lời bạt” dùng cho truyện dài “For Whom The Bell Tolls” (Chuông Gọi Hồn Ai), sau bị bỏ.
>
>     Những bức ảnh chụp trong cuộc chiến tranh Tây Ban Nha. Hai mươi sáu bức thư của nữ bá tước trẻ người Ý Andriana Ivancich, người mà Hemingway mê say và dựng thành nhân vật chính trong tiểu thuyết “Across the River and Into the Trees” (Qua Sông và Vào Trong Rừng).
>
>     Lại còn có thư của nhà thơ Ezra Pound hay thư của người vợ cũ của ông, bà Martha Gellhorn, và danh sách những thức ăn cùng nhiều thứ linh tinh khác.


>     Nhà văn Ernest Hemingway viết tác phẩm trên máy đánh chữ. (Hình: ernesthemingway.org)

     Ernest Hemingway – Biography, Quotes of Ernest Hemingway
>
>     ernesthemingway.org
>
>     Ernest Hemingway (1899-1961), American Novelist. Ernest Hemingway biography, photos, quotes and his famous works include The Old Man and the Sea.
>
>
>
>     Trong một hồ sơ, người ta tìm thấy những bài báo đề cập đến tai nạn máy bay khiến nhà văn suýt chết năm 1954 ở Phi Châu và các bài điểm sách xuất bản năm 1925 do nhà văn cắt ra từ báo. Các tài liệu còn tiết lộ những chi tiết về cuộc sống cá nhân của Hemingway, chẳng hạn số đo trọng lượng và áp huyết được ghi trên bìa trong bản in của tác phẩm “Ðồi Gió Hú” (Wuthering Heights). Trong một đoạn độc thoại đề ngày 1 Tháng Sáu, 1953, ông khắc khoải lo âu với những cảm giác lẫn lộn về bà vợ thứ tư, Mary Welsh. Có những mảnh giấy ghi lại những dặn dò người giúp việc về việc sửa soạn cho ông những món ăn ông thích như thế nào. Một ghi chú khác dặn họ đừng làm phiền ông khi ông đang viết.
>
>     Theo Sandra Spanier, một học giả được chọn làm người biên tập lại các sưu tập mới thư từ của Hemingway, “Ðây là biên giới cuối cùng. Trước đây, chúng tôi chẳng biết gì nhiều về thời gian ông ở Cuba, chỉ biết rằng đó là một đoạn đời rất quan trọng.”
>
>     Người viết tiểu sử Hemingway Scott Berg nhận xét: “Tôi nghĩ là tôi đã đọc tất cả những tác phẩm viết về tiểu sử Hemingway, nhưng tôi chẳng bao giờ có cảm giác thỏa mãn cho đến khi tôi đến được căn nhà này và tận mắt thấy những tài liệu này. Ðó chính là những thứ mà chúng tôi thiếu về ông và những thứ đó đã làm cho ông ấy sống lại (…). Tìm thấy những chi tiết liên quan đến cuộc sống hàng ngày của những khuôn mặt quan trọng là những thứ mà các nhà viết tiểu sử danh nhân mơ ước.” Và theo ông, một trong những cái đáng kể nhất là những tài liệu liên quan đến mối xung đột giữa nhà văn và người vợ sau cùng, bà Mary Welsh.
>
>     Công việc quan trọng nhất sau khi đạt thỏa thuận với chính quyền Cuba năm 2002, theo các nhà chuyên môn, là bảo quản ngôi nhà và bảo quản tất cả các tài liệu còn lại. “Rockefeller Foundation” tặng ngay $75,000 và Dân Biểu McGovern quyên góp thêm $25,000 nữa dành cho công tác này.
>
>     Và từ đó, những người bảo trì Hoa Kỳ bắt đầu sửa chữa và bảo tồn những vật liệu, đồng thời, nội soi và chụp vi phim. Bản chính vẫn lưu giữ ở Cuba, nhưng các sưu tập điện tử sẽ cất giữ ở Hoa Kỳ tại thư viện J.F. Kennedy và viện bảo tàng Boston, nơi vốn đã là kho lưu trữ hồ sơ về Hemingway từ bao nhiêu năm nay. Bản liệt kê các tài liệu sẽ được đưa lên mạng Internet sau này.
>
>     Sau khi chính phủ Obama nới lỏng chính sách cấm vận đối với Cuba, và sau đó, thiết lập bang giao chính thức giữa hai nước, mới đây Finca Vigia Foundation đã gửi thêm bốn kiện hàng lớn chứa vật liệu xây dựng trị giá $900,000 sang Cuba để sửa chữa và tân trang ngôi nhà.
>
>     Ngôi nhà, bây giờ là viện bảo tàng Hemingway, mở cửa hàng tuần, kể cả Chúa Nhật, cho du khách đến thăm viếng.
>
>     Tài liệu: Wikipedia và các tài liệu khác trên Internet.

…………………………………………………………………………….

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics