1.Mỹ mở kho hậu cần ở VN?-2.Miễn nhiệm là 'đảo chính..(BBC)3.Indonesia không hèn,không nhục(NV)-

Mỹ mở kho hậu cần ở Việt Nam?

Nguồn:BBC18 tháng 3 2016

kho.jpg1
AFP- Hàng năm, Mỹ đều tổ chức tập trận đa phương “Hổ mang vàng” ở Thái Lan

Quân đội Mỹ lên kế hoạch lập kho hậu cần ở một số nước Á châu, trong có Việt Nam và Campuchia, theo trang Defense News.

Trang mạng The Diplomat dẫn lại nguồn của Defense News nói hoạt động này có thể nhằm để “ngăn chặn Trung Quốc”.

Tại một hội nghị về quốc phòng, Tướng Dennis Via, Bộ Tư lệnh Hậu cần Mỹ, nói rằng quân đội có kế hoạch thiết lập tám kho quân trang quân dụng trên toàn cầu.

Tuy nhiên, các cơ sở tại châu Á – Thái Bình Dương sẽ chứa các thiết bị khác so với những kho ở châu Âu, tướng Via nói thêm.

“Kho hậu cần quân sự ở châu Âu là vũ khí sẵn sàng cho chiến tranh”, tướng Via giải thích.

Theo Breaking Defense, kho hậu cần quân sự ở châu Âu đang có 200 xe tăng M1 Abrams, 138 xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley, và 18 khẩu lựu pháo tự hành M109 Paladin.

Tư lệnh Quân trang Mỹ cũng vừa gửi 5.000 tấn đạn dược đến châu Âu, lượng vũ khí lớn nhất từ khi Thế chiến II kết thúc. Tướng Via giải thích rằng trách nhiệm của tư lệnh là “cung cấp cho quân đội Mỹ và các lực lượng phối hợp những vũ khí hiện đại nhất để các đơn vị đó nhanh chóng triển khai khi cần”.

Kho thiết bị quân sự đặt tại Campuchia và Việt Nam chứa các quân trang quân dụng nhẹ hơn và chủ yếu phục vụ hoạt động cứu trợ nhân đạo và thảm họa, theo Tướng Via.

“Trong khu vực vành đai Thái Bình Dương, kho hậu cần của Mỹ sẽ trợ giúp thiết bị, vật dụng cứu trợ nhân đạo và thảm họa, nhờ vậy mà khi có bão và các thảm họa tự nhiên khác xảy ra, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ có thể ứng phó nhanh hơn”, ông Via nói.

kho 2.jpg1

Reuters- Xe tăng của quân đội Mỹ

“Chúng tôi cũng đang tìm cách đặt một bệnh viện dã chiến tại Campuchia”, ông cho hay.
Tiết kiệm ngân sách

Hơn nữa, vị tướng cũng nhấn mạnh rằng một trong những lý do cho việc lập kho hậu cần là tiết kiệm ngân sách. “Chúng tôi luôn tìm cách tận dụng hiệu quả nhất từng đồng đôla mà ngân sách cấp cho”, Tướng Via nói.

Tuy nhiên, kế hoạch của vị tướng này chắc chắn sẽ gây tranh cãi.

Ngay cả khi các thiết bị mà Mỹ muốn đặt ở kho lưu trữ tại Campuchia và Việt Nam không để phục vụ chiến tranh mà chủ yếu được dùng cho hoạt động cứu trợ nhân đạo và thảm họa, động thái này vẫn được cho là thông điệp mạnh mẽ gửi tới Trung Quốc.

The Diplomat cho rằng điều đó cũng khiến Bắc Kinh cảm thấy đang từng bước bị Mỹ cùng các đồng minh tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương bao vây.

Việc lưu trữ quân trang quân dụng Mỹ tại Việt Nam và Campuchia có thể xem là sự hiện diện thường trực quy mô nhỏ của quân đội Mỹ tại những nước này.

Điều đó có thể tạo ra những hiệu ứng lan tỏa hữu ích và tăng cường hợp tác quốc phòng sâu rộng hơn giữa Hoa Kỳ và các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương, nơi Washington không có căn cứ quân sự thường trực.

Hiện chưa rõ kế hoạch nói trên sẽ có tác động như thế nào đến quan hệ Trung-Mỹ và liệu Bắc Kinh có tìm cách ‘trả đũa’ hay không.

……………………………………………..

Miễn nhiệm là ‘đảo chính hợp hiến” ?
Nguồn:Luật sư Lê Quốc Quân Gửi cho BBC từ Hà Nội- 27 tháng 3,2016

dao chanh.jpg1

Luong Thai Linh AFP GETTY IMAGES -Bộ tứ cũ sẽ chỉ còn ông Nguyễn Phú Trọng ở lại sau hơn hai tuần nữa

Ba nhân vật quan trọng nhất của Nhà nước Việt Nam là Chủ tịch quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ sẽ bị “miễn nhiệm” trong vòng 10 ngày tới. Theo Đại từ điển Tiếng Việt[1] thì “miễn nhiệm” nghĩa là “không cho giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ”.

Nói cách khác, họ sẽ vĩnh viễn đi vào lịch sử như là những nhân vật bị “phế truất” mặc dù chỉ còn mấy tháng nữa là sắm tròn một vai, cụ thể như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ hai tháng nữa là tròn 10 năm làm thủ tướng.

Theo lý thuyết thì khi lãnh đạo cao nhất của một nước bị “phế truất” thì đó là một “Coup d’éta” – đảo chính. Khác biệt ở đây là “cuộc đảo chính này” không bất thường về nội dung và không bất ngờ về thời gian.

Việc này được đảng gọi là “kiện toàn một bước” và Nhân dân có thể thấy “sắp xếp” này là bình thường vì đã quen với việc bị đảng cộng sản dắt mũi.

Nhưng ba nhân sự này nên ý thức sâu hơn về tính pháp lý và giá trị của bản thân mình. Họ nên biết rằng từ “miễn nhiệm” sẽ dần dần được nói đến trong sử sách và cái trơ trơ của “ngàn năm bia miệng” vẫn ở lại khi họ đã về lâu nơi chín suối.
‘Hệ lụy kịch tính’

Xét về giá trị bản thân, Đảng cộng sản có một vòng xoáy ma lực lạ kỳ có thể giết chết được tính cá nhân và biến các đảng viên dù là cao cấp trở thành công cụ.

Không một ai có khả năng phá hủy vực xoáy âm sinh để bẻ gãy tính toàn trị của đảng trừ phi họ là người cao cấp nhất như Gorbachop. Ba nhân sự cao cấp nhất của Nhà nước đã không hình dung được hệ lụy đầy kịch tính sau này vì khi chấp nhận đứng về phe ông Trọng để “loại đồng chí X” cả Nguyễn Sinh Hùng và Trương Tấn Sang không ngờ là mình bị mất quyền lực gần như tuyệt đối ngay sau Đại Hội.

Khuynh hướng cởi mở và pháp quyền được nói đến hằng ngày trong suốt nhiều năm đã làm cho họ trở nên hồn nhiên và khả tín hơn, họ bị đánh lạc hướng vì tính hành chính công vụ của Nhà nước. Trong khi đó tổng bí thư là một chuyên gia bên Đảng, thừa cả thời gian và mưu sỹ để củng cố quyền lực tuyệt đối của đảng, theo kịch bản sớm nhất có thể.
dao chanh 2.jpg1
EPA- Các ông Nguyễn Sinh Hùng, Trương Tấn Sang và Nguyễn Tấn Dũng đã bị loại tại Đại hội XII

Xét về mặt pháp lý, việc miễn nhiệm là mâu thuẫn hoàn toàn với Điều 71, Điều 87 và Điều 97 theo đó Nhiệm kỳ của Chủ tịch Quốc Hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng là 5 năm và phải bắt đầu sau khi có quốc hội khóa mới.

Cho nên “Tam trụ” có thể căn cứ vào Hiến Pháp tiếp tục làm việc cho đến khi có quốc hội mới được bầu hoàn chỉnh. Quốc hội mới sẽ kiện toàn bộ bộ máy Nhà nước theo đúng trình tự của nó.

Thế nhưng Điều 4 của Hiến Pháp cũng cho phép Đảng cộng sản lãnh đạo Nhà nước. Khi chưa có một đạo luật quy định về “lãnh đạo” thì đảng có thể dùng Điều 4 Hiến pháp để tự tung tự tác, đánh lại các điều khoản khác trong Hiến pháp. Thông thường khi xảy ra mâu thuẫn ở cấp Hiến pháp thì một cơ chế bảo vệ Hiến Pháp sẽ xuất hiện.

Tuy nhiên, Điều 119 Hiến pháp hiện hành chỉ ghi vẻn vẹn một câu là “Cơ chế bảo vệ Hiến pháp do Luật định” nhưng đạo luật đó chưa ra đời. Có một cách khác là đảng căn cứ vào Khoản 3 Điều 71 của Hiến Pháp chỉ đạo Quốc hội rút ngắn nhiệm kỳ nhưng khi làm như thế vậy thì đảng công khai đặt đất nước vào “Tình trạng đặc biệt”. Đó là trường hợp nguy hiểm mà nếu có thì đảng cũng phải giấu đi.

Cơ quan tối cao của đảng là đại hội đảng nhưng thực tế chỉ là hợp thức hóa ý định của Trung ương. Trung ương cũng chỉ là làm theo ý của Bộ Chính trị mà Bộ chính trị cuối cùng cũng chỉ là ý định của một vài cá nhân. Nếu nhìn chiếc nón chúng ta sẽ thấy được tính toàn trị của xã hội hôm nay.

Là một luật sư, tôi thấy nếu các bên cùng cương quyết “theo Hiến pháp” thì sự xung đột lần này rất xứng đáng để đào sâu tìm kiếm lời giải quản trị Nhà nước trong học thuật và thực tiễn. Ngay như Hoa Kỳ, nhiều thực tế điều hành hôm nay vẫn thường xuyên được đưa ra tranh luận và giải quyết dựa trên tinh thần của một bản Hiến Pháp đã hơn 200 năm trước. Mỗi một lần như vậy, các nhà học thuật và chính trị gia đều học tập được rất nhiều điều.

Thế nhưng khi nghiên cứu về Hiến pháp Việt Nam, chúng ta chỉ thấy được sự “man dại” của những quy định mà hầu hết vướng mắc đều quy về do Điều 4. Ông Nguyễn Phú Trọng còn ngang nhiên tuyên bố “Hiến pháp là văn bản quan trọng bậc nhất sau cương lĩnh đảng”[2]. Câu nói này có bóng dáng của một “chúa sơn lâm” trong khu rừng rậm nơi các loài sinh vật tự đặt ra các quy định cho chính mình dựa vào quyền lực móng vuốt.

Cơ quan tối cao của đảng là đại hội đảng nhưng thực tế chỉ là hợp thức hóa ý định của Trung ương. Trung ương cũng chỉ là làm theo ý của Bộ Chính trị mà Bộ chính trị cuối cùng cũng chỉ là ý định của một vài cá nhân. Nếu nhìn chiếc nón chúng ta sẽ thấy được tính toàn trị của xã hội hôm nay. Từ trên chóp nón, một vài lãnh đạo chỉ đạo Trung ương, sau đó Trung ương chỉ đạo đại hội, chỉ đạo bầu nên quốc hội để thiết lập nhà nước ở Trung ương.

Và rồi những ủy viên Trung ương tiếp tục sắp xếp các vị trí ở Tỉnh, rồi xuống Huyện, xuống xã, thôn. Đảng cộng sản công khai thể hiện rõ tính chất toàn trị của mình thông qua tuyên bố rằng sự lãnh đạo của đảng là “toàn diện, triệt để”. Thế mà ông Nguyễn Phú Trọng vẫn tuyên bố “Dân chủ đến thế là cùng”. Đó thực sự là nhạo báng tiếng Việt.

Từ “Miễn nhiệm” cũng là một bất ngờ. Nó cho thấy sự lũng đoạn khủng khiếp của Đảng cộng sản lên “cái Nhà nước” mà đảng luôn mồm nói “dân chủ”. Nó còn cho thấy sự mong manh trong việc giữ ghế của các phe phái trong cuộc đua chính trị. Khi đứng về phía Nguyễn Phú Trọng trong cuộc chơi đánh lại Nguyễn Tấn Dũng, Ông Trương Tấn Sang đã không hình dung là chính mình cũng sẽ bị “miễn nhiệm” vào 2/4 tới đây, trước cả Thủ tướng đương nhiệm 4 ngày.

Khi chống lại ông Dũng, Ông Sang cũng hoan hỷ đề cập đến những chồng hồ sơ đầy rẫy bằng chứng buộc tội thủ tướng trong suốt 8 năm qua. Thế nhưng nó đã vĩnh viễn bị xóa sổ khi Lê Hồng Anh đã ký văn bản xóa tội, công nhận “Đồng chí X” là trong sạch, và rồi cả hai cũng sẽ bị “miễn nhiệm” như nhau. Số phận chính trị của họ đã ràng buộc và họ bàng hoàng nhận ra xung đột này đưa đến kết quả là Miền Nam chỉ có 4/19 ủy viên Bộ Chính Trị mới [3] với một ảnh hưởng hạn chế.
Tại vì đêm dài lắm mộng

Câu chuyện về vua Lý Huệ Tông treo cổ tự vẫn khi Trần Thủ Độ nhắc khéo là “Nhổ cỏ nhớ nhổ cả gốc” vẫn còn ám ảnh những người làm chính trị trong bóng tối. Tư tưởng nho giáo đầy phản động vẫn cứ len lỏi trong đời sống chính trị Việt Nam và nó đã phát huy tác dụng khi có quá nhiều khuất tất và xung đột trong bầu bán.

Nếu như chính trường rộng mở cho báo chí, công khai rõ ràng số phiếu của từng ứng viên, từng phe phái thì chắc chắn nó sẽ đảm bảo một sự bền vững hơn và không ai dại gì lại phải miễn nhiệm 3 chức vụ quan trọng trước chỉ có 3 tháng để nhằm tránh một sự lo âu về khả năng “lật ngược” thế cờ tàn.

Một lý do khác nằm ở bản chất. Đối với những người cộng sản thì sự bất thường sẽ trở thành bình thường, mục tiêu có thể trở thành phương tiện, bạn có thể trở thành thù trong chốc lát. Chính vì vậy mà các quốc gia cộng sản đều tự nhận mình là chân chính, là anh em nhưng thường choảng nhau đau điếng. Để mục tiêu giữ rịt quyền lực thành hiện thực, mọi sơ suất phải được tra soát, danh sách rủi ro phải được liệt kê và gạch bỏ cẩn thận trong một check-list bí mật nhưng rõ ràng.

Mặt khác, yếu tố “tréo ngoe” trong điều hành giữa Đảng & Nhà nước kể từ khi sau Đại hội càng làm cho “phe đảng” có lý phải nhanh chóng “kiện toàn” để hợp thức hóa việc quản trị quốc gia. Không thể một ông Thủ tướng hay Chủ tịch nước lại đi xin chỉ đạo từ một ông Phó thủ tướng hoặc Trưởng ban. Đây chính là “lỗi hệ thống” rõ ràng nhất trong cỗ máy nhà nước mà tôi đã đề cập trên BBC hơn 10 năm qua.

Thế nhưng phải có một lý do gì quan trọng đến mức mà Đảng có thể xổ toẹt lên tất cả Hiến pháp, công khai thể hiện quyền lực tối thượng một cách vô lối của mình bằng việc thúc ép “tam trụ” phải nghỉ. Lý do đó phải gấp đến mức buộc người ta phải phải bốc cá ăn ngay chứ không còn thời gian dùng nồi để nấu. Theo tôi không gì khác ngoài sự mất chủ động của Việt Nam trong tương quan quốc tế. Biển Đông đang và sẽ trở thành một điểm nóng trên thế giới và nếu vấn đề bị quốc tế đẩy lên, trở thành ở một cấp của Uỷ ban Liên Hiệp quốc hay chiến tranh xảy ra giữa các nước lớn thì lập trường của Việt Nam phải được thể hiện rõ. Như thủy triều là do chính mặt trăng xa xôi gây ra, Việt Nam lên xuống bây giờ phần nhiều là do quốc tế. Một cú gọi giật từ Bắc Kinh hay Hoa Kỳ cũng làm cho vô khối kẻ mất ngủ.

Đêm dài lắm mộng. Bởi vậy, Tam trụ cũ sẽ phải chuyển giao quyền lực muộn nhất vào ngày 20/4. Đảng cộng sản do Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo phải cương quyết đảm bảo mọi việc phải suôn sẻ trước dịp kỷ niệm 41 năm ngày thống nhất đất nước; trước chuyến đi của Obama tới Việt Nam trong tháng 5; trước cả một cuộc sự va chạm có thể xảy ra trên biển Đông khi Hoa Kỳ và Trung Quốc đều gia tăng mật độ phương tiện chiến tranh trên một vùng biển nhỏ và trước cả một âm mưu đảo chính thật có thể chỉ mới manh nha.

[1]Nguyễn Như Ý, Đại từ điển tiếng Việt, NXB Văn Hóa Thông Tin, 1998.

[2]http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/tong-bi-thu-de-phong-the-luc-muon-xoa-bo-dieu-4-hien-phap-2886937.html

[3]Nguyễn Thị Kim Ngân, Nguyễn Thiện Nhân, Trương Hòa Bình và Võ Văn Thưởng.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của tác giả, luật sư Lê Quốc Quân từ Hà Nội.

………………………………………………………..

Indonesia không hèn, không nhục
Nguồn:nguoiviet.com- Tuesday, March 22, 2016 6:07:21 PM

Ngô Nhân Dụng

Tàu đánh cá Việt Nam vẫn tiếp tục bị tàu hải giám của Trung Cộng tấn công, hoặc những “tàu lạ” nhưng có viết chữ Tàu cướp phá. Chúng dùng những thủ đoạn giống nhau: đánh đập các ngư dân Việt, vào buồng lái đập phá hệ thống điện đàm, cướp đi tất cả lương thực cùng với số hải sản bắt được. Những hành động tàn bạo này đã diễn ra từ mấy chục năm, chính quyền Cộng Sản vẫn cam tâm chịu nhục, bỏ mặc các ngư dân cho bọn “cướp biển” cướp bóc và nhiều lần bắn giết. Hải quân của một quốc gia không dám ló mặt bảo vệ dân chúng của mình. Chính phủ không dám làm thủ tục kiện chính quyền cướp biển trước các tòa án quốc tế.

Trong khi đó, chính phủ Indonesia đã chứng tỏ họ quyết bảo vệ hải phận và danh dự quốc gia. Họ sử dụng cả vũ lực, ngoại giao và luật pháp quốc tế. Không những dám đối đầu trực tiếp với Trung Cộng, Indonesia còn dùng biện pháp mạnh trước tất cả các vụ xâm phạm hải phận do bất cứ quốc gia nào.

Ngày Thứ Ba, chính phủ Ðài Bắc đã chính thức phản đối vụ hai tàu đánh cá Ðài Loan bị một tàu Indonesia đuổi, bắn trong vùng eo biển Malacca, giữa Indonesia và Singapore. Ðài Bắc biện luận rằng dù ngư phủ của họ vô tình đánh cá bất hợp pháp trong “vùng kinh tế” của Indonesia, thì cũng không vì thế mà sử dụng vũ lực vì họ không gây ra một thiệt hại nào khác.

Vụ đụng chạm giữa Ðài Loan và Indonesia có thể sẽ được giải quyết dễ dàng, khi Indonesia giải thích lý do tàu tuần tiễu hải phận của họ dùng biện pháp mạnh. Bởi vì Indonesia đã đụng độ nặng với Trung Cộng trước đó mấy ngày. Buổi tối ngày Thứ Bảy vừa qua, tàu tuần duyên của Bộ Hàng Hải và Ngư Nghiệp Indonesia bắt được một tàu đánh cá Trung Cộng trong vùng kinh tế 200 hải lý quanh đảo Natuna, phía Bắc đảo Borneo. Nhân viên tuần cảnh đã bắt thuyền trưởng và thủy thủ chiếc tàu Trung Cộng, và kéo chiếc tàu của họ về đảo Natuna, làm bằng chứng. Nhưng một chiếc tàu Hải Giám của Trung Cộng đã bám theo, và đến nửa đêm thì tiến đến gần tàu Indonesia trong phạm vi hải phận 12 hải lý. Sau đó, tàu hải giám Trung Cộng đã ép vào sườn chiếc tàu đánh cá để đẩy nó tuột ra ngoài, rồi kéo đi luôn.

Sau hành động “cướp” chiếc tàu bị bắt này, Ngoại Trưởng Retno Marsudi đã phản ứng mạnh mẽ. Chính phủ Indonesia đã đưa giấy đòi đại sứ Trung Quốc tại Jakarta Tạ Phong (Xie Fen, 谢锋) phải đến trình diện để nghe lời phản kháng. Trong cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Cộng cũng lên tiếng yêu cầu Jakarta trả tự do cho tám thủy thủ và thuyền trưởng của họ bị bắt.

Ðiểm đặc biệt trong hành động của chính phủ Jakarta là họ đã để cho bà Susi Pudjiastuti, bộ trưởng Hàng Hải và Ngư Nghiệp mở cuộc họp báo ngay trong ngày Chủ Nhật, cho biết chính bà sẽ triệu tập ông đại sứ Trung Quốc tới nghe phản đối việc “cướp tàu;” còn bà Retno Marsudi, bộ trưởng Ngoại Giao tới ngày hôm sau mới lên tiếng. Trong cuộc họp báo ngày Thứ Hai, phó tư lệnh Hải Quân Indonesia cho biết sẽ huy động các tàu lớn để hỗ trợ cho các tàu tuần tiễu của Bộ Ngư Nghiệp. Bà Susi Pudjiastuti gần đây đã được dư luận dân chúng hoan nghênh vì các tàu tuần duyên thuộc bộ của bà đã thi hành nhiệm vụ bắt các tàu đánh cá lậu, bảo vệ hải phận quốc gia sốt sắng hơn trước. Bà Susi đã trở thành một ngôi sao trong chính phủ của Tổng Thống Joko Widodo. Một bộ trưởng Ngư Nghiệp lên tiếng công kích chính quyền Trung Cộng, bà đã vượt ra ngoài các thủ tục ngoại giao, nhưng lại càng được dân Indonesia ngưỡng mộ.

Phản ứng của chính phủ Indonesia trước hành động cướp lại chiếc tàu đánh cá của Trung Cộng cho thấy Jakarta đã thay đổi đường lối trong cách đối phó với Trung Cộng. Trước đây, Indonesia đã nhiều lần “đụng” với các hành động lấn lướt của Trung Cộng, nhưng họ đã chọn đường lối mềm dẻo, hòa hoãn. Trung Cộng đóng một vai trò quan trọng trong nền ngoại thương của Indonesia, một trong các nước nhập cảng từ Indonesia nhiều nhất, trong đó có các nguyên liệu như dầu dừa và than đá. Gần đây hai nước đã ký thỏa hiệp trao cho các công ty Trung Quốc xây dựng đường xe lửa cao tốc giữa thủ đô Jakarta và Bandung, thủ phủ tỉnh Tây Java.

Vì vậy, nhiều lần chính phủ Indonesia không phản đối khi có đụng độ với Trung Cộng. Thí dụ, một chiếc tàu đánh cá bất hợp pháp bị bắt vào năm 2013, nhưng khi bị tàu Trung Cộng dùng súng máy uy hiếp thì tàu tuần duyên Indonesia đã phải thả cả thuyền lẫn người. Nhưng từ năm 2014, Jakarta đã hành động cương quyết hơn, bắt các ngư phủ vi phạm lãnh hải của họ và đánh chìm tàu đánh cá bất hợp pháp. Sau khi đắc cử trong một cuộc bỏ phiếu gay go, Tổng Thống Joko Widodo, thường được dân gọi thân mật là “Jokowi,” đi thăm Nhật Bản, đã chính thức lên tiếng phủ nhận giá trị của “cửu đoạn tuyến” (đường chín đoạn) mà Trung Cộng vẽ ra trong vùng Biển Ðông nước ta. Trên bản đồ, khu vực đường chín đoạn này không đụng chạm vào hải phận Indonesia kể cả quần đảo Natuna mà Trung Cộng phải chính thức xác nhận, sau khi Indonesia dọa sẽ đưa ra tòa nếu Trung Cộng không rút lại yêu sách về chủ quyền đối với các đảo này.

Tháng Mười năm 2015, Tổng Thống Joko Widodo sang Hoa Kỳ gặp Tổng Thống Obama, trong dịp này Indonesia nhắc lại chính sách đối với đường chín đoạn. Chính phủ Indonesia cũng ủng hộ lập trường của Mỹ không công nhận các hòn đảo nhân tạo của Trung Cộng và nhờ Mỹ giúp xây dựng lực lượng tuần duyên hiện đại.

Thái độ mới gần đây của chính phủ Indonesia được thể hiện trên nhiều mặt. Ngoài hành động đưa tuần duyên hoạt động tích cực hơn, lời hứa hẹn của hải quân sẽ đem tàu súng lớn tới hỗ trợ các tàu tuần duyên, bà Bộ Trưởng Bộ Ngư Nghiệp Susi Pudjiastuti còn nói rằng, “Indonesia có thể sẽ đưa vụ tranh chấp với Trung Cộng ra tòa án quốc tế về luật biển.”

Hành động phản kháng mạnh mẽ của chính phủ Indonesia trong tuần này cũng phù hợp với thái độ mới của các nước Ðông Nam Á. Trước đây các nước này thường né tránh không muốn làm mất lòng Bắc Kinh. Nhưng trong tuần trước, ông Hishammuddin Hussein, bộ trưởng quốc phòng nước này đã tuyên bố rằng các nước Ðông Nam Á cần hợp tác chống lại kế hoạch bành trướng của Trung Cộng trong vùng biển chung này. Các nước Ðông Nam Á không thể kiên nhẫn trước các hành động mỗi ngày một hung hăng của Bắc Kinh. Ðây là một cơ hội tạo một liên minh Ðông Nam Á ngăn chặn Trung Cộng bành trướng.

Nhưng đảng Cộng Sản Việt Nam cho tới nay vẫn ngoan ngoãn không dám tỏ ra độc lập đối với các “đồng chí anh em” của họ. Ngư dân bị cướp, bị giết nhưng hải quân không được phép bảo vệ dân! Cũng không dám nhờ tòa án quốc tế xét xử những tranh chấp từ nửa thế kỷ nay. Họ còn chịu nhục đến độ cấm dân không được tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh khi chống Trung Cộng xâm lăng! Chưa bao giờ nước Việt Nam lại chịu nhục nhã như vậy trước bá quyền phương Bắc!

…………………………………………………………………..

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics