Vai trò thi-nhãn trong thơ Ngô Tịnh Yên
Nguồn:nguoiviet.com-Friday, December 19, 2014
Du Tử Lê
Với bút hiệu Mimosa, Trà My,… nhà thơ Ngô Tịnh Yên tên thật Ngô Thị Tuyết Trinh tham gia sinh hoạt thi ca rất sớm, tự những năm còn ở Saigon.
Nhà thơ Ngô Tịnh Yên .(Hình Uyên Nguyên/Người Việt)
Tuy nhiên, phải đợi tới đầu thập niên 1990s thơ Ngô Tịnh Yên mới được nhiều người biết tới và yêu thích. Nhất là khi một trong những bài thơ của cô được nhạc sĩ Trần Duy Ðức soạn thành ca khúc, bài “Nếu Có Yêu Tôi” thì tiếng thơ Ngô Tịnh Yên lại càng vang dội xa, rộng hơn nữa.
Trong một bài viết về thơ Ngô Tịnh Yên, nhà thơ Luân Hoán (hiện cư ngụ tại thành phố Montreal, Canada) viết:
“Ðọc lục bát Ngô Tịnh Yên, thi sĩ Nguyên Sa tìm thấy người họ Ngô đang lần tay gõ qua các cánh cửa: ngày, đêm, tình yêu, cuộc đời… mọi cánh cửa đều đóng im. Ngoại trừ, khi nàng ‘gõ nhẹ nhàng, cánh cửa thơ mở tức khắc và lớn rộng.’” Dĩ nhiên (cũng theo Nguyên Sa), nàng thơ ‘bước vào thế giới thơ qua cánh cửa lớn, rộng mở’ này. Thi sĩ Nguyên Sa còn nồng nàn giới thiệu với chúng ta những ngôi nhà thơ mới do Ngô Tịnh Yên xây cất: “gồm toàn những đại sảnh, những thâm cung và cả những hành lang đầy ắp những cảm xúc sống động, tình yêu, tình đời, cảm xúc, suy tư, kiến trúc và trần thiết với những kỹ thuật ở những cao độ của kiến trúc thơ và nhìn xuống từ đó, là sâu thẳm bất ngờ.”
“Còn tôi?
“Sau khi đọc thêm những nhận xét của Nguyễn Dũng Tiến, Thiên Nga, Ngọc Anh viết về lục bát Ngô Tịnh Yên, tôi dịu dàng đặt thi tập ‘Lãng mạn năm 2000’ lên mặt gối, rồi thong dong ra đứng ngoài mái hiên.
“Mùa Thu vừa trở về, đang nghiêng vai chào Montréal bằng những vụn gió lành lạnh. Hôm nay, buổi sáng trời mưa, buổi chiều trời nắng, buổi trưa trời mù. Nên tôi cũng vẫn là tôi, đứng loanh quanh ngó, rồi lui vô nhà. Ðang bước đến gần con Hồng Yến, định cho nó tắm, thì trực nhớ đến Ngô Tịnh Yên, tôi trở lại với ‘Lãng Mạn Năm 2000’. Hai bức chân dung làm phụ bản là hai bài thơ tôi đọc trước tiên. Nụ hồng trên cánh ngực trái và nụ nốt ruồi trên cánh môi như đang nói với tôi một điều gì. Có lẽ, có thể. Tôi chiêm nghiệm hai bài thơ một cách vô phép rồi gấp sách lại. Rồi mở ra trong cung cách ngày xuân bói Kiều.
“Trang 19, giới thiệu cùng tôi một tâm cảnh sâu, nhẹ đầy thích thú, mời các bạn cùng xem với tôi:
Tôi nằm
chết thử nửa giờ
nghe ba mươi phút bỗng ngơ ngẩn dài
Tôi nằm
chết thử một giây
nghe sáu mươi khắc mà thay đổi lòng
Tôi nằm
chết thử một hôm
nghe hăm bốn tiếng không còn một ai
Tôi nằm
chết thử nào hay
chiều tang nghi quán lạnh dài khói hương
“Thơ là một nguồn ngôn ngữ có mùi hương. Một mùi hương biết thở. Nếu quả đúng là Thơ.
“Năm mươi sáu chữ của Ngô Tịnh Yên đang thở xoáy vào lòng tôi những thao thức, rạo rực, chợt như vui mà ngâm ngấm buồn. Cái hơi thở của Tịnh Yên như một luồng gió cuốn, đủ sức rủ rê những người mê làm thơ bước theo gót thơ của nàng.
Trong đầu tôi bồng bềnh hai chữ “tôi nằm…” Tôi tưởng chừng như sắp viết ra những câu lục bát. Rất may, chỉ mới lặp lại “tôi nằm, chết thử…” rồi thôi.
“Nhan sắc lục bát Ngô Tịnh Yên, theo tôi, không quá lộng lẫy, nhưng cái duyên của nó vô cùng. Luận về cái duyên, cũng theo tôi, một người con gái có nhan sắc rực rỡ, chưa đủ. Nàng phải đề huề có những nét mặn mà, đậm đà, gợi, mở được tình cảm của người nhìn ngắm, mới thật đáng yêu, đáng mê. Thơ cũng vậy, nhất là thơ lục bát. Và lục bát của Ngô Tịnh Yên có được uyên nguyên căn bản này…” (Theo Wikipedia Mở)
Ðúng như ghi nhận của nhà thơ Luân Hoán, “Lục bát năm 2000” của Ngô Tịnh Yên, xuất bản năm 2002, đã đem họ Ngô ra khỏi hàng ngũ những người nữ làm thơ cùng thời. Lục bát Ngô Tịnh Yên qua thi phẩm này, cũng đem lại cho họ Ngô một vị trí riêng. Một chỗ ngồi khác.
Qua trích đoạn trên, chỉ gồm 8 câu, nếu để ý, chúng ta sẽ thấy mở đầu mỗi 2 câu lục bát của mình, Ngô Tịnh Yêu đã lập lại 4 lần hai chữ “tôi nằm”! Với những người có hiểu biết về kỹ thuật làm thơ thì hai chữ “tôi nằm” của Ngô Tịnh Yên là “thi-nhãn,” soi rọi đường đi của bài thơ cho tới lúc kết thúc.
Nói cách khác, thi-nhãn đóng vai trò dẫn, dắt bài thơ từ lúc khởi đầu cho đến khi chấm dứt bài thơ ấy, trên sân khấu trước khán giả (người đọc).
Thi-nhãn không nhất thiết chỉ là hai chữ! Nó có thể là một chữ hoặc một cụm từ. Thậm chí, thi-nhãn cũng có thể là nguyên một câu thơ được lập đi lập lại, như sự lập lại nguyên câu thường thấy trong ca từ của ca khúc.
Ở Ngô Tịnh Yên, cho thấy cô thường sử dụng loại thi-nhãn hai chữ hay một chữ; ít khi nhiều hơn, thí dụ:
Bolsa mưa ít, nắng nhiều
Buổi sáng tổ quốc, buổi chiều quê hương
Bolsa cũng rán tròn vuông
Vương thì tội mà đi thương thế nào
Bolsa túi đựng vàng thau
Trắng đen lẫn lộn nói đâu thành lời
Bolsa bùng nổ một thời
Giọng ca Tuấn Vũ, tuyệt vời Linda
Thi nhãn trong bài thơ này của Ngô Tịnh Yên là danh từ hoặc địa danh “Bolsa.”
Họ Ngô không phải là người đầu tiên đem tên gọi “Bolsa” vào trong thơ. Nhưng, với tôi, cô là người đầu tiên đem được tên hai ca sĩ rất phổ cập thời đó, là Tuấn Vũ và Linda (tức Linda Trang Ðài) vào lục bát của mình.
Ở điểm này, tôi cho nhà báo Mặc Lâm, trong một chương trình phát thanh viết cho đài RFA đã khá tinh nhậy khi ghi nhận:
“…Nhà thơ Nguyên Sa có lẽ là người yêu Tuấn Vũ nhất. Ông có những kỷ niệm ngọt ngào đối Tuấn Vũ và không ngại ngần gì khi viết những câu khen tặng hết lời chàng trai này. Ngô Tịnh Yên cũng có duyên với nhà thơ Nguyên Sa khi những ngày đầu tiếp xúc với ông. Lục bát của Ngô Tịnh Yên đã làm Nguyên Sa chú ý và từ đó cô trở thành thân thiết với nhà thơ hơn:
“Nguyên Sa cũng là tình cờ hạnh ngộ của Ngô Tịnh Yên. Không phải là giúp nhưng ông khuyến khích rất nhiều. Không hiểu sao ông đồng cảm với lục bát của Ngô Tịnh Yên như vậy. Thơ lục bát của ông rất là ít, ông chuyên về tự do. Ông không thể giải thích tại sao ông nhìn được dòng thơ lục bát của Ngô Tịnh Yên mà ông đồng cảm. Những câu thơ nào dở ông thẳng tay bảo bỏ đi chứ không bao dung chút xíu nào hết. Ngô Tịnh Yên rất may mắn, tập thơ Lãng Mạn năm 2000 của mình được ông khuyến khích, xem và viết lời tựa. Ðó là lời tựa cuối cùng trước khi ông qua đời.
Gió đem sợi tóc chẻ hai
Mưa chẻ những giọt ngắn dài vấn vương
Tình yêu chẻ những vết thương
Biệt ly chẻ những con đường lá bay
Hoa hồng chẻ mấy nhánh gai
Ðường ngôi chẻ một, bàn tay chẻ mười
Con sông chẻ sóng bồi hồi
Nỗi buồn chẻ nhỏ, nỗi vui chẻ ngàn
Củi ngo còn dóm bếp than
Lòng tôi ai chẻ những tàn tro bay?
“Có lẽ Nguyên Sa thích thú lục bát Ngô Tịnh Yên qua bài thơ ‘Lòng tôi ai chẻ những tàn tro bay’ này chăng? Quả thật, không thể không ngạc nhiên khi Ngô Tịnh Yên sử dụng chỉ một từ ‘chẻ’ bình thường trở thành tiếng xé lụa trong thi ca. Tịnh Yên chẻ những thứ không thể chẻ trong đời sống nhưng có thể chẻ vụn tâm hồn con người. Nỗi buồn chẻ nhỏ thì càng buồn thêm và cõi lòng nếu chẻ ra được thì ai cấm tàn tro không trở thành ám ảnh?” (Nđd.)
Ở đoạn thơ trên, thi-nhãn Ngô Tịnh Yên chọn cho bài thơ của mình, chỉ có một chữ. Ðó là từ “chẻ.”
(Còn tiếp một kỳ)
……………………………………………….
Phạm Ðình Chương, Quê Hương Là Người Ðó
Nguồn:nguoiviet.com-Wednesday, December 17, 2014
Quỳnh Giao
Ðối với người Việt ở trong nước, Phạm Ðình Chương có thể là tên tuổi lạ vì đa số hiện nay sinh sau 1975 nên còn quá trẻ để biết, để nghe và để yêu nhạc Phạm Ðình Chương.
Nhưng, nói tới nhạc tình của quê hương mà không nhắc tới Phạm Ðình Chương thì là một thiếu sót lớn. Ông sinh vào mùa Thu năm 1929 trên đất Bắc, và dưới tên Hoài Bắc đã là một trong những giọng ca nam điêu luyện nhất của Việt Nam trong những thập niên 50-70. Nhưng, tiếng hát Hoài Bắc đã hy sinh cho sự lẫy lừng của ban hợp ca Thăng Long, mà ông là linh hồn, là con chim đầu đàn và người hòa âm tuyệt vời, dưới tên Phạm Ðình Chương.
Thật không phải là quá đáng nếu nói rằng Saigon trước 75 đã chẳng có phong thái văn nghệ rất phong lưu nếu không có ly rượu Hoài Bắc và tiếng nhạc Phạm Ðình Chương. Có lẽ vì vậy mà cho đến nay, các nhạc khúc của ông vẫn chưa được khôi phục đúng ngôi vị ở trong nước, iáo Hoàng-Phạm Đình Chương-Dân chài bên cầu Đồng Naivà đây là một thiệt thòi lớn cho mọi người chúng ta.
Ông đã mất năm 91, và ở nơi chốn ông đang tạm dung, có lẽ Phạm Ðình Chương vẫn phóng dật với âm nhạc và bằng hữu, trong sự đầm ấm ân cần ở nét cư xử cực kỳ dễ thương, dễ mến…
Phạm Ðình Chương lên đường hội ngộ với tân nhạc và kháng chiến từ khi rất trẻ, giữa thập niên 40, qua các ca khúc đã hòa nhập vào dòng nhạc hào hùng thời đó, như Ra Ði Khi Trời Vừa Sáng, Nhạc Tuổi Xanh, hay Hò Leo Núi, Tiếng Dân Chài, Trăng Rừng… Nếu có điểm khác thì từ thời đó, ông đã viết về tuổi trẻ và cho tuổi trẻ mà không cần bước qua khung cửa uy nghiêm của lịch sử, và nhạc tuổi xanh của ông đã mơn mởn hạnh phúc hiện tại, lấp lánh tin yêu trước mắt…
Vào Nam năm 51, ông mở ra một trang mới của dòng nhạc hoài hương với Xuân Tha Hương, bài ca dùng trong một cuốn phim Hoa Kỳ thực hiện ở Saigon giữa thập niên 50. Cũng trong loại nhạc viết cho quê hương và tình người, ông có trường ca Hội Trùng Dương là viên kim cương lóng lánh về sự hội ngộ của ba dòng sông và ba miền đất nước. Ông có Ly Rượu Mừng là khúc hoan ca vui tươi nhất trong ngày Tết.
Ngay từ đầu và mãi về sau, Phạm Ðình Chương không đi theo đám đông mà tự tạo lấy thế giới âm thanh của mình, và có lẽ chỉ biết buồn và viết nhạc buồn từ khi viết nhạc tình. Phạm Ðình Chương đã dựng cho mình một cõi riêng, cho tới khi ông mất vì bạo bệnh trên đất Mỹ…
Quỳnh Giao rất phân vân khi phải cố quên nhiều ca khúc tuyệt vời khác của Phạm Ðình Chương để chỉ nói tới tình khúc của ông, vì trong di sản âm nhạc để lại, nhạc của ông gần như có mặt trong mọi thể loại, và bài nào cũng là một tuyệt tác. Nhất là Hội Trùng Dương, trường ca bất hủ về ba dòng sông, với ba điệp khúc vốn cùng nét nhạc, mà mỗi điệp khúc lại tiêu biểu cho một miền, nhờ ở lời ca kỳ diệu…
Phạm Ðình Chương đã mất ở ngoài quê hương, và Quỳnh Giao mong rằng quê hương sẽ không mất nhạc của ông. Ở xa quê hương, khi nhớ nhà và nhớ nhạc, ai ai cũng thấy âm vang trong lòng bài Xuân Tha Hương của ông, mà Quỳnh Giao xin mời quý vị cùng thưởng thức sau đây, qua một giọng ca trẻ ở hải ngoại, là Thanh Hoàng.
Quê ngoại Phạm Ðình Chương là ở Sơn Tây, và hai bài thơ bi hùng của Quang Dũng là Ðôi Bờ và Ðôi Mắt Người Sơn Tây được ông đưa tới đỉnh cao của thi ca, khi phổ vào nhạc thành ca khúc Ðôi Mắt Người Sơn Tây. Người ta hát nhiều và nói nhiều về tác phẩm này, ca khúc quen thuộc nhất của ông ở miền Nam trước 75, nhưng, không ai trình bày tác phẩm tuyệt vời như ông. Quỳnh Giao xin được thắp nén nhang tưởng nhớ Quang Dũng và gửi bài hát này tới Phạm Ðình Chương, qua tiếng hát Hoài Bắc. Giờ này, thơ và nhạc, thi sĩ và nhạc sĩ, chắc đã gặp nhau, ở nơi chốn đó…
Nói về Quang Dũng, Quỳnh Giao trộm nghĩ là nhiều thi sĩ có món nợ với Phạm Ðình Chương, nhờ ông chắp cánh cho thơ bay lượn vào cõi nhạc và hồn người. Phạm Ðình Chương là người phổ thơ xuất chúng nhất: từ ông, thơ Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Du Tử Lê, Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa, Trần Dạ Từ, và nhiều người khác, đã thành khúc tình ca bất tử.
Thơ Thanh Tâm Tuyền vốn khó lĩnh hội ngoài số người yêu thơ trừu tượng mà lại thành lời ca phổ thông là do Phạm Ðình Chương. Ta hãy nghe lại Ðêm Màu Hồng để cảm ra sự phối hợp tuyệt vời giữa thơ và nhạc, và Ðêm Màu Hồng cũng là tên phòng trà ông trình diễn hàng đêm. Bài ca sẽ do Kim Tước trình bày.
Bản tình ca tuyệt vời nhất của Phạm Ðình Chương, ông viết lấy cả lời lẫn nhạc, và đã chinh phục những người đã yêu và biết khóc vì tình yêu. Ðó là Nửa Hồn Thương Ðau mà ông viết như xuất thần, trong thời gian ngắn cho cuốn phim Chân Trời Tím của đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc. Chúng ta hãy nức nở với Nửa Hồn Thương Ðau của ông, qua tiếng hát Nguyễn Thành Vân.
Ca khúc diễm lệ nhất của Phạm Ðình Chương cũng là bản tình ca ông viết với lời của thi sĩ Ðinh Hùng. Bài Mộng Dưới Hoa của ông là một bài ngợi ca tình yêu hiếm hoi không có nước mắt. Quỳnh Giao xin trang trọng giới thiệu tác phẩm đằm thắm này, được song ca cùng Anh Dũng.
Sau khi ra khỏi Việt Nam, Phạm Ðình Chương còn tiếp tục viết nhạc, và 40 năm sau bài Xuân Tha Hương chúng ta vừa mới nghe, Phạm Ðình Chương lại lần nữa viết một khúc bi ca về quê hương. Chúng ta hãy thử nghe Quê Hương Là Người Ðó, với lời thơ Du Tử Lê. Bài này sẽ do Phạm Thành, con trai của ông cùng nữ ca sĩ Khánh Ngọc, song ca cùng Thái Hiền, con gái Thái Hằng, là chị của ông.
Sau cùng, nhớ lại suối nguồn tân nhạc Việt Nam, ta sẽ phải hòa nhịp cùng Phạm Ðình Chương trong Hội Trùng Dương, với tiếng sông Hồng, tiếng sông Hương và tiếng sông Cửu Long. Như đóa hoa gửi tới tác giả với lời biết ơn của những người đã hát và yêu nhạc Phạm Ðình Chương, Quỳnh Giao xin giới thiệu đoạn ba của bản trường ca, với ban hợp xướng Ngàn Khơi.
Quỳnh Giao xin kính chào tạm biệt quý vị, và xin hẹn tái ngộ trong chương trình tới của Suối Nguồn Tân Nhạc Việt Nam để nói về tình ca Trịnh Công Sơn…
………………………………………….
Vũ điệu Tango tại Vatican mừng sinh nhật Giáo hoàng
Nguồn:RFI-Mai Vân
Một cặp nhảy tango tại quảng trường Thánh Phêrô, Vatican – REUTERS /Tony Gentile
Hưởng ứng lời kêu gọi trên các mạng xã hội, hàng trăm người say mê vũ điệu tango đã tập hợp vào hôm nay 17/12/2014 tại Quảng trường thánh Phêro tại Roma. Họ cùng nhau khiêu vũ theo nhịp tango để mừng sinh nhật thứ 78 của Đức Giáo hoàng Phanxicô, người Achentina, quê hương của vũ điệu nổi tiếng này.
Theo ghi nhận của AFP, họ đến từ khắp nước Ý, thậm chí đến từ rất xa, nhiều người đã đến quảng trường từ rất sớm để có thể có chỗ tốt nhất trong buổi tiếp kiến chung cùng với 13.000 tín đồ khác.
Khi Đức Giáo hoàng đến nơi, họ vẫy cao những chiếc khăn màu trắng, có người dâng tặng cho ngài một chiếc bánh hay một ly maté, loại thức uống truyền thống Achentina.
Dưới ánh nắng mặt trời tươi đẹp của một ngày mùa đông, các tín đồ đã lắng nghe Giáo hoàng nói về gia đình, nghe ngài lên án các hành vi khủng bố từ Pakistan đến Yemen, hay vụ bắt con tin ở Úc.
Nhưng đến 12 giờ, giờ giải tán thông thường, thì nhiều cặp bắt đầu khiêu vũ theo các điệu tango mà ban tổ chức cho phát thanh. Những đôi khiêu vũ trong bầu không khí rất vui vẻ ở Quảng trường Thánh Phêrô phần đông đã có tuổi.
Bà Cristina Carmorani, người có sáng kiến trên và đã đưa ra lời kêu gọi trên Facebook, cho biết là đã nhận được hơn 3.200 người ghi danh.
Hãng tin AFP cho biết khi chỉ còn là Hồng y ở Buenos Aires, trả lời một cuộc phỏng vấn, Đức Giáo hoàng đã thú thật rằng ông rất mê nhạc điệu tango. Theo lời em gái ông, thì Giáo hoàng thời còn trẻ rất sành điệu tango và khiêu vũ rất hay.
Năm ngoái, nhân sinh nhật đầu tiên của Giáo hoàng tại Roma, Radio Vatican đã phát trên làn sóng của đài những điệu tango mà giáo hoàng ưa thích, trong đó có bài “Por una cabeza” của Carlos Gardel.
Văn phòng báo chí Vatican tuy nhiên đã thận trọng thông báo rằng sự kiện hôm nay, khiêu vũ tango, không phải là sáng kiến của Tòa Thánh. AFP còn nhắc lại sự kiện vào năm ngoái, Giáo hoàng đã mừng sinh nhật thứ 77 bằng một buổi ăn sáng với 4 người vô gia cư. Hôm nay, sau buổi tiếp kiến chung, ngài cũng đã gặp 8 người vô gia cư.
……………………………………………………………………..
Xóm dân chài bên cầu Ðồng Nai
Nguồn:nguoiviet.com-Friday, December 12, 2014
Trần Tiến Dũng/Người Việt
ÐỒNG NAI (NV) – Khi đi trên quốc lộ 1 từ Sài Gòn qua cầu Ðồng Nai, đến ngã ba Vũng Tàu, nhìn cảnh chen chúc làm ăn của các tập đoàn tư bản nội địa và ngoại quốc bên các cảng sông cao ngất các thùng container… không ai nghĩ có nhánh sông gần cầu Ðồng Nai vẫn còn một xóm dân chài nghèo xơ xác.
Cảnh nhà một dân chài trên sông Ðồng Nai mỗi chiều về.
Theo đường vào nhà thờ Bến Gỗ, quẹo vào một con hẻm hẹp, qua ngôi chợ trưa lưa thưa người bán, chúng tôi càng vào sâu càng không nghĩ sẽ được ra một cửa sông thoáng mát, mà chỉ mong con hẻm chỉ vừa đủ hai chiếc xe gắn máy tránh nhau này sẽ không dài hơn nữa.
Vòng ra phía sau nhà thờ Bến Gỗ, tiếng nhạc đám ma của người vừa khuất là âm thanh duy nhất khuấy động buổi trưa vắng lặng.
Ði qua xóm nhà thu mua cá với con mương nước đen chảy rỉ rả, chúng tôi ra được bến ghe. Bến ghe này chỉ là một trong nhiều bến ghe của xóm chài, đưa người xuống những nhà chòi cất trên nền các thùng nhựa neo trên mặt sông và những bè cá cũ nát. Bến ghe này cũng là nơi đưa người dân từ bờ Bến Gỗ qua cù lao Năm C.
Bà rước cháu từ nhà trẻ về xóm chài. Ðược gởi con ở nhà trẻ trên bờ là mơ ước của nhiều dân chài nghèo Xóm Bắc.
Nắng trưa tháng 12 dịu mát, bên dưới bến ghe là hai chiếc xuồng cũ mục. Nhà nhiếp ảnh Trần Việt Ðức cất giọng hỏi người đàn bà đang ngồi trên xuồng, “Chị ơi, có thể đưa chúng tôi đi vài vòng xóm chài không?” Người đàn bà trả lời đang bận chờ người thân. Anh Trần Việt Ðức quay sang hỏi chàng trai ở trần, đang ngồi trên xuồng với một con chó. Chàng trai có vẻ ngại nhưng rồi anh gật đầu.
Chúng tôi xuống xuồng, chiếc xuồng cũ chở thêm người nên mạch nước từ be xuồng rỉ ra thành dòng. Chàng trai hỏi chúng tôi là nhà báo hay đoàn làm phim. Khi được biết là dân chụp ảnh tài tử, anh có vẻ yên tâm. Anh nói, “Thấy mấy chú có máy ảnh, tưởng người nhà nước đi chụp ảnh để giải tỏa xóm chài này.”
Chàng trai như mọi người dân ở nơi đây vẫn giữ thói quen chèo xuồng bằng hai chân như ông bà từ thời 1954 di cư vào Nam. Tên thường gọi của xóm chài này là Xóm Bắc. Cả Xóm Bắc này có khoảng vài trăm nóc nhà trên sông và trên bờ, gần như chỉ làm mỗi một nghề đánh bắt cá và nuôi cá bè.
Xuồng là phương tiện duy nhất đưa người bên Xóm Bắc qua cù lao Năm C.
Nghề nuôi cá bè ở đây khác với những làng cá bè ở miền Tây hay ở thượng nguồn sông Ðồng Nai vì không nuôi cá xuất khẩu, bè cá chỉ là nơi để rộng những loài cá sông mà họ đánh bắt được chờ có giá hay chờ cá lớn mà bán cho lái cá quanh các chợ nhỏ.
Một ngư dân trung niên cho biết. Mùa cá rộ quanh các khúc sông Ðồng Nai này vào tháng 5, còn quanh năm đều có đủ loại cá nước ngọt dù so với thời ông bà trước lượng cá không còn nhiều.
Chàng trai chèo xuồng nói, “Lúc này đang mùa cá cơm. Mấy chú muốn mua về ăn không?” Rồi anh giải thích cá cơm nước ngọt nhỏ nhưng thịt thơm ngon lắm. Vào mùa cá cơm, dân chài Xóm Bắc đi đánh lưới cá cơm vào lúc trời sập tối. Nếu trúng thì kiếm được vài trăm ngàn mỗi ngày, riêng những mùa còn lại trong năm thì vướng lưới con gì cũng bắt hết để có miếng ăn.
Người ngư phủ trẻ trên sông Ðồng Nai.
Chiếc xuồng cũ nát đưa chúng tôi quanh quanh các nhà chòi trên sông. Cảnh người nhà nghèo bám vào mặt nước để sống thì khắp Việt Nam nơi nào cũng giống nhau. Khi nói rằng đời người kiếm sống theo sông nước là đời tạm bợ, nhưng nhìn lại thì khoảng thời gian gọi là tạm bợ của họ đã kéo dài từ thế hệ này qua đến thế hệ khác.
Chàng trai chèo xuồng kể, “Nghề này bố mẹ cháu nối tiếp từ ông bà, mãi đến khi bố mất, nhà cháu mới có được hai anh chị lên bờ làm công ty, cháu học đến lớp ba thì nghỉ và theo mẹ làm nghề.” Chúng tôi hỏi, nếu chính quyền giải tỏa xóm chài thì anh định làm nghề gì. Anh cười nói, “Còn cá dưới sông thì giải tỏa thế nào được.”
Khi đi qua chỗ có một nhà bè làm nghề giữ trẻ. Nhà nhiếp ảnh Trần Việt Ðức cho biết, anh có nghe qua những trường hợp có gia đình neo đơn không người trông con nít nên nhốt con trong cái chuồng trên nhà bè mỗi khi đi đánh bắt cá. Anh chàng chèo xuồng nói, “Từ trước đến giờ ai cũng làm thế mà, nghèo, tiền đâu mà gởi con.”
Chỉ một nhánh sông hẹp Ðồng Nai mà có hơn trăm nóc nhà dân chài nghèo.
Chiều tắt nắng, anh chèo xuồng đưa chúng tôi quay lại bến ghe để kịp đi đánh lưới đêm. Khi chúng tôi lên bờ cũng là lúc mẹ anh chuẩn bị bước xuống ghe để hai mẹ con cùng đi đánh lưới. Bà mẹ mời chúng tôi đi cùng cho biết, rồi như bà đoán được chúng tôi sợ đi trên chiếc xuồng mục nát. Chỉ vào chiếc ghe to hơn có gắn máy đang neo gần đó bà nói, “Hôm khác các anh muốn đi cho biết thì đi trên chiếc ghe đó, không phải sợ.” Ðúng là chiếc ghe bà chỉ, có lớn hơn nhưng dù tiếng máy dầu nổ nghe giòn tai cũng có vẻ chấp vá, bấp bênh vẫn không khác chiếc xuồng là mấy.
Nhìn chiếc ghe của hai mẹ con xuôi dòng nhá nhem tối, phía xa là chóp đỉnh ngất ngưởng của các tòa cao ốc và ánh đèn điện cầu Ðồng Nai.
Ðâu ai có thể tiên đoán được rằng, liệu chàng trai chèo xuồng và những người con Xóm Bắc có tìm thấy bến bờ an cư, nghề nghiệp mới ổn định cho thế hệ con cháu tiếp theo của gia đình mình hay lại chạy giải tỏa mà tìm đến khúc sông khác, tiếp tục sống đời bập bềnh trên sông, đặt nguồn sống vào những loài cá nước ngọt đang dần cạn kiệt.
…………………………………..