1.Du Tử Lê:'Phác họa 20 năm Văn học'(VB)2.Phạm Duy,nhạc xây tình người(QG)3.Kết quả cuộc thi "Tác phẩm đầu tay"/2014

Du Tử Lê In Sách Mới: Phác Họa 20 Năm Văn Học
Nguồn:vietbao.com- 03/01/2015

Phan Tấn Hải

du.jpg1

Du Tử Lê và bìa sách.

Nơi đây, nhà thơ Du Tử Lê đóng vai người nghiên cứu văn học nghệ thuật. Đúng ra, thi sĩ viết mang tính truyện bên cạnh các nhận xét sắc bén, và do vậy, người đọc dễ tiếp cận, mỗi lần đọc về một tác giả dưới ngòi bút Du Tử Lê là độc giả có thể hình dung được một khoảng không gian hoạt động của văn học một thời quá khứ: Tác phâm nghiên cứu tựa đề “Phác họa toàn cảnh sinh hoạt 20 năm văn học nghệ thuật miền Nam (1954-1975) Tập 1” đã phát hành trên toàn cầu.

Tập sách dày 650 trang, gồm nhiều lĩnh vực văn học nghệ thuật, viết về nhiều tác giả.

Trong Chương 1, về Âm Nhạ, nhà thơ Du Tử Lê viết về Anh Bằng, Bạch Yến, Châu Kỳ, Cung Tiến, Hoàng Trọng, Hoàng Thi Thơ, Hoàng Quốc Bảo, Khánh Lý, Lam Phương, Lâm Tuyền, Minh Trang, Tình ca Ngô Thụy Miên và thơ Nguyên Sa, Phạm Đình Chương, Thái Thanh, Thanh Bình, Trầm Tử Thiêng, TRần Thiện Thanh, Trúc Phương, Tuấn Khanh, Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Y Vân.

Chương 2, về Báo Chí, Truyền Thanh và Xuất Bản.

Nhà nghiên cứu văn học Du Tử Lê viết về Chu Tử, Nguyên Sa và Sáng Tạo, hiện tượng văn nghệ học sinh qua phỏng vấn Ngọc Hoài Phương, Trần Phong Giao, Thế Nguyên, về xuất bản của Miền Nam.

Chương 3 là về Điện Ảnh, Sân Khấu Cải Lương.

Viết về nữ tài tử Kiều Chinh, mà Du Tử Lê gọi là “người đem vinh dự về cho tập thể Việt.” Và phỏng vấn soạn giả Yên Lang về lược sử thành hình Cải Lương.

Chương 4 là về Hội Họa, Điêu Khác.

Du Tử Lê viết về Duy Thanh, Đinh Cường, Mai Chửng, Nghiêu Đề, Nguyên Khai, Tạ Tỵ.

Chương 5 là Thi Ca.

Du Tử Lê viết về các nhà thơ: Cung Trầm Tưởng, Đỗ Quý Toàn, Kim Tuấn, Nhã Ca, Nguyên Sa, Nguyễn Lương Vỵ, Thành Tôn, Thanh Tâm Tuyền, Trần Dạ Từ, Tuệ Mai.

Chương 6 là Văn Xuôi.

Du Tử Lê viết về Bình Nguyên Lộc, Doãn Quốc Sỹ, Dương Nghiễm Mậu, Mai Thảo, Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Xuân Hoàng, Trần Hoài Thư, Trần Thị Ngh., Văn Quang, Võ Phiến, Vũ Khắc Khoan.

*

Để thấy được các Du Tử Lê viết nghiên cứu văn học, chúng ta nơi đây có thể trích ra vài đoạn điển hình.

Như trong phần về về nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo, nơi trang 83, Du Tử Lê viết:

“Hoàng Quốc Bảo, Dòng Nhạc Như Chiếc Cầu Tâm Linh Nối Liền Đời Thường Và Nẻo Đạo

Xuất hiện sau những Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên một vài năm, và, sau Trịnh Công Sơn khoảng sáu, bảy năm; nhưng nếu lấy con số 10 năm làm thước đo, đếm một thế hệ, thì Hoàng Quốc Bảo là người cuối cùng, lấy được chiếc vé lên chuyến tầu âm nhạc, chung với những tên tuổi vừa kể. Khi chuyến tầu âm nhạc đi khắp cùng đất nước kia, chỉ còn một vài ghế trống.

Tuy nhiên, nếu Trịnh Công Sơn rướn mình, giơ cao ngọn cờ kêu đòi chấm dứt chiến tranh; Vũ Thành An với những bài không tên viết cho một (hay những) cuộc tình tuyệt vọng, Từ Công Phụng với nỗ lực đi tìm vàng son, thuở trước… thì, Hoàng Quốc Bảo, tự những nhát cuốc vỡ đất sáng tác đầu tay, đã cho thấy khuynh hướng xới sâu cõi hư không. Đời giả tạm.

Ngay với những tình khúc rực rỡ chia ly, nát nhàu thống khổ, ở đâu đó, giữa những hợp âm được nối kết bởi Hoàng Quốc Bảo, vẫn mang tới cho người nghe, cảm nhận muốn vươn, thoát khỏi những trói buộc hạn hẹp của kiếp người. Tham vọng xóa bỏ sự phân biệt hình/tướng. Đem nhị nguyên đúng/sai, thành/bại, phải/trái… về nhất thể.

Bằng âm nhạc, tự những năm cuối thập niên 60, đầu thập niên 70, họ Hoàng đã thiết lập cho mình (hay cho người), những chiếc cầu tâm linh, bắc qua đôi bờ nhân gian và, lẽ đạo.”(hết trích)

Văn phê bình của Du Tử Lê cũng thơ mộng dị thường. Hiếm nhà bình luận như thế.

*

Hay như khi họa sĩ Nguyên Khai được mô tả dưới ngòi bút Du Tử Lê, trích:

“Nguyên Khai: “Màu sắc là dầu được thắp lên bởi trái tim…

Vào sâu hơn cõi-giới hội họa của Nguyên Khai / Nguyễn Bửu Khải, tôi muốn lập lại ghi nhận của một họa sĩ hiện cư ngụ tại miền bắc California, như sau: “Tranh Nguyên Khai vừa thể hiện sự chuyên nghiệp, điêu luyện, vừa đẹp, đa dạng, nhiều thể loại và không chú tâm vào một đề tài nhất định nào.”

Tôi cho nhận định trên rất đúng với trường hợp Nguyên Khai. Từ những chạm mặt đầu tiên với sắc màu và đường nét, thổn thức trên lụa; ông chuyển qua tình yêu thao thiết dành cho sơn dầu. Những năm tháng ở quê người, họ Nguyễn say mê thực hiện loạt tranh sơn mài bằng loại sơn dùng cho xe hơi. Sau đó, ông lại tạo những “trận bão trong tách trà” dư luận; khi sáng tác và triển lãm một loạt tranh có tên “mixed media”. Là loạt tranh được hoàn tất bởi tất cả những vật liệu phế thải, từ con chip của thời điện toán, tới những miểng đồng, miểng sắt, thép gai, thiếc vụn…Hay một vỏ bom, miểng vỡ lựu đạn, nhắc nhở người thưởng ngoạn sự hiện diện của chiến tranh vẫn còn đâu đó trên mặt địa cầu này; quyện với sơn dầu hoặc acrylic…

Ở giai đoạn nào, thời kỳ nào, Nguyên Khai cũng cháy cạn đam mê mình, trong những phiêu lưu tìm kiếm, tưởng chừng không ngày chấm dứt; như chính ông từng phát biểu.

Tuy nhiên, với tôi, người nghệ sĩ dù thường trực ném mình vào những tìm kiếm mới lạ, với những khao khát phiêu lưu đi về chân trời, thì lắng, sâu nơi tiềm thức, y vẫn nghiêng nặng một cảm thức bất khả tư nghì nào đấy.”(hết trích)

*

Hay khi Du Tử Lê viềt về nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ, đã gợi nhớ về cơ duyên hơn 4 thập niên trước, ở trang 449-450:

“Nguyễn Lương Vỵ, Bi Kịch Và Thi Ca,

Cách đây 44 năm, nhà văn Trần Phong Giao, Thư ký tạp chí Văn, Saigon, cho đăng một bài thơ chỉ có 4 câu. Hơi thơ được tác giả cố tình nén lại, để sức bật (dội) mạnh mẽ, gây ngơ ngẩn người đọc. Đó là bài “Nửa đêm thức dậy nhìn mây trắng” của Nguyễn Lương Vỵ. Một tác giả xa lạ hoàn toàn với sinh hoạt thi ca thời đó:

“Lung linh hồn quê cũ
Mây trắng phủ khắp trời
Nhớ trăng khô hết máu
Muôn trùng dặm núi ơi!”

Ít lâu sau, (đầu năm 1970?), cũng tạp chí Văn lại cho đăng thêm một bài thơ khác của họ Nguyễn. Bài “Cảm hứng”:

“Biển đắp một tòa sương
Lạnh đôi bờ vú nhỏ
Nàng tắm trong tịch dương
Núi gầm lên khóc nhớ…”

Vẫn tứ tuyệt. Vẫn chủ tâm nén hơi. Kiệm lời. Qua thơ, họ Nguyễn đã sớm cho thấy nội lực chữ nghĩa, hình ảnh rất riêng của mình.

Một hôm ghé tòa soạn Văn, tôi hỏi Trần Phong Giao về tiếng thơ này. Bạn tôi bảo:

“Tao hoàn toàn không biết tí gì về người này. Nhưng tao nghĩ, nhiều phần chắc phải ở lứa tuổi chúng ta….” Rồi bạn tôi hỏi lại tôi, nghĩ sao về tiếng thơ ấy?

Tôi nói, tôi đồng ý với ông, tác giả không còn trẻ, cũng không phải là người mới bước vào thế giới chữ nghĩa. Để minh chứng cho nhận xét của mình, tôi nói:

“Nếu là một người viết non tay thì với hai câu “Nhớ trăng khô hết máu/Muôn trùng dặm núi ơi!” trong bài “Nửa đêm thức dậy nhìn mây trắng”, sẽ dễ dàng, “nhậm lẹ” thay chữ “trăng khô” thành “trăng vàng”. Và “dặm núi” sẽ là “dặm trường”. Bài thứ hai cũng thế. Ngoài câu “Biển đắp một tòa sương/Lạnh đôi bờ vú nhỏ” hình ảnh lạ, thì câu cuối “Núi gầm lên khóc nhớ…”, ở một cây bút trẻ, sẽ “nhanh nhẩu” viết “Núi kêu lên nức nở…”

Vẫn tình cờ, năm 1973, tôi không nhớ ai đã cho tôi một Tập San Văn Chương. Trong số báo này, tôi gặp lại Nguyễn Lương Vỵ (Một tác giả mà cả tôi lẫn Trần Phong Giao đều cho, phải ở cỡ tuổi chúng tôi) bài thơ nhan đề “Âm nhạc” – – không-tứ-tuyệt của họ Nguyễn. Và bốn câu cuối (như một thứ tứ tuyệt) lại khua động tôi:

“Ta ôm trời đất sầu vô hạn
Thương nhớ Thanh Xuân mộng úa tàn
À ơi! Dâu bể chưa khô cạn
Chưa dứt tâm tư, vọng ngút ngàn…”

Mãi gần đây, ở quê người, gặp tác giả, tôi mới biết, khi viết bài “Nửa đêm thức dậy nhìn mây trắng.” họ Nguyễn 16 tuổi. Tôi càng ngạc nhiên hơn biết tác giả của ba bài thơ lộng-lẫy-đất-trời kia, có một đời thường “dữ dội”, vượt xa tưởng tượng…

Đó là thời gian ông đã vươn lên từ bãi rác Chợ Cồn, trở thành người đã có trong tay những bằng cấp, đủ kiêu hãnh ngẩng nhìn đời.

Đó là thời gian sau khi ông đã mang về cho người mẹ góa bụa ở vậy, mảnh bằng cử nhân. Nước mắt bà lần này chắt ra, không biết có còn pha máu? Nhưng chắc hẳn đó là những giọt lệ hạnh phúc. Mãn nguyện. Hãnh diện về đứa con trai trưởng, sớm côi cút của bà.

Một lần xúc động, tôi hỏi họ Nguyễn: Điều gì giúp ông đứng dậy? Bước tới, như một con người thành tựu, với tất cả lương tri, bao dung, độ lượng? Ông đáp: Thi ca.”

*

Nhìn về nhà văn Nhã Ca, nhà thơ Du Tử Lê nhận định về nhà văn nữ này:

“Nhã Ca, Nhà Văn Nữ Nói Không Với Dục Tính

…Từ thi ca với tác phẩm đầu tay “Nhã Ca Mới”, bước qua văn xuôi, với tác phẩm thứ nhất được xuất bản là truyện dài “Đêm Nghe Tiếng Đại Bác,” người ta không thấy có một khoảng cách nào giữa văn xuôi và, thi ca của Nhã Ca. Nếu không muốn nói, đó chỉ là bước song hành, hoặc hai dòng chảy của một tài năng lớn, người nữ.

Trong sinh hoạt 20 năm văn học, nghệ thuật của miền Nam, sự kiện một thi sĩ đắm mình trong thử thách giữa ngọn triều văn xuôi hoặc ngược lại, là điều bình thường.

Ở một chừng mực nào đó, cũng có một số tác giả được ghi nhận là thành công. Cả hai lãnh vực. Nhưng, như Nhã Ca thì không.

Kể từ ngày miền Nam có Giải Thưởng Văn Chương Toàn Quốc, trải qua hai nền Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa, một nhà văn hay nhà thơ, được chọn để trao giải vốn đã khó, nói chi tới việc một tác giả như Nhã Ca, trong hai năm (1965, 1966) được chọn để trao liên tiếp hai giải Văn Chương Toàn Quốc cho cả hai bộ môn thi ca và, văn xuôi.

Cũng trong khoảng thời gian từ 1965 tới 1970, sinh hoạt văn xuôi của miền Nam trở nên rộn ràng, nhiều mầu sắc hơn nữa, với sự xuất hiện thêm nhiều cây bút nữ trên các diễn đàn văn chương.

Mỗi xuất hiện đó, là một nhan sắc. Riêng. Mỗi đi tới kia, là một phong cách. Khác.

Tuy nhiên, nhiều hay ít, những cây bút nữ đó cũng có chung một điểm gặp gỡ. Đó là phạm trù tính dục trong văn chương.

Tính dục được ghi nhận từ người nữ: Vừa như một “giải phóng” người nữ khỏi những vòng rào, những vạch phấn khoanh vùng; san bằng khoảng cách nam/nữ; vừa như một từ trường có lực thu hút tò mò không nhỏ, nơi người đọc.

Khuynh hướng hay trào lưu này, nếu tôi được phép nói như vậy, hoàn toàn không có Nhã Ca. Nói cách khác, Nhã Ca là nhà văn nữ của văn chương miền Nam hai mươi năm, đã nói không, với dục tính….”(hết trích)

*

Đây là tác phẩm thứ 61 của Du Tử Lê. “Phác họa toàn cảnh sinh hoạt 20 năm văn học nghệ thuật miền Nam (1954-1975)” được mô tả là kết quả của bảy năm viết hàng tuần cho nhật báo Người Việt, trang VHNT. Dòng VHNT miền Nam tuy ngắn ngủi, nhưng lại quá phong phú, rực rỡ, nên nhà thơ Du Tử Lê, chỉ chọn những bài viết, những tác giả, những nhân vật mang tính tiêu biểu, cùng những dữ kiện có tính cách soi sáng phần nào những góc tối, hay góc khuất của 20 năm sinh hoạt VHNT miền Nam.

*Nhà xuất bản Người Việt ấn hành, giá bán 32 Mỹ Kim, sách dày 649 trang.

ĐÃ PHÁT HÀNH.

*Mua Sách có chữ ký của tác giả, liên lạc với phanhanhtuyen@gmail.com

hoặc: Tuyen Le-

12751 Lucille Ave

Garden Grove, CA 92841

………………………………………………………………………………………..

Phạm Duy, nhạc xây tình người
Nguồn:nguoiviet.com–Wednesday, December 31, 2014

Suối Nguồn Tân Nhạc Việt Nam (20)

Danh ca QG 1

Quỳnh Giao

Trong dòng suối nguồn tân nhạc của Việt Nam, Phạm Duy có chỗ đứng đặc biệt, vì ở bất cứ một nhánh quanh co hay bát ngát nào của dòng nhạc Việt, ta cũng gặp ông. Ông nhập cuộc rất sớm và theo đuổi cầm ca như niềm hạnh phúc và một cái nghề hơn là cái nghiệp, cho tới gần đây khi đã trên 75. Cho nên ta không dễ gì nói về nhạc của Phạm Duy trong vỏn vẹn một chương trình.

Nhưng, người ta như lại dễ nói về Phạm Duy, nếu chúng ta kể ra bao điều đã được viết về ông.

Vẫn biết rằng như đỉnh cao trên dãy Trường Sơn trùng điệp của tân nhạc, ông là cây cao nên chịu gió lớn, và ông mới bị phê phán về cả trăm điều, mà đa số lại ở ngoài âm nhạc. Phải chăng sự việc đó cho thấy rằng chúng ta quá yêu nên đòi hỏi quá nhiều ở một nghệ sĩ đã có công lao rất lớn với tân nhạc của dân tộc? Nói chung, dư luận khó có thể dửng dưng với Phạm Duy, mà nếu Phạm Duy có dửng dưng trước dư luận thì lại chẳng bao giờ dửng dưng với cuộc đời… Chúng ta nên trả cho Phạm Duy những gì của đời sống riêng tư của ông, và chỉ hân hoan đón nhận những gì ông viết cho tân nhạc, và cho tình yêu, chủ đề của chương trình hôm nay…

Bài ca mãi mãi gắn liền tên tuổi Phạm Duy với tân nhạc – khiến lời ca là thành ngữ được trích dẫn trong nhiều tác phẩm khác – Phạm Duy lại không viết cho tình yêu đôi lứa. Bản Tình Ca bất hủ được ông viết tại Saigon, vào năm 53, cho quê hương. Ðây là bài hát tiêu biểu nhất cho thể tài hoài hương mà chúng ta đã giới thiệu trong một chương trình trước. Chúng ta không thể có một chương trình đặc biệt về Phạm Duy mà không nhắc tới Tình Ca. Bài này, Quỳnh Giao xin quý thính giả thưởng thức qua tiếng hát Thái Thanh…

Y như nhạc Phạm Ðình Chương vẫn chưa được công khai trình diễn trong nước, nhạc Phạm Duy cũng chưa được phép trình bày trọn vẹn, dù người ta thuộc và hát khá nhiều cho nhau nghe. Một trong rất nhiều nguyên nhân của điều đáng buồn này có thể được tìm ra từ thuở ban sơ của nhạc kháng chiến: khi cả nước đang sôi nổi nói và hát lời tranh đấu, thì Phạm Duy lại viết… nhạc tình. Thực ra, như ông tâm sự, Phạm Duy đã vu vơ lãng đãng viết nhạc tình từ trước, như Cô Hái Mơ với thơ Nguyễn Bính năm 42, như Cây Ðàn Bỏ Quên năm 45 hay Khối Tình Trương Chi năm 46.

Nhưng, Bên Cầu Biên Giới mới là một trong mấy bản tình ca đầu tiên của ông, viết trên nhịp Tango ngay giữa chiến khu Lào Cai năm 47, và viết cho một người tình có thật, làm tình báo cho kháng chiến. Phạm Duy vốn chẳng sợ sấm sét, kể cả sấm sét ái tình, nên không muốn chối bỏ bài hát, và ra đi từ 1951. Chúng ta hãy nghe Vũ Khanh kể lại tình khúc tiền oan này của Phạm Duy…

Ngay giữa chiến khu Việt Bắc, yêu người đang làm nghĩa vụ, rồi lại mơ… sống trong lòng người đẹp Tô Châu, hay là chết bên bờ sông Danube, người nghệ sĩ quả là có sự lãng mạn khó tha thứ!

Sang thập niên năm sau, nhạc tình Phạm Duy phát triển qua nhiều hướng khác. Có bài dìu dặt nhịp 3/4 của hạnh phúc trăng mật, như Thương Tình Ca, ông viết năm 56; có bài mang nhiều não tính về lẽ tử sinh của cuộc đời, như Ðường Chiều Lá Rụng, ông viết năm 58; có bài lại đầy chất đa cảm mà thánh thiện như Ngày Ðó Chúng Mình ông viết năm 59.

Thương Tình Ca là một tác phẩm đẹp, ở cả lời lẫn nhạc, dù giản dị mà vẫn phong lưu đằm thắm. Bài ca dễ hát dễ cảm lòng người nên được mọi cặp tình nhân nhớ tới trong cõi hạnh phúc. Bài này sẽ do con trai của Phạm Duy là Duy Quang trình bày sau đây.

Ở trên tuyệt đỉnh hạnh phúc, người ta cũng có thể thấy mé bờ bên kia, thấy nơi trở về. Cho nên, Thương Tình Ca mới chấm dứt với cặp tình nhân “dìu nhau đưa nhau vào ngàn thu”… Có lẽ, trước Trịnh Công Sơn, Phạm Duy nhìn thấy mối đồng cảm lạ kỳ của tình yêu và cái chết. Nóng lạnh thế nào thì chỉ trong cuộc mới hay. Bài Ðường Chiều Lá Rụng của ông vì vậy là một bản tình ca tuyệt vời về nỗi chết. Ðây là tác phẩm siêu thực ở lời và siêu tuyệt ở nhạc, ít được hát, mà chỉ được nói tới như điển hình của một toàn bích trong dòng nhạc tình của Phạm Duy.

Quỳnh Giao xin trân trọng giới thiệu tác phẩm này, với phần hòa âm của Duy Cường, con trai Phạm Duy…

Ngày Ðó Chúng Mình là một bài thánh ca cho tình yêu. Tác phẩm được dùng làm nhan đề cho tập nhạc tình ông xuất bản năm 60, tập “Ngày Ðó Chúng Mình Yêu Nhau.” Ðược chuyên chở bởi giai điệu uy nghi trang trọng tựa kinh cầu, lời ca đầy cảm tính lãng mạn của tác phẩm đã gây xúc động cho người nghe vào những thập niên 60-70. Bài này sẽ do Duy Trác diễn tả sau đây.

Bước sang thập niên 70, Phạm Duy tiếp tục gây sóng gió trong tâm tư của người yêu nhau.

Nếu Thương Tình Ca mở đầu cho hạnh phúc lứa đôi thì Nghìn Trùng Xa Cách là nỗi đau khép lại. Ðể từ năm 69 đó, tình ca Phạm Duy trở thành lời độc thoại. Trong nuối tiếc, người nhạc sĩ có thể tự huyễn bằng mơ ước lả lơi, như trong Cỏ Hồng viết năm 70… chứ tự thân, và cả người yêu nhạc của ông cũng đều thấy nỗi bơ vơ trong tâm khảm của người tìm về ký ức như niềm an ủi. Bài Kỷ Niệm có thể là điển hình cho phản ứng trở về ấu thơ đó. Chúng ta sẽ lần lượt nghe ba ca khúc tiêu biểu này, qua tiếng hát Lệ Thu, Tuấn Ngọc và Thái Hiền.

Mười năm sau bài Kỷ Niệm, ở bên ngoài quê hương, Phạm Duy quả là sống với kỷ niệm. Bài Tình Cầm ông viết trên đất Mỹ đã đưa ông về với lời thơ Hoàng Cầm bạn ông, về với quê nhà quạnh hiu. Một nhạc sĩ Canada có viết đại để rằng nếu ông không thể tưởng tượng nổi một Phạm Duy mà không có Việt Nam, thì cũng không thể tưởng tượng ra một Việt Nam mà không có Phạm Duy. Có lẽ, Việt Nam vẫn có Phạm Duy, vì người ta vẫn yêu và nhớ nhạc ông. Nhưng, Phạm Duy nay chỉ còn Việt Nam trong trí tưởng. Tình ca và tình cầm Phạm Duy vì vậy mới cho thấy cầm ca là cái nghiệp đớn đau. Ông cho quê hương rất nhiều, để nay nhận lại nỗi sầu lữ thứ.

Duy Quang, con trai ông, sẽ là người diễn tả cho chúng ta cái nỗi niềm đó, qua bài Tình Cầm.

Kính thưa quý thính giả,

Những tác phẩm quá lớn lao và phong phú của Phạm Duy đã là những cống hiến của văn học nghệ thuật Việt Nam cho đất nước Việt Nam, và in sâu vào tâm khảm của người Việt mọi nơi để thành một phần hồn của người Việt. Nhạc của ông là một di sản không thể xóa bỏ của nền nhạc Việt. Trong âm nhạc, sự phán xét về hay-dở phải thuộc vào công chúng, nhìn vào số lượng và giá trị của nhạc Phạm Duy, từ đầu thập niên 40 tới cuối thế kỷ này, ta đã thấy sự phán xét đó. Càng khắt khe nghiệt ngã, ta càng làm kho tàng văn hóa đất nước bị nghèo nàn đi.

Quỳnh Giao xin được kết thúc chủ đề về nhạc tình Phạm Duy, bằng chính câu hát của ông trong trường ca Con Ðường Cái Quan…

Người mơ ước tới: đường tan ranh giới
Ðể người được mãi
Ði trong một duyên tình dài

Lời kết đó, Quỳnh Giao cũng xin mượn làm lời từ biệt tới quý thính giả của chương trình Suối Nguồn Tân Nhạc Việt Nam. Trong một chương trình có giới hạn, ở bên ngoài quê hương và sau bao nhiễu nhương bi thảm, Quỳnh Giao chỉ có thể thu thập và trình bày một phần nhỏ các ca khúc tân nhạc của đất nước, với nhiều thiếu sót về dòng nhạc miền Bắc từ 54 tới 75 và dòng nhạc trong nước từ 75 tới năm 1997 này.

Quỳnh Giao xin gửi lời cáo lỗi tới nhiều tài năng đã bị lãng quên, những tác phẩm đã bị tiêu hủy. Và cũng xin ngỏ lời tri ân sâu xa tới bao thế hệ nhạc sĩ đã làm đẹp cho đời, có khi làm giàu cho người, mà bản thân thường sống trong cô đơn nghèo túng với nghệ thuật và sự lãng quên của nhân thế. Những người yêu nhạc và yêu quê hương xứ sở có thể phần nào cố gắng san bằng những ranh giới đó của thời gian và tình người, để qua thế kỷ sau, người Việt mình sẽ biết là dân ta đã khóc cười theo mệnh nước nổi trôi như thế nào, ở trong thế kỷ này. Và để ngay trước mắt, có sự trân quý thắm thiết hơn dành cho các nhạc sĩ của mình.

Lời cuối ở đây là lòng tri ân của những người yêu nhạc và của riêng Quỳnh Giao được gửi tới đài BBC. Nếu không có sự ân cần giúp đỡ của BBC và quý vị làm việc trong đài, người Việt ta cũng khó có cơ hội đi tìm về suối nguồn tân nhạc của Việt Nam, trong hơn 60 năm qua.

Quỳnh Giao xin kính chào tạm biệt và xin cảm tạ quý thính giả đã liên tục theo dõi chương trình Suối Nguồn Tân Nhạc Việt Nam…

…………………………………………………………

FW :THÔNG BÁO SỐ # 4 V/v Công bố Kết quả cuộc thi “Tác phẩm đầu tay” / 2014 – Của Tổ chức Du Tử Lê Foundation (Bổ túc)
01/18/2015

Ban tổ chức cuộc thi “Tác phẩm đầu tay” / 2014 do Tổ chức Bất vụ lợi Du Tử Lê Foundation tổ chức, trân trọng thông báo:

Chung kết cuộc thi “Tác phẩm đầu tay” có kết quả như sau:

Cuộc thi năm 2014, không có giải nhất.

Hai tác giả trúng Giải Nhì Đồng Hạng là:

Nhà thơ Nguyễn Thị Phương Thúy, bút hiệu Nguyễn Uyên Phương, sinh năm 1980, tại Vạn Ninh, Khánh Hòa – – Với thi phẩm (bản thảo) tựa đề “Ba mươi, nỗi buồn em cổ điển”.

Nhà thơ Nguyễn Đăng Khoa, sinh năm 1987, tại Saigon – – Với thi phẩm (bản thảo) tựa đề “Con đường tự trôi”.

10 ngày sau thông báo chính thức này, nếu Ban Tổ chức không nhận được khiếu nại nào (theo nội dung của Thông Báo thứ Nhất, phổ biến ngày 6 tháng 9 năm 2014), chúng tôi sẽ gửi khoản hiện kim một nghìn hai trăm Mỹ kim (1,200 USD) chia đều cho hai tác giả, như điều lệ đã quy định.

Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng sẽ gửi tới hai tác giả trúng giải, mỗi người một Trophy Lưu- Niệm cuộc thi này.

Điều lệ tham dự cuộc thi “Tác phẩm đầu tay” năm 2015, sẽ được công bố vào đầu tháng 3 năm 2015.

Kết quả và giải thưởng sẽ được thông báo, trao tặng vào tháng 12 năm 2015.

.

Nhân đây, Ban Tổ chức cũng xin được trân trọng cảm ơn 152 tác giả đã gửi bản thảo thơ tham dự cuộc thi của năm 2014 vừa qua.

California, ngày 17 tháng 1- 2015

Thư Ký Hội Đồng Giám Khảo,
Thư ký kiêm Thủ quỹ tổ chức Du Tử Lê Foundation.
Trân trọng thông báo.

Orchid Lâm Quỳnh.

Dưới đây là một số bài thơ trích từ Bản thảo dự thi, do chính các tác giả tự chọn.

nha tho 1

Nhà thơ Nguyễn Thị Phương Thúy

THƠ NGUYỄN THỊ PHƯƠNG THÚY

Nỗi buồn em cổ điển
Và cơn bão chiều nay ký gửi gió lên ngọn cây dừa
Ai thu mua mây chất chồng lên bầu trời xám xịt
Lối về bên nhau đã trắng mưa
Chỉ còn con chuồn ớt bay bên nhau quấn quít
Trời ạ !
Bão sắp đến rồi !
Biển cưu mang con thuyền đang xa khơi
Núi cưu mang mấy tầng cây xanh ngút ngát
Còn em ?
Đứng bên đời cưu mang giấc mơ, có đôi lần gãy cánh
Nỗi buồn em cổ điển, trước khi bão tràn qua.
Ba mươi năm đủ dài để chăm bẵm giấc mơ.
Dát vàng khung trời hai đứa
Chợt nhận ra người đàn ông không thể chung thủy cả cuộc đời
Để chiều nay, những nốt lặng thoát thai thành cơn bão nổi.
Phố anh chiều nay sương lạnh lên ngôi
Phố em chiều nay bão tràn qua tóc
Em hỏi bao giờ gặp nhau “ mùa đông lắc đầu ngơ ngác”
Ở phía cuối chân trời hạnh ngộ ốm chênh chao.
Khi ta ba mươi
Chưa phải chiều
Nắng đã bỏ rong chơi
Ngủ quên trên cánh đồng lúa non ngậm sữa
Chưa phải chiều
Ta đã ngồi nhen lửa
Hâm lại hồn nhiên trông đến buồn cười.
Nỗi buồn nào gặm nhắm tuổi ba mươi
Đi giữa phố đông gặp mình trầm mặc
Sợ tan chiều hoàng hôn xuống thấp
Con trăng buồn ngồi tụng kinh yêu.
Đôi khi đánh rơi lòng mình vào nửa nốt phiêu
Về biển nghe sóng bồng bềnh, ngắm hoa muống tím cong mình hứng gió
Xoè bàn tay con còng nho nhỏ
Chạy loanh quanh
Loanh quanh
Ối a buồn.
Nhốt đôi chân để khỏi ngược đường
Quay bốn phía nghe tình đầu vỡ nợ
Tháng chín công viên muôn chiều lá đổ
Những hẹn hò không viết tên nhau.
Ba mươi ta đi về đâu
Con đường chợt dài
Con đường chợt ngắn
Sáng nay thôi ta vừa tham sống
Đâu biết mai chiều ta ngồi khóc lêu bêu….

Nỗi nhớ anh kẹt giữa ngã tư đường
Anh để lại dấu vết mùa đông trong hang đá nhà thờ
Se sẽ lạnh cho ngày em chợt đến
Đàn bồ câu nhặt hồng ân ngoài sân vuông lơ đễnh
Sót một ngày định mệnh để bên nhau.
Anh để lại dấu vết lời nguyện cầu
Nơi dấu thánh cộng em và anh không nên duyên chồng vợ
Chậm một lần để một đời phải nợ
Còn có kiếp nào để trả cho nhau?!
Sài Gòn ơi ! ngày tháng cũ ở đâu
Em ngược tìm buổi sáng trời ngưng gió
Những vòng xe đua nhau tốc độ
Chỉ nỗi nhớ anh kẹt ở ngã tư đường.
Qua Nguyễn Du lá me bay ngơ ngác mà thương
Em chậm ở phía sau sửa lại một ánh nhìn đã cũ
Sài Gòn bao nhiêu năm rồi trong lòng ta vẫn vô cùng quyến rũ
Thật gần ngay cả lúc dửng dưng…

Gã khờ
Bầy chim di cánh trú đông
Hàng cây trơ lá bè ngồng mùa thu
Em cười để lộ đồng xu
Ta tầm thường biết tương tư kiếp nào.
Con trăng gác ở trên cao
Ta vu vơ gác phía nào có em
Mùa đông bóc vỏ bên hiên
Ta ghen với chiếc áo len em choàng.
Nét gầy mười ngón tay mơn
Rẽ đường ngôi lệch tóc hờn gió say
Bao giờ em chịu cầm tay
Ta về bán hết những ngày mùa đông.
Đàn chim di cánh qua sông
Con nhện cao ngạo có chồng đêm qua
Em hờ hững đến kiêu sa
Ta trăm năm đợi bằng ba gã khờ.

Đổi thay
Đừng nhìn lại thêm lần nào nữa nhé
Cứ cuốn theo đọt sóng cuối ngày
Hoa muống tím bò quanh đụn cát
Không cuốn được lòng người đã đổi thay.

.

nha tho 2
Nhà thơ Nguyễn Đăng Khoa
THƠ NGUYỄN ĐĂNG KHOA

Trèo lên đỉnh của giọt sương

Ra cổng làng nhặt cơn mưa
Mùa hanh tưới cội tình vừa cháy khô
Đi theo nhịp phách xe thồ
Hỏi han gốc tích nấm mồ thời gian
Lên núi trổ giấc mơ vàng
Kéo chăn huyễn mộng che ngàn vết thương
Trèo lên đỉnh của giọt sương
Đốt trầm hương cũ soi gương mặt mình

Anh kể về đôi mắt

Những người mang gương mặt rỗng
Phố chợ nghiêng ngả theo ngày
Thành phố anh buồn lắm
Kể gì cho em đây?

Thôi mình về lòng đất
Hỏi loài kiến nghĩ gì?
Khi chúng dìu nhau xây tổ
Và dìu cả tình yêu đi

Mình trèo lên lá ổi
Xem tia nắng diễu hành
Những buổi sáng, buổi sáng
Rụng đầy những lóng tay

Mình rơi lên cành củi mục
Rồi lênh đênh trên con sông
Rồi lắng nghe thương đau chảy
Rất bình thường, rất trong

Thành phố anh buồn lắm
Kể gì cho em đây
Thôi, anh kể về đôi mắt
Khi anh nhìn em, lúc này…

Phố mưa

Mưa về
Đỉnh phố bạc thêm mấy mùa khờ dại
Vòng xe thồ lăn chậm chạp quanh giọt mồ hôi
Chiếc ô tô hạng sang đứng lại giũ sạch bụi đất trời
Quán cóc gà gật
Điếu thuốc lá sắp sửa tàn
Chỉ một thực khách áo trong veo
Mưa về
Gọi cô quạnh đến gần với đêm
Mang đôi mắt về nằm bên đôi mắt
Bàn tay về ôm lấy những bàn tay
Những giọt nước toạ thiền
Đợi khắc hoá mây bay
Mưa ra đi
Cuống quýt đánh rơi hơi lạnh trên vai người hành khất
Một vài thị dân soi mình trong những mảnh vụn trên đường
Tìm vuông tròn đã mất
Từ bãi tha ma
Gã mèo hoang
Mang về trên áo
Những thi hài còn ấm của cơn mưa
….Anh choàng dậy ở giọt cuối của giấc mơ
Im lặng đèn đường
Im lặng hàng cây
Im lặng bóng vàng trên vách
Chẳng ai trên phố kể với anh về hình dáng của cơn mưa
Ơ mà
Em này!
Em đã về chưa?

Có khi buồn tay chỉ muốn bàn tay

Có khi buồn về tựa vào hoa cúc
Hỏi nhau mùi hương cũ chiếc hôn đầu.
Có khi buồn nằm xuống lòng biển cả
Đợi trùng dương dội ký ức vào nhau.

Có khi ta quên nhau như tên gọi
Cánh chim huyền hôm ấy quên bay.
Từ độ anh nhận ra mình bằng nắng
Mùa thay anh choàng áo vai gầy.

Con đường tự trôi

Bầu trời vô sắc
Treo trên địa cầu
Chúng mình, bữa ấy
Thuyền neo bến nhau

Phố cong mái tóc
Ngõ nào môi ta
Mộng nghiêng nghiêng chảy
Ngày xưa xuống phà.

Người không nhân ảnh
Về đến lòng tôi
Và tôi không bước
Con đường tự trôi.

Nguyễn Đăng Khoa.

……………………………………………………………………………..

Người già kiếm cơm giữa Sài Gòn
NguổnRFA-Nhóm phóng viên tường trình từ VN-2015-01-02

gia.jpg1

Một Cụ Bà bán bánh tráng tại Sài Gòn, ảnh minh họa.RFA PHOTO-

Mùa Đông giá lạnh, đối với người già, người nghèo thiếu ăn thiếu mặc, cái lạnh là nô lệ trung thành của thần chết, nó có thể đến trói tay trói chân người già cho thần chết dễ bề vung lưỡi hái. Với người già lây lất kiếm sống giữa đất Sài Gòn, mùa Đông càng ghê gớm hơn nhiều bởi ngoài cái lạnh của thời tiết, cái lạnh trong tâm hồn vốn buồn tủi lâu năm của họ sẽ làm khổ họ gấp bội lần. Cái lạnh khiến cho họ thấy cô đơn, đôi khi tự đặt câu hỏi: Bao giờ mình chết? Và khi mình chết đi, lấy gì để chôn, ai chôn mình đây?
Ăn xin không nỡ, buôn bán cũng không xong

Bà Hạt, 75 tuổi, quê Mộ Đức, Quảng Ngãi, vào Sài Gòn bán vé số và bưng bê cho quán ăn gần hai mươi năm nay, tâm sự:

Bảy mươi mấy tuổi mà còn đi bán vé số. Ngày thì kiếm được khoảng mười, hai mươi ngàn bạc, đôi khi được tám ngàn. Ăn uống thì ăn quán ăn đường bữa đôi ba ngàn bạc, chứ không có khi mô ăn được năm ngàn, mười ngàn đâu.
-Bà Hạt

“Bảy mươi mấy tuổi mà còn đi bán vé số. Ngày thì kiếm được khoảng mười, hai mươi ngàn bạc, đôi khi được tám ngàn. Ăn uống thì ăn quán ăn đường bữa đôi ba ngàn bạc, chứ không có khi mô ăn được năm ngàn, mười ngàn đâu. Tùy bán vé số có lời không nữa, cứ đi liên miên rứa đó, ngày mô đau ốm thì ở nhà, huyết áp lên thì xỉu lên té xuống vậy đó.”

Bà Hạt cho biết thêm là hiện nay, ở thành phố có rất nhiều người già bằng tuổi của bà và có người lớn tuổi hơn phải đi bươn bả kiếm sống hằng này bằng nhiều công việc, từ bán vé số, bán trái cây, đậu phộng rang, đậu phộng luộc, lượm ve chai, lượm bao nilon, rửa chén bát thuê cho đến đi ăn xin… Họ sống lây lất qua ngày đoạn tháng, không biết đâu là nhà.

Phần đông trong số họ không có con cái ở quê nhà, lưu lạc xuôi dần về phương Nam và tìm cách để tồn tại bằng nhiều công việc. Cũng có người từng có nhà cửa đàng hoàng nhưng sau tháng Tư năm 1975, do nhiều thay đổi, nhà cửa của họ không còn nữa, con cái thì người đi vượt biên bỏ mạng giữa biển, người vào trại cải tạo không trở về, cuối cùng, không còn người thân, không còn nhà cửa, họ lăn lộn giữa cuộc đời mà tồn tại.

Như trường hợp một người bạn già của bà Hạt, ngay cả cái tên bà này cũng không thể nhớ rõ, nói câu trước câu sau quên, hơn 80 tuổi nhưng không có thẻ chứng minh nhân dân, không nhà cửa, tối ngủ gầm cầu, ngày đi ăn xin, được bữa nào nhờ bữa đó, có ngày đói rát ruột. Tuổi già của người bạn già nhiều khi làm cho bà Hạt rơi nước mắt. Nhưng cũng nghèo khổ giống nhau, bà chẳng giúp được gì ngoài gói mì tôm, ổ bánh mì nguội.

gia 2
Một Cụ Bà bán vé số tại Sài Gòn, ảnh minh họa. RFA PHOTO.

Bà Hạt nghẹn ngào nói rằng sống ở thành phố Sài Gòn, có khi ăn xin dễ thở hơn là buôn bán, nhưng với tính cách của mình, bà không thể ăn xin. Ví dụ như khi bà mời vé số, có nhiều người lắc đầu từ chối mua vé số nhưng lại sẵn lòng rút tiền ra cho bà hai ngàn đồng hoặc năm ngàn đồng. Đương nhiên là bà từ chối, không lấy. Người cho tiền xin lỗi bà và giải thích rằng họ rất thương những người nghèo, muốn giúp một chút đỉnh dù là nhỏ nhoi nhưng không thể giúp theo kiểu cho người nghèo hai ngàn đồng khi phải nộp cho nhà nước tám ngàn đồng. Bởi họ thừa biết trong mỗi tấm vé số có giá 10 ngàn đồng, người bán vé số chỉ kiếm được hai ngàn đồng tiền hoa hồng.

Chính vì không muốn cầu may để rồi nộp tiền cho một hệ thống tham nhũng mập mạp nên nhiều người không chấp nhận mua vé số nhưng lại sẵn sàng bỏ ra số tiền ngang với một tấm vé để tặng cho người bán già yếu, nghèo khổ, đó là phong cách của người Sài Gòn. Nhưng rất tiếc, bà Hạt không quen nhận tiền theo cách đó nên đời bà vẫn thiếu đói. Nếu làm ăn xin, bà lại e rằng mình lấy mất một phần của bố thí của nhiều người già ăn xin khác có sức khỏe kém hơn bà rất nhiều. Hơn nữa, sống ở Sài Gòn hiện tại, muốn ăn xin cũng rất khó.
Người ăn xin không có đất sống

Một em bé người gốc Quảng Nam, cha mẹ mất sớm, cách đây hơn 10 năm, bà nội phải bế em chạy trốn lực lượng săn bắt ăn xin ở Đà Nẵng để vào Sài Gòn tiếp tục lây lất kiếm ăn, cho biết:

“Chạy bữa trưa mất bữa tối, áo quần rách hết không có mà mang. Cha mẹ mất hết không biết nhờ ai. Họ cho bữa, lâu lâu mỗi người cho vài lon gạo về nấu ăn, để dành nấu ăn. Với nấu ít thôi vì nấu ra không có chi ăn, ăn không hết.”

Chạy bữa trưa mất bữa tối, áo quần rách hết không có mà mang. Cha mẹ mất hết không biết nhờ ai. Họ cho bữa, lâu lâu mỗi người cho vài lon gạo về nấu ăn, để dành nấu ăn. Với nấu ít thôi vì nấu ra không có chi ăn, ăn không hết.
-Một em bé người gốc Quảng Nam

Theo em bé này, thời gian gần đây, việc ăn xin hết sức khó khăn bởi lượng người giả tàn tật để xin ăn tăng vọt, làm cho người ta mất hết thiện cảm với người ăn xin. Mà những kẻ giả khổ đi ăn xin lại có chương trình, bài bản để làm người khác động lòng thương, khi hành nghề xong, họ có nhà cửa để trở về, khỏi bị dân phòng, công an hỏi thăm.

Trong khi đó, những người nghèo xin ăn chân chính như bà cháu cậu lại bị người ta hất hủi, dân phòng rượt, công an có thể bắt nhốt bất kì giờ nào. Hơn nữa, sắp tới đây, thành phố có luật mới, sẽ bắt tất cả những người lang thang ăn xin như bà cháu của cậu đưa vào trại giáo dưỡng hoặc trại tế bần và trung tâm bảo trợ xã hội để ở đó suốt ngày, đi làm, đến giờ lại được đánh kẻng về ăn cơm.

Với cậu bé này, không có gì đáng sợ hơn chuyện này. Điều này làm cậu nghĩ đến những người bắt chó trộm, họ sẽ có đất sống tại Sài Gòn trong đợt này. Cũng giống như tại thành phố Đà Nẵng trước đây, những người bắt trộm chó vốn dễ gặp nguy hiểm, dễ bị đánh chuyển hẳn sang nghề săn bắt người ăn xin để nhận thưởng. Chỉ trong vòng hai tuần, thu nhập của họ đạt đến con số vài chục triệu đồng nhờ vào săn bắt người ăn xin.

Lúc đó, mức thưởng của thành phố Đ0à nẵng cho việc phát hiện và tố giác một người ăn xin bằng một cú điện thoại đến lực lượng thanh niên xung kích hoặc công an sẽ là 250 ngàn đồng. Có người mỗi ngày săn được hàng chục, thậm chí vài chục người ăn xin, ngoài ra, họ còn tổ chức đường dây dụ người ăn xin vào thành phố Đà Nẵng để săn hoặc cho tiền, gài thế những người mù bán chổi để săn.

Sắp tới đây, Sài Gòn có lệnh bắt người ăn xin đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội, cậu bé này lại linh cảm thấy rằng sắp tới đây, sẽ có một đội ngũ bắt chó trộm đổi nghề, chuyển sang săn bắt người ăn xin ở Sài Gòn để nhận thưởng. Rồi đây cuộc đời cậu chẳng biết sẽ trôi dạt về đâu.

Mùa Đông, bao giờ cũng là mùa lạnh, đặc biệt, nó rất lạnh khi tâm hồn con người trở nên lãnh cảm với nỗi đau đồng loại.

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

…………………………………………………………………..

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics