1.Hồi ký Sài Gòn ngày dài nhất của Duyên Anh-Chương 4-(tiếp theo)-2.Kỳ cuối-

HỒI KÝ SÀI GÒN NGÀY DÀI NHẤT CỦA DUYÊN ANH – Chương 4(tiếp theo)

Nguồn:daihocsupham.com (Hình: Bến Bạch Đằng Sài Gòn-NN sưu tầm)

Bên Bach Ðang -Saigon

Người ta còn bắt nhà văn dấn thân, nhà văn tranh đấu cho đủ thứ quyền của con người, nhưng, mỉa mai thay, cái quyền lợi thiết thực của nhà văn là tác phẩm mồ hôi, tim óc của họ bị đạo tặc công khai tước đoạt, không ai tranh đấu cho nhà văn cả Tôi đã thấy chính xác nhà văn tạo hào quang rực rỡ cho anh hùng, liệt sĩ, thần thánh. Nhân loại đã thờ phụng hình chúa Giêsu vẽ theo trí tưởng tượng của Michel Ange mà không thờ Michel Ange. Những bức tượng, những tranh vẽ trong giáo đường của Léonard de Vinci, của Raphael về Đức Mẹ, về thiên thần đều được kính cẩn thờ phụng cả đấy. Ai đã nói cho nhân loại biết tài năng của Michel Ange, Léonard de Vinci, Raphael? Nhà văn. Nhà văn viết về Thượng Đế. Nhà văn làm ra Thượng Đế. Thượng Đế không làm ra nhà văn. Gần gũi chúng ta nhất, người Tầu và cả người Việt Nam đều đèn nhang, trầm hương xì xụp vái lạy ba anh Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi mà quên nhà văn La Quán Trung đã phong thánh cho ba anh rất lơ mơ trong lịch sử Trung Hoa. Tài năng của nhà văn La Quán Trung đã biến nhân vật tiểu thuyết thành thánh. Không ai thờ La Quán Trung cả. Người ta hằng luận về hào khí Võ Tòng, Lâm Xung mà quên Thị Nại Am; ngợi ca Kiều Phong, Lệnh Hồ Xung, Dương Quá, Quách Tĩnh mà quên Kim Dung. Vân vân… ở thời đại của tôi và ở đất nước tôi, nhà văn, nhà thơ, nhà nhạc đã phong thánh cho Hồ Chí Minh. Khi đất sét được nặn hóa thánh, thánh tưởng mình thiêng đã bỏ tù những kẻ phong thánh cho mình. Nhân Văn giai phẩm là thí dụ điển hình. Nguyễn Bính có câu thơ mà tôi rất thích: Thế nhân mắt trắng như ngân nhũ. Cái đám thế nhân mắt trắng có thánh để thờ, có thần tượng để chiêm ngưỡng, có lãnh tụ để suy tôn, có ước mơ để mơ ước, đã không đem gạo nuôi nhà văn, đã không biết ơn nhà văn, lại còn ong óng lời chó dại, lại còn phun phì nọc rắn rết lên án nhà văn, thống trách nhà văn. Vậy thì nhà văn, anh đã sáng suốt nhận ra anh chưa? (Tôi đã nhận ra tôi. Và tôi cho rằng tôi chỉ có trách nhiệm với những thống khổ tôi đã kinh qua, đã thể nghiệm. Tôi không được phép phản bội những oan khiên, những cay đắng, những cô đơn đã soi sáng cuộc đời tôi. Và tôi hiểu rằng nhà văn có quyền phép ghê gớm. Nhà văn đưa thằng bán chiếu Lưu Bị lên ngôi anh hùng và bắt kẻ anh hùng Tào Tháo làm đứa gian hùng. Thế nhân mắt trắng, cái đám ưa hạch sách nhà văn, vấn nạn nhà văn, thị phi nhà văn, chụp mũ nhà văn, sống nghìn đời vẫn không đủ tư cách và khả năng hủy diệt nổi tác phẩm của nhà văn. Nhưng, nhà văn chỉ cần cuốn sách mỏng, viết bằng chân trái, cũng đủ nhốt cái đám gian dối lương tâm vào ngục tù muôn thuở. Đừng có đùa với văn chương Và đừng có rỡn mặt nhà văn. Chưa quán triệt sức mạnh của văn nghệ, học đòi làm lãnh tụ, học đòi mưu đồ quốc sự, đã không biết kính trọng nhà văn còn xúi dục tiểu yêu bôi bẩn nhà văn, quả là bọn cắn hạt gạo chưa vỡ đôi Người ta chỉ đố kỵ niềm vinh quang của nhà văn mà không chịu cảm thông nỗi nhục nhằn nhà văn phải kiên nhẫn chịu đựng, chịu đựng không ngừng. Và nhà văn làm việc cho ai, tác phẩm của nhà văn để lại cho ai, người ta cứ giả vờ không thèm biết. Rồi mỗi năm bao nhiêu tiến sĩ tốt nghiệp và bao nhiêu năm mới nẩy sinh một danh sĩ, người ta cũng cứ giả vờ không biết. Và nhà văn chờ đợi cái chết vì tác phẩm của mình thì không ai biết. Nhưng cần gì ai biết mình sống ra sao, viết trong những hoàn cảnh nào, nhà văn, có vẻ như kiêu ngạo để không lý tới cái hôm nay. Mà đúng thế, nhà văn đã không lý tới cái hôm nay, cũng chẳng thèm lý tới những phán xét ngu xuẩn của thời nay. Trên sầu đạo và ngược dòng nghịch lũ oan khiên, nhà văn mang tâm sự của con gọng vó, âm thầm bước, âm thầm lội. Và âm thầm đợi chết. Như tôi. Không ai chia xẻ với tôi nỗi sợ hãi cả. Ngày nào đó “thoát chết, bung ra”, tôi viết những trang sách ghi lại cảm giác rụng rời của tưởng tượng nỗi chết, cách chết, kiểu chết tính bằng co rút của tế bào, tính bằng héo khô của mạch máu, tính bằng rời rạc của nhịp tim, chắc chắn, tôi vẫn được chiếu cố tận tình bởi soi mói của cú vọ, bởi phẩm bình của quạ diều. Có phải đó là sự trả nghiệp, theo nhà Phật?
***
Đặng Xuân Côn chở vợ con lên. Tôi cũng tính xong sổ đời. Thấy chẳng để lại vết tích nào dơ bẩn trên 200 số báo Tuổi Ngọc và suốt 1 5 năm viết văn, làm báo, tôi cam đành đợi chết. Nói cam đành vì tôi thèm sống, sợ chết. Để cực tả, phải viết: Tôi thèm sống vô cùng. Lúc này tôi mới cảm Tư Mã Thiên và phục Tư Mã Thiên. Than ôi, Tư Mã Thiên chịu nhục hình, cố bám lấy cái sống hèn chỉ vì chưa lo xong Sử ký. “Ta hồ văn chương chi sự thốn tâm thiên cổ Nếu Tư Mã Thiên không chấp nhận hình phạt thiến, không vượt lên sự khinh bỉ của thể nhân mắt trắng, không cô đơn những ngày tháng còn lại, sẽ muôn đời không có Sử ký của Tư Mã Thiên. Kẻ làm việc cho muôn đời chấp nê chi cái lẽ sống hèn, sống hùng. Những đứa chê bai Tư Mã Thiên đều đã chết như cây cỏ. Chúng nó sống hùng lắm, sống hùng miệng lưỡi mà chẳng có gì để lại: Chúng nó chê Tư Mã Thiên sống hèn, sống nhục nhã tội bị thiến, không dám chết giữa pháp trường, nhưng nhờ biết sống hèn, sống nhục, Tư Mã Thiên có Sử ký. Tư Mã Thiên được phục sinh bằng Sử ký. Và bằng Sử ký, Tư Mã Thiên bất tử.
Ông đau vết hoạn lưỡi dao hèn
Từ đó, cung giương một mũi tên
Theo hồn tài tử. tên bay vút
Ngạo nghễ hành tinh Tư Mã Thiên
Những đứa chê ông chết cả rồi
Nhưng ông sống mãi như mây trôi
Hai nghìn năm ngỡ chùng gang tấc
Mảnh đất oan này lại có tôi…
Sử ký và Tư Mã Thiên đã đủ soi sáng thân phận nhà văn và tác phẩm hoàn thành bất chấp nghịch cảnh, bất chấp mọi hoàn cảnh, bất chấp cung cách sống, bất chấp cảnh ngộ sống chưa? Có lẽ, với ngự sử vô học, với “sa đích phê bình văn nghệ rẻ tiền”, cần được giáo dục thêm nữa. Tôi không thừa thì giờ nói với hai hạng người vừa kể. Tôi tâm sự với nhà văn. Nhà văn có sức mạnh tuyệt luân. Nhà văn là con người như mọi con người. Y cũng phải chết thôi. Có thểà, y sẽ bị chết theo cung cách Gandhi đã bị chết. Nhưng tác phẩm của y không bao giờ chết. Y có thể chịu hình phạt nhục, chịu phán xét ngu xuẩn như Tư Mã Thiên, như Gheorghiu. Chính sự chịu nhục sống hèn (hiểu theo nghĩa bần tiện của thế nhân mặt trắng) của nhà văn đã làm tác phẩm của y rực rỡ và tác phẩm của y phục sinh y sau cái chết. Nhà văn, có thể, chết thảm như Khái Hưng và Lan Khai. Cộng sản đã nhận chìm Khái Hưng, Lan Khai dưới nước mà không thể nhận chìm tác phẩm của tác giả Hồn bướm mơ tiên, Dọc đường gió bụi, của tác giả Cái hột mận, Lầm than… dưới nước. Cộng sản kiêu ngạo nhất loài người, đầy đủ quyền uy và biết chơi bạo lực mà vẫn ngậm ngùi sợ hãi văn chương – tư tưởng: “Cơ sở giai cấp của bọn phá hoại còn tồn tại lâu dài trong xã hội ta. Khi đã hết giai cấp, thù địch vẫn còn. Vì tư tưởng của giai cấp có sức sống dai hơn giai cấp tính ra nó”* . Nghĩ cũng tội nghiệp cho đám lãnh tụ ễnh ương của quyền uy ảo tưởng và đồ đệ cứ hăm hở đòi hủy diệt nhà văn và tư tưởng của nhà văn. Phải nói rõ rệt là nhà văn cố gắng soi sáng những mê muội của thời đại mình. Thời đại mê sảng, cố tình mê sảng thì người đời sau sẽ làm công việc thương người đời xưa. Nguyễn Du còn ngờ vực, 300 năm sau, có ai hiểu ta chăng, thì nhà văn xá chi những hạch hỏi vô lý, vô nghĩa, vô học, vô ơn của cóc nhái thời thượng. Song, cần thiết, nhà văn phải nhận ra mình, phải nhận ra sức mạnh tuyệt luân của mình và phải biết xử dụng, dám xử dụng sức mạnh đó để chế ngự bạo lực đến từ bất cứ phía nào, ở bất cứ nơi đâu, dẫu sự chế ngự có mang tới những cay đắng nghiệt ngã, những oan khiên ứa máu, những ngộ nhận nứt tim. Và cả nỗi chết. Và luôn sự thèm sống hèn đểà thoát chết. Tôi nghĩ rằng cái cứu cánh biện minh cho cung cách sống chết của nhà văn là tác phẩm y để lại cho đời sống. Trong bộ cassette tưởng mộ Victor Hugo, một vị viện sĩ của Viện Hàn Lâm Pháp quốc đã múa một tuyệt chiêu: “Nước Pháp không được phép nói tha thứ những bê bối trong cuộc đời của Victor Hugo mà phải có bổn phận chấp nhận những bê bối ấy. Vì sự nghiệp văn chương của Hugo đã làm rạng rỡ cho đất nước Pháp và dân tộc Pháp.”
Tôi không ở nước Pháp, không là nhà văn Pháp. Georges Simenon viết nhiều, viết khỏe, chẳng cần phải quan tâm văn chương, tư tưởng của Simenon, Jean-paul Sartre đã vinh tôn khả năng sáng tạo của Simenon. Tôi cũng viết nhiều, viết khỏe, thì chỉ nghe Sài gòn dè bỉu và đợi Hà Nội vào tàn sát. Và tôi thèm sống hèn. Để hy vọng có một Sử ký như Tư Mã Thiên.
***
10 giờ 30. Dương văn Minh tuyên bố đầu hàng. Đặng Xuân Côn mở radio thật lớn. Tôi lặng người trong giọng nói cơm nguội của Big Minh. Tôi mất miền Nam từ giây phút này.
– Tắt radio đi, Côn?
– Đểà nghe xem còn tin tức gì nữa.
– Hết rồi.
– Chưa.
-Tôi bảo hết rồi. Tắt đi?
Tôi nhìn Côn:
– Có thể ông thoát biển máu. Vợ con tôi cũng có thể thoát biển máu. Tôi thì khó thoát.
Côn an ủi tôi:
– Mày sẽ thoát.
Tôi lắc đầu:
– Khó lắm. Tôi biết tôi. Cộng sản biết tôi. Những kẻ muốn làm tốt đẹp cho xã hội miền Nam sẽ bị quăng xuống biển máu. Nếu ông thoát…
Côn chớp mắt:
– Tao hiểu tao sẽ phải làm gì cho mày.
– Cho vợ con tôi thôi.
-Mày muốn tao sẽ làm gì?
– Đưa vợ con tôi rời khỏi Việt Nam.
Im lặng. Hai chúng tôi nhìn nhau, nước mắt ứa ra. Trong phòng ngủ, hai người đàn bà và những đứa trẻ con khóc nức nở. Tôi biết, cả Sài gòn đang khóc….
NẾU CUỘN BĂNG NHỰA GHI LỆNH ĐẦU HÀNG CỦA DƯƠNG VĂN MINH THẤT LẠC
Mỗi biến cổ lịch sử xảy ra thường kèm theo những chuyện ngoài lề. Và những chuyện ngoài lề được truyền kể, được thêu dệt thành huyền thoại. Một trong những chuyện ngoài lề dưới đây không phải là huyền thoại. Mà là chuyện ở quán cà-phê vỉa hè sau ngày 30-4-1975. Người ta thuật cho nhau nghe, người ta luận bàn và người ta không thèm quan tâm đến cái vô lý của câu chuyện.
***
10 giờ, Phủ tổng thống gọi cho Đài phát thanh sài gòn, yêu cầu gửi gấp sang một chuyên viên ghi âm. Anh chuyên viên đem máy móc, băng nhựa đến trình diện ông Giám Đốc Nha báo chí Phủ tổng thống. Anh vào phủ bằng lối góc ngã tư Nguyễn Du – Thủ Khoa Huân – Huyền Trân Công Chúa. Giám đốc Nha báo chí hướng dẫn anh chuyên viên tới phòng họp của Tổng thống. Dương văn Minh đọc lệnh đầu hàng cộng sản tại đây. Kẻ viết lệnh đầu hàng là Lý Quý Chung, Tổng trưởng Thông tin của nội các Vũ văn Mẫu, “danh sĩ” của môn phái Hoa Lan. Dương văn Minh đọc lệnh đầu hàng xong, anh chuyên viên Đài phát thanh đem băng về đài. Anh ta lái chiếc Honda 50. Cuốn băng lịch sử được giao cho phòng phát thanh và được ra lệnh phát vào đúng 10 giờ 30 phút.
***
Câu chuyện vắn tắt trên đây ví như Kinh Xuân Thu của Khổng Tử. Các vị Đông Lai, các Mao Tôn Cương “phản động” đã “bác nghị”, đã “lời bàn” sôi nối.
– Tôi không tin đại sự lại giản dị thế.
-Dương văn Minh hiểu gì đại sự? ông thử nhìn kỹ coi, bọn Minh sún có thằng nào ra cái giống người?
-Tôi nghĩ lệnh đầu hàng trực tiếp truyền thanh.
-Trực tiếp con khỉ! Chúng nó quýnh hét, đâu kịp chuẩn bị. Phải tin tôi, thằng chuyên viên Đài Sài gòn là bạn tôi.
-Là bạn ông à?
-Ừ! Nó lái Honda “chở” lệnh đầu hàng. Tôi tự hỏi, nếu nó bị đụng xe, chết ngỏm, lịch sử sẽ ra sao? Hoặc nó phẫn nộ, vất cha nó cuốn băng ghi lệnh đầu hàng của Dương văn Minh, về ngủ với vợ, lịch sử sẽ ra sao?
-Chắc chắn Sài gòn nổ lớn.
-Nổ lớn, tôi đã mong mỏi. Rốt cuộc, chỉ tại thằng chuyên viên mẫn cán, ngu đần, sợ lệnh lạc mà cộng sản vào Sài gòn ngon ơ. Tức muốn hộc máu mồm.
– Tôi nghe nói cộng sản đã vô Dinh Độc Lập từ đêm trước, chúng dí súng sau ót Dương văn Minh, bắt Minh đọc lệnh đầu hàng.
– Không có vụ ấy.
***
Nếu câu chuyện kể trên đúng 80%, nếu anh chuyên viên của Đài phát thanh Sài gòn bị đụng xe chết giữa đường Thống Nhất, nếu anh chuyên viên quên Dương văn Minh, quên lệnh đầu hàng về ngủ với vợ, tôi tin chắc rằng lịch sử khác đi một chút. Nó cũng sẽ bị sang trang nhưng không đến nỗi sang trong buồn tủi. Sẽ có máu, nhiều máu của Sài gòn 30-4-1975. Và đó là những dòng máu cần thiết cho Sài gòn ngày mai…

…………………………

HỒI KÝ SÀI GÒN NGÀY DÀI NHẤT CỦA DUYÊN ANH – KỲ CUỐI
1 2 3 4 KỲ CUỐI
CHƯƠNG 11
22 giờ 30. Tiếng loa réo gọi tham dự mít tinh chào mừng cách mạng thành công sáng sớm mai làm rung cửa kính. Côn đề nghị bật đèn. Tôi đồng ý. ánh sáng ngập căn phòng. Tàn thuốc lá bừa bãi trên bàn xa-lông. Chúng tôi đã uống cạn chai rượu thứ nhất. Thiếu úy Bảo và trung sĩ Thân thấm mệt. Tôi dục hai thằng em kết nghĩa đi ngủ.
– Các em yên tâm, không có chết chóc gì cả, không có biển máu. Một nhà cách mạng chính cống đã quả quyết với anh rằng, cách mạng đại xá, đại đại xá.
– Sao lúc nãy anh không chịu nói? Bảo hỏi.
– Anh thử xem em can đảm đến đâu. Tôi đáp.
Bảo và Thân đi ngủ. Còn Côn với tôi. Chai rượu thứ hai được khui.
– Mày vừa nói gặp nhà cách mạng chính cống.
– Ừ.
– Ai đó?
– Phan Kim Thịnh.
– Thằng ấy?
– Nó chơi giép râu, nón tai bèo.
– Nó nằm vùng?
– Thứ rắn độc. ông đừng ngạc nhiên, nếu chúng ta không chết, sẽ có dịp nhìn rõ những thằng nằm vùng trong mọi lãnh vực. Và chúng ta sẽ há hốc mồm.
– Tại sao?
– Vì toàn những đạo đức gia khổ hạnh và chống cộng hơn cả người chống cộng hung hăng nhất.
– Nó nói cộng sản đại xá à?
– Ừ.
– Mày tin nó?
– Tin mẹ gì, tôi trấn an cu Bảo.
– Tao nghĩ nó đại xá thật.
– Ông nghĩ thì cứ nghĩ. Cộng sản nó làm gì, mình đâu đoán nổi. Nó bảo không là có, có là không. Nó qua mặt cả thế giới.
– Long?
– Đừng hỏi thêm nữa. Uống rượu đi.
– Tao mở ti-vi nhé?
– Chớ.
– Xem nó nói gì chứ?
– Nó khoe nó đánh Mỹ cút, Ngụy nhào.
– BBC vậy?
– Nó tường thuật cộng sản vào Sài gòn.
– VOA?
– Nó khen Việt cộng.
– Hay là mày với tao ra cổng ngắm nhân gian?
– Không. Ông làm ơn mở cửa cho khói thuốc tan loãng giùm.
Cửa mở. Khí thế cách mạng bên ngoài ùa vào nhà tôi “Nhân dân” ca hát, hô khẩu hiệu vang trời. “Nhân dân” không ngủ đêm nay. Họ không ngủ trong bóng tôi. Và họ khóc. Sao 30-4 dài thế? Với tôi, nó dài hơn cả đời tôi. Côn lại khép cửa. Chúng tôi uống rượu, hút thuốc chờ sáng. Đêm qua tôi đã chờ sáng. Đêm nay tôi vẫn chờ sáng. Tôi chẳng bao giờ ngu dại tin rằng cộng sản tha tôi. Ngày Chu Tử bị ám sát, tôi viết bài Nỗi cô đơn của người cầm bút đọc tại Viện âm nhạc và kịch nghệ quốc gia là tôi đã tiên đoán thân phận của tôi. Rồi tôi viết thêm bài nữa, đăng trên Sống*. Khẳng định tôi là kẻ cộng sản không tha, quốc gia không dung. Đến cuốn Tháng giêng ngon như một cặp môi gần xuất bản tháng 2-1975, tôi miệt thị cộng sản là bọn trả thù vặt và nói rõ, “đời sẽ có kẻ gọi ta là phản động.” Thế thì cộng sản phải trả thù tôi. Họ không trả thù tôi là họ thiếu lô-gích, họ hết là cộng sản. Cộng sản không tha tôi, đã đành. Nhưng tại sao quốc gia không dung tôi? Cái thứ gọi là quốc gia mà biểu tượng là Nguyễn văn Thiệu, Đặng văn Quang không được tôi xếp hạng quốc gia chân chính. Người quốc gia chân chính chưa hề nắm quyền bính tối cao. Tôi hằng coi Hà Nội như phỉ quyền, Sài gòn như ngụy quyền. Tôi thiết tha tranh đấu để có một chính quyền trên quê hương tôi. Muốn thế, cuộc chiến đấu của tôi phải loại bỏ phỉ quyền tôi tớ của Liên xô và ngụy quyền tôi tớ của Hoa kỳ. Và đích thị tôi là kẻ cộng sản không tha, quốc gia không dung. Họa may, quốc gia chân chính sẽ dung tôi. Tôi hy vọng thế.
Nhiều bằng hữu bảo tôi là kẻ nghịch thiên. Tôi không chối cãi. Tôi xác định thái độ nghịch thiên của tôi:
Thản nhiên ngước mặt ngạo trời
Trong cơn hồng thủy vẫn cười ngả nghiêng
Kể từ đời tắt lửa thiêng
Nỗi ta đối địa nghịch thiên mộng cuồng
Chém ngang độc nhất vô song
Tìm ra cái lẽ vô cùng thênh thang
Hỡi ơi tai đục trần gian
Sao nghe nổi máu cung đàn bão mưa
Hỡi ơi mắt trắng cõi thừa
Sao nhìn nổi ngọc trên thơ tỏ tình
Chung thân can tội nghịch thiên
Còn say cuồng mộng thản nhiên ngạo trời
Tên nghịch thiên ngồi uống rượu với bạn thơ ấu chờ sáng và chờ chết. Nó kiểm điểm nó. à, nó đã có 50 tác phẩm văn chương, 200 số báo Tuổi Ngọc, hơn 10 ngàn bài báo. Cộng sản không tha, quốc gia không dung nó nhưng đã có đứa nào bén gót nó?
– Này Côn.
– Gì?
– Người ta sẽ hâm mộ Con Thúy.
– Tại sao?
– Vì người ta sẽ thấy sau 30-4-75, giống hệt sau 19-8-45. Tôi đã viết về son phấn cách mạng nhạt nhòa.
– Mày nói đúng.
– Này Côn?
– Gì?
– Ông sẽ thoát biển máu. Tôi, có thể, sẽ thoát biển máu nhưng tù rục xương. Tôi muốn noi gương nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh.
– Sao?
– Khi tôi chết, đừng ai khóc. Cả ông nữa. Hãy cười, cười, cười?
Côn nín thinh. Giây lát, nó lảng qua chuyện khác.
– Mày biết ông Nguyễn Mạnh Côn làm quân sư cho tướng Vĩnh Lộc không?
Tôi ngạc nhiên xuýt rơi ly rượu:
– Thật à?
– Thật.
– Hèn chi Chậm bước tiên phong, muộn chiến trường. Chắc chắn, ông Vĩnh Lộc phải đợi ông Côn hút đủ cữ rồi mới hiến kế. Hóa cho nên, ông Vĩnh Lộc lên ti vi tối qua sốt ruột dữ.
Tôi nhớ cuối triều đại Ngô Đình Diệm, anh Nguyễn Mạnh Côn ra ứng cử dân biểu đơn vị quận 3, Sài gòn. Tôi cho anh ta vay tiền bán tập truyện Hoa thiên lý và đi a-lô vận động giúp anh ta. Hôm ra mắt cử tri ở trường tiểu học Chí Hòa, anh Côn là người nói thứ nhì, sau Huỳnh Thành Vị. Tốt quá. Vì họ Huỳnh mở màn cho anh Côn. Tôi ngồi đợi anh hút no thuốc phiện rồi mới rửa mặt, đánh răng. Rồi chở Vespa, đưa anh lên địa điểm. Chúng tôi tới, cử tri về gần hết. Vì anh đến trễ, nói sau cùng?
– Ông Ngô Đình Nhu xưa muốn cất nhắc ông Côn, chỉ chê tội nghiện.
– Nay ông Vĩnh Lộc xài. Vận nước đã hết. Tôi chờ chết là hợp lẽ trời.
Bèn nốc cạn ly:
– Đời nhà Thanh, dân Tầu mới hít tô phe bạo. Mừng cho Lưu Bang và mừng cho Lưu Bị. Vì Trương Lương, Tiêu Hà, Khổng Minh không đong thóc! Ông Vĩnh Lộc đồng hóa văn nghệ với quân sự. Hỏng, hỏng! Tại hạ có lời chê điểm này.
Đặng Xuân Côn dứt cuộc:
– Bây giờ, quân sư đang nằm “đong”, tân Tổng tham mưu trưởng đi đâu không rõ, “nhân dân” hồ hởi phấn khởi và nhân dân ôm nhau khóc trong bóng tối.
***
23 giờ. Không biết mấy giờ ở Guam? Bằng hữu văn nghệ của tôi đã đến đảo Guam chưa, hay còn lênh đênh ngoài khơi, trên hạm đội số 7? Tôi chợt nghĩ tới những người Việt Nam yêu tự do, chấp nhận báng súng của “lính thủy đánh bộ” Mỹ, dắt díu nhau leo lên nóc tòa đại sứ Mỹ rồi, sau 8 giờ 30, lủi thủi bước xuống, lếch thếch trở về. Những người Việt Nam thiếu may mắn di tản đang làm gì giờ phút này? Chắc chắn, họ đang sợ hãi, đang khóc và đang thèm được chết ngon lành. Đêm qua là đêm không ngủ của tôi. Đêm nay là đêm không ngủ của Sài gòn, của cả miền Nam. Không ngủ ngoài đường. Không ngủ trong nhà. Hoặc dẫu ngủ, chỉ là những giấc ngủ chập chờn như tên một tác phẩm của Nhật Tiến. Trong những giấc ngủ chập chờn, con người thấy chập chờn những huyệt sâu chôn sống tập thể, những mã tấu vung chặt ngang thây, những băng đạn ria phọt suối máu… Và tôi, không ngủ để hình tưởng một cái cần xé chứa tảng đá và tôi ràng giây kẽm gai kín nắp liệng xuống khúc sông nào đó. Tôi chết từng giây. Tôi biết tôi chết. Tôi sặc sụa. Tôi đau đớn. Tôi giẫy dụa. Trước đó, tôi phải đứng trước đám đông phán quan y hệt tên da trắng đứng trong vòng vây của dân da đỏ, phải tự thú mình có tội với Đảng, với Cách mạng, với Nhân dân? Tôi được phép mở to mắt để nhìn đám đông phán quan của thời đại tôi Chỉ có vài tên cộng sản chính thống. Còn rặt nhân dân bị cưỡng bức hận thù. à, trong đám nhân dân bị cưỡng bức hận thù, có vài đứa theo chủ nghĩa dậu đổ bìm leo. Những đứa này to mồm nhất, nỏ họng nhất. Chúng nó xỉa xói tôi, kết tội tôi, ném đá trúng thân thể tôi. Chúng nó vớ được cơ hội ngàn năm một thuở để tuyết hận thua kém tôi mọi mặt. Cỏ hèn vươn vai chống đại thụ. Tôi sợ hãi chứ. Nhưng không sợ hãi bọn dậu đổ bìm leo. Tôi xón đái ra quần. Tôi nghĩ những giọt nước tiểu của tôi dành cho bọn dậu đổ bìm leo ở khắp nơi trên trái đất Tôi đã tưới mát cỏ hèn. Đại thụ đã ban phước cho cỏ hèn. Hãy nhận phước ấy, cỏ hèn? Hãy nhận và đừng ân hận sự hóa kiếp. Bởi vì, cây cỏ luân hồi vẫn cỏ cây. Chỉ có con người, con người công chính và việc làm công nghĩa mới được phục sinh rạng rỡ. Và mãi mãi là con người.
– Long!
– Gì?
– Nếu ngày mai mày chưa chết?
– Thì ngày mốt.
– Nếu không có biển máu?
– Thì chết mòn trong tù ngục.
– Mày chấp nhận chết mòn?
– Tại sao?
– Vì tôi mong gặp hư vô.
– Hư vô là con mẹ gì?
– Là mềm bí ẩn của đời sống. Niềm bí ẩn này chỉ tìm gặp trong ngục tù, thống khổ và cô đơn.
– Mày sảng chưa?
– Còn rất tỉnh để sợ chết, dẫu chết cách nào, kiểu nào.
– Nghĩa là mày thèm sống.
– Dĩ nhiên.
– Sống mòn và chết mòn?
-Tôi vừa nẩy ý tưởng mới. Tôi muốn tìm hạnh phúc trong bất hạnh.
– Mày lãng mạn.
– Luôn luôn lãng mạn. Lãng mạn đến chết.
Hai đứa tôi cụng ly. Bên ngoài, đường phố xôn xao tiếng nói, rầm rập bước chân. Tôi không còn tin rằng nhân dân bị cưỡng bức ra đường hoan hô cách mạng thành công nữa. Nhân dân nghèo khổ đã thật tình và nhiệt tình hoan hô cách mạng. Tội nghiệp nhân dân! Nếu họ đã đọc Con Thúy của tôi. Đừng trách móc nhân dân. Nhân dân là thế. “Bạc như dân” mà! Nhân dân oán ghét chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm và nhân dân hoan hô cách mạng 1-11-1963. Cách mạng của lũ thoán nghịch không đem lại hạnh phúc cho nhân dân trong vòng ba tháng, nhân dân lại oán ghét và hoan hô đảo chính, chỉnh lý. Dưới chế độ quân phiệt Nguyễn văn Thiệu, tham thũng ngập ứ, thối nát tận óc, bất công đầy rẫy, đàn áp không thương xót, nhân dân thù hận và mong đợi tân cách mang. Nhân dân lại hoan hô như đã hoan hô. Và rồi, ba tháng sau thôi, nhân dân sẽ ủ ê với cách mạng vô sản. Kể từ dân tộc Việt Nam làm quen cách mạng, chưa bao giờ niềm vui kéo dài quá ba tháng. Rốt cuộc, cái dân tộc hẩm hiu này không thiết đoái hoài tương lai nữa. Tương lai tồi tệ hơn hiện tại và nghiệt ngã hơn dĩ vãng.
– Long?
– Gì?
– Lúc mày đi mua rượu, thằng Tự chạy ngang qua cổng nhà mình.
– Nó là lính thủy sao không theo tầu mà chạy?
– Phải thi hành sứ mạng đến tận 9 giờ. Vả nữa, vợ con nó còn nằm nhà.
– Sứ mạng gì?
– Gài mìn đánh sập cầu Đồng Nai ngăn chặn xe tăng cộng sản vào Sài gòn.
– Cầu không sập?
– Tại sao?
NHỮNG NGƯỜI LÍNH THỦY VIỆT NAM CỘNG HÒA NHÂN BẢN
Những người lính thủy được chỉ huy can đảm giao cho sứ mạng đánh sập cầu Đồng Nai trên xa lộ Biên Hòa để ngăn chặn xe tăng cộng sản tiến vào Sài gòn đã hoàn tất nhiệm vụ lúc 9 giờ ngày 30-4- 1975. Cả tấn TNT gài kín gầm cầu, bọc kín chân cầu. Xe tăng cộng sản từ Long Khánh bò vô, bị quân dân Tam Hiệp đón đánh. Trận chiến hào hùng và lãng mạn này kết thúc mau lẹ nhưng đã làm chậm bước tiến của cộng sản. Xa lộ lúc ấy, hai bên cầu Đồng Nai, nườm nượp dân chúng chạy giặc và đông đầy binh sĩ tan hàng. Dân chúng Sài gòn chạy xuôi. Dân chúng Biên Hòa chạy ngược. Cầu Đồng Nai nghẹt người và xe cộ. Cùng với ông già, bà lão, thanh niên, phụ nữ, nhi đồng, những anh lính thủy giữ trọng trách đánh sập cầu còn nhìn rõ xe tăng cộng sản, bộ đội miền Bắc. Sức công phá của TNT gài dưới cầu sẽ làm tung bay cốt sắt xi-măng, phạm vi một cây số vuông. Và dân chúng sẽ bị chết, bị thương vô kể.
Những người lính thủy quay giang dinh, lao nhanh về căn cứ. Cầu Đồng Nai không bị đánh sập. Nếu là Mỹ, cây cầu sẽ bị đánh sập. Nếu là cộng sản, cây cầu sẽ bị đánh sập Cứu cánh biện minh cho phương tiện. Nhưng với Việt Nam, cây cầu không bị đánh sập. Hình như nhận loại chưa biết chuyện này. Chúng ta thua trận, còn vì tình thương và lòng nhân đạo nữa.

CHƯƠNG 12
23 giờ 20. Khí thế cách mạng tăng cường độ. Nhân dân chuẩn bị mít tinh, biểu tình sáng mai từ đêm nay. Đường phố đã nghẹt người, tiếng loa vẫn réo gọi nhân dân đừng quên bổn phận chào mừng cách mạng thành công. Chai rượu thứ hai của chúng tôi còn quá nửa. Tôi khó hiểu tại sao đêm nay tôi không say, dù mệt mỏi, dù ăn ít và uống quá nhiều. Bây giờ, tôi quyết định ra phố xem diễn tiến cách mạng 30-4-75 có giống cách mạng 19-8-45.
Phải thành thật nói rằng, hai mươi năm sống ở Sài gòn, tôi chưa hề thấy đêm nào Sài gòn cuồng nhiệt như đêm nay. Y hệt đêm 19-8-45 ở thị xã Thái Bình của tôi, năm tôi mười tuổi. Dân tộc Việt Nam luôn luôn khao khát cách mạng vì luôn luôn thèm khát hạnh phúc. Chúng ta đã lạm phát cách mạng, lạm phát chủ nghĩa. Mà chúng ta vẫn thiếu hạnh phúc, thứ hạnh phúc đơn sơ đủ làm con người gần gũi con người, đủ để tình tự kết đan tình tự. Khi con người bước gần biên giới của tuyệt vọng, nó sẽ thấy áng lên từ bên kia ánh sáng hy vọng. Bởi thế, cách mạng này hư đốn, chúng ta hy vọng cách mạng khác. Cách mạng khác hư đốn, chúng ta lại hy vọng cách mạng sắp xẩy ra. Nhân dân Sài gòn đang cuồng nhiệt đón chào cách mạng vô sản, sẽ nguội lạnh vài tháng sau. Có thể vài tuần sau. Tôi đoan quyết. Vì tôi đã kinh qua một lần cách mạng tháng 8. Cách mạng tháng 8 ở đêm 30-4 này còn khoác hào quang mười năm kháng chiến chống Pháp giành độc lập, được khoác thêm hào quang 20 năm chống Mỹ cứu nước.
Người ta không nhìn thấy thiên đường, dĩ nhiên. Người ta chỉ nhìn rõ trần gian, nơi người ta đang sống đọa đầy và, dù không biết địa ngục ra sao, người ta vẫn ví trần gian của người ta như địa ngục. Và người ta mơ ước thiên đường. Nếu thiên đường cộng sản, thiên đường xã hội chủ nghĩa miền Bắc Việt Nam được mặc khải như một thiên đường hoang lạnh, ở đó, con người bị tước đoạt quyền làm người, con người biến thành nô lệ thảm hại của thứ chủ nhân ông mới, điêu ngoa và bóc lột tận tình là Đảng, con người sống vô vọng trong đói khổ, ngu dốt, héo hắt, tàn tạ thì chẳng ai mơ ước thiên đường cả. Mặc khải một thiên đường bánh vẽ, đồng thời, phải hiện thực cái trần gian cho nó rực rỡ ý nghĩa làm người và no đầy hạnh phúc con người khao khát. Tiếc thay, cả hai điều đều không có. Và đó là tội ác của Mỹ và đám tướng lãnh thống trị cầy cáo. Kết quả là đêm nay, 30-4-75, dân Sài gòn như những con phù du dưới ánh đèn cực mạnh của chủ nghĩa cộng sản lạc hậu. Thiên đường cộng sản sẽ được người Sài gòn khám phá vào ngày mai. Nó sẽ rỗng tuếch, mốc meo, trơ trẽn, bịp bợm. Người ta sẽ ủ ê, cay đắng, não nề. Và người ta lại lặng thinh ôm ấp niềm hy vọng cách mạng mới. Rồi vẫn thế. Và nghìn năm dân tộc này sẽ tăm tối, sẽ chẳng biết hạnh phúc là cái gì! Thống trách gì đây? Chúng ta khan hiếm lãnh tụ lương thiện? Hay đất nước chúng ta chỉ có lãnh tụ bù nhìn, chỉ có lãnh tụ thích làm tôi mọi cho ngoại bang, chỉ có những thằng hề rẻ tiền múa may trò yêu nước bệ rạc?
Ánh sáng của đèn Mỹ trên những trụ đèn bằng cây Mỹ đem từ Mỹ sang đã soi rõ mầu cờ vô sản đêm Sài gòn đau thương. Tư bản và vô sản cần liên kết. Như môi và răng. Thiếu tư bản, vô sản mất đối tượng đấu tranh. Thiếu vô sản, tư bản hết chính nghĩa khai phóng tự do, dân chủ. Cho nên, tư bản không bao giờ muốn diệt vô sản và ngược lại. Hoa kỳ không thích hại Liên xô. Liên xô không thích hại Hoa kỳ. Cả hai kết hợp để hại các nước nhỏ chậm tiến. Nỗi thê lương nhất của thời đại, khốn nạn nhất của thời đại chúng ta là các nước nhỏ chậm tiến đã xâu xé nội bộ, nhân danh cả tư bản lẫn vô sản. Việt Nam là biểu tượng thê lương và khốn nạn. Hai mươi năm huynh đệ tương tàn để nghìn năm khó ngóc đầu dậy. Bao giờ mới lấp hết hố bom Mỹ? Bao giờ rừng mới hồi sinh tan thuốc khai quang Mỹ? Bao giờ mới trả nợ hết hỏa tiễn Liên xô? Bao giờ mới hết xuất khẩu nô lệ sang Sibérie, sang Đông âu? Không bao giờ cả. Những nước chậm tiến trên thế giới mãi mãi phải nghèo khổ. Để sáng danh chủ nghĩa vô sản. Và để sáng danh cả chủ nghĩa tư bản. Những nước chậm tiến trên thế giới lại mãi mãi cần phải có chiến tranh. Để Hoa kỳ và Liên xô đọ vũ khí mới. Thế thì ánh đèn tư bản soi rõ mầu cờ vô sản là chuyện đương nhiên. Liệu nó có soi sáng lương tri nhân loại? Liệu nó có soi sáng lương tri dân tộc Hoa kỳ?
Tiếng loa phóng thanh “giải phóng” ý nghĩ của tôi, bắt tôi trở về thực tại. Ngày mai, 1-5, còn là ngày Lao Động quốc tế nữa. Người Mỹ đã chọn ngày lành tháng tốt để tặng cộng sản Việt Nam. Và bài hát rất xưa lại vang vọng đêm nay:
Ngoài kia lời non nước
đang nhắc ta
mau nhắc cao giống nòi
yêu mến muôn giống người
Ngoài kia công nhân ơi
quốc tế đang giơ tay đón chào bầy con đoàn kết
từng nhớ những phút chiến thắng
tiền phong đua tranh bao năm
lầm than đau thương trong khốn cùng
Giải phóng thống nhất đất nước
Việt Nam ra công chen vai
cùng thế giới mới sống chung
tranh đấu cuối cùng là đời sống
với giang sơn
công nhân Việt Nam chiến đấu
cùng sống tập đoàn toàn thế giới công khai
và kiến thiết xã hội ngày mai
Lúc đế quốc đang sắp tan rã dần
Ta tiền phong tiến tới
Sức chiến đấu đi xuống miền Đông Nam
Lúc đế quốc đã tàn…
Tham vọng của cộng sản Việt Nam là nuốt gọn các nước Đông Nam Á. Họ không ngần ngại bộc lộ tham vọng này. Sớm hay muộn thôi, cộng sản sẽ thôn tính Thái Lan, Mã Lai… “Tiền đồn chống cộng của Đông Nam á” đã bị san bằng. Cộng sản đã nuốt miền Nam, họ sẽ nuốt Đông Nam á. Có khi lại là điều hay. Bởi vì, lúc ấy, sự phản công của các nước Đông Nam á sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho người Việt Nam giải thoát quê hương mình khỏi ách cộng sản. Nhân loại rất nên nếm mùi cộng sản. Chưa nếm mùi cộng sản, nhân loại vẫn ham… làm dáng cộng sản và tưởng rằng cộng sản là đồ trang trí cho vui mắt đời sống. Bài hát Công nhân Việt Nam dạo đầu cho cuộc mít-tinh, biểu tình ngày mai, 1-5, vừa chào mừng cách mạng thành công vừa chào mừng Lao Động quốc tế thành công thật hợp tình, hợp cảnh. Đảng cộng sản Việt Nam vẫn núp trong áo Đảng Lao Động Việt Nam. Tôi muốn bài hát bay vút sang Thái Lan, Mã Lai, Tân Gia Ba… Nhưng nó tắt ngủm, nhường cho bài Đảng Lao Động Việt Nam.
Đảng Lao Động Việt Nam
Đảng của chúng ta
vì giai cấp cần lao
Đảng mưu giải phóng nước nhà
Đảng chúng ta là mặt trời
Hồ Chí Minh là mặt trời
dìu dắt cho muôn lớp người vùng lên…
Hai đứa tôi đến một góc phố. ở đây, một chị cán bộ giép râu được bảo vệ bởi thanh niên Cờ Đỏ đang “phổ biến” những bài ca ngợi Bác cho các em nhi đồng. Các em yêu cầu chị hát bài ca cách mạng. Chị cao giọng:
Như bao cô gái ở trên non
Cô gái sông Ba đầu búi tóc thon
Tay vót chông miệng hát không nghỉ
Như bao cô gái ở trên non
Như bao cô gái ở Tây Nguyên
Ai nhanh tay vót bằng tay em
Chim hót không hay bằng tiếng hát em
Mỗi mũi chông nhọn hoắt căm thù
Xuyên thây quân cướp nào vô đây
xuyên thây quân cướp nào vô đây
Còn giặc Mỹ cọp beo
Khi còn giặc Mỹ cọp beo
Em chưa ngừng tay vót chông rào làng
Nhưng nay mai giặc chạy rồi
Tre rừng ta làm nhà làm chòi cao
Ê, chân ta đi chưa mỏi
Trời trong xanh
Em còn vót chông rào làng nữa
Ê quân xâm lăng nào vô đây
Chờ bọn bay
Diệt bọn bay…
Các em nhi đồng vỗ tay hoan hô. Chị cán bộ tuyên văn giáo dục tiếp các em nhi đồng Sài gòn những bài ngắn thù hận giặc Mỹ, thù hận đế quốc. Không có gì lạ cả. Tháng 7-1954, tôi đã thấy ở những góc phố thị xã quê hương tôi, các chị cán bộ tuyên văn giáo dục các em nhi đồng thù hận giặc Pháp, thù hận đế quốc, thù hận địa chủ, ca ngợi Bác Hồ, Bác Mao, ca ngợi Liên xô, Trung quốc Thù hận “trồng” từ 1954, tiếp tục “trồng” đến 1975, và vô tận, theo chủ trương “trồng người” của ông Hồ Chí Minh. Tôi biết, từ chập tối ở các góc phố, ở các khu phố, cán bộ tuyên truyền văn hóa của cộng sản đã tụ tập thiếu niên, nhi đồng để dạy những bài ca cách mạng cho rộn ràng cách mạng sáng mai. Về điểm này, cộng sản rất “nghề”. Trẻ con mau thuộc bài và hăng say hát. Tôi chợt nghĩ thân phận tôi. Tôi quả là không khá. Riêng bài thơ Em bé của tôi đăng trên tạp chí Chỉ Đạo năm 1960 đã đủ gây hệ lụy cho tôi rồi.
Hôm nay em đi học
Mắt ngời ánh hào quang
Những vì sao mới mọc
Thắp lửa rực huy hoàng
Trang vỡ lòng thầy dậy
Đánh vẫn chữ Việt Nam
Con đi nước con đấy
Đẹp tự bốn nghìn năm
Tay mềm tô nét viết
Xanh mướt nghĩa yêu thương
Chao ơi là tha thiết
Mộng ước gửi ngàn phương
Tiếng em mùa xuân ấm
Bài quê hương loài người
Không biên thùy ngăn cấm
Không ai khóc cuộc đời
Và mãi hồn thơ ấy
Cây hạnh phúc muôn thu
Xin đừng ai nỡ dạy
Em tôi nói căm thù
Tôi đã chống chủ trương “trồng người” của ông Hồ Chí Minh, của cộng sản. Họ dạy tuổi thơ thù hận, tôi dạy tuổi thơ thương yêu. Cả đời tôi, tôi loay hoay giáo dục tuổi thơ không thù hận. Rốt cuộc, thù hận hai phía trút xuống đầu tôi. Cộng sản không tha, quốc gia không dung là vậy
Tôi muốn đi xa thêm. Nhưng chỗ nào cũng thế, Sài gòn đêm nay. Với cộng sản là rập khuôn. Một cảnh tượng là triệu cảnh tượng. Giống nhau như khuôn đúc. Một khẩu hiệu là triệu khẩu hiệu. Không được thiếu. Không được thừa. Những kẻ thiếu sáng tạo mà cứ đòi “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc” nghĩ thật buồn cười.
– Về chứ Long?
– Về thì về.
– Chẳng có gì khác hơn 19-8-1945.
– Giống hệt 1954.
– Thế mà nó thắng?
Đặng Xuân Côn thở dài. “Thế mà nó thắng”, bốn tiếng nghe sao não nùng, ai oán? Hai đứa tôi trở về nhà, tiếp tục cuộc rượu. “Cõi đời ngoảnh mặt quên xa tiếc”, tôi không nghĩ gì chuyện ngoài phố, chuyện ngày mai nữa. “Ngày mai ra sao rồi hãy hay”. Chúa Jésus đã dạy: “Ngày mai để cho ngày mai lo”.
– Long ạ. Tao cho rằng nó đã thắng, nó không cần hủy diệt bọn nhà văn đâu.
– Ông không hiểu cộng sản. Và ông càng không hiểu hệ lụy văn chương. Văn chương nó gắn liền với tư tưởng. Con người làm văn chương tư tưởng sẽ chết nhưng văn chương tư tưởng của nó tồn tại và ảnh hưởng mãi mãi. Cộng sản không tha bất cứ nhà văn nào chống đối tư tưởng của họ, trừ bọn nhà văn huê tình, rỗng tuếch… Uống đi và đừng lo cho tôi. Tôi được sống với ông trọn hôm nay là đáng sống rồi. Nếu tôi phải ân hận là tôi chưa hề làm cho ông vui lần nào. ông hy sinh cho tôi đủ thứ mà tôi không biết nhường cho ông đứa con gái, hồi chúng ta ba đào ở Nhà Hát Tây.
– Quên chuyện ấy đi!
– Làm sao mà quên? Ông thất tình ngã xước máu chân! Tôi nên thanh thỏa chuyện này trước khi tôi chết hay là tôi quằn quại trong ngục tù.
– Mày sẽ gặp hư vô?
– Mong lắm.
Hai đứa tôi cụng ly. Tưởng chừng, ngày xưa còn bé, Vũ và Côn uống những ly xi-rô Grenadine thơm phức ở đầu cầu Bo. Chúng tôi chơi với nhau từ tiểu học trường Monguillot. Nhật đảo chính Pháp, có chúng tôi chứng kiến. Chúng tôi chứng kiến Nhật chặt đứt tay người Việt Nam đói khổ ăn cắp thóc nuôi ngựa Nhật. Chúng tôi chứng kiến Nhật treo dộng đầu người xuống, trên cây cao. Rồi chúng tôi đi đếm xác người chết đói, đi ăn mày cơm gạo cứu đói. Chúng tôi chứng kiến cách mạng 19-8. Ký ức của chúng tôi còn nguyên vẹn Tầu phù tước khí giới Nhật, tiêu thổ kháng chiến, chiến tranh, di cư… Và hôm nay, giải phóng Chúng tôi đã trải dài đời mình theo những biến cố chập chùng của đất nước. Đã hết chưa? Côn chưa muốn hết. Nó đã dựa lưng vào ghế, mắt lim dim ngủ, tay còn cầm ly rượu.
***
Tôi không biết danh sĩ thời xưa đã mấy ai, chờ chết một ngày dài nhất đời mình, một ngày dài nhất của dân tộc mình, của thời đại mình. Hình như chẳng có ai. Thời của người xưa hiền như người xưa. Nên, “một ngày dài ghê” mới chỉ là “ba thu cộng lại”. Thời của người xưa đơn giản như người xưa. Nên, người xưa thản nhiên chờ đợi cái chết cơ hồ đợi chờ cuộc phiêu du vào hư vô. Người xưa không bị tưởng tượng cách chết, kiểu chết tính bằng co rút của tế bào, tính bằng héo khô của mạch máu, tính bằng rời rạc của nhịp tim. Ngày dài nhất của thời đại chúng ta là hai mươi năm cộng lại. Ròng rã hai mươi năm phiền muộn, chiến tranh, tang tóc, sinh ly, tử biệt. Chúng ta có ngày dài nhất lấy máu mà đo, đem nước mắt mà lường vì chúng ta được Hoa kỳ khai phóng tự do, dân chủ. Ngày dài nhất của chúng ta nghẹn ngào hơn bất cứ ngày dài nhất nào của loài người, từ khai thiên lập địa. Bởi nó là ngày dài nhất báo hiệu những ngày dài nhất, những vô tận ngày dài nhất, nhục nhằn nhất, cay đắng nhất, oan khiên nhất trên quê hương chúng ta. Muốn đo lường chính xác, và muốn cực tả niềm đau, phải dùng giây kẽm gai viện trợ Mỹ mà kéo chiều dài của ngày dài nhất. Hiểu tại sao chứ? à, giây kẽm gai viện trợ Mỹ không kịp di tản sẽ rào quanh nhà tù, trại tập trung cộng sản. Danh sĩ thời xưa thiếu hẳn cảm giác hứng đòn ý thức hệ. Người thời xưa không thèm nhìn mỏ Con ó, không thèm ngắm móng Con Gấu. Người thời nay bất hạnh hơn, bị Con ó mổ mù mắt, bị Con Gấu cào bấy tim. Để chờ chết một ngày dài nhất.
Còn hệ lụy văn chương của danh sĩ thời xưa thế nào? Mới chỉ nghe kiêu sĩ Cao Bá Quát lên đoạn đầu đài. Nhưng kiêu sĩ Cao Bá Quát bay đầu đâu phải tại văn chương – tư tưởng? Cái kiêu bước thêm vài bước thành cái cuồng. Cái cuồng biến thể sang ngông. Và họ Cao làm loạn tiêu sầu. Rượu chưa đủ là thế. Văn học sử chép lời giăng giối của Cao Bá Quát:
Ba hồi chuông dục: Đù cha kiếp
Một nhát gươm vung: Đéo mẹ đời
Tôi không nghĩ rằng khẩu khí của Cao Bá Quát bình thường vậy. Kẻ nghịch thiên Cao Bá Quát đếm xỉa chi cái kiếp, cái đời. ông đã chửi cái thế, cái thời. Theo tôi, ngạo nghễ bước lên đoạn đầu đài, Cao Bá Quát đã sang sảng:
Ba hồi chuông dục: Đù cha thế
Một nhát gươm vung: Đéo mẹ thời
Đấy mới là Cao Bá Quát. Há Ngô Thời Nhiệm chẳng đem thời thế trả miếng Đặng Trần Thường đó sao? Dẫu gì chăng nữa, Cao Bá Quát không hề bị bức tử vì văn chương – tư tưởng mình. Danh sĩ thời xưa hạnh phúc gấp bội danh sĩ bây giờ. Lan Khai bị nhốt vào rọ ngâm nước. Khái Hưng bị dìm dưới sông. Phan Khôi bị cô lập chết mòn. Trần Dần, Nguyễn Hữu Đang, Thụy An nằm tù, Nhân Văn Giai Phẩm đi cải tạo…. Tôi hiểu thân phận tôi sẽ ra sao, sắp ra sao.
Nhưng tôi bằng lòng thân phận tôi, tự hào thân phận tôi. Tôi chống cộng sản tự nguyện. Mười lăm năm cầm bút của tôi, tôi không hề điếm nhục ngửa tay nhận tiền của Mỹ, của các chế độ Sài gòn để làm công việc đánh đĩ văn chương – tư tưởng. Tôi chống cộng sản và vì lý tưởng chống cộng sản, tôi chống luôn cả chính sách xấc xược của Mỹ áp đặt lên số phận dân tộc tôi, chống luôn cả tập đoàn thống trị bù nhìn và bè lũ điếu đóm, chống luôn bọn tham nhũng thối nát, bất tài, vô tướng, chống luôn đám hề chính trị rẻ tiền. Nói tóm lại, tôi chống tất cả những gì nuôi dưỡng cộng sản và làm sáng chính nghĩa cộng sản. Theo tôi, những bất công xã hội, những đàn áp phát-xít đã dồn dân chúng miền Nam vào con đường cùng. Dân chúng xa quốc gia, gần cộng sản là bởi lãnh đạo quốc gia ngu dốt. Tôi chống cả đảng phái hèn mạt lẫn những kẻ đội lốt tôn giáo lãnh đoạn chính trường. Người ta bảo tôi có lắm kẻ thù. Tôi không tin. Tôi đã viết 50 tác phẩm văn chương. Độc giả của tôi nuôi dưỡng tôi tận tình, cống hiến tôi đời sống vật chất dư dả. Tôi tự hào là một nhà văn chuyên nghiệp nhiều độc giả nhất nước, nhiều độc giả tuổi trẻ nhất nước. Những kẻ coi tôi là kẻ thù là những kẻ không được tôi xếp vào hạng kẻ thù của tôi Họ ở dưới kẻ thù của tôi vô số bậc. Còn những kẻ đố kỵ tài năng của tôi, cay cú với lòng yêu mến của độc giả của tôi dành cho tôi là những kẻ luôn luôn đứng sau tôi, xa tít tắp. Họ rất đáng tội nghiệp và cần được khích lệ như những người có triển vọng ở tương lai. Tôi cô đơn sáng tạo. cô đơn chiến đấu và cô đơn chết. Nhân danh điều thiện, người thiện chống việc ác, kẻ ác tôi chết. Tôi chưa biết cộng sản bức tử tôi kiểu nào.
Tôi bỗng có một nỗi sợ hãi mới, sợ hãi hơn cả sợ hãi chết trầm. Là cộng sản không quăng tôi vô biển máu hay bắt tôi chết mòn trong tù ngục. Nếu cộng sản không thèm trả thù tôi, không thèm đếm xỉa đến tôi, tôi sẽ bị sống nhục nhã. Vì văn chương, tư tưởng của tôi chẳng giá trị tí nào. Và con người tôi cũng vô giá trị. Tôi sẽ cúi gầm mặt ở bất cứ nơi đâu trên trái đất. Tôi hết dám chống cộng sản, trừ khi tôi là đứa vô liêm sỉ.
Nỗi sợ hãi mới đã giúp tôi thản nhiên chờ đợi đao phủ và hình cụ của nó.
***
24 giờ rồi. Tôi đã trải qua một ngày dài nhất trong đời tôi, một ngày mà nhiều đời người không có. Văn hào Walter Scott viết: “Không ai đủ giầu để mua lại dĩ vãng đích thực của mình”. ở đâu đó, ngoài nước Việt Nam, sẽ có một người Việt Nam tiếc rẻ: “Tôi là tỷ phú, thừa mứa tất cả, chỉ thiếu một Sài gòn, ngày dài nhất”. Và đó, bất hạnh trong hạnh phúc. Tôi đầy đủ ngày dài nhất ở Sài gòn. Và, cũng đó, hạnh phúc trong bất hạnh.
1988

………………………

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics