1.Nhà văn Nguyễn Đạt ..(DTL)2.Tiếng hát Tâm Vấn và Lộc Vàng..(NV)3.Thiên tử hạc-

Nguyễn Ðạt, người ném mình về phía cái mới
Nguồn:nguoiviet.com- October 1, 2016


Nhà văn Nguyễn Ðạt (Hình dutule.com)

Du Tử Lê

Xuất hiện từ giữa thập niên 1960, nhưng tới cuối thập niên này, thơ/văn Nguyễn Ðạt mới được văn giới chú ý nhiều.

Tôi không biết bước chân đầu tiên vào nghiệp văn chương, chữ, nghĩa của Nguyễn Ðạt là thi ca hay văn xuôi. Chỉ biết anh em cũng như độc giả quen nhìn, và gọi ông một nhà thơ.

Cá nhân tôi, muốn nhìn ông ở cả hai lãnh vực. Gọi chung là văn chương. Lý do, ở lãnh vực nào, họ Nguyễn cũng hiện ra như một người viết không ngưng nghỉ đi tìm cho cõi-giới chữ, nghĩa của mình cái mới. Cùng lúc ông cũng cho thấy ông muốn thử nghiệm một loại văn xuôi, khác. Cụ thể như sự quyết liệt của ông ở với phong cách “Tiểu thuyết mới/nouveau roman” – – Dù cho phong trào này đã tàn lụi ngay nơi quê hương sản sinh ra nó. (1) Và, một số nhà văn miền Nam, vào những năm đầu thập niên 1970, đã từng lớn tiếng, rôm rả đề cập tới dòng văn chương này, như một biến cố lớn lao của văn chương thế giới! Mặc dù cá nhân họ, vẫn tiếp tục lối viết cũ. Ðôi người tỏ ra tiên tiến thì cũng chỉ thể hiện được trên văn bản, phần bì phu (ngoài da) chứ không thực sự ứng dụng những yếu tố căn bản của trường phái ấy. (2)

Nỗ lực tự ném mình về phía cái mới, bất kể thành công hay thất bại của thi sĩ/nhà văn của Nguyễn Ðạt, tôi cho là điều đáng kể nhất trên dặm trường văn chương của cây bút này.

Nỗ lực chữ, nghĩa quyết liệt của họ Nguyễn, không đổi chiều hay suy yếu sau biến cố tháng 4, 1975. Trái lại, người ta thấy, sau cơn động đất địa, chính, trong lúc đa số người cầm bút bị những trận bão thời thế, xã hội, tình cảnh cá nhân, đã không còn khả năng sáng tạo thì, Nguyễn Ðạt vẫn lầm lì, đi tới. Rất nhiều thi phẩm và tập truyện của ông đã được ấn hành. Thí dụ: thi phẩm “Nơi Giá Băng” (NGB)do Hội Nhà Văn VN, ấn hành năm 1991, hoặc “Kỷ Niệm Dã Quỳ và Những Truyện Ngắn Khác” do nhà XB Trẻ ấn hành năm 2016, v.v…

Như đã nói, vì tính quyết liệt với chủ trương làm mới văn chương của mình, nên, dù đó là những bài thơ họ Nguyễn viết từ trước hay, sau thời điểm 1975, người đọc vẫn gặp được trong thơ ông, những liên tưởng mới mẻ như:

“Ðêm tối như áo choàng dạ cũ
Ðêm tối sự sống chui vô trong
Của núi đá của cỏ dại của rừng thông
Của hồi ức
Ngàn năm như thác đổ rã tâm thần.”

(Trích “Ðêm Ðơn Dương”, trong “ÐGB” trang 23)

Ðoạn thơ trên được tác giả viết từ năm 1966 cách nay đúng nửa thế kỷ. Nếu không quá khó tính, tôi cho tới hôm nay những câu: “Ðêm tối như áo choàng dạ cũ” và “Ngàn năm như thác đổ rã tâm thần,” vẫn tươi rói, tựa mới được viết đây.

Hoặc gần hơn:

“Cỏ dại mở mắt ngó sự thật
Ở nơi này hay tận nơi xa”

(Trích “Tôi tới nơi này.” Thi phẩm “Dran” Nhà XB Giấy Vụn, Saigon 2015)

(Kỳ sau tiếp)

Chú thích:

(1) Trang mạng Wikipedia-Mở ghi nhận vắn tắt về phong trào “Tiểu thuyết mới/Nouveau roman” như sau:

“Tiểu thuyết mới (tiếng Pháp: Nouveau roman) là một phong trào văn học vào khoảng 1950 tới 1970 ở Pháp của một nhóm các tác giả chủ yếu thuộc nhà xuất bản Minuit. Thuật ngữ này được đưa ra lần đầu tiên với ý nghĩa tiêu cực bởi nhà phê bình Émile Henriot trong một bài trên báo Le Monde ngày 22 tháng 5 năm 1957 để phê bình tiểu thuyết Jalousie của Alain Robbe-Grillet. Ngược lại với cái tên của nó, đây không hẳn là một trường phái văn học tiên phong. Các tiểu thuyết gia tìm các đổi mới trong từng cuốn tiểu thuyết, mỗi cuốn sách là một thể nghiệm cách viết mới. Phong cách của họ rất đa dạng, đặt lại những câu hỏi về nền tảng của tiểu thuyết, xây dựng những tiểu thuyết với và gây ra các tranh luận “phê bình mới,” chống lại cách phê bình truyền thống trên các báo chí và tạp chí văn học. Không thỏa ước với tiểu quyết truyền thống của thế kỷ 18 và cả các tác giả như Honoré de Balzac, Émile Zola, tiểu thuyết mới mong muốn một ý thức nghệ thuật của riêng mình. Ðặt câu hỏi về vị trí người kể: họ đứng ở đâu trong câu chuyện, tại sao họ kể lại, tại sao họ viết ra. “Vào cuối thập niên 1970, trào lưu này xem như kết thúc.”

Mặt khác, theo nhà phê bình văn học Pháp, Carl Gustaf Bjurstrom, trong tác phẩm “Văn Học Thế Giới Hiện Ðại/Les Littératures Contemporaines À Travers Le Monde,” bản dịch của Bửu Ý (3) thì: Nhóm này chủ trương xóa bỏ loại tiểu thuyết từ hồi nào giờ, vẫn ôm chặt lấy nghệ thuật phân tích tâm lý, như thể đó là chuẩn mực cao nhất và, bất biến của văn chương. Trong khi theo họ (những người chủ trương “Tiểu thuyết mới”) thì, nó lại là những ước lệ, giả tạo, dối trá, hợm hĩnh của cái “ta” trong vai trò thượng đế, ban phước, giáng họa cho tất tật mọi nhân vật. Những nhà văn cổ xúy phong trào “Tiểu thuyết mới” đòi hỏi nhà văn phải trở lại với những khách quan của một người quan sát, phải luôn tự giác trước thực tế đời sống, ngoại cảnh. Mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, nhà văn Ollir, một thành viên khác trong nhóm, qua tiểu thuyết “Ðạo Diễn” đã cho thấy “sự hiện diện của đồ vật là trên hết.”

Vẫn theo tác giả Carl Gustaf Bjurstrom:

“Khuynh hướng này không hoàn toàn mới mẻ. Năm 1925 Gide đã viết ‘Bọn Làm Bạc Giả’ đi ngược với mọi truyền thống kể chuyện. Cuốn ‘Ulysse’ của James Joyce muốn ghi lại những cảm tưởng nguyên hình trạng. Và trong trường phái ‘tiểu thuyết mới’, Nathalie Sarraute, với những bài đầu tiên viết trước thế chiến, thật ra đã nối kết ảnh hưởng của Joyce với tân trường phái. Tiểu luận ‘Kỷ Nguyên Ngờ Vực’, giống như ‘Kỷ Yếu Về Sự Phân Hóa’ của Cioran và ‘Mục Lục’ của Michel Butor báo hiệu trước bước đường cùng của tiểu thuyết tâm lý (…) Như thế, là ‘tiểu thuyết mới’ biến cải một cách thiết yếu cái ‘điểm quan sát’ của tiểu thuyết gia. Không còn là kẻ kể chuyện đã biết hồi kết cuộc nên chi ‘sắp xếp’ và diễn theo lối kết thúc đó. Nó chỉ là chứng nhân ghi nhận những hiện diện, những xúc cảm…”

(2) Tôi dùng hai chữ “bì phu (ngoài da) vì thời gian đó, cũng có của một vài nhà văn cố tình viết nhiều trang truyện không một dấu chấm; hoặc họ không đặt tên cho nhân vật mà chỉ dùng những chỉ danh như “người đàn ông” hay “người đàn”… Cho rằng như thế truyện mới mang tính khách quan. Nhưng chúng không phải là yếu tính căn để của phong trào “Tiểu thuyết mới.” Cũng có nhà văn cố gắng áp dụng ít nhiều định nghĩa của phòng trào này trong văn xuôi của họ. Nhưng vì giới hạn của tài năng, nên chúng đã không tạo được một chú ý nào, ngay trong văn giới.

(3) “Văn Học Thế Giới Hiện Ðại” bản dịch từ Pháp ngữ của dịch giả Bửu Ý. Nhà Xuân Thu Hoa Kỳ, in lại tại Mỹ theo bản in ở Việt Nam. Nhưng, không ghi ngày tháng và, cũng không ghi tên nhà xuất đầu tiên. Ðược biết An Tiêm là nhà xuất bản đầu tiên ấn hành bản dịch của nhà văn Bửu Ý, Saigon, trước tháng 4, 1975. Riêng dịch giả, nhà văn Bửu Ý hiện vẫn cư ngụ tại Huế. Ông sinh năm 1937, tại Thừa Thiên, Huế.

…………………………………….

Tiếng hát Tâm Vấn và Lộc Vàng đến Little Saigon

Nguồn: Lâm Hoài Thạch/Người Việt- October 1,2016

Nữ danh ca Tâm Vấn tại Hội Quán Lạc Cầm, Westminster. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

WESTMINSTER, California (NV) – Một buổi tối đầu Thu tươi mát, vài cơn gió nhẹ đã đưa dòng nhạc tiền chiến từ Hà Nội và Sài Gòn một thuở xa xưa trở về với Little Saigon trong khung nhạc thính phòng của Hội Quán Lạc Cầm, Westminster.

Những dòng nhạc vàng trữ tình ấy, những bài ca quê hương vượt thời gian ấy, mà các nữ danh ca tuổi nghề như Tâm Vấn, Kim Tước, và ông Lộc Vàng cùng một số tiếng hát yêu nhạc đã đưa tình người ly hương trở về với hương hoa âm nhạc. Một hương hoa không mùi vị, không sắc màu, nhưng thơm ngát tình người giữa khán giả và nghệ sĩ.

Một nữ danh ca đã nổi tiếng từ đầu nguồn tân nhạc Việt Nam, trong những năm cuối thập niên 40 ở Hà Nội, đầu thập niên 50 ở Sài Gòn, rồi trải dài đến đầu thập niên 70. Thời ấy, khán giả chẳng những ái mộ giọng hát, mà còn yêu thích vóc dáng xinh đẹp, khả ái của nữ danh ca Tâm Vấn.

“Hôm nay, lần đầu tiên được hát với tiếng đàn của cô em họ, là dương cầm thủ Minh Ngọc, và cũng lần đầu tiên, cô em đàn cho chị hát bài “Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay” của Đoàn Chuẩn. Và nhạc sĩ Đoàn Chuẩn cũng là người bạn rất thân của Tâm Vấn. Năm 1988, Đoàn Chuẩn từ Hà Nội vào Sài Gòn, thì hồi đó ở Sài Gòn mới bắt đầu cho hát một số bài của các nhạc sĩ nổi tiếng như Văn Cao, Đoàn Chuẩn… Năm đó, Đoàn Chuẩn đàn Hạ Vy Cầm và chúng tôi đồng trình diễn ở rạp Thống Nhất,” Tâm Vấn chia sẻ.

Cũng là một trong những ca sĩ đầu nguồn của nền âm nhạc Việt Nam, thành công trong nghề ca nhạc và đàn dương cầm từ lúc 14 tuổi, rất nổi tiếng vào những năm 50 tại Hà Nội và Huế, cũng đã vang danh tại Sai Gòn vào đầu thập niên 60, tham gia đêm nhạc hôm nay, là nữ danh ca Kim Tước.

“Đã lâu lắm rồi, tôi không xuất hiện trên sân khấu. Hôm nay được đến chung vui với chị Tâm Vấn và tất cả các bạn hữu ở đây. Xin có một bản nhạc để tặng chị Tâm Vấn và chị Phương Lan. Đây là bài nhạc ‘Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn’ của Văn Phụng. Và tôi nghĩ rằng, những ngày còn lại thì cũng như là những ngày mình đi trong những buổi hoàng hôn rất đẹp.”

Nữ danh ca Kim Tước tại Hội Quán Lạc Cầm, Westminster. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Kim Tước hát vẫn còn hay lắm, hát như lời chia sẻ tình người, nhất là trong những ai đang đi trong hoàng hôn của mùa Thu đầy lá vàng rơi rụng.

Trên sân khấu của Lạc Cầm, Hoàng Trọng Thụy giới thiệu một nhân chứng sống của lịch sử âm nhạc Việt Nam, đó là Lộc Vàng.

Lộc Vàng từ Hà Nội sang, trước tiên là đi dự đại hội Hội Thơ Tài Tử của nhà thơ Lê Quang Sinh và Giáo Sư Nguyễn Lý Tưởng tổ chức. Sau đó được bè bạn đưa đi thăm viếng chỗ này chỗ nọ ở Little Saigon và nhiều nơi khác. Nhân tiện ông gặp nữ danh ca Tâm Vấn, và bà “rủ” ông đến Hội Quán Lạc Cầm đêm nay để “cùng hát cho nhau nghe.”

Theo danh ca Tâm Vấn và Hoàng Trọng Thụy kể lại, Lộc Vàng là một người nghệ sĩ đã hy sinh cả đời trai trẻ của mình, một người mê nhạc vàng đến độ phải bị ở tù mười năm ở Hà Nội trước năm 1975, chỉ vì nỗi đam mê âm nhạc. Và ông mê nhạc từ lúc mà nhiều người khác chưa biết ‘nhạc vàng’ là gì. Và theo ông Lộc Vàng, ngày xưa, tại Hà Nội không có nhạc tiền chiến, mà chỉ có nhạc vàng mà thôi.

“Tại sao không gọi là nhạc tiền chiến mà gọi là nhạc vàng?”, Hoàng Trọng Thụy đặt câu hỏi.

“Theo tôi hiểu, trước năm 1954, những nhạc sĩ Việt Nam mới bắt đầu viết những bài tân nhạc vì được thừa hưởng nền âm nhạc của người Pháp dạy cho họ, mà chỉ có những người con của nhà giàu mới được học, và học những nốt nhạc như Đồ, Rê, Mi… Thời gian sau đó, các ông mới bắt đầu sáng tác những bài nhạc Việt Nam. Và những nhà nhạc sĩ đó mượn danh những nốt nhạc mà người ta quý như vàng, cho nên các ông đặt tên là dòng ‘nhạc vàng’, tại vì vàng là vật rất quý giá. Nhưng đến sau 1954, từ chính phủ này đổi sang chính phủ kia, thì các ông trong chính phủ miền Bắc định nghĩa vàng là vàng vọt, vàng là màu lá úa, vàng là ủy mị,” Lộc Vàng trả lời.

Ông cho biết thêm, “Ở miền Bắc, nhạc từ trước năm 1945 chỉ có vài bài thôi. Và sau năm 1945 đến năm 1954 thì có nhiều bài nhạc Việt ra đời. Cho nên nhiều người bảo rằng, nhạc tiền chiến có trước chiến tranh, là tại vì họ đã cộng những bài nhạc đó cho đến năm 1954, mà người ta vẫn gọi là nhạc tiền chiến. Ở một đất nước, người ta thích đặt tên nào thì mọi người nghe theo cái tên đó, nhưng theo tôi, đó là dòng nhạc trữ tình của Việt Nam, được quý như vàng, chớ không có nhạc tiền chiến hay hậu chiến gì cả.”

Tiếng hát của Lộc Vàng trong bài “Thu Quyến Rũ” của Đoàn Chuẩn và Từ Linh, một bài nhạc rất quen thuộc với những người thích dòng ‘nhạc vàng,’ lời bài nhạc được ông thả hồn theo tiếng đàn dương cầm của nhạc sĩ Huy Cường. Lời nhạc trữ tình qua dòng nhạc êm dịu, gọi là dòng ‘nhạc vàng’ thật đúng theo ý nghĩa của nó.

“Lộc Vàng” tại Hội Quán Lạc Cầm, Westminster. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Theo lời yêu cầu của khán giả, Lộc Vàng hát thêm một bài nữa của Đoàn Chuẩn, là bài “Tâm Sự Người Yêu.” Theo Lộc Vàng, bài nhạc này gần như là tác phẩm cuối cùng của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, ông sáng tác năm 1956, nhưng không xuất bản.

“Trước năm 1968, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã cho tôi bài này, tôi thấy bài này là đỉnh cao cuối cùng trong những bài nhạc của Đoàn Chuẩn, vì nói lên tâm trạng của nhạc sĩ yêu bà Thanh Hằng, bà ngày xưa cùng hoạt động với Đoàn Chuẩn trong một đoàn ca nhạc ở Hà Nội. Ông rất yêu bà, nhưng vì nghe lời bà Thanh Hằng nên cuối cùng ông phải ở lại Hà Nội. Mãi đến năm 1956, thì ông sáng tác bài nhạc này để tặng riêng cho người mình yêu,” Lộc Vàng kể lại.

Lộc Vàng hát bài này rất hay, vì có lẽ ông hát thay nỗi đau quặn thắt của Đoàn Chuẩn, khi đã bắt đầu yêu Thanh Hằng.

“Khi mùa Thu đến nhanh
Hoa Phù Dung im cành
Từng đàn bướm trắng bay nhanh, mong manh
Tiếc nhớ thương vay giận hờn bướm trắng có hay
Yêu có khác gì lúc chàng say
Thuở ấy, tâm hồn chưa vướng lưới
Thời gian chưa đủ xóa niềm tin
Đôi môi chưa gợn men ân ái
Bướm lả lơi nhìn trong mắt xanh
Rồi có hôm nào không nhớ rõ
Hình em đến tận đáy lòng anh
Hoa kia không ngủ trăng thao thức
Bướm đã vướng mình, chim cứ bay…”

Rồi ông tiếp tục hát như lời tâm sự của một chuyện tình bị dở dang, đã khiến Đoàn Chuẩn ở lại trong khung trời Hà Nội để còn gặp người mình yêu.

“Em muốn nói gì lúc về Thu
Một phút yêu lầm Cô Tô mất
Ngàn năm ân hận nữa Phù Sai
Nên anh ghê sợ cho đôi mắt
Giấc mộng đêm nào trong Liễu Trai.”

Đoàn Chuẩn vì yêu nên không thể rời xa Hà Nội, để rồi có một hôm nào không nhớ rõ, thuyền xưa đã rời bến mà đi… Lộc Vàng kết thúc đoạn cuối của một mối tình lãng mạn và đã tan vỡ của người nhạc sĩ tài hoa.

“Rồi có những chiều im tắt nắng
Người ta nhớ lại quãng ngày đi
Hoa xưa phong nhụy sen trong trắng
Sao nỡ dối lòng Dương Quý Phi?”

Lộc Vàng nói với Người Việt, ông tên thật là Nguyễn Văn Lộc, lý do người ta gọi ông là “Lộc Vàng” là từ năm 1954, tại Hà Nội bị cấm hát nhạc vàng. Thời đó, ở miền Bắc chỉ có một dòng nhạc gọi là dòng nhạc cách mạng, và còn được dân gian gọi là “nhạc đỏ.”

“Nhưng mà chúng tôi gồm vài anh em bạn cứ tụ tập với nhau hát ở trong nhà và hát toàn những bài nhạc trước năm 1954. Đến tai nhà nước và họ bắt bọn tôi, vì họ bảo bọn tôi là tuyên truyền chủ nghĩa trụy lạc của đế quốc. Rồi sau đó tôi bị ở tù 10 năm vì tội hát nhạc vàng. Sau khi ở tù về còn phải chịu bốn năm mất quyền công dân nữa,” Lộc Vàng chia sẻ.

Cũng theo ông, đến năm 1987, thì nhà nước bắt đầu cho hát lại một số bài nhạc trước năm 1954, mà người ta còn gọi là nhạc tiền chiến, gồm những bài nhạc của Đoàn Chuẩn, Nguyễn Văn Khánh, Văn Cao, Nguyễn Văn Tý…

Lộc Vàng cho biết thêm, “tại Hà Nội, năm 1991, tôi mở một quán cà phê ca nhạc, bị cấm. Đến năm 1994 tôi mở thêm một quán nữa, cũng bị cấm. Đến 1997 mở một quán nữa thì cũng bị họ cấm. Tại vì tất cả quán cà phê phải có giấy phép của nhà nước, và họ không cấp giấy phép cho tôi mở quán là vì quán của tôi chỉ toàn hát nhạc vàng. Mãi đến năm 2008, thì tôi bắt đầu tiếp tục mở thêm một quán cà phê nữa ở Hồ Tây, và tôi lấy tên quán là quán cà phê Lộc Vàng, vì một số nhạc vàng đã được cho phép hát. Thế từ đó cho đến bây giờ, quán Lộc Vàng vẫn mở và mỗi tuần gồm ba buổi tối có ca nhạc cho mọi người nghe, mà chủ đề chỉ có hát nhạc vàng mà thôi.”

Theo ông Lộc Vàng, quán cà phê này do ông thuê chỗ. Từ ngày mở quán cho đến nay đã tám năm, ông bị lỗ sạch vốn, và phải bán nhà để bù đắp lại cho những chi phí của quán cà phê này. Lý do ông lỗ vốn là những ngày thường thì vắng khách, chỉ có khách vào những đêm ca nhạc, và chỉ lấy giá rất bình dân, vì lấy giá cao thì khách không đến.

Quán này là chỉ để có nơi cho ông được thỏa niềm đam mê âm nhạc, vì thế, ông không có ý kinh doanh vào tiếng hát của mình, mà chỉ muốn tạo một “sân chơi” cho những ai thích nghe những dòng nhạc trữ tình hay còn gọi là nhạc vàng hoặc nhạc tiền chiến.

…………………………………………………………………

Fwd: [kqvn] Thiên Tử Hạc

Kim Vu to:….,me

Thiên Tử Hạc
>             Vua nhà Thanh biếu tặng vua Tự Đức một con hạc loại hiếm.  Tự Đức quý lắm, cho đeo trước cổ con hạc tấm thẻ bài ghi “Thiên Tử Hạc” (Hạc của vua nuôi). Thiên Tử Hạc quen hơi người nên được thả trong Vườn Thượng uyển.
>
>             Ngày nọ, Thiên Tử Hạc bay ra khỏi Hoàng cung. Nó lạc vào vườn một thường dân nên bị chó của nhà này cắn chết. Vua Tự Đức thấy mất con hạc mình yêu quý, dày công tốn sức chăm nuôi nên truyền cho thuộc cấp điều tra.
>
>             Cấp dưới điều tra biết được việc chó nhà dân cắn chết hạc của vua nuôi nên đã quay về trình báo. Vua Tự Đức thấy hạc quý đã chết nên nổi giận, truyền cho Bộ hình luận tội. Bộ Hình kết án chủ chó phải tội tử hình và bị tịch thu toàn bộ gia sản.
>
>             Việc xử án của Bộ hình được quan Ngự Sử Phạm Đan Quế biết được. Sau khi xem xét các tình tiết, ông xin yết kiến vua Tự Đức và trình một bản tấu. Bản tấu ấy như sau:
>
>             Hạc bất năng ngôn/ Khuyển vô thức tự
>             Hạc nhập dân viên/ Khuyển trung vu chủ
>             Điểu, Thú đấu tranh/ U minh hà dự
>             Khuyển phệ hạc tử/ Tôi quy vu chủ
>             Hạc trắc khuyển tử/ Tường hà luật xử?
>
>             Dịch nghĩa:
>
>             Hạc chẳng biết nói/ Chó không biết chữ
>             Hạc vào vườn dân/ Chó trung với chủ
>             Chim, thú đánh nhau/ Tối sáng không rõ
>             Chó cắn chết hạc/ Tội quy cho chủ

>             Hạc mổ chết chó/ Luật xử thế nào?
>         
>             Vụ án “chó cắn hạc vua” cũng đã để lại một điển tích hay về việc xử án ngày xưa của cha ông mà ngày nay chúng ta vẫn cần phải học tập. Đó là không phân biệt hay thiên vị một ai trong việc phân xử, chỉ có lẽ phải là luôn được tôn trọng triệt để.
>
>             Nghe xong, vua Tự Đức cấp tốc hạ lệnh hủy bỏ bản án và không bàn đến nữa. Bởi đối với vua Tự Đức, những lời của Phạm Đan Quế không những có tình mà còn rất có lý: Chó và hạc đều là vật. Cả hai không biết nói, không biết chữ nên hạc đeo thẻ đề Thiên Tử Hạc chó cũng không biết.
>
>             Như vậy, chó cắn chết hạc là do cái thói cắn nhau của hai con vật, nên không thể bắt chủ chó thế mạng. Nếu bản án trên thi hành như kết luận của Bộ Hình thì sau này thành án lệ. Chẳng hạn, lỡ có ngày chó hoàng cung cắn chết cầm thú nhà dân hay cắn chết người ta, không biết sẽ nghị án ra sao. Không lẽ phải bắt vua trị tội?
>
>             Tuy nhiên, càng nghĩ càng thấy vụ án không hề đơn giản. Bởi trong chế độ phong kiến, ý vua tức là ý trời, không ai dám trái lệnh. Nhưng do ông Phạm Đan Quế nói quá có tình có lý nên vua Tự Đức đã nghe theo. Và việc vua Tự Đức nghe theo cũng chứng minh vị vua này cũng là một vị vua anh minh, biết nghe lời can gián của quần thần. Chính vì thế vụ án “chó cắn hạc vua” cũng đã để lại một điển tích hay về việc xử án ngày xưa của cha ông mà ngày nay chúng ta vẫn cần phải học tập. Đó là không phân biệt hay thiên vị một ai trong việc phân xử, chỉ có lẽ phải là luôn phải được tôn trọng triệt để.

………………………………………………..

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics