1.Nhà văn Bình Nguyên Lộc-Bài 3(DTL)2.Thái Bá Tân và những vần thơ năm chữ-3.Trung Thu sớm ở miền Trung(RFA)

Vị trí Bình Nguyên Lộc trong khung cảnh và nhân vật truyện
Nguồn:nguoiviet.com-Friday, August 15, 2014

Du Tử Lê

(Tiếp theo kỳ trước)

Bình 1.jpg1

Thủ bút của nhà văn Bình Nguyên Lộc. (Tài liệu của Nguyễn Ngọc Hoài Nam)

Với con số trên dưới một nghìn truyện ngắn đã hoàn tất, nhiều người không ngần ngại, ví nhà văn Bình Nguyên Lộc/Tô Văn Tuấn như một thứ “đại gia,” một nhà “vô địch” ở thể loại văn xuôi này.

Với số lượng truyện ngắn khổng lồ ấy, họ Tô có nhiều truyện ngắn nổi tiếng. Một trong số đó, được nhiều người biết đến và, hôm nay, vẫn còn nhắc tới là truyện ngắn “Rừng Mắm,” do chính ông chọn, giao cho nhà xuất bản Sóng, in trong tuyển tập “Những Truyện Ngắn Hay Nhất của Quê Hương Ta.” (9)

Trả lời câu hỏi chung của nhà xuất bản về truyện ngắn tự chọn, nhà văn Bình Nguyên Lộc viết:

“Xin nhường phần này cho nhà xuất bản. Nhưng cũng xin nói thêm rằng câu chuyện trong ‘Rừng Mắm’ chỉ xảy ra tại miền Nam nước Việt, còn thì không thể xảy ra ở phần đất nào khác trong lãnh thổ ta. Miền Nam là đất mới mà cho đến nay việc khẩn hoang vẫn chưa xong. Ðất này lại là đất bùn lầy, nên không giống với việc khẩn hoang các vùng đất khô như trong tỉnh Quảng Ðức chẳng hạn. Bạn đọc gốc miền Bắc khó lòng mà hình dung được lối khẩn hoang này. Miền Trung lại càng khó tưởng tượng đến những gì xảy ra trong truyện hơn.” (10)

Mặc dù tác giả lưu ý người đọc “…gốc miền Bắc khó lòng mà hình dung được lối khẩn hoang này. Miền Trung lại càng khó tưởng tượng đến những gì xảy ra trong truyện hơn.” Nhưng dường như lo ngại này, tuồng không gây một cản trở nào cho những độc giả sinh trưởng ở miền Bắc hoặc miền Trung.

Theo tôi, có dễ vì ngay tự những dòng chữ đầu tiên mở vào “Rừng Mắm,” khả năng so sánh hay liên tưởng và, nhân cách hóa sinh động, quyến rũ có từ tài năng thiên phú của ông, đã khiến độc giả không thể kiềm chế được sự háo hức, dõi theo sinh hoạt của thằng Cộc, nhân vật chính của truyện, trong một thế giới mà, khoảng cách giữ thiên nhiên, con người, đã được tác giả kéo lại gần, để rồi hòa lẫn thành một:

“Chim đang bay lượn bỗng khựng lại, khiến thằng Cộc thích chí hết sức. Nó theo dõi con chim thầy bói từ nãy đến giờ, chờ đợi cái giây phút nầy đây.

“Thật là huyền diệu, sự đứng yên được một chỗ trên không trung, trông như là chim ai treo phơi khô ngoài sân nhà.

“Chim thầy bói nghiêng đầu dòm xuống mặt rạch giây lát rồi như bị đứt dây treo, nó rơi xuống nước mau lẹ như một hòn đá nặng. Vừa đụng nước, nó lại bị bắn tung trở lên như một cục cao su bị tưng, mỏ ngậm một con cá nhỏ.” (11)

Cũng là liên tưởng, nhưng liên tưởng của nhà văn Bình Nguyên Lộc cho thấy mức độ tài hoa và ý thức rất cao, khi ông dùng những ảnh-vật dân dã, vừa thích hợp với tầm nhận thức của nhân vật, lại vừa ứng hợp với “hiện trường” là vùng đất chưa được khẩn hoang của bối cảnh truyện.

Cứ thế, mạch truyện thong thả, nhẩn nha trôi như thiên nhiên có đó, để làm bầu bạn với thằng Cộc. Và, ngược lại, thằng Cộc có đó, để thiên nhiên hiện ra, tựa cho thấy thiên nhiên cũng có nhu cầu bầu bạn. Bầu bạn hay tình bạn mặc nhiên thân thiết, thương yêu, đầy kính ngưỡng giữa nhân vật truyện và, những sinh vật trong truyện được tác giả nhân cách hóa một cách trân trọng:

“Cộc ngửa mặt lên trời để theo dõi ông câu kỳ dị và tài tình ấy nữa, nhưng mắt nó bị ngọn dừa nước bên kia bờ rạch níu lại.

“Trên một tàu dừa nước, một con chim thằng chài xanh (*) như da trời trưa tháng giêng, đang yên lặng và bền chí rình cá.

“Trong thế giới bùn lầy mà thằng Cộc đang sống, ai cũng là ông câu cả, từ ông nội nó cho đến những con sinh vật nhỏ mọn quy tụ quanh các ngọn nước.

“Màu xanh của chim thằng chài đẹp không có màu xanh nào sánh kịp. Sự bền chí của nó cũng chỉ có sự bền chí của các lão cò sầu não là ngang vai thôi, cái bền chí nhìn rất dễ mê, nhưng mê nhứt là mũi tên xanh bắn xuống nước nhanh như chớp, mỗi khi thằng chài trông thấy con mồi.

“Thằng Cộc là một đứa bé bạc tình. Một đàn cò lông bông bay qua đó, đủ làm cho nó quên thằng chài ngay. Là vì đầu cò chởm chởm những cọng lông bông, nhắc nhở nó những kép võ hát bội gắn lông trĩ trên mão kim khôi mà nó đã mê, cách đây mấy năm, hồi gia quyến nó còn ở trên làng…”

Binh 2.jpg1

Chim bói cá. (Hình: Baomai.blogspot)

Chỉ với một trang văn, tài hoa Bình Nguyên Lộc / Tô Văn Tuấn đã giới thiệu với người đọc “chân dung” ba loài chim khác nhau. Từ con “chim thầy bói,” tới con “chim thằng chài” rồi, đàn cò lông bông mà thằng Cộc mê đắm tới độ gọi đó là “các lão cò sầu não.”

Là người đọc, tôi không biết thằng Cộc khi gọi “các lão cò sầu não,” có liên tưởng tới ông nội của nó không? Tôi nghĩ chắc là có. Bởi vì trước đấy không lâu, nó đã thấy “…ai cũng là ông câu cả, từ ông nội nó cho đến những con sinh vật nhỏ mọn…”

Cách khác, phải chăng, nhà văn Bình Nguyên Lộc chủ tâm cho thấy, khi con người chưa bị đô thị hóa thì, thiên nhiên là một phần đời sống thiết thân của con người?

Khi con người chưa bị kỹ nghệ hóa, trở thành một con ốc trong bộ máy khổng lồ, với niềm hãnh tiến mù quáng thì, thiên nhiên và con người ở thời kỳ khẩn hoang, là một. Thiên nhiên và con người không chỉ sống với/cho nhau mà, cả hai còn là người thân hay, niềm vui của nhau nữa.

Mặc cuộc sống phiêu lưu, nổi trôi đến đâu, lạc bước tới chân trời nào thì thiên nhiên, đất đai và con người vẫn cùng kề vai, sánh bước, chia sớt sự sống cho nhau. (Dù cho chẳng vì thế mà tai ương quên rình rập, đe đọa con người). Nhưng tinh thần của họ lúc nào cũng vạm vỡ, tinh khôi, sáng láng như bình minh mỗi ngày:

“…Những người di cư năm nọ trên chiếc xuồng cui vẫn còn sống đủ cả. Những chiều nghi ngút sương mù từ đất lầy bốc lên, và những đêm mưa gào gió hú, những người ấy kể chuyện cho Cộc nghe, những chuyện ma rởn óc như ăn phải trái bần chua (…)

“Thằng Cộc ngạc nhiên mà thấy sao người vẫn sống không chết trong khí hậu tàn ác này: nóng, ẩm, còn muỗi mòng thì quơ tay một cái là nắm được cả một nắm đầy.

“Chưa bao giờ mong mỏi của Cộc được thỏa mãn mau lẹ như hôm nay. Nó vừa thèm người thì nghe tiếng hò của ai bỗng vẳng lên trong rừng tràm, rồi tiếp theo đó là tiếng chèo khua nước:

Hò ơ… tháng ba cơm gói ra hòn
Muốn ăn trứng nhạn phải lòn hang mai

“Mũi thuyền cui ló ra khỏi khúc quanh của con rạch, và trên xuồng, chồng chéo lái, vợ ngồi không trước mũi mà hò. Cặp vợ chồng nầy, Cộc quen mặt từ mấy năm nay, nhưng không biết họ từ đâu đến. Nó chỉ biết họ ra biển để bắt cua và bắt ba-khía, một năm mấy kỳ. Nghe tiếng người lạ nói, nhứt là tiếng hát, Cộc sung sướng như có lần tía nó cho nó ăn một cục đường từ nơi xa mang về…” (11)

Vẫn là những so sánh, liên tưởng có từ một tài năng thiên phú, cộng với kinh nghiệm dạn dày trong “chiến trường chữ, nghĩa,” tác giả cho thấy, ông không chỉ sống trong nhân vật mà, ông còn sống giữa đời sống của bối cảnh truyện nữa. Tôi không nghĩ có một liên tưởng nào thích hợp và, ngọt ngào hơn liên tưởng sung sướng của thằng Cộc về tiếng hát và, cục đường của tía nó.

(Còn tiếp một kỳ)

Chú thích:

(9), (10), (11) Nđd.

(*) Theo chú thích nơi nguyên bản truyện của chính tác giả thì: “Tác giả thấy màu lông của loại chim này là màu lục. Nhưng người miền Nam cứ cho nó là màu xanh, nên tác giả viết theo đa số, để được hiểu. Vả lại, đôi khi trời mưa thì cũng có thể thấy chim ấy màu xanh.” (Nđd)

……………………………………………………..

FW: Thái Bá Tân và những vần thơ năm chữ .
Kim Vu to:…,me

Thái BT.jpg1
> Thái Bá Tân và những vần thơ năm chữ
> Thú thật, tôi mới chỉ biết đến nhà thơ Thái Bá Tân sau khi đọc bài “Thái Bá Tân và những bài thơ ngũ ngôn” của Mặc Lâm, biên tập viên RFA. Bài viết này khiến tôi tò mò lên mạng tìm hiểu về nhà thơ và khám phá nhiều điều thú vị.
>
> Thái Bá Tân, sinh năm 1949, tại xã Diễn Lộc, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, nơi ngày xưa có truyền thống văn chương của các “ông đồ xứ Nghệ”. Thái Bá Tân có một tiểu sử khá ly kỳ. Thuộc vào loại “con cưng của chế độ” nên từ năm 1967 đến 1974 ông học khoa ngoại ngữ (phiên dịch tiếng Anh) tại Đại học Ngoại ngữ Matscova, Liên Xô.
> Về nước, trong thời gian 1975-1978, ông dạy tiếng Anh tại Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội và sau đó làm biên tập viên nhà xuất bản Lao Động. Thái Bá Tân còn là Phó chủ tịch Hội đồng Văn học Nước ngoài và là Ủy viên Ban Đối ngoại của Hội Nhà văn Việt Nam. Ông về hưu rất sớm nhưng vẫn hoạt động trong lãnh vực văn chương và giáo dục.
>
> Thái Bá Tân đã xuất bản khoảng 70 đầu sách, gồm thơ dịch, truyện ngắn và thơ sáng tác. Hơn 20 năm tổ chức các lớp học thêm tiếng Anh cho sinh viên, với gần 300 người một lớp, rất nhiều thế hệ học sinh, sinh viên miền Bắc đã trưởng thành và thành công từ lớp học tiếng Anh của ông. Qua bài thơ Tự bạch, tác giả tâm sự:
>
> Nói thật với các bác
> Điều vẫn giấu xưa nay.
> Sẽ khối anh nhảy cẫng,
> Mắng thế nọ thế này.
>
> Nhảy cẫng thì nhảy cẫng.
> Việc họ làm cứ làm.
> Tôi chưa hề, thú thật,
> Tự hào người Việt Nam.
>
> Ông giãi bày những điều ly kỳ về bản thân mình:
>
> Tôi đi bốn mươi nước,
> Làm gì và đi đâu
> Liên quan đến cái xấu,
> Tôi bảo tôi người Tàu.
>
> Một lần ở nước Bỉ,
> Ngủ với một em Tây.
> Nó bảo: Tàu giỏi quá!
> Tôi suýt nói: Việt đây!
>
> Duy nhất chỉ lần nọ,
> Ở Havard, người ta
> Khen tiếng Anh tôi giỏi.
> Tôi đáp: Việt Nam mà.

> Bước sang đoạn kết của Tự bạch, Thái Bá Tân đã khiến người đọc ngỡ ngàng vì những câu thơ năm chữ rất… “phản động”!!!!
>
> Chứ nói chung là nhục.
> Nhục phải làm thằng dân
> Một nước giỏi nói phét,
> Lãnh đạo thì ngu đần.
>
> Riêng hai chữ “cộng sản”
> Đã đủ nói phần nào.
> Làm thằng dân cộng sản
> Có gì mà tự hào?
>
> Mà tự hào sao được
> Khi mấy triệu dân ta
> Vượt biên, thà chết biển
> Hơn phải chết ở nhà!
>
> Tự hào là yêu nước.
> Yêu nước phải biểu tình.
> Mà biểu tình nó oánh.
> Quân ta oánh quân mình.
>
> Trong cuộc nói chuyện với phóng viên Mặc Lâm (bài viết đã dẫn), Thái Bá Tân tâm sự: “Tôi cũng viết đa dạng lắm, chủ yếu là dịch nhiều hơn mặc dù đã viết 150 truyện ngắn rồi. Tôi sáng tác thơ 8 chữ cũng nhiều và dạo này tự nhiên lại sáng tác thơ 5 chữ. Chắc tại chán chán nên muốn viết dân dã một tí. Tôi già rồi nên cũng muốn phá phách một tí, giả vờ ngây một tí. Già rồi thì tự nhiên lại muốn thật thà không hoa lá cành nữa. Tôi nghĩ rằng nhà văn nhà thơ mà cứ im mãi thì không đúng. Phải có trách nhiệm của công dân. Tôi chẳng chống phá gì đâu thậm chí tôi còn ăn lộc của chế độ vì được ăn học tử tế nhưng chuyện nào ra chuyện ấy, trách nhiệm công dân thì mình phải nói.”
>
> Riêng về thơ, Thái Bá Tân đã xuất bản tập thơ “Lục ngôn thi tập” bên cạnh những bài thơ 8 chữ. Tuy nhiên, thời gian gần đây ông lại chuyên làm thơ ngũ ngôn, những vần thơ 5 chữ của ông mang tính cách thời sự về hiện tình đất nước, về những “người đương thời” có liên quan đến thời sự tại Việt Nam.
>
> Vũ Đình Liên, một nhà thơ tiền chiến, cũng đã dùng loại thơ ngũ ngôn được ngắt theo từng đoạn 4 câu để diễn tả hoài niệm về Ông đồ ngồi viết câu đối vào dịp Tết giữa cảnh tàn lụn của Nho học. Bài thơ Ông đồ đã trở thành một tác phẩm văn học về niềm hoài cổ. Có người cho rằng, nếu Vũ Trọng Phụng là ông “vua cười” (cười bật máu ra đầu ngòi bút phóng sự) thì Vũ Đình Liên phải là ông “vua khóc” (khóc tuôn ra từ những ý thơ làm lay động cả những tâm hồn vô cảm nhất):
>
> Mỗi năm hoa đào nở
> Lại thấy ông đồ già
> Bày mực tàu, giấy đỏ
> Bên phố đông người qua
>
> Bao nhiêu người thuê viết
> Tấm tắc ngợi khen tài
> Hoa tay thảo những nét
> Như phượng múa rồng bay.
>
> Nhưng mỗi năm mỗi vắng
> Người thuê viết nay đâu
> Giấy đỏ buồn không thắm
> Mực đọng trong nghiên sầu.
>
> Ông đồ vẫn ngồi đấy,
> Qua đường không ai hay,
> Lá vàng rơi trên giấy;
> Ngoài giời mưa bụi bay.
>
> Năm nay đào lại nở,
> Không thấy ông đồ xưa.
> Những người muôn năm cũ
> Hồn ở đâu bây giờ?
>
> Thơ năm chữ của Thái Bá Tân tựa như những lời nói chuyện hàng ngày nên có người gọi đó là “khẩu thơ”. Ngôn từ trong thơ ông không cầu kỳ như Vũ Đình Liên với những “Lá vàng rơi trên giấy/Ngoài trời mưa bụi bay” hay “Những người muôn năm cũ/Hồn ở đâu bây giờ?”. Ngược lại, thơ năm chữ của Thái Bá Tân rất dung dị, bình dân. Chẳng hạn như những câu mở đầu trong bài “Ballad về một đại đội bị bỏ rơi”:
>
> Tôi mới nghe kể lại
> Một câu chuyện đau lòng.
> Có thể là chuyện thật,
> Cũng có thể là không.
>
> Bài ballad tiếp tục với những lời kể chuyện về cuộc chiến tranh “dạy cho Việt Nam một bài học” giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 1979:
>
> Chuyện kể rằng, lần ấy,
> Khi đánh nhau với Tàu,
> Quân ta và quân địch
> Cách nhau một chiếc cầu.
>
> Bỗng từ trên có lệnh
> Một đại đội xung phong
> Vượt qua cây cầu ấy,
> Sang bờ bên kia sông.
>
> Thế mà lạ, sau đó,
> Hai bên đang đánh nhau,
> Có lệnh từ trên xuống.
> Lần này lệnh phá cầu!
>
> Câu chuyện chỉ có thế.
> Một đại đội sang sông,
> Rồi phá cầu, theo lệnh…
> Nghe mà nhói trong lòng.
>
> Ừ, mà một đại đội
> Biên chế bao nhiêu người?
> Một trăm, hay năm chục,
> Bị đồng đội bỏ rơi?
>
> Đoạn kết của bài ballad dẫn người đọc đến những cảm nghĩ của tác giả:
>
> Có thể là chuyện thật,
> Cũng có thể là không.
> Sao lòng tôi đau nhói,
> Đau nhói mãi trong lòng.
>
> Ai ra cái lệnh ấy,
> Lệnh quân ta phá cầu,
> Để đồng đội đơn độc
> Giữa vòng vây quân Tàu?
>
> Câu chuyện chỉ có thế,
> Dù có thật hay không,
> Nhưng cả một đại đội
> Đã chết bên kia sông.
>
> Thái Bá Tân có khá nhiều bài thơ thời sự về Việt Nam – Trung Quốc, nhất là những cuộc biểu tình của những người yêu nước trước làn sóng xâm lược của giặc Tàu ngoài Biển Đông. Ngày Chủ Nhật đầu tiên của tháng 7 là một cột mốc đáng nhớ tại Sài Gòn và Hà Nội. Nhà văn, nhà thơ không thể nào dửng dưng “cứ im mãi” mà “phải có trách nhiệm của công dân”. Ông cũng khẳng định “chẳng chống phá gì đâu” nhưng “chuyện nào ra chuyện ấy”, đó là “trách nhiệm của người công dân”.
>
> Tấm lòng của Thái Bá Tân đối với những người yêu nước thật rõ ràng, minh bạch, không những đồng tình mà còn ngưỡng mộ họ. Khi nghe tin Huỳnh Thục Vy bị bắt khi đi biểu tình vào ngày 1 tháng 7, ngay hôm sau ông lập tức phản ứng qua bài thơ Huỳnh Thục Vy:
>
> Cháu – cô gái xinh đẹp,
> Đẹp cả ngoài lẫn trong.
> Nhìn cháu mà cứ nghĩ
> Cái đẹp của non sông.
>
> Chúng, chính quyền, thật xấu.
> Vừa ác vừa bất minh,
> Đến mức không muốn nghĩ
> Đó là chính quyền mình.
>
> Cháu như người phụ nữ
> Trong tranh Delacroix,
> Guidant le peuple
> Mà peuple – là chúng ta.
>
> Cháu chỉ muốn công lý,
> Dân chủ và tự do.
> Tự do cho cả chúng,
> Mà chúng, bọn côn đồ
>
> Lại luôn truy bức cháu,
> Dùng cả cách đê hèn.
> Ngẫm mà thấy phẫn nộ.
> Thấy nhục cho chính quyền.
>
> Bài thơ đổi sang giọng điệu thân tình của người lớn tuổi nói chuyện với một cô cháu gái được coi như thông điệp của thế hệ cha ông gửi cho lớp trẻ:
>
> Thục Vy, bền gan nhé.
> Chúc chân cứng đá mềm.
> Cháu như ngọn đuốc sáng
> Đang dẫn đường trong đêm.
>
> Nói thật, bác nhìn cháu
> Vừa thán phục, tự hào,
> Vừa pha chút xấu hổ.
> Cháu hiểu rõ vì sao.
>
> Xin lỗi, thế hệ bác
> Dựng nên chế độ này
> Để bây giờ cháu khổ,
> Để dân tình đắng cay.
>
> Và đây là những câu kết:
>
> Cái hồi bác đi Mỹ,
> Thăm tượng Liberty,
> Đặt hoa dưới chân tượng,
> Bác chưa biết Thục Vy.
>
> Giờ xin phép âu yếm
> Đặt hoa dưới chân mày.
> Mày vấp ngã, còn sức,
> Nhất định bác chìa tay.
>
> Thái Bá Tân tại Hoa Kỳ
>
> Như đã nói, ngôn ngữ trong thơ Thái Bá Tân rất bình dị, chân thật. Ở đoạn cuối, ông dùng chữ “mày” để gọi Thục Vy nhưng ta vẫn thấy chứa chan tình cảm thân thương. Cũng chữ “mày” trong bài thơ Mắng con lại mang một ý nghĩa khác hẳn:
>
> Mày láo, dám khuyên bố
> Mai không đi biểu tình.
> Chuyện ấy có nhà nước,
> Không liên quan đến mình.
>
> Mày nói y như đảng.
> Không liên quan thế nào?
> Nước là của tất cả,
> Của mày và của tao.
>
> Biểu tình chống xâm lược,
> Chứ có lật ai đâu.
> Không lẽ mày không biết
> Cái dã tâm thằng Tàu?
>
> Mày bảo có nhà nước.
> Nhà nước hèn thì sao?
> Mà ai cho nhà nước
> Quyết việc này thay tao?
>
> Xưa đánh quân Mông Cổ,
> Vua còn hỏi ý dân.
> Sao không thấy nhà nước
> Xấu hổ với vua Trần?
>
> Đành rằng thế mình yếu,
> Phải thế nọ, thế này.
> Nhưng ở đời, con ạ,
> Mềm nắn, rắn buông ngay.
>
> Bố biết con thương bố,
> Lo cho bố, cảm ơn.
> Con “biết sống”, có thể.
> Xưa bố còn “biết” hơn.
>
> Chính vì khôn, “biết sống”,
> Tức ngậm miệng, giả ngây,
> Mà thế hệ của bố
> Để đất nước thế này.
>
> Ừ, bố già, lẩn thẩn,
> Nhưng vẫn còn là người.
> Mà người thì biết nhục,
> Biết xấu hổ với đời.
>
> Mai biểu tình, thế đấy.
> Bố không bắt con đi,
> Nhưng cũng đừng cản bố.
> Cản cũng chẳng ích gì.
>
> Thái Bá Tân “mắng” cả Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, người đã tuyên bố “những kẻ đi biểu tình chống Trung Quốc bị các thế lực phản động dựt dây”! Trong bài thơ “Gửi ông Nguyễn Thế Thảo” lời thơ của Thái Bá Tân có phần gay gắt:
>
> Xin phép được giới thiệu,
> Tôi đã U bảy mươi,
> Tuổi nhiều hơn ông đấy,
> Tuổi gần đất xa trời.
>
> Cho nên, xin nói thật,
> Là ông còn hồ đồ.
> Ông đâu phải con nít.
> Hay giả vờ ngây ngô?
>
> Tôi và những người khác
> Tham gia đi biểu tình
> Chống thằng Tàu xâm lược,
> Thực hiện quyền của mình.
>
> Khi nhà ông bị cướp.
> Vợ con ông kêu lên,
> Mà ông ngồi im lặng
> Thì ông là thằng hèn.
>
> Ông bảo rằng bọn xấu
> Đang xúi giục chúng tôi,
> Thế thì bọn xấu ấy
> Quả là bọn không tồi.
>
> Vì chúng còn liêm sỉ,
> Còn biết ghét và yêu.
> Còn yêu nước, vì vậy
> Tôi mong chúng có nhiều.
>
> Đấy là chưa nói chuyện
> Chúng tôi cũng lớn rồi.
> Tha không xúi chúng nó,
> Đừng hòng xúi chúng tôi.
>
> Quốc Hội ra luật biển
> Để ông và mọi người
> Chung sức giữ lấy đảo,
> Thế mà ông, ôi trời,
>
> Ông không chỉ im lặng,
> Không tham gia biểu tình,
> Mà còn nhắc người khác
> Đừng để ai xúi mình.
>
> Tôi hỏi khí không phải:
> Hay thân Tàu lâu nay,
> Ông đã bỏ phiếu chống
> Thông qua luật biển này?
>
> Ông ạ, ta, người lớn,
> Là cứ phải lo xa.
> Nói hay làm gì đấy
> Nên tính trước đường ra.
>
> Ngộ nhỡ có chiến sự,
> Ta và Tàu đánh nhau.
> Tàu thắng, ông có thể
> Làm thái thú cho Tàu.
>
> Nhưng có thể ngược lại,
> Chẳng ai biết thế nào.
> Ta thắng, tôi nghĩ thắng,
> Ông ăn nói làm sao?
>
> Lại nữa, xin nói thật,
> Tôi có nghe người ta
> Đồn về ông đủ chuyện,
> Chuyện cái ghế ấy mà.
>
> Trước tôi không tin lắm,
> Thế mà tôi, bây giờ,
> Thấy tầm ông chưa chuẩn,
> Cũng buộc phải nghi ngờ.
>
> Thái Bá Tân có một người cháu rể làm công an. “Nói với cháu rể” là tựa đề bài thơ có nhiều điều thú vị. Một lần nữa, tác giả dùng chữ “mày” để nói chuyện phải quấy với công an. Nguyên văn như sau:
>
> Mày rót bác cốc nước,
> Rồi bác nói điều này.
> Năm ngoái bác phản đối,
> Không cho cháu lấy mày.
>
> Vì sao ư? Đơn giản
> Vì mày là công an.
> May, giờ bác vẫn thấy
> Mày ngoan, hoặc còn ngoan.
>
> Công bằng ra mà nói,
> Công an cũng chẳng sao.
> Hơn thế, còn cần thiết,
> Nhưng chẳng hiểu thế nào
>
> Giờ lắm đứa tệ quá,
> Đạp vào mặt người ta,
> Còn giở các trò bẩn,
> Đánh đập cả đàn bà.
>
> Giả sử, mai “dự án”
> Nó cướp đất nhà mày,
> Mày có để lặp lại
> Vụ Vân Giang gần đây?
>
> Vợ mày đang có chửa.
> Bác mừng cho chúng mày.
> Nếu có đứa đạp nó,
> Mày sẽ nghĩ sao đây?
>
> Lại nữa, bác bị bắt,
> Mày cứ nói thật lòng,
> Người ta bảo mày bắn,
> Mày có bắn bác không?
>
> Mà bác thì mày biết,
> Như mấy lão nông dân,
> Làm sao mà “thù địch”,
> Mà “phản động”, vân vân.
>
> Nói thật cho mày biết,
> Bác yêu đất nước này,
> Người Văn Giang cũng vậy,
> Hơn gấp vạn chúng mày.
>
> Vứt mẹ cái khẩu hiệu
> Còn đảng là còn mình.
> Thế mai kia đảng chết,
> Không lẽ mày quyên sinh?
>
> Bác là người ngoài đảng.
> Mày vào đảng, không sao,
> Miễn là mày thực sự
> Vì quốc dân, đồng bào.
>
> Mày thừa biết chúng nó,
> Cái bọn “vì nhân dân”
> Đang ăn cướp trắng trợn,
> Pháp luật chúng đếch cần.
>
> Sống ở đời, cháu ạ,
> Có nghề mới có ăn.
> Làm công an cũng được,
> Nhưng phải nhớ vì dân.
>
> Mà dân là bố mẹ,
> Là bác, là vợ mày.
> Chứ mày nghe bọn xấu
> Làm ngược lại là gay,
>
> Là có tội, cháu ạ.
> Chưa nói chuyện ở đời
> Có cái luật nhân quả,
> Tức là luật của trời.
Thai BT 2.jpg1
> Quả thật Thái Bá Tân đã “hớp hồn” người đọc qua những vần thơ năm chữ. Lúc thì dịu dàng, thân thiết… khi thì hừng hực đấu tranh như những người xuống đường. Mạc Lâm đã viết những dòng cuối trong bài “Thái Bá Tân và những bài thơ ngũ ngôn”:
>
> “Nghe Thái Bá Tân kể chuyện bạn nghĩ sao? Riêng tôi khi đóng trang blog của ông lại nỗi cay đắng cứ dìm mình vào buồn bã chừng như không thề thoát ra. Thơ Thái Bá Tân rồi đây sẽ được rất nhiểu người thuộc vì nó dễ nhớ đã đành mà hơn thế nó làm cho người ta khóc, người ta cười, giận dữ, khinh bỉ lẫn xót thương… chính điều này làm cho thơ Thái Bá Tân lấp lánh”.

……………………………………….

Trung Thu sớm ở miền Trung
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
Nguồn:RFA-2014-08-13

niem vui.jpeg1
Trung thu luôn là niềm háo hức của trẻ nhỏ
RFA

Khác với mọi năm, dường như năm nay, Tết Trung Thu ở miền Trung về sớm hơn, các hãng bánh Trung Thu đã có mặt ở đây từ những ngày đầu tháng Bảy âm lịch, đây cũng là chuyện khá lạ ở miền Trung mưa chang và nắng cháy, kinh tế chưa bao giờ được xếp vào vùng đất thịnh vượng nhưng lại có cái Tết thiếu nhi sớm hơn mọi nơi.

Như vậy có phải do kinh tế miền Trung phát triển và nhu cầu hưởng thụ cao hay là vì một lý do nào khác? Có lẽ chính những câu chuyện của người bán bánh Trung Thu và những em thiếu nhi sẽ nói lên đầy đủ hơn.

Sợ thiên tai nên bán bánh Trung Thu sớm

Một người bán hàng cho hãng bánh Kinh Đô, yêu cầu giấu tên, chia sẻ: “Hiện giờ bánh xuất hiện sau ngày Vu Lan rồi người ta chuẩn bị trung thu tại vì bao giờ người ta cũng mua trước hết. Một cái bánh gần hai trăm ngàn họ mua làm quà, đi biếu chứ không bao giờ họ ăn đâu. Họ ăn không bao gờ họ mua bánh đó đâu, họ mua làm quà cho con nhỏ trong nhà, hoặc biếu sếp là chủ yếu.”

Theo người này, sở dĩ năm nay mọi hãng bánh Trung Thu xuất phát sớm hơn so với mọi năm vì họ đã rút được kinh nghiệm từ mọi năm trước. Miền Trung thường có thiên tai, lụt lội vào những ngày đầu tháng Tám âm lịch, chính vì thế, nếu xuất phát trễ, mọi hãng bánh có thể bị thua lỗ đậm ở miền Trung. Hơn nữa, với các tỉnh ở miền Trung, chủng loại bánh Trung Thu thuộc hàng thứ cấp, hàng chất lượng cao với giá thành đắt đỏ không thể bán được ở miền Trung.

Và hơn hết là lượng tiêu thụ ở miền Trung rất thấp nhưng lại vượt trội về vấn đề cho, tặng, biếu. Nghĩa là đa phần các phần bánh Trung Thu đều được bán cho các nhân viên ở các cơ quan nhà nước mang biếu sếp. Mà với các nhân viên muốn lấy lòng cấp trên thì việc biểu diễn ra càng sớm càng tạo được ấn tượng với sếp. Chính vì thế mà đa phần bánh bán được ở thị trường miền Trung đều chốt hàng vào độ mồng Mười tháng Tám âm lịch. Những ngày chính thức Trung Thu, rất hiếm chuyện cha mẹ chở con đi mua bánh vì với điều kiện thu nhập ở nơi này, ít gia đình nào đủ khả năng chở con đi mua bánh Trung Thu mặc dù ai cũng muốn con mình có một Trung Thu ấm áp, vui vẻ. Nhưng túi tiền của người bình dân không cho phép họ nghĩ đến điều này!

niem vui 2

Chở trống đi bán mùa trung thu. RFA

Và điểm đáng quan tâm nhiều nhất ở bánh Trung Thu trên thị trường miền Trung là nguyên liệu không thuộc dạng đặc biệt, khả năng kéo dài hạn sử dụng rất hạn chế, chính vì vậy, nếu không tiêu thụ sớm, e rằng vào dịp Trung Thu, thời tiết thất thường ở nơi này sẽ làm cho chất lượng bánh bị kém. Chính vì thế, thay vì sản xuất bánh, ém hàng, thăm dò thị trường, sau đó đóng gói và tung sản phẩm thì năm nay, riêng thị trường miền Trung, các hãng bánh Trung Thu đều chọn phương án vừa đóng gói vừa tung sản phẩm, bán càng sớm càng tốt và bằng mọi giá không để lượng bánh tồn kho quá nhiều như mọi năm.

Chính vì lượng bánh tồn kho quá nhiều ở những năm trước vì lý do thời tiết, đặc biệt là Trung Thu năm 2010, các hãng bánh lỗ trắng tay ở miền Trung bởi mưa lớn và lũ lụt không kịp trở tay đã làm một lượng lớn bánh trong các kho hàng bị hỏng nặng. Mà với các loại thực phẩm, một khi đã ngấm nước, mốc meo nổi lên thì việc tìm chỗ để tiêu hủy nó là cả một vấn đề khó khăn và đau đầu. Nói về kinh nghiệm thị trường, có lẽ đó là một Tết Trung Thu ảm đạm nhất ở miền Trung mà theo các hãng bánh dự đoán, khả năng Trung Thu năm nay, miền Trung sẽ mưa gió bão bùng và không ngoại trừ lụt lội.

Người bán bánh này nói rằng mỗi hãng bánh uy tín đều có một người chuyên tư vấn và dự đoán thời tiết, họ sẽ căn cứ theo dự đoán của người này để lập kết hoạch, lên phương án tiếp cận và khai thác thị trường. Năm nay, thị trường miền Trung được khai thác sớm để đề phòng lũ lụt, thời tiết bất thường.

Cạnh tranh mặt bằng khốc liệt

Ông Một, nhân viên thị trường của một hãng bánh khá nổi tiếng tại Việt Nam nói về thị trường miền Trung: “Trung thu năm nay ế, bày ra có ai mua đâu! Chắc là xã hội cũng không quan tâm nhiều, người ta không chú ý nhiều đến nó nữa, người ta cũng thờ ơ lắm! Nó đến rồi nó qua đi, người ta không chú ý nhiều. Năm nay số lượng quầy bán cũng ít hơn mọi năm.”

Theo ông Một, vấn đề mặt bằng ở các tỉnh miền Trung mới nghe có vẻ đơn giản nhưng trên thực tế, giữa các hãng bánh luôn có cuộc cạnh tranh ngấm ngầm với nhau về điểm bày bán. Ngoài yếu tố uy tín thương hiệu, yếu tố mặt bằng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng luôn là yếu tố quyết định thắng thua trong cạnh tranh tại miền Trung.

niem vui 3
Bánh trung thu được bày bán sớm ở miền Trung. RFA

Giải thích thêm về mặt bằng nghĩa bóng và nghĩa đen, ông Một nói rằng mặt bằng nghĩa đen là những điểm thuận lợi cho việc mua bán, những vị trí trung tâm, còn mặt bằng nghĩa bóng là mặt bằng trong vấn đề giao tiếp, chung chi và phong bì những nơi cần bỏ. Ví dụ như một người giỏi làm thị trường thì phải biết nghiên cứu và nắm rõ các ngóc ngách, các thành phần nhân sự trong bất kì cơ quan nhà nước nào nằm trên thị trường của mình. Những cơ quan này sẽ là thị phần béo bở nếu người làm thị trường biết lót tay cho các sếp cơ quan, chắc chắn rằng khi các nhân viên thuộc cấp đi mua bánh biếu tặng cấp trên, ông hay bà ta sẽ nhắc nhỡ nhân viên đến mua ở nơi đã lót tay cho ông hay bà sếp này.

Và có một đặc điểm nữa khá tế nhị là đa phần các phần bánh Trung Thu của các sếp đều được mang ra bán giá rẻ lại cho các cửa hàng bánh vì họ dùng không hết và tặng cho người thân cũng có chừng, không thể giải quyết hết số bánh biếu tặng kia, mà để lâu thì hết hạn sử dụng.

Nắm được tâm lý và thói quen này nên đa phần các công ty sản xuất bánh Trung Thu đều đưa sản phẩm về miền Trung sớm và có hạn, để còn phải giải quyết số bánh mua đi bán lại từ các sếp. Chuyện chiếc bánh Trung Thu một khi đã qua tay các sếp nghe ra khá buồn.

Nhưng dẫu sao, với trẻ con, Trung Thu vẫn luôn là khoảng thời gian đẹp và thánh thiện, như lời của bé Hưởng: “Thích đi coi múa lân, thích coi mấy đứa nhỏ hơn chơi lồng đèn, chơi vui lắm! Nhưng bánh trung thu thì ít ăn vì bây giờ bánh chi chi ấy, không ghiền! Cũng có nhưng bánh giờ họ bán chỗ ngon chỗ dở nên em không ham ăn nữa. Bánh nhiều tiền thì dễ gì ăn được, em ít ăn, mẹ ít mua lắm, mẹ cứ định mua rồi thôi, mẹ bảo thôi ăn gì mấy thứ đó…!”

Mùa Trung Thu sớm ở miền Trung nghe ra có lắm nỗi niềm, không phải bởi kinh tế thịnh vượng mà bởi vì nhiều vấn đề trắc ẩn của người lớn trong dịp tết thiếu nhi này!

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

…………………………………………………………………

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics