1.Dương Phục-Vũ Thanh Thủy- Kỳ 2 & 3 (DTL)*-2.Lá thư ngày trước (VHC)

Dương Phục-Vũ Thanh Thủy, cái ‘nghiệp’ của nghề phóng viên chiến trường

Du Tử Lê

Nguồn:nguoiviet.com- March 10, 2017


Dương Phục và Vũ Thanh Thủy. (Hình: Người Việt)

(Tiếp theo kỳ trước)

Với tôi, “phóng viên chiến trường” là một cái nghiệp, nhiều hơn nghề. Nghiệp là cái làm ta say mê, đeo đuổi một công việc gì đó, dẫu cho nó có thể nguy hiểm đến tính mạng mà, những đền bù, nếu có lại thường rất bọt bèo, nhất là ở những nước chiến tranh, nghèo khó.

Nếu không phải vì cái… “nghiệp” tôi không tin hai bạn-tôi, Dương Phục-Vũ Thanh Thủy có thể ở được với bom đạn, tử sinh rình rập từng giây phút suốt cuộc chiến 20 năm của miền Nam Việt Nam, khi họ còn rất trẻ.

Tuy nhiên, điều tôi ngạc nhiên và khâm phục hơn cả, vẫn là quyết định chọn lựa sự ở lại với “nghiệp” sau khi “nghiệp” đã đem lại cho họ một tình yêu tuyệt vời, với tôi, mang ý nghĩa hầu như chưa có hai!

Tôi biết, có rất nhiều cuộc hôn phối tốt đẹp nẩy nở giữa môi trường làm việc chung của đôi trai tài gái sắc.

Tôi cũng biết, từ môi trường làm việc chung, tình yêu đã đặt tay nàng, để họ đi suốt hành trình đời sống tốt đẹp, như ý nghĩa đầu tiên, khi Thượng Ðế tạo ra nhân loại. Kết quả cụ thể là những cuộc tình tốt đẹp kia, đã đem nhiều hữu ích ở nhiều lãnh vực khác nhau, cho rất nhiều đời sau.

Nhưng tôi chưa thấy một cuộc hôn nhân nào là, kết quả cụ thể của một tình yêu giữa hai con người có chung một lý tưởng: Sống cho kẻ khác, như cuộc hôn phối giữa hai phóng viên chiến trường Dương Phục-Vũ Thanh Thủy.

Tôi muốn nhấn mạnh, phóng viên chiến trường là một nghề bất trắc, vào sinh ra tử hơn bất cứ một ngành nghề nào khác.

Phóng viên chiến trường, cũng như những người lính được ném vào trận địa… Khác nhau chăng, người lính được huấn luyện tác chiến từ quân trường, từ kinh nghiệm sống sót sau những lần đụng độ. Họ cũng được trang bị khí giới và, những phương tiện thiết yếu một khi lâm trận. Chưa kể chung quanh họ còn có đồng đội. Những người cùng vào sinh ra tử như họ…

Những phóng viên chiến trường thì không. Họ chỉ có một cây bút, chiếc máy ảnh hoặc một máy thu thanh, thu trực tiếp mọi diễn biến của trận đánh… Những phóng viên chiến trường này, cũng không thể so sánh với các phóng viên chiến trường của các hãng tin quốc tế… Nếu chẳng may họ có phải nằm xuống giữa trận tiền thì, gia đình, thân nhân của họ sẽ được đền bù một cách xứng đáng, từ tinh thần tới vật chất… Người phóng viên chiến trường của cuộc chiến VN hai mươi năm, không có được một ưu tiên nào, ngoài đam mê nghề nghiệp và tự ái dân tộc, như nhận xét của nhà báo Lê Phú Nhuận. (2)

Tôi đọc và, thấy được cái đẹp lung linh, lấp lánh của tình yêu Dương Phục-Vũ Thanh Thủy, qua đoạn văn tóm tắt trong phần “Những lời nói đầu” mở vào tác phẩm, của nhà văn Trần Phong Vũ. Ông viết:

“…Tính độc đáo của lối diễn, dẫn và thuật chuyện bằng một văn phong tươi mát giúp người đọc thấy thêm những góc cạnh rất riêng tư nhưng cũng rất tự nhiên về thân thế, lai lịch và cá tính hai đồng tác giả. Trong bối cảnh chiến trận khét lẹt mùi bom đạn ấy, Dương Phục và Vũ Thanh Thủy gặp nhau. Một lần, hai lần, ba lần,… đủ để cho một cuộc tình lãng mạn nảy sinh giữa đôi trai tài gái sắc trong không khi chiến trường miền Nam ngày càng sôi động. Ðầu năm 1974, họ chính thức thành vợ chồng.

“Nửa đêm về sáng 15 Tháng Tư 1975, chẵn 15 ngày trước khi chế độ Cộng Hòa miền Nam bị Cộng Sản miền Bắc thôn tính, đứa con đầu lòng của hai người cất tiếng chào đời giữa một Saigon đang lên cơn hấp hối.

“Chuyện tù đày nối tiếp ở phân nửa tác phẩm với nhiều tình tiết gay cấn qua các toan tính thông minh của Thủy, để chuyển những lá thư tình cho Phục được giấu kín trong ruột điếu thuốc lá. Ngoài mục đích thông tin, bày tỏ tình cảm để nâng đỡ tinh thần người chồng trong cảnh tù đầy tuyệt vọng, nó cũng là phương tiện phác họa một kế hoạch táo bạo mà sau này khi tình cờ phá vỡ, bọn cai tù đã mệnh danh là ‘Kế hoạch giải thoát cải tạo viên của người vợ tù gián điệp CIA.'” (TYTNVB, trang 19 & 20)

Tất nhiên, bất cứ ai khi đã đọc Hồi Ký Phóng Viên Chiến Trường của Dương Phục-Vũ Thanh Thủy, đều không thể không công nhận trí thông minh, đởm lược hơn người của người phụ nữ đặc biệt Vũ Thanh Thủy.

Nhưng, với riêng tôi, tôi cho rằng, vì quá đam mê nghề, nghiệp, nên khi thành vợ chồng cặp phóng viên chiến trường ngoại lệ này, đã không nghĩ tới việc tạo một lề an toàn cho tương lai, con cái. Vì đam mê, vì cái “nghiệp” chứ không phải nghề, nên họ đã bỏ chung tất cả những quả trứng trong một giỏ trứng… Tôi cho cũng chính vì cái “nghiệp” ấy, nên ngày 30 Tháng Tư 75, xảy đến, cặp vợ chồng phóng viên chiến trường ngoại khổ này, dù đã xuống tầu, nhưng nửa chừng lại, bỏ bố mẹ, ôm đứa con gái đầu lòng, trở vào bờ, để từ đó, cả gia đình rơi sâu vào một cuộc trả thù mù lòa bởi “Bên thắng cuộc.”

Ghi nhận về quyết định quay trở lại của hai tác giả hồi ký “TYNTVVB,” tôi cho nhà văn Nguyễn Ngọc Bảo đã cảm được hương, vị vinh quang cũng như oan nghiệt của cái “nghiệp” của hai tài hoa Dương Phục và Vũ Thanh Thủy, khi họ Nguyễn viết:

“…Tôi nghĩ mỗi người khi được sinh ra đời đã được trang bị sẵn tấm bản đồ định mệnh. Vì định mệnh, đầu Tháng Năm 1975 khi cùng cha mẹ và anh chị em bên gia đình vợ ngồi trên một con tàu nhỏ lênh đênh trên hải phận quốc tế để đi tìm tự do, anh Dương Phục đã quyết định đưa vợ con theo một thuyền đánh cá trở về. Anh trở về phần vì lo cho cô con gái đầu lòng vừa chào đời trước đó hai tuần không kham nổi nắng mưa khắc nghiệt của cuộc hành trình trên biển, phần muốn làm một chứng nhân lịch sử cho quê hương. Và rồi, anh đã trả giá khá đắt cho quyết định của mình.

“Tuy nhiên, cũng nhờ quyết định ấy, nhờ cái giá anh phải trả ấy, ngày hôm nay chúng ta có thiên hồi ký: Phóng Viên Chiến Trường: Tình Yêu – Ngục Tù & Vượt Biển.” (TYNTVVB, trang 34)

Tôi muốn gọi quyết định quay về của Dương Phục là tiếng gọi thầm thì, không lời của “Nghiệp” (chữ Nghiệp viết hoa) dành cho những định mệnh lớn. Tiếng gọi tuy âm thầm, nhưng đừng quên lẩn quất đâu đó, vẫn là thần chết.

(Kỳ sau tiếp)

—-
Chú thích:

(3) Nhà báo Lê Phú Nhuận trước khi trở thành chánh sở tin tức cho cơ quan VTX, Saigon trước Tháng Tư 1975, ông có một thời gian dài làm phóng viên chiến trường. Ông cùng một số đồng nghiệp (trong đó có Dương Phục) tình nguyện xin theo học theo khóa nhẩy dù,… Chẳng phải vì quyền lợi vật chất nào mà, như ông nói: “Chỉ vì tự ái dân tộc, vì cuộc chiến ở miền Nam là cuộc chiến của đất nước mình, dân tộc mình, nên không thể để tụi nhà báo ngoại quốc coi khinh mình được. Chúng nó có thể không nhẩy dù xuống giữa trận địa, nhưng phóng viên chiến trường VN thì phải nhẩy… Phải dám lao vào. Phải dám xông tới…”

Nhà báo Lê Phú Nhuận tốt nghiệp khóa phóng viên phát thanh và báo chí đầu tiên của miền Nam. Ông đã về hưu, hiện cư ngụ tại thành phố Houston, TX.

*- Tựa bài do NN đặt .

=========================

Từ chối lợi nhuận, nhân cách rạng ngời của hai nhà báo đặc biệt

Du Tử Lê

Nguồn:nguoiviet.com- March 17, 2017


Dương Phục và Vũ Thanh Thủy. (Hình: baotreonline.com)

(Tiếp theo kỳ trước)

Tiếng gọi âm thầm đầy tính ma mị của “nghiệp” đã theo gần hết cuộc đời hai bạn-tôi, Dương Phục-Vũ Thanh Thủy, cũng được nhà báo Lê Văn, giám đốc chương trình Việt ngữ lâu đời nhất của đài phát thanh VOA, ghi xuống như sau:

“…Có những quyết định bất ngờ của Dương Phục mà trong trường hợp bình thường thì khó lòng giải thích nổi. Thí dụ khi địch quân đang tiến sát vào Sài Gòn, mọi người hoảng loạn chạy vào tòa Ðại Sứ Mỹ hoặc lên tàu thủy, lên máy bay tìm cách đưa vợ con ra khỏi nước thì người sĩ quan kiêm ký giả chiến trường này lại chạy thẳng vào đài phát thanh với hy vọng có thể tiếp tục làm công việc thông tin cho dân chúng biết những biến cố mới nhất. Ðài phát thanh bao giờ cũng là một trong những mục tiêu đầu tiên mà cộng quân cố gắng chiếm để tuyên truyền, nhưng người ký giả yêu nghề vẫn bất chấp nguy hiểm khi làm phận sự.

“Là người sống bằng nghề truyền thông trong mấy chục năm qua, tôi thông cảm với niềm đam mê của Dương Phục, vì chính mình cũng đã từng lăn xả vào nhiều nơi nguy hiểm để săn tin. Nhưng khi anh đã đi cùng với gia đình vợ ra khơi trên con tàu di tản, mà vẫn quyết định trở về để có thể chứng kiến, ghi nhận và tường thuật những gì xảy tới cho đất nước mình dưới chế độ Cộng Sản thì tôi phải chào thua. Yêu nghề tới mức đó gần như tuyệt đối, không thua gì các ký giả dám tiến sâu vào chiến trường Iraq, Syria, Afghanistan làm phóng sự mà không cần biết tới nguy cơ có thể bị quân ISIS chặt đầu.

“Lòng can đảm của anh có lẽ đã được tăng cường vì có người vợ cũng là ký giả và cũng yêu nghề không kém.

“Ðọc phần hồi ký của Vũ Thanh Thủy về những ngày làm phóng viên chiến trường, tôi chợt liên tưởng tới cô Lynsey Addario, nhiếp ảnh viên quốc tế chuyên săn hình tại những vùng mà chiến tranh đang diễn ra ác liệt. Cô làm việc cho nhiều tạp chí uy tín gồm cả Newsweek, New York Times, National Geographic và đã được giải Pulitzer năm 2009 vì những tấm hình cô chụp các chiến binh Taliban đang hoạt động ở Afghanistan. Bọn Taliban vốn khinh rẻ đàn bà và không ngần ngại giết chết các phóng viên ngoại quốc, vậy mà người nữ ký giả tài ba bạo dạn này vẫn tiếp cận được với chúng ngay tại nơi hang ổ của chúng trong những vùng đồi núi hoang vu để chụp hình và làm phóng sự đem ra thế giới bên ngoài.

“Mặc dù đã mấy lần suýt chết tại vùng Trung Ðông, cô vẫn không bỏ nghề mà còn sang tận Somali, Uganda rồi Congo để chụp hình và tường thuật tình trạng thảm thương của các thiếu nữ bị quân khủng bố đem bán làm nô lệ tình dục. Những bức hình hiếm có này đã đem lại cho cô giải thưởng $500 ngàn do hội McArthur Fellowship trao tặng. Cuốn hồi ký của cô nhan đề là “It’s what I do, A Photographer’s Life of Love And War” vừa được đạo diễn lừng danh Steven Spielberg làm thành phim ảnh.

“Nữ phóng viên Vũ Thanh Thủy trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam cũng đã tạo những thành tích xuất sắc khi tường thuật các trận đánh ác liệt trên chiến tuyến mà cô từng đến tận nơi để chứng kiến giữa cảnh bom rơi đạn lạc. Tại Sài Gòn cô là thông tín viên báo chí, là ký giả phát thanh hoạt động rất năng nổ qua các biến cố chính trị dồn dập thời Ðệ Nhị Cộng Hòa…” (TYNT&VB, trang 36, 37, 38)

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Sáu, ngày 17 tháng 3 năm 2017

Nhắc tới ký giả Lynsey Addario có một cuốn sách được đưa lên màn ảnh đại vĩ tuyến, những người dõi theo thành tích đặc biệt, ngoại lệ của cặp phóng viên chiến trường Dương Phục-Vũ Thanh Thủy, không khỏi hãnh diện khi nhớ lại rằng năm 1988, Dương Phục và Vũ Thanh Thủy đã ký hai hợp đồng: Hợp đồng phim với Sterling Lord Literary Agency ở New York và hợp đồng sách với Robert Barnett, luật sư chuyên về tác quyền ở tại Washington DC.

Những người biết chuyện, còn hãnh diện hơn nữa về nhân cách của hai phóng viên chiến trường Dương Phục-Vũ Thanh Thủy, khi họ quyết định hủy bỏ cả hai hợp đồng vì:

“Khi chúng tôi không đòi được toàn quyền kiểm soát nội dung phim và thời điểm phát hành sách. Dù lợi nhuận từ hợp đồng phim và sách là cả một tài sản lớn lao đối với một gia đình tị nạn trắng tay như chúng tôi vào năm đó, nhưng chúng tôi không thể để cuốn tự truyện bị thương mại hóa. Lý do chỉ vì: dù đây là mẩu chuyện đời rất riêng tư của hai người chúng tôi, nhưng cũng là cảnh đời tiêu biểu của hàng trăm ngàn người dân miền Nam, sau biến cố 30 Tháng Tư năm 1975.

“Và những cảnh đời này cần phải được kể cho thế giới nghe, đọc, xem một cách trung thực và trang trọng để hiểu về một đất nước Việt Nam bị xâu xé chừng nào trong chiến tranh. Cũng như để biết về một dân tộc Việt Nam đã can trường, dũng cảm biết bao trong suốt cuộc chiến dài 30 năm. Và sau khi chiến tranh kết thúc, vẫn còn tiếp tục chiến đấu với hậu quả của nó, tới ngày nay.” (Trích Dương Phục-Vũ Thanh Thủy “Lời tri ân,” TYNT&VB trang 8 & 9)

Tự ái dân tộc và tự ái nghề nghiệp, trong một chừng mực nào đó, theo tôi là phẩm cách hầu như ai cũng có thể có… (Tôi nhấn mạnh ” trong một chừng mực nào đó.” Nhưng nếu cùng lúc người ta có được cả hai phần: Danh tiếng và lợi nhuận (vật chất) thì, tôi tin, không phải ai, nếu không muốn nói là rất hiếm người có được cái tinh thần quên mình, vì danh dự của tổ quốc, đất nước, như hai bạn tôi: Dương Phục-Vũ Thanh Thủy.

Ðọc lại hồi ký “Phóng Viên Chiến Trường – Tình Yêu – Tù Ngục & Vượt Biển,” chỉ riêng với “Lời tri ân” của hai tác giả này, tôi trộm nghĩ, ngày nào, nếu có dịp gặp lại hai bạn, ở Houston, TX, theo đúng quân kỷ, tôi sẽ nghiêm chỉnh chào kính họ, để bày tỏ lòng trân trọng, ngưỡng mộ hai phóng viên chiến trường, yêu đất nước mình. Mặc dù, có thể họ sẽ không hiểu, từ đâu, tại sao, có sự chào kính nghiêm chỉnh ấy, ở nơi tôi?

(Còn tiếp một kỳ)

………………………………………………………………………….

Lá thư ngày trước

Tác giả: Vũ Hoàng Chương

Yêu một khắc để mang sầu trọn kiếp
Tình mười năm còn lại mấy tờ thư
Mộng bâng quơ hò hẹn cũng là hư
Niềm son sắt ngậm ngùi duyên mỏng mảnh

Rượu chẳng ấm mưa hoài chăn chiếu lạnh
Chút hơi tàn leo lét ngọn đèn khuya
Giấc cô miên rùng rợn nẻo hôn mê
Gió âm tưởng bay về quanh nệm gối

Trong mạch máu chút gì nghe vướng rối
Như tơ tình thắc mắc buổi chia xa
Ngón tay run ghì nét chữ phai nhòa
Hỡi năm tháng hãy đưa đường giấc điệp

Yêu mê thế để mang sầu trọn kiếp
Tình mười năm còn lại chút này đây
Lá thư tình xưa nhớ lúc trao tay
Còn e ấp thuở duyên vừa mới bén

Ai dám viết yêu đương và hứa hẹn
Lần đầu tiên ai dám kí “Em Anh”
Nét thon mềm run rẩy gắng đưa nhanh
Lòng tự thú giữa khi tìm chốn nấp

Mươi hàng chữ đơn sơ ồ ngượng ngập
E dè sao mươi hàng chữ đơn sơ
Màu mực tươi xanh ngát ý mong chờ
Tình hé nụ bừng thơm trong nếp giấy

Ôi thân mến nhắc làm chi thuở ấy
Đêm nay đây hồn xế nẻo thu tàn
Khóc chia lìa ai níu gọi than van
Ta chỉ biết nằm nghe tình hấp hối

Say đã gắng để khuây sầu lẻ gối
Mưa mưa hoài rượu chẳng ấm lòng đau
Gấm the nào từ buổi lạnh lùng nhau
Vàng son có thay màu đôi mắt biếc

Tình đã rời đi riêng mình tưởng tiếc
Thôi rồi đây chiều xuống giấc mơ xưa
Lá lá rơi nằm bệnh mấy tuần mưa
Say chẳng ngắn những đêm dằng dặc nhớ

Trăng nào ngọt với duyên nào thắm nở
Áo xiêm nào rực rỡ ngựa xe ai
Đây mưa bay mờ chậm bước đêm dài
Đêm bất tận đêm liền đêm kế tiếp

Yêu sai lỡ để mang sầu trọn kiếp
Tình mười năm còn lại chút này thôi
Lá thư xưa màu mực úa phai rồi
Duyên hẳn thắm ở phương trời đâu đó

Nguồn:thica.net

…………………………………………………………………….

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics