Nhà văn Bình Nguyên Lộc, ‘Tam kiệt Việt Nam’
Nguồn:nguoiviet.com-Thursday, July 31, 2014
Du Tử Lê
Bìa sách “Những truyện ngắn hay nhất của quê hương ta.”
Năm 1974, nhà xuất bản Sóng do nhà văn Nguyễn Ðông Ngạc chủ trương, đã thực hiện tuyển tập truyện ngắn nhan đề “Những truyện ngắn hay nhất của quê hương ta,” gồm 45 tác giả, 45 truyện ngắn. (1) Họ Nguyễn đã gửi một câu hỏi chung cho 45 tác giả được mời tham dự. Ðó là câu hỏi “quan niệm về truyện ngắn.”
Trả lời câu hỏi này, nhà văn Bình Nguyên Lộc viết:
“Theo tôi thì thể truyện ngắn khá cô đọng, tuy không cô đọng như thơ, chớ vẫn không quá loãng như tiểu thuyết. Viết truyện ngắn thì dễ làm loại văn súc tích hơn là truyện dài. Loại văn súc tích rất cần cho một loại đề tài nào đó, mà người viết sẽ không thành công nếu họ dùng loại truyện dài.” (2)
Phát biểu trên của một nhà văn sinh trưởng ở miền Nam, tác giả khoảng 1,000 truyện ngắn, trên 50 tiểu thuyết, 4 tác phẩm nghiên cứu, trong đó bộ “Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam” dày trên 1,000 trang. Cuốn đầu đã được xuất bản, phần còn lại khoảng 800 trang viết tay, coi như bị thất lạc.
Theo Wikipedia-Mở thì, hành trình văn chương, nghiên cứu của nhà văn Bình Nguyên Lộc có thể tạm chia thành bốn thể loại chính. Tóm tắt như sau:
“Cổ văn: Bình Nguyên Lộc chú giải các tác phẩm văn chương cổ điển Việt Nam bao gồm Văn tế chiêu hồn (Nguyễn Du), Tiếc thay duyên Tấn phận Tần (Nguyễn Du), Tự tình khúc (Cao Bá Nhạ), Thu dạ lữ hoài ngâm (Ðinh Nhật Thận). Các công trình này lần lượt được công bố trên các tạp chí văn học ở Sài Gòn.
“Dân tộc học: Nổi bật là tác phẩm ‘Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam’ (1971). Ðây là một công trình dài hơi trong sự nghiệp nghiên cứu của ông. Với tác phẩm này, tác giả đã góp phần vén lên tấm màn dày đã từ lâu phủ kín nguồn gốc mù mờ của dân tộc Việt Nam. Tác phẩm cũng gây nên một dư luận đáng chú ý đối với các nhà nghiên cứu về Việt Nam Học.
“Ngôn ngữ học: Tiêu biểu là tác phẩm Lột trần Việt ngữ (1972), là một cái nhìn mới về ngữ nghĩa tiếng Việt. Bình Nguyên Lộc đứng trên quan điểm dân tộc học để tìm hiểu nguồn gốc và ngữ nguyên của tiếng Việt từ thời cổ đến thời hiện đại.
“Sáng tác: Ðây là phần đồ sộ nhất trong hành trình sáng tác của Bình Nguyên Lộc. Ông từng viết tiểu thuyết bằng thơ trường thiên như Thơ Ba Mén, Việt sử trường ca, Luận thuyết y học, Thơ thổ ngơi Ðồng Nai, Ca dao… Ông còn có công sưu tầm được hàng chục nghìn câu ca dao và có chú thích về từng đặc trưng của nó. Ngoài ra, ông viết hàng nghìn truyện ngắn và truyện dài kỳ với nhiều đề tài khác nhau…”
Chính vì sự nghiệp sáng tác cũng như trước tác của nhà văn Bình Nguyên quá đồ sộ, cho nên, trong loạt bài nhan đề “Sống và viết với… Bình Nguyên Lộc,” nhà thơ Nguyễn Ngu Ý, đã xếp ông vào danh sách “Tam kiệt” của Việt Nam; bên cạnh Hồ Biểu Chánh và Lê Văn Trương. (3)
Về tiểu sử, người ta được biết, nhà văn Bình Nguyên Lộc, tên thật Tô Văn Tuấn. Giấy khai sinh ghi ông sinh ngày 7 tháng 3 năm 1915 tại làng Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa. Nhưng theo Wikipedia-Mở thì:
“…Trên thực tế có thể ông sinh ít nhất một năm trước ngày ghi trong giấy khai sinh, nghĩa là năm 1914, nhưng không rõ có đúng là ngày 7 tháng 3 hay không…”
Theo một tư liệu của tác giả Nguyễn Ngọc Chính ghi nhận về bút hiệu Bình Nguyên Lộc thì, được tác giả Nguyễn Ngọc Chính viết xuống như sau:
“…Nhà văn còn giải thích rõ bút hiệu Bình Nguyên Lộc của ông. Viết cho đúng thì chữ ‘nguyên’ không viết hoa và phải có gạch nối với chữ Bình vì ‘Bình-nguyên’ nghĩa là đồng bằng. Còn ‘Lộc’ là con nai, ông người gốc Ðồng Nai, nơi có dòng sông mang cùng tên nổi tiếng miền Ðông Nam Bộ.” (4) Nhưng cho đến ngày “Tam kiệt” của văn chương Việt Nam từ trần, dường như không một nhà xuất bản hay nhà báo nào chú ý để viết đúng theo ý nghĩa của bút hiệu Bình nguyên-Lộc / Tô Văn Tuấn! (5)
Về những ngày đầu khởi nghiệp văn chương của họ Tô, Nguyên Lộc, vẫn theo tác giả Nguyễn Ngọc Chính thì:
“Trong tập hồi ký viết dang dở trước khi từ giã cõi đời tại Hoa Kỳ mang tên ‘Nếu tôi nhớ kỹ,’ Bình Nguyên Lộc cho biết ông viết văn, viết báo từ năm 1942 nhưng đến năm 1952 mới đứng ra làm công việc có liên quan đến báo chí. Ông chủ trương tờ Vui Sống, tuần báo văn nghệ có khuynh hướng y học với mong muốn áp dụng kiến thức y học phổ thông vào đời sống thực tế.
“Năm 1956, ông cùng các văn hữu cho ra đời tờ Bến Nghé, tuần báo có tinh thần văn nghệ lành mạnh, mang màu sắc địa phương với mục đích làm sống dậy sinh khí của đất Gia Ðịnh xưa. Ngoài ra, ông cùng các đồng nghiệp thành lập nhà xuất bản Bến Nghé, chuyên xuất bản các tác phẩm văn chương mang hương sắc Ðồng Nai, Bến Nghé…” (6)
(Kỳ sau tiếp)
Chú thích:
(1) Nhà văn Nguyễn Ðông Ngạc sinh ngày 10 tháng 9 năm 1939, mất ngày 21 tháng 2 năm 1966 tại Montreal, Canada.
(2) Tuyển tập “Những truyện ngắn hay nhất của quê hương ta” do nhà Sóng ấn hành năm tại Saigon, 1974 – Với chân dung 45 tác giả do nhiếp ảnh gia Trần Cao Lĩnh thực hiện. Sau 1975, nhà xuất bản N.A. ở Pháp, in lại tuyển tập này, chẳng những đã không xin phép mà còn tự ý cho thêm hai tác giả mới vào tuyển tập. Khi biết được, nhà văn Nguyễn Ðông Ngạc đã không giấu được thất vọng và bất mãn trước việc làm của nhà xuất bản này.
(3) Nhà thơ Nguyễn Ngu Í tên thật Nguyễn Hữu Ngư, sinh năm 1921, mất năm 1979. Một số nhân vật cùng thời với họ Nguyễn đã ghi nhận về ông, như Giáo Sư Trần Văn Khê (một trong những người bạn của Nguyễn Ngu Í), viết: “Anh Ngư viết văn Pháp rất hay, nhưng anh yêu tiếng Việt, anh lại muốn cho người Việt ai cũng đọc được sách báo nên tham gia rất tích cực phong trào xóa nạn mù chữ. Nguyễn Ngu Í còn sáng tạo ra cách viết chữ quốc ngữ sao cho hợp lý hơn…” Nhà biên khảo Nguyễn Hiến Lê thì kể: “Anh (Nguyễn Ngu Í) căm phẫn xã hội, căm phẫn thời đại, căm phẫn mọi người. Anh có nhiều lý tưởng, nuôi nhiều mộng cao đẹp mà gặp toàn những điều bất như ý, cứ phải cố nén xuống và sức nén càng mạnh thì sức bùng ra cũng càng mạnh… Ông là một cuộc đời đau khổ nhất và cũng đặc biệt nhất trong giới văn nghệ sĩ hiện đại.” Còn theo nhà văn Sơn Nam thì: “…Nguyễn Ngu Í là một nhà văn nổi tiếng yêu nghề và yêu nước, luôn xót xa vì chuyện đất nước chia đôi. Dường như cả một đời dạy học và hoạt động báo chí ở Sài Gòn, Nguyễn Ngu Í lúc nào cũng trong trạng thái nửa tỉnh nửa điên…”
(4), (6) Nđd.
(5) Sau 1975, ông ngưng cầm bút vì bệnh nặng. Tháng 10 năm 1985, ông được gia đình bảo lãnh sang Mỹ chữa bệnh. Ngày 7 tháng 3 năm 1987, ông từ trần tại Rancho Cordova, Sacramento, California, vì bệnh cao huyết áp, thọ 74 tuổi. Ông được an táng ngày 14 tháng 3 năm 1987 tại nghĩa trang Sunset Lawn. Vợ ông, bà Dương Thị Thiệt, qua đời ngày 9 tháng 10 năm 1988 cùng nơi với ông. (Theo Wikipedia-Mở)
………………………………………….
Nguồn:RFI-Thứ tư 30 Tháng Bẩy 2014
Saigon, hàng me, tượng đài và métro
Thụy My
Bùng binh chợ Bến Thành với tượng Trần Nguyên Hãn và Quách Thị Trang, hình ảnh quen thuộc của Saigon.
wikipedia
Con đường với những hàng cây rợp bóng, những dấu mốc quen thuộc của những nơi chốn đi về: một quán cà phê ta hay ngồi hay những công trình kiến trúc quen thuộc…thường là những gì mà người đi xa hình dung đến khi nhớ về thành phố của mình.
Saigon với những thăng trầm lịch sử lại càng ghi dấu ấn trong thơ nhạc, nhiếp ảnh, hội họa…Trong những tấm bưu thiếp gởi cho người phương xa, đó là hình ảnh chợ Bến Thành, Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện trung tâm, Nhà hát thành phố…những hàng me cao ngất với những tà áo dài tung bay.
Thế nên không có gì đáng ngạc nhiên khi gần đây, ngỡ ngàng trước việc hàng cây cổ thụ ở ngã tư Lê Lợi – Nguyễn Huệ, đoạn trước Nhà hát thành phố bị chặt bỏ để khởi công nhà ga xe điện ngầm đầu tiên, nhiều người Saigon đã vội vàng đến chụp hình kỷ niệm. Người ta lại càng hoang mang hơn trước thông tin tượng danh tướng Trần Nguyên Hãn, và bức tượng bán thân người thiếu nữ Quách Thị Trang sẽ bị di dời đi nơi khác cho công trình này. Trên mạng xã hội cũng như trên báo chí, có rất nhiều bài viết bày tỏ tâm trạng tiếc nuối khi những biểu trưng của thành phố Saigon tiếp tục mai một.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh trong bài viết mang tựa đề “Saigon run rẩy trong tiếng máy cưa” đăng trên blog của mình đã đặt câu hỏi: “Vì sao phải thương nhớ một hàng cây, thương nhớ một hình dáng cũ?” Anh viết: “Thành phố hơn 300 năm tuổi…đã đột ngột biến dạng trong mắt nhiều người. Nhìn những chiếc cưa máy gầm rú vật ngã từng cái cây đã đứng đó, lá cây rơi vãi như những trang nhật ký của đời người, từng ghi lại bao thăng trầm của thành phố này mà lòng khó tả”.
Trả lời RFI Việt ngữ, nhạc sĩ Tuấn Khanh thổ lộ:
Tất cả những tin tức ngày hôm nay về chuyện những hàng cây sẽ bị hạ xuống, một phần Saigon sẽ thay đổi, không đơn giản là câu chuyện về sự phát triển, mà tôi chứng kiến rất nhiều người Saigon – những người già và những người trẻ – họ đến chia tay một cách im lặng. Những hình ảnh đó của Saigon nằm trong niềm tự hào của người Saigon – không phải ở đây, hôm nay – mà rất nhiều người đã ra đi khỏi Việt Nam từ nhiều năm, người ta vẫn nhớ về. Đó là một phần của lịch sử, của ký ức, từ thời Đệ nhất, Đệ nhị Việt Nam Cộng Hòa cho tới Việt Nam ở một thể chế chính trị khác nhiều năm nay.
Việc thay đổi một hình ảnh, hạ một hàng cây không phải là điều lớn để đánh đổi cho một sự phát triển tốt đẹp hơn; ai cũng biết điều đó. Nhưng mà nhiều người Saigon hiện nay chỉ biết rằng, họ phải đánh đổi những thứ rất thân quen để đi đến một cái mới. Nhưng cái mới đó cho tới giờ phút này, người ta cũng không thấy một bản vẽ, không được mô tả nó sẽ như thế nào. Được thay đổi như một mệnh lệnh đầy độc đoán mà người dân chỉ biết chịu đựng, đó là một tâm trạng hết sức nuối tiếc.
Nhưng ở thời điểm này, tâm trạng đó đang bị phân hóa. Có nhiều người không gắn bó với thành phố này, nói rằng đó là một tâm trạng không đúng. Cũng có những người Saigon lại đặt vấn đề rằng người ta cũng cần được hỏi, được phát biểu về những việc đang xảy ra với nơi họ cư trú, với thành phố mà họ đã gắn liền với nó trong suốt bao nhiêu năm.
Trước những ý kiến cho rằng muốn hiện đại hóa thì phải chấp nhận những mất mát, và thái độ dửng dưng thậm chí chế giễu những ai “hoài cổ” của một số người, nhạc sĩ Tuấn Khanh đặt vấn đề: Vì sao sức khỏe và môi trường sống của “cụ rùa hồ Gươm” ở Hà Nội được quan tâm, mà những biểu tượng của Saigon lại bị thờ ơ?
Đúng là trong người Việt Nam hiện nay đang có một sự phân hóa như vậy, giữa những người không gắn liền đời sống tinh thần của họ với Saigon, và những người đã sống gắn bó với nó rất nhiều năm, thì đơn giản như thế này.
Đã nhiều lần, rất nhiều bài báo và trong suốt nhiều năm người ta bàn tán về một con rùa ở Hồ Gươm. Tại sao hôm nay mắt nó đỏ hơn, tại sao nước Hồ Gươm đục như thế, có thể ảnh hưởng đến rùa. Thậm chí người ta tìm ra tất cả những bài báo cáo khoa học: làm sao thay đổi nước hồ cho tốt hơn, để con rùa có thể sống được lâu hơn. Bởi vì họ tin rằng đó là linh vật, là niềm tin của một thành phố – thành phố Hà Nội.
Nhưng để thay đổi một hàng cây như vậy – những di vật, những chứng nhân của lịch sử thành phố, là niềm tin của rất nhiều con người yêu quê hương, yêu thành phố của mình, cũng như là lá phổi của hàng triệu người đang sống trong vùng – lại chẳng được ai hỏi tới.
Sự so sánh này cho thấy rằng có điều gì đó rất bất thường giữa một con rùa với một hàng cây, chứng tỏ chúng ta đang ở một thời điểm mà việc thay đổi là một mệnh lệnh mà không cần quan tâm tới hàng triệu người. Vì sao? Đó là một câu hỏi dành cho mọi người, mà chúng ta phải tự đặt ra.
Người Saigon nói riêng hay người Việt Nam nói chung sẵn sàng hy sinh rất nhiều thứ, để đi tới những cái mới tốt đẹp hơn. Nhưng cái mới đó, cái tốt đẹp đó cần được nói rõ cho mọi người hiểu giá trị của nó như thế nào.
Được biết tuyến đường sắt đô thị Bến Thành – Suối Tiên dài 19,7 km, gồm 11 nhà ga trên mặt đất và tại khu vực trung tâm thành phố có 3 nhà ga ngầm là Bến Thành, Nhà hát thành phố và Ba Son, trong đó ga Bến Thành là nhà ga chính.
Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, thì việc chặt cây là khó tránh khỏi khi xây dựng đường ngầm ở trung tâm thành phố để tránh tắc nghẽn giao thông trong giờ cao điểm, và có thể xây thêm bãi đậu xe ngầm. Tuy nhiên anh cho rằng, khi trạm xe điện ngầm xây xong thì nên trồng lại cây xanh.
Trước hết về việc chặt cây, tôi cũng có xem phương án métro từ Bến Thành cho đến trạm ở Nhà hát, thì ở dưới là đường métro và ở trên có tuyến đi bộ ngầm từ trạm này qua trạm kia. Tôi cho rằng điều đó rất tốt, vì trong tương lai khi các tuyến métro được đưa vào sử dụng, và những công trình chung quanh xây cao tầng lên, thì lượng người đi và đến trạm métro này rất cao. Số lượng có lẽ không thua kém những trạm trung tâm ở Time Square (New York) hay ở Champs Elysée của Paris đâu, vì mật độ dân số ở Thành phố Hồ Chí Minh khá cao.
Và khi thực hiện những đường ngầm đó, trên đường Lê Lợi một số cây chúng ta đành phải chặt đi. Có lẽ nhà thiết kế cũng có ý thức về chuyện giữ cây lại – một số cây không giữ được cũng đáng tiếc, nhưng đường ngầm cũng cần thiết. Nếu không có đường ngầm này, khi người ta đến trạm métro và trở lên mặt đường, họ sẽ đi đến những công trình lân cận thì sẽ gây tắc nghẽn giao thông nhất là trong giờ cao điểm.
Những cây cổ thụ hiện nay có rễ đâm khá sâu, vả lại có một số cây cũng đã đến tuổi rồi như một số cây me. Dù là cổ thụ nhưng tới một tuổi nào đó thì bắt đầu nhánh cây bị gãy thường xuyên, cũng nguy hiểm. Thành ra tôi nghĩ việc chặt cây, vì tầng ngầm dành cho người đi bộ ăn sâu vào hai bên lề đường, thì có một số điểm – chứ không phải tất cả, phải chặt cây. Nhưng sau khi thi công xong, tôi nghĩ cũng nên trồng lại cây. Những cây này cũng lên khá cao, có lẽ không bằng những cây cũ nhưng cũng tạo được bóng mát và mảng xanh cho tuyến Lê Lợi.
Còn riêng tuyến Nguyễn Huệ và đường Hàm Nghi, tôi chưa tham khảo phương án nên không biết họ định làm thế nào. Nhưng tôi nghĩ rằng tuyến đường ngầm ở hai tuyến Lê Lợi và Hàm Nghi cũng rất cần thiết. Không những cho tuyến đi bộ, mà cho cả bãi đậu xe nữa, vì một số lớn công trình ở hai tuyến này không có đủ chỗ để đậu xe.
Trong tương lai, khu vực được xác định bởi ba trục tuyến Nguyễn Huệ – Hàm Nghi – Lê Lợi sẽ là khu trung tâm cao tầng của phía bờ tây Thành phố Hồ Chí Minh. Thành ra không những kết nối giao thông phía trên, mà giao thông ngầm phía dưới cũng cần phải tốt. Nhưng tuyến Nguyễn Huệ và Hàm Nghi, theo tôi nên cố gắng giữ lại tất cả các cây mà chúng ta hoàn toàn có thể giữ được. Chỉ riêng tuyến métro giữa chợ Bến Thành và khu vực Nhà hát, tôi nghĩ có lẽ những nhà thiết kế đã cố gắng nhưng khó thể giữ được toàn bộ.
Thưa anh, còn các tượng đài ở trước chợ Bến Thành – tượng Trần Nguyên Hãn và tượng Quách Thị Trang – đã trở thành quen thuộc với mọi người từ lâu rồi, di dời tượng như thế này thì có nên không, theo anh?
Theo quan điểm chủ quan của tôi thì tượng Trần Nguyên Hãn, với vị trí này cũng có ý nghĩa tương đối. Tượng Quách Thị Trang tôi cho rằng có thể tạm dời, sau khi xây xong nên trả lại chỗ cũ vì đó là một vị trí lịch sử. Còn tượng Trần Nguyên Hãn, tôi nghĩ cũng có hướng mở – hoặc trả lại vị trí cũ, hoặc sau khi tổ chức lại tuyến métro ngầm ở chợ Bến Thành và không gian quy hoạch kiến trúc chung quanh, thì có lẽ quy mô tượng hơi quá bé nhỏ so với tầm vóc của trung tâm quan trọng này.
Lúc đó cần có nghiên cứu quy hoạch kiến trúc cảnh quan, để xác định một vị trí công trình vừa cây xanh vừa điêu khắc tương xứng với tầm vóc. Chúng ta có thể xem xét những phương án: có thể giữ lại tượng Trần Nguyên Hãn và bổ sung thêm một số tượng, hoặc dời đi và có một cụm tượng đài kết hợp với cây xanh tương xứng hơn.
Là một người sinh sống ở Saigon từ nhỏ, nhạc sĩ Tuấn Khanh tuy không phản đối những thay đổi cho phù hợp với một thành phố đông đảo cư dân, với mật độ dân số cao hơn gấp nhiều lần so với trước đây. Nhưng cũng như nhiều người dân Saigon khác, anh muốn nói lên những băn khoăn, khi không mấy người được biết bộ mặt tương lai của thành phố sẽ ra sao. Đặc biệt là trong bối cảnh đã có không ít công trình tầm cỡ quốc gia bị thi công gian dối. Và phải chăng việc gấp rút xây dựng vì mục đích chính trị là chính ?
Có một người bạn gởi cho mình một hình ảnh rất đẹp về vấn đề này. Anh nhắc lại chuyện một người đàn ông Trung Quốc bán đi một trái thận để lấy tiền mua một cái iPad, để sống cuộc đời hiện đại. Thì việc thay đổi một thành phố, mà sự đánh đổi ấy quá cập rập, quá đau đớn như vậy cho cái gọi là hiện đại, cũng tương tự như người ta đã đánh mất một phần nào đó ẩn giấu trong cuộc đời mình để đổi lấy cái mới. Mà cái mới đó rất nhiều nỗi lo về sự bất cập của nó.
Hiện nay ở Saigon có rất nhiều tin tức cho biết, rồi sẽ tới chợ Bến Thành phải thay đổi, thương xá Tax sẽ thay đổi, những con đường, vòng xoay nước cũng sẽ đổi khác…Mọi thứ của Saigon cũ sẽ không còn, cho một tuyến métro.
Mà đây là tuyến métro thứ hai, tức là hạng mục công trình chưa cần gấp lắm. Đáng lẽ phải xây tuyến métro số 1 trước, nhưng tuyến số 2 lại được làm trước. Tất cả cho một mục tiêu chính trị, là để 30 tháng Tư năm 2015 sắp tới, kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam. Và để dựng tượng đài Hồ Chí Minh, lãnh tụ đảng Cộng sản Việt Nam ngay tại Saigon, kỷ niệm 120 năm ngày sinh của ông ấy.
Tất cả những gấp rút ấy, tất cả những chuyện làm mà không cần biết cảm giác của người dân – người ta sẽ nói như thế nào, suy nghĩ gì, thương tiếc ra sao, cho một mục đích chính trị, đôi khi cũng làm mình chạnh lòng. Bởi vì mình đã sống nơi đó, tình cảm mình dành cho thành phố không phải là một động thái chính trị nào cả. Vậy thì đôi khi người ta cũng phải suy nghĩ đến điều đó. Tại sao phải vội vã như vậy, và thậm chí cái được đánh đổi cũng không biết sẽ như thế nào.
Tuy rằng về mặt lý thuyết thì những thay đổi trong quy hoạch đô thị đã được Hội đồng Nhân dân thông qua, nhưng phải chăng đây là những đại diện thực sự của người dân Saigon, và họ đã thực tâm “do dân, vì dân” hay chưa? Nhạc sĩ Tuấn Khanh thắc mắc, vì sao công trình này lại không lấy ý kiến rộng rãi từ người dân.
Việc thay đổi một hình ảnh của thành phố lúc này, các lý do mạnh mẽ nhất mà báo chí trong nước cũng như những người phát ngôn của nhà nước có thể nói, là đã được biểu quyết qua Hội đồng Nhân dân thành phố.
Nhưng Tuấn Khanh cũng như rất nhiều người dân trên đất nước này, sống tại thành phố này, phải nói thật rằng mình không biết Hội đồng Nhân dân thành phố gồm những ai, và họ có thực sự là đại diện cho tiếng nói và trái tim của những người dân thành phố Saigon này hay không. Mà mới đây chỉ mấy ngày thôi có những bài báo nhắc đi nhắc lại rằng thái độ làm việc và tư cách của những người trong Hội đồng Nhân dân thành phố – đến chỉ để bấm nút biểu quyết “có” và “không”, rồi chơi gam, vân vân. Rõ ràng là người ta đã không sát sườn với đời sống của người dân thành phố này.
Bên cạnh đó, có bao nhiêu người dân thành phố đã được hỏi ý kiến để biết, để góp ý cho sự thay đổi? Một nhà ga được xây ở Matxcơva, ở Paris, Luân Đôn…mà lấn chiếm một vị trí, chắc chắn người dân thành phố đó phải được hỏi ý kiến. Họ sẽ phải được tham khảo, họ sẽ bỏ phiếu để chọn những dự án tốt nhất, để giữ lại những điều đã đi cùng nhiều thế hệ lớn lên ở thành phố đó, rồi sẽ đi tìm những cái mới nhất cho sự phát triển của thành phố. Chứ không phải họ chỉ là những người để ngồi ngắm những mệnh lệnh từ trên đưa xuống, và chỉ biết chịu đựng mà thôi.
Một con rùa già vô danh ở Hồ Gươm được coi là một hiện tượng khoa học, tâm linh… và được bàn tán rất nhiều. Trong khi đó ở Saigon, người ta không nuối tiếc, không có sự thương tiếc cho mọi thay đổi. Ở đây không phải là trân trọng những gì phong kiến, chế độ cũ đã dựng lên, nhưng những thứ được dựng lên rồi thực sự chắc chắn, đẹp đẽ trong rất nhiều năm, xứng đáng được gọi là Hòn ngọc Viễn Đông. Đó là những đại lộ, những hình ảnh đẹp đẽ nhất của miền Nam Việt Nam…
Và đã có rất nhiều ví dụ cho thấy có những công trình được ca ngợi, đổ hàng ngàn tỉ vào đó. Nhưng chỉ vài tháng sau, một năm sau là bị nứt nẻ, lộ ra tham nhũng mục ruỗng. Những con đường đầy xi-măng trộn cốt tre, những chiếc cầu vội vã xây lên rồi sập vài tháng sau khi khai trương…Thì dĩ nhiên người thành phố này có quyền cảm thấy lo sợ họ đang đánh đổi những điều đẹp nhất, nhưng liệu rồi sẽ có những thay đổi tốt đẹp, hay lại rơi vào những bất cập đã từng chứng kiến liên tục trong nhiều năm ở đất nước này.
RFI Việt ngữ xin chân thành cảm ơn kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn và nhạc sĩ Tuấn Khanh ở Saigon đã vui lòng tham gia tạp chí xã hội hôm nay của chúng tôi.
………………………………………………..
Người Sài Gòn tiếc nuối hàng cây trăm tuổi
Nguồn:nguoiviet.com-Wednesday, July 30, 2014 1:53:45 PM
SÀI GÒN (NV) – Trên các trang mạng xã hội Việt Nam đang bùng lên dư luận tiếc nuối hàng chục cây trăm tuổi sừng sững hàng thế kỷ, vừa bị chặt đốn trong mấy ngày qua, để nhường chỗ cho việc xây dựng nhà ga đường xe điện ngầm sẽ được thi công cuối năm tới.
Theo báo Tuổi Trẻ, chỉ ba ngày qua, đã có đến 57 cây trăm tuổi trước Nhà Hát Thành Phố bị đốn chặt. Ðây là hàng cây cổ thụ mọc dài trên đường Lê Lợi của thành phố Sài Gòn, trong đó có 39 cây dầu, sao đen, bò cạp… cao 12m, đường kính ở gốc to khoảng 7 tấc.
Bồn binh trung tâm Sài Gòn “trụi lủi.” (Hình: báo Tuổi Trẻ)
Dư luận cư dân Sài Gòn cho rằng, việc đốn hạ những hàng cây cổ thụ trăm tuổi đã làm biến mất mảng xanh của trung tâm Sài Gòn. Rất nhiều người Sài Gòn cho rằng, “Sài Gòn nay không còn xanh, và hàng liễu ở khu vực trung tâm thành phố cũng đã không còn rủ.”
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Nguyễn Văn Dung, phó giám đốc Khu Quản lý Giao thông Ðô thị số 1, đơn vị quản lý cây xanh ở khu vực trung tâm Sài Gòn thừa nhận rằng, người ta “chỉ mất vài năm để xây một tòa nhà cao vài chục tầng, nhưng mất cả trăm năm để trồng những cây cổ thụ mang tính biểu tượng của một thành phố.”
Theo dự án đã được nhà cầm quyền thành phố chấp thuận, nhà ga trung tâm Bến Thành sẽ được khởi công xây dựng vào năm tới, 2015 và dự tính sẽ hoàn thành vào cuối năm 2018. Nhà ga này là hạng mục của gói thầu xây dựng con đường xe điện ngầm số 1 Bến Thành-Suối Tiên ở quận 9, trước đây là Thủ Ðức. Nhà ga theo dự án, sẽ nằm sâu dưới lòng đất khoảng 40m.
Còn theo ông Lê Khắc Huỳnh, phó ban Quản lý Ðường sắt Ðô thị Sài Gòn, cây cối ở khu vực trung tâm Sài Gòn sẽ được trồng lại để nhằm mục đích tái tạo “mảng xanh phù hợp,” sau khi việc thi công các nhà ga của đường xe điện ngầm hoàn tất. Tuy nhiên, ông này cũng nói rằng, kế hoạch tái tạo “mảng xanh phù hợp” được thực hiện ra sao còn tùy thiết kế được duyệt và vốn liếng được cấp.
Xem ra, kế hoạch “tái tạo mảng xanh” sau khi phá đốn hàng cây trăm tuổi là không phải dễ, và cũng chưa hứa hẹn điều gì vững bền cho tương lai thành phố này. (PL)
……………………………………………………………..
Nguồn:RFI-Thứ tư 23 Tháng Bẩy 2014
Chiếc lồng đèn trung thu Made in Vietnam và biển đảo Tổ quốc
Thụy My
Trung thu với truyền thuyết về Chú Cuội, Chị Hằng…những háo hức trẻ thơ trước những chiếc bánh nướng, bánh dẻo, những chiếc lồng đèn đủ hình dạng, sắc màu, vô vàn ánh nến lung linh huyền ảo trong đêm rước đèn trung thu dường như chỉ còn tồn tại trong ký ức một thời đã qua. Ngày tết thiếu nhi tại Việt Nam từ nhiều năm nay đã biến tướng thành một dịp để người lớn biếu xén lẫn nhau.
Tuy vẫn còn là dịp để trẻ em vui chơi, nhưng những chiếc đèn xếp, đèn ông sao, đèn khung tre uốn hình dạng nhiều con vật bọc giấy kính đỏ made in Vietnam từ lâu đã phải nhường chỗ cho các loại đèn Trung Quốc. Các lồng đèn nhựa sặc sỡ với nhiều kiểu dáng, tiếng nhạc ò í e được bán với giá rẻ, thường được mua nhiều vì thật ra cũng ít có chọn lựa nào khác : đèn made in China tràn ngập thị trường Việt.
Nhưng năm nay tình hình đã có đổi khác. Tại các chợ, đèn Trung Quốc bày bán ít hơn nhiều và cũng ít có người hỏi mua so với đèn trung thu Việt Nam. Các doanh nghiệp trong nước mạnh dạn tung ra nhiều loại lồng đèn dành cho thiếu nhi với giá phải chăng, trong đó phải kể đến Công ty cổ phần Kỹ Thuật Mới, đã tung ra gần nửa triệu lồng đèn trên thị trường. Đặc biệt có đến 50 mẫu có in hình các danh nhân chống ngoại xâm trong sử sách như Ngô Quyền, Hai Bà Trưng, Thánh Gióng…và một đề tài rất mới là biển đảo : Ngư dân và biển đảo, Cảnh sát biển…
Ông Huỳnh Văn Khánh, Tổng giám đốc công ty cho biết thật ra, đẩy lùi được hàng Trung Quốc là điều mà ông đã ấp ủ từ lâu. Theo ông, sự kiện chế độ Bắc Kinh ngang ngược đưa giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 vào vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam đã làm dấy lên lòng yêu nước của người Việt.
Theo kiểm nghiệm của Viện Khoa học Vật liệu Ứng dụng và Viện Công nghệ Hóa học cách đây hai năm, hai mẫu đèn lồng thông dụng của Trung Quốc trên thị trường có chứa muối Cadimi (Cd) – một trong ba kim loại nguy hiểm nhất đối với cơ thể con người – được sử dụng như chất tạo màu trong nhiều loại nhựa. Chất này có thể gây nhiều loại bệnh như ung thư, loãng xương…được tích lũy trong thận và chỉ phát bệnh sau nhiều năm tiếp xúc.
Sau phát hiện này, nhiều bậc phụ huynh đã tẩy chay lồng đèn Trung Quốc, tuy nhiên không phải ai cũng biết được nguy cơ. Ông Huỳnh Văn Khánh giải thích, sản xuất lồng đèn dành cho thiếu nhi cần phải chú trọng về chất lượng, tính thẩm mỹ, bên cạnh đó giá cả cũng cần tính toán cho vừa với túi tiền người mua.
Riêng về phần nhạc, công ty Kỹ Thuật Mới đã đưa vào những bản nhạc trung thu truyền thống, thay cho tiếng nhạc eo éo xa lạ của đèn Trung Quốc, và đều có trả tiền tác quyền. Một cách làm ăn ngay thẳng, bên cạnh đó là ý thức đấu tranh giữ gìn bản sắc dân tộc trong các sản phẩm văn hóa.
Trong một thị trường nhiều năm qua đã quen với đèn Trung Quốc thì việc chiếm lại thị phần là điều không hề dễ dàng. Theo ông Huỳnh Văn Khánh, sự hiện diện của giàn khoan Trung Quốc vô hình chung đã là cơ hội, vì trong lịch sử mỗi khi có giặc ngoại xâm thì người Việt lại đoàn kết muôn người như một. Đối với hàng Việt Nam nói chung và riêng lồng đèn trung thu, nếu năm ngoái chỉ mới chiếm được phân nửa thị trường thì năm nay hàng Trung Quốc đã bị đẩy lùi. Ngay cả những người trung gian chỉ chú trọng đến lợi nhuận bây giờ cũng ngại nhập hàng Trung Quốc vì không có mấy người mua.
Là một doanh nghiệp vừa và nhỏ, công ty của ông Khánh phải tự lực, không có sự trợ giúp của Nhà nước trong việc đấu tranh chống hàng Trung Quốc. Không chỉ đèn trung thu cho trẻ em, mà đèn lồng trang trí lâu nay hàng nhập từ Trung Quốc vẫn phổ biến – một sự lai căng đáng buồn.
Còn hơn một tháng nữa mới đến dịp rằm tháng Tám, nhưng những chiếc lồng đèn trung thu made in Vietnam hiện diện trên các quầy hàng khắp nơi là niềm tự hào cho người sản xuất.
Trả lại mùa trung thu cho trẻ em, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, ý thức về bản sắc …Những chiếc lồng đèn nhỏ bé năm nay bắt đầu lung linh khơi nguồn lại tình tự dân tộc Việt.
…………………………………………….
‘Thà đừng rút sớm giàn khoan’
Nguồn: Bảo Trân – Gửi cho BBC từ Tp HCM- Thứ bảy 26-7-2014
Giàn khoan 981 trước khi di chuyển được nhiều tàu Trung Quốc canh gác
Đã hơn một tuần kể từ khi Trung Quốc di chuyển giàn khoan 981, dù có một vài nghi ngại nhưng nhìn chung dư luận Việt Nam đã tương đối lắng dịu, đặc biệt với sự xuất hiện của siêu bão Ramasun và vụ tai nạn máy bay MH17.
Nhìn cách thức đưa tin đoán xu hướng chính trị.
Tại Đài truyền hình Việt Nam, sau khi đưa động thái di chuyển của giàn khoan vào bản tin thời sự 19 giờ ngày 16 tháng 7, ngay hôm sau tin tức về vụ việc gần như biến mất trên chương trình được phát vào giờ cơm tối của mọi gia đình Việt Nam này.
Đài truyền hình Việt Nam là cơ quan báo chí lớn nhất nước (đứng đầu là một Ủy viên trung ương Đảng) và chương trình quan trọng nhất của nhà đài là Bản tin thời sự 19 giờ.
Mọi nội dung của chương trình này đều được giám sát kỹ lưỡng. Có thể nói khi mà thời của báo giấy và đài phát thanh đã qua, cơ quan ngôn luận của Đảng chính là Đài truyền hình.
”Bênh Nga chằm chặp”
Chỉ cần xem bản tin thời sự là biết “trạng thái” của Đảng Cộng sản. Khi đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc khuyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nên từ chức vào tháng 11 năm 2012, việc này chỉ được đưa lên vào bản tin 12 giờ trưa (lúc mọi người đang đi làm) và cắt gần như toàn bộ vào chương trình lúc 7 giờ tối cùng ngày.
Năm nay, đến tận cuối tháng Tư, truyền hình và báo chí Việt Nam vẫn còn bênh chằm chặp Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine khiến cho những ai xem thời sự đều bất bình với lực lượng đã lật đổ chính phủ của Tổng thống Ukraine lúc đó là Yanukovych.
Nhưng sau khi giàn khoan Hải Dương 981 được hạ đặt trái phép từ ngày 1/5, nhà đài bỗng đưa tin một cách vô cùng khách quan về cuộc xung đột ở Crimea.
Lý do là vì Nga đã không hề lên tiếng bảo vệ Việt Nam do phải bắt tay với Trung Quốc trong trận chiến với Mỹ và phương Tây.
Quay trở lại với việc đưa tin về giàn khoan 981, đài truyền hình Việt Nam đã ròng rã suốt hai tháng trời đưa tin hàng ngày về các hoạt động đấu tranh của hải quân ta, nay bỗng dưng câm bặt.
Tối ngày 17/7, tức là chỉ một ngày sau khi Trung Quốc di chuyển giàn khoan, trên bản tin 19 giờ chỉ còn lướt qua một tin duy nhất “liên quan” vào cuối chương trình, đó là việc Mỹ hoan nghênh việc giàn khoan đã được di dời.
Tối 19/7, trên kênh thời sự chính thống đã xuất hiện những dấu hiệu đặc biệt. Đầu tiên là việc đưa tin tỉnh Quảng Bình “tổ chức công bố quy hoạch xây dựng” khu tưởng niệm Vụ thảm sát tại thôn Quyết Thắng – “sự kiện bi thương do đế quốc Mỹ gây ra”.
Việc Trung Quốc đưa giàn khoan 981 thu hút truyền thông quốc tế.
Việc tưởng nhớ những người đã hy sinh trong chiến tranh chẳng bao giờ là xấu, nhưng đưa tin với thời lượng tương đối lâu và dùng những ngôn từ nặng nề trong thời điểm “nhạy cảm” như vậy quả là điều không bình thường.
Chỉ vài ngày trước khi Trung Quốc chưa rút giàn khoan, ai cũng cho rằng Việt Nam đang muốn xích lại gần Hoa Kỳ để tìm sự ủng hộ về quân sự.
Còn về chuyện tưởng nhớ những người con của đất nước trong cuộc chiến bảo vệ tổ quốc, không biết đến bao giờ những người đã ngã xuống trong chiến tranh Biên giới 1979 mới được nhắc đến một cách trang trọng như những đồng đội hy sinh trong cuộc chiến chống “đế quốc” xâm lược.
Lại đâu vào đấy?
“Những ai háo hức về một cuộc “thoát Trung” hơn hai tháng nay chắc sắp phải thất vọng”
Rất nhiều người đã hy vọng vào cơ hội thoát khỏi sự ảnh hưởng của Trung Quốc khi cuộc khủng hoảng trên biển Đông diễn ra trong hơn hai tháng qua.
Nhà cầm quyền dù thân với người láng giềng phương Bắc đến đâu cũng không thể không phản đối hành động xâm phạm quá lộ liễu. Nếu không phản ứng, chính nhà cầm quyền tự làm suy yếu tính chính danh và uy tín của họ.
Nhưng nay sóng gió đã tạm qua, việc liên minh với Mỹ – một hành động bất đắc dĩ vô cùng nguy hiểm có lẽ là không cần thiết nữa.
Hoa Kỳ sẽ giúp “không công” một nước Cộng sản? Không bao giờ! Sự giúp đỡ sẽ phải kèm theo một loạt điều kiện, trong đó chắc chắn phải mở rộng quyền tự do dân chủ mà điều đó có thể dẫn tới một cuộc “Cách mạng nhung”.
Giữ được chủ quyền mà mất chức thì cũng có ý nghĩa gì với những nhà lãnh đạo độc tài. Chính vì vậy, nếu không có biến cố gì xảy ra, việc hòa hoãn với láng giềng anh em Cộng sản vẫn là thượng sách.
Xem ra, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan lại là một cơ hội tốt để một số nhà lãnh đạo ghi điểm bằng những phát ngôn tương đối “mạnh miệng”.
Nhân dân thì tạm quên đi những tồn tại trong xã hội để bày tỏ lòng yêu nước, người đàn anh phương Bắc thậm chí phải cử người sang “xoa dịu” đàn em.
Lợi đủ đường! Nếu cứ thế này, thỉnh thoảng Trung Quốc cứ kéo giàn khoan ra vài ngày lại không chừng lại là điều hay.
Còn với người dân, những ai háo hức về một cuộc “thoát Trung” hơn hai tháng nay chắc sắp phải thất vọng. Với họ, dù có va chạm với láng giềng một chút mà nền kinh tế, chính trị thay đổi toàn diện để có cuộc sống ấm no còn hơn là “hòa bình, ổn định” lâu dài nhưng mãi mãi trì trệ.
Vậy nên, giàn khoan Trung Quốc, lần sau có hạ đặt thì hãy ở lại lâu hơn một chút rồi hẵng về!
Bài viết thể hiện quan điểm và lối hành văn của tác giả.
………………………………………………….