1.Hà Nội ngày nay(RFA)2."Lễ là tảo mộ, Hội là đạp thanh"(ĐT Lực)3.'Khó nuốt"với dự án.. (VOA)4.Yêu Bác như thế bằng…

Hà Nội ngày nay
Nguồn:RFA/ Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam-2015-08-03

hanoi ngay nay.jpeg1

Một số ý kiến cho rằng cây trồng thay thế trên phố Nguyễn Chí Thanh là cây mỡ?
Vietbao.vn

Hà Nội mùa sang thu, những hàng cây soi bóng mặt hồ, những con đường rợp bóng cổ thụ, thi thoảng trút lá theo con gió mùa… Một Hà Nội mềm mại và huyền nhiệm khí trời đầu thu. Thế nhưng đó chỉ là câu chuyện của ngày hôm qua, của những ai còn nặng lòng với Hà Nội cũ. Một Hà Nội mới với diện mạo lạ lẫm đang phủ dần lên Hà Nội xưa. Hà Nội của phở mắng cháo chửi, Hà Nội của những công viên cây xanh lổ chổ vết thương tâm hồn của dân oan, Hà Nội của hàng ngàn cây xanh chảy máu…

Hà Nội trở nên vô hồn

Với người Hà Nội, cây xanh và bờ hồ là chất liệu không thể thiếu để làm nên gương mặt Hà Nội. Người ta ví cây xanh như mái tóc huyền hoặc và bờ hồ như đôi mắt sâu thẳm của người đẹp Hà Nội. Đáng tiếc là bờ hồ đang hẹp dần và cây xanh cũng bắt đầu bị kẻ xấu nhòm ngó, thành phố trở nên xa lạ trong mắt những người yêu thành phố ngàn năm này.

Ông Luật, một cư dân lâu năm ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chia sẻ:“Các phố thì người ta bảo trồng cây gì đó, hình như là mỡ. Nhưng trồng thì trồng, làm sao bằng hồi xưa được, toàn cây cổ thụ, cây cổ thụ phải đẹp hơn chứ. Báo chí cứ nâng quan điểm lên chứ, nào là đẹp, đường xá thông thoáng…”
Theo ông Luật, Hà Nội đối với ông là một cái nôi, trong đó gồm cả nôi văn hóa, kinh tế và chính trị suốt cả hàng ngàn năm nay. Mỗi dấu tích trên thành phố Hà Nội đều mang bóng dáng lịch sử và văn hóa. Những bờ hồ, những con đường, những ngôi chùa, những bộ trang phục và nếp ứng xử thanh lịch đều cho thấy một Hà Nội ngàn năm.

Thế nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, Hà Nội trở nên bừa bộn, nham nhở và trông chẳng còn là một Hà Nội. Sở dĩ phải nói đến mức độ như vậy bởi quá trình qui hoạch đô thị đã đi từ lỗi này sang lỗi khác, xe cộ tấp nập nhưng đường sá lại không đáp ứng được với lưu lượng xe hiện có. Thay vì ngành giao thông sẽ điều tiết, mở rộng các luồng giao thông ra vùng ven để giữ một Hà Nội xưa yên tĩnh và cổ độ, người ta lại nghĩ đến chuyện mở rộng đường phố Hà Nội.

Theo ông Luật, không có sai lầm nào giống sai lầm nào và đương nhiên quyết định mở rộng những con đường trong lòng phố cổ để theo kịp với nhịp sống hiện đại là một sai lầm quá cơ bản. Điều này thể hiện tầm nhìn ngắn ngũi của nhiều nhà hoạch định chính sách trong bộ máy nhà nước. Và hàng ngàn ngôi nhà trong khu phố cổ cũng như cây xanh trên đường phố Hà Nội rơi vào tầm ngắm của các nhà hoạch định vô lương tâm này.

Các phố thì người ta bảo trồng cây gì đó, hình như là mỡ. Nhưng trồng thì trồng, làm sao bằng hồi xưa được, toàn cây cổ thụ, cây cổ thụ phải đẹp hơn chứ. Báo chí cứ nâng quan điểm lên chứ, nào là đẹp, đường xá thông thoáng -( Ông Luật)

Ông Luật nhấn mạnh rằng phải nói đây là những nhà hoạch định vô lương tâm, không có tinh thần cộng đồng. Bởi nếu có tinh thần cộng đồng thì Hà Nội đã không rơi vào bài toán hóc búa như hiện tại. Nghĩa là những nhà hoạch định có hai phương án để lựa chọn: Hoặc là Hà Nội trở nên huyền nhiệm, đẹp và có văn hóa; Hoặc là Hà Nội ra sao cũng mặc kệ nhưng các nhà hoạch định có tiền đầy túi.

Và đương nhiên phương án thứ hai là phương án của những kẻ vô lương tâm. Rất tiếc là các nhà hoạch định, qui hoạch thành phối đã chọn phương án vô lương tâm để xử sự với thành phố ngàn năm tuổi này. Ở lựa chọn thứ hai, vừa cho ra một lượng gỗ lớn để có tiền tư túi, vừa tạo ra được một sự hỗn độn về đền bù, giải tỏa và quĩ đất tiềm năng để bán sau này.

Khi cây xanh bị chặt bỏ, lượng gỗ đi về đâu? Câu hỏi này chưa bao giờ được trả lời minh bạch. Trong khi đó, hàng chục ngàn cây xanh mới trá hình mang vào trồng trong thành phố khiến cho thành phố trở nên xấu xí và nhặng xị. Khi qui hoạch các con đường, lượng tiền đền bù hàng trăm ngàn tỉ, đã chi cho nhân dân được bao nhiều đồng? Câu hỏi này cũng không có câu trả lời. Và khi các quĩ đất vàng trong thành phố được bán, có bao nhiêu người Hà Nội gốc còn trụ nổi nơi này với giá đất cao ngất? Câu hỏi này vô phương cứu chữa.
Và đặc biệt, những bờ hồ trong thành phố, từ Hoàn Kiếm đến Thuyền Quang, Hồ Tây, Hồ Trúc Bạch… Theo ông Luật là những hồ nước xanh như đôi mắt người đẹp Hà Nội đã bị ô nhiễm nặng, bị người ta xây dựng nhà hàng, quán xá đủ các loại và lấn chiếm lòng hồ quá nhiều nhưng chẳng thấy ai bị động đến, chỉ có hồ là tổn thương nặng nề theo thời gian.

Sông Hồng-Sông Hồng, đoạn chảy qua nội thành Hà Nội…Rác thải, xác động vật chết bị vứt đầy trên mặt sông. Ảnh chụp tại chân cầu Nhật Tân (VOV).
Sông Hồng-Sông Hồng, đoạn chảy qua nội thành Hà Nội…Rác thải, xác động vật chết bị vứt đầy trên mặt sông. Ảnh chụp tại chân cầu Nhật Tân (VOV).

Họ ăn uống rồi thả đồ trên hồ luôn, từ thức ăn, đại tiện, tiểu tiện, nó thả thẳng xuống hồ chứ không xử lý gì hết. Đương nhiên những người kinh doanh đó phải có thế lực chứ không có thế lực thì làm sao mà làm được- (Một cư dân Hà Nội)

Những mặt hồ thương tật

Một cư dân Hà Nội khác, tên Lủng, ở quận Ba Đình, buồn bã chia sẻ thêm: “Nói về diện tích thì các hồ hẹp hơn hồi xưa nhiều, nước thì ô nhiễm nặng nề. Bây giờ các hồ được kè rồi nên dân không lấn chiếm để xây nhà được nữa, lấn thì lấn hồi xưa rồi. Bây giờ lấn là mấy cái thuyền, nhà hàng nổi trên hồ đó, đó cũng là một hình thức lấn chiếm mặt nước trên hồ để kinh doanh. Họ ăn uống rồi thả đồ trên hồ luôn, từ thức ăn, đại tiện, tiểu tiện, nó thả thẳng xuống hồ chứ không xử lý gì hết. Đương nhiên những người kinh doanh đó phải có thế lực chứ không có thế lực thì làm sao mà làm được.”

Theo chị Lủng, hiện nay, mặc dù các bờ hồ ở Hà Nội như Hồ Tây, hồ Thuyền Quang, hồ Hoàn Kiếm hay hồ Trúc Bạch vẫn còn rất đẹp, thơ mộng đối với du khách. Tuy nhiên đối với một người sống với Hà Nội như chị Lủng, những bờ hồ này đã bị lấn chiếm quá nặng. Và chuyện lấn chiếm bờ hồ nếu nhìn bên ngoài chỉ thấy diện tích hồ bị người ta khai thác không hợp lý. Nhưng nhìn về lâu về dài, mọi nguồn nước thải, rác và những chất hóa học để rửa chén bát đều thải xuống hồ.
Với đà này, chừng vài năm nữa, những bờ hồ thơ mông ở Hà Nội sẽ thành một lối nhỏ nằm vắt qua nơi ao tù, hôi thối.

Đó là những hồ lớn, còn những hồi nhỏ nằm trong thành phố Hà Nội và vùng ven Hà Nội, hầu như không có bờ hồ nào là không bị xâm lấn, xây dựng trái phép. Và hầu hết các công trình xây dựng trên bờ hồ đều nhằm mục đích kinh doanh ăn nhậu, tụ điểm hàng quán.

Chị Lủng đưa ra kết luận là với đà này, vài năm nữa thôi, những ca khúc, tác phẩm ca ngợi vẻ đẹp Hà Nội cũng như mang dáng dấp, hồn vía Hà Nội ngàn năm sẽ trở nên lạc lỏng, vô nghĩa trong con mắt giới trẻ Hà Nội. Bởi giữa văn chương, âm nhạc và thực tế có khoản cách quá xa.

Hà Nội lại sắp vào mùa thu, những ca khúc về một Hà Nội thơ mộng, huyền nhiệm và lãng mạn lại cất lên đâu đó trong từng góc phố. Nhưng có một Hà Nội khác đang hiện hình, đang phủ bóng lên mùa thu lãng mạn và thơ mộng của Hà Nội.

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

………………………………………………………………….

Phim Ra Rạp: Lễ Là Tảo Mộ Hội Là Đạp Thanh

Nguồn: dinhtanluc.wordpress.com/2015/07/29/hoi-la-dap-thanh

lela tao mo

Phim Ra Rạp: Lễ Là Tảo Mộ Hội Là Đạp Thanh

. Đinh Tấn Lực

“Rằng hay thì thật là hay – Nhưng tay đạo diễn phim này là ai?” (Nhại Kiều)

Sự xuất hiện bất ngờ của một đại tướng trên chương trình truyền hình “Khát Vọng Đoàn Tụ”, sau cả tháng thấp thỏm đợi chờ của rất nhiều người, tưởng đâu hoá giải được mọi gút mắc, bỗng dưng lại bật ra hàng loạt câu hỏi hóc búa khác về một kịch bản có tầm Oscar chính trị…

*

Màn 1 – Binh Biến & Phản Đảo Chính

1- Người loan tin chàng bị ám sát là ai, do ai cấp nguồn, nhờ ai chống lưng, với mục đích gì?

2- Lời đồn đãi về một âm mưu binh biến bất thành có bao nhiêu phần trăm sự thật?

3- Có thật âm mưu binh biến này dính dáng tới hai cựu tổng bí từng ký hiệp ước với Tàu năm 1990 và 1999?

4- Âm mưu này có chút nào dính dáng tới chuyến khấu tấu tập thể do chàng hướng dẫn 39 tướng lãnh sang Trung Nam Hải hồi tháng 10/2014, và chuyến khấu kiến mới nhất hồi tháng 5/2015 (với bảng tên viết bằng Hán tự)?

5- Vì sao sự kiện thất tung này xảy ra đúng ngay thời điểm ngài tổng bí đương nhiệm đang chuẩn bị qua Mỹ?

6- Ai xếp đặt để tách chàng ra khỏi phái đoàn tháp tùng ngài tổng bí công du Hoa Kỳ như đã chính thức lên phương án từ bao lâu trước?

7- Thế lực nào đủ mạnh để tung tin hoả mù về cuộc ám sát cả vợ con chàng trên đất Pháp?

8- Áp lực từ đâu và đến mức nào mà khiến vợ con đương sự, dù không bị ám sát, hay không phải qua Pháp thăm nuôi chồng, vẫn phải im lặng suốt thời gian “ém tướng”?

9- Do đâu mà bất chợt có lệnh thay đổi lãnh đạo một cách vội vã (và có chỉ dấu khuất tất trong chữ ký) ở Quân Khu Thủ Đô?

10- Do đâu mà bất chợt có lệnh thay đổi lãnh đạo Quân khu 7, bao gồm Sài Gòn & 8 tỉnh lân cận, 3 sư đoàn cùng 5 lữ đoàn đặc chủng?

11- Khẩu hiệu của QK7 là “Trung thành vô hạn, chủ động sáng tạo, tự lực tự cường, đoàn kết quyết thắng”. Liệu vế 1 vừa nói có điều manh nha gì không đáp ứng đúng mức?

12- Tay chân bộ hạ của chàng bị cắt cụt, có phải cũng đồng nghĩa với việc tỉa cành cắt đọt quyền lực của kẻ bấy giờ đang trên đường công du Hoa Kỳ?

13- Cuộc họp giao ban của chính phủ vào cuối tháng 6, dù thiếu bộ trưởng quốc phòng, vẫn được tiến hành như không có chuyện gì xảy ra và cũng không cần đến, là bởi thế lực nào?

14- Nhằm mục đích gì mà một thượng tướng ngồi cạnh thủ tướng, trám chỗ của chàng (Phó BT Quân uỷ) và ngài tổng bí (BT Quân uỷ), để chủ toạ Đại Hội Thi Đua Quyết Thắng Toàn Quân IX?

15- Ai chỉ đạo cho một phóng viên VN mồi chài cho DPA tung tin chàng đã qua đời để nhồi sóng dư luận “đả đảo thân Tàu” trong thời gian “ém tướng”?

16- Ai cấp nguồn cho tuyên giáo TW chữa cháy bằng một loạt tin hoả mù khác là chàng đi chữa bệnh, với những chi tiết y khoa ly kỳ đến mức khó tin?

17- Phải chăng sự kiện tin tức hoả mù ám sát và chữa bệnh được tung ra hết sức nhịp nhàng là có dụng ý đe doạ tư lệnh các quân khu khác?

18- Thế lực nào đủ mạnh để tin đồn và tin tức báo chí trong luồng tung hứng ăn khớp nhau về việc chàng đi chữa bệnh ở bệnh viện Georges Pompidou, Paris?

19- Ai có đủ uy thế để tung tin chàng “suýt bị sổng qua TQ”, như một thứ đòn phép đo lường phản ứng dư luận về số phận một tay nô lệ?

20- Có bao nhiêu phần trăm sự thật trong các bình luận cho rằng Trương Cao Lệ sang VN và bị tiếp đãi lạnh nhạt, chỉ vì nhằm mục đích “gỡ tội/cứu bồ” cho chàng?

21- Sự chuẩn bị để quốc hội nhất trí thông qua dự luật cho phép thủ tướng được ký giao quyền bộ trưởng hay thủ trưởng cơ quan ngang bộ, là nỗ lực dày công của ai?

22- Kẻ nào ép được Ban bảo vệ sức khoẻ TW phải phát biểu/tuyên bố chính thức đúng như kịch bản linh động từng ngày?

23- Thế thì âm mưu binh biến của 2 quân khu lớn nhất nước bỗng chốc biến thành quy trình phản đảo chính & khoá tay đầu lãnh (cả quân đội lẫn đảng) một cách ngoạn mục là đây chăng?

24- Khi phát biểu rằng “Không để quân đội Bất Ngờ Về Chính Trị trong mọi tình huống”, thượng tướng Ngô Xuân Lịch có ẩn ý gì?

25- Trong suốt tháng qua, thực sự chàng bị ém ở đâu?

*

Màn 2 – Hiển Thị Ngày Thương Binh Liệt Sĩ

26- Ai, hay những ai, có khả năng viết tiểu thuyết phơi-giơ-tông để biến chiêu cốt chuyện xuất quỷ nhập thần từng ngày, từ 2 viên đạn tới cục u phổi, từ ngày “ám sát” sang ngày “nhập viện”, rồi “xuất viện”, với những cú phôn qua lại Pháp-Việt… cho tới “ngày về” ảo diệu?

27- Ý kiến chỉ đạo về sự xuất hiện tầm xa của bộ complet xám, mà không có vợ con cùng tướng tá đi đón, đặc biệt lệnh cấm xài ống kính Zoom, là của ai?

28- Hành khách VN đi khoang thương gia trên chuyến bay VN18 Paris-Nội Bài không có ai khác ngoài chàng với đám tuỳ tùng; hay, còn có thêm một số người không biết mặt chàng; hay, họ biết mặt chàng mà quý thương gia này không đời nào lên Facebook?

29- Có điều gì ám muội đã khiến cho dàn báo trong luồng sử dụng hình ảnh các máy bay khác nhau, với cầu thang lên xuống khác nhau, để chứng thực chuyến về của chàng; thậm chí sử dụng cả hình ảnh chiếc Boeing đã từng xài trong 22 bài báo khác nhau suốt 3 năm trước đây?

30- Vì lý do gì mà báo chí bỏ qua vợ con chàng trong buổi hội ngộ sau đận phẫu thuật u phổi? Mà đón chàng tại nhà để trao hoa là Nguyên tư lệnh, chứ không phải là Tân tư lệnh Bộ tư lệnh thủ đô Hà Nội?

31- BCT, bộ QP và bộ 4T thiếu phối hợp chặt chẽ trong khúc trình diễn màn trình diện ở sân bay, khiến cho dư luận nghi ngờ có kẻ đóng thế vai trong đoạn diễn này chăng?

32- Đại sứ Mỹ đến thăm, chỉ được thứ trưởng bộ QP VN đón tiếp, và chỉ được gián tiếp hỏi thăm sức khoẻ của chàng, vì sao?

33- Cũng thứ trưởng bộ QP VN hoan nghênh và mời Tân tư lệnh Lực lượng Coast Guard của Mỹ sang thăm VN, mà không phải là do chàng mời cho môn đăng hộ đối, là vì sao?

34- Vì lý do gì mà chàng phải định cư dài hạn tại bộ QP, thay vì về nhà với vợ con để dưỡng thương hay dưỡng sức sau một chuyến xa nhà giải phẫu lồng ngực?

35- Vì lý do gì mà Trợ lý của bộ trưởng QP phải rào trước là bản thân chàng: “Sẽ ở lại trụ sở Bộ Quốc phòng chứ không về nhà riêng, kể từ hôm nay… Mọi sinh hoạt và làm việc đều diễn ra bình thường. Riêng làm việc thì …Chỉ Làm Có Mức Độ”; ý nghĩa là thế nào, do ai ngăn cấm/giới hạn (không được tham dự Hội thảo quốc tế về triển khai lực lượng tham gia bảo vệ hoà bình của LHQ, ngày 27/7/2015)?

36- Cả hai yếu tố này có đồng nghĩa với một biện pháp quản thúc hay quản chế sau giai đoạn khống chế hay không?

37- Hay, đó là một kẻ khác, mang mặt nạ silicon gần giống như chàng (sau giải phẫu thẩm mỹ), và vì vậy, không được hoặc không nên đến gần vợ con chàng?

*

Hồi Cảnh (Flashback) – Khúc Quanh Lịch Sử Đảng

38- Động thái khiêu khích của TQ vào tuần cuối tháng 6/2015, trên biển Đông, từ dàn khoan 981, cho tới diễn tập bắn đạn thật, và cả dự luật cho phép TQ sử dụng sức mạnh vũ trang để bảo vệ lợi ích cốt lõi, cùng những biến động ở biên giới Tây Nam… là những áp lực cho điều gì và nhắm vào ai, hay những ai, ở Ba Đình?

39- Thế lực nào đủ mạnh để nhón 1 con cờ Ba Đình có khả năng “xử đẹp” cả hai đối thủ có cùng tên và cùng thủ lãnh thân Tàu?

40- Do đâu có những cuộc thăm viếng dồn dập, từ 2 chiến hạm tối tân USS Fort Worth & USS Fitzgerald cặp cảng Đà Nẵng, đến Bộ trưởng QP Mỹ gặp Tư lệnh quân chủng Hải quân VN và Tư lệnh Cảnh sát biển VN, rồi ghé trụ sở Bộ QP VN ở Hà Nội hồi đầu tháng 6/2015?

41- Bộ trưởng QP Mỹ tặng Bộ QP VN 1 quyển nhật ký và 1 dây thắt lưng của một chiến sĩ bộ đội vượt Trường Sơn thời chiến tranh là có ẩn ý báo trước điều gì bất thường hay bất an không?

42- Hiện tượng cựu Tổng thống Mỹ Bill Cliton sang VN ngay trước khi ngài tổng bí đi Mỹ nói lên điều gì, từ phía Mỹ, rằng “không đi không được, không làm không xong”, phỏng?

43- Điều gì khiến cho ngài Obama cân nhắc hệ quả mích lòng với cả 2 đảng lớn của Mỹ xong tự lấy quyết định phá lệ mà đón tiếp ngài tổng bí CSVN tại Phòng Bầu Dục. Chuyện gặp gỡ này cần thiết đến mức đó sao?

44- Do đâu mà, ngay sau chuyến công du Hoa Kỳ của ngài tổng bí, viên Đại sứ Mỹ có thể mạnh miệng trong cuộc tiếp xúc với Cộng đồng người Việt ở quận Cam rằng VN đang tiến mạnh về phía dân chủ?

45- Điều gì đã khiến cho Đại sứ Mỹ tự tin đến mức vượt qua giới hạn ngoại giao để ghé thăm đài truyền hình người Việt tự do SBTN và Văn phòng II Viện Hoá Đạo ở Nam Cali?

46- Việc gì cần đến mức đệ nhị phu nhân Hoa Kỳ, Tiến sĩ Jill Biden, tức vợ của phó TT Joe Biden, cấp tốc qua VN ngay sau chuyến công du của ngài tổng bí, và cặp kè dung dăng ngoài phố với vợ của CTN VN? Jill đã nói gì với Doan? Với Hạnh? Hay nhắm Hạnh điều gì cần nói với chồng?

47- Thế lực ghê gớm nào bật đèn xanh cho báo chí trong luồng đi bài phóng sự cảm động (có luôn cả video clip) về cuộc thảm sát Gạc Ma?

48- Nên đánh giá như thế nào cho gần với sự thật về sự kiện chủ tịch nước đi thăm 2 sư đoàn từng chiến đấu ở mặt trận biên giới, sau nhiều thập niên bị bỏ quên đến đóng bụi trong lịch sử?

49- Điều gì khiến cho CTN đồng ý với đề nghị thăng hàm thượng tướng CA cho một nhân sự gốc Kiên Giang? Chẳng lý nào ngài CTN có tài ngoại cảm và đang xoay về phía mặt trời đang ló dạng?

50- Thượng tầng đảng đang lên kế hoạch đón tiếp (trọng thị đến mức có thể) vợ chồng ngài Barack Obama thăm viếng Việt Nam trong vài tháng tới, trước đại hội đảng, có khi trước cả hội nghị trù bị cho đại hội đảng… Liệu có ai ngạc nhiên khi ngài ấy nhận một món quà hữu nghị lớn tương đương với …diện tích mặt nước cảng Cam Ranh?

51- Nếu so sánh với nỗ lực viết lại sách giáo khoa môn sử thời 1979, thì, có phải chuỗi sự kiện này là chỉ dấu hiển thị một thay đổi lớn, thậm chí là một khúc quanh, trong lịch sử đảng?

*

Những Câu Hỏi Dành Cho Hồi Kết

52- Có ai dám bảo Xê-i-a với tình báo Trung Nam Hải chưa từng đấu nhau trên đất nước thứ ba?

53- Hồ Ly Vọng (Hollywood) là cái nôi điện ảnh của Mỹ, nhưng, có đúng là không ai ngạc nhiên rằng Hoa Thịnh Đốn (Washington DC) mới là nơi đào tạo diễn viên chính trị của thế giới thứ ba?

54- Nhu cầu chính trị to đến đâu mà thủ tướng VN cần phải điều 1 đệ tử Kiên Giang về nắm thanh tra chính phủ?

55- Lý do, hay những lý do nào khiến một thinktank của Nhật kết luận rằng sau Miến Điện là Việt Nam?

56- Những yếu tố nào khiến thế giới khả dĩ chắc bắp rằng, sau vòng ngoài be bờ từ Nhật đến Hàn đến Phi …đến tận Úc, thì vòng trong, sát sườn đối thủ khổng lồ chính yếu của Mỹ, không ai có thể loại trừ vị trí chiến lược của VN?

57- Bao nhiêu phần trăm sự thật có thể có là Hoa Kỳ đã điều chỉnh và sử dụng một phương thức “tháo cũi” cho VN tương tự như cách đã làm với Miến Điện (ngay cả việc chận đứng dự án đường ống dầu đi tắt & huỷ hợp đồng 1 con đập khủng do Tàu tài trợ)?

58- TPP có phải chỉ là củ cà rốt, còn “thoát trung” mới là cây roi, đối với Mỹ? Ngược lại, có phải đối với 1 bộ phận (gọi là nhóm lợi ích) của Ba Đình thì đây chính là cơ hội nòng nọc rụng đuôi XHCN thành Ếch cộng hoà, và là cái phao cứu sinh cho phe còn lại có đường thoát thân êm thắm?

59- Có ai dám bảo con hổ giấy Hoa Kỳ chỉ xoay trục bằng nước bọt?

60- Còn ai nghi ngờ khả năng bán bảo hiểm tài sản dưới vỏ bọc công ty tư vấn kinh tế của chính quyền Mỹ?

61- Putin đang chuẩn bị gấp rút để nhận anh em họ với 1 gã tóc đen?

62- Có ai đã gạ bán bảo hiểm nhân thọ cho ngài đại tướng vừa mới bị đạp ngã kia chưa?

28/7/2015 – Kỷ niệm tròn 20 năm nước CHXHCNVN gia nhập Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN).

Blogger Đinh Tấn Lực

………………………………………………………………

Khó nuốt’ với dự án xây tượng đài ‘nghìn tỷ’ Hồ Chí Minh?

Nguồn:Khánh An – VOA

du an HCM.jpg1

Một tượng đài Hồ Chí Minh tại Vinh.

05.08.2015

Một dự án xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh với mức chi phí lên đến hàng nghìn tỷ đồng ở tỉnh Sơn La, Việt Nam, đang là tâm điểm chú ý của dư luận trong vài ngày qua. Những phản ứng của công chúng đã có tác động đến giới lãnh đạo liên quan đến dự án này.

Công trình ‘Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc’ đã được thông qua ở tỉnh Sơn La có tổng mức đầu tư là 1.400 tỷ đồng. Công trình dự kiến sẽ được khởi công vào tháng 10 tới bao gồm các hạng mục như đền thờ Hồ Chí Minh với tượng đài cao từ 5 – 8 met, đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ, bảo tàng tổng hợp, quảng trường…

Phát biểu trên báo Dân Trí hôm 4/8, ông Cầm Ngọc Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La nói “việc xây dựng tượng đài có ý nghĩa lớn về mặt giá trị văn hóa và lịch sử, do đó Ban Bí thư đã cho phép xây dựng và xin ý kiến các Bộ, Ban, ngành để thực hiện và Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý”.

Phản đối rầm rộ

Nhưng ngay sau khi báo chí loan tin về việc xây dựng tượng đài, đã có rất nhiều ý kiến phản đối của người dân ở ngay cả trên các phương tiện truyền thông chính thống lẫn các trang mạng xã hội tại Việt Nam. Đây cũng là một trong những sự kiện hiếm hoi mà sự phản đối xuất phát từ cả luồng dư luận có xu hướng ủng hộ chính quyền lẫn luồng dư luận có xu hướng ủng hộ dân chủ.
Con số rút ruột các công trình là thường có tỷ lệ 30 – 33%. Đó là một con số kinh khủng. Nếu xây 1 tỷ thì họ rút khoảng 300 triệu rồi. Mà đây là 1.400 tỷ thì con số họ rút ruột không biết là bao nhiêu nữa?
Ông Phạm Minh Hoàng.

Ông Phan Tất Thành, một cựu chiến binh Việt Nam, nói:

“Dân đói, dân khát, dân nghập lụt, mà bỏ tiền ra xây tượng ông Hồ, ông Hồ không vui đâu. Ông không bằng lòng đâu. Nếu mà ông Hồ còn sống, ông ấy sẽ phản đối, sẽ dừng ngay. Bây giờ ông ấy mất rồi thì các con, các cháu ông hãy vì ông, hãy theo ông ấy, hãy thể hiện mình học tập ông ấy mà dừng những cái vô bổ lại”.

Rất nhiều người thuộc đủ mọi tầng lớp đã phản đối công khai dự án xây dựng tượng đài ‘nghìn tỷ’ trên các trang mạng xã hội. Lý do chính yếu mà hầu hết những người phản đối đưa ra là sự lãng phí của công trình trong điều kiện người dân địa phương đang còn rất nghèo đói, thiếu thốn.
Ông Phạm Minh Hoàng đưa hình phản đối dự án lên mạng.Ông Phạm Minh Hoàng đưa hình phản đối dự án lên mạng.

Ông Phạm Minh Hoàng, cựu Giảng viên Đại học Bách Khoa TP.HCM, người đã chụp hình mình với tấm bảng ghi ‘Tôi phản đối dùng 1400 nghìn tỷ xây dựng tượng đài ông Hồ tại Sơn La” và đưa lên mạng xã hội, cho biết dự án lãng phí này đã tạo ra sự phẫn uất ở nhiều người dân nhưng họ không dám nói ra. Bản thân ông cũng thế.

“Không phải ngạc nhiên mà là cực kỳ phẫn uất. Tôi không thể nào tưởng tượng được là họ có thể làm chuyện ấy. Cho đến hôm nay, tôi nghĩ là đã có khoảng một trăm tám mươi mấy tượng đài ông ấy rồi, chưa kể những bảo tàng, một số công trình khác, thì tôi thấy số tiền ấy quá lớn. Bây giờ còn xây thêm một tượng đài 1.400 tỷ nữa. 1.400 tỷ xây được rất nhiều thứ. Có thể tưởng tượng là một tượng đài đó tương đương với cây cầu Mỹ Thuận, là cây cầu huyết mạch của đồng bằng sông Cửu Long. Dùng số tiền này như (số tiền) xây một cái cầu vậy thì tôi nghĩ đó là một sự hoang phí ngoài sức tưởng tượng”.
Nhu cầu rất lớn, thì làm gì các quan chức cũng có nhu cầu lớn hết. Nhưng ở tỉnh Sơn La hiện có 36.000 dân đói ăn. Đó là báo cáo tình hình kinh tế, chính trị của tỉnh Sơn La 6 tháng đầu năm đấy. 36.000 dân đói ăn! Tôi tin là 36.000 dân này không đồng ý xây tượng ông Hồ đâu.
Cựu chiến binh Phan Tất Thành.

Báo Tiền Phong ngày 23/4/2015 nói theo đánh giá của các nhà quản lý trong buổi hội thảo lấy ý kiến về “Quy hoạch tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030”, thì ‘nhu cầu nhân dân các tỉnh thành muốn xây dựng tượng đài Bác vẫn rất lớn, nên Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng quy hoạch đến năm 2030’. Phát biểu về nhận định này, ông Thành nói:

“Nhu cầu của ai chứ? Nhu cầu của các quan chức. Nhu cầu rất lớn, thì làm gì các quan chức cũng có nhu cầu lớn hết. Nhưng ở tỉnh Sơn La hiện có 36.000 dân đói ăn. Đó là báo cáo tình hình kinh tế, chính trị của tỉnh Sơn La 6 tháng đầu năm đấy. 36.000 dân đói ăn! Tôi tin là 36.000 dân này không đồng ý xây tượng ông Hồ đâu”.

Chuyện ‘lại quả’

Một trong những ý kiến phổ biến mà dư luận cho là nguyên cớ sâu xa của dự án tượng đài cũng như nhiều công trình khác là vấn đề ‘lại quả’ hay ‘rút ruột’ dự án. Ông Hoàng cho biết:

“Lúc tôi hỏi ý kiến của người xung quanh, họ bảo ‘Nếu không xây thì họ lấy gì mà ăn?’. Con số rút ruột các công trình là thường có tỷ lệ 30 – 33%. Đó là một con số kinh khủng. Nếu xây 1 tỷ thì họ rút khoảng 300 triệu rồi. Mà đây là 1.400 tỷ thì con số họ rút ruột không biết là bao nhiêu nữa?!”.

Cựu chiến binh Phan Tất Thành cũng thừa nhận chuyện ‘lại quả’ này đã trở thành “luật bất thành văn” trong các công trình.

“Cái này thì phải hỏi ông Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Giao thông. Chứ còn luật bất thành văn ở cái đất nước này, mà người ta đang tìm mọi cách, người ta muốn lắm, muốn xóa đi lắm, muốn bỏ đi lắm nhưng không thể bỏ được là cái “lại quả”. Những công trình công ích, công trình giao thông, công trình này nọ thì thường bị thất thoát khoảng 25 – 30%, đó là tôi nói một tỷ số khiêm tốn đấy, là bị “lại quả”. Cái mà ở hiện trường chỉ có khoảng độ 70% là tốt lắm rồi”.

Ông Thành nói chuyện ‘lại quả’ này là một vấn nạn lớn.

“Nhưng có điều thế này, ở Việt Nam, có những điều mà ai cũng biết. (Nhưng) nói ra thì lại hỏi: ‘Chứng cứ đâu?’. Thì chịu! Chứng cứ đâu? Thỉnh thoảng thử bắt vài ông thật nòng cốt vào thì nó lòi ra chứng cứ thôi”.

Khó nuốt?

Với quá nhiều ý kiến phản đối từ công luận trong vài ngày qua, hôm 5/8, báo Việt Nam Net đưa tin Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu UBND tỉnh Sơn La báo cáo về việc đầu tư đề án xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh.

Một cư dân mạng tên Chuong Phan nhận định về tin này là: “Cùng nhau nuốt khó trôi”.

Cũng trong ngày 5/8, VTC trích lời ông Cầm Ngọc Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, đính chính rằng “Không có chuyện xây dựng tượng đài lên tới 1.400 tỷ đồng”. Ông Minh nói với VTC rằng những ý kiến nêu như thế là không hiểu sự việc vì mức chi phí trên dành cho nhiều công việc khác nhau của dự án. Ông cũng cho biết Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý dự án này trước đó và ông sẽ gửi báo cáo cho thủ tướng theo yêu cầu mới nhất.

…………………………………………………………………………

Yêu Bác như thế bằng mười hại Bác!
Nguồn: Sun, 08/09/2015 – — Kami Blog/RFA

Việc Sơn la, một tỉnh nghèo ở Tây bắc sẽ xây dựng tượng đài “Bác Hồ với đồng bào Tây bắc” với kinh phí khoảng 1.400 tỷ đồng – xấp xỉ 65 triệu đô la Mỹ bằng nửa ngân sách chi tiêu của tỉnh này trong một năm. Trong lúc tỉnh Sơn la hàng năm vẫn phải ngửa tay xin nhà nước hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng để chi tiêu đã là cho dư luận hết sức bất bình.

Không thể phủ nhận rằng ở Việt nam hiện nay, đảng CSVN – đảng cầm quyền duy nhất đã và đang từ bỏ hầu hết mọi vấn đề lý luận liên quan đến Chủ nghĩa cộng sản để đưa quốc gia này trở thành một quốc gia có nền kinh tế thị trường ở mức tư bản hoang dã, điều mà người ta đã từng thấy ở châu Âu cuối thế kỷ XVIII. Tuy vậy, trong thể chế chính trị của Việt nam lúc này, vai trò của công tác tuyên giáo cũng không khác gì ở mấy nước cộng sản còn sót lại, như Bắc Triều tiên hay Trung quốc. Ở đó, người ta vẫn chủ trương tôn sùng các lãnh tụ một cách quá mức, coi lãnh tụ là cái phao cứu sinh cho chế độ, vì những người cầm quyền luôn nghĩ rằng với chính sách tuyên truyền một chiều và sự tô vẽ quá mức trong một thời gian dài thì dân chúng sẽ luôn luôn yêu kính và biết ơn lãnh tụ. Đảng cầm quyền bằng mọi cách và mọi giá để tạo nên các dấu ấn về lãnh tụ trên khắp cả nước, không chỉ ướp xác, xây lăng hoặc các loại hình tuyên truyền cổ động khác, gần đây là việc xây dựng vô tội vạ các tượng đài ở các tỉnh cũng là một ví dụ. Đi nó theo là những khoản kinh phí khổng lồ lấy từ ngân sách, trong bối cảnh nền kinh tế còn bê bết, trong khi người dân hầu như chưa được hưởng những khoản an sinh xã hội tối thiểu do nhà nước cung cấp. Đó là điều cực kỳ vô lý.

Cho dù việc ghi nhớ, tôn vinh ông Hồ Chí Minh thông qua việc ướp xác hay dựng tượng đều được đảng cầm quyền cho rằng xuất phát từ tâm tư và nguyện vọng của nhân dân. Song hầu như các cơ quan có trách nhiệm chưa hề làm và công bố kết quả điều tra dư luận xã hội (poll) về việc này, để xem có nên làm những việc đó hay không? Và nếu như có ai nói rằng, việc nhà nước Việt nam xây quá nhiều tượng đài Hồ Chí Minh đã gây ra sự bất bình đối mỗi người Việt nam có lương tri, và là điều khó có thể chấp nhận nổi thì rất dễ bị chụp cáo mũ “suy thoái tư tưởng”. Tới mức dư luận xã hội, có cả những quan chức của đảng – những người vẫn đang ăn bổng lộc của nhà nước này cũng không chấp nhận được buộc phải lên tiếng. Trên các phương tiện thông tin đại chúng do nhà nước quản lý ,chúng ta dễ dàng tìm thấy các ý kiến của một số trí thức có uy tín, kể cả các cán bộ tuyên huấn khét tiếng của đảng cũng không đồng tình, thậm chí là kiên quyết phản đối.

Theo báo Dân Trí, Giáo sư Mạch Quang Thắng, giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nói. “Xây tượng đài hoành tráng không hợp với tấm lòng Bác cũng như truyền thống văn hóa Việt Nam. Theo tôi điều quan trọng nhất lúc này hãy tập trung xây dựng tượng đài Bác Hồ trong lòng dân”, còn PGS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Lịch sử Đảng chia sẻ với VnExpress: “Suốt cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống tiết kiệm, tự trồng rau, nuôi cá, ăn cơm độn giống nhân dân. Xây tượng đài tốn kém, Bác biết sẽ không an lòng”.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Infonet, ông Lê Văn Cuông, nguyên Nguyên Phó đoàn ĐBQH Thanh Hóa cũng cho rằng, “Bây giờ làm tượng Bác hoành tráng như thế giải quyết vấn đề gì? Hơn nữa, sinh thời Bác từng nói việc gì dù nhỏ nhưng có lợi cho dân ta phải hết sức làm. Học Bác thì phải làm vậy. Tôi nghĩ Bác còn sống, Bác không bao giờ đồng tình cho việc làm này. Nếu có tình cảm đích thực với Bác thì học Bác, việc gì có lợi cho dân dù nhỏ thì hãy cố gắng mà làm” trong điều kiện nguồn vốn ngân sách nhà nước đang hết sức khó khăn, thu không đủ chi như hiện nay, việc xây dựng công trình tốn kém như vậy là không nên.

Và theo chương trình thời sự lúc 18h00 ngày 06/8/2015 của Đài Tiếng Nói Việt Nam VOV.1 sẽ được nghe . Theo đó GS-TS. Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng cho rằng: “Về tượng đài, sinh thời Bác không muốn làm cái gì rềnh rang tốn kém như công sở v.v…, ngay cả lăng mộ Bác cũng không muốn xây. Bác chỉ muốn chôn trên đồi Ba Vì, để mỗi người đến viếng trồng một cái cây để lâu ngày cho bóng mát cho mọi người, nhưng chúng ta lại xây Lăng. Vậy làm như vậy thì chúng ta có tôn trọng tâm nguyện của Bác hay không?”. Còn GS. Hoàng Chí Bảo cũng cho rằng việc xây dựng quá nhiều, tràn lan với mức đầu tư khổng lồ trong hoàn cảnh nhân dân còn nghèo là điều không nên và cần phải được xem xét lại cho phù hợp.

Tác giả Ông Giáo Làng trong bài viết “Chuyện tượng đài” có nhận xét rằng “Liệu nếu còn sống, ông Hồ Chí Minh sẽ nghĩ gì khi biết tượng mình ở cái thành phố phát triển nhất đất nước cũng chỉ tốn chưa đầy 10 tỷ, trong khi ở tỉnh nghèo cũng vào loại nhất nước, lại được xây dựng với 200 tỷ đồng, trong khi ở ngay đó, dưới chân nơi ông đứng, nguời dân còn đang đói rách, trẻ con còn phải đi vồ cóc, bắt chuột làm thức ăn, muốn tới trường phải đu dây, chui vào bao ni-lông khi qua suối, những cái lều vịt được gọi là lớp học, là nơi bán trú… Nhiều tiền như thế chi ra để ghi khắc hình ảnh ông trong tâm khảm mọi người hay là để đẩy ông ra xa quần chúng, để làm mai một tình cảm của nguời dân với lãnh tụ?”

Những ai sinh ra và lớn lên dưới chế độ Xã hội Chủ nghĩa “tươi đẹp”, hầu như không thể quên được những điều mà nhà nước giáo dục cho dân về hình ảnh của bác Hồ, đó là một con người bình di, khiêm tốn, tiết kiệm hết lòng vì nước vì dân. Điều này đã được Nhà thơ Tố Hữu trong bài “Bác ơi!” viết năm 1969, sau khi ông Hồ Chí Minh mất, được cho là thể hiện đúng tầm vóc của con người Bác. Đó là:

“Một đời thanh bạch chẳng vàng son,

Mong manh áo vải hồn muôn trượng,

Hơn tượng đồng phơi giữa lối mòn.”

Điều đó cũng thể hiện trong Di chúc của ông Hồ Chí Minh, mà nguyện vọng cá nhân của ông được ghi rất rõ ràng như sau:

Về việc riêng Suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ Cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa.
Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thời giờ và tiền bạc của nhân dân. Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là “hỏa táng”. Tôi mong rằng cách “hỏa táng” sau này sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng. Khi ta có nhiều điện, thì “điện táng” càng tốt hơn.
Tro thì chia làm 3 phần, bỏ vào 3 cái hộp sành. Một hộp cho miền Bắc. Một hộp cho miền Trung. Một hộp cho miền Nam.
Đồng bào mỗi miền nên chọn một quả đồi mà chôn hộp tro đó. Trên mả, không nên có bia đá tượng đồng, mà nên xây một một ngôi nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ, để những người đến thăm viếng có chỗ để nghỉ ngơi.
Nên có kế hoạch trồng cây trên và chung quanh đồi. Ai đến thăm thì trồng một vài cây làm kỷ niệm. Lâu ngày cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp. Việc săn sóc nên giao phó cho các cụ phụ lão.

Rồi từ đó, trong suốt máy chục năm qua những người lãnh đạo đảng CSVN hết lớp này đến lớp khác đã chủ trương mở cuộc vận động “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”, và sau này được đổi thành “Học tập theo gương Bác” để giáo dục đạo đức và tấm gương Hồ Chí Minh cho toàn thể nhân dân Việt nam noi theo.

Nếu như ông Hồ Chí Minh là con người có tấm gương đạo đức đáng để học tập như thế, thì tại sao sau khi ông mất cho đến nay (không kể những chuyện như công bố ngày mất không đúng hay sửa chữa Di chúc của ông) nguời ta đã không chỉ xây Lăng mà còn dựng tượng cho ông tràn lan, vô tội vạ với các khoản ngân sách khổng lồ.

Theo Tạp chí Tuyên giáo cho biết: “Theo số liệu thống kê hiện trên cả nước có 134 tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh các loại. Trong đó, tại các khuôn viên trụ sở cơ quan, đơn vị trên cả nước có 103 tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh . Tượng đài được xây dựng tại quảng trường, trung tâm hành chính, chính trị là 31 tượng. Ngoài ra vừa qua các tỉnh, thành phố đề xuất đưa vào quy hoạch xây dựng mới tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến hết năm 2030 là 58 tượng đài.”. Được biết, mỗi công trình tượng đài này thường kéo theo hàng loạt các công trình phù trợ như: quảng trường, hệ thống chiếu sáng, vườn hoa v.v… với kinh phí lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Dư luận đã đặt câu hỏi rằng tại sao không dùng những khoản ngân sách ấy để đầu tư cho trường học, bệnh viện, đường xá… cho toàn dân? Chắc chắn những việc làm như thế là điều hoàn toàn trái với tâm nguyện của ông Hồ Chí Minh, không những thế nó còn càng làm xấu đi hình ảnh Bác Hồ, người vốn được đông đảo người Việt nam vẫn tôn sùng và yêu kính.

Thử hỏi nếu như như ông bà cha mẹ của các bạn, trong di chúc của họ để lại có mong muốn được mồ yên mả đẹp, xây trên đồi núi có bóng cây. vậy mà các bạn mang thi hài của họ ra phanh thây, mổ xác để ướp . Chưa đủ, còn bày ra để cho trăm họ đến xem thì thiên hạ người ta chửi bạn là đồ vô phúc thì có oan không? Những người lãnh đạo nhà nước Việt nam nghĩ gì về điều này?

Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, mọi sự thật không thể bưng bít và nói dối được mãi, kể cả sự nghiệp và cuộc đời của Bác Hồ cũng vậy. Chính vì thế lòng tin của dân chúng về Bác Hồ cũng theo xu hướng giảm dần chứ không thể tăng lên. Vậy mà các quan chức lãnh đạo ở các tỉnh cứ mượn cớ yêu Bác để tiêu xài lãng phí ngân sách, nhằm bòn rút tham nhũng tiền ngân sách để bỏ túi riêng, trong lúc những vấn đề thiết thực liên quan đến cuộc sống của dân chúng thì không thèm quan tâm. Thì chắc chắn ai ai cũng sẽ bất bình.

Người Việt nam có câu “Yêu nhau như thế bằng mười phụ nhau” trong trường hợp này thì phải gọi là “Yêu Bác như thế bằng mười hại Bác” có đúng không, thưa các bạn? ./.

Ngày 09/8/2015

© Kami

* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA.

Kami’s blog

………………………………………………..

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics