1.Formosa Hà Tĩnh:Cuộc mặc cả..(RFA)2.Dư luận Đài Loan lên tiếng về Formosa-3…'CASA-212 bị va đập' (BBC)4.TQ ngang ngược.. 4.More

Formosa Hà Tĩnh: Cuộc mặc cả chưa ngã giá
Nguồn: Nam Nguyên, phóng viên RFA-2016-06-18

000_9Y4WC
Nhà máy thép của tập đoàn Đài Loan Formosa tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh chụp hôm 3/12/2015.
AFP photo

Sự kiện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh hoãn làm lễ khánh thành và ngưng đưa vào sản xuất thương mại, được ghi nhận trong bối cảnh phía Việt Nam trì hoãn công bố nguyên nhân cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung.
Formosa là nơi tạo ra chất độc làm cá chết?

Theo Tờ Thời Báo Đài Bắc, Formosa Hà Tĩnh quyết định hoãn việc tổ chức lễ khánh thành dự kiến vào ngày 25/6/2016, đồng thời ngưng đưa vào hoạt động chính thức nhà máy luyện thép. Tập đoàn Hóa Chất Formosa Đài Loan khi xác nhận thông tin vừa nói còn thêm rằng, họ chưa lên kế hoạch mới về vấn đề này.

Nguyên nhân về việc đình hoãn khánh thành và sản xuất chính thức không được loan báo, nhưng báo chí Đài Bắc đưa ra hai nguyên nhân, thứ nhất là chuyện tiền bạc, Formosa Hà Tĩnh bị buộc truy thu thuế số tiền tương đương 70 triệu đô la Mỹ. Thứ hai là chính quyền Việt Nam cũng kéo dài thời gian, chưa chấp thuận đơn xin chính thức sản xuất của Formosa.

Như thế có thể suy ra là rất có khả năng với xác suất rất cao, Formosa chính là nơi tạo ra chất độc làm cho cá chết… cần những bằng chứng tội phạm giống như vụ Vedan chẳng hạn, Vedan thì cảnh sát bắt được quả tang việc nó làm thì lúc ấy đưa ra phạt nó dễ, chứ bây giờ có thể là khó hơn…
-TS Nguyễn Quang A

Qua thảm họa cá chết hàng loạt, các cơ quan chức năng của Việt Nam mới tiến hành kiểm tra việc xả thải của Formosa. Các giới chức Việt Nam cũng hết sức lúng túng về phát hiện đường ống ngầm xả thải dài 1,5 km đặt ngầm dưới đáy biển. Thông tin đặt nghi vấn về việc một thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường đã cấp phép cho Formosa đặt đường ống ngầm trái pháp luật.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách IDS ở Hà Nội, thì rất khó đánh giá việc Formosa Hà Tĩnh hoãn khánh thành và ngưng sản xuất vì không có đủ thông tin. Tuy nhiên ông nhấn mạnh tới việc dư luận vẫn trông chờ nhà nước công bố nguyên nhân cá chết hàng loạt. TS Nguyễn Quang A đặt ra giả thuyết phía Việt Nam chần chừ, vì đưa ra một kết luận nào đó cũng có thể sẽ không thỏa thuận được với Formosa. TS Nguyễn Quang A tiếp lời:

“Như thế có thể suy ra là rất có khả năng với xác suất rất cao, Formosa chính là nơi tạo ra chất độc làm cho cá chết… cần những bằng chứng tội phạm giống như vụ Vedan chẳng hạn, Vedan thì cảnh sát bắt được quả tang việc nó làm thì lúc ấy đưa ra phạt nó dễ, chứ bây giờ có thể là khó hơn…Chưa biết chừng người ta đang tìm cách mặc cả với Formosa cho một giải pháp nào đấy, mà hai bên có thể chấp nhận được. Đấy là một giả thuyết, còn chuyện gọi là không cho sản xuất hay phạt thì cần ngó kỹ vào hợp đồng của hai bên, những tài liệu này không được công khai cho nên rất khó đánh giá…”

ca-chet-hue-400.jpg
Cá chết ở bờ biển Huế được thu gom đem chôn hồi tháng 4 năm 2016. File photo.

Được biết thảm họa cá chết hàng loạt xảy ra vào đầu tháng 4/2016, một thời gian sau khi Formosa sản xuất thử nghiệm được 4.700 tấn thép. Sau thời gian này, Formosa sử dụng một khối lượng lớn hóa chất để xục rửa đường ống ngầm đưa ra biển, dù nhà máy nói là nước làm vệ sinh đường ống đã được xử lý trước khi thải ra biển.

Ngày 2 tháng 6 trong cuộc họp báo ở Hà Nội, Bộ trưởng Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ ông Mai Tiến Dũng khẳng định, các nhà khoa học đã xác định được nguyên nhân cá chết. Tuy nhiên Thủ tướng chỉ đạo mời tư vấn trong ngoài nước để phản biện. VnExpress trích lời Bộ trưởng Thông tin Truyển thông Trương Minh Tuấn nhấn mạnh rằng, việc xác định nguyên nhân cá chết còn liên quan tới xác định thủ phạm gây ra nguyên nhân đó và ngoài bằng chứng khoa học còn phải điều tra đầy đủ chứng cứ vi phạm pháp luật, nhất là pháp luật về môi trường.

Ngoài chuyện chưa được phía Việt Nam cho phép chính thức sản xuất như thông tin của báo Đài Loan, Formosa Hà Tĩnh từng bị truy thu thuế, truy hoàn thuế, Theo báo Tuổi Trẻ Online số tiền thuế này lên tới 2.000 tỷ đồng, trong đó truy hoàn hơn 1.500 tỷ đồng do sử dụng hóa đơn hoàn thuế không đúng qui định.
Vì sao từ chối sự giúp đỡ tìm nguyên nhân cá chết?

Theo SaigonTimes Online bản tin trên mạng ngày 16/6, về mặt chính thức chính quyền Hà Tĩnh nói không biết gì về thông tin Formosa hoãn khánh thành và ngưng sản xuất chính thức. Tuy nhiên tờ báo có tin riêng là lãnh đạo Hà Tĩnh đang làm việc với Formosa và Bộ Tài chính để phối hợp xử lý các thông tin liên quan.

Trong câu chuyện với chúng tôi, TS Nguyễn Quang A nhà hoạt động dân quyền, nhận định:

Một điều chắc chắn tức là chính quyền đã phản ứng rất là kém, lúng túng và gần như tê liệt. Sự từ chối lời chào mời giúp đỡ của Hoa Kỳ hoặc của Đài Loan là điều rất khó tưởng tượng được.
-TS Nguyễn Quang A

“Tôi nghĩ rằng, đối với một nhà nước trong trường hợp họ muốn đóng cửa Formosa chẳng hạn, thì hợp đồng chặt như thế nào cũng có thể tìm cách ra được. Nhưng tôi nghĩ đấy là một giải pháp chưa chắc là tốt cho cả hai bên. Cho nên chuyện cứ dùng dằng, bên Formosa họ nói rằng hoãn khai trương lò cao số 1 thì cũng có thể là một phản ứng kiểu như vậy. Theo thông tin của báo chí Đài Loan, họ ám chỉ có nguyên nhân chính trị ở đàng sau, rất có thể như vậy nhưng mà xác thực thế nào thì rất khó biết nếu chúng ta không có đầy đủ thông tin.”

Tin ghi nhận, ngày 8/6/2016 phát biều tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius cho biết, chính phủ Việt Nam đã từ chối đề nghị giúp đỡ của Hoa Kỳ để tìm nguyên nhân và đối phó với thảm họa cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh ven biển miền Trung. Mới đây nhất ngày 16/6, trong cuộc họp báo ở Đài Bắc một số dân biểu Đài Loan lên tiếng hối thúc điều tra về trách nhiệm của Formosa trong vụ cá chết hàng loạt ở Việt Nam. Trong dịp này, Ông David Wang thuộc cơ quan đầu tư Đài Loan cho biết Đài Loan đã đề nghị giúp chính phủ Việt Nam tìm nguyên nhân cá chết nhưng bị từ chối.

Nhận định về việc Việt Nam từ chối đề nghị giúp đỡ của Hoa Kỳ và Đài Loan trong vụ cá chết hàng loạt ở miền Trung, TS Nguyễn Quang A phát biểu:

“Một điều chắc chắn tức là chính quyền đã phản ứng rất là kém, lúng túng và gần như tê liệt. Sự từ chối lời chào mời giúp đỡ của Hoa Kỳ hoặc của Đài Loan là điều rất khó tưởng tượng được. Nó có những chuyện mờ ám ở đàng sau mà mình không thể biết được.”

Trong những năm vừa qua Việt Nam đã trải thảm đỏ mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài, rất nhiều dự án sản xuất chế biến và công nghiệp nặng được cấp phép, kể cả các khu vực ven biển. Sự bùng nổ đầu tư với nhiều ưu đãi, không cân nhắc về hậu quả tác động môi trường đã khiến Việt Nam phải trả giá. Vùng Áng Hà Tĩnh đã trở thành câu chuyện mới nhất về vấn đề hy sinh môi trường đánh đổi phát triển kinh tế.

………………………………………………………………………………….

Dư luận Đài Loan lên tiếng về Formosa
Nguồn: Cindy Sui Viết cho BBC từ Đài Bắc- 16 tháng 6 2016

Hình ảnh cuộc họp báo

Hôm thứ Năm 16/6, một trong những tập đoàn lớn nhất của Đài Loan, Formosa Plastic Group, gặp sức ép từ các nhóm môi trường địa phương, nghị sĩ và một hội của di dân người Việt yêu cầu tập đoàn trả lời về vụ cá chết bí ẩn ở miền Trung Việt Nam.

Việt Nam đã chứng kiến một trong những tai họa môi trường lớn nhất trong lịch sử. Hàng loạt cá chết được tìm thấy dọc 200 cây số đường biển kể từ đầu tháng Tư ở các tỉnh miền Trung như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, ảnh hưởng cuộc sống của ngư dân và cư dân tại đó.

Nhiều người nghi ngờ nước thải từ nhà máy thép Đài Loan, một cơ sở của Formosa Plastic, là thủ phạm.

Các nhóm môi trường và người dân địa phương đã có cáo buộc chống nhà máy. Một người như thế, Lê Quang Dũng, một lao động di dân sang Đài Loan ngay trước khi bắt đầu xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt, vì ông nói ngay cả khi đó nguồn cá cũng đã bắt đầu giảm. Tại cuộc họp báo ở Đài Bắc, ông mô tả thảm họa đã ảnh hưởng đến gia đình ông và dân làng và vì sao họ nghi ngờ nhà máy thép tại Hà Tĩnh của Formosa.

“Một người thân của tôi là thợ lặn. Ông ấy kể khi ông đến gần miệng ống xả thải của nhà máy thép, ông không thở được và phải rời đi ngay.”

“Nước thải có hai màu, vàng và đen. Kể từ ngày đó, chúng tôi không đánh cá được, nhiều cá chết và ngư dân chúng tôi không có cách sống.”

Một linh mục người Việt giúp đỡ di dân ở Đài Loan nói ít nhất một người đã chết và nhiều người dân địa phương được phát hiện đã nhiễm kim loại nặng trong cơ thể.

“Không chỉ cá chết. Gà cũng chết. Người ăn cá thì bị ốm. Khi họ đến bệnh viện, bác sĩ không cho họ xem kết quả khám nghiệm. Nhiều yếu tố khiến chúng tôi nghi ngờ nhà máy thép Formosa,” cha Nguyễn Văn Hùng nói. Ông là trưởng Văn phòng Trợ giúp Pháp lý cho Công nhân và Cô dâu Việt ở Đài Loan.

“Nếu họ nói không có trách nhiệm trong thảm họa này, họ cần chứng minh,” cha Hùng nhấn mạnh. Tổ chức của ông giúp đỡ cho khoảng 150.000 lao động di dân người Việt giải quyết nhiều vấn đề.

Ông là người giúp thuyết phục hai tổ chức phi chính phủ ở Đài Loan tổ chức cuộc họp báo. Tại đây, đã có mặt nhiều nghị sĩ lo ngại về vấn đề này cùng một đại diện chính phủ. Nhiều đài truyền hình địa phương và phóng viên đã tham dự.

Nói với truyền thông, cha Hùng mong muốn người dân Đài Loan bày tỏ quan ngại.

“Việc này có thể ảnh hưởng Đài Loan. Sản phẩm từ Việt Nam có thể nhập vào đây và ảnh hưởng người dân Đài Loan,” cha Hùng nói.

Cùng với cha Hùng, Chang Yu-yin, giám đốc hiệp hội môi trường, nói công ty cần tiết lộ họ dùng chất hóa học gì để làm sạch ống thải trước lúc xảy ra vụ cá chết và cho rằng chính phủ Đài Loan cần buộc các công ty Đài Loan không chỉ tuân thủ luật của nước sở tại mà cả tiêu chuẩn và quy định của Đài Loan.

“Formosa Plastic là cổ đông lớn nhất của nhà máy thép. Nhà máy thép ở Hà Tĩnh là công ty Đài Loan. Formosa Plastic cần cung cấp thông tin và tổ chức nhóm điều tra, gồm các chuyên gia độc lập và công khai kết quả điều tra,” theo lời ông Chang.

Ông nói thêm: “Khi chúng ta ra nước ngoài đầu tư, liệu chúng ta chỉ đáp ứng tiêu chuẩn của các nước đang phát triển? Sao không đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền, lao động, môi trường, hay chúng ta nới lỏng tiêu chuẩn đi?”

Nhưng Chow Ching-sway, một chuyên viên cao cấp tại Ủy ban Đầu tư của Bộ Kinh tế, nói sau khi chính phủ đánh giá xong và thông qua đơn xin đầu tư hải ngoại của công ty Đài Loan, chính phủ không giải quyết các vấn đề sau đó. Ông nói đó là trách nhiệm của các nước có công ty Đài Loan hoạt động – các nước sẽ giải quyết các vi phạm pháp luật tại nước họ.

“Hiện nay chúng tôi không có luật liên quan đầu tư của một công ty sau khi chính phủ Đài Loan đã thông qua. Nếu người dân muốn chính phủ Đài Loan điều tra các công ty, thì phải thông qua luật mới.”

Nhưng những người chỉ trích nói điều này chỉ làm hại cho kế hoạch của chính phủ mới được bầu lên, muốn tăng đầu tư ở Đông Nam Á để bớt phụ thuộc Trung Quốc.

Formosa hiện không bác bỏ cũng không xác nhận các cáo buộc, chỉ nói rằng không có bằng chứng liên kết nhà máy với vụ cá chết.

Hôm thứ Năm, Phó chủ tịch Formosa Hà Tĩnh Chang Fu-ning xác nhận tin nói chính phủ Việt Nam tạm hoãn việc cho phép nhà máy thép vận hành do cần đăng ký xin một giấy phép bảo vệ môi trường, nhưng ông tin rằng việc đình hoãn không kéo dài.

Nhà máy theo lịch trình sẽ bắt đầu vận hành từ cuối tháng Sáu.

“Chúng tôi vẫn hoạt động bình thường ở đây, chẳng có gì là đình chỉ hoạt động cả. Chỉ là chúng tôi ngừng việc khánh thành sản xuất một chút. Chúng tôi cần sự cho phép của chính phủ [Việt Nam].”

“Chúng tôi đang nộp hồ sơ xin phép đây. Chúng tôi đã lên kế hoạch bắt đầu sản xuất thép cuối tháng Sáu, nhưng giờ chúng tôi cần nói chuyện với chính phủ. Có thể việc tạm hoãn này sẽ kéo dài 2 -3 tháng nhưng chúng tôi chắc chắn sẽ đi vào sản xuất. Nhà máy đã xây xong rồi, sao lại không được vận hành? Chúng tôi cần phải đăng ký xin một giấy phép bảo vệ môi trường. Việc này không liên quan gì đến chuyện cá chết cả,” ông Chang nói với BBC.

Chính phủ Việt Nam nói đã hoàn tất cuộc điều tra nhưng đang chờ các chuyên gia phản biện. Dự kiến kết quả điều tra sẽ sớm được công bố.

Các nhóm phi chính phủ, vị linh mục và di dân người Việt dự định tổ chức biểu tình hôm thứ Sáu bên ngoài khách sạn, nơi một công ty con của Formosa Plastic tổ chức cuộc họp cổ đông, nhằm tăng sức ép lên công ty.

………………………………………………………………………………………………….

‘Chắc chắn phi cơ CASA-212 bị va đập’

Nguồn:BBC- 17 tháng 6 2016

Máy bay C-212 của Cảnh sát biển Việt Nam, cùng loại với chiếc bị mất tích hôm 16/6

Có thể loại trừ hoàn toàn ‘yếu tố chính trị’ trong vụ một phi cơ tiêm kích quân sự và một phi cơ tìm kiếm cứu hộ của Việt Nam vừa gặp nạn tại Biển Đông, đặc biệt là nguyên nhân ‘có tên lửa bắn lên’, theo một cựu phi công và quan chức Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam.

Bình luận với BBC hôm 17/6/2016, trước hết ông Nguyễn Thành Trung, nguyên Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho rằng chiếc CASA-212 ‘chắc chắn đã bị một va đập rất mạnh’ khi rơi xuống biển qua những thông tin mà ông biết được, trong đó có các hình ảnh về các mảnh xác của phi cơ tìm kiếm, cứu hộ của Cảnh sát biển Việt Nam.

Dựa trên những hình ảnh nhận được, ông Nguyễn Thành Trung nói, có thể khẳng định được là chiếc phi cơ CASA-212 đã bị tai nạn khiến vỡ ra.

“Nếu chủ động được thì đã có thể hạ cánh trên biển, và tôi nghĩ là phi cơ đã không vỡ như thế. Còn với các mảnh vỡ như thế thì chắc chắn đã có những va chạm rất mạnh của máy bay với mặt nước,” ông giải thích.

Vẫn về chiếc CASA-212 gặp nạn, ông Trung cho rằng cũng không loại trừ nguyên nhân ‘thời tiết thay đổi đột ngột’, tuy rằng theo ông khu vực Bạch Long Vĩ là một khu vực bay ‘bình thường’ như nhiều địa điểm khác dọc bờ biển Việt Nam.

Ông cũng cho rằng công tác cứu hộ ở khu vực phân định ranh giới trên biển, thậm chí có chồng lấn giữa Việt Nam với Trung Quốc, sẽ không gặp khó khăn gì.

“Trung Quốc sẽ ủng hộ, gửi tàu tới giúp thôi,” ông nói. “Một khi có tai nạn, tất cả các nước đều có trách nhiệm giúp cho nước kế bên, tạo điều kiện cho việc cứu hộ.”

Về việc lực lượng quốc phòng huy động nhiều sỹ quan chỉ huy cao cấp trong các chuyến bay cứu hộ như CASA-212, ông Nguyễn Thành Trung cho rằng rất có thể đây là lựa chọn cá nhân của cơ trưởng Lê Kiêm Toàn, Đại tá, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 918, lái chính chiếc CASA-212 gặp nạn.

“Thực ra, phi công nào cũng bay được, nhưng tôi nghĩ rằng các anh ở Lữ đoàn 918 cũng muốn cố gắng bằng mọi cách để cứu nạn cho đồng đội. Có lẽ Lữ đoàn trưởng 918 đã xung phong đi để chứng tỏ tinh thần đồng đội.”

Với trường hợp chiếc Su-30MK2 bị rơi mà hiện nay mới chỉ cứu hộ được một phi công và phi công còn lại Việt Nam đang tiếp tục tìm kiếm, ông Nguyễn Thành Trung cho rằng ‘tiếng nổ trong khoang lái’ có thể có nhiều nguyên nhân, nhưng ‘chắc chắn nghiêm trọng mới nhảy dù’.

Cựu phi công quân sự và dân sự này nói với BBC hôm thứ Sáu rằng dù thế nào thì tổn thất về người trong các vụ máy bay rơi cũng là điều ‘đau buồn’ đối với giới hàng không cả dân sự, lẫn quân sự, cũng như toàn thể người dân Việt Nam

…………………………………………………………………………………………………………….

Biển Đông: Trung Quốc ngang ngược, Việt Nam im lặng
Nguồn: nguoiviet.com- Friday, June 17, 2016 2:49:04 PM

HÀ NỘI (NV) – Chỉ mới có Hội Nghề Cá Việt Nam lên tiếng phản đối các tàu công vụ của Trung Quốc uy hiếp tàu đánh cá của Việt Nam, buộc ngư dân phải nộp hết hải sản đã đánh bắt được.

Một tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi cập cảng Sa Kỳ trong tình trạng hỏng nặng vì bị tấn công ở Hoàng Sa. (Hình: Zing)

Hôm 15 Tháng Sáu, Hội Nghề Cá Việt Nam phát hành một văn bản, tường thuật hai vụ tấn công do các tàu Trung Quốc thực hiện trước đó cả tuần đối với hai tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam tại Biển Đông.

Ngày 7 Tháng Sáu, các tàu công vụ của Trung Quốc đã đuổi một tàu đánh cá mang số hiệu QNg 95193, do ông Nguyễn Trung Kiên, ngụ tại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, làm thuyền trưởng ra khỏi vùng biển cách đảo Bom Bay, thuộc quần đảo Hoàng Sa khoảng năm hải lý. Sau đó cũng những tàu công vụ này của Trung Quốc dùng vòi rồng xịt vào con tàu đánh cá có 14 người. Vòi rồng đã khiến 2/14 ngư dân của tàu đánh cá QNg 95193 bị thương.

Ba ngày sau, hôm 10 Tháng Sáu, bốn tàu công vụ mang các số hiệu 589, 3103, 35101, 64501 của Trung Quốc tiếp cận một tàu đánh cá khác của Việt Nam mang số hiệu QNg 90657, do ông Nguyễn Văn Phú, cũng ngụ tại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, làm thuyền trưởng, ra khỏi vùng biển cách đảo Bom Bay, thuộc quần đảo Hoàng Sa khoảng 14 hải lý.

Nhân viên thi hành công vụ của Trung Quốc đã leo lên tàu đánh cá QNg 90657, buộc ngư dân Việt Nam phải chuyển sáu tán hải sản mà họ đã đánh bắt được trong chuyến hải hành kéo dài 21 ngày sang tàu Trung Quốc. Trong ba giờ vận chuyển hải sản sang tàu Trung Quốc, nhiều ngư dân Việt đã bị đánh vì “chậm chạp.”

Cưỡng đoạt xong hải sản, nhân viên thi hành công vụ của Trung Quốc còn tịch thu nhiều thiết bị (máy định vị, radar tầm ngư, hệ thống liên lạc vô tuyến, các bộ đàm), nhiên liệu (năm phuy dầu), đồ lặn, hủy hoại nhiều ngư cụ (dây dẫn hơi, dây neo)… rồi bỏ đi.

Dù cách hành xử của nhân viên thi hành công vụ Trung Quốc hết sức ngang ngược nhưng chính quyền Việt Nam chưa có ý kiến. Chỉ có Hội Nghề cá Việt Nam “phản đối những hành động ngang ngược, phi nhân này,” đồng thời “yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay những hành động sai trái, đồng thời bồi thường thiệt hại về tài sản và các tổn thương cho ngư dân Việt Nam.”

Hội Nghề Cá Việt Nam cũng đã đề nghị các cơ quan hữu trách “phản đối và có biện pháp ngăn chặn hành động phi lý và ngang ngược của Trung Quốc, hỗ trợ ngư dân khi đánh bắt trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.”

Hai ngày sau bản phúc trình của Hội Nghề Cá, ngày 17 Tháng Sáu, trang thông tin Zing cho hay, trong lúc hành nghề lặn ở vùng biển Hoàng Sa, tàu cá khác của ngư dân Quảng Ngãi lại bị một tàu nước ngoài bất ngờ tấn công, rượt đuổi, đâm vỡ mạn tàu.

Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Quảng Ngãi đã báo cáo cơ quan chức năng về việc tàu cá QNg 95821 TS của ông Nguyễn Tuất (ngụ xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) bị tàu nước ngoài ngăn cản, rượt đuổi, đâm vỡ mạn ở vùng biển Hoàng Sa.

Theo nguồn tin Zing kể lại, chiều 16 Tháng Sáu, ông Tuất cùng bảy ngư dân hành nghề cách đảo Bông Bay thuộc vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam khoảng 9 hải lý về hướng Bắc thì bất ngờ bị tàu nước ngoài mang số hiệu 31102 ngăn cản, tông mạnh nên bị vỡ mạn phải.

………………………………………………………………………….
Đả hổ diệt ruồi hay dậu đổ bìm leo
Nguồn:Nam Nguyên, phóng viên RFA-2016-06-17
Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn ngày 18/11 trước Quốc hội Việt Nam

Nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng khi còn tại chức. (ảnh minh họa)

Dư luận vừa bớt nóng về vụ Đại học Fulbright Việt Nam và trong bối cảnh thảm họa cá chết hàng loạt vẫn làm người dân ưu tư, thì báo chí chính thức do nhà nước quản lý đã bùng lên chiến dịch phanh phui những việc bị cho là sai trái của nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng. Sau 9 năm tại chức, nhân vật này vừa rời chức vụ cách đây mấy tháng, theo chân Thủ tướng hai nhiệm kỳ là Nguyễn Tấn Dũng.
Đánh bóng việc đấu tranh chống tiêu cực?

Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng bị báo chí đồng loạt đưa tin về những vụ bổ nhiệm người đầy nghi vấn, trong đó có con trai của ông là Vũ Quang Hải, một cán bộ trẻ tuổi có thành tích công tác khá xấu, vào chức vụ lãnh đạo ở Tổng công ty Bia-rượu-nước giải khát Saigon (SABECO).

Trước đó trong vụ bê bối xe tư đắt tiền mang biển số công do báo chí phanh phui, mới lòi ra ông Trịnh Xuân Thanh, Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang cũng từng là một cán bộ có thành tích tồi, được núp bóng an toàn ở Bộ Công thương, trước khi điều chuyển về Hậu Giang làm lãnh đạo.

Nhận định về các vụ việc liên quan đến cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, Luật sư Trần Quốc Thuận nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội từ Saigon phát biểu:

Khơi ra câu chuyện trong tình hình này cũng có cái gọi là hay, nhưng tôi sợ cách làm đó mang tính cách tuyên truyền, nặng về đánh bóng cho rằng khởi động cuộc đấu tranh chống tiêu cực, chống cánh hẩu, chống nhóm lợi ích… rồi không biết làm có dài hơi không.
-LS Trần Quốc Thuận

“Khơi ra câu chuyện trong tình hình này cũng có cái gọi là hay, nhưng tôi sợ cách làm đó mang tính cách tuyên truyền, nặng về đánh bóng cho rằng khởi động cuộc đấu tranh chống tiêu cực, chống cánh hẩu, chống nhóm lợi ích… rồi không biết làm có dài hơi không. Ở đất nước này, việc con cháu gia tộc để mà kéo nhau bổ nhiệm chức vụ cho nhau, không phải chỉ có ở Bộ Công thương, mà có thể có tại nhiều cơ quan khác, nhiều địa phương khác. Có địa phương sau Đại hội Đảng bầu trực tiếp bầu phiếu kín, có người không trúng cử, nhưng sau vài tháng lại cử những người vừa thất cử vào trong cấp ủy của địa phương đó. Như vậy cũng không hiểu là nó dựa vào cái gì. Cho nên cách làm như vậy là con ông cháu cha, xây dựng ra một cái tệ không tốt… Nhưng có làm triệt để hay không là một chuyện và có muốn làm triệt để thì cũng không dễ. Tôi thấy báo đăng trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh, Tỉnh ủy của Hậu Giang nhận xét ông này rất tốt, nào cán bộ mẫu mực gương mẫu đủ thứ… Một ông cán bộ như thế được nhận xét như thế thì rõ ràng những người nhận xét đó là như thế nào…”

Theo dõi báo chí trong nước, những ngày qua cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng bị một lúc hai mũi giáp công, mũi thứ nhất trực tiếp từ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Người đứng đầu Đảng Cộng sản ra lệnh xem xét vụ ông Trịnh Xuân Thanh phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, dính vào vụ dùng xe tư đắt tiền nhưng mang biển số xe công. Tổng Bí thư cũng đồng thời ra lệnh rà soát quá trình điều chuyển ông Trịnh Xuân Thanh, từ các vị trí lãnh đạo ở doanh nghiệp nhà nước nơi ông này đưa doanh nghiệp vào tình trạng lỗ lã vài ngàn tỷ, nhưng được đưa về núp bóng ở Bộ Công thương và sau cùng được xem như một nguồn nhân lực quí báu, để điều chuyển về giữ trọng trách ở Hậu Giang.

7_FAHY-400.jpg
Ông Vũ Quang Hải và quyết định điều động về làm thành viên HĐQT đại diện cho cổ phần nhà nước, đồng thời kiêm chức Phó tổng giám đốc Tổng Cty Bia rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) hồi đầu năm 2015. Courtesy photo.

Mũi tấn công thứ hai là từ Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) với thư chất vấn, mang tính cáo giác việc cựu Bộ trưởng bổ nhiệm con trai là Vũ Quang Hải mới 28 tuổi làm thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Bia-rượu-nước giải khát Saigon (SABECO). Theo các báo điện tử như VietnamNet, Tuổi Trẻ, Infonet, Tiền Phong, Đất Việt, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam còn phanh phui một chuỗi sự kiện trong quá trình công tác của ông Vũ Quang Hải. Chẳng hạn như năm 2011 khi mới 25 tuổi, không có thành tích gì, ông Hải đã được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Công ty cổ phần tài chính công đoàn dầu khí (PVFI) thuộc ngành công thương, nơi Tập đoàn Dầu khí chiếm 51% vốn điều lệ. Theo các báo, hai năm ông Vũ Quang Hải làm Tổng giám đốc Công ty cổ phần tài chính (PVFI) nơi này đã lỗ hơn 200 tỷ đồng, tuy vậy con trai ông Bộ trưởng đã được điều chuyển về Cục xúc tiến thương mại Bộ Công thương và một năm sau, vào giữa năm 2015, ông Vũ Quang Hải lại được giữ chức vụ cao hơn với lương tiền tỷ trong vai trò thành viên Hội đồng Quản trị kiêm Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Bia-rượu-nước giải khát Saigon (SABECO).
Thanh sạch những đường dây còn lại của ông Nguyễn Tấn Dũng?

Đối với sự kiện cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng mới rời chức vụ chưa lâu, đã bị Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra lệnh điều tra làm rõ nghi án lạm dụng quyền lực. Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, nhà hoạt động xã hội dân sự độc lập từ Saigon nhận định:

“Tôi đặt một dấu hỏi lớn vào động thái của ông Nguyễn Phú Trọng khi chỉ đạo vụ Trịnh Xuân Thanh ở Hậu Giang và từ vụ Trịnh Xuân Thanh lại dắt dây tới vụ Vũ Huy Hoàng ở Bộ Công thương. Gần như báo chí nhà nước đồng loạt tham gia và có điều lạ là hiệp hội kinh doanh của Việt Nam là VAFI, lại là chủ thể đứng đơn mang tính chất tố cáo ông Vũ Huy Hoàng. Như vậy tội đặt ra dấu hỏi lớn là tại sao Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại tung ra hành động này vào thời điểm này, muốn nhắm tới cái gì. Phải chăng đó là một chiến dịch đả hổ diệt ruồi và chống tham nhũng, hoặc phải chăng đó là một động thái muốn làm thanh sạch những đường dây còn lại của ông Nguyễn Tấn Dũng, hoặc đây có thể là một động tác chính trị để làm người ta quên lãng quên bớt tới việc Nhà nước và Chính phủ vẫn chưa công bố nguyên nhân cá chết ở 4 tỉnh miền Trung, sau hai tháng rưỡi từ khi cá chết…”

TS Phạm Chí Dũng, một trong ba nhà báo tự do của Việt Nam được được Tổ chức Phóng viên không biên giới vinh danh trong danh sách 100 anh hùng thông tin của thế giới, hiện là Chủ tịch Hội Nhà báo độc lập, một tổ chức xã hội dân sự không được Chính phủ nhìn nhận. Nhà hoạt động này từng là một cán bộ phân tích tin tức an ninh tình báo trước khi bị bắt giữ sáu tháng vào năm 2012. Sau đó vào cuối năm 2013 ông xin ra khỏi Đảng Cộng sản. TS Phạm Chí Dũng nhận xét thêm về điều ông gọi là chiến dịch đồng bộ với sự tham gia của báo chí nhà nước:

Phải chăng đó là một chiến dịch đả hổ diệt ruồi và chống tham nhũng, hoặc phải chăng đó là một động thái muốn làm thanh sạch những đường dây còn lại của ông Nguyễn Tấn Dũng.
-TS Phạm Chí Dũng

“Dư luận đang hướng cả vào vụ ông Trịnh Xuân Thanh và ông Vũ Huy Hoàng và chắc chắn sẽ có dư luận, đặc biệt trong giới cán bộ hưu trí, một số cán bộ công chức đương chức ủng hộ chủ trương làm sạch của ông Nguyễn Phú Trọng, chưa biết có làm sạch hay không nhưng chắc chắn có ủng hộ. Do vậy nguyên nhân cá chết gần như bị quên lãng. Tôi cho rằng việc điều tra ông Trịnh Xuân Thanh, đặc biệt là ông Vũ Huy Hoàng đã được tổ chức trước, được sự lên tiếng đồng loạt của một số tờ báo, đánh giá về vụ chiếc xe Lexus của ông Trịnh Xuân Thanh, về vụ ông Vũ Quang Hải là con ông Vũ Huy Hoàng và liên quan tới một số vụ việc nữa của ông Vũ Huy Hoàng. Nếu không được chuẩn bị tài liệu từ trước, thì các báo chắc chắn đã không có những tư liệu đó, không có những câu hỏi sắp sẵn. và không có những dàn bài được sắp sẵn được tung ra tại thời điểm này.”

Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi, khi tỏ ý nghi ngờ về một chiến dịch chống tham nhũng dài hơi của Đảng và Nhà nước đang khởi sự, Luật sư Trần Quốc Thuận nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận định:

“Có cần có một cuộc rà soát toàn diện hay không, coi thử con ông cháu cha, bao nhiêu gia đình gia tộc người ta đưa con cái vào chức này chức kia hay không. Trước Đại hội Đảng người ta cũng nói nhiều về gia đình ông Nguyễn Tấn Dũng bây giờ là nguyên Thủ tướng, thì con cái cũng chức này chức kia, cuối cùng bây giờ họ vẫn làm những chức đó, có ai làm gì họ đâu. Cho nên những người khác cũng tìm cách đưa con cái họ vào…Đó là sự tệ hại của một thể chế, nếu có một cơ chế mà có luật có cạnh tranh tất cả các nơi, thì rõ ràng ở đây không có.”

Sau những ngày bị bêu tên trên hầu hết các báo lớn ở Việt Nam, cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng và con trai Vũ Quang Hải cũng được báo chí dành cho cơ hội giải thích. Tuy vậy lập luận của ông Vũ Huy Hoàng và ông Vũ Quang Hải được cho là mang tác dụng ngược. Bạn đọc các báo chắc hẳn phì cười khi Cựu Bộ trưởng nói rằng, ông đâu có đề xuất bổ nhiệm con trai mà do Sabeco có công văn tha thiết xin đích danh và Đảng ủy cơ quan bộ đã xem xét theo đúng qui trình… riêng ông Vũ Quang Hải thì bị báo điện tử Tuổi Trẻ đặ tựa khá mỉa mai chúng tôi xin dẫn nguyên văn, Ông Vũ Quang Hải: Tôi được “xin” về Sabeco.

Câu chuyện đả hổ diệt ruồi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chưa hiểu có thực sự là một chiến dịch mạnh mẽ và quyết tâm hay không. Nhưng có điều, từ những bê bối bị bật mí của ông cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, cũng có những tác dụng phụ không mong muốn cho chế độ. Bởi vì như Luật sư Trần Quốc Thuận nói, tình trạng thu vén cho con cháu các cụ, cho cánh hẩu, lợi ích nhóm đang thể hiện sự tệ hại của thể chế chính trị.

…………………………………………………………………………………………………..

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics