1.Nguyễn Bắc Sơn-tiếp theo(DTL/NV)-2.Hà Nội mùa vắng những cơn mưa(RFA)-3.Đà Lạt cà phê bụi và sữa đậu nành vỉa hè(NV)-

Nguyễn Bắc Sơn: ‘Người sống sót nâng ly mời kẻ khuất!’
Nguồn:nguoiviet.com-Friday, May 30, 2014

Hinh dtlDu Tử Lê

(Tiếp theo và hết)

N B Son2

Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn. (Hình: nhathonguyentrongtao.com)

Là tiếng thơ nặng tính thời sự, nên tùy tâm cảnh, quan niệm thời cuộc, chiến tranh mà, mỗi người có một ghi nhận riêng, về thơ Nguyễn Bắc Sơn. Nhưng dù đứng ở góc độ nào, từ quan điểm nào, thì thi phẩm “CTVN&T” của họ Nguyễn, vẫn là tập thơ được nói tới nhiều nhất trong những năm đầu thập niên 1970s. Và, hiển nhiên thi phẩm “CTVN&T” của Nguyễn Bắc Sơn đã không được thành phần quá khích, cực đoan ở cả hai phía tả/hữu mở rộng vòng tay đón nhận (như đa số độc giả bình thường).

Với thành phần phản chiến, nghiêng về cánh tả thì, chẳng những họ không chấp nhận tiếng thơ của Nguyễn Bắc Sơn vì, chẳng những ông không cao giọng lên án chế độ miền Nam mà, ông còn giễu cợt những… “chiến sĩ cách mạng” các anh du kích, bộ đội miền Bắc qua những câu thơ như:

“Bốn chuyến di hành một ngày mệt ngất
Dừng quân đây nói chuyện tiếu lâm chơi
Hãy tựa gốc cây hãy ngắm mây trời
Hãy tưởng tượng mình đang đi picnic
Kẻ thù ơi các ngài du kích
Hãy tránh xa ra đừng chơi bắn nheo” (6)
Hãy tránh xa ra ta xin tí điều
Lúc này đây ta không thèm đánh giặc
Thèm uống chai bia thèm châm điếu thuốc
Thèm ngọt ngào giọng hát em chim xanh
Kẻ thù ta ơi những đứa xâm mình
Ăn muối đá mà điên say chiến đấu
Ta vốn hiền khô ta là lính cậu
Ði hành quân rượu đế vẫn mang theo
Mang trong đầu những ý nghĩ trong veo
Xem cuộc chiến như tai trời ách nước…”

Và, tác giả nhìn cuộc chiến như một thứ “tai trời ách nước” chứ không phải vì lý tưởng…“giải phóng” miền Nam, tiêu diệt “Mỹ-Ngụy”:

“Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước
Vì căn phần ngươi xuôi khiến đó thôi
Chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi
Suy nghĩ làm chi cho lao tâm khổ trí
Lũ chúng ta sống một đời vô vị
Nên chọn rừng sâu núi cả đánh nhau
Mượn trời đất làm nơi đốt hỏa châu
Những cột khói giả rừng thiêng uốn khúc
Mang bom đạn chơi trò chơi pháo tết
Và máu xương làm phân bón rừng hoang” (7)

Ngược lại phe hữu hay phe chống Cộng cực đoan, cũng không thể chấp nhận một Nguyễn Bắc Sơn với những câu thơ làm…“nản lòng chiến sĩ” như:

“Mày gửi một chân ngoài trận mạc
Mang về cho mẹ một bàn chân
Mẹ già khóc đến mù hai mắt
Ðời tàn trong lứa tuổi thanh xuân”

Hay hình ảnh người lính không mấy… hào hùng trong ghi nhận của Nguyễn Bắc Sơn, như:

“Ngày trước mày hiền như cục đất
Giờ mở miệng ra là chửi tục
Hà hà ra thế con nhà binh
Ngôn ngữ thơm tho như mùi cứt”

(…)

“Giờ tối nằm mơ chỉ thấy tiền
Nhân nghĩa gì gì quên tuốt luốt” (8)

Với tôi, lý do tiếng thơ Nguyễn Bắc Sơn được đông đảo quần chúng, bằng hữu đón nhận nồng nhiệt, trước nhất, ông không làm thơ để đáp ứng quan điểm hoặc, thỏa mãn một lăng kính chính trị nào! Ông viết vì nhu cầu, thúc bách nội tâm của chính ông, trước những vô lý và, vô nghĩa của một cuộc chiến giữa những đứa con cùng một giống nòi, cùng nói một thứ tiếng, cùng tha thiết một tình yêu quê hương.

“Buổi chiều uống nước dòng Ma Hý
Thằng Xuân bắn chết thằng Mang Khinh
Hỡi ơi sống chết là mưa nắng
Gió tối mưa đêm chớ lạnh mình
Ðốt lửa đồi cao không thấy ấm
Lính Chàm giận ghét Chế Bồng Nga…” (9)

Với tôi, thơ Nguyễn Bắc Sơn đi ra từ tâm thức trước nhất của một người Việt Nam. Kế đến cũng là tâm thức của một thi sĩ, phải đối mặt với cuộc chiến mà máu xương hai bên, dù nhân danh chủ nghĩa nào, thì máu, xương kia cũng vẫn là máu xương Việt Nam. Và có người Việt Nam nào không khao khát, không ước mơ một đời sống thanh bình, êm ả?

“Cởi áo trận và hoa mai ném tuốt
Xin giã từ đời vũ khí, huy chương
Xin trở về như một kẻ hoàn lương
Xin vứt hết xin bắt đầu lại hết…” (10)

Trong tâm thức thi sĩ của Nguyễn Bắc Sơn, ông mơ ước, ông hình dung một ngày Việt Nam khác. Một ngày Việt Nam không chiến tranh. Một ngày Việt Nam gặp gỡ những Việt Nam:

“Lạng quạng ra bờ sông ngó nước
Trên bờ dưới nước gặp ông câu
Ta câu con đú ngươi con đẽn
Chung một tâm hồn tất gặp nhau” (11)

Tinh thần thi sĩ của một Nguyễn Bắc Sơn còn mơ ước tìm kiếm chân dung đích thực, ý nghĩa sau cùng một kiếp người. Nói cách khác, thơ ông muốn mở tới những chân trời tâm linh rốt ráo:

“Người sống sót nâng ly mời kẻ khuất
Lại gần đây trên bãi cỏ bờ sông
Soi mặt mình trong dòng nước xanh trong
Ðể nhìn thấy hình bản lai diện mục…” (12)

Tôi trộm nghĩ, tìm kiếm kể trên nơi tâm thức của họ Nguyễn cũng nhằm đem đến cho chính ông câu hỏi ông sớm có từ những năm đầu thập niên 1960s khi ông viết xuống trong bài thơ “Những điều cần nói khi thôi học 1963”:

“Khi ta thôi học
Người khách trú bán ve chai già đã chết
Y đã hát cho ta nghe
Những buổi trưa buồn rầu
Trong ngôi trường đầy vết tích chiến tranh
Những bài hát làm nhớ hoài một nước cổ Trung Hoa
Một nước Trung Hoa loạn lạc
Thiếu cơm và thừa nước mắt
Ôi giấc mộng anh hùng Lương Sơn Bạc

“Khi ta thôi học
Các giáo sư dạy cho lũ học trò những điều họ không tin
Và chúng ta tin những điều họ không dạy

“Khi ta thôi học
Ta không biết con người sinh ra để làm gì
Và ta mải miết
Ði tìm câu trả lời
Ðể sống yên tâm.” (13)

Tôi tin, hôm nay, khi cuộc chiến Việt Nam chấm dứt đã lâu, thời thế đã có cho nó một chương sách khác, nhưng thơ Nguyễn Bắc Sơn, dù là tiếng thơ gắn liền với thế sự thì, chúng vẫn lồng lộng trong tâm hồn, ký ức, chí ít, cũng nơi những người lính, cùng thời với ông. (14)

Và, tôi cũng tin, ông đã và đang “sống yên tâm” những ngày còn lại, nơi quê nhà?

Du Tử Lê
(Calif., Tháng Ba 2014)

Chú thích:

(6) “Bắn nheo” = “Bắn nhau” (chú thích của người viết).
(7), (8), (9), (10), (11), (12), (13) Nđd.
(14) Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn tên thật Nguyễn Văn Hải, sinh năm 1944 tại Phan Thiết. Sau 1975, đến nay, ông vẫn cư ngụ tại thành phố này.

……………………………………………….

Hà Nội mùa vắng những cơn mưa
Nguồn:RFA-Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
2014-05-26

con mua

Thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng đã khiến cho người Hà Nội thèm một cơn mưa đúng điệu của mưa Hà Nội.
Photos courtesy laodong online

“Hà Nội mùa vắng những cơn mưa” cũng là tên một ca khúc của nhạc sĩ Trương Quí Hải viết về vẻ đẹp Hà Nội theo những mảnh rời ký ức, hoài niệm và thực tại trong mối giao thoa của không gian, thời gian của phố và người Hà Nội. Trong những ngày gần đây, thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng đã khiến cho người Hà Nội thèm một cơn mưa đúng điệu của mưa Hà Nội. Đặc biệt, không khí đang nóng lên trong bối cảnh nước Nga đứng về phía Trung Quốc và bênh vực cho Trung Quốc về vấn đề xâm chiếm biển Đông, đặc biệt, bài báo mới nhất: “Những thỏa thuận giữa Moskva và Bắc Kinh tốt hơn mọi thông báo” của tác giả Dmitri Kosyrev đăng trên trang nhất của hãng tin RIA Novosti càng làm cho Hà Nội trở nên nóng bức, ngột ngạt bởi sự phản kháng và thất vọng của nhân dân.

Hà Nội nóng bức, ngột ngạt

Một nhà văn ở phố Khâm Thiên, Hà Nội, chia sẻ: “Căng lắm! Mới đây có cái bài của thằng Dmitri Kosyrev sinh năm 1955 của báo Novosti ấy, nó viết rất bậy về Việt Nam. Nó nói Việt Nam như là Crimea, Ukraine của Nga vậy, bố láo, làm gì có chuyện đó! Một là nó bẻ cong, hai là nó có một vấn đề là sau khi Nga bị Mỹ và Châu Âu cấm vận thì Nga quay lưng lại Châu Âu đã chuyển sang Trung Quốc, có thể hiểu là Nga đã đổi gió. Nga và Tàu khựa mà cấu kết lại với nhau là đã được tính trước. Quá nguy hiểm khi mà tất cả những bí mật quân sự của mình, khí tài của mình đều do Nga cung cấp hết.”

Theo nhà văn này, thành phố Hà Nội mấy ngày gần đây trở nên nóng bức và ngột ngạt không thể tả. Sự ngột ngạt này ngoài nguyên nhân thời tiết còn do yếu tố tâm lý gây nên. Phần đông những người trí thức, người có hiểu biết và chịu suy nghĩ về hiện tình đất nước trước nạn ngoại xâm đều thấy lo âu, buồn bã và hoang mang.

Vấn đề là sau khi Nga bị Mỹ và Châu Âu cấm vận thì Nga quay lưng lại Châu Âu đã chuyển sang Trung Quốc, có thể hiểu là Nga đã đổi gió. Nga và Tàu khựa mà cấu kết lại với nhau là đã được tính trước. Quá nguy hiểm khi mà tất cả những bí mật quân sự của mình, khí tài của mình đều do Nga cung cấp hết

Một nhà văn ở phố Khâm Thiên

Bởi dù sao chăng nữa, thời thơ ấu của ông và thế hệ ông ở Hà Nội cũng gắn liền với tờ báo RIA Novosti lúc đó, người ta thường gọi là báo Liên Xô, in bằng giấy bóng, có hình màu và cách thiết kế, trình bày rất đẹp mắt. Tờ báo đó cùng những hình ảnh của nó khiến cho ông luôn tin vào thiên đường xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô xa xôi và ao ước khi lớn lên sẽ được một lần ghé chân đến nước Liên Xô đàn anh xã hội chủ nghĩa, thiên đường Cộng sản của thế giới.

Thế rồi càng lớn lên, ông càng nhận ra Liên Xô cũng chẳng có gì là một thiên đường, tờ báo Liên Xô lúc tuổi thơ chỉ là một kỉ niệm đẹp ông dùng để bao vở, gói sách. Mỗi khi nhìn thấy nó, một khoảng trời tuổi thơ lại hiện về với tiếng tàu diện leng keng, phố cở nghèo nàn và thiên đường gói gọn trong tờ báo giấy láng. Mãi cho đến vài ngày trước đây, cái tên tờ báo này lại hiện ra với một bài viết hết sức bất ngờ, làm ông đi từ thất vọng sang tuyệt vọng.

con mua 2
Bài báo của RIA Novosti bị lên án mạnh mẽ. (baodatviet.vn)

Ông thất vọng về cái gọi là đàn anh Liên Xô một thuở và ông tuyệt vọng khi nhìn thấy Trung Cộng xâm lăng Việt Nam trong khi đó, Liên Xô lại bắt tay với Trung Cộng và đưa ra luận điệu Việt Nam là một Ukraine của Trung Quốc. Bài báo vừa mang tính bành trướng đại Hán, vừa phủi sạch tình anh em Việt Nam – Liên Xô lại vừa kích động chủ nghĩa bành trướng Á Đông.

Trong lúc dầu sôi lửa bỏng như thế này, Việt Nam vốn không có bất kỳ nước nào là liên minh quân sự, phe trục, chỉ dựa vào Nga và Trung Quốc, bây giờ Trung Quốc xâm chiếm, Nga đứng vỗ tay và đồng tình với sự xâm chiếm của Trung Quốc thì Việt Nam chẳng khác nào một trái bóng ném trong tay của họ. Ông cảm thấy quá buồn và tuyệt vọng cho tương lai con em Việt Nam.

Và điều này cũng nói lên rằng khối Cộng sản chưa bao giờ tôn trọng những khế ước của nó. Tất cả những mỹ từ như ‘Cộng sản Quốc tế’ hay ‘Quốc tế Cộng sản’ đều cho thấy chỉ là kiểu nói đẩy đưa để qui mọi thứ tài nguyên của thế giới về một mối, trong đó có tài nguyên sức người và tài nguyên thiên nhiên. Những đàn anh Cộng sản, suy cho cùng cũng chỉ là những tên buôn lợn có số má và đầy mưu mô, xảo quyệt. Họ có thể đạp lên danh dự và lương tri con người để đạt mục đích.

Chỉ vì mới bị Mỹ và các nước Châu Âu ly khai, Nga đã nghĩ ngay đến thị trường hơn một tỉ rưỡi người ở Trung Quốc và sẵn sàng chà đạp lên mối quan hệ quốc tế mấy chục năm nay với đàn em Việt Nam. Và cách hành xử của Nga cho thấy Nga vẫn còn chìm đắm trong thứ tư duy Cộng sản độc tài và bá quyền, vừa xâm chiếm Ukraine lại vừa cổ vũ cho Trung Quốc xâm chiếm Việt Nam. Không còn gì đáng sợ hơn những loại tư tưởng tàn nhẫn này.

Trung Quốc hung hăng không những với Việt Nam, khu vực mà cả trên thế giới nữa, lâu nay, đặc biệt là những năm trở lại đây, cái bài báo đó kích động cực cao và nguy hiểm. Hình ảnh Trung Quốc lâu nay đang nằm trong phạm vi hình ảnh của chủ nghĩa bành trướng, ác tặc như muốn biến thế giới thành nô lệ của mình

Một nhà giáo

Chủ nghĩa bành trướng bệnh hoạn

Một nhà giáo ở phố Hàng Bạc, Hà Nội, chia sẻ: “Thật là rối loạn, tức là kích động chiến tranh. Nó làm cho con người nhất là những người đang có thể có gì đó hung hăng, những người Trung Quốc hung hăng không những với Việt Nam, khu vực mà cả trên thế giới nữa, lâu nay, đặc biệt là những năm trở lại đây, cái bài báo đó kích động cực cao và nguy hiểm. Hình ảnh Trung Quốc lâu nay đang nằm trong phạm vi hình ảnh của chủ nghĩa bành trướng, ác tặc như muốn biến thế giới thành nô lệ của mình. Chủ nghĩa bành trướng và sự tàn bạo.”

Theo vị nhà giáo này, ông cảm thấy mình đang sống trong một thế giới bệnh hoạn mà căn bệnh này đã di căn trên toàn cơ thể của nó, khó có cơ may cứu vãn. Dấu hiệu đầu tiên cho thấy căn bệnh này khó mà cứu vãn là sự sủng bái thái quá những thần tượng vốn là lãnh tụ Cộng sản, từ Lê nin cho đến Stalin, Mao Trạch Đông, Kim Nhật Thành, Hồ Chí Minh và Fidelcastro… Tất cả những lãnh tụ này đều được thánh hóa và biến thành lá bùa hộ mệnh của chế độ.

Mà sự nguy hiểm tột cùng trong cuộc sống lại nằm ở điểm này, nghĩa là khi các thần tượng này lên ngôi và chính thức được thánh hóa, họ nghiễm nhiên trở thành mẫu mực, chuẩn mực chung, những hành động nhỏ nhất của họ cũng được phù phép thành vĩ đại và lấy làm tấm gương cho mọi thế hệ. Chính vì thế, sự lựa chọn tư tưởng của họ dẫu có độc tài vẫn là chuẩn mực của quốc gia, dân tộc. Và những gì liên quan đến họ đều có tính tiên phong, lãnh đạo, vô tiền khoáng hậu.

Bởi vì quá sai lầm và bệnh hoạn trong lựa chọn hệ thống mà những lãnh tụ Cộng sản các nước đàn anh tiếp tục nghĩ ra khái niệm Quốc tế Cộng sản nhằm thu về một mối. Đương nhiên là những lãnh tụ của các nước đàn anh này phải có máu bành trướng và ôm mộng hoàng đế dưới lớp vỏ lãnh tụ quốc tế, chuyên chính vô sản. Sự tan vỡ của khối Cộng sản Đông Âu là một bước tiến của lịch sử, tuy nhiên, những mầm mống độc tài và ôm mộng hoàng đế thế giới vẫn còn âm ỉ cháy trong các con cháu của họ.

Mãi cho đến khi Liên Xô đã là nước giải trừ chủ nghĩa Cộng sản thì một tổng thống Nga với tiền nhân là bộ sậu Trung ương Cộng sản đã ngang nhiên sáp nhập Ukraine vào lãnh thổ Nga mặc dù người dân nước này không muốn thế. Và chưa dừng ở đó, những người Nga nuôi mộng bành trướng thế giới tiếp tục vỗ tay cổ động cho một nước bành trướng khác là Trung Quốc với luận điệu trước đây 2000 năm, Việt Nam vốn là của Trung Quốc.

Với vị thầy giáo này, chưa bao giờ Hà Nội trở nên nóng bức, ngột ngạt như thời điểm hiện nay, bởi vì Hà Nội là trung tâm của chuyên chính vô sản hiện đại và là một thủ đô có diện tích cũng như thân phận chính trị quá nhỏ nhoi trong khối Cộng sản hiện đại. Không có gì đáng sợ hơn nếu như suy nghĩ bệnh hoạn của một tay nhà báo Nga lại trở thành hiện thực, Việt Nam trở thành thuộc địa của Trung Quốc. Điều đó chẳng khác nào nhốt tù thập thể quốc dân Việt Nam.

Hơn bao giờ hết, Hà Nội cần một cơn mưa làm mát lòng người, cơn mưa của dân chủ và tiến bộ!

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

………………………..

Ðà Lạt cà phê bụi và đậu nành vỉa hè
Nguồn:nguoiviet.com-Sunday, May 25, 2014

Nguyễn Cao Nguyên/Người Việt

ÐÀ LẠT (NV) – Những chiều mưa phùn sương nhạt trùm lên khắp núi đồi Ðà Lạt. Từ một góc phố ở đầu đường Trương Công Ðịnh giáp ranh với Trung Tâm Khu Hòa Bình, Tăng Bạt Hổ, mùi hương lan tỏa từ gánh đậu nành của bà Năm đang khiêm nhường bày ra trên vỉa hè.

ca phe bui 1

Khách hàng thưởng thước món sữa đậu nành. (Hình: Nguyễn Cao Nguyên/Người Việt)

Với một cái nồi inox sáng choang lau chùi cẩn thận, một tá ly sạch được xếp trên khay nhựa, nồi nước đậu nành trong veo màu sữa được tô điểm bằng một nắm lá dứa xanh non bốc mùi thơm lựng.

Vào thập niên 80 khi mà cái đói mỗi ngày đi thẳng uống dạ dày. Khi đó có một ký đường một lon sữa hàng tháng là đã trở thành người giàu có. Là niềm mơ ước cho những ai có con nhỏ. Ðể có thể có gạo cho con ăn có sữa cho con uống là cả một vấn đề.

“Kinh tế mới” trở thành “then chốt” cho công cuộc đi lên của CNXH. Mọi thứ đều được phân phối theo từng tiêu chuẩn của cán bộ cấp cao, cấp trung rồi đến công nhân, sau rốt đến… nhân dân.

Mọi người đều nhảy ra đường buôn qua bán lại. Chợ trời thành nơi tụ tập trao đổi mua bán đồ cũ, đồ đồng răng vàng bạc vụn muỗng nĩa xưa trở thành những món đồ có giá. Sách cũ cũng là một món hời.

Và tất cả khi chiều về, khi mù sương buông xuống, mưa trùm khắp phố phường thì gánh đậu nành của bà Năm thành nơi ghé lại ngồi một chút với ly sữa nóng hổi. Ðến khi trĩu nặng ra về mỗi người đều phải mua kèm thêm một bịch nữa cho đứa con thơ đang ở nhà khát sữa.

Ðồ rằng cả thành phố Ðà Lạt lúc ấy với những ai có con nhỏ đều phải cần đến gánh sữa đậu nành của bà Năm. Những đứa con tôi đã sống sót lớn lên nhờ những bịch đậu nành nóng hổi đầy đủ chất dinh dưỡng nầy.

Thời gian trôi qua mọi sự rồi cũng quen rồi cũng thay đổi, không còn ai còn nhớ đến bà Năm nữa. Những đứa trẻ đã chòi đạp với khốn khó của mẹ cha để thành người. Góc phố nơi bà Năm ngồi vẫn còn đó thay vào là một quán đậu nành nho nhỏ nằm xê qua bên góc đường Tăng Bạt Hổ một chút.

Nghe đâu những người bán bây giờ cũng là con cháu của bà Năm. Bây giờ họ làm ăn có vẻ qui mô hơn với nhiều loại đậu nành hơn như đậu phụng, đậu xanh bánh trái đủ loại…

ca phe bui 2

Quán cà phê “bụi” chỉ đơn giản như thế này. (Hình: Nguyễn Cao Nguyên/Người Việt)

Nơi đây được giới trẻ rất thích vì chỉ với 20 ngàn đồng (khoảng $1) là bạn đã có thể dắt người yêu ra quán. Với hai ly nước đậu kèm theo hai cái bánh ngọt là bạn đã có một chỗ ngồi thơ mộng để cầm tay nhau đi qua hết một thời sinh viên khốn khó.

Ðông vui bổ rẻ là tiêu chí mà du khách và sinh viên ở Ðà Lạt dành chọn cho cái quán vỉa hè nầy. Cũng dễ hiểu thôi vì ở đây bạn có thể ngồi bình an và nhìn mây bay xuống thấp. Vào những ngày cuối tuần thì càng tuyệt vời hơn vì khu vực nầy trở thành “khu phố đi bộ.”

Vừa lững thững dạo chơi vừa tung tăng phường phố và đến khi mỏi chân thì bạn có thể ghé đến quán và xuýt xoa ôm một ly đậu nành nóng hổi trong tay.

Cảm giác kỳ lạ là tại sao lại có một nơi như thế. Tại sao có một nơi mà tự nhiên ai cũng quen nhau, vui đáo để khi bạn có thể ngồi lăn ra giữa đường và nhậu “đậu nành.”

Cách đó chừng 300 m còn có một quán quái hơn nữa là café “Bụi.” Nói bụi vì nó còn hơn cả bụi vì nó chỉ có chữ “Bụi” gắn trên ghi đông một chiếc xe gắn máy loại “Cub cánh én.” Trên đó đèo hai cái thùng thiếc gồm ly tách café pha sẵn.

Chỗ ngồi của khách là những bậc tam cấp trước “đồn công an” cách đó 10 m. Không hiểu bằng cách nào mà các bạn sinh viên nghèo có thể nghĩ ra cái xe café “Bụi” này. Khách đến chỉ có việc ngồi bệt xuống búng tay gọi gọi đen hay sữa chỉ trong một phút thôi có ngay để nhâm nhi nhìn phố xá qua lại.

Khi được hỏi vì sao có cái ý tưởng kinh doanh kỳ lạ nầy. Nhóm bạn một nữ ba nam cho biết chỉ bởi vì khó khăn quá nên họ mới nghĩ nên kiểu buôn bán này.

Ban đầu thì cũng khó lắm mấy ông công an cũng không tha đâu vì đây khu vực trung tâm, nhưng với kiểu “lách luật” đậu chiếc xe Honda ngồi hóng cảnh chơi. Khách thì tự ngồi “em đâu có biết” nên chiếc xe nầy vẫn không biết bao giờ sẽ bị tịch thu.

ca phe bui 3

Các bạn trẻ, đa số là sinh viên bên quán cà phê bụi. (Hình: Nguyễn Cao Nguyên/Người Việt)

Bây giờ nơi đây cũng là một địa chỉ quen thuộc của dân du lịch đi phượt vì nó rất Ðà Lạt khi muốn có một nơi để có thể hò hẹn bạn bè. Cũng như đậu nành một ly café ở đây chỉ có 10 ngàn đồng, để được ngồi giữa lòng thành phố hoa thì còn bằng.

Trong khi muốn vào những quán café dọc theo đường Nguyễn Chí Thanh cũng phải 30 ngàn một ly, rẻ nhất ở café Tùng cũng phải 20 ngàn.

Chuyện chiến tranh, chuyện ‘Tàu khựa’ gây chiến cắm giàn khoan ở Biển Ðông cũng là đề tài “nóng” luôn được các bạn trẻ bàn đến một cách “sành điệu.” Chủ Nhật, 18 tháng 5 vừa qua, nghe nói cũng định rục rịch biểu tình ngay trung tâm khu Hòa Bình nhưng mới chỉ nhóm chưa được 5 phút đã bị chính quyền giải tán.

Ðà Lạt muôn đời có những cái dễ thương bất ngờ như cái quán đậu nành của bà Năm xưa kia và café Bụi bây giờ. “Chỉ bán số đông làm lời thôi, nhưng vui vì được phục vụ liền tay không ngơi nghỉ.”

“Nhìn các bạn trẻ sinh viên nghèo đưa người yêu, bạn bè đến ầm ầm làm cho mình cũng thấy vui và hạnh phúc,” cô Thủy cho biết khi múc sữa liền tay.

Các bạn café “Bụi” thì tiết lộ, nhờ chiếc xe “ bụi” nầy mà bọn em có thể giúp nhau vượt qua những ngày giông bão khi cha mẹ ngoài quê chưa kịp gởi tiền vào. Chỉ mong sao sẽ lướt qua hai ba mùa mưa còn lại. Ra trường rồi bọn em sẽ nhường lại chỗ này cho bọn đàn em thiếu đói đến sau.

Ðêm đêm nhìn những người trẻ vui tươi bên những ly cà phê, sữa đậu nành kia tôi chợt nghĩ đến những ngày đã qua của mình. Vui đó nhưng sao vẫn xót xa vì đã mấy chục năm qua rồi sao nhu cầu vẫn như xưa nghĩa là quá thấp quá rẻ, có một cái gì đó rất AQ chính truyện “tự sướng “tự an ủi chính mình.

Thì biết làm gì bây giờ. Tiền không có, nghèo rớt mồng tơi lấy đâu để dắt nhau ra vào những quán sang trọng có âm nhạc có người phục vụ. bọn em chỉ mong được “phục vụ” người khác để có đồng ra đồng vào giúp cho cha mẹ bớt khổ phần nào.

Mà thực ra bọn em có phục vụ cho ai đâu, người giàu đâu có ra đây ngồi làm gì chỉ có bọn em tự chia sẻ tự phục vụ cho nhau thôi. Bọn em đang nuôi sống chính mình, những người nghèo nuôi sống những người nghèo.

Cái đất nước này vẫn như thế chỉ khác đi một chút là cái quán đậu nành của bà Năm giờ đã rộng hơn một chút và chiếc xe cà phê “Bụi” kia mong sẽ có khách ngồi đầy hơn trên những bậc thang đời, thời giá cũng vậy thôi không hơn gì khi mọi người vẫn nghèo.

……………………………….

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics