‘Hành biên cương’, ‘đàn tràng chiêu hồn tử sĩ’, thời đại mới?- Kỳ 3
Nguồn:nguoiviet.com-July 2, 2016
Du Tử Lê
(tiếp theo kỳ trước)
Từ trái qua Phạm Ngọc Lư, Trần Hoài Thư, Nguyễn Lệ Uyên, Phạm Văn Nhàn, Tuy Hòa 1970. (Hình: tranhoaithux.wordpress.com)
Như hai bài “Hành” nổi tiếng từ thời thơ Tiền Chiến của Thâm Tâm và, Nguyễn Bính, 27 năm sau, Phạm Ngọc Lư cũng dùng thể loại cổ thi có từ đời Ðường của văn học Trung Hoa này, để diễn tả, gửi gấm tâm cảm mình trước nhiễu nhương, nghịch cảnh lịch sử…
Giống hai tác giả thời trước, Phạm không dùng nhân xưng đại danh tự ngôi thứ nhất nào, khác hơn chữ “ta,” để phát lộ tính chất khinh bạc, khẩu khí bất mãn, thất vọng thời thế,… một yếu tính của thể thơ cổ phong này.
Tuy nhiên, ngay khổ thơ đầu tiên mở vào bài thơ của mình, người đọc đã sớm nhận ra sự khác biệt lớn giữa “Hành” của Phạm Ngọc Lư và “Hành” của Thâm Tâm, Nguyễn Bính.
Ở cả hai bài Hành có từ thời tiền chiến, tự những dòng chữ đầu, ngữ cảnh hai bài thơ đã minh thị tính cá nhân cùng, giới hạn của không gian thơ.
Ðây là Thâm Tâm, với “Tống Biệt Hành”:
“Ðưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt,
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?” (Nđd)
Và, đây là Nguyễn Bính với “Hành Phương Nam”:
“Ðôi ta lưu lạc phương Nam này
Trải mấy mùa qua én nhạn bay
Xuân đến khắp trời hoa rượu nở
Mà ta với người buồn vậy thay.” (Nđd)
Với 4 câu bảy chữ, từ khởi điểm, Thâm Tâm không “giới thiệu” nhân vật đối tượng của bài thơ, như Nguyễn Bính (cụ thể qua câu “Ðôi ta lưu lạc phương Nam này.” Nhưng ở câu thứ tư “Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?” thì, người đọc liên tưởng ngay tới đối tượng (nhân vật thứ hai) bài thơ là một người nữ.
Phạm Ngọc Lư với “Biên Cương Hành,” khác biệt hẳn. Ðối tượng (hay nhân vật) của ông, không là một cá nhân (hay vài cá nhân) mà, chính là… “biên cương”!
Biên cương nhiễu nhương. Biên cương máu nuôi rừng. Biên cương dãy mồ chôn:
“Biên cương biên cương chào biên cương
Chào núi cao rừng thẳm nhiễu nhương
Máu đã nuôi rừng xanh xanh ngắt
Núi chập chùng như dãy mồ chôn.” (Nđd)
Từ đối tượng là một (hay vài cá nhân), từ không gian là buổi chiều, hoàng hôn (Thâm Tâm), hoặc mùa xuân ở phương Nam (Nguyễn Bính), đối tượng và, không gian ở “Biên cương hành” của Phạm Ngọc Lư, là cả một thế hệ bị vùi dập; cả một không gian bạt ngàn tang chế, tai ương…
Tôi không biết họ Phạm vô tình (hay cố ý) áp dụng một trong những kỹ thuật điện ảnh là đi từ viễn-cảnh (wide-shot) về dần cận-cảnh (close up shot) với những câu thơ tả thực, gần như chưa từng có trong lịch sử thi ca chiến tranh Việt Nam – – Nhờ thế sức hấp dẫn, lôi cuốn của bài thơ đã được nâng cấp một cách mạnh mẽ:
“Gớm, gió Lào tanh mùi đất chết
Thổi lấp rừng già bạt núi non
Mùa khô tới theo chân thù địch
Ta về theo cho rậm chiến trường
Chiến trường ném binh như vãi đậu
Ðoàn quân ma bay khắp bốn phương
Lớp lớp chồm lên đè bẹp núi
Núi mang cao điểm ngút oán hờn
Ðá mang dáng dấp hình chinh phụ
Chơ vơ chóp núi đứng bồng con
Khu chiến ngày tràn lan lửa dậy
Ðá Vọng Phu mọc khắp biên cương
Biên cương biên cương đi biền biệt
Chưa hết thanh xuân đã cùng đường.” (Nđd)
Ðoạn thơ 14 câu này, ngoài những câu cực tả hiện thực, tựa đó là một trong những nét tiêu biểu cho cuộc chiến miền Nam, như:
“Ðá mang dáng dấp hình chinh phụ
Chơ vơ chóp núi đứng bồng con
Khu chiến ngày tràn lan lửa dậy
Ðá Vọng Phu mọc khắp biên cương
Biên cương biên cương đi biền biệt
Chưa hết thanh xuân đã cùng đường…”
(Thì) tôi rất thích tính từ “gớm” (tác giả nói với riêng mình?) Và, tính từ “rậm” (rậm đám) trong câu “ta về theo cho rậm chiến trường” – – Xác định tác giả không hề thấy mình là một thứ “tráng sĩ,” sinh bất phùng thời; hoặc thất chí vì ước mơ phất cao ngọn cờ “thế thiên hành đạo” không thành, như nội dung của hai bài Hành thời tiền chiến. Mà họ Phạm tự thấy mình tầm thường, lạc lõng, có khi còn làm quẩn chân cho những người lính bị đầy nơi biên ải!
Bản năng sinh tồn được Phạm Ngọc Lư thể hiện minh bạch, không chút mặc cảm, không lên gân trước sống/chết,… tôi cho đó cũng là một thể hiện khiêm tốn, đáng trân trọng của bản chất thi sĩ, nơi tài năng đặc biệt này.
Dấn thêm một bước nữa, để mô tả cảnh tượng chiến địa, nơi những đời trai là nguồn gốc tạo thành hình ảnh những “đá vọng phu,” những “chưa hết thanh xuân đã cùng đường” là lũ “cô hồn nơi quan tái,” Phạm viết:
“…Sát khí đằng đằng rừng dựng tóc
Ma thiêng còn ngán lũ cô hồn
Cô hồn một lũ nơi quan tái
Có khi đã hóa thành thú muông
Cô hồn một lũ nơi đất trích
Vỗ đá mà ca ngông hát cuồng.” (Nđd)
Và, không thể đau lòng, nhưng cũng không thể con người hơn, khi lũ cô hồn nơi biên cương, đã có lúc:
“Chém cây cho đỡ thèm giết tróc
Ðỡ thèm môi mắt gái buôn hương.”
Bước qua phần thứ hai của “Biên Cương Hành” như một thứ “đàn tràng chiêu hồn tử sĩ” thời đại mới, Phạm Ngọc Lư vẫn thú nhận ông đã kinh hoàng, sợ hãi biết bao, qua cụm từ “ghê thay biên cương!”:
“Ðây biên cương, ghê thay biên cương!
Tử khí bốc lên dày như sương
Ðá chảy mồ hôi rừng ứa máu.” (Nđd)
Tuy thế, Phạm vẫn đến với “biên cương” trong tâm thái của một người muốn chia sớt phần nào những bất hạnh tận cùng của đám “cô hồn” sớm “hóa thành muông thú”:
“Rừng núi ơi ta đến chia buồn”
Nhưng rồi, lập tức Phạm nhận ra, cách gì , ông cũng chỉ là “con thú bị thương”; cô đơn trước sơn cùng thủy tận, tự hỏi liệu có còn ai “tiếc máu xương”:
“Buồn quá giả làm con vượn hú
Nào ngờ ta con thú bị thương
Chiều hôm bắc tay làm loa gọi
Gọi ai nơi viễn xứ tha phương?
Gọi ai giữa sơn cùng thủy tận?
Ai người thiên cổ tiếc máu xương? (Nđd)
Và, Phạm cũng không thể chân thành, thẳng thắn hơn, khi nghĩ tới một nửa kia của đời mình:
“Em đâu, quê nhà chong mắt đợi
Hồn theo mây trắng ra biên cương
Thôi em, yêu chi ta thêm tội
Vô duyên xui rơi lược vỡ gương
Ngày về không hẹn ngày hôn lễ
Hoặc ngày ta nhắm mắt tay buông
Thôi em, chớ liều thân cô phụ
Chiến trường nay lắm nỗi đoạn trường
Nơi nơi lạnh trăm dòng sông Dịch
Kinh Kha đời nay cả vạn muôn
Há một mình ta xuôi biên tái
“Nhất khứ bất phục phản” là thường!
(Trong 66 câu thơ làm thành một thứ “đàn tràng chiêu hồn tử sĩ” thời đại mới thì, 4 câu thơ sau cùng của phân đoạn này, tác giả mượn điển tích Kinh Kha sang Tần. Theo tôi, điển tích Kinh Kha sang Tần vốn đã được phổ cập hóa trong dân gian, nên không vì thế mà mạch chảy của bài thơ bị giảm, chậm?)
Vẫn thành khẩn, không phóng tâm thoát khỏi đời thường, không tự thấy mình lớn lao, ghê gớm hơn người, Phạm viết tiếp, như trăng trối cuối cùng không chỉ cho riêng người người yêu của ông mà, cho tất cả những người phụ nữ sớm biến thành “đá vọng phu”; hay “chưa hết thanh xuân đã cùng đường”:
“Thôi em, còn chi ta mà đợi
Ngày về: thân cạn máu khô xương
Ngày về: hôn lễ hay tang lễ
Hề chi! buổi chinh chiến tang thương
Hề chi! kiếp cây rừng đá núi
Nghìn năm hồn quanh quẩn biên cương. (Nđd). (2)
———————————
Chú thích:
(2) Ðể hiển lộ phong vị “Hành,” hầu như những bài thơ viết theo thể loại này, thường không thiếu chữ “Hề.” Chữ này đôi khi cũng xuất hiện trong những bài thơ không cùng thể loại! Theo “Ðại Từ điển Việt Nam” do Nguyễn Như Ý chủ biên, nhà xuất bản Văn Hóa-Thông Tin, Hà Nội, ấn hành năm 1998 thì: “Hề là từ dùng làm tiếng đệm để ngắt câu trong các bài từ của văn học cổ…”
Trước khi chấm dứt bài thơ của mình, Phạm Ngọc Lư hai lần dùng chữ “hề.” Nhưng là “hề chi.” Theo tôi, chúng không phải là chữ đệm mà, “hề chi” có nghĩa: Có gì ghê khiếp lắm đâu! Cũng thường thôi!… Nhưng cũng chính vì thế mà, tính bi kịch được nhân lên nhiều bậc…
………………………………………………………………………………………………………………….
Kiếp nạn chiến tranh của Việt tộc qua thơ Phạm Ngọc Lư – Kỳ 4
Nguồn:nguoiviet.com-July 8, 2016
Từ trái, Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc và nhà thơ Phạm Ngọc Lư, Đà Nẵng 2012. (Hình: Đỗ Hồng Ngọc)
Du Tử Lê
(Tiếp theo kỳ trước)
Tôi vẫn nghĩ, một tác phẩm văn chương, hay một bài thơ chỉ có thể thoát khỏi định luật lãng quên cay nghiệt, để trụ lại được với thời gian, khi tác phẩm đó phản ảnh được ít / nhiều tâm cảnh một thời đại – dù cho cách nói có khác nhau, ở bất cứ lãnh vực nào: Tình cảm, xã hội, chính trị, buồn / vui đời thường… Tôi muốn nhấn mạnh rằng: Tự thân sáng tác nọ phải thấm, nhập được hồn vía (nét đặc thù) thời đại đó.
Như lịch sử văn học nghệ thuật (VHNT), giai đoạn Tiền chiến là giai đoạn VHNT của chúng ta, một mặt ào ạt, hưng phấn tiếp thu ảnh của VHNT Tây phương; cùng lúc giới văn nghệ sĩ của chúng ta thời đó, cũng ề chề, nhục nhã trước thực trạng cả đất nước bị đô hộ, thống trị, phân chia bởi thực dân Pháp!… Vì thế, rất nhiều sáng tác của VHNT ta ở giai đoạn đó, đã phản ảnh tâm-thái riêng của thời đại, qua một số sáng tác, còn lưu truyền tới hôm nay. Đơn cử như bài thơ “Nhớ rừng” của Thế Lữ, ghi lại tâm cảnh nô lệ của một dân tộc bị ngoại xâm:
“…Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối,
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn,
Ta lặng ngắm giang san ta đổi mới?
Đâu những bình minh cây xanh nắng gội,
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng.
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt,
Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?
-Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?” (Nđd)
Hoặc bài “Anh hùng vô danh”:
“…Họ là kẻ khi quê hương chuyển động
Dưới gót giày của những kẻ xâm lăng
Đã xông vào khói lửa quyết liều thân
Để bảo vệ Tự Do cho Tổ Quốc” (Nđd) (3)
Đó là tinh thần, tấm lòng yêu nước của người dân trong giai đoạn đất nước bị đô hộ!
Cùng thời điểm, ở mặt khác, mặt tiêu cực, chúng ta cũng có những sáng tác đáp ứng nhu cầu tinh thần sâu kín của giới thưởng ngoạn. Mẫu số chung của của khuynh hướng tiêu cực này là tinh thần chán chường, bất lực trước thực trạng bi đát của tổ quốc. (Nên) Thi ca cũng như âm nhạc chọn con đường ném mình vào trào lưu tiêu cực, lãng mãn… Tựa phản ứng “giận lẫy,” “dỗi hờn” của những tâm hồn yếu đuối, bất lực trước thực trạng…
Ở khuynh hướng chạy trốn sự thật này, về thi ca, nhiều người nhớ tới bài thơ “Phương xa”của Vũ Hoàng Chương:
“Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa
Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh
(…)
“Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ
Một đôi người u uất nỗi chơ vơ
Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị
Thuyền ơi thuyền xin ghé bến hoang sơ.” (Nđd)
Lãnh vực âm nhạc cũng vậy, đến nay, một số ca khúc vẫn còn được chỗ đứng đáng kể trong tâm hồn người thưởng ngoạn. Đó là những ca khúc phản ảnh được tâm cảnh của một giai đoạn “tuyệt vọng,” lạc lõng.
Ở khuynh hướng chán nản, buông trôi này thì bài thơ “Mưa… mưa mãi” của Lưu Trọng Lư là một trong khá nhiều thí dụ:
“…Mưa chi mưa mãi!
Lòng nhớ nhung hoài!
Nào biết nhớ nhung ai!
“Mưa chi mưa mãi
Buồn hết nửa đời xuân!
Mộng vàng không kịp hái…” (Nđd)
Tác giả “Lửa thiêng” Huy Cận cũng lạc lõng, bơ vơ,… quay qua đặt câu hỏi (đổ lỗi) cho thượng đế khi tạo sinh con người:
“…Nếu Chúa biết bao nhiêu hồn ly tán,
Vì đã nâng bình lửa ấp lên môi.
Thì hẳn Chúa cũng thẹn thùng hối hận,
Đã sinh ra thân thể của con người.”
(Trích “Thân thể” Nđd.)
Ở lãnh vực âm nhạc, chúng ta cũng có một “Trương Chi” của Văn Cao:
“…Ngồi đây ta gõ ván thuyền,
Ta ca trái đất còn riêng ta.
Đàn đêm thâu
Trách ai khinh nghèo quên nhau,
Đôi lứa bên giang đầu.
Người ra đi với cuộc phân ly…
Đâu bóng thuyền Trương Chi.” (Nđd)
Để khuây nguôi, Phạm Duy Nhượng cũng tự ném mình vào chuyện tình cực kỳ lãng mạn Trác Văn Quân và Tư Mã Tương Như, qua ca khúc “Tà áo Văn Quân”:
“Tư Mã chàng ơi, dừng đàn bên Văn Quân
Nâng phím hào hoa, kề làn môi giai nhân
Dựng nhà bên suối, cung đàn ấp má đào
Mộng chưa tàn khúc, Phượng Cầu lưu luyến nhau
Phượng ôi! đàn vắng
Tìm chim Hoàng nơi nào?” (Nđd) (4)
Hai bài “hành” thời tiền chiến của Thâm Tâm và Nguyễn Bính cũng có một mẫu số chung; đó là khẩu khí của những người kẻ ôm mộng lớn, sinh bất phùng thời. Chúng như những hớp rượu hào khí ngất trời, vốn tiềm ẩn trong mơ ước, khát khao vô thức muốn trở thành anh hùng cứu quốc của nhiều người!?! Phản ảnh tâm lý chung của thanh niên thời tổ quốc khốn cùng…(5)
Trong khi bài “Biên cương hành” của Phạm Ngọc Lư cũng phần nào phản ảnh tâm lý chung của thanh niên miền Nam ở thời điểm cuối 1960, đầu thập niên 1970. (6)
Nếu hai bài hành của Thâm Tâm và Nguyễn Bính như những chén rượu có độ-cồn-hào-khí ngất trời (dẫu buồn bã) thì, “Biên cương hành” của Phạm Ngọc Lư lại như chén rượu lạt hay, bát nước vối của một dân dã, không hề có tham vọng chọc trời khuấy nước – Mà, chỉ như một kẻ lớn lên trong chiến tranh, vì quá yêu đời nên sinh lòng thất vọng vì đời!!!
Với tôi, đó là hai mặt của một đồng tiền tâm cảnh. Phản ảnh hai thời kỳ lịch sử của đất nước. Và, tùy tâm-thái mỗi cá nhân đã (hay sẽ) tiếp nhận ba bài “hành” đặc biệt này, theo cách nào đấy!!
(Còn tiếp một kỳ)
Chú thích:
(3) Theo tất cả sách giáo khoa XB trước năm 1975, ở Sài Gòn, thì tác giả bài thơ “Anh hùng vô danh” được ghi chú là “Vô Danh.” Nhưng sau 1975, trong thi phẩm Thơ Đằng Phương, xuất bản tại hải ngoại, bài thơ lại được ghi là của Đằng Phương (bút hiệu của cố giáo sư Nguyễn Ngọc Huy).
(4) Bách Khoa Toàn Thơ Mở cho biết, Tư Mã Tương Như tự Tràng Khanh (179 TCN-117 TCN), người ở Thành Đô đời nhà Hán; đa tài, văn hay, đàn giỏi… Lìa quê lên Trường An để lập công danh, ông mua được một chức quan nhỏ, làm quan ít lâu, cáo bịnh, qua chơi nước Lương, rồi trở về nước Thục. Đến đâu, Tương Như cũng dùng bút mực và cây đàn để giao thiệp bằng hữu. Khi đến đất Lâm Cùng, Tương Như được Vương Cát, quan lệnh ở huyện, mời cùng đi dự tiệc ở nhà Trác Vương Tôn, vốn là viên ngoại trong huyện. Nghe tiếng Tương Như đàn hay nên quan huyện cùng Trác Vương Tôn yêu cầu đánh cho nghe một bài. Họ Trác vốn có một người con gái rất đẹp tên Văn Quân, mới 17 tuổi mà đã góa chồng, lại thích nghe đàn. Tương Như được biết, nên vừa gảy đàn vừa hát khúc “Phượng cầu hoàng.” Dịch nghĩa:
“Chim phượng, chim phượng về cố hương / Ngao du bốn bể tìm chim hoàng / Thời chưa gặp chừ, luống lỡ làng / Hôm nay bước đến chốn thênh thang / Có cô gái đẹp ở đài trang / Nhà gần người xa não tâm tràng / Ước gì giao kết đôi uyên ương / Bay liệng cùng nhau thỏa mọi đường.”
Trác Văn Quân nghe được tiếng đàn, đương đêm bỏ nhà đi theo Tương Như. Trác ông tức giận, quyết định từ con. Đôi trai gái mở một quán nấu rượu. Vợ chồng cùng cặm cụi làm ăn. Sau Hán Vũ Đế đọc bài “Tử Hư Phú” của Tương Như, khen tài, vời vào triều, ban chức tước. Lại sai chàng cầm cờ tiết, thay nhà vua về Ba Thục chiêu an bọn phụ lão tùng phục nhà Hán. Tương Như áo gấm vinh quy được người đón rước long trọng. Nhưng làm quan ít lâu, ông lại chán, cáo bịnh lui về quê. (Nđd)
(5) Mặc dù 10 người đọc “Hành phương Nam” thì hết 9 người không biết Nhiếp Chính là ai? Cũng không mấy ai nhớ tên “…kẻ dâng vàng, kẻ biếu tay” trong truyện tích Kinh Kha sang Tần…
(6) Về phương diện Tu từ học (Rheroric), có người chỉ ra rằng nhân xưng đại danh tự “em,” ngôi thứ hai trong những câu thơ cuối của “Biên cương hành” của Phạm Ngọc Lư, không thích hợp với phong vị, ngữ cảnh của loại thơ khẩu khí này. Ngôi thứ hai, ứng hợp nhất là “ngươi” hoặc “người” – Cũng có thể đổi thành “bay,” “bọn bay”hay “bạn” nếu muốn gần với cách nói đương đại. Nhưng không thể là “em” hoặc “nàng” (?)
……………………………………………………………………………………………………………………….
Vũ Khanh, tiếng hát của tình yêu và niềm tin
Nguồn: Cát Linh, phóng viên RFA- 2016-07-10
Ca sĩ Vũ Khanh trong một chương trình ca nhạc.
Một người ca sĩ có tiếng nói trầm ấm, làn hơi mạnh mang đậm màu sắc và tình cảm của người Hà Nội đã không hề bị phai nhạt đi cho dù đã hơn 40 năm xa quê.
Đó là tiếng hát Vũ Khanh.
Từ một duyên may…
“Tôi xa Hà Nội năm lên 18 khi vừa biết yêu…” (Nỗi lòng người đi)
Vũ Khanh là con út trong một gia đình có 11 người anh em và là người duy nhất theo nghiệp đàn ca. Anh nói vui rằng chưa có ông thầy tướng số nào ‘chấm’ cho anh cái mệnh ca sĩ trong lá số tử vi, mà tất cả là:
“Tất cả chỉ là một cái duyên may mắn thôi chứ tôi không phải là một con gà nòi, không phải như là Ý Lan, bố mẹ là nghệ sĩ rồi mình bước vào sự nghiệp ca hát ca tự nhiên như vậy. Tất cả là tình cờ thôi. Hồi đó tại Mỹ này thì anh em nghệ sĩ chưa nhiều, mình chỉ là một nhóm anh em sinh viên đi học rồi ngao nghêu những buổi văn nghệ bỏ túi. Quay qua quay lại ở bên này đã 40 năm rồi, và tôi đóng góp cũng trên 30 năm trong lĩnh vực ca nhạc này.”
“Bản nhạc đầu tiên mà tôi bước lên sân khấu là bản nhạc Cô hàng nước của anh Vũ Huyến.”
Bản nhạc đầu tiên mà tôi bước lên sân khấu là bản nhạc Cô hàng nước của anh Vũ Huyến.
– Ca sĩ Vũ Khanh
“Anh còn còn có mỗi mỗi cây đàn
Anh đem là đem anh bán nốt
Anh theo, theo cô hàng, hàng chè xanh
Tình tính tang, tang tính tình
Cô hàng rằng, cô hàng ơi
Rằng có nhớ, nhớ hay chăng…” (Cô hàng nước)
Với ca khúc Cô hàng nước, chàng thanh niên Vũ Công Khanh đã chinh phục hơn 5000 khán giả của đêm đại nhạc hội ở San Diego năm đó, năm 1978. Và cũng chính Cô hàng nước là nốt nhạc đầu tiên mở đầu cho bản tình ca hơn 30 năm về cuộc đời nghệ sĩ của Vũ Khanh.
Để rồi từ đó, anh chính thức bước vào trái tim của khán giả khắp nơi với hình ảnh lãng tử rất riêng của mình và giọng hát trầm ấm thấm sâu vào lòng người.
Khi kể lại kỷ niệm của đêm khởi đầu ấy, Vũ Khanh không nghĩ rằng chỉ “từ việc cầm đàn, hát những bản nhạc như một thói quen, rồi đón nhận những lời khen. Từ những lời khen đó, mình bắt đầu gia nhập vào những sinh hoạt văn nghệ, rồi trở thành ca sĩ của hải ngoại từ lúc nào tôi cũng không biết nữa.”
“Hôm xưa tôi đến nhà em
Ra về mới nhớ rằng quên, quên cây đàn…” (Cây đàn bỏ quên)
Theo như lời kể lại, ca khúc Cây đàn bỏ quên chính là nấc thang đưa tiếng hát Vũ Khanh tới ngôi vị cao của nền âm nhạc Việt Nam hải ngoại.
Rất nhiều nhạc sĩ nổi tiếng chỉ sau một lần nghe tiếng hát của Vũ Khanh đã gửi gắm cho anh niềm tin đối với những tác phẩm đầu tiên của mình. Đó là những nhạc phẩm chưa được giới thiệu với người nghe. Người nhạc sĩ lúc ấy vẫn tìm cho mình một tiếng hát để chuyển tải hết tất cả những điều họ muốn nói bằng lời ca, bằng âm nhạc. Ca khúc “Lời tiền thân của cát” của cố nhạc sĩ họ Trầm, Trầm Tử Thiêng, là một trong những bản nhạc được viết ra để chờ một ngày, ông gặp được Vũ Khanh.
Anh ngồi mãi đó, một chấm nhân sinh
Có hay không có trong cõi vô tình
Anh ngồi mãi đó, Anh ngồi mãi đó, một chấm nhân sinh!
Anh lại trở về bên bờ sông đó
Còn nỗi thương quê mất tròn tuổi nhỏ
Có phải mưa nguồn xóa phăng bờ cát.
Cơn lũ nào tuôn, triền dâu xơ xác.
Tuôn về biển mẹ sâu rộng muôn trùng.
Sông thì nhỏ bé, máu góp sao cùng.
Sông thì nhỏ bé, máu góp sao cùng… (Lời tiền thân của cat)
Có lẽ khi Trầm Tử Thiêng chọn Vũ Khanh để thực hiện ca khúc này, ông đã biết rằng tiếng hát trầm và rõ trong từng âm vực, sắc nét trong những nốt cao lẫn thấp của người ca sĩ này sẽ cùng ông nói lên một triết lý nhân sinh, nhỏ như dấu chấm trong cõi vô tình.
Ca sĩ Vũ Khanh với giọng hát trầm ấm thấm sâu vào lòng người.
“Nó khởi nguồn từ khi tôi gặp anh Trầm Tử Thiêng, ngồi chung máy bay khi đi qua trại Parawang ở Philippines để thăm các đồng bào tỵ nạn bên đó. Khi gặp anh, qua ca khúc ‘Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng’, anh rất quí tôi, anh bảo rằng kỳ này về anh sẽ đưa cho em một số tác phẩm của anh. Khi tôi thực hiện thì anh lại ra đi, người tác giả không ở bên cạnh mình để nói cho mình biết hết tất cả chi tiết của bản nhạc đó. Thế là mình chỉ hát qua những cảm xúc của những âm thanh, melody thôi.”
Chính vì điều này mà sau khi đưa ca khúc “Lời tiền thân của cát” đến với khán thính giả, mặc dù rất nhiều người cho rằng ca khúc này như mặc định dành cho tiếng hát Vũ Khanh, nhưng anh chưa bao giờ hài lòng với lần thu âm ca khúc đó và cả những lần mình trình diễn.
“Có nhiều người khen tôi hát bản đó nhưng thú thật tôi cảm thấy thẹn thùng lắm. Thứ nhất là khó hát. Điểm thứ hai nữa là mình chưa đủ để chuyển tải. Mỗi lần tôi nghe thấy bản đó tôi ấy náy lắm. Nếu có dịp tôi sẽ thâu lại cho thật trọn vẹn hơn. Tôi chưa cho tôi được điểm tốt về bản nhạc đó. Mình cần phải hát hay hơn nữa. 10 phần thì tôi chỉ mới có chuyển tải được mới có 6 thôi. Tôi tiếc là không có anh ấy ở bên cạnh.”
Tiếng hát từ tình yêu
Mỗi một người nghệ sĩ thường hay chọn một dòng nhạc của một nhạc sĩ phù hợp với phong cách và giọng hát của mình. Vũ Khanh tự nhận mình không có cái may mắn ấy.
“Mỗi một ca sĩ đàn anh đàn chị bước lên thì thường có một nhạc sĩ sau lưng. Nhưng khi mình qua bên này, mình không có được may mắn đó, mình tự chọn bản nhạc. Ví dụ như tôi hát nhạc của Trịnh Công Sơn thì làm sao bằng Khánh Ly được nhưng có một bản nhạc mà tôi rất yêu, và có lẽ tôi tự chấm cho tôi, tôi tự khen tôi là tôi chuyển tải đầy đủ, đó là bài ‘Sóng về đâu’ của Trịnh Công Sơn.”
“Biển sóng biển sóng đừng xô tôi
Đừng xô tôi ngã dưới chân người
Biển sóng biển sóng đừng xô nhau
Ta xô biển lại sóng về đâu…”(Sóng về đâu)
Hơn 30 năm đi hát, là hơn 30 năm Vũ Khanh gắn liền với những tình khúc bất tử của nhiều nhạc sĩ. Anh là người thể hiện rất thành công các ca khúc nổi tiếng của nhiều người như Trầm Tử Thiêng, Phạm Duy, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Song Ngọc…
Người ta có thể nghe một Vũ Khanh “rất Hà Nội” với Hà Nội ngày tháng cũ của Song Ngọc thì cũng có thể nhìn thấy một Vũ Khanh rất hào hoa, lãng mạn với Áo lụa Hà Đông.
“Tôi thích những bản nhạc thơ mộng hơn. Một bản nhạc như ‘Ta đưa em vào cõi chết’ và một bản là ‘Áo lụa Hà Đông’ sẽ khác nhau nhiều lắm. Nếu có chọn lựa thì tôi sẽ chọn Áo lụa Hà Đông vì nó thơ mộng, nó lãng mạn. Những hình ảnh nó tác dụng đến đời sống của mình.”
Nếu có người đã từng ví von rằng “nửa đêm nghe Sỹ Phú hát như đắp chăn bông vào người” thì tiếng hát của Vũ Khanh làm cho người ta cảm thấy như từng nốt nhạc đang chạy thẳng vào huyết mạch của họ, như họ đang được kể cho nghe một câu chuyện vừa mới ngày hôm qua, trên trần thế, nơi phố núi đầy sương.
“Phố núi cao phố núi đầy sương.
Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn.
Anh khách lạ đi lên đi xuống.
May mà có em đời còn dễ thương.
Em Pleiku má đỏ môi hồng đây buổi chiều quanh năm mùa đông.
Nên tóc em ướt và mắt em ướt…” (Còn chút gì để nhớ)
Rồi cũng có những khi, tiếng hát trầm ấm của Vũ Khanh như chia sẻ cùng người nghe những hương vị đắng, cay, ngọt, mặn, khi cao vút, khi thủ thỉ nhẹ nhàng sâu tận trong tim.
“Khi em về chừng như sang đông
Trời tháng năm mà nghe lành lạnh
Khi em về ngồi nghe biển hát
Chiều qua nhanh như em xa anh…” (Tiễn đưa)
Và niềm tin, độ lượng
Khi Vũ Khanh hát một ca khúc, người nghe có thể cảm nhận như anh đang ôm trọn cả bản nhạc ấy vào trong từng câu từng chữ. Lúc đó, mỗi một nốt nhạc anh hát lên, tình tứ, nhẹ nhàng, có cả vị tha và độ lượng.
“Ta cho em tất cả. Hỡi nụ hôn tình đầu!
Có một bản nhạc mà tôi rất yêu, và có lẽ tôi tự chấm cho tôi, tôi tự khen tôi là tôi chuyển tải đầy đủ, đó là bài ‘Sóng về đâu’ của Trịnh Công Sơn.
– Ca sĩ Vũ Khanh
Bây giờ tình tan vỡ, ta còn lại thương đau
Ta yêu em lầm lỡ. Ôm vòng tay dại khờ.
Em là loài hoang thú. Ta vất vả tinh khôn.
Loài cổ hoang (ngu si) mắt mờ.
Bạc vàng phấn son mơ.
Nơi mộ hoang lạc thú. Em bướm hồng lửng lơ
Ôi! Chông gai đầy lối. Cất bước đi về đâu
Một lần ta lầm lỡ, Trăm đường còn sầu đau!” (Ta yêu em lầm lỡ)
Ta yêu em lầm lỡ là một ca khúc của cố nhạc sĩ Phạm Duy. Ai đã từng nghe Vũ Khanh thể hiện ca khúc này chắc chắn sẽ giật mình ngoảnh lại vì “bản nhạc này tôi hát cách đây cũng khoảng 25 năm rồi.”
Tất cả những tác phẩm của người nghệ sĩ khi được tạo ra từ trái tim thì chắc chắn sẽ đi đến hàng triệu trái tim khác. Vũ Khanh hát bằng chính những thăng trầm của cuộc đời mình, cộng với niềm tin tôn giáo mà anh có được đã góp phần làm cho tiếng hát của anh độ lượng càng thêm độ lượng.
“Chuyện người đàn bà 2000 năm trước
Áo rách tả tơi, xác thân mệt nhoài.
Chuyện người đàn bà nơi thành cổ đó
Dấu tích hành thân.
Vì đâu? Vì đâu? Vì đâu,
Nên tội tình mang nhục hình.
Vì yêu, tội yêu, tội tình yêu…” (Chuyện người đàn bà 2000 năm trước)
“Tôi hiểu về kinh thánh, và tôi biết được câu chuyện kinh điển về người đàn bà bị phạm tội và bị ném đá.
Bản nhạc này được thể hiện cái kinh điển của kinh thánh, vừa nói được cuộc đời vừa nói trong lĩnh vực về tâm linh nữa. Hai mặt của cuộc đời, nên nó có một ý nghĩa đối với tôi. Nếu kết tội một người khác thì mình nhìn mình xem mình có tội hay không. Mình chưa phạm tội thì đó là một cái may mắn của mình. Biết đâu ngày hôm nay mình phạm tội thì sao. Tôi bám vào triết lý sống đó mà tôi răn dạy tôi.”
Vũ Khanh đến với âm nhạc với tình yêu trân trọng như niềm tin anh dành cho Đức Chúa trời của mình. Chính vì thế mà những ca khúc nói về triết lý nhân sinh hay những tình yêu có màu sắc của thánh đường được anh diễn tả rất trọn vẹn và sâu lắng.
“Ngày xưa áo nhuộm hoàng hôn
Áo nhuộm hoàng hôn
Áo nhuộm hoàng hôn
Bóng ai cắp rổ cắp rổ lên cồn
Lên cồn hái dâu hái dâu…” (Gọi em là đoá hoa sầu)
“Gọi em là đoá hoa sầu là cảm xúc của một tu sĩ khi ông gục đầu trên bàn và ông ấy mơ. Mơ về những hình ảnh đẹp.”
Không phải là tu sĩ, không phải là người rao giảng kinh thánh, cũng không phải người sinh ra trong gia đình nghệ thuật, nhưng bằng tình yêu và niềm tin của mình, tiếng hát trầm ấm như ru hồn người của người đàn ông lãng tử đã mang đến cho cuộc đời những khúc tình ca đẹp và trong như ngôi giáo đường. Tuổi trẻ rồi sẽ qua. Người rồi sẽ xa. Tác phẩm và tiếng hát sẽ còn mãi. Những gì Vũ Khanh muốn gửi lại cho một “chấm nhân sinh” trong cuộc đời này là sự bình lặng và sự cân bằng trong một kiếp.
“Anh ngồi mãi đó, một chấm nhân sinh
Có hay không có trong cõi vô tình
Xin làm hạt cát quay bến sông này.
Xin làm kiếp khác thay kiếp bèo mây…”
…………………………………………………………………………………………..