Nghệ An, Hà Tĩnh, Sài Gòn: Cả ngàn người biểu tình chống Formosa
Nguồn:nguoiviet.com March 4, 2017
Biểu tình chống Formosa ở Nghệ An. (Hình: Paulus Lê Sơn)
VIỆT NAM (NV) – Cả ngàn người ở Nghệ An, Hà Tĩnh và Sài Gòn vào sáng 5 Tháng Ba (giờ Việt Nam) cùng lúc xuống đường tham gia các cuộc biểu tình đòi đuổi Formosa ra khỏi Việt Nam.
Tường thuật của các facebooker từ các địa điểm nổ ra biểu tình cho hay, tại Nghệ An, đồng loạt các Giáo xứ tại Giáo phận Vinh đã xuống đường biểu tình yêu cầu chấm dứt Formosa.
‘Giáo xứ Vĩnh Hoà xuống đường với những yêu cầu chính đáng “Formosa cút khỏi Việt Nam”. Giáo xứ Phú Yên và một số bà con giáo xứ Mành Sơn cùng Cha Anton Đặng Hữu Nam bắt đầu tuần hành sang giáo xứ Song Ngọc để dâng thánh lễ hiệp thông và cầu nguyện cho các nạn nhân của thảm hoạ ô nhiễm môi trường do Formosa gây nên.’
Những người biểu tình mang theo nhiều biểu ngữ như: ‘Formosa, quy trình giết chết dân Việt’, ‘Formosa nhận lỗi, chính quyền Việt Nam nhận tiền, còn nhân dân nhận thảm họa’, ‘Hãy hành động vì con em chúng ta’…
Biểu tình tại Biên Hoà, Đồng Nai. Người dân đã xuống đường vì môi trường, đồng hành với người dân miền Trung phản đối Formosa. (Hình: Phaolo Hoàng)
Còn tại Hà Tĩnh, người dân bao vây thủ phủ Formosa. Có sự xuất hiện của quân đội. Một hàng rào dây thép gai đã rào sẵn từ trước cách xa tường thành Formosa.
Theo tường thuật của Facebooker Paulus Lê Sơn và các cộng sự: ‘Tại Hà Tĩnh, cho đến 11 giờ 20 phút, người dân tại Hà Tĩnh vẫn đang tọa kháng tại trước cổng công ty Formosa. An ninh, công an, cảnh sát cơ động được bố trí dày đặc và khắp nơi.’
Riêng tại Sài Gòn, nhiều người dân đã đến khu vực nhà Thờ Đức Bà, quận 1, để biểu tình phán đối nhà cầm quyền Việt Nam bao che cho Formosa. Họ mang theo biểu ngữ đòi đuổi Formosa và kêu gọi người dân đoàn kết chống lại sự đàn áp của chính quyền.
Tại Biên Hòa, Đồng Nai, một số người cũng xuống đường giơ cao các biểu ngữ ‘Vì sự sống còn của tương lai chúng ta, Formosa phải cút khỏi Việt Nam.’
Cuộc biểu tình ở Sài Gòn nổ ra ngay trước Nhà thờ Đức Bà. (Hình: Facebook Paulus Lê Sơn)
Đứng trước Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, nhiều người dân hô vang các khẩu hiệu và giơi cao các biểu ngữ: “Đuổi Formosa là trách nhiệm chung của chúng ta’, ‘No Formosa’, ‘Chúng tôi muốn làm người’, ‘Người Việt không giết Người Việt’ và có cả khẩu hiệu ‘Get out China’…
Phía chính quyền đã đáp trả bằng cách huy động hơn 200 công an cảnh sát, chở theo cả hàng rào thép gai để trấn áp. Họ liên tục đưa xe còi hú, xe loa liên tục ra lệnh “cấm người dân tụ tập đông người, gây mất trật tự”. Thế nhưng bất chấp, người dân vẫn đứng trước khu vực nhà thờ Đức Bà, ngay dưới chân tượng Đức Mẹ để biểu thị thái độ ôn hoà.
Biểu tình chống Formosa ở Sài Gòn (Hình: Facebook Paulus Lê Sơn)
Rất nhiều người dân bị hốt đưa lên xe chở về công an Phường 7, Bến nghé, Phường 3, Quận 1, trong đó có linh mục Trương Hoàng Vũ và Lộc, Dòng Chúa Cứu Thế. Họ bắt bớ tất cả những người cầm máy quay phim chụp hình và đưa lên xe chở về các đồn công an câu lưu giam giữ.
Vụ cá chết hàng loạt ở Việt Nam 2016 hay còn gọi là thảm họa Formosa đề cập đến việc hàng trăm tấn cá chết hàng loạt tại vùng biển Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh, bắt đầu từ ngày 6 Tháng Tư năm 2016 và sau đó lan ra vùng biển Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.
Thảm họa này gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của hàng trăm ngàn gia đình ngư dân và phá hủy gần như hoàn toàn ngành du lịch của khu vực này.
Trước sức ép của dư luận và nhiều cuộc biểu tình của người dân miền Trung và cả ở các thành phố lớn như Sài Gòn và Hà Nội, cuối Tháng Sáu năm 2016, Formosa xin lỗi chính quyền và nhân dân Việt Nam kèm cam kết bồi thường 500 triệu đô la và không có truy cứu trách nhiệm hình sự bất kỳ ai.
Dù Formosa cam kết bồi thường 500 triệu đô la, nhưng cho đến nay, nhiều người dân vẫn chưa nhận được tiền bồi thường thỏa đáng từ phía nhà cầm quyền Việt Nam, người dân Hà Tĩnh tiếp tục đi kiện và không được giải quyết.
Ðỉnh điểm sự phản kháng của người dân Hà Tĩnh là ngày 2 Tháng Mười 2016, hàng ngàn người kéo đến biểu tình trước nhà máy Formosa đòi đóng cửa thủ phạm đầu độc môi trường tại bốn tỉnh miền Trung Việt Nam.
Cuộc biểu tình được cho là “lớn nhất từ trước đến nay” ở Hà Tĩnh làm chính quyền rúng động phải dùng rất đông cảnh sát cơ động đứng chắn ngang sát tường rào của cơ sở Formosa.
Gần đây nhất, hôm 14 Tháng Hai 2017, một cuộc tuần hành do Linh Mục JB Nguyễn Ðình Thục, giáo xứ Song Ngọc, giáo phận Vinh, dẫn dắt thu hút hơn 600 người dân các xã Quỳnh Ngọc, Quỳnh Thọ và Sơn Hải thuộc huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, đi kiện Formosa. Cuộc tuần hành bị công an đàn áp dã man trong đó nhiều người bị đánh đập, câu lưu khi mới đi được 1/5 chặng đường. (KN)
……………………………………………………………..
Little Saigon: Cộng đồng người Việt ủng hộ TNS Janet Nguyễn
Nguồn: Đằng-Giao/Người Việt – March 4, 2017
Cộng đồng biểu tình ủng hộ TNS Janet Nguyễn. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
WESTMINSTER, California (NV) – Chiều Thứ Bảy, 4 Tháng Ba, Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Liên Bang Hoa Kỳ, Liên Hội Cựu Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa, Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam California và Liên Ủy Ban Chống Cộng Sản và Tay Sai đồng tổ chức buổi biểu tình và thắp nến ủng hộ Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn và giáo dân Nghệ An trong khu đậu xe của Lee’s Sandwiches, góc đường Bolsa-Moran, Westminster.
Trong số đông người đến tham dự, có những vị dân cử cả Việt lẫn Mỹ cấp địa phương cũng như từ tiểu bang.
Tất cả đồng lòng ủng hộ TNS Janet Nguyễn sau khi bà bị đưa ra khỏi phòng họp thượng viện Tiểu Bang hôm 23 Tháng Hai.
Trong diễn văn khai mạc, Bác sĩ Võ Đình Hữu, Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Liên Bang Hoa Kỳ, so sánh hành động cất lên tiếng nói của người Việt quốc gia của bà Janet với hành động không chịu nhường ghế cho người da trắng của bà Rosa Parks, một phụ nữ đấu tranh cho quyền bình đẳng cho người da đen, năm 1955.
Ông nói: “Bịt miệng bà Janet là bịt miệng tất cả những người Việt tị nạn cộng sản trên đất Mỹ.”
Bà Pat Bates, Thượng Nghị Sĩ Tiểu Bang, và ông Ed Royce, Dân Biểu Tiểu bang, cũng đứng lên phát biểu sự ủng hộ bà Janet. Cả hai đều nói rằng họ rấy vinh dự được đứng cùng phe bà Janet.
Phó Thị Trưởng Garden Grove Phát Bùi kêu gọi: “Rạng sáng Chủ Nhật, chúng tôi có hai xe buýt tại đền thờ Đức Thánh Trần để đưa đồng bào lên Sacramento để tiếp tục ủng hộ bà Janet Nguyễn và buộc ông Ricardo Lara (người ngắt lời và yêu cầu đưa bà Janet ra ngoài) phải liên tiếng xin lỗi bà Janet chính thức cũng như xin lỗi cộng đồng người Việt.”
Bà Janet đứng lên cám ơn mọi người đã ủng hộ bà để nói lên quan điểm của bà về những người phản chiến, đứng về phe cộng sản trong lúc vô số chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã phải bỏ mình.
Cộng đồng người Mỹ gốc Việt, ai ai cũng tỏ ra bất mãn về việc bà Janet bị đưa ra khỏi phòng họp.
Ông Nguyễn Kiên Liêm, cư dân Westminster, nói: “Trong lịch sử Hoa Kỳ từ năm 1975 đến nay, chưa dân biểu nào bị đối xử như vậy. Tôi đến đây để góp phần nói lên sự bất mãn trước hành động áp bức của (Quốc Hội Tiểu Bang) đối với bà Janet.”
Bà Lê Thị Kim Linh, cư dân Garden Grove, nói: “Là dân biểu Tiểu Bang, người ta không thể đối xử với đồng viên là phụ nữ như vậy. Làm vậy thì có khác gì cộng sản.”
Ông Lưu Văn Chí, cư dân Westminster, nói: “Trong nước, bị cộng sản bịt miệng, tôi mới đưa gia đình qua đây năm 1992, không ngờ ở xứ sở tự do này, người ta vẫn không cư xử khá hơn.”
Ông Nguyễn Thanh Long, cư dân Santa Ana, nói: “Tôi rất vui khi thấy những hội đoàn, thường ngày phê bình, chỉ trích lẫn nhau, mà hôm nay, khi có việc chung, lại biết đoàn kết để lo đại sự.”
Ông thêm: “Như vậy thì tôi bớt lo cho tương lai cộng đồng mình ở đây.”
Cũng có người không chủ đích ra đây biểu tình nhưng cũng tham gia.
Em Robyn Lê, cư dân Westminster, nói: Em ra đây mua bánh mì (Lee’s Sanwiches) cho má, thấy biểu tình, em tính đứng coi một chút. Tới khi biết đầu đuôi sự việc, em gọi điện thoại báo cho má phải nhịn đói một chút, rồi ở lại luôn.”
Em thêm: “Em không ngờ người ta vi phạm quyền tự do ngôn luận trắng trợn như vậy.”
Đến 4 giờ 30, một đoàn biểu tình tuần hành phát xuất từ đền thờ Đức Thánh Trần trên đại lộ Bolsa và cùng đến khu vực đang có biểu tình ủng hộ bà Janet Nguyễn (lúc này đã xong) để tiếp tục phần sau của cuộc biểu tình.
Ông Phan Kỳ Nhơn, Chủ Tịch Liên Ủy Ban Chống Cộng Sản và Tay Sai, kêu gọi: “Vừa rồi, chúng ta đã làm nhiệm vụ của những người Mỹ gốc Việt. Chúng ta sẽ tiếp tục biểu tình nữa vào sáng Thứ Hai, nhưng bây giờ, mời đồng bào cùng chúng tôi nhập cuộc biểu tình tuần hành để làm nhiệm vụ của một người con dân nước Việt.”
Ông tiếp: “Chúng ta sẽ biểu tình tuần hành rồi quay về đây thắp nến để đấu tranh cho giáo dân ở Nghệ An.”
…………………………………………………………………
Làm báo và làm tiền
Nguồn:vietbao.com- 01/03/2017
‘> Trong những ứng cử viên tổng thống, trong những tổng thống Mỹ, có thể nói Ông Trump và TT Trump là người không tiếc lời nói nặng đối với những người làm báo, làm truyền thanh, truyền hình Mỹ. Nhưng cũng không có gì mới lạ người Việt xưa nay cũng có câu, “làm báo nói láo ăn tiền, báo chí báo đời”. Như TT Trump nói truyền thông làm tin giả, tung tin vịt, với câu có lẽ nặng nhứt của TT Trump mới đây truyền thông là “kẻ thù của nhân dân Mỹ”. Hết ý, hết nói nổi.
Còn một số web như Wikileaks tiết lộ ba mươi mấy người của những cây truyền thông cổ thụ, trong cơ quan truyền thông thứ lớn ăn tiền đút lót, mua chuộc của ứng cứ viên, đưa thông tin, nghị luận thiên vị, “giáo dục quần chúng” ủng hộ gà nhà.
TT Trump kiên trì nhứt trong trận chiến chống truyền thông mà ê kíp của TT Trump cho là thiên vị này. Phát ngôn viên Toà Bạch Ốc Sean Spicer không chấp nhận cho phóng viên đài truyền hình CNN, nhật báo New York Times, trang thông tin Politico, báo Los Angeles Times hay hãng tin Pháp AFP vào buổi họp báo ngày 24/02/2017. Khi tranh cử Ô. Trump dành tiền quảng cáo cho truyền thông chỉ bằng 1/6 của ứng cử viên đối thủ là Bà Hillary. Những cử tri quần chúng đại diện cho nhân dân Mỹ và đại cử tri đại diện cho các tiểu bang – cả hai khối cử tri này thầm lặng, nhưng nhận định đúng đắn và hành động êm thấm nhưng đã thắng đại đa số ồn ào, có quyền ăn, quyền nói, quyến trói ý kiến của người dân nhơn danh đệ tứ quyền bất thành văn là nhà báo, nhà bình luận, nhà dẫn chương trình gọi là cột trụ, mỏ neo của báo và truyền hình của các cơ quan truyền thông hốt bạc đếm không xuể của ứng cử viên Hillary. Truyền thông đầy túi tiền ấy vô nước gà nhà tối đa khiến Bà Hillary tin không thèm đến những tiểu bang xôi đậu lẽ ra phải đến khiến Bà thua một cách đau thương muốn khóc.
Ở cái xứ Mỹ cờ hoa, đa văn hoá, đa chủng tộc, 50 tiểu bang chiếm gần 1/3 địa cầu này, nói chuyện bầu cử tổng thống duy nhứt mà không bàn đến truyền thông là thiếu, thiếu là cái chắc. Truyền thông ảnh hưởng bầu cử, chánh trị đến mức người ta gọi báo chí là đệ tứ quyền, một quyền bất thành văn như ba quyền hiến định thành văn gồm: lập pháp, hành pháp, và tư pháp.
Truyền thông là thuật ngữ chỉ báo chí, truyền hình, truyền thanh. Gần đây thêm các trang mạng xã hội như Twitter mà TT Trump ưa xài. Có người nói ở Mỹ không có tiền đừng nói chuyện ứng cử. Ứng cử viên và bộ tham mưu chiến dịch tranh cử nào cũng dự chi cho truyền thông số tiền nhiều nhứt. Gây quỹ nhiều cũng nhờ phương tiện truyền thông. Kiếm nhiều phiếu cũng qua truyền thông chuyển tin, chuyển ý cho quần chúng nhân dân.
Một nghiên cứu điển hình. Theo tổ chức Campaign Media Analysis Group, số chi phí cho truyền thông trong cuộc bầu cử 2 tháng 11, 2010 lên đến 4,2 tỷ Đô la. Theo tổ chức này chi phí dành để trả cho truyền thông trong bầu cử cứ tăng theo mỗi mùa bầu cử, không liên quan đến tình hình kinh tế lên hay xuống gì cả. Theo ước đoán gần chính xác, cuộc bầu cử nào có số quỹ tranh cử từ 1 triệu trở lên, thường sử dụng từ 41 cho đến 49% cho truyền thông. Năm 2010, giá cả truyền thông Mỹ đã tăng cao như vậy, thì bốn năm sau 2014 và nhứt 2016 sẽ cao hơn nữa. Đó là số tiền chi cho truyền thông phải báo cáo cho cơ quan bầu cử nên có thể làm dữ kiện sưu khảo bề mặt thôi. Chớ còn số tiền mua chuộc riêng tư, bí mật, phi pháp cho truyền thông ắt phải có, ắt không nhỏ, nhưng khó mà biết.
Cáo buộc giới truyền thông hủ hoá, làm tiền nên thiên vị không phải là điều mới. Người Mỹ lâu nay vẫn thiếu tin tưởng vào giới truyền thông cũng như những định chế khác của Mỹ như chính phủ và doanh nghiệp. Một cuộc khảo sát của Gallup công bố hồi gần đây cho thấy sự tin tưởng của người dân Mỹ đối với việc truyền thông đại chúng “đưa tin đầy đủ, chính xác và công bằng” đã sụt giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử khảo sát của họ, ở mức 32 phần trăm.”
Đức nghiệp truyền thông truyền thống là vô tư, độc lập, trung thực, chính xác và kịp thời. Quần chúng cần những thứ đó để biết sự thật. Do vậy tin tức không thể là một trò giải trí, một mánh khoé làm tiền. Làm báo không phải, không có nghĩa là làm tiền. Tin tức là tin tức. Nó có thể tốt, làm vui với người, phe đảng này, nhưng xấu, làm bực người, phe đảng khác. Nhưng cái giá trị cốt yếu của nó là sự thật. Bóp méo sự thật dù một chút thôi để làm vừa lòng phe đảng nào đó, như một thứ giải trí là không còn là tin tức nữa. Nhưng càng ngày truyền thông càng tỏ ra không thành công với thiên chức đó. Nhiều xì căn đan xảy ra do chính nhà báo gây ra, trong những tờ báo lớn như USA Today, New York Times, và hệ thống truyền hình lớn. Nếu đà này tiếp diễn chắc chắn niềm tin của quần chúng sẽ bị xói mòn.
Một vấn đề để người Việt cùng nhau suy gẫm. Truyền thông tiếng Việt ở Mỹ, phát thanh, phát hình, báo chí có đầy đủ. Ở cấp địa phương, cấp vùng và cấp quốc gia Mỹ đều có phủ sóng. Người Mỹ gốc Việt có gần 3 triệu người, đa số có quốc tịch Mỹ và đại đa số là công dân cử tri Mỹ – cử tri mẫn cán nữa là đằng khác. Nhưng cho đến bây giờ truyền thông tiếng Việt chưa chia được miếng bánh nào của các ứng cử viên Mỹ cấp liên bang cả. Tuy nhiên cũng an ủi phần nào, hầu như những ứng cử viên gốc Việt hay ứng cử sắc tộc khác trong vùng có người Việt cư ngụ có xuất hiện trên truyền thanh, truyền hình tiếng Việt, báo chí tiếng Việt. Và kể cả những bích chương biểu ngữ gởi tới nhà cử tri cũng có cái viết bằng tiếng Việt. Nhìn chung truyền thông tiếng Việt đại đa số đóng vai trò loan tải quảng cáo tranh cử, đưa thông tin nghị luận và dành quyền nhận định là quyền tối thượng của độc giả và khán thính giả, trong đó có cử tri. Giới làm báo tiếng Việt làm báo vì cái nghiệp, vì lý tưởng tự do dân chủ, nhân quyền VN cho nước nhà, đồng bào trong nước dù đa số nhà báo làm báo chỉ đủ tay làm hàm nhai thôi./. (Vi Anh)
…………………………………………………….
Hạm trưởng USS Vinson: ‘Chúng tôi có mặt ở Biển Đông’
Nguồn:nguoiviet.com- March 3, 2017
Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson. (Hình: US Navy)
USS CARL VINSON (NV) – Hoa Kỳ tiếp tục tuần tra Biển Đông để bảo đảm tự do hải hành và phi hành qua khu vực đang tranh chấp, một đề đốc của Hải Quân Hoa Kỳ trả lời như vậy khi được hỏi có gì thay đổi.
“Chúng tôi sẽ có mặt tại đây,” Đề Đốc James Kilby nói với thông tấn AP từ trên hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson khi nó đang lướt sóng trong vùng biển nước trong xanh trong khi các chiến đấu cơ F-18 tập dượt lên xuống.
“Chúng tôi từng có mặt ở đây trong quá khứ. Chúng tôi sẽ hoạt động ở đây trong tương lai, và chúng tôi tiếp tục cam kết với các đồng minh,” ông Kilby nói. “Chúng tôi tiếp tục chứng tỏ những vùng biển quốc tế là những nơi ai cũng có thể đi qua, ai cũng có thể thông thương và đó là thông điệp chúng tôi muốn gửi tới mọi người.”
Lúc ông Kilby tiếp xúc với báo chí, hàng không mẫu hạm Vinson đang ở khoảng 400 hải lý phía đông đảo Hải Nam, Trung Quốc, và Đông Bắc của quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hiện đang bị Trung Quốc cưỡng chiếm.
Một chiếc tàu hàng chạy chậm chậm cách hàng không mẫu hạm Vinson vài km. Trên tàu, các kỹ thuật viên săn sóc các chiến đấu cơ, trực thăng, và máy bay trinh sát đậu dọc hai bên tàu, trong làn gió thổi nhẹ.
Ông Kilby bình luận như trên sau khi có tin Trung Quốc đã và đang bố trí các giàn hỏa tiễn phòng không trên các đảo nhân tạo mà họ xây dựng tại quần đảo Trường Sa. Chính phủ Hoa Kỳ cho phép một số nhà báo tháp tùng chuyến tuần tra của nhóm tàu đặc nhiệm USS Carl Vinson khi chúng rời quân cảng San Diego, California, từ giữa Tháng Hai.
Sự hiện diện của hàng không mẫu hạm Vinson và đoàn tàu hộ tống đang có mặt trên Biển Đông báo hiệu chính phủ của ông Trump dự tính có những hoạt động ở trong vùng biển đang có nhiều tranh chấp.
Những tuyên bố của tân Bộ Trưởng Quốc Phòng James Mattis và tân Ngoại Trưởng Rex Tillerson của Mỹ hồi giữa Tháng Giêng và Tháng Hai gây nhiều tranh cãi, thậm chí có nghi ngại về căng thẳng gia tăng ở khu vực, và ngay cả đồn đoán có nguy cơ chiến tranh giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc.
Khi ông Barack Obama còn nắm quyền tổng thống, chính sách “xoay trục sang Á Châu” của Hoa Kỳ có chủ đích kềm chế sự “trỗi dậy” không hòa bình của Trung Quốc. Tuy nhiên, mấy chuyến tuần tra “tự do hải hành” hay “tự do phi hành” trên Biển Đông, đặc biệt một đôi lần đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý của Hoàng Sa hoặc đảo nhân tạo ở Trường Sa, bị một số nhà phân tích thời sự cho là vừa có tính khiêu khích lại cũng không làm cho Bắc Kinh chùn bước trong mưu đồ tiến từng bước đến khống chế toàn bộ Biển Đông.
Trong ngày Thứ Sáu, 3 Tháng Ba, đội tàu đặc nhiệm USS Carl Vinson vẫn còn xa khu vực tranh chấp chủ quyền giữa các nước trong khu vực. Những ngày tới, chúng sẽ có đi vào phạm vi 12 hải lý của một số đảo ở Hoàng Sa hay đảo nhân tạo ở Trường Sa hay không, dư luận đang theo dõi xem chuyện gì sẽ xảy ra. (TN)
………………………………………………