1.Lục Bát Du Tử Lê từ cội nguồn Ca dao(TT Miên)2.Thơ T.T.Miên-3.Thơ N.H.Phương&Kim Tuấn-4.Khi người về(DTL)5.Lục bát yêu thương-

Lục Bát Du Tử Lê Từ Cội Nguồn Ca Dao
Nguồn:Sống-Magazine – 03/10/2015

Tác giả : Trần Thu Miên

luc bat 1

Từ trái: Khánh Hòa (GĐ.NXB Sống – California), nhà thơ Du Tử Lê, nhà thơ Trần Thu Miên, trong buổi ra mắt tuyển tập Thơ*Văn*Nhạc*Họa “Du Tử Lê – tôi với người chung một trái tim” tại thành phố Boston (Massachusetts), tháng 11/2014. Hình: Vũ Đình Trọng/Sống Magazine.

Hồi ức (memory) đóng một vai trò quan trọng cho khả năng tư duy của con người. Nhưng vai trò của hồi ức cực kỳ quan trọng, cách riêng, cho tư duy thi ca và nghệ thuật vì hồi ức giúp phát triển khả năng nhận thức. Và nhận thức cần thiết cho sáng tạo (Bloom, 2004). Như vậy việc sáng tạo thi ca hay nghệ thuật được phôi thai từ hồi ức của nhà thơ hay nghệ sĩ sáng tác. Hồi ức thi ca và nghệ thuật bao gồm những gì ta nghe, học, chứng kiến, cảm nhận hương vị, màu sắc, và cả những kinh nghiệm thống khoái, bi đát, hay sợ hãi trong quá khứ và hiện tại. Trong bài thi luận này, tác giả sẽ bàn về chủ đề thơ Lục Bát Của Du Tử Lê phát xuất từ cội nguồn ca dao và vài nhận xét về nghệ thuật thi ca trong tuyển tập lục bát của Du Tử Lê.

Hồi Ức Ca Dao Trong Tâm Thức Sáng Tạo Thi Ca Việt Nam.

Không có hồi ức có nghĩa là không có sáng tạo. Nhạc sĩ không thể viết ra được những nốt nhạc tạo thành giai điệu nếu cô ta hay anh ta không có chút vốn liếng gì về âm nhạc. Cái vốn liếng âm nhạc còn sót đọng lại trong hồi ức giúp nhạc sĩ soạn ca khúc hay sáng tác một hợp tấu. Nhà thơ Việt Nam khi sáng tạo thi ca bằng thể thơ lục bát thì cũng cần phải có một hồi ức ca dao; vì ca dao chính là cội nguồn tinh ròng của thi ca Việt Nam nguyên thủy. Mỗi ngôn ngữ đều có một thể thơ riêng biệt như Haiku của Nhật, Sonnet Của Anh, Rondeau của Pháp, và, Lục Bát của Việt Nam. Theo học giả Huỳnh Sanh Thông (Huỳnh, 1979), một bài thơ lục bát chỉ cần hai dòng, một sáu một tám, là trọn vẹn như hai câu quen thuộc sau:

Yêu nhau cởi áo cho nhau

Về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay

Chỉ với 14 chữ, hai câu thơ sáu tám này hội đủ các điều kiện của một bài thơ. Tác giả dùng chữ thật cô đọng và chứa đầy ẩn dụ, gợi hình, và gợi cảm. Đọc xong bài thơ 14 chữ này ta nhận ra ngay trong trí tưởng tượng về một cuộc hẹn hò của đôi tình nhân mới lớn, có thề hứa, có vụng về, vội vàng, lén lút, và nói dối.

Mời bạn đọc thêm bài thơ lục bát nữa:

Tiếc thay cây quế giữa rừng

Để cho thằng Mán thằng mường nó leo

Đây cũng là một bài thơ tuyệt vời có sự mỉa mai qua ẩn dụ rất tinh vi và ý tưởng trọn vẹn. Tác giả bài ca dao này không dùng cây khế, cây chanh, cây soài, hay cây ổi quanh vườn để nói về Công Chúa Huyền Trân, nhưng lại dùng Cây Quế, một loại cây khó tìm trong rừng sâu (?) Ý nói người nữ này thuộc dòng vua chúa chứ không phải dân giả. Còn hoàng gia Chiêm Thành được coi như bọn man rợ thấp hèn.

Việc thi hào Nguyễn Du dùng thể thơ cao dao lục bát để phóng tác truyện Kiều có ít nhất hai dụng ý: chính thức định giá văn chương của Ca Dao, và tiếp tục tiến trình ly khai và chống lại ảnh hưởng truyền thống cố cựu của văn hóa Trung Hoa, nhất là văn học Trung Hoa. Theo học giả Woodside (1983), quốc luật ban hành từ thời Lê (1663), rồi được tái ban hành năm 1760, 5 năm trước khi Nguyễn Du chào đời, cấm in ấn phát hành các loại thơ phú ca trù không phải là dòng thơ chính thống theo khuôn mẫu Nho học. Vậy mà Truyện Kiều đã được phát hành lén lút và được đón nhận rộng rãi dù giới quan lại khoa bảng thời ấy coi là tác phẩm nhảm nhí, thiếu đạo đức. Việc Truyện Kiều được đón nhận nhiệt tình dù bị cấm đoán hay coi thường đủ chứng minh rằng dòng thơ lục bát ca dao có sức đánh động tâm thức văn hóa Việt Nam vì nó chính là món ăn thuần túy hợp khẩu nghệ thuật thi ca dân tộc. Ta có thể khẳng định, ca dao có trước Truyện Kiều dựa trên những bài ca dao liên quan đến những sự cố lịch sử như truyện công Chúa Huyền Trân. Và từ khi Nguyễn Du nâng thể thơ lục bát ca dao lên hàng thi ca văn học Việt Nam, các nhà thơ Việt Nam bắt đầu công khai sáng tác theo thể thơ lục bát. Như vậy, thơ Lục Bát Du Tử Lê có cội nguồn từ ca dao.

Lục Bát Du Tử Lê

Bàn về sơ qua về ca dao và Nguyễn Du để làm sáng lên Lục Bát Du Tử Lê. Gần đây, trong một tiệc rượu văn nghệ, bạn tôi, Nhất Chi Vũ, đã nhận xét rằng “Ta có thể ví lục bát (truyện Kiều của Nguyễn Du) là một khối vàng ròng, còn lục bát Du Tử Lê nhà những nữ trang được sáng tạo ra từ khối vàng này”, Việc bạn tôi dùng hai ẩn dụ vàng và nữ trang để so sánh Nguyễn Du và Du Tử Lê thoạt nghe hơi chướng, nhưng cũng có lý. Chính vì dòng thơ Lục Bát Ca Dao và Truyện Kiều là mỏ vàng hay đá quí thi ca Việt Nam và những nhà thơ, sau Nguyễn Du, sáng tạo ra được những vần lục bát đẹp thì cũng được coi như là những đồ trang sức được thiết kế hay gọt khắc từ vàng hay đá quí Ca Dao. Tại sao thơ Du Tử Lê từ lục bát đến các thể thơ khác đã được soạn thành ca khúc hay? Thưa vì dòng thơ Du Tử Lê mang nhạc tính ca dao. Nhạc tính ca dao dễ đi vào thính giác Việt Nam vì ngọt ngào quen thuộc.

Ngôn ngữ thi ca là ngôn ngữ bóng bảy, văn hoa, văn vẻ, gợi hình, và gợi cảm (Figurative language). Thơ là tinh hoa của ngôn ngữ. Nói theo ý của thi hào Heaney thì thơ chính là kết tụ tinh ròng của ngôn ngữ cũng như thủy tinh được kết tụ bằng sự hóa giải của các hóa chất. Và nghệ thuật thi ca phải có những đặc tính như không bị câu nệ ràng buộc, không nô lệ bởi giáo điều, không làm theo chỉ thị của đảng phái hay quyền lực, nhưng phải là hành động bộc phát từ cảm hứng (Heaney, 1988). Cũng theo Heaney, ngôn ngữ của thi ca bao gồm cả ảo mộng và hình ảnh (Heaney, 1995). Theo học giả Saunders (2006) thuộc viện giáo dục, đại học London thì thơ có những đặc tính như: thơ không phải là tranh luận, nhưng chỉ là sự diễn bày hay được diễn bày; thơ cống hiến tri thức hay sự nhận thức sâu sa nên thơ không phải là những định luật; thơ làm mới ngôn ngữ và hình ảnh; thơ phải có khả năng kích thích hồi ức, làm phong phú vô thức để độc giả có thể liên hệ được với những gì thâm sâu hay hào sáng của điều thi nhân diễn tả, và thơ là món quà thi sĩ ban tặng cho đời từ sự gạn lọc của ngôn ngữ. Nếu bạn đọc đồng tình với quan niệm về thơ như vừa trình bày, bạn sẽ bắt gặp ngay những điều này trong tuyển tập Lục Bát Du Tử Lê. Nếu thơ là tinh hoa gạn lọc qua việc đổi mới ngôn ngữ từ hình thức đến nội dung, độc giả sẽ công nhận rằng Du Tử Lê đã và đang làm việc này trong sáng tạo thi ca của ông.

Đổi Mới Hình Thức Trong Lục Bát Du Tử Lê.

Trong bài giới thiệu của nhà xuất bản, độc giả đã đọc qua vài nhận xét của các nhà lý luận văn học: Nguyễn Hưng Quốc và Bùi Bảo Trúc, và của nhà thơ danh tiếng Trần Dạ Từ về những sáng tạo hình thức và cấu trúc thơ Lục bát của Du Tử Lê. Tuy nhiên, tác giả bài thi luận này cũng mạn phép nêu lên vài nhận xét phụ kèm vào những nhận xét của các tác giả khác đã bàn về thi ca Du Tử Lê. Vì giới hạn hình thức và số chữ cố định của thể thơ lục bát nên việc đổi mới lục bát là việc khó làm. Nhưng, Du Tử Lê đã có được những dòng lục bát mới từ hình thức đến nội dung.

Có lẽ bài thơ đầu tiên (dựa theo sự xếp đặt các bài thơ trong tuyển tập này của tác giả) là bài “Trầm Ca Tháng Giêng” có hai câu trích dẫn sau:

Xin em đôi cánh tay mềm

Một bên nắng…dắt, một bên mưa…dìu.

(Trầm ca tháng Giêng, 1962)

Trong bài thơ trên, Du Tử Lê dùng 3 chấm hai lần trong một câu thơ để gây ấn tượng về sự níu kéo hay cảm giác kéo dài của hai hiện tương nắng và mưa. Dù là hai hình ảnh đối chọi nhau nhưng lại có công hiệu diễn tả ý của lời thơ. Đến bài thơ sau đây thì Du Tử Lê bước thêm một bước dài hơn về việc làm mới thơ lục bát.

người về quên trả cho tôi

áo phơi dây lạnh, còn hơi hướm, nồng

người về, phải thế hay không?

(Tưởng tượng Tôi)

Bài thơ “Tưởng Tượng Tôi” không thấy đề thời điểm sáng tác, nhưng sự đổi mới của bài này là câu kết của bài thơ. Tác giả bỏ lửng câu thơ sáu chữ có lẽ để nhấn mạnh điều thắc mắc chưa có trả lời hay không muốn biết sự thật về điều mình muốn biết. Qua việc chấm dứt bài thơ lục bát bằng câu sáu chữ, Du Tử Lê đã tạo nên một cấu trúc mới và bài thơ được “gói” hay “lồng” vào hai câu sáu chữ mở đầu và kết thúc. Về mặt tạo ấn tượng, khi bài lục bát kết bằng câu sáu chữ gây ra cho độc giả cảm giác hụt hẫng, băn khoăn, và bỡ ngỡ. Chính vì thế độc giả phải tiếp tục tự tìm ý của tác giả vì bài thơ không cho độc giả cảm giác thỏa mãn hay nói cách khác, bài thơ không có kết luận. Nói theo nhạc Jazz thì Du Tử Lê đã để cho độc giả được ngẫu hứng (improvise) tiếp tục tự tìm một câu tám chữ để làm đầy bài lục bát.

Từ việc sử dụng các dấu chấm trong câu thơ để gây ấn tượng hay tạo cảm giác, Du Tử Lê bắt đầu nhấn mạnh thêm về việc đổi mới thơ lục bát bằng cách dùng dấu chấm, dấu phảy, và dấu gạch ngang (–) hay dấu phất tới (/) để tạo ra nhịp điệu và tăng sức mạnh thêm cho lời và ý thơ. Bài thơ sau đây không biết có phải là bài lục bát đầu tiên mà Du Tử Lê đã dùng thuật phạm (văn phạm nghệ thuật) bằng cách chia ngắt các chữ, và câu trong thơ lục bát như sau đây:

về thôi ngày đã đủ rồi

nỗi – đau – xé – sợi miệng cười – ráo – khô

(Thơ ở cửa Thuận An)

Những gạch ngang chia và nối các chữ trong câu thơ tám chữ trên vừa có tác dụng nhấn mạnh từng trạng thái tình cảm và sự liên hệ của những trạng thái tâm hồn liên quan đến một sự cố, thái độ, hay tình trạng tâm linh. Từ thế kỷ 19, Emily Dickinson (1830-1886), nữ thi hào Hoa Kỳ cũng sử dụng các dấu chia câu của văn phạm, nhất là gạch ngang để tạo thêm ấn tượng và sức mạnh cho lời và ý thơ của bà (xem Bloom, 2004). Du Tử Lê dùng dấu phất tới (/), có lẽ, để chia nhịp điệu nhiều hơn là nhấn mạnh lời hay ý thơ.Thí dụ bài:

hàng cây, hàng cây, phương tây /.

gió: khô góc trái; ngực: lầy dấu đinh /.

nàng về, nàng về, vai thuôn

vòm tâm ấn tượng trí cường điệu, khoan /.

lìa nhau, lìa nhau, căm căm

đèo sưng sữa, muộn ; lũng lầm lửa, môi /.

trầm ta, trầm ta, thai đôi /.

xẻ banh da thịt : hiện ngôi giáo đường

(Phác họa Hoa Thịnh Đốn)

Đọc âm của bài thơ này theo các dấu chấm, phẩy, chấm than, hai chấm, hay dấu phất tới, ta có cảm giác như đang nghe một dòng nhạc Jazz với lời ca và tiếng nhạc lúc như nói chuyện, lúc như rỉ rê, và lúc như thôi thúc giục giã. Việc sử dụng dấu phất tới (/) ít khi được dùng trong thơ Anh Ngữ của Hoa Kỳ. Người ta chỉ dùng dấu phất tới để phân chia hai câu thơ khi trích dẫn trong bài viết hay dùng ở tựa đề bài thơ như một số bài thơ của nữ thi sĩ Kathleen Frazer (xem Down, 1984, tr. 77).

Việc Sử Dụng Thuật Ngữ Thi Ca Trong Thơ Du Tử Lê.

Giáo sư văn chương và học giả Harold Bloom gợi ý rằng thi sĩ thường dùng các phương pháp thuật ngữ (tropes) như: nghịch dụ (irony), biểu dụ (synecdoche), ám dụ, thế dụ hay hoán dụ (metonymy), và ẩn dụ (metaphor) để diễn tả ý thơ (Bloom, 2004). Trong bốn loại thuật ngữ thi ca này, có lẽ việc dùng ẩn dụ (metaphor) được thấy nhiều trong lục bát Du Tử Lê. Thường thì các ẩn dụ Du Tử Lê dùng mang tính gợi ý và gợi hình rất mạnh. Thí dụ trong câu thơ sau đây:

khi về hồn lụn bấc khêu

những chân cỏ sớm vàng rêu áo người

(Trong trí tưởng Huế)

Tảc giả dùng bấc đèn dầu để diễn tả tình trạng trầm cảm cao độ. Nếu bấc đèn đã lụn thì coi như đèn đã tắt hay cũng khó lòng “khêu” lên mà đốt nữa. Đấy chính là tình trạng tâm thần của người gần như tuyệt vọng khi trở lại tìm một điều gì hay hình ảnh gì của dĩ vãng nhưng dường như không còn nữa. Dù câu “Những chân cỏ sớm vàng rêu áo người” khó giải thích được nhưng các chữ và nhạc điệu của câu thơ cũng đủ làm người đọc hay nghe cảm được sự mất mát rất hoang đường. Ẩn dụ “chân cỏ vàng” gợi ngay trong trí người đọc một sự tàn phai vội vã. Trong bài Đêm, Nhớ Trăng Sài Gòn, Du Tử Lê đã dùng các ẩn dụ: “vết xe lăn”, “trăng viễn xứ”, và “hồn thanh niên vàng” một cách rất tài tình trong hai câu lục bát sau:

đêm về theo vết xe lăn

tôi trăng viễn xứ hồn thanh niên vàng

(Đêm, nhớ trăng Sài Gòn)

Về ẩn dụ “vết xe lăn” ta có thể hiểu được tâm trạng tẻ nhạt của người chứng kiến sự luân chuyển của thời gian cố định như ngày và đêm hay như những vòng quay bánh xe. Và “trăng viễn xứ” có thể được hiểu là sự lẻ loi cô độc của người ly hương. Tuy nhiên ẩn dụ “hồn thanh niên vàng” đưa ra hình ảnh đối chọi giữa trẻ và già, xanh tươi và tàn úa để diễn tả sự chán chường cùng cực hay tình trạng trầm cảm bệnh hoạn của người bỗng thấy mình rơi vào hố thẳm cô đơn và chia ly.

Trong tuyển tập Lục Bát này, Ngựa là một ẩn dụ được nhắc nhiều lần. Tác giả bài luận văn này có hỏi Du Tử Lê tại sao ông nhắc về ngựa nhiều lần trong thơ và được hồi đáp như sau:

“Đó (ngựa) là 1 hình ảnh đẹp. Ngựa có nhiều trong hội họa đông-tây lắm. Có thể vì anh tuổi ngựa, nó vào vô thức của anh, mà anh không biết…” Câu hỏi tại sao thi sĩ dùng ẩn dụ này thay vì ẩn dụ khác là câu hỏi không bao giờ có câu trả lời thỏa đáng vì có lẽ các ẩn dụ đã bộc xuất trong tác phẩm rất tự nhiên từ hồi ức thi ca sẵn có trong vô thức. Nhưng hình ảnh ngựa trong Lục Bát Du Tử Lê dường như là biểu tượng của cô độc (một mình một ngựa), sự gì đã mất mát, hay đã qua đi như:

Ngựa về buồn bã bao đêm

giây cương đã dứt ưu phiền chưa khuây

(Ngựa ca, 1963)

Đấy em ! Ngựa đã tan đàn

chúng ta càng lớn khôn càng chia xa

(Đoản khúc ngựa hoang, 1964)

Kết luận

Lục bát ca dao là hồn thơ Việt Nam. Thi sĩ sáng tác thơ bằng tiếng Việt phải có khả năng sáng tác thơ lục bát cũng như họa sĩ cần có khả năng căn bản về vẽ truyền hình hay phác họa chân dung của sự vật và con người. Tôi mượn lời học giả Phạm Quỳnh nói “Chuyện Kiều còn, tiếng Việt còn,” để thưa rằng “Lục bát còn, thi ca Việt còn.” Nguyễn Du, Qua Truyện Kiều, đã công khai bày tỏ thái độ chống lại sự đô hộ văn hóa của Tàu và nâng Lục Bát Ca Dao lên hàng thi ca chính thống của dân tộc. Gần hai thế kỷ, tính từ năm Nguyễn Du Qua đời đến nay, nhiều nhà thơ Việt Nam đã cố gắng cách tân thơ Lục Bát. Nhưng, có lẽ Du Tử Lê là nhà thơ đã thổi được vào dòng thơ lục bát một luồng gió mới với những sáng tạo giá trị từ hình thức đến việc sử dụng thuật ngữ thi ca. Thật vậy, một số nhà lý luận văn học Việt Nam đã công nhận sự thành công của ông trong việc làm mới thơ Lục Bát. Tuyển tập Lục Bát Du Tử Lê này là một đóng góp giá trị và quan trọng cho việc bảo tồn và thăng hoa dòng thi ca tinh ròng nguyên thủy Việt Nam.

Trần Thu Miên,

(Boston, Jan. 2015)

Tài Liệu Tham Khảo

Down, Philip (1984). 19 New American Poets of the Golden Gate. San Diego, CA: Harcourt Brace Jovanovich, Publishers.

Wodside, Alexander B (1983). The historical background, in trong Nguyễn Du: The Tale of Kiều (tr. xi-xviii). New Haven, CN and London, UK: Yale University Press.

Huỳnh, Sanh Thông (1983). Introduction, in in trong Nguyễn Du: The Tale of Kiều (tr. xix-xl). New Haven, CN and London, UK: Yale University Press.

Saunders, Lesly (2006). Something made in language: The poet’s gift? Management Decision, (Bộ/Vol) 44, (tr.) 504-501.

Bloom, Harold (2004). The best poems of the English language: From Chacer through Frost. New York, NY: Harper Collins Publisher.

Heaney, Seamus (1995). The redress of poetry, Oxford Lectures London: Farber.

Heaney, Seamus (1988). The government of the tongue. The 1986 T.S. Eliot Lectures and Other Cristal Writings. London: Farber.

……………………………………………………………………

THƠ TRẦN THU MIÊN

Lục Bát: Valentine và Tuyết
Nguồn:dutule.com – 02/14/2015 12:02 PM

Tác giả : Trần Thu Miên

Valentine

Valentine, anh tặng em
Trái tim chung thủy chưa hoen rỉ tình
Có cần chăng bó hoa xinh?
Trao nhau mới biết tình mình yêu nhau!!!
Valentine, có gì đâu?
Đã yêu ngay thuở mái đầu còn xanh!
Valentine, trên bờ môi:
Không viên kẹo ngọt vẫn thơm vị tình!
Valentine, anh nhủ mình
Yêu em yêu cả cực hình em ban.

Tuyết

Tuyết-tuyết-tuyết-tuyết rơi đều
Ra vườn anh hứng, tặng em, hoa trời
Những bông hoa trắng tinh khôi
Dẫu mong manh tựa cuộc đời quanh ta
Mai này về cõi bao la
Có còn không những đóa hoa vô thường
Tuyết rơi rơi-ngập phố phường
Anh đưa em bước ra đường rong chơi
Môi gần môi ấm bờ môi
Vai kề vai, trắng mái đầu khói sương
Bỗng dưng anh nhớ sân trường
Nơi anh vẫn đứng, cuối đường, chờ em
Mùa đông tuyết phủ vai mềm
Môi thanh xuân ấy còn nguyên nụ cười
Tuyết rơi rơi, kỷ niệm tươi
Nhớ mùa đông ấy, yêu người trăm năm

Trần thu miên, tháng 2/ 2015 Boston

………………………………………………………………..

Thơ Ngọc Hoài Phương
Nguồn:nguoiviet.com-Tuesday, October 15, 2013

Nửa vời

Chập chờn đếm tháng ngày qua
Người đi, đi tuốt,
Người xa, nửa vời.
Người xưa “bán muối”cả rồi
Ta còn ở lại ngó trời bâng quơ.

============

Thơ Ngọc Hoài Phương
Nguồn:Sống Magazine – 02/12/2015

Tác giả : Ngọc Hoài Phương/Sống Magazine

hoai phuong

Nắng Xuân, không ấm đời luân lạc

Quê cũ mù xa, chặn lối về

Mưa bụi

Cuối năm mưa bụi, nhớ nhà.

Bốn mươi năm vẫn còn xa đường về

Gom buồn từ buổi ra đi

Mỗi lần mưa bụi, lại se thắt lòng.

Say

Một góc rừng hoang, ta ở đây

Trải bao năm tháng, chẳng ai hay.

Thế gian rối rít trò điên đảo

Ai tỉnh? Ta vờ ngất ngưởng say.

Đã già rồi sao?

Mỗi ngày nâng chén bên hoa

Chưa say mà, tuổi đã già rồi sao?

Em, không thèm nói câu nào

Chỉ hơi nhếch mép,

Thì thào gió Xuân…

Đất khách chiều nay, buồn chết mẹ.

Xuân về. Lạ nhỉ!, lạnh thấy cha.

======

THƠ KIM TUẤN

KIM TUẤN Chiều Mưa Bay
Nguồn:dutule.com- 03/20/2015

*Chọn thơ: Hồ Đình Vũ

chieu mua bay

Sân ga chiều mưa bay
Nhìn em không dám nói
Nhìn em không dám nói

Tình riêng dìu nhau sầu
Cầm tay em giá lạnh
Sân ga chiều mưa mau

Trời không thương hai đứa
Mưa giăng mờ chuyến tàu
Làm sao anh cúi mặt
Làm sao còn thấy nhau

Em ơi trời giá lạnh
Mưa giăng mờ chuyến tàu
Đèn thắp buồn ga nhỏ
Biết bao giờ thấy nhau

Kèn trầm run tiếng thở
Chiều đưa em lên tàu
Mưa sao bằng nước mắt
Em khóc chiều hôm nay

Tàu đi người ở lại
Buồn rưng rưng phương này
Tàu đi sầu để lại
Ga nhỏ còn mưa bay

(Trích trong tập Buồn Thơ 1961)

Bài thơ này đã được nhạc sĩ Tấn An phổ thành bài hát Ga Nhỏ Chiều Mưa

…………………………………………………………………………………

Một bài thơ xưa của Du Tử Lê: “Khi người về”

Nguồn: SÀU ĐÔNG online- Tháng Tư 10, 2012 bởi nguyenchan

Đôi giòng:

Đây là một trong những bài thơ hay từ trước 1975 của Du Tử Lê, nay ít thấy phổ biến ở hải ngoại. Một số câu thơ trong bài như “… Quanh co một nỗi buồn vô hạn – Qua suốt một đời vẫn nhớ nhung,….Lá me vàng rụng con đường nhớ – Tôi nghĩ về người đêm ngày tôi xanh xao.” cho thấy một hồn thơ lãng mạn, bi lụy từ rất sớm* của nhà thơ họ Lê.

Khi Người Về

Du Tử Lê

Người về đâu không người không về đâu
Chiều chưa mưa nên chiều chưa thay màu
Tôi cây me đứng run từng lá
Lá đã vàng rồi tôi đã vàng theo

Tình người say không tình người không say
Đêm sắp sang nên đêm sắp ùa đầy
Hồn tôi ngủ sớm trong tay áo
Tay áo người bay hương ngất ngây

Người yêu ai không người không yêu ai
Lời tôi van xin lời tôi trải dài
Trên trang nhật ký tôi than trách
Tôi trách than người không tôi trách than ai

Khi người về tôi không nhìn không trông
Lòng tôi sông nước đủ trăm dòng
Quanh co một nỗi buồn vô hạn
Qua suốt một đời vẫn nhớ nhung

Người không về nên lòng người dửng dưng
Tình tôi mong nên tình tôi khôn cùng
Xế trưa sân nắng sầu con gió
Tôi gió may nhiều tôi tủi thân

Người thương người không người không thương
Tôi xa xôi nên tôi chả được gần
Người kiêu sa thế tôi đành ước
Vôi vữa cho người lát tuổi xuân

Người không về nên tôi cũng chả buồn đi
Bao nhiêu dự tính có ra gì
Bèo trôi từng lớp trên lưng sóng
Tôi quá chân rồi tôi giết tôi

Người phương nào người có nghe nôn nao
Tôi ở đây nghe lòng tôi rì rào
Lá me vàng rụng con đường nhớ
Tôi nghĩ về người đêm ngày tôi xanh xao.

*dấu báo những bài thơ rất ‘ướt’ , rất ‘bắt’ giới nữ sau này!

Nguồn: Thica.net

………………………………………………………..

GIỚI THIÊU tác phẩm: Lục Bát Yêu ThươngTác giả: Du Tử Lê (NN)

luc bat 5

Lục Bát Yêu Thương (Thơ Du Tử Lê)
Nguồn:dutule.com- 02/10/2015

Tác giả: Du Tử Lê
Giá bìa: $18.00
Amazon: $18.00

Vài ghi nhận về Lục Bát Du Tử Lê.

“…Du Tử Lê rất tự giác trong việc cách tân thơ lục bát, đặc biệt ở khía cạnh nhạc điệu. Thơ ông có cách ngắt nhịp lạ. Thông thường, câu bát trong cách ngắt nhịp kiểu 2/2/2/2 hoặc 4/4, thỉnh thoảng là kiểu 3/3/2. Du Tử Lê thêm những cách ngắt nhịp mới, dường như chưa từng có trước ông. Ngắt nhịp theo kiểu 3/1/3/: Cõi hoang mang /vội/ cõi thề thốt/quên. Ngắt nhịp theo kiểu: 2/2/3/1: Cõi con/muốn bỏ/ cõi chồng vợ/ xa. Đọc nhiều bài thơ khác nữa của Du Tử Lê, tôi thấy rõ ràng ông cố gắng khai thác đến tận cùng mọi khả năng ngắt nhịp để làm giàu có thêm nhạc điệu của thơ lục bát. Đóng góp của ông, về phương diện này không thể không công nhận…”

(Nguyễn Hưng Quốc, trích “Nghĩ về thơ”, trang 139, Nhà XB Văn Nghệ, California, 1989)

“…Tất cả những tiếng trong câu 6 đều là vần bằng. Xúc động không còn nữa. Chỉ còn nỗi mệt mỏi, rã rời. Chỉ còn sự nhàm chán của những âm không dấu hoặc dấu huyền để đi xuống cuối câu. Tình cảm mất hết sự sôi động ở trong, nỗi chán trường được đưa xuống tận đáy sâu thấp nhất.

“Nỗ lực cách tân về âm luật lục bát tình cờ đem lại cho tác giả một cách diễn tả tình cảm rất mới. Hay chuyến đi tìm một cách diễn đạt tình cảm mới đã đưa tới cách tân về âm luật?

“Câu trả lời như thế nào không quan trọng ở đây nữa. Đáng kể là khám phá mới của ông…

“Nghệ sĩ phải luôn luôn làm mới con người của mình, làm mới nghệ thuật của mình. Du Tử Lê đã làm công việc đó…”

(Bùi Bảo Trúc, trích “Lục bát và những đóng góp của Du Tử Lê”, Tạp chí Thế Kỷ 21, Hoa Kỳ, số 44, tháng 12-1993).

“…Qua Truyện Kiều, Nguyễn Du đã công khai bày tỏ thái độ chống lại sự đô hộ văn hóa của Tàu và nâng Lục Bát Ca Dao lên hàng thi ca chính thống của dân tộc. Gần hai thế kỷ, tính từ năm Nguyễn Du qua đời đến nay, nhiều nhà thơ Việt Nam đã cố gắng cách tân thơ Lục Bát. Nhưng, có lẽ Du Tử Lê là nhà thơ duy nhất đã thổi được vào dòng thơ lục bát một luồng gió mới với những sáng tạo giá trị từ hình thức đến việc sử dụng thuật ngữ thi ca. Thật vậy, một số nhà lý luận văn học Việt Nam đã công nhận sự thành công của ông trong việc làm mới thơ Lục Bát. Tuyển tập Lục Bát Du Tử Lê này là một đóng góp giá trị và quan trọng cho việc bảo tồn và thăng hoa dòng thi ca tinh ròng nguyên thủy Việt Nam…”

(Trần Thu Miên, trích Bạt “Tuyển tập Lục Bát Yêu Thương- Du Tử Lê”).

“…Lại nữa, chúng tôi cũng thấy nên ghi nhận thêm ở đây rằng, nhà thơ Du Tử Lê từ nhiều chục năm trước đã chủ trương ra khỏi bài lục bát của mình bằng câu sáu…Hàm ý mời người đọc ông, nếu cao hứng có thể tham dự trực tiếp vào bài thơ với câu tám còn bỏ ngỏ…”

(Nhà XB Sống, trích “lời nói đầu “Tuyển tập Lục Bát Yêu Thương- Du Tử Lê”).
Xem thêm
Lục Bát Yêu Thương (Thơ Du Tử Lê) (02/10/2015 01:37 PM) (Xem: 186)

………………………………………………….

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics