1.Mỹ bắn hơn 50 hỏa tiễn Tomahawk vào Syria(NV)2.Tập Cận Bình, Biển Đông và Mar-a-Lago(RFI)3..một năm thảm họa Formosa-4

Trung Đông bắt đầu ‘nóng,’ Mỹ bắn hơn 50 hỏa tiễn Tomahawk vào Syria
Nguồn:nguoiviet.com- April 6, 2017


Hình do Hải Quân Mỹ đưa ra cho thấy một hỏa tiễn Tomahawk bắn từ khu trục hạm USS Ross vào căn cứ quân sự của Syria. (Hình: Mass Communication Specialist 3rd Class Robert S. Price/U.S. Navy via AP)

WASHINGTON, DC (NV) – Hoa Kỳ bắn hơn 50 hỏa tiễn Tomahawk vào một căn cứ ở Syria hôm Thứ Năm, được coi là nơi chính phủ quốc gia Trung Ðông này sử dụng để các máy bay cất cánh rồi tấn công bằng vũ khí hóa học xuống một thị trấn ở phía Bắc tỉnh Idlib, làm gần 100 người thiệt mạng trước đó hai hôm.

Theo đài truyền hình NBC, những hỏa tiễn này được bắn từ hai khu trục hạm của Mỹ trong biển Ðịa Trung Hải.

Theo AP, Tổng Thống Donald Trump nói rằng vụ tấn công bằng hỏa tiễn này là “quyền lợi an ninh tối quan trọng của Hoa Kỳ.”

Mục tiêu của cuộc tấn công này là phi trường Ash Sha’irat trong tỉnh Homs ở phía Tây Syria, các giới chức cho biết.

Hiện chưa có báo cáo thương vong.

Các giới chức Hoa Kỳ nói với NBC rằng mục tiêu không phải là người dân, mà chỉ có máy bay, cơ sở ở phi trường, bao gồm phi đạo, bị trúng hỏa tiễn.

Ông Rex Tillerson, ngoại trưởng Hoa Kỳ, và bà Nikki Haley, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, chỉ trích Syria dữ dội trong việc sử dụng vũ khí hóa chất, mà trong số người thiệt mạng có 25 trẻ em.

Ông Tillerson hôm Thứ Năm nói với báo giới rằng “rõ ràng” chế độ Syria chịu trách nhiệm cho vụ tấn công vũ khí hóa học, và tại Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, bà Haley nói nếu thế giới không giải quyết vấn đề Syria, Hoa Kỳ có thể tự giải quyết.

Hiện chưa có phản ứng gì từ phía Nga, mà ông Tillerson và bà Haley tố cáo là “làm lơ” để Syria hành động.

“Nga không thể trốn tránh được trách nhiệm này,” bà Haley nói tại Liên Hiệp Quốc. “Họ chọn làm lơ sự man rợ. Họ chống lại lương tâm thế giới.”

Cũng hôm Thứ Năm, trên đường bay tới Mar-a-Lago, Florida, gặp Chủ Tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc, Tổng Thống Donald Trump nói rằng ông đang cân nhắc có thể đưa ra một số hành động quân sự và nói rằng “nên có cái gì đó” đối với Tổng Thống Bashar al-Assad của Syria, liên quan đến chuyện quốc gia vùng Trung Ðông này bị tố cáo sử dụng vũ khí hóa học, theo tin đài truyền hình CBS.

“Tôi nghĩ những gì ông Assad làm là kinh khủng,” ông Donald Trump nói với báo giới đi cùng trên máy bay. “Vụ tấn công bằng vũ khí hóa học không nên xảy ra, và không nên được phép xảy ra.”
Trung Đông bắt đầu ‘nóng,’ Mỹ bắn hơn 50 hỏa tiễn Tomahawk vào Syria


Khu trục hạm USS Ross ở biển Ðịa Trung Hải. (Hình minh họa: Mass Communication Specialist 3rd Class Ford Williams/U.S. Navy via AP)

Khi được hỏi liệu ông Assad có nên ra đi, vị tổng thống nói: “Tôi nghĩ những gì xảy ra tại Syria là nhục nhã đối với nhân loại. Ông ấy ở đó, và tôi đoán ông ấy điều khiển mọi thứ, hoặc nên có một cái gì đó.”

Ông Trump nói vụ tấn công này là “một trong những tội ác thật sự kinh hoàng.”

Ông bác bỏ một số báo cáo nói rằng ông thông báo với Quốc Hội rằng ông có dự định đưa ra hành động quân sự tại Syria.

Ông cũng được ông James Mattis, bộ trưởng Bộ Quốc Phòng, báo cáo một số hành động mà Mỹ có thể làm, ví dụ như bắn hỏa tiễn hành trình từ các tàu chiến của Mỹ vào các mục tiêu.

Hiện có hai khu trục hạm Hoa Kỳ trong vùng phía Ðông biển Ðịa Trung Hải có mang hỏa tiễn hành trình, USS Ross và USS Porter. Hoa Kỳ cũng có thể nhắm vào các mục tiêu như các tổng hành dinh chỉ huy và kiểm soát, những nơi tình nghi là cơ sở vũ khí hóa học, và lực lượng quân đội Syria.

Trong một cuộc họp báo hôm Thứ Tư, Tổng Thống Trump nói rằng cuộc tấn công ở Syria là “kinh hoàng và kinh hoàng” và “vượt qua nhiều lằn ranh đối với tôi.”

Ông thừa nhận: “Bây giờ là trách nhiệm của tôi” mặc dù ông không đưa ra điều gì cụ thể.

Thượng Nghị Sĩ John McCain (Cộng Hòa-Arizona), chủ tịch Ủy Ban Quốc Phòng Thượng Viện, hôm Thứ Năm nói rằng Tổng Thống Donald Trump có nói chuyện với ông qua điện thoại, sau khi nói chuyện với Bộ Trưởng Mattis và Cố Vấn An Ninh Quốc Gia H.R. McMaster, liên quan đến việc nên có hành động quân sự nào đối với Syria.

“Theo tôi hiểu thì tổng thống bàn bạc rất nghiêm túc với Tướng Mattis và Tướng McMaster, và tôi tin là họ sẽ đưa ra đề nghị rất tốt cho tổng thống,” ông McCain. “Tôi không biết đề nghị này là gì.”

Ông McCain cũng nói ông và Thượng Nghị Sĩ Lindsey Graham (Cộng Hòa-South Carolina) “mạnh mẽ đề nghị” Mỹ làm tê liệt lực lượng Không Quân Syria.

“Ðừng để các máy bay này phạm tội ác chiến tranh qua việc bỏ bom hóa học xuống đàn ông, phụ nữ, và trẻ em vô tôi,” ông McCain nói. “Sau thất bại của chính quyền Obama, họ nói họ sẽ phản ứng, nhưng cuối cùng chẳng làm gì cả.” (Ð.D.)

…………………………………………………………………..

Tập Cận Bình, Biển Đông và Mar-a-Lago
Nguồn: Thụy My /RFI- 07-04-2017 06:26

Dinh cơ nghỉ mát Mar-a-Lago, nơi tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp Tập Cận Bình trong hai ngày 6 và 7/04/2017.
REUTERS/Joe Skipper

« Mar-a-Lago » tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là « Biển Hồ », hoặc « Biển trở nên hồ ». Tổng thống Donald Trump và chủ tịch Tập Cận Bình có thể chú ý đến cái tên của dinh cơ ông Trump ở Palm Beach, nơi họ đang gặp gỡ để thảo luận về quan hệ Mỹ-Trung.

Theo giáo sư Donald K.Emmerson, trường đại học Stanford trên The Diplomat, từ « Biển Hồ » còn mô tả chính xác những gì Trung Quốc đang làm ở Đông Nam Á, khi Bắc Kinh tiếp tục đơn phương dùng vũ lực biến vùng biển này thành ao nhà của Trung Quốc.

Giáo sư Emmerson nhận định, Biển Đông là trái tim biển cả của Đông Nam Á. Quá trình quân sự hóa các thực thể ở đây rõ ràng cho thấy Trung Quốc muốn phát triển một mạng lưới căn cứ quân sự, có thể nhằm gây sức ép lên các nhà lãnh đạo Đông Nam Á để họ phải quỳ gối trước Bắc Kinh.

Trung Quốc cũng hy vọng bằng cách này chặn đứng các cuộc tuần tra hàng hải của Hải quân Hoa Kỳ tại vùng biển quốc tế kể từ thời chính quyền Obama. Đó các vùng biển xung quanh quần đảo Trường Sa, năm ngoái đã được Tòa án Trọng tài Quốc tế La Haye công nhận là hải phận quốc tế.

Nếu chủ đề này không được nêu ra tại Mar-a-Lago, hoặc bị hạ thấp trong cuộc đối thoại giữa hai nhà lãnh đạo, ông Tập sẽ quay về Bắc Kinh với niềm tin là ông Trump đã chấp nhận sự bành trướng của Trung Quốc. Tập Cận Bình cũng có thể nghĩ rằng ông ta dành cho Trump « phần thắng », khi tránh cho ông Trump việc lên tiếng cảnh báo Trung Quốc.

Qua việc nhượng bộ chút ít trong quan hệ kinh tế, Tập Cận Bình hy vọng đã trao cho Trump một « chiến thắng » chệch hướng. Chệch hướng, vì những nhượng bộ nho nhỏ về kinh tế của Trung Quốc có thể được mô tả là ông Trump đã đạt mục đích. Một thành công thật ra là thất bại, khi không đạt được bất kỳ tiến triển nào về vấn đề Biển Đông, bị bỏ lại một mình trong cuộc tranh cãi về chủ đề luôn bế tắc này.

Việc các máy bay và tàu dân sự cũng như quân sự được tự do đi vào Biển Đông là nằm trong lợi ích của Mỹ. Ngược lại, việc này không có lợi cho Trung Quốc một khi họ muốn điều tiết một cách chọn lọc, một mình làm chủ vùng biển này. Nhớ lấy điều ấy, trong cuộc gặp thượng đỉnh này hoặc sau đó, Washington nên và phải khuyến khích các quốc gia Đông Nam Á và các nước khác kể cả Trung Quốc, thực hiện các chuyến hải hành và phi hành tại Biển Đông – một cách đơn lẻ, phối hợp với nhau hoặc với Hoa Kỳ.

Các chuyến đi này có thể mang tính quân sự, hoặc không nhất thiết phải như thế. Có thể tiến hành cả các cuộc thao dượt về an toàn hàng hải, phòng chống thiên tai, thẩm định nguồn cá chẳng hạn. Điểm mấu chốt là hành trình và các hoạt động hải hành, phi hành ấy phải tuân thủ bản đồ khu vực phù hợp với phán quyết của Tòa Trọng tài tháng 7/2016, theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Bản đồ này đã được công bố rộng rãi cho các quốc gia ven biển và xa hơn nữa.

Ông Trump không phải là người hăng hái ủng hộ cách tiếp cận đa phương. Nếu trước tiên ông nêu ra khái niệm « hợp tác tuần tra » song phương trên Biển Đông với người đồng nhiệm Trung Quốc và bị bác bỏ, thì sau đó vẫn có thể đề nghị với các nước liên quan. Một số nước – ít hay nhiều – có thể chấp nhận tiến hành mà không có Trung Quốc tham gia. Đã có những nước chuyển sang « gặt hái » những nhân tố của một Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong đó Hoa Kỳ vắng bóng.

Trong số 18 quốc gia thành viên của hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) có Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, và các nước ASEAN. Tại Mar-a-Lago, chính quyền Trump có thể đề nghị với Trung Quốc và các nước EAS dời lại chủ đề « hợp tác tuần tra » trên đây vào nghị trình của Diễn đàn AES thứ 12 sẽ diễn ra vào giữa tháng 11 tại Philippines.

Theo giáo sư Emmerson, có thể tại hội nghị thượng đỉnh lần này không đạt được đồng thuận về việc thảo luận đề nghị trên. Nhưng chỉ riêng việc đề xuất cũng có thể gây ra các phản ứng, ủng hộ hoặc chống đối. Ít nhất, việc phổ biến ý tưởng này có thể tạo sự chú ý đến nhu cầu phải có các hoạt động chung – dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, và gây thối chí đối với những kẻ muốn đơn phương dùng sức mạnh, vi phạm luật quốc tế.

Đưa ý định này đi xa hơn – ít nhất đến các cơ quan tư vấn, nếu không phải là các bộ ngoại giao – cũng giúp bảo đảm với các quốc gia châu Á liên quan, rằng Hoa Kỳ không để con đường hàng hải này rơi vào tay bất cứ cường quốc bá quyền nào, và cũng không muốn đóng vai trò người kiểm soát duy nhất.

Cuối cùng, chỉ đơn thuần nêu ra vấn đề, tranh luận và cải thiện ý tưởng có thể dẫn đến những phần tử quá tự tin ở Bắc Kinh phải đặt câu hỏi, liệu các nước khác – kể cả các nước láng giềng của Trung Quốc – có sẽ thụ động ngồi nhìn khi Trung Quốc biến vùng biển trung tâm của Đông Nam Á từ « từ biển thành hồ » hay không. Tác giả Donald K.Emmerson kết luận, cái tên « Mar-a-Lago » rốt cuộc sẽ được ghi nhớ như là một sự trùng hợp mỉa mai, nhưng không mang tính tiên tri.

………………………………………………………………….

Người dân Hà Tĩnh tuần hành đánh dấu một năm thảm họa Formosa
Nguồn:RFA -2017-04-06


Người dân Hà Tĩnh tuần hành đánh dấu 1 năm thảm họa Formosa hôm 6/4/2017.
AFP photo

Một số cuộc biểu tình, tuần hành của giáo dân các xứ thuộc giáo phận Vinh diễn ra ngày 6 tháng 4, 2017 nhằm đánh dấu một năm thảm hoạ môi trường Formosa.

Những người dân đi tuần hành biểu tình mang theo cờ ngũ sắc, cờ tang đen in hình xương cá và nhiều băng rôn với nội dung như: Khởi tố Formosa và bọn tiếp tay; Formosa thảm hoạ của dân Việt; Formosa cái chết được cấp phép; Khởi tố Formosa và bọn tiếp tay…

Một số hình ảnh gửi về Đài Á Châu Tự Do cho thấy nhiều con đò có cờ ngũ sắc và băng rôn được ngư dân và các thanh niên dùng để đưa ra biển với ý nghĩa cho là “đưa tang cá ra biển”.

Những giáo dân tuần hành biểu tình đánh dấu 1 năm xảy ra thảm họa môi trường do Formosa gây nên từ các xứ gồm Phú Yên ở Nghệ An, xứ Đông Yên, xứ Cửa Sót, xứ Đông Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.

Một ngư dân có mặt trong đoàn biểu tình cho biết:

“Hôm nay kỷ niệm 1 năm cá chết, tôi không đi biển được nên hôm nay có thời gian rãnh rỗi tôi đi đồng hành cùng bà con.

Ước muốn của tôi là làm sao biển sạch để con em chúng tôi được tắm biển và chúng tôi được đánh cá, còn đền bù tôi chưa nói đến.”

Trong khi người dân tại địa phương tiếp tục đòi hỏi nhà cầm quyền khôi phục môi trường biển, loại bỏ mọi nguồn gây ô nhiễm; vào ngày 5 tháng tư truyền thông trong nước loan tin kết luận của Đoàn Công tác Bộ Tài nguyên- Môi trường sau ba ngày làm việc 3,4 và 5 tháng tư rằng nhà máy Formosa đã khắc phục 52/53 lỗi vi phạm, chỉ còn lại một hạng mục từ dập cốc ướt sang cốc khô theo lộ trình sẽ hoàn thành vào năm 2019.

Trưởng đoàn công tác của Bộ Tài nguyên-Môi trường nói công ty Formosa hiện đủ điều kiện để có thể vận hành lò cao số 1.

……………………………………………………………..

TIN QUA HÌNH ẢNH

Nguồn:BBC

Bữa tiệc tối tràn đầy nụ cười, nhưng cuộc thảo luận nghiêm túc sẽ diễn ra hôm 7/4

Tổng thống Trump nói đùa tại bữa tiệc: “Chúng tôi đã có một cuộc thảo luận dài rồi nhưng tôi vẫn chưa hiểu gì hết!”

…………………………………………………….

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics