1.Người chết đánh thức lương tâm..2.NP Trọng..bao trùm công an(NV)3.Biển Đông:Mỹ cần biện pháp. .(RFI)4.VN ủng hộ đa phương

Người chết đánh thức lương tâm người sống
Nguồn:nguoiviet.com – September 20, 2016

Ngô Nhân Dụng

Một tờ báo có nên đăng những bức hình chụp cảnh chiếc xe gắn máy chở thi hài một người bó chiếu đi trên đường phố tỉnh Sơn La hay không. Ðây là một quyết định quan trọng. Trong làng báo ở các nước văn minh, người ta vẫn giữ một tập tục rất quý, là không đăng hình xác người đã chết. Vì lòng kính trọng.

Người ta tránh đăng hình xác chết nếu thấy bức hình không thật sự rất cần thiết đối với nội dung bản tin. Hội các nhà báo nhiếp ảnh ở Mỹ (NPPA) ghi trong bản quy ước đạo đức nghề nghiệp rằng: “Phải kính trọng các đối tượng. Ðặc biệt, các đối tượng thuộc lớp người yếu thế phải tôn trọng nhiều hơn. Ngoài ra phải chứng tỏ lòng từ bi đối với những nạn nhân trong các vụ phạm tội hoặc các thảm kịch.”

Năm 1994, ca sĩ Kurt Donald Cobain tự sát. Ông Mike Fancher, chủ nhiệm nhật báo Seattle Times đang có mặt ở phòng tin đã quyết định không đăng hình thi hài. Vì kính trọng độc giả cũng như người quá cố. Một xác chết với vết đạn tự bắn vào đầu trông thảm thương quá. Nhiều độc giả phản đối, ngày hôm sau tờ báo nhượng bộ, chấp nhận đăng hình thi hài của tay đàn chính trong ban Nirvana đang nổi tiếng như cồn. Ðối với những người nổi tiếng, các chính trị gia như Bob Kennedy, các tài tử như Marilyn Monroe, nhà báo không theo quy luật như với người thường.

Lý do quan trọng khiến các nhà báo không đăng hình các thi hài, là vì muốn tỏ lòng kính trọng người đã qua đời. Khi còn sống chúng ta không ai thích bị người chung quanh nhòm ngó cuộc sống riêng tư của mình. Mọi người phải tôn trọng ước muốn hợp lý đó. Tôi đã có lần kể trong mục này cảnh một người đi du lịch chụp cảnh đường phố Seattle, rồi bị một người dân sống ở đó níu lại, dọa sẽ kêu cảnh sát, vì anh đã chụp hình những người sống ngoài đường (rất đông ở trung tâm Seattle). “Anh xúc phạm đời tư của họ! Anh có xin phép họ không mà chụp hình?” Người sống đáng tôn trọng, những người chết rồi lại càng phải tôn trọng hơn. Trong các xã hội văn minh, loài người vẫn sống như thế.

Người ta tránh đăng hình thi hài trước hết cũng vì kính trọng thân nhân của người đã chết, trong những giờ phút đau đớn họ đang trải qua. Nhưng chúng ta thông cảm với anh Tùng Hải, người đã chụp bức hình chiếc xe gắn máy chở một thi thể nằm sau xe, được bó trong chiếc chiếu ngắn quá, thò hai bàn chân ra ngoài. Anh Tùng Hải chụp bức hình này sau một giờ trưa chiều ngày 12 tháng 9 vừa qua, rồi anh đưa hình lên facebook. Lý do, vì trong lòng nghi hoặc, anh muốn nhiều người được trông thấy hình ảnh này, và hy vọng các cơ quan công quyền có thể điều tra xem “có điều bất thường” nào chăng, như anh lo ngại.

Mời độc giả xem thêm video: Lại thêm vụ bó xác bố vào chăn đưa về quê bằng xe máy

Bức hình xe máy chở “thi hài cuốn chiếu” đã làm rúng động các mạng trong nước. Các báo và mạng xã hội, kể cả báo Người Việt, đã đăng lại bức hình đó, cùng với bức hình một xác người khác được bó chiếu đặt trên chiếc xe gắn máy, trong sân bệnh viện. Cả hai người đã khuất đều ở huyện Quỳnh Nhai, cùng chết tại bệnh viện trị lao và bệnh phổi tỉnh Sơn La. Các báo đăng những hình ảnh đó, chắc không phải vì muốn câu chuyện được chú ý để điều tra, như anh Tùng Hải nghĩ, nhưng vì ai cũng thấy “có điều bất thường.”

Tại sao ai cũng thấy đây là một chuyện bất thường?

Muốn cảm thấy nó bất thường thế nào, một thi sĩ của chúng ta đã mời người Việt Nam cùng tự đặt mình vào địa vị nhân vật trong hình: “Hãy nhìn trên tấm hình này: một người đàn ông cô đơn lái xe máy trên con đường vắng ngắt bóng người… một sáng tinh sương… Anh chở một người thân sau lưng, không phải một người còn sống, ngồi ôm qua lưng anh ấm áp, mà là một cái xác bó chiếu lạnh tanh, lòi hai cái chân ra ngoài.” Thi sĩ hỏi: “Có ai nhìn thấy nước mắt của người đàn ông lái xe không,… có ai nghe thấy tiếng trái tim anh,… cảm được ruột anh đang quặn lại từng cơn đau không?… Còn cái con người bất hạnh vừa từ giã đời sống nghiệt ngã này, hồn còn lẩn khuất dưới tấm chiếu hay không? Linh hồn đó có đang cúi xuống nhìn cái thân xác đáng thương của mình, ước ao được sống lại hay không?”

Một người lấy tên Sad (Buồn, tiếng Anh) viết trên Facebook: “Nhìn các công trình tượng đài ngàn ngàn tỷ lãng phí, thấy thân phận người nghèo sao khốn cùng đến vậy. Ôi, đồng bào tôi, đọc mà rơi nước mắt… cái nghèo!” Báo Người Việt nói rõ hơn: “Sơn La là tỉnh từng có dự án xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh với chi phí 14 ngàn tỷ đồng, tương đương với khoảng $700 triệu đô la.” Còn thi sĩ, bà đặt câu hỏi: “Có ai nói cho tôi biết tại sao sau bốn mươi năm hết chiến tranh rồi dân Việt của tôi còn có người sống khổ như thế, còn có người chết khổ như thế! Dân tộc tôi còn bị lừa dối đến bao giờ?”

Có lẽ thi sĩ đã nhìn thấy “điều bất thường” trong cơn sóng đang lan trên các mạng xã hội ở trong và ngoài nước Việt Nam: Ôi, đồng bào tôi ơi! Tại sao chiến tranh đã chấm dứt bốn mươi năm mà dân Việt chúng ta còn sống và chết khổ như thế?”

Nhưng đối với người trong cuộc thì có gì bất thường hay không? Ông Lò Văn Muôn, người lái chiếc xe gắn máy, 46 tuổi, kể chuyện: “Chính tôi là người chở thi thể em gái tôi về và tôi cũng không biết họ chụp ảnh vào lúc nào.” Ông đưa em vào bệnh viện, mấy tuần sau phải đưa em về, để được chết ở nhà. Ông thuê một người lái xe ôm chở cô em, với giá 400,000 đồng là tất cả số tiền ông Muôn có trong túi. Nhưng nửa giờ sau, đang giữa đường thì cô gái 39 tuổi tắt thở. “Tôi để cô ấy nằm bên đường rồi gọi cho em trai ở bến xe chở bố tôi xuống trông cô ấy; đến đó rồi nhờ mua một cái chiếu, lấy hai thanh tre quấn vào… Lúc đó là khoảng 12 giờ trưa.” Ông Muôn phân trần: “Chả biết làm thế nào cả, thuê xe (hơi) chở về thì những 5 triệu mà lúc đó chả có tiền; nên sau khi gọi em trai ra, chúng tôi quấn chiếu và đưa cô ấy lên xe máy rồi tôi lái xe chở về. Từ đó về nhà tôi khoảng 80-90km. Tôi cũng đau xót lắm chứ nhưng chẳng biết làm thế nào…”

Một điều bất thường nữa là các quan chức chính quyền địa phương, sở y tế tỉnh, và bệnh viện lại tìm cách chứng tỏ họ rất tử tế. Họ nói đã “hỗ trợ” anh Muôn hơn năm triệu đồng! Nhưng lời nói dối đã bị lật tẩy khi xuất hiện một “Xác người bó chiếu thứ hai” đặt trên xe gắn máy chờ đưa đi, ngay tại sân bệnh viện Lao và bệnh phổi Sơn La. Bệnh nhân này là một ông 57 tuổi, cũng chết vì bệnh lao bốn ngày trước khi cô em gái anh Muôn qua đời. Hai bức hình truyền lan khắp các mạng xã hội.

Trong bài này chúng tôi không nhắc đến tên người quá cố, cũng vì một thói quen ở một nơi mà loài người vẫn kính trọng những người đã chết, bất cứ người đó là ai. Không mấy ai biết đến người em gái anh Lò Văn Muôn khi cô còn sống, và cả ngay sau khi cô chết. Nhưng bức hình của cô truyền lan trên mạng đã đánh thức lương tâm của hàng triệu công dân mạng Việt Nam, và độc giả các báo.

Cô đã đánh thức điều gì trong chúng ta?

Bức hình, với đôi chân cô thò ra ngoài manh chiếu mỏng, đã khiến chúng ta tự hỏi: Dân Việt Nam sống với nhau như thế này sao? Trên thế giới có nước nào mà bệnh viện để thân nhân đưa thi hài người chết về bằng cách đó hay không? Người Việt mình có biết tôn trọng thi hài những người đã chết hay không?

Một lý do khiến loài người kính trọng các thi hài chính là để bảo vệ đức hạnh của những người đang sống. Nếu ai cũng nghĩ rằng sau khi mình chết sẽ không ai coi cái xác mình ra gì cả, thì liệu loài người có cố gắng sống một cuộc đời lương hảo hay chăng?

Sau khi các bức hình trên lan tràn trên mạng (nhưng đã bị rút khỏi facebook), ông giám đốc Sở Y Tế Sơn La đã nói: “…sẽ không bao giờ có trường hợp để người nhà phải chở xác bệnh nhân từ bệnh viện về trên xe máy. Bất kể bệnh nhân nào tử vong trong bệnh viện, các bệnh viện đều có xe cứu thương, sẽ chở thi thể người bệnh về tận nhà để làm thủ tục an táng!”

Ông cho biết, “Ðó là sự nhân đạo mà bệnh viện nào ở Việt Nam cũng sẽ làm.” Nếu được như vậy thì xin cảm ơn ông. Hy vọng ông sẽ rửa nhục cho cả dân tộc Việt Nam, không riêng gì ngành y tế! Nhưng trong trường hợp bệnh viện không còn xe cứu thương nữa thì sao? Chuyện có thật: ông giám đốc bệnh viện đa khoa huyện Phú Quốc đã sửa chiếc xe cứu thương cho những bệnh nhân cần cấp cứu thành xe du lịch bảy chỗ ngồi. Ông cần dùng chiếc xe lớn để cho ông đi học tập chính trị, và đi công tác.

Không thể tin vào những lời hứa suông! Người Việt Nam phải tự đánh thức lương tâm. Nước Việt Nam cần những thi sĩ. Thi sĩ nhìn thấy những “điều bất thường” trong cách con người đối xử với nhau. Hai bệnh nhân mới chết được bó bằng mền, bằng chiếu, chở trên xe gắn máy về nhà, khi còn sống đều là những con người vô danh. Nhưng họ đã đánh thức lương tâm chúng ta. Những người bị chết tức tưởi trong đồn công an cũng sẽ có ngày đánh thức lương tâm hàng triệu người Việt Nam. Những xác chết sẽ cất lên tiếng nói. Họ chờ các thi sĩ lên tiếng. Như Nguyễn Duy khi đi xa từng nhìn thấy ở nước mình:

“Mẹ liệt sĩ gọi con đội mồ đứng dậy
Ma cụt đầu phục kích nhà quan!”

 …………………………………………………………………………..

Nguyễn Phú Trọng nắm thêm quyền lực, bao trùm công an
Nguồn:nguoiviet.com-September 21, 2016


“Lãnh đạo đảng, nhà nước” CSVN và các “đại biểu” tham gia lễ công bố quyết định 3 trong tứ trụ triều đình đỏ đều nằm trong “Đảng Ủy Công An Trung Ương.” (Hình: VNExpress)

HÀ NỘI (NV) – Tổng Bí Thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng có thêm quyền lực bao trùm khi “tham gia đảng ủy và Ban Thường Vụ Đảng Ủy Công An Trung Ương,” theo tin của Thông Tấn Xã Việt Nam hôm 21 tháng 9, 2016.

Tin này được nhiều báo chính thống trong nước đăng tải lại về một sự kiện chưa từng có tiền lệ trong nội bộ đảng CSVN. Một số lời bình luận trên mạng cho rằng nó liên quan đến những diễn biến thời sự gần đây làm ông tổng bí thư đảng ê mặt và đồng thời, ông muốn gom thêm quyền lực vào tay mình.

Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN) viết rằng: “Sáng 21 tháng 9, lễ công bố quyết định của Bộ Chính Trị Khóa XII về việc chỉ định Đảng Ủy Công An Trung Ương nhiệm kỳ 2015-2020 đã được tổ chức trọng thể tại Hà Nội.”

Vẫn theo TTXVN, tại buổi lễ này, “Ủy Viên Bộ Chính Trị, Trưởng Ban Tổ Chức Trung Ương Phạm Minh Chính đã công bố quyết định của Bộ Chính Trị về việc chỉ định Đảng Ủy Công An Trung Ương nhiệm kỳ 2015-2020, gồm 16 thành viên; Ban Thường Vụ Đảng Ủy gồm bảy thành viên, trong đó có ba lãnh đạo đảng, nhà nước là Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang và Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc. Đây là lần đầu tiên trong các nhiệm kỳ, tổng bí thư tham gia Đảng Ủy và Ban Thường Vụ Đảng Ủy Công An Trung Ương.”

Như vậy, trong “tứ trụ triều đình đỏ” tại Việt Nam chỉ còn thiếu bà chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân là còn ở ngoài “Đảng Ủy Công An Trung Ương.”

Dịp này, phát biểu “chỉ đạo,” ông Trọng nói rằng “Đảng Ủy Công An Trung Ương phải thật sự là một tập thể đoàn kết, vững mạnh, phát huy trí tuệ tập thể, thống nhất ý chí, hành động, nghiêm túc chấp hành cương lĩnh chính trị, điều lệ đảng, giữ vững và phát huy vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt công tác công an.”

Ông được TTXVN thuật lời “chỉ đạo” tiếp rằng “Từng ủy viên Đảng Ủy Công An Trung Ương phải thực sự gương mẫu, cần, kiệm, liêm, chính; chí công vô tư; nói đi đôi với làm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong chỉ đạo, trong hành động; có ý thức trách nhiệm cao đóng góp vào các quyết định chung của Đảng Ủy Công An Trung Ương; phát huy hơn nữa năng lực, trí tuệ để phục vụ Đảng, Nhà nước và Nhân dân, xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, trong sạch, vững mạnh…”

Mời độc giả xem thêm video: Luật sư của Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh bị cản trở tiếp cận hồ sơ

Quyền hành cao nhất?

Trong hệ thống tổ chức của đảng CSVN, “bí thư đảng ủy” có quyền hành cao nhất. Hôm 4 tháng 5 vừa qua, Thượng Tướng Tô Lâm, ủy viên Bộ Chính Trị, bộ trưởng Bộ Công An được “phân công” giữ chức bí thư Đảng Ủy Công An Trung Ương theo một quyết định của Bộ Chính Trị.

Nay lại có cả ông tổng bí thư đảng, chủ tịch nước và cả ông thủ tướng cũng nằm trong “Đảng Ủy Công An Trung Ương” cho người ta những suy đoán về nội bộ thượng tầng của chế độ có vấn đề về độ tin cậy lần nhau cũng như về quyền lực.

Dư luận vẫn đang còn bàn luận sôi nổi vụ chính ông Nguyễn Phú Trọng ra lệnh trực tiếp điều tra Phó Chủ Tịch tỉnh Hậu Giang Kiêm Đại Biểu Quốc Hội Trịnh Xuân Thanh. Từ cái bảng số xe riêng lại là bảng số “xe công” bị bắt lỗi, nhiều tội trạng của ông này bị moi móc từ thời làm chủ tịch Tổng Công Ty Xây Lắp Đầu Khí (PVC) để thất thoát 3,200 tỷ đồng mà không bị truy cứu trách nhiệm, rồi lại luồn sâu leo cao trong guồng máy nhà nước.

Các bài báo bới móc Trịnh Xuân Thanh đang phơi đầy trên Internet thì đột nhiên, Trịnh Xuân Thanh biến mất. Khi Bộ Công An phát lệnh “truy nã quốc tế” thì đương sự đã ở đâu đó nước ngoài hơn một tháng, ngay cả trước khi đương sự gửi đơn cho chủ tịch Hậu Giang xin đi nước ngoài “chữa bệnh.”

Việc này được một tướng công an thanh minh trên báo chí là Trịnh Xuân Thanh “không nằm trong diện bị cấm xuất cảnh” và cũng không biết ông ta khi nào đi ra khỏi Việt Nam, từ đâu, đi một mình hay với ai, và đến đâu.

Vụ việc này có vẻ là nguyên nhân gần dẫn đến lý do ông tổng bí thư đảng, vốn dĩ đã là chủ tịch quân ủy trung ương tức người quyết định tối hậu về các mặt quân sự, lại cũng nằm trong “đảng ủy công an trung ương,” tham dự họp hành chỉ đạo trực tiếp, thay vì ngồi ở văn phòng điều khiển từ xa.

Bản tin TTXVN không có chi tiết nào nói ông Tổng Bí Thư Đảng Nguyễn Phú Trọng cũng như ông chủ tịch nước và ông thủ tướng có nhiệm vụ gì trong “Đảng Ủy Công An Trung Ương.” Chẳng lẽ đã có một ông “bí thư đảng ủy” là tướng bộ trưởng Công An rồi mà không đủ tin cậy nên các ông mới phải chen vào ngồi họp và ra lệnh trực tiếp, đồng thời kiểm soát? Nhiều người đã nhìn thấy sự việc bất bình thường này và sự tròng tréo không có tiền lệ này.

Liệu ông “bí thư đảng ủy” Tô Lâm có mất vui khi quyền hành của mình vừa mới được ban phát vài tháng đã bị đè xuống?

Người ta chỉ thấy TTXVN thuật lại những lời nói khiêm tốn kiểu nịnh hót bề ngoài của ông Tô Lâm.

“Bộ trưởng Bộ Công An cho biết đây là lần đầu tiên Đảng Ủy Công An Trung Ương vinh dự được 3 đồng chí lãnh đạo chủ chốt của đảng, nhà nước cùng tham gia. Điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của đảng, nhà nước đối với công tác bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng công an nhân dân trong giai đoạn hiện nay,” TTXVN viết. (TN)

 ……………………………………………………………

Biển Đông : Mỹ cần áp dụng một loạt biện pháp mới chống Trung Quốc
Nguồn:RFI-Trọng Nghĩa -23-09-2016 15:44

Các tàu nạo vét của Trung Quốc tại Đá Vành Khăn. Ảnh chụp từ phi cơ trinh sát P-8A Poseidon của Hải quân Mỹ ngày 21/05/2016.
REUTERS

Nhân cuộc điều trần hôm 21/09/2016 tại Hạ Viện Mỹ, ba chuyên gia hàng đầu của Mỹ về Biển Đông đã phê phán các thiếu sót trong đối sách của Mỹ chống lại sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông. Điểm lý thú là các chuyên gia này đã đề xuất nhiều biện pháp rất cụ thể, cả về pháp lý, chính trị hay quân sự, được cho là có tác dụng răn đe Bắc Kinh nhiều hơn.

Về pháp lý, tiến sĩ James Kraska, giáo sư luật quốc tế tại Học Viện Hải Chiến Hoa Kỳ (US Naval War College) cho rằng chính quyền Obama đã hoàn toàn sai lầm khi chỉ gọi các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông là « quá đáng », mà không dám gọi thẳng đó là « phi pháp ».

Đối với giáo sư Kraska, Hoa Kỳ cần phải làm rõ vấn đề cách gọi, vì yêu sách chủ quyền của Trung Quốc không chỉ là « quá mức » mà là « bất hợp pháp ». Do vậy ông Kraska đề nghị : « Chúng ta phải nói thẳng, phải loại bỏ các từ ngữ quá ngoại giao, vì điều đó chỉ nuôi dưỡng sự mơ hồ và hoài nghi, có lợi cho Trung Quốc ».

Còn bà Bonnie Glaser, chuyên gia nghiên cứu châu Á tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS, thì nhấn mạnh trên tác hại của thái độ quá thận trọng của chính quyền Obama đối với Trung Quốc trong thời gian qua. Đối với chuyên gia này, vì rụt rè, Hoa Kỳ đã không được Trung Quốc coi trọng.

Bà Glaser nêu bật việc chính quyền Obama đã dành ưu tiên hợp tác với Trung Quốc trong lãnh vực biến đổi khí hậu và thỏa thuận hạt nhân Iran, vì thế đã không dám cứng rắn đối với Bắc Kinh trong hồ sơ Biển Đông.

Thế nhưng theo chuyên gia này, chính quyền Mỹ đã sai lầm khi cho rằng quá cứng trên vấn đề Biển Đông sẽ hại cho các hồ sơ khác cần sự hợp tác của Trung Quốc. Đối với bà Glaser Mỹ hoàn toàn « có thể làm cả hai việc cùng một lúc, và nhất thiết phải nói nói rất rõ cho Trung Quốc biết rằng hành vi của họ không thể chấp nhận được. »

Về phương diện quân sự, các chuyên gia đều chỉ trích thể thức « qua lại vô hại » (innocent passage) mà Hải Quân Mỹ đã áp dụng trong ba chuyến tuần tra bên trong vùng 12 hải lý của các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp tại Trường Sa.

Đối với giáo sư luật Kraska, Hoa Kỳ không nên dùng thủ tục yếu nhất để thách thức đòi hỏi chủ quyền vô lý của Trung Quốc, vì rõ ràng là Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển không công nhận lãnh hải chung các đảo nhân tạo của Trung Quốc.

Giáo sư Kraska đề nghị là Hoa Kỳ phải cho phi cơ bay qua các đảo nhân tạo trong tay Trung Quốc ở Trường Sa, chẳng hạn như qua Đá Vành Khăn (Mischief Reef), và tiến hành nhiều cuộc tuần tra hơn vì quyền tự do hàng hải trong khu vực, một mình hay với nước khác.

Đấy cũng là khuyến nghị của bà Glaser, muốn Hoa Kỳ thực hiện các cuộc tuần tra một cách thường xuyên hơn để phá vỡ chiến thuật ngăn chặn tàu Mỹ của Bắc Kinh.

Riêng tiến sĩ Andrew Erickson, giáo sư tại Viện Nghiên Cứu về Hàng Hải Trung Quốc cũng thuộc Học Viện Hải Chiến Mỹ, thì phê phán các quan chức Mỹ không dám thừa nhận một cách công khai là ngoài lực lượng Hải Quân và Hải Cảnh, Trung Quốc còn có một lực lượng thứ ba đang giúp Bắc Kinh thâu tóm Biển Đông : Đó là lực lượng « dân quân biển ». Đối với chuyên gia này, Washington phải cấp tốc đề ra một chiến lược toàn diện hơn để đối phó với Bắc Kinh.

Trong chiến lược toàn diện này có vấn đề pháp lý và giáo sư Kraska gợi ý rằng nếu Trung Quốc không sẵn sàng chấp nhận phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực, thì các nước vẫn có thể kiện Trung Quốc ra các tổ chức quốc tế khác về các vi phạm mà Tòa Trọng Tài nêu bật.

Tổ chức Hàng Hải Quốc Tế có thể xét xử vụ Hải Cảnh và dân quân biển Trung Quốc vi phạm các quy định quốc tế về phòng ngừa va chạm trên biển (COLREGS), Tổ Chức Hàng Không Dân Dụng Quốc Tế có thể xử lý các vi phạm mã số bay, và Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc có thể phán quyết về việc biến tàu cá thành công cụ của quân đội.

………………………………………………………..

VN ủng hộ ‘chủ nghĩa đa phương’

    Nguồn:BBC-25 tháng 9 2016

 Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu ở tại Liên Hiệp Quốc ngày 24/9

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh kêu gọi “tăng cường chủ nghĩa đa phương, tuân thủ luật pháp quốc tế vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững”.

Ông Minh phát biểu ở New York trong phiên họp sáng 24/9 theo khuôn khổ tuần thảo luận cấp cao thường niên của Đại hội đồng LHQ khóa 71.

Ông nhấn mạnh luật pháp quốc tế là yếu tố căn bản cho một kiến trúc an ninh quốc tế ổn định và các chính sách.

Theo ông, đang xảy ra biện pháp áp đặt, đơn phương, cường quyền, sử dụng vũ lực đang gây căng thẳng, đối đầu.
Biển Đông

Đề cập tranh chấp Biển Đông, ông kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Ông bày tỏ hy vọng sớm tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Phó Thủ tướng Việt Nam nói Việt Nam đang hoàn tất các thủ tục để sớm phê chuẩn Thoả thuận Paris về Biến đổi khí hậu.

Ông cho biết Việt Nam đã quyết định ứng cử làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021.

Ngoài ra, Việt Nam sẽ tăng cường tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ.

……………………………………………………………….

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics