Mưa, chiếc bóng thứ hai, trong hành trình thơ Từ Hoài Tấn?
Du Tử Lê
Nguồn:nguoiviet.com- February 17,2017
Nhà văn Từ Hoài Tấn. (Hình: trang nhavan)
Kể từ giữa thập niên 1960, tiếng thơ Từ Hoài Tấn đã được nhiều người biết tới, qua những bài thơ tình trên các tạp chí, tuần báo văn chương như Văn, Nghệ Thuật, Trình Bày, Khởi Hành v.v… Nhưng bản chất khiêm nhường, kín đáo, trong đời thường rất ít người biết ông là nhà thơ (ngay cả những bạn thân tình). Với tôi, đây là một tâm-thế-sống, chọn lựa lui vào, ẩn sâu trong cõi riêng, rũ bỏ phồn tạp đời thường – – Phong cách trực diện với nín lặng, cô đơn thường thấy ở một số thi sĩ? Hay đó là hiệu ứng, “phản cung” những tra khảo, cay nghiệt của xã hội?
Không rõ, nhưng tôi trân trọng tính “lui vào, ẩn sâu cõi riêng” rất thi sĩ của ông.
Về tính khiêm cung của Từ Tấn Hoài, nhà thơ và cũng là họa sĩ Võ Công Liêm, hiện cư ngụ tại Canada, từng cho biết:
“Tôi thân quen với Từ Hoài Tấn hồi năm 1968. Sau Tháng Tư 1975 thì chúng tôi được đời chọn cho mỗi người một cuộc sống khác nhau. Thuở ấy tôi chưa biết Từ Hoài Tấn là nhà thơ. Mặc dù anh đã có thơ đăng rải rác trên các tạp chí ở miền Nam. Chúng tôi trao đổi những chuyện thế sự qua tách cà phê hoặc nhiều khi họp mặt anh em. Tuyệt nhiên không nghe ai nói anh làm thơ. Tôi thường gọi tục danh anh mỗi khi xưng hô, đâu có biết, về sau này người bạn thân tôi là thi sĩ. Từ đó tôi thường hay đọc thơ anh và yêu thơ anh.
“Khi sống gần gũi những năm tháng sau nầy mới nhận ra được nhân cách sống của anh rõ nét hơn. Anh trầm lắng hơn trước đây hay đời biến đổi anh, tôi nghĩ như thế. Nhưng không, anh vẫn hài hòa như ngày nào, tuy nhiên vẫn không giấu được nỗi thầm kín trên gương mặt anh, không phải vì làm thơ mà anh trở nên thơ thẩn để cho ra ‘thi sĩ’. Cái bản chất anh là thế! Bởi vì xưa nay anh không tỏ một ‘dấu yêu’ nào là anh làm thơ và không chứng minh điều gì về thơ cả, anh ung dung trong tư thế đó. Tôi đem lòng khâm phục đức tính nhân hậu, khiêm tốn của một nhà thơ như anh…” (1)
Có dễ khởi đi từ tình thân trải dài nhiều năm trong đời thường, nên khi nhận định về cõi-giới thơ Hoài Tấn, họ Võ đã có những ghi nhận khá sâu sắc, cụ thể:
“Thuở đó và ngay cả bây giờ có rất nhiều người làm thơ, làm thơ vần lục bát, thơ năm chữ, bảy chữ, thơ tự do, thơ mới và thơ tân hình thức. Tôi thích thơ Từ Hoài Tấn dưới mọi thể anh làm. Thơ anh phản ảnh nhiều mặt tình cảm, đời sống, quê hương đất nước và tình người. Tất cả chứa đựng chất hiện thực và hiện sinh trong thơ anh, có nhiều bài thơ đọc lên thấy được đôi điều mà anh trút hết sự thầm kín đó vào thế giới nội tâm hơn là thế giới ngoại hình, rồi từ đó anh phá lệ, vượt thoát qua mọi thể thơ anh viết. Thơ anh tiềm ẩn và sáng tạo, dòng thơ đi lần vào dạng thơ siêu thực, đó là khuynh hướng siêu thực thơ (surrealism poetry) mà rất ít tìm thấy ở những nơi khác. Anh muốn vượt ra khỏi hiện hữu để trở về bản chất cố hữu của riêng anh.
“Từ Hoài Tấn dồn hết những xúc cảm nội tại vào thơ qua những tình huống xảy ra trong đời tác giả. Những tai ương, những khốn cùng mà anh tiếp cận với cuộc đời, đặc biệt về mặt tình cảm nói chung là nỗi ray rứt không nguôi trong dòng đời anh đi qua và anh nhủ thầm điều bất hạnh đó chỉ dành cho anh. Chính những băn khoăn với đời, với tình mà biến anh trở nên trầm lắng, trầm lắng của bản chất hay trầm lắng bởi tuyệt vọng? Ðó là cái nhìn dưới mắt tôi qua đôi mắt sầu muộn của Từ Hoài Tấn.
“Gởi vào em một cơn mưa
Cơn mưa đổ hết canh khuya khoắt nầy.
(Gởi tặng Ph.1970)
“‘Canh khuya’ Từ Hoài Tấn chưa thấy đêm sâu, anh cho thêm chữ ‘khoắt’ để thành ngữ nầy gói trọn nỗi nhớ của anh. Cho nên anh mượn thiên nhiên để gởi gắm nỗi thầm kín đó, thơ Từ Hoài Tấn nặng hình dung từ và ẩn dụ vì thế ngâm lên cũng thấy được cái chất lãng mạn riêng của Từ tiên sinh.
“Anh sinh ra và lớn lên trong cuộc chiến, anh đối đầu với lửa đạn. Anh nuốt đau thương của vận nước trong tim gan anh. Từ Hoài Tấn không ta thán hay phẫn nộ. Anh điềm nhiên tự tại như dòng sông trôi về biển mẹ, trước những khắc khoải đó anh không oán, không trách mà coi như đó là thân phận làm người. Anh nuôi dưỡng tất cả những biến cố đời trong tâm trí anh để anh phát tiết những câu thơ hàm chứa đầy đủ yếu tố nhân sinh quan và chính là con đường giải thoát tâm hồn của một nhà thơ. Nỗi trăn trở đó hiện diện trong thơ Từ Hoài Tấn là thảm kịch đời mà hình như anh gánh chịu, một cảnh đời bề bộn, xung đột giữa nội quan và ngoại quan đã làm cho Từ Hoài Tấn quặn mà không nói nên lời, điều ấy anh luôn luôn hoài niệm cho tới ngàn sau.
Ðọc bài thơ ‘Mạ’ anh nói lên cái tình của người mẹ nuôi con, nghe rất cảm động, anh sử dụng thể thơ 7 chữ, đọc lên nghe phảng phất lục bát của Tú Xương; nghe thử:
“Hai sương một nắng nào đâu sá
Con bầy một lứa phận nữ nhi
Lều tranh cuối vườn nương nhà ngoại
Tháng chờ năm đợi buổi người đi
…
“Thương nhớ một đời ta là mạ
Nhưng hồn ta vất vưởng vẫn lệ nhòa
(Mạ 1998)
“Ðọc thơ Từ Hoài Tấn cho tôi một cảm giác lâng lâng, lạc vào thế giới huyền ảo của mộng mơ, lúc chơi vơi, lúc chìm đắm giữa một khung trời lập thể đầy sắc màu. Anh thả xuống những câu thơ nghe lạ tai, nhưng lại truyền cảm, cái hay của Từ Hoài Tấn là ở chỗ đó!
“Trong tập ‘Hành Tinh Phiêu Lạc’ trang đầu ‘Mở’ thay lời tựa, tác giả chỉ nói lời giản dị (16 chữ) nhưng trọn cả hành trình anh đi. Ðó là cái chân tình của nhà thơ như anh, không phải anh tiết kiệm ngôn ngữ để nói về đứa con tinh thần mà anh đã cưu mang, chắt chiu. Có lẽ, Từ Hoài Tấn cho rằng có nói cũng không cùng; ai nghĩ sao thì nghĩ, có sứt môi méo miệng cũng là con anh, nhưng phải nghĩ một cách sâu xa, chính trong cái ‘khác đời’ đó là cái đẹp chân phương ‘Le laid peut etre beau, le joli jamais’ (P.Gauguin). Ðúng! Từ Hoài Tấn chấp nhận cái đẹp một ít hơn cái gì trau chuốt cho đẹp. Vì thế mà tôi mến cái thủy chung của anh, thiết tưởng người đọc sẽ tìm gặp một cảm nhận như tôi.
“Quay về – một mối
Ra đi – muôn đường
Tìm em – nguồn cội
Mấy trời – tang thương.”
Du Tử Lê
(Kỳ sau tiếp)
………………………………………………………………..
Fwd: CUỘC TÁI NGỘ BUỒN
Hau Nguyen to:…,me
Co Nhan oi ! Gap go lam chi…..
-0o0-
Chuyện tôi sắp kể cho các bạn nghe, tôi biết được do một sự tình cờ trong hoàn cảnh éo le. Dạo ấy tôi được cử đi thực tập ngắn hạn ở trường Đại học Grenoble miền Nam nước Pháp. Vé do trường Grenoble gửi sang, ngày đi và ngày về rất sít sao. Nhưng có dịp như thế mà không đi chơi Paris được mấy ngày thì thật phí. Tôi có con bạn đang ở Paris, nên email hẹn hò nó để nó dẫn đi chơi mấy ngày. Nhưng khổ nỗi là việc đăng ký đổi ngày đi sớm hơn rất khó, cứ nằm hoài ở danh sách dự bị.
>>>>>>>>>
Mãi đến trước ngày bay một hôm phòng vé mới báo tôi có chỗ trên máy bay. Lẽ ra tôi phải gọi điện báo gấp cho nó là đã đổi được vé thì tôi lại tiếc mấy trăm ngàn đồng tiền gọi điện, nghĩ rằng mình đến sân bay Paris lúc 6 giờ sáng Chủ Nhật mùa Đông, đến nhà nó lúc 7 giờ thì cô nàng chưa ngủ dậy, lo gì.
>>>>>>>>>
Thế mà, khổ cho tôi, thân gái dặm trường, đến nhà nó bấm chuông mãi không ai trả lời. Về sau mới biết nó không nhận được điện thoại của tôi, nghĩ rằng tôi không đổi được vé nên tối thứ bảy đã đến nhà bạn chơi, chiều chủ nhật mới về. Trời rét, phải lang thang ngoài đường thì có mà chết cóng. Tôi bèn nghĩ kế chui xuống ga tàu điện ngầm ngồi vô thức xem tàu đến, tàu đi, cố đợi cho qua một ngày.
>>>>>>>>>
Ngồi được khoảng hơn nửa tiếng thì thấy có một bà già châu Á tiến đến nói với tôi bằng tiếng Pháp: “Này cô Tàu kia ơi, cô có biết chắc rằng cô cần đi chuyến tàu số mấy không đấy? Tôi để ý thấy rất nhiều đoàn tàu qua rồi mà cô không lên chuyến nào cả”. Tôi trả lời bà rằng, thứ nhất tôi không phải là “cô Tàu”. Thứ hai là tôi chẳng chờ chuyến tàu nào cả mà tôi chờ trời tối để đến nhà cô bạn. Rồi tôi cố vận dụng hết khả năng tiếng Pháp để kể lại câu chuyện dẫn tôi đến hoàn cảnh éo le hiện nay.
>>>>>>>>>
Nghe hết chuyện, biết tôi đến từ Việt Nam thì mắt bà sáng lên, bà chuyển sang tiếng Việt: “Trời Phật, thế là hôm nay tôi gặp may rồi, tôi được nói chuyện bằng tiếng Việt rồi. Lâu nay gặp người châu Á, hỏi ra thì toàn là người Tàu, vì vậy hôm nay tôi gọi cô là cô Tàu luôn, không ngờ lại gặp được người Việt. Bà đề nghị tôi về nhà bà nghỉ ngơi, đến chiều tối sẽ gọi điện cho cô bạn, khi nào gọi được rồi thì bảo nó đến đón. Với hoàn cảnh tôi lúc ấy thì lời đề nghị của bà là lời đề nghị vàng. Tôi thật may. Nhưng bà thì cứ nằng nặc nói bà mới là người gặp may.
>>>>>>>>>
Bà kể rằng bà ở một mình trong một căn hộ 2 phòng ngủ, rất cô đơn, không có bạn bè, không họ hàng thân thích, rất mong có một người khách Việt tới thăm mà bao năm nay không có. Bà là người Hà Nội giữa thế kỷ 20, cho nên mọi khái niệm ngày nay đều rất xa lạ với bà. Chẳng hạn bà hỏi tôi làm gì, tôi trả lời là giảng dạy ở trường Đại học Bách khoa, “Thế thì cô là giáo sư rồi”. “Không bà ạ, cháu chỉ là trợ giảng thôi, chục năm nữa cháu mới được là giảng viên chính, rồi nếu có bằng Tiến sĩ mới có thể (có thể thôi bà nhé) được phong Phó giáo sư.
>>>>>>>>>
Còn giáo sư thì phải cao hơn nữa” “Ồ, ở thời tôi, dạy trường Thành Chung là giáo sư rồi. Mà có mấy khi gặp được các ông giáo sư ấy. Gặp được anh học sinh Thành Chung là may mắn lắm rồi”. Rồi bà nhắm mắt lại, như thể đang nhớ lại cái thuở ngày xưa ấy. Rồi như muốn trải lòng, bà kể về anh học sinh Thành Chung của bà.
>>>>>>>>>
Dạo ấy tôi là cô gái 18 tuổi, bán hàng khô ở chợ Đồng Xuân. Cái sạp hàng ấy là mẹ tôi để lại. Bà bán ở đấy từ năm nào tôi không biết, nhưng khi lớn lên thì tôi giúp mẹ bán hàng. Rồi khi bà già yếu thì tôi bán là chính, cho đến khi bà qua đời. Phải nói là tôi cũng xinh. Không phải là tôi tự khen đâu, mà là bạn bè tôi bảo thế. Cũng nhiều anh để ý, ngỏ lời. Nhưng tôi cảm anh học sinh Thành Chung ở phố Hàng Giấy, lại cũng tên là Thành Chung luôn. Anh Chung trắng trẻo, thư sinh và con nhà gia giáo.
>>>>>>>>>
Tôi đã một lần hẹn hò đi xem chớp bóng, và một lần đi chơi tận trên Chùa Láng với anh. Bọn tôi mang bánh mì đi và buổi trưa ngồi trên bậc tam cấp ăn bánh. Anh hẹn sẽ dẫn tôi về ra mắt bố mẹ sau khi anh thưa chuyện và được ông bà đồng ý. Thế thôi cô à. Thời ấy với bọn tôi thế là ước hẹn rồi, chứ nào có dám cầm tay nhau. Không như bây giờ chúng nó ôm hôn nhau mọi nơi mọi lúc, rồi còn dọn về sống chung, sống thử nữa chứ.
>>>>>>>>>
Thế rồi, cái số tôi nó long đong. Sau hôm đi chơi Chùa Láng về thì không thấy anh ra chợ gặp tôi nữa. Một tuần, hai tuần, rồi cả tháng luôn. Có lần tôi thử đi qua cổng nhà anh hy vọng trông thấy bóng anh trong nhà, nhưng tuyệt nhiên không. Sau đó ít lâu thì có hiệp định Geneve. Một ông lính Tây đầu bếp thường ra mua hàng của tôi, mê tôi từ lâu nhưng không dám ngỏ lời. Hôm ấy ông ấy bảo lính Pháp sắp rút rồi, ông ấy sẽ được hồi hương, ông ấy cầu hôn tôi để đem theo về Pháp. Tôi cũng lưỡng lự suy nghĩ mấy hôm, cũng không biết bộ đội Việt Minh vào thì tình hình ra sao, lại lúc anh Chung biệt tăm biệt tích, tôi đồng ý lấy ông lính Tây đầu bếp.
>>>>>>>>>
Ông ấy đưa tôi về Paris, thuê căn hộ nhỏ cùng sống. Ông ấy vẫn đi làm nhà bếp quân đội. Lương Hạ sĩ nhất cũng chẳng phong lưu gì nhưng hai vợ chồng đủ sống giản dị. Tiết kiệm chút thì cũng có đồng để dành. Không biết tại ông ấy hay tại tôi mà sống mãi với nhau chúng tôi vẫn không có con. Ông ấy cũng ít bạn bè, ít giao lưu, nên tôi cũng chẳng giao tiếp với ai. Thỉnh thoảng ông ấy có dẫn tôi đi các cuộc tụ tập thì tôi cũng chỉ ngồi nhìn, nói thì không sành, nghe thì lõm bõm câu được câu mất. Thành ra tôi chẳng có bạn bè gì cả. Sau khi ông mất thì tôi càng cô đơn. Tôi không có nghề nghiệp, không có thu nhập nên được hưởng tiền tuất suốt đời. Mối liên hệ duy nhất còn lại của tôi là thư từ của con bạn cùng bán hàng ở chợ ngày trước và tin tức về ông Chung.
>>>>>>>>>
>>>>>>>>> Cái thư thứ nhất nó viết cho tôi: Mày ơi, sáu tháng sau khi mày đi ông anh của mày mới ló mặt ra chợ mày ạ. Ông ấy có vẻ buồn, đứng đằng xa nhìn mãi. Rồi mấy lần đều không thấy mày, ông ấy mới đến hỏi tao là mày đi đâu. Lúc đầu tao còn trêu, còn nói anh bỏ nó, nó thất tình, thắt cổ tự tử rồi. Thấy ông ấy hốt hoảng tao không dám đùa nữa, tao mới bảo mày lấy ông Tây, đưa nhau về Pháp rồi. Ông ấy mới kể là khi ông ấy thưa chuyện với bố mẹ thì ông bà kịch liệt phản đối, nói rằng không môn đăng hộ đối cả về gia đình lẫn bản thân. Gia đình người ta giàu có danh giá, còn nhà mình thì chỉ có sạp bán hàng khô, bố mẹ đều đã mất. Bản thân thì anh ta đỗ Thành Chung, mà mày thì chỉ biết đọc biết viết. Lúc đầu anh ý cũng cương quyết đòi lấy mày cho bằng được, nhưng rồi bà mẹ đòi từ, thậm chí đòi tự tử. Anh ý cũng còn là người phụ thuộc, chưa đi làm nên đành chấp nhận theo bố mẹ. Cưới vợ rồi mày ạ. Cưới một người anh ý không yêu, nhưng cũng có bầu rồi.
>>>>>>>>>
>>>>>>>>> Trong thư thứ hai, cô bạn bảo ở nhà bây giờ đang có chiến dịch cải tạo tư sản và công thương nghiệp tư nhân. Các nhà tư sản thì công tư hợp doanh, còn bán hàng như bọn tao thì vào hợp tác xã. Cũng may tay chủ nhiệm của ngành hàng khô chúng mình là tay biết điều. Ông ta bảo ông chỉ làm danh sách, làm thống kê báo cáo rồi thu tiền đi nộp thuế, còn buôn bán ra sao, thế nào là do các bà các cô tự lo, lời ăn lỗ chịu. Thế là hàng tháng bọn tao chỉ việc nộp thuế và nộp một ít lệ phí cho hợp tác xã, còn thì mọi việc vẫn như xưa. Nhưng còn bố anh Chung có cái xưởng dệt kim thì phải vào công tư hợp doanh mày ạ. Cấp trên đưa một người về làm giám đốc, còn ông ấy thì làm phó. Lợi tức chia theo phần trăm, nghe nói cũng chẳng được mấy.
>>>>>>>>>
>>>>>>>>> Thư thứ ba nó kể mới bi đát chứ. Ông già nhà anh Chung làm phó giám đốc chẳng có quyền hành gì, thu nhập cũng kém, ông ấy từ chức và giao cho nhà nước quản lý rồi. Mấy cái nhà cho thuê thì nhà nước bắt thu tiền nhà theo khung giá nhà nước, rẻ bèo. Nhưng hư hỏng thì lại bắt chủ nhà sửa chữa. Cuối cùng lại cũng giao cho nhà nước nốt. Chuyện còn buồn hơn là ông bà già vì buồn bực, bị trầm cảm, ốm đau và đã mất cách nhau không lâu. Ông Chung bây giờ một vợ ba con vất vả lắm, nhà vẫn ở Hàng Giấy nhưng không phải được ở cả nhà như trước mà chỉ được ở một phòng thôi. Ông ấy chỉ có một chiếc xe đạp cà tèng, ngày hai buổi đi lấy hàng bỏ mối nuôi con mày ạ. Trông gầy gò, đen đủi, tội nghiệp lắm.
>>>>>>>>>
>>>>>>>>> Tôi nghĩ mà thấy thương cảm quá, bèn rút tiền tiết kiệm mua một chiếc xe đạp Peugeot gửi về tiếp tế cho ông ấy. Nghe con bạn kể thì khi nhận được xe cả nhà bất ngờ và sướng lắm. Thời ấy, thời tem phiếu, phiếu nhân dân, gạo 12 kg, thịt 1 lạng thì một chiếc xe đạp Peugeot bán đi sống được hàng năm. Mấy năm sau thì tôi lại ki cóp gửi cho một chiếc xe máy Peugeot 103. Ông Chung gọi người đến bán luôn trong thùng. Bán xe máy đập hộp mới được giá, các cô ngày nay có biết hay không? Cứ thế, tôi giúp cho cả nhà ông ấy qua cơn lận đận một thời, cho đến khi con cái trưởng thành, kinh tế khá giả.
>>>>>>>>>
>>>>>>>>> Tôi hỏi bà:
>>>>>>>>> – Rồi sau này bà có gặp lại ông Chung không? Bà về thăm Hà Nội hoặc bà mời ông Chung sang thăm Paris?
>>>>>>>>> – Ừ, có. Nhưng …
>>>>>>>>> Bà nhắm mắt lại, nói như cầu nguyện:
>>>>>>>>> – Nhưng…, giá mà không có cuộc gặp ấy, giá mà không mời ông ấy sang, thì có lẽ tôi không mất ông mãi mãi …
>>>>>>>>> – Trời ơi! – Tôi kêu lên – Ông ấy gặp tai nạn ư?
>>>>>>>>> – Không, không phải. Ừ, nhưng mà thôi, kể ra cũng coi như gặp tai nạn vậy,
>>>>>>>>> Tôi sốt ruột, nhưng bà cứ trầm ngâm. Bà bảo cứ từ từ rồi bà kể cho mà nghe. Dạo ấy, – bà bắt đầu – Sau khi thông thương liên lạc được dễ dàng, tôi mới biết vợ ông ấy cũng đã mất được nhiều năm. Phần tôi thì trước đây tôi cũng không báo cho ông ấy biết việc ông Tây nhà bếp của tôi đã mất lâu rồi. Nhưng bây giờ tôi đã báo và nghĩ mình nên mời ông ấy sang thăm mấy tháng. Cô cũng biết đấy, tuổi này rồi thì chỉ còn cái nghĩa thôi. Đã không có duyên với nhau thời tuổi trẻ thì đến tuổi này làm gì còn tình yêu, tình dục nữa. Nhưng tôi cứ muốn gặp lại một lần.
>>>>>>>>>
>>>>>>>>> Khi tôi ngỏ ý mời thì ông ấy im lặng, không trả lời. Mãi sau mới nhận được thư của anh con cả của ông ấy. Thư nói rằng, thưa bác, bố cháu nhận được thư của bác ngỏ ý mời bố cháu sang thăm. Nhưng bố cháu ái ngại lắm bác ạ, và có phần mặc cảm. Bố cháu bảo rằng mình đã phụ bạc người ta mà người ta lại tốt với gia đình mình thế vậy, đã giúp đỡ nhà mình suốt bao nhiêu năm khó khăn. Nay lại thịnh tình đài thọ mình sang Pháp chơi, nếu mình nhận lời thì hóa ra quá lạm dụng lòng tốt của người ta. Vì vậy, thưa bác, bố cháu và ba anh em cháu rất cám ơn bác nhưng xin phép bác cho bố cháu được ở lại nhà.
>>>>>>>>>
>>>>>>>>> Tôi phải viết thư cho anh trai cả nhà ông ấy, nói rằng chúng tôi không đến được với nhau là do cái duyên chứ chẳng phải lỗi tại ai, rằng bố anh ngày xưa đỗ Thành chung, là người học cao biết rộng, thuộc thơ tiếng Pháp làu làu, hát bài hát Pháp, đọc tiểu thuyết tiếng Pháp rồi kể lại cho tôi nghe. Một người như thế mà suốt đời không được đặt chân đến thành Paris hoa lệ, không được vào nhà thờ Đức Bà, không được ngồi thuyền ngắm cảnh trên dòng sông Seine thì thật tiếc.
>>>>>>>>>
>>>>>>>>> Thư đi thư lại mãi, rồi được các con ông ấy động viên, ông ấy mới chịu đi. Tôi gửi giấy mời để ông ấy xin visa rồi lại gửi vé máy bay sang. Ngày nay có các chuyến bay thẳng Hà Nội-Paris nên ông ấy di chuyển cũng không khó khăn gì. Tôi đã dặn chi tiết ông ấy mặc áo màu gì, đội mũ gì, tay cầm cái gì để tôi dễ nhận ra. Đồng thời tôi cũng làm cái biển đề “Mr. Thành Chung” để ông ấy biết. Tôi đã chuẩn bị là khi gặp ông ấy ở sân bay tôi sẽ khẽ khàng ôm ông ấy một cái như các bà Pháp bên này vẫn làm khi gặp bạn bè lâu ngày. Thế nhưng, cô biết không, khi chúng tôi gặp nhau, cả hai đều như khựng lại một phút. Vẫn biết đã hơn 50 năm trôi qua, ai cũng già đi, nhưng tôi không thể tưởng tượng được người đàn ông phong độ ngày xưa bây giờ lại là một ông già lụ khụ đến thế. Tôi vẫn ôm ông một cái lấy lệ, và ngửi thấy mùi thuốc lào thoảng trên áo ông. Có lẽ về phía ông ấy, ông cũng thất vọng vì nơi tôi không còn gì là nét của cô bé bán hàng khô xinh đẹp năm xưa.
>>>>>>>>>
>>>>>>>>> Đưa ông về nhà. Cái khó chịu nhất là ông đi Paris mà vẫn mang theo chiếc điếu cày. Tôi bảo ông muốn hút thì ra ngoài ban công mà hút. Ông nghe lời, nhưng mỗi lần ông hút thuốc thì lại ho sù sụ và mùi thuốc lào vẫn phảng phất trong phòng suốt ngày đêm. Ngồi trên ghế sô fa như tôi và cô đang ngồi đây, thỉnh thoảng ông lai co chân đặt cả hai bàn chân của ông lên ghế. Tôi nhắc ông thì ông đặt chân xuống nhưng thỉnh thoảng lại quên. Nhìn cảnh ông đặt cả hai bàn chân lên sô fa theo thói quen nhưng chợt nhớ, giật mình đặt chân xuống, tôi vừa tức, vừa buồn cười, lại vừa cả thương hại nữa. Dẫn ông ấy đi chơi, đi thăm Paris, ông ấy toàn hỏi những câu ngớ ngẩn. Cô xem, người thanh niên phong độ, thông minh uyên bác ngày xưa bây giờ già đi thì không nói làm gì, nhưng tôi cứ cảm giác như là một ai đó giả danh, đội lốt người yêu xưa của tôi, chứ không phải ông ấy. Có lẽ phía ông ấy cũng thế, ông không tìm thấy nơi tôi cô bé bán hàng khô xinh đẹp ngây thơ, lúc nào cũng mở tròn đôi mắt to và môi hé mở đón chờ như nuốt lấy từng lời ông ấy. Có lẽ ông ấy cũng thấy tôi là một mụ già khó tính giả danh.
>>>>>>>>>
>>>>>>>>> Thế rồi đáng lẽ ở lại ba tháng theo hạn visa thì khi được một tháng ông ấy rụt rè bảo tôi: “Bà ạ, cám ơn bà đã cho tôi đi xem Paris trong tháng rồi. Xem thế cũng đã đủ. Tôi ở đây không quen, và cũng không muốn làm phiền bà lâu quá. Tôi xin phép bà cho tôi về. Rất, rất cám ơn bà”. Tôi cũng nói một câu lấy lệ: “Ông cứ ở chơi thêm, có phiền gì đâu…” nhưng trong bụng thì cũng đồng ý cho ông ấy về để giải thoát cho mình.
>>>>>>>>>
>>>>>>>>> Ôi, thì cũng như cô hỏi: “Một tai nạn?” thì cũng coi như một tai nạn vậy. Sau khi về đến Hà Nội, ông ấy có gọi điện sang báo tin là đã về đến nơi an toàn và lại cám ơn. Rồi từ đó chúng tôi không liên lạc với nhau nữa. Ôi, giá mà không có cuộc gặp ấy. Giá mà đừng mời ông ấy sang. Thì có phải trong tôi vẫn còn hình ảnh chàng trai tuấn tú thông minh ngày xưa. Tôi dù cô đơn ở đây, nhưng trong tim tôi, trong trí óc tôi vẫn còn một hình bóng thương yêu để tôi nương tựa trong những ngày cuối đời. Đằng này tôi đã mất tất cả. Bây giờ trong tôi trống rỗng. Tôi cô đơn lại càng cô đơn. Bây giờ thì cô đã hiểu vì sao gặp cô hôm nay tôi như chộp được vàng, tôi nói là tôi gặp may mà.
>>>>>>>>>
>>>>>>>>> Tối hôm ấy, sau khi gọi điện được cho con bạn tôi, nó lao đến ngay. Ba người chúng tôi lại tiếp tục nói chuyện khá lâu. Ba ngày sau đó, theo đề nghị của tôi, không phải một mình con bạn đưa tôi đi chơi mà cả bà già nữa. Bà già bảo từ nay bà có thêm hai người bạn Việt, và ba ngày đó là ba ngày hạnh phúc nhất trong những năm cuối của đời của bà.
>>>>>>>>>
>>>>>>>>> Từ Grenoble, nơi tôi thực tập, thỉnh thoảng tôi lại gọi điện nói chuyện với bà. Kể cả sau khi về Hà Nội cũng vậy. Mấy năm sau thì bà mất. Ông Chung nghe nói cũng mất rồi. Cầu chúc hai ông bà gặp lại nhau dưới suối vàng với đúng hình ảnh anh chị ngày xưa.
>>>>>>>>>
>>>>>>>>> Trọng Mai
…………………………………………………………………
Sài Gòn của tôi, 50 năm trước
Nguồn: Nguyễn Ðạt – Giai Phẩm Người Việt Xuân Đinh Dậu
February 9, 2017
Ðặt chân tới Sài Gòn năm 1954, lúc ấy tôi là đứa bé 9 tuổi, theo gia đình từ miền Bắc di cư vào miền Nam tự do. Ký ức của đứa bé 9 tuổi hẳn nhiên không thể ghi nhận được gì nhiều; nhưng đứa bé lớn lên và sinh sống tại Sài Gòn từ thuở ấy tới bây giờ, đã giúp tôi dễ dàng gợi dậy trong ký ức, ít nhất là những hình ảnh đậm nét của Sài Gòn, 50 năm về trước.
Ấn tượng về Sài Gòn trong tôi từ lúc ấy tới bây giờ cũng không phai nhạt bao nhiêu, dù đã hơn nửa thế kỷ trôi qua. Ấn tượng sâu đậm, bởi Sài Gòn những ngày tháng ấy quá mới lạ trong tâm trí tôi, đứa trẻ đã trải qua một đoạn đời ấu thơ tại Hà Nội.
Ðiều đầu tiên tôi nhận biết lúc ấy, tôi nói với cha tôi, là Sài Gòn có vẻ rất Tây so với Hà Nội. Cha tôi bảo, bởi vì một trăm năm Pháp thuộc, Sài Gòn và miền Nam là thuộc địa; trong khi Hà Nội của miền Bắc là bảo hộ.
Cha tôi làm thông ngôn trong quân đội Liên Hiệp Pháp, dạy tiếng Pháp cho các con từ nhỏ; nên tôi nhớ được rành rõ những tên Pháp ngữ đặt cho nhiều đường phố lớn của Sài Gòn lúc ấy. Căn nhà đầu tiên của gia đình chúng tôi khi vào Sài Gòn ở đường Bà Hạt, quận 10. Ðường Bà Hạt là đường phố nhỏ, một đoạn chạy ngang đường phố lớn mang tên Tây, là Lacaze – tức đường Nguyễn Tri Phương.
Sài Gòn của tôi, 50 năm trướcVài năm sau, Tổng Thống Ngô Ðình Diệm cho thay thế tên Tây; vẫn giữ lại tên những danh nhân thế giới, dù danh nhân ấy là người Pháp, như Calmette, Pasteur, Alexandre de Rhodes… Những đường phố mang tên Tây, đa số là quan chức Pháp, được thay thế, như: Bonard – Lê Lợi; Charner – Nguyễn Huệ; Galliéni – Trần Hưng Ðạo; De la Grandrière – Gia Long; Catinat – Tự Do; Lacaze – Nguyễn Tri Phương… Tuy nhiên, nhiều năm sau đó, dân Sài Gòn vẫn nói: Ði bát phố Bô-na, Catinat; đi mua hàng ở thương xá Charner…, luôn là gọi tên Tây, cho 3 đường phố đẹp bậc nhất của Sài Gòn.
Phố phường Sài Gòn lúc ấy đa số là những con đường lớn rộng, dài dằng dặc. Và rất nhiều cổ thụ. Ðặc biệt loại cây có tên rất bình dân là cây dái ngựa – tên khoa học là Meliaceae – thân to nổi mấu gồ ghề, tỏa rộng cành lá, bóng mát ngợp đường Lê Ðại Hành, trước mặt Trường Ðua Phú Thọ, quận 11. Hàng cây me xanh mát mắt suốt con đường Gia Long, con đường có bệnh viện Grall do người Pháp lập nên, giữa vườn cây rộng rinh. Rừng cao su bát ngát, chạy dài theo con đường Nguyễn Văn Thoại, từ Trường Ðua Phú Thọ tới ngã tư Bảy Hiền…
Sài Gòn của tôi, 50 năm trướcNăm tôi còn nhỏ tuổi, cha vẫn dẫn đi chơi mỗi Chủ Nhật. Vào Vườn Ông Thượng, còn có tên Tây là Bờ-rô, sau đó mới gọi tên là Vườn Tao Ðàn; dẫn đi chơi ở Sở Thú-Thị Nghè… Cây trồng ở Sài Gòn phong phú là nhờ công sức của vị giám đốc Sở Thú đầu tiên, người Pháp; ông từng là chuyên viên nghiên cứu về cây trồng ở nhiều nơi trên thế giới; nhất là vùng nhiệt đới ở Phi Châu, có nhiều loại cây thích hợp với thổ nhưỡng Sài Gòn. Những năm sau này, lớn thêm vài tuổi, lại được anh cùng cho đi “bát phố Bô-na,” để thấy rõ Sài Gòn quả là rất Tây; tôi tha hồ thưởng ngoạn vẻ đẹp “Paris” của nó.
Tản bộ trên đường Catinat, từ nhà thờ Ðức Bà tới bến Bạch Ðằng, nhìn ngắm các cửa hiệu sang trọng thời thượng dọc con phố. Và Passage Eden, rất nên gọi là “Hành Lang Ði Bộ,” chính diện nhìn ra đường Catinat. Passage Eden gồm trong đó: bát phố; xem chiếu phim – trong rạp Eden giữa lòng hành lang; mua sắm; ăn kem uống cà phê ăn tối ở quán Givral liền bên… và để ngắm nhìn trai thanh gái lịch, quý ông quý bà Sài Gòn, cũng ở trong đó.
Trai thanh – quý ông thì áo sơ mi quần tây trắng lốp; mũ flechet; giày deux couleurs; đồng hồ quả quít đeo ở dây lưng. Gái lịch – quý bà thì áo dài Lemur-Cát Tường không thua phụ nữ Hà Nội, hoặc vận jupe như “bà đầm”; tay xách porte feuille, chân đi guốc cao gót; tóc búi cao hoặc uốn dợn sóng, cổ đeo kiềng vàng…
Sài Gòn của tôi, 50 năm trướcRa vào Passage Eden nhiều lối, ưa thích ra vào lối nào cũng được. Anh tôi dẫn tôi vào lối cửa ở đường Charner, rồi đi vòng qua Bonard, rồi ra cửa Catinat… Rồi chúng tôi ghé hiệu sách Albert Portail – sau có tên là Xuân Thu – sát cạnh đó, toàn là sách từ bên Tây đưa sang, tha hồ mà đọc mà ngắm.
Rồi với bạn học cùng lớp cùng trường Chu Văn An, Trường-Trung-Học-Di-Chuyển-Bắc-Việt (có ghi ở bảng hiệu của trường như vậy, vì trường cũng di cư từ Hà Nội vào Sài Gòn) đi chơi và chụp ảnh lưu niệm Sài Gòn.
Bất cứ buổi sáng Chủ Nhật nào, góc thân thuộc nhất, tập trung nhiều nhất các “bác phó nhòm,” chính là quảng trường trước mặt quán Givral. Mái hiên cong kiều diễm của quán Givral, và con đường Catinat thẳng tắp, với hai hàng cây hai bên chạy dài ngút mắt, đã đi vào không biết bao nhiêu tấm ảnh lưu niệm Sài Gòn. Hoặc những tấm ảnh của cả gia đình, lưu niệm ngày đi mua sắm ở thương xá Charner; buổi dùng bữa cơm Tây ở một nhà hàng Pháp trên phố Bonard…
Sài Gòn của tôi, 50 năm trướcNhững ngôi đền Ấn Ðộ giữa lòng Sài Gòn lúc ấy, cũng đi vào ký ức của đứa bé miền Bắc di cư khá đậm nét. Sao mà Sài Gòn nhiều đền đài của Ấn Giáo, với kiến trúc tinh tế kỳ công đến thế. Những ngôi đền uy nghi tọa lạc ở các con đường Tôn Thất Thiệp-Trương Ðịnh-Công Lý của quận 1, trung tâm Sài Gòn. Người Ấn Ðộ sinh sống tại Sài Gòn khá đông, chỉ không nhiều bằng người Hoa, ở cả một vùng Chợ Lớn. Tôi nghe dân Sài Gòn gọi họ là Chà Và. Sau này tôi mới hiểu, Chà Và là đọc trại từ Java, gọi chung cho người Ấn Ðộ và người Mã Lai; họ thường làm nghề mại bản, quản lý nhà đất, cho vay tiền, làm trung gian giữa người Việt và người Pháp…
Ðường Tôn Thất Thiệp, vào năm 1954 vẫn được xem là một tiểu Ấn Ðộ, với những ông Chà Và cho vay tiền, chủ quán cà ri nị, mở tiệm kim hoàn. Những người Ấn Ðộ gốc ở Bombay thường kinh doanh ngành vải; họ có nhiều cửa hiệu ở đường Catinat, Bonard, Hàm Nghi, Galliéni, và chợ Bến Thành. Từ lâu trước đó, cộng đồng người Ấn Ðộ ở quận 1 còn đông đảo hơn nhiều; đã có một đợt người Ấn Ðộ rời Sài Gòn sang định cư tại Pháp, vào năm 1945.
Sài Gòn của tôi, 50 năm trướcCó lẽ cái mới lạ, và thấy thân thương nhất, đối với người miền Bắc di cư vào Sài Gòn như tôi, là những quán tiệm bình dân, tiệm Hoa kiều. Hai thứ quán tiệm này khá giống nhau. Buổi sáng tới quán, những ông già Sài Gòn đọc-nhựt-trình, nói chuyện ưa chêm tiếng Pháp, xưng tôi là mỏa (moi); những bà già hút thuốc điếu; những anh tài xe xích lô máy chở cả vợ con trong lòng xe rộng bè, tới quán ăn hủ tíu uống cà phê, xong chở về nhà rồi mới đi chở khách. Một thời gian trong năm 1954-55, khi có xài tiền 5 cắc bằng kim loại; thì tại Sài Gòn, cứ việc lấy giấy bạc một đồng – có hình Nam Phương hoàng hậu – mà xé làm hai, xài một nửa tương đương 5 cắc! Thật là thuận tiện, đơn giản.
Người Sài Gòn-Nam Bộ không cần thiết phải biết tên người mới quen; chỉ hỏi người này là con thứ mấy trong gia đình, để kêu anh Hai, anh Ba… Thân thương biết mấy! Chuyện trò với người Sài Gòn-Nam Bộ, câu chuyện của họ giản dị, rõ ràng, không úp úp mở mở; không bắt người cùng trò chuyện với mình phải chịu đựng sự vòng-vo-tam-quốc, sự rào trước đón sau, như rất nhiều người miền Bắc và miền Trung, trong đó có dân di cư năm 1954 thường như vậy.
……………………………………………………………….
Lục Tự –
Thơ Du Tử Lê
Nguồn:Trang nhà Du Tử Lê
23 Tháng Bảy 2016
lục tự cho buổi sáng
thơm tho ly cà phê
chim rớt hạt sau hè
em, thời kinh phổ độ.
lục tự cho buổi trưa
lênh đênh từng cọng mì
cánh bướm vừa quy y
bông hoa chờ nhập thất
em, đuổi theo xuân thì
ta, đầu đường sám hối.
lục tự cho buổi tối
ngọn đèn thu bóng tôi
trả cho từng góc đời
phủ phê tàng quá khứ
ngọn sân, hận chưa nguôi
cơn bão người đã tới
lục tự cho nửa khuya
nam mô a di đà /
phật / từ bi tâm ta
ta và, tâm: xa lạ.
nam mô a di đà /
phật và, tâm và, ta
ta và, tâm và, phật (?!?)
(1989)
Du Tử Lê
………………………………………