1.Mặc Lâm: ‘Bàng Bạc Gấm Hoa' ..(DTL)2.-.Báo chí miền Bắc thời Pháp thuộc ..(Fwd)

Mặc Lâm: ‘Bàng Bạc Gấm Hoa’ thoát thai từ hồn tính dân tộc

Nguồn: Du Tử Lê/Người Việt – July 29, 2017

                                                                                                         
Nhà báo Mặc Lâm. (Hình: Uyên Nguyên)

Với tôi, tủ sách Người Việt Books, ngày càng cho người đọc nhiều tác phẩm giá trị, ở nhiều lãnh vực khác nhau của đời sống, tinh thần người Việt tỵ nạn. Mới đây nhất, sau “Tuyển Tập Truyện Ngắn Vũ Thư Hiên,” là tập tản văn “Bàng Bạc Gấm Hoa” của Mặc Lâm.

Khi những tác phẩm đó, phát hành, tôi đã đặt mua ngay một cuốn cho riêng tôi.

***

Đầu thập niên 1980 thế kỷ trước, khi Mặc Lâm còn định cư ở thành phố Portland, Oregon, tôi đã có cảm tưởng thành phố hiền hòa, thành phố duy nhất của nước Mỹ bao la, được gọi một cách thương yêu là “Thành phố hoa hồng” – “Rose City,” sẽ không thể giữ chân người thanh niên năng động nhiều sáng kiến này. (*)

Ở thời điểm đó, với bút hiệu Hoàng Phố, Mặc Lâm là một thành viên sáng lập Hội Họa Sĩ Việt Nam Oregon. (Đó cũng là thời điểm họa sĩ Rừng/Nguyễn Tuấn Khanh, cùng gia đình mới tới Mỹ, chọn Portland làm nơi dừng chân thứ nhất của đời tị nạn, trước khi di chuyển về miền Nam California).

Qua những họp mặt, những tâm sự, thao thức về những suy nghĩ mới mẻ bất ngờ của Mặc Lâm, tôi nghĩ, dòng sông Willamette river, có thể giữ chân một Từ Công Phụng, tài hoa, sau nhiều năm, tháng gập ghềnh sóng gió nhân sinh – Hay tiếp theo, sau này là quyết định đưa gia đình từ Nam California về định cư tại Rose City của một Vũ Thành An (lãng mạn đỉnh ngọn với 10 bài không tên)… sau những bầm giập, mệt mỏi từ dư luận… Nhưng Mặc Lâm thì không.

Tôi hiểu, thấu hiểu cụm từ “đất lành chim đậu” với những dòng sông sương mù, buổi sáng; biển lớn của nắng ấm ban trưa, hiền hòa; êm ả từ những thăm hỏi, những tình thân. Hay những đêm mưa rả rích người ta tìm đến với nhau qua những ly café bốc khói, khơi nguồn bao kỷ niệm, xa xưa… Nhưng, tất cả những êm đềm, những tình cảm gắn bó này, tôi nghĩ, vẫn không thể triệt tiêu nhu cầu thiên di của một tâm hồn thường trực khát khao nắng, gió chân trời của Mặc Lâm…

Tôi cho rằng, bất cứ đời chim khát khao vùng trời bát ngát nào, trước sau gì, cũng tìm tới khoảng trời cao, rộng, để thử sức bình sinh.

Vì thế, sau nhiều năm, tháng, hai chữ Hoàng Phố, gần như “biến mất” khỏi mọi sinh hoạt của Porland, tôi đã không ngạc nhiên, khi được biết có sự xuất hiện tươi, mới của một nhà báo tên Mặc Lâm trên làn sóng RFA (đài Á Châu Tự Do), trụ sở Washington, DC. Và, người đó, chính là Hoàng Phố, ở Portland, ngày nào.

Với những trải nghiệm tự thân, từ những năm tháng còn lao đao, vất vưởng ở quê nhà, qua những kiến thức học được từ trường ốc và, sách vở ở phần đất tự do này, tôi cũng không ngạc nhiên khi thấy một sớm một chiều, qua đài phát thanh RFA, Mặc Lâm đã hóa thân thành một trong vài nhà báo xuất sắc nhất ở lãnh vực văn học nghệ thuật.

Là một người làm thơ (đôi khi còn phổ một số thơ theo bộ môn cải lương, để trình diễn trên sân khấu); nên khi nhận định về thi ca qua những bài phát thanh của mình, Mặc Lâm luôn cho thấy anh có một cái nhìn sâu, lắng… với những phát hiện hoặc, những câu hỏi nằm ở bên kia, rất xa, sau các con chữ…

Người ta cũng thấy rõ sự kiện đặc biệt hay tính thâm, sâu này, nơi những lãnh vực khác, như văn xuôi, hội họa, âm nhạc… khi Mặc Lâm bước vào, ở lại.

Tôi không nghĩ đơn giản: Đó là những gì nhà báo tích lũy lâu đời, trong tàng-thức của anh! Mà, nó còn là cộng hưởng của những nỗ lực “home-work” trước khi Mặc Lâm dấn thân, tâm vào một vấn đề, một thể tài nào đó.

Đặc biệt, nhiều người cho thấy sự thích thú bất ngờ của họ về những bài viết (phát thanh) của Mặc Lâm. Chúng luôn bật sáng – luôn hiện ra với nhiều khác biệt, khi so sánh với những nhà báo viết bài cùng thể loại. Tôi cho rằng, đó là khác biệt tự nhiên, đương nhiên giữa một nghệ sĩ làm truyền thông với một ký giả thuần túy.

Từ chỗ đứng của mình, nhà văn Phạm Phú Minh, trong lời tựa mở vào “Bàng Bạc Gấm Hoa” viết:

“…Từ nhiều năm qua thính giả của đài Á Châu Tự Do đã được nghe nhiều bài viết về văn hóa, văn học của Mặc Lâm, rồi sau đó được đọc trên trang nhà của đài. Nhưng dù nội dung của loạt bài đó có phong phú và linh hoạt thế nào đi nữa, chúng cũng chỉ đóng vai trò một mục của cơ quan truyền thông lớn, đến rồi đi, để nhường chỗ cho những chương trình tiếp nối như một dòng sông trôi chảy không bao giờ ngừng. Tâm lý con người trong thời đại truyền thông hiện nay thường bị phân tán do lượng thông tin lớn lao tràn ngập hằng ngày, khó có thể dừng lâu một chỗ nào.”

“Quyết định của nhà văn Mặc Lâm tập trung phần lớn các bài mình đã thực hiện để trình bày trên làn sóng điện – của đài phát thanh lẫn trang blog – để in thành một cuốn sách như hôm nay là một việc cần thiết. Cần thiết cho tác giả thì đã hẳn: một tuyển tập của những gì chính mình đã viết như một chứng tích các hoạt động văn hóa của của đời mình trong nhiều năm, đó là nhu cầu rất chính đáng của bất cứ một người cầm bút nào.”

“Nhưng lợi lạc của cuốn sách này mang lại, theo tôi, chính yếu thuộc về giới đọc sách. Quần chúng độc giả sẽ được thưởng thức một tuyển tập đặc biệt về nhiều vấn đề, từ các tác giả văn học như Mai Thảo, Võ Phiến, Dương Nghiễm Mậu, Bùi Giáng, Nguyên Sa, Cung Tiến, Nguyễn Đức Sơn, Lê Tất Điều/Cao Tần, cho đến Nguyễn Quang Tấn, Nguyễn Duy, Phạm Tiến Duật, Trần Vàng Sao; các sinh hoạt ca hát dân gian như Hát Xoan, Ca Trù, Quan Họ, Bài Chòi, Đờn Ca Tài Tử Nam Bộ, đến những nét đẹp trong nghệ thuật tạo hình từ quá khứ (tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống…) tới các họa sĩ hôm nay như Ann Phong, Hồ Thành Đức và Bé Ký, Phạm Tuấn Dũng…”

“Tất cả những bài viết đó hôm nay được tập trung lại thay vì mất hút theo thời gian. Cuốn sách không dày nhưng chứa sức nặng của năm tháng lẫn sức nặng của sự quan tâm, nghiên cứu, hỏi han một cách cẩn trọng mỗi khi thực hiện một đề tài. Tác phẩm nay do đó mang một ý nghĩa tinh thần rất đáng trân trọng: Những nét đẹp khác nhau của nền văn hóa Việt Nam được nhắc nhở đến, mỗi bài như một tiểu phẩm để trình bày trong một chương trình phát thanh hoặc một bài báo, nhưng công lao, tấm lòng lẫn tinh thần mà tác giả đã gửi gấm trong đó thì tôi nghĩ không nhỏ chút nào.”

Thực vậy, với 39 bài viết, chia cho ba chủ đề: Tác giả, tác phẩm; Văn hóa dân gian, và Nét đẹp Việt, chúng không chỉ công phu, mà còn mang tới cho người đọc nhiều cảm thức bùi ngùi hãnh diện về những thành tựu của truyền thống văn hóa nhân bản Việt. Những thành tựu thoát thai từ trái tim nung nấu hồn tính dân tộc của Mặc Lâm; đã mang lại cho chữ, nghĩa Mặc Lâm, độ chín và tâm thành hiếm thấy trong sinh hoạt văn hóa của chúng ta, ở quê người, nhiều chục năm qua.

Du Tử Lê

(Kỳ sau tiếp)

—-
Chú thích:
(1) Theo Wikipedia – Mở thì, lần đầu tiên Portland được gọi tên Rose City / Thành Phố Hoa Hồng là vào năm 1888 do những du khách đến dự một hội nghị của Giáo Hội Tân Giáo (Episcopal Church). Biệt danh đó nhanh chóng trở thành quen thuộc sau cuộc triển lãm mừng sinh nhật 100 năm cuộc thám hiểm của Lewis và Clark năm 1905. Cũng trong ngày đó Thị Trưởng Harry Lane đề nghị thành phố cần một ngày Lễ Hội Hoa Hồng. Lễ Hội Hoa Hồng Portland lần đầu được tổ chức hai năm sau đó và tiếp tục là ngày lễ hội chính hằng năm cho đến bây giờ.

…………………………………………………………………………………

 Fwd: Fw: Báo chí miền Bắc thời Pháp thuộc: Từ Lý Toét, Xã Xệ đến Tự Lực Văn đoàn
From Ngoc Thanh Dam to:….,me
Sent: Tuesday, July 18, 2017 8:33 PM

Subject: Báo chí miền Bắc thời Pháp thuộc: Từ Lý Toét, Xã Xệ đến Tự Lực Văn đoàn

Báo chí miền Bắc thời Pháp thuộc: Từ Lý Toét, Xã Xệ đến Tự Lực Văn đoàn

Họa sĩ Nhất Linh Nguyễn Tường Tam
(Tranh của họa sỹ Nguyễn Gia Trí)
Họa sĩ Đông Sơn (tức Nguyễn Tường Tam) – cha đẻ Lý Toét.

Hai tờ tạp chí nổi bật nhất miền Bắc thời Pháp thuộc là Phong Hóa (1932 – 1936) và Ngày Nay (1936 – 1939) vì lý do cả hai tờ báo gần gũi với người đọc hơn nếu so với các báo ra đời trước đó. Đó cũng là quy luật tất yếu của nghề báo: độc giả thích đọc những gì mình quan tâm hơn là đọc những gì người làm báo, viết báo quan tâm.
Phong Hóa là một tuần báo đã trải qua hai thời kỳ rõ rệt:
(1)     từ số 1 (ra ngày 16/6/1932) đến số 13 (ra ngày 8/9/1932) do Phạm Hữu Ninh làm Quản lý (Administrateur) và Nguyễn Hữu Mai làm Giám đốc Chính trị (Directeur politique);
(2)     từ số 14 (ra ngày 22/9/1932) đến số cuối cùng (số 190, ra ngày 5/6/1936) do Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh) làm Giám đốc (Directeur).

Tháng 6/1935, Phong Hóa bị nhà cầm quyền bảo hộ ra lệnh đóng cửa 3 tháng, rồi lại được tiếp tục xuất bản cho đến số 190 (ra ngày 5/6/1936), thì bị đóng cửa vĩnh viễn. Đây chính là tờ báo trào phúng đầu tiên trong lịch sử báo chí Việt Nam kể từ số 14 trở đi.

Trong bối cảnh hàng loạt các nhà yêu nước rơi vào tình trạng tù đày, mọi hình thức đấu tranh hầu như bị triệt tiêu thì Nguyễn Tường Tam [*], với bằng Cử nhân Khoa học, trở về Hà Nội sau thời gian du học từ Pháp. Tại Pháp, ngoài việc học hỏi những kiến thức về khoa học, ông Tam còn chuyên tâm nghiên cứu về nghề báo. Ông nhận thấy loại báo trào phúng là khá thích hợp với sở thích của độc giả người Việt.

Về Hà Nội, để thực hiện ước vọng của mình, Nguyễn Tường Tam nộp đơn xin Sở Báo chí cho phép ra báo Tiếng Cười, tuy nhiên chỉ được trả lời bằng câu… “chờ xét”. Trong thời gian đợi giấy phép ra báo, Nguyễn Tường Tam xin vào dạy học tại trường tư thục Thăng Long, tại đây, ông quen biết với hai đồng nghiệp là Trần Khánh Giư (Khái Hưng) và Phạm Hữu Ninh.

Khi biết ông Ninh đang làm quản lý cho tờ Phong Hóa, đã ra 13 số báo, nhưng sắp sửa phải đình bản vì không thu hút được người đọc, Nguyễn Tường Tam ngỏ ý mua lại tờ báo. Sau đó, ông Tam, với vai trò giám đốc, thành lập một ban biên tập mới gồm một nhóm anh em bạn hữu trong đó có: Khái Hưng vốn là cây bút chủ lực giữ nhiều mục quan trọng trên báo Phong Hóa, Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu), Hoàng Đạo ( tức Nguyễn Tường Long, em kế của Nhất Linh), Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân, em áp út của Nhất Linh)…

Bắt đầu ngày 22/09/1932, báo Phong Hóa số 14 ra 8 trang khổ lớn, bước sang giai đoạn mới, được đánh giá là… một quả bom nổ giữa làng báo. Tôn chỉ đầu tiên của tuần báo Phong Hóa là đả kích những gì cũ kỹ của xã hội Việt Nam, và chủ trương một đời sống mới, thích hợp với phong trào lãng mạn của thời đại.
Ban đầu, tòa soạn và ban trị sự của báo Phong Hóa đặt tại trường Thăng Long ở góc phố hàng Cót (thời Pháp là Rue de Takou) và phố cửa Bắc (Carnot), Hà Nội. Ít lâu sau, báo  dời về số 80, phố Quán Thánh (Avenue du grand Bouddha). Ngoài ra, báo còn có chi nhánh ở Sài Gòn trên đường La Grandière (đường Gia Long dưới thời VNCH và ngày nay là đường Lý Tự Trọng).


Trang bìa Phong Hóa, số 125

Nhà văn Nguyễn Thị Vinh cho biết, “Ngay từ khi nhận tờ Phong Hóa do Phạm Hữu Ninh giao lại năm 1932, với tư cách là giám đốc kiêm quản lý, Nhất Linh đã tính tới việc tập hợp một số nhà văn, nhà thơ cùng một chí hướng ‘Chống phong kiến, chống thực dân’, phổ biến những quan niệm nhân quyền và dân quyền, trình bày những quan niệm về tiến bộ cá nhân, gia đình và xã hội, đặc biệt là khơi dậy lòng yêu nước của người mình”.

Ngoài ra, để báo ngày thêm phong phú, Nguyễn Tường Tam đã rất chú trọng đến việc chiêu hiền đãi sĩ, khiến các văn nghệ sĩ thường xuyên góp bài viết và tranh vẽ. Trong số đó phải kể đến các nhà văn, nhà thơ như Huy Cận, Trọng Lang, Đoàn Phú Tứ, Đỗ Đức Thu, Trần Tiêu, Thanh Tịnh, Phạm Cao Củng, Nguyễn Khắc Hiếu, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Đinh Hùng, Nguyễn Công Hoan, Vi Huyền Đắc, Nguyễn Tường Bách… Đặc biệt, Phong Hóa còn có sự góp mặt các họa sĩ Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Cát Tường (Lemur), Lê Minh Đức….


CON LÝ TOÉT – A ha! Tam anh chiến nhất Bố

(Tranh của họa sĩ Tô Ngọc Vân)
Nguyễn Vỹ kể lại trong Văn thi sĩ tiền chiến: “Tuần báo Phong Hóa số 1, trẻ con ôm đi bán rong, vừa chạy vừa la inh ỏi, khắp các phố phường Hà Nội. Thiên hạ tò mò mua xem, báo ‘bán chạy như tôm tươi’. Lý do: báo Phong Hóa đăng đầy những bức vẽ, những mục khôi hài, chế giễu tập tục “phong hóa An Nam”.

Ai đọc báo Phong Hóa cũng không thể nhịn cười, và mỗi tuần ai cũng chờ đến ngày báo Phong Hóa phát hành để mua một tờ đọc cười chơi. Tuần báo Phong Hóa thật đã đem một không khí ‘cười nhộn’ khắp thành phố Hà Nội, một cố đô cổ kính nghiêm nghị của ‘nghìn năm văn vật’.

Theo Nguyễn Vỹ, người đọc bình dân, từ cô sen, cậu bồi, đến các lớp học sinh, thanh niên nam nữ và công tư chức đều cười rũ rượi khi đọc những mẩu chuyện hóm hỉnh và nhìn những bức vẽ rất tức cười, chế nhạo nào ông Lý Toét Đình Dù, “nhà quê ra tỉnh” ngớ ngẩn trước các sự kiện “văn minh”, tân tiến của thời đại, nào là các chuyến xe đò chở đầy nghẹt dân quê lẫn lộn với heo gà, nào người mù đi không thấy đường ngã tòm xuống lỗ cống trên bờ lề đường phố… Chẳng hạn trong bức tranh Lý Toét ra tỉnh dưới đây vẽ cảnh phu lục lộ đào đường, Lý Toét thắc mắc:

LÝ TOÉT (lẩm bẩm): Quái! Người ta chôn ai mà đào dài vậy??

Nhiều bức vẽ do nét bút khôi hài của họa sĩ Đông Sơn (tức Nguyễn Tường Tam) mà ta gọi là hí họa đã chinh phục người đọc, kể cả đàn bà và trẻ con ngay từ những số đầu tiên. Sau đó, báo Phong Hóa vẽ và chế giễu các nhân vật trí thức, trung lưu và thượng lưu có đôi chút tiếng tăm trong xã hội đương thời, khiến các giới ấy cũng phải mua Phong Hóa để xem.


LÝ TOÉT (lẩm bẩm) – Cái chuông quái gì mà giật lại kêu oai oái!

Ông giáo sư Lê Công Đắc bị báo Phong Hóa đặt cho biệt danh là Con gà ba chân. Số là  bà Bé Tý, quả phụ của một ông Tây Chánh chủ Sở Bưu điện Hà Nội, ở phố Hàng Bạc, đã nổi tiếng nhờ chuồng thú của bà có nuôi nhiều con vật lạ, trong số có một Con Gà Ba Chân. Phong Hóa cho rằng Lê Công Đắc là một con quái vật như con gà ấy!
Dưới mắt Phong Hóa, luật sư Lê Thăng là con đĩ đánh bồng, tiến sĩ khoa học Nguyễn Công Tiễn chuyên chữa bịnh toi gà, ông Nguyễn Văn Vĩnh thì bụng bự, ông Nguyễn Văn Tố được gọi là ông Búi Tó, Nguyễn Tiến Lãng lại là con ve sầu còn thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu lúc nào cũng say túy lúy…

Trên hí họa Ông Nguyễn Khắc Hiếu dậy văn chương của Tuly (Tứ Ly, Hoàng Đạo) có caption: Tản Đà: Các ngài muốn hỏi tôi cách làm thơ ru? Khó gì đâu: tửu nhập thi xuất!

Tản Đà lúc nào cũng… say túy lúy

Cái khôn khéo của Nguyễn Tường Tam là biết lợi dụng đúng lúc sự chán nản của tinh thần thanh niên và dân chúng để phát hành tờ báo Phong Hóa, chuyên về hài hước, cốt làm cho độc giả cười nhưng lại phải suy gẫm. Ông dùng giọng trào phúng để đả kích cái phong hóa cũ kỹ của xã hội Việt Nam qua hai nhân vật lố bịch mà ông đặt tên là Lý Toét và Xã Xệ. Họ tượng trưng cho tất cả những gì hủ lậu, quê mùa, ngớ ngẩn của người An Nam trước cái văn minh tân tiến của Pháp.

Cái “tên” Lý Toét được ra đời trước rồi mới đến “hình hài” của Lý Toét được vẽ ra sau. Khởi thủy, nhân vật Lý Toét được Tú Mỡ khai sinh từ năm 1930 trên báo Tứ Dân và sang đến Phong Hóa, Lý Toét mới xuất hiện lần đầu tiên trên báo với hình ảnh một ông già nhà quê, có chức lý trưởng trong làng nên được goi là Lý. Cụ Lý vốn bị bệnh đau mắt hột từ bé, thành ra kèm nhèm như viền vải tây, ngày xưa ta gọi là… mắt toét. Việc nhập hai chữ Lý và Toét vào nhau thành tên chứ Lý Toét cũng là cả một nghệ thuật khôi hài.

Nhân vật Lý Toét đã đi vào cuộc sống của mọi người thời đó. Hồi còn ấu thơ, tôi nhớ mãi câu: “Ông Lý Toét đi đôi giày chuột khoét…”. Người ta quen với hình ảnh Lý Toét đầu đội khăn đóng, tay xách ô (nhưng ít khi giương ra), chân thỉnh thoảng mang giầy Gia Định (vì ông sợ giầy mòn nên thường cặp vào nách hay treo vào cán ô!)…


TẬP KIỀU
Đội giời đạp đất ở đời
Nguyễn Văn Lý Toét vốn người Việt Nam

Lý Toét biết đọc chữ quốc ngữ, biết ít chữ nôm, chữ nho, nhưng lại hoàn toàn không hiểu tiếng Pháp, nên có nhiều phen nhầm chữ nọ sang chữ kia. Vì nghèo nên Lý Toét tham ăn, lại nghiện rượu, tính ích kỷ, chỉ muốn mình được phần to, thêm nữa, không hiểu gì về vệ sinh, ăn ở dơ bẩn…

Lý Toét rất mê tín, thờ đủ mọi loại thần thánh, từ con cóc sành trên bể nước ngoài vườn hoa, đến con hổ sống trong chuồng Vườn Bách thú Hà Nội. Vì cả đời sống ở thôn quê nên mỗi khi ra tỉnh Lý Toét thấy hoàn toàn khó hiểu khi nhìn những thứ văn minh ngoài phố, chẳng hạn như thấy vòi nước công cộng ông nghĩ bụng: Quái! bia ai mà lạ vậy!


LÝ TOÉT RA TỈNH

Lý Toét nghĩ: Quái! bia ai mà lạ vậy!!
Báo Xuân Phong Hóa, số 85, cho biết vợ con Lý Toét ở quê rất lếch thếch nhưng lại có một cô con gái lớn tên là Ba Vành, cô này xưa bỏ nhà ra đi, rồi lấy Tây. Thỉnh thoảng cụ Lý có xuống vùng mỏ thăm con gái. Họa sĩ Kỳ Nam vẽ bức tranh Lý Toét bị phạt 3 tháng tù vì tội gửi thư bằng con tem đã đóng dấu,Lý Toét ngây thơ, tự biện hộ trước tòa: “Bẩm ngài xét xử cho chứ lần nào con nhận được thư của cái Ba Vành gửi về là cũng thấy tem có đóng dấu!”.

Năm 1930, trên báo Tứ Dân, lần đầu tiên xuất hiện một nhân vật có tên Lý Toét do Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu) giới thiệu nhưng phải đợi đến Phong Hóa hình tượng của nhân vật này mới có mặt trên báo qua nét vẽ của họa sĩ Đông Sơn (Nguyễn Tường Tam). Ngay từ số báo Phong Hóa số 14, Lý Toét đã xuất hiện trong bức tranh chuyến xe ra tỉnh, Nhất Linh để ông ngồi trên mui xe giữa một rừng người và súc vật.


Lý Toét xuất hiện lần đàu tiên trên báo Phong Hóa, Số 14

Cho tới nay, có người bảo họa sĩ Nguyễn Gia Trí đã sinh ra Lý Toét vì căn cứ vào bút hiệu viết tắt Gtri trên một số tranh vẽ. Rồi sau đó, ai vẽ cũng được, dù là họa sĩ hay người yêu hội họa, miễn là bức tranh có ý nghĩa Phong Hóa vàNgày Nay đều đăng. Người đó có thể là Đông Sơn (tức nhà văn Nhất Linh), hay Tô Tử hoặc Ái Mỹ (họa sĩ Tô Ngọc Vân), hoặc Lemur (họa sĩ Nguyễn Cát Tường, người vẽ kiểu áo dài tân thời Lemur).

Cha đẻ của Xã Xệ lại là họa sĩ Bút Sơn, từ Saigon gửi tranh vẽ ra Hà Nội. Bút Sơn tạo ra Xã Xệ để làm “đối trọng” với Lý Toét, cũng tương tự như việc ký tên Bút Sơn để nhái tên của Đông Sơn (Nguyễn Tường Tam).
Cho đến lúc lìa đời, Nhất Linh vẫn chưa biết tên thật của Bút Sơn. Trên tờ di cảo Đời làm báo ghi tất cả tên và bút hiệu các cộng sự viên, trong cũng như ngoài Tự Lực Văn đoàn, Nhất Linh viết: “Bút Sơn ở Saigon (Người đẻ ra Xã Xệ), tên thật chưa biết. Xin ông Bút Sơn (nếu ông còn sống) hoặc các bạn, cho biết tên thật”.

Xã Xệ & Lý Toét

Nhà báo kiêm nhà thơ trào phúng Tú Kềnh, viết trên báo Bình Minh (Xuân Mậu Thân 1968 xuất bản ở Saigon) như sau: “…Vào năm 1936 báo Phong Hóa, nhóm Tự Lực Văn Ðoàn, ở Hà Nội, có tổ chức cuộc thi vẽ tranh hài hước, họa sĩ chuyên vẽ tranh hài hước Bút Sơn Lê Minh Ðức ở Saigòn vẽ một bức tranh gửi ra Bắc dự thi”.

Lần đầu tiên Xã Xệ xuất hiện trong tranh ký tên Bút Sơn là ngày 16/3/1934, trên Phong Hóa số 89. Xã Xệ đã được đón tiếp thật nồng hậu, Xã cùng Lý lên ngay trang bìa của báo qua bức hí họa về Lý Toét và Xã Xệ. Số là ngày xưa mỗi lần cân phải mất 1 xu, hai cụ chỉ có 1 xu mà muốn được cân cả hai nên Lý Toét nảy sinh ra “sáng kiến”: cùng leo lên một lần rồi chia đôi trọng lượng!

Xã Xệ: Bác Toét, chúng mình có 1 xu làm sao cân được hai đứa?
Lý Toét: Thế này thì nhất cử lưỡng tiện, cân luôn một lần hai đứa rồi chia hai ra thì cũng được chứ lị.

Tháng 6/1935, báo Phong hóa bị nhà cầm quyền ra lệnh đóng cửa ba tháng vì loạt bài Đi xem mũ cánh chuồn châm biếm Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu thuộc triều đình Huế. Sau đó ra tiếp được hơn một năm, thì bị đóng cửa vĩnh viễn (số cuối 190 ra ngày 5/6/1936) cũng vì tội… “chế nhạo” ngay cả chính phủ bảo hộ. Hí họa Mẫu quốc (Nước mẹ) là một thí dụ điển hình về tính châm biếm của Phong Hóa đã đụng chạm đến chính quyền bảo hộ. Bức tranh có đối thoại như sau:

LÝ TOÉT – Này bác, Ủy ban điều tra sắp làm xong công việc rồi đấy. Chắc sẽ có kết quả tốt.
BA ẾCH – Ồ, trông mong… nước mẹ gì!

Sau khi Phong Hóa bị đóng cửa, tuần báo Ngày nay trước ra kèm với tờPhong hóa được tục bản để tiếp tục công cuộc đang dở dang (số cuối 224 ra ngày 7 tháng 9 năm 1940). Tờ Ngày nay do Nguyễn Tường Cẩm (anh của Nhất Linh) điều khiển lại nhanh chóng ra đời.

Phong Hóa cũng như Ngày Nay, tờ nào cũng đông độc giả khiến cho thực dân Pháp lo sợ trước tầm ảnh hưởng ngày càng lan rộng của Tự Lực Văn đoàn. Đến năm 1939, người Pháp ra lệnh cho đóng cửa nốt tờ báo Ngày nay, chấm dứt một thời kỳ báo chí châm biếm kéo dài 7 năm tại miền Bắc, từ 1932 đến 1939.

Bìa báo Ngày Nay

Để việc làm báo Phong Hóa được thuận lợi hơn, Nguyễn Tường Tam cùng với các cộng sự quyết định thành lập một bút nhóm lấy tên là Tự Lực Văn đoàn.
Một thành viên ban đầu của bút nhóm là nhà thơ Tú Mỡ kể lại:

“…Tất cả những gì dự định cho báo ‘Tiếng cười’, anh Tam dồn cả cho báo Phong Hóa mới… Báo làm ăn phát đạt, và mặc dù anh em làm việc quên mình, không vụ lợi, nhưng anh Tam vẫn phải chạy tiền khá chật vật để mỗi tuần kịp trả đủ cho nhà in và tiền mua giấy…
Cuối năm đó (1932), tính sổ mới ngã ngữa ra: lời lãi chia theo số vốn, phần lớn chui vào két của nhà tư sản… Anh Tam bèn họp bàn với anh em, và đồng ý với nhau rằng: Không thể chơi với nhà tư sản được. Quyết định thành lập ‘Tự lực văn đoàn’  trên nguyên tắc làm ăn dựa vào sức mình, theo tinh thần anh em một nhà; tổ chức không quá 10 người nên không phải xin phép Nhà nước; không cần có văn bản điều lệ: lấy lòng tin nhau làm cốt, chỉ nêu ra trong nội bộ mục đích tôn chỉ, anh em tự giác tuân theo…”.

Tự Lực Văn đoàn chính thức tuyên bố thành lập vào ngày 2/3/1934. Đây là một tổ chức văn học đầu tiên của Việt Nam mang đầy đủ tính chất một hội đoàn sáng tác theo nghĩa hiện đại. Có thể nói, Tự Lực Văn đoàn là một tổ chức văn học đầu tiên trong lịch sử văn chương của dân tộc Việt do tư nhân chủ xướng, không dính líu đến vua quan, thân hào như các thi xã kiểu cũ như Tao đàn Nhị thập bát Tú, Tao đàn Chiêu Anh Các, Mặc Vân thi xã và cũng không phát ngôn cho tiếng nói của quyền lực như các nhóm Đông Dương Tạp chí, Nam Phong Tạp chí. Dưới đây là tuyên ngôn của văn đoàn:
Tự lực văn đoàn họp những người đồng chí trong văn giới; người trong đoàn đối với nhau cốt có liên lạc về tinh thần, cùng nhau theo đuổi một tôn chỉ, hết sứ giúp nhau để đạt được mục đích chung, hết sức che chở nhau trong những công cuộc có tính cách văn chương.

Người trong Văn đoàn có quyền để dưới tên mình chữ Tự Lực Văn đoàn và bao nhiêu tác phẩm của mình đều được Văn đoàn nhận và đặt dấu hiệu.
Những sách của người ngoài, hoặc đã xuất bản, hoặc còn bản thảo, gửi đến Văn đoàn xét, nếu hai phần ba người trong Văn đoàn có mặt ở Hội đồng xét là có giá trị và hợp với tôn chỉ thì sẽ nhận đặt dấu hiệu của Đoàn và sẽ tùy sứ cổ động giúp. Tự Lực Văn đoàn không phải là một hội buôn xuất bản sách.
Sau này nếu có thể được, Văn đoàn sẽ đặt giải thưởng gọi là giải thưởng Tự Lực Văn đoàn để thưởng những tác phẩm có giá trị và hợp với tôn chỉ của Đoàn.
……………………………………………………………….

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics