1.Đức đòi Hà Nội 'trả' TX.Thanh(VOA)2.Toàn văn tuyên bố của Bộ Ngoại Giao Đức ..(BBC)3.Yếu tố Trump ..(RFI)4.Đinh Thế Huynh


Đức đòi Hà Nội ‘trả’ Trịnh Xuân Thanh
Nguồn:VOA- 02/08/2017


 Ảnh chụp màn hình nhật báo Đức Taz đưa tin về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Berlin hôm 23/7

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Đức gửi cho VOA

Chính phủ Đức hôm 2/8 ra thông cáo yêu cầu chính phủ Việt Nam cho phép Trịnh Xuân Thanh được trở lại Đức “ngay lập tức.”

    “Không nghi ngờ” gì rằng bộ Ngoại giao Việt Nam và mật vụ có dính líu vào vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Thông cáo Bộ Ngoại giao Đức

Thông cáo Bộ ngoại giao Đức gửi cho VOA có đoạn: “Chúng tôi yêu cầu ông Trịnh Xuân Thanh được cho phép trở lại nước Đức ngay để có thể tiến hành việc Việc Nam yêu cầu dẫn độ (ông Thanh) và yêu cầu xin tị nạn của ông (ấy) được xem xét thấu đáo.”

Chính phủ Đức cũng yêu cầu tùy viên tình báo Việt Nam phải rời khỏi nước này trong vòng 48 tiếng đồng hồ nữa sau khi bộ Ngoại giao nước này cho rằng họ tiến hành vụ bắt cóc một cựu lãnh đạo ngành dầu khí Việt Nam ở Berlin.

Thông cáo của bộ Ngoại giao Đức ra hôm 2/8 cho biết chính phủ Đức “không nghi ngờ” gì rằng bộ Ngoại giao Việt Nam và mật vụ có dính líu vào vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh hôm 23/7.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Đức Martin Schaefer nói trong thông cáo rằng vụ việc này “có khả năng ảnh hưởng nặng nề tới các mối quan hệ (giữa 2 nước).” Ông Schaefer gọi đây là “một sự bội ước lòng tin vô cùng lớn.”

Theo thông cáo này, đại sứ Việt Nam ở Đức đã bị triệu tập hôm thứ ba (1/8).

Chính phủ Việt Nam thông báo hôm 31/7 rằng ông Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú sau hơn 1 năm chạy trốn vì bị buộc tội tham nhũng làm thất thoát tài sản nhà nước.

Bắt cóc giữa trung tâm Berlin

Trước khi thông cáo của Bộ ngoại giao Đức được đưa ra, một công tố viên ở Berlin hôm 2/8 cho VOA biết rằng cảnh sát Đức đang điều tra một vụ bắt cóc gần đây và khẳng định người bị bắt cóc là công dân Việt Nam.

Trước đó trong cùng ngày, nhật báo Taz của Đức có đăng bài viết về thông cáo của cảnh sát Berlin rằng họ đang điều tra một vụ bắt cóc một cựu quan chức chính phủ Việt Nam có tên Trịnh Xuân Thanh xảy ra ngày 23/7 tại một công viên ở trung tâm của thủ đô nước Đức.

    Nạn nhân 51 tuổi đã bị một nhóm người có vũ trang lôi lên một chiếc xe ô tô và được đưa sang một quốc gia châu Âu láng giềng ngay sau đó.
Một nhân chứng độc lập được Taz trích lời

Khi được VOA hỏi phản ứng của Việt Nam về việc cảnh sát và báo chí Đức đưa tin vụ bắt cóc này, bộ trưởng Công An Tô Lâm nói ông đang bận họp và “chưa thể trả lời.”

Theo tờ báo Taz, có tên đầy đủ là Die Tageszeitung, một nhân chứng người Đức đã chứng kiến vụ bắt cóc ngay tại trung tâm Berlin và xác nhận với cảnh sát. Theo lời tường thuật của nhân chứng được tờ báo này trích đăng bằng tiếng Đức, nạn nhân 51 tuổi đã bị một nhóm người có vũ trang lôi lên một chiếc xe ô tô và được đưa sang một quốc gia châu Âu láng giềng ngay sau đó.

Tờ báo này khẳng định những người đàn ông có vũ khí “thuộc mật vụ Việt Nam” và đăng kèm tấm ảnh của ông Trịnh Xuân Thanh với dòng chú thích bằng tiếng Đức cho rằng nạn nhân bị truy nã và đã bị mật vụ tóm.

Trưởng phát ngôn viên sở cảnh sát Berlin, Winfrid Wenzel, cho nhật báo Taz biết họ đang tiến hành điều tra “vì tình nghi về vụ việc bắt cóc và cưỡng ép bắt người.”

Công tố viên cao cấp Martin Steltner của Văn phòng Công tố Berlin nói với VOA rằng do “tính chất nhạy cảm” của vụ việc nên họ không thể đưa ra thêm bất kỳ thông tin gì tại thời điểm hiện tại.

Ông Steltner nói: “Tôi không thể đưa ra thêm bất kỳ chi tiết gì về nghề nghiệp của người này hay chức danh của anh ta ở Việt Nam. Vâng, đó là một người đàn ông Việt Nam nhưng tôi không thể đưa ra thêm bất kỳ thông tin gì nữa.”

VOA cũng đã liên lạc với sứ quán Việt Nam tại Đức xin bình luận về vụ việc này nhưng cho đến hết ngày 2/8 không nhận được trả lời.

“Không đủ cẩn thận”


Ông Trịnh Xuân Thanh từng xin tị nạn ở Đức trong những năm 1990. (Ảnh chụp màn hình VietNamNet)

Nhật báo Taz nói ông Trịnh Xuân Thanh đã từng xin tị nạn ở Đức vào những năm 1990, “giữa thời gian lúc tốt nghiệp đại học và bắt đầu sự nghiệp ở Việt Nam, nhưng lại tự nguyện hồi hương.”

Bài báo của Taz nhắc tới việc ông Thanh bị “thất sủng ở Hà Nội,” mất toàn bộ các chức vụ cũng như bị tước bỏ mọi tuyên dương khen thưởng và “trở thành kẻ thù của một nhân vật đầy quyền lực: thủ lĩnh đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng.”

    “Trong nội bộ đảng Cộng sản ông là người phát ngôn cho một phe nhóm đang trở nên nguy hiểm cho người đứng đầu đảng.”
Một blogger ở Berlin được Taz trích lời

Việc ông Thanh bị “thất sủng ở Hà Nội” được nhắc đến trong bài báo của Taz. Ông Thanh mất toàn bộ các chức vụ cũng như bị tước bỏ mọi tuyên dương khen thưởng và “trở thành kẻ thù của một nhân vật đầy quyền lực: thủ lĩnh đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng.”

Theo truyền thông trong nước, Chính phủ Việt Nam đưa ra lệnh truy nã đỏ đối với ông Thanh sau khi Bộ Công an khởi tố ông và ban tổng giám đốc của Tổng công ty PVC do “thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý” để xảy ra nhiều sai phạm và thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra lệnh điều tra doanh nghiệp dầu khí này.

Một nguyên nhân khác, theo nhật báo của Đức, lý giải vì sao Việt Nam luôn thúc giục việc khẩn trương đưa ông Thanh về nước vì “trong nội bộ đảng Cộng sản ông là người phát ngôn cho một phe nhóm đang trở nên nguy hiểm cho người đứng đầu đảng.” Bài viết trên trang web của Taz trích lời một blogger người Việt ở Berlin nói như vậy.

Cũng theo tờ báo này, ông Thanh từng viết trên Blog rằng “ở nước ngoài ông ta muốn khai toạc và phanh phui những cơ cấu quyền lực ở những giới tối cao trong đảng và chính phủ.”

Nhưng ông Thanh đã không đủ cẩn thận, theo Taz nhận định. Từ một bức ảnh ông Thanh chụp tại một công viên vào mùa thu năm 2016, dấu vết của ông đã bị lần ra và “mật vụ chỉ cần truy tìm ở Berlin để bắt ông Thanh.”
Diễn đàn Facebook

…………………………………………………………..

Toàn văn tuyên bố của Bộ NG Đức vụ ông Thanh bị bắt cóc

 Nguồn:BBC-1 giờ trước-08/02/2017

   

Bản quyền hình ảnh German Foreign Affairs

Toàn văn tuyên bố của Văn phòng Bộ Ngoại giao Đức về quan hệ Việt Nam – Đức, được công bố hôm 2/8/2017:

“Sau khi có những bằng chứng ngày càng rõ ràng và không còn cơ sở để nghi ngờ gì về sự liên quan của các cơ quan của Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin trong vụ bắt cóc một công dân Việt Nam ở Berlin, Quốc vụ khanh Văn phòng Bộ Ngoại giao Đức, ông Markus Ederer, ngày hôm qua đã triệu tập Đại sứ Việt Nam tại Đức.

Việc bắt cóc công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh trên lãnh thổ Đức là hành động vi phạm luật pháp Đức và luật pháp quốc tế một cách trắng trợn và chưa từng có.

Vụ việc đã được phát giác nhờ sự nhanh nhạy của các cơ quan chức thực thi pháp luật của Đức. Giới chức thực thi luật pháp Đức nay cũng đang tiến hành điều tra.

Vụ việc như thế này có thể ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng tới quan hệ giữa Đức và nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Việc này cũng phá vỡ lòng tin một cách nghiêm trọng – bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20, các đại diện cao cấp của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã nhắc lại yêu cầu dẫn độ công dân Việt Nam này từ Đức về Việt Nam.

Quốc vụ Khanh Văn phòng Bộ Ngoại giao Đức Markus Ederer ngày hôm qua đã nói rất rõ quan điểm của Chính phủ Đức trong vấn đề này với Đại sứ Việt Nam. Ông cũng nêu rất rõ ràng với Đại sứ rằng Chính phủ Liên bang Đức đòi phải để ông Trịnh Xuân Thanh quay trở lại Đức ngay lập tức để hồ sơ yêu cầu dẫn độ và đơn xin tỵ nạn được xem xét theo đúng trình tự pháp lý.

Do hệ quả của vụ việc hoàn toàn không chấp nhận được này, viên chức đại diện chính thức của cơ quan tình báo Việt Nam tại Đại sứ quán Việt Nam ở Đức bị tuyên bố là người không được hoan nghênh (persona non grata) và có 48 tiếng để rời khỏi Đức.

Chúng tôi cũng bảo lưu quyền áp dụng thêm các hành động khác ở cấp độ chính trị, kinh tế và chính sách phát triển.”

………………………………………………………………….

 Yếu tố Trump trong đà gia tăng trấn áp bất đồng chính kiến ở Việt Nam

Nguồn: Trọng Nghĩa/RFI  – 02-08-2017 18:00

Tổng thống Mỹ Donald Trump (P) gặp thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Nhà trắng, Washington, 31/05/2017.
Reuters

Trong những ngày gần đây, chính quyền Việt Nam đã tăng cường việc bắt giữ hay kết án nặng nề những người bất đồng chính kiến trong nước. Trong một bài viết đề ngày hôm nay, 02/08/2017, hãng tin Anh cho rằng đây là chiến dịch trấn áp có quy mô lớn nhất từ nhiều năm nay, và một số nhà hoạt động nhân quyền cho rằng chính quyền Hà Nội đã được thái độ thờ ơ đối với vấn đề nhân quyền của chính quyền Trump khuyến khích.

Reuters trước hết ghi nhận sự kiện chính quyền Việt Nam đã tăng cường các biện pháp nhằm ngăn chặn tiếng nói của giới blogger và những ai dám phê phán Nhà nước trên những vấn đề như sự cố nhà máy Formosa ở Hà Tĩnh thải chất độc hại ra biển gây ô nhiễm nghiêm trọng vào năm ngoái đã được các mạng xã hội khuếch trương lên, tại một quốc gia nằm trong nhóm 10 nước nhiều người sử dụng Facebook nhất.

Theo thống kê mà Reuters thực hiện, dựa trên thông tin từ các cấp chính quyền Việt Nam đưa ra về những vụ bắt giữ về tội hoạt động chống Nhà nước, đã có ít nhất 15 người đã bị bắt vào năm 2017 này – nhiều hơn bất cứ năm nào kể từ chiến dịch đàn áp các nhà hoạt động trẻ tuổi vào năm 2011. Mới tuần trước, đã có 4 người bất đồng chính kiến bị bắt : một mục sư, một kỹ sư, một nhà báo và một luật gia.

Theo giới đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam cũng như giới ngoại giao và phân tích, chiến dịch đàn áp khởi sự từ trước lúc diễn ra Đại Hội Đảng Cộng Sản Việt Nam vào tháng Giêng năm 2016, khi quyền lãnh đạo như được chuyển qua tay những người bảo thủ, ưu tiên cho an ninh nội bộ và kỷ luật.

Chiến dịch trấn áp lại có dấu hiệu gia tăng trong bối cảnh Đảng Cộng Sản Việt Nam có thể sắp thay đổi lãnh đạo. Theo chuyên gia Jonathan London thuộc Đại học Đức Leiden, mọi người dự trù là đương kim tổng bí thư Đảng Cộng Sản sẽ được thay thế, cho dù thời điểm chưa được xác định rõ ràng. Mặt khác thì giới đấu tranh càng lúc càng có lên tiếng mạnh mẽ hơn sau những vụ biểu tình phản đối chính quyền vì sự cố nhà máy thép Formosa của Đài Loan vào năm ngoái.

Theo hãng Reuters, giới đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam hay ở nước ngoài đều chung một nhận định về vai trò của nhân tố Trump trong các diễn biến về nhân quyền ở Việt Nam, đặc biệt là thái độ thờ ơ của chính quyền Trump đối với nhân quyền.

Tháng 5 vừa qua chẳng hạn, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã báo hiệu rằng Hoa Kỳ sẽ không chú trọng đến mối quan tâm về nhân quyền trong một số quan hệ với các nước khác, và nói rằng mặc dù các giá trị của Hoa Kỳ không thay đổi, nhưng Mỹ cần phải cân bằng các giá trị này với an ninh quốc gia và lợi ích kinh tế.

Các nhà hoạt đông nhân quyền cũng cho rằng quyết định sớm của tổng thống Mỹ Donald Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi khối Hiệp Định Đối Tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đã loại bỏ một động lực thúc đẩy chính quyền Hà Nội cải thiện vấn đề nhân quyền. Vì không còn thấy bị áp lực từ phía Hoa Kỳ, cho nên chính quyền Việt Nam đã tăng cường trấn áp.

Ông Phil Robertson thuộc tổ chức Human Rights Watch, trụ sở tại Mỹ tố cáo : « Ông Trump và các chính sách của ông phải chịu trách nhiệm về tình hình (nhân quyền) xấu đi thêm » tại Việt Nam.

Trước tình hình các cuộc trấn áp gia tăng tại Việt Nam, bộ Ngoại Giao Mỹ đã phải tuyên bố quan ngại và kêu gọi Hà Nội thả tất cả tù nhân lương tâm.

…………………………………………………………………

Nguồn: Dân Làm Báo

 Đinh Thế Huynh sẽ trở thành một Nguyễn Bá Thanh hay Phùng Quang Thanh thứ 2?

CTV Danlambao – Văn phòng TƯ đảng cộng sản vừa ra thông báo là Đinh Thế Huynh đã bị thay thế bởi Trần Quốc Vượng cho cái ghế Thường trực Ban Bí thư. Lý do được đưa ra cho sự đổi người cho ghế này là Đinh Thế Huynh bị bệnh, phải đi điều trị.

Nghe quen quen, biết đâu chừng lại giống như trường hợp “tau có chi mô!” của Nguyễn Bá Thanh!?

Vào cuối tháng 10, 2016 Đinh Thế Huynh sang thăm Hoa Kỳ. Đây là một trường hợp khá đặc biệt và hiếm hoi khi Hoa Kỳ tiếp đón một đảng viên cao cấp cộng sản, không phải là Tổng Bí thư, cũng không có một vị trí nào trong chính phủ.

Không biết có phải vì hậu quả của chuyến đi Mỹ này mà mấy tháng sau Đinh Thế Huynh vướng bệnh và phải sang Nhật điều trị từ tháng 5, 2017. Nhìn lại chuyện của Nguyễn Bá Thanh, Phùng Quang Thanh thì chuyện gì cũng có thể xảy ra trong bàn cờ người của chế độ có bàn tay của Bắc Kinh nhúng vào.

Trần Quốc Vượng
Trần Quốc Vượng hiện đang là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, là tay sai đắc lực của Nguyễn Phú Trọng trong chiến dịch càn quét phe cánh Nguyễn Tấn Dũng. Việc thay thế Đinh Thế Huynh – cũng là một đàn em cật ruột của Trọng đã biến Trần Quốc Vượng thành cánh tay phải của tổng Trọng.

Trước đây, Đinh Thế Huynh được xem là con bài của Trọng để kế thừa cái ghế Tổng Bí thư sau nửa nhiệm kỳ của Trọng. Với sự “ra đi” của Huynh, liệu:

– Trần Quốc Vượng sẽ được đôn lên thành con bài tân Tổng Bí thư? – hay

– Nguyễn Phú Trọng nhân cơ hội này ở lì lại ghế bằng cách phá điều lệ quá hạn tuổi thêm một lần nữa? – hoặc:

– Đinh Thế Huynh bị hạ độc thủ và Trần Đại Quang đang im lìm nhưng quậy ở đằng sau hậu trường Ba Đình để loại Nguyễn Phú Trọng?

Tất cả tùy thuộc vào quyết định của… Trung Nam Hải! Kẻ nào trung thành và cúi đầu sát đất nhất sẽ được chọn làm tay sai số một bởi Bắc Kinh.

01.08.2017

CTV Danlambao
danlambaovn.blogspot.com

…………………………………………………………..

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics