Ðôi điều ít biết về nhà văn Nguyên Vũ
Nguồn:nguoiviet.com – Friday, September 4, 2015
Du Tử Lê
Từ trái qua: Nhà thơ Ngọc Hoài Phương, nhà văn Nguyên Vũ. (Hình: NHP)
Ðầu thập niên 1960s, khi chiến sự bắt đầu lan tràn, chính quyền miền Nam VN, đã ban bố chính sách động viên, quân dịch. Vì thế, hầu hết thanh niên thời đó, phải nhập ngũ. Cũng chính vì thế mà, số lượng những người cầm bút cũ cũng như mới mặc áo lính, được ghi nhận là một con số đáng kể.
Sinh hoạt quân đội, chiến tranh, dù muốn hay không cũng là môi trường phong phú, giàu có chất liệu cho những người làm công việc sáng tác ở tất cả mọi lãnh vực; từ thơ, văn tới âm nhạc, kịch nghệ, điện ảnh..
Những cây bút chọn khía cạnh quân đội, chiến tranh làm đề tài chính hoặc, nghiêng nặng về lãnh vực này, được dư luận xếp vào hàng ngũ “những nhà văn quân đội.”
Nhưng không phải nhà văn quân đội nào cũng được người đọc đón nhận, như một tác giả nổi tiếng. Có số lượng sách tiêu thụ lớn.
Số nhà văn quân đội nổi tiếng với những tác phẩm (thơ cũng như văn) của họ, có thể kể những tên tuổi về thơ, như có Tường Linh, Phạm Văn Bình, hay Linh Phương… Cả hai nhà thơ sau, đều nổi tiếng nhờ có thơ được cố nhạc sĩ Phạm Duy soạn thành ca khúc. (Phạm Văn Bình với ca khúc “Chuyện Tình Buồn,” và “Mười Hai Tháng Anh Ði”; Linh Phương với “Kỷ Vật Cho Em”) (1). Về văn có thể kể Văn Quang (lớp trước). Lớp sau vài năm, có thể kể tới Trần Hoài Thư, Ðào Vũ Anh Hùng, Huỳnh Văn Phú… Nhưng, nổi bật hơn cả, theo tôi là Nguyên Vũ (truyện) và, Phan Nhật Nam (bút ký, phóng sự).
Theo nhà báo Ngọc Hoài Phương, hiện cư ngụ tại miền Nam California thì, những bài viết đầu tiên của Nguyên Vũ xuất hiện trên báo Thời Luận của cụ Nghiêm Xuân Thiện, năm 1965.
Thời gian đó, nhà báo Ngọc Hoài Phương, tuy còn rất trẻ nhưng được chủ nhiệm Nghiêm Xuân Thiện chọn vào vai trò phụ tá tổng thư ký tòa soạn, kiêm nhiệm trang văn nghệ; sau khi các nhà báo đàn anh như Sao Biển, Tâm Chung từ chối nhận lãnh trách nhiệm này.
Theo lời kể của nhà báo Ngọc Hoài Phương thì, thời gian đó, Nguyên Vũ/Vũ Ngự Chiêu là sĩ quan pháo binh, trú đóng ở miền Tây.
Thoạt đầu, Ngọc Hoài Phương khuyến khích họ Vũ viết về đời pháo thủ của mình, để Ngọc Hoài Phương lấy tiền nhuận bút, cho bạn tiêu vặt trong những lần về phép Sài Gòn.
Không ngờ, loạt bài của Nguyên Vũ/Vũ Ngự Chiêu được độc giả, nhất là giới quân nhân đón nhận nồng nhiệt.
“Ðược cái Nguyên Vũ viết rất nhanh,” Ngọc Hoài Phương kể.
“Buổi tối anh em đi chơi, ăn nhậu với nhau tới khuya mới giải tán. Về nhà, họ Vũ có thể viết tới sáng. Vì thế, sau mỗi tuần về phép Saigon, trước khi trở lại đơn vị, bao giờ Nguyên Vũ cũng gửi lại tòa soạn Thời Luận số bài đủ để ‘đi’ cả một tháng. Nhờ thế mà tòa soạn rất yên tâm về loạt bài của Nguyên Vũ. Nghĩa là người phụ trách là tôi, không phải lâu lâu lại nhắn tin ‘…Hết bài rồi. Gửi bài gấp…’ như từng xẩy ra với nhiều nhà văn viết feuilleton khác.” Nhà báo Ngọc Hoài Phương nhấn mạnh.
Vẫn theo lời kể của Ngọc Hoài Phương thì ông không nhớ nhà văn Nguyên Vũ / Vũ Ngự Chiêu cộng tác với báo Thời Luận bao lâu? Ông chỉ biết sau một thời gian ngắn, tên tuổi họ Vũ nổi tiếng khắp nơi, nên Nguyên Vũ được nhiều báo Sài Gòn thời đó, mời viết feuilleton cho họ. Và, cũng vì thế mà Nguyên Vũ không còn thì giờ viết cho Thời Luận nữa.
Trong loạt bài chủ đề “Văn Học Miền Nam,” nhà văn Nhị Linh đã viết về Nguyên Vũ, một đoạn ngắn, với các chi tiết, như sau:
“Trước 1975, Nguyên Vũ là tác giả của nhiều tác phẩm về cuộc đời lính.
“Sinh năm 1942 ở Hải Dương, Nguyên Vũ (tên thật Vũ Ngự Chiêu) học khóa 16 Thủ Ðức, sau khi tốt nghiệp trở thành lính pháo binh.
“Sau 1975, Vũ Ngự Chiêu học tiếp ở Mỹ, lấy bằng tiến sĩ sử học, viết nhiều công trình sử học bằng tên thật và bút danh Chính Ðạo.”
Về một số tác phẩm đã xuất bản của nhà văn Nguyên Vũ, được Nhị Linh liệt kê gồm có:
“Ðời Pháo Thủ (ký sự chiến trường) do Chọn Lọc in năm 1967 là một tác phẩm thuộc giai đoạn sớm của nhà văn Nguyên Vũ.
“Thềm Ðịa Ngục do Ðại Ngã in năm 1969, cũng có nhiều chi tiết liên quan đến pháo binh, mặc dù nhân vật chính thuộc biệt động quân đang chịu án do tội ‘đào binh’ phải đi làm ‘lao công’…”
Phần tư liệu trong bài viết của mình, nhà văn Nhị Linh cũng chụp lại bìa một số tiểu thuyết của Nguyên Vũ, như “Uyên Buồn, Nguyệt Thực, Bóng Tối Tiếng Cười Môi Hôn Và Nghĩa Trang, Sau Cơn Mộng Dữ, Lửa Mù, Ðêm Hưu Chiến, Mồ Hôi Mũ Ðỏ, Vòng Tay Lửa (tập một)”… (2)
Mặt khác, vì trên mạng có quá ít tư liệu về nhà văn Nguyên Vũ/Vũ Ngự Chiêu, nên một độc giả đã gửi câu hỏi đại ý “Nguyên Vũ là ai” cho trang mạng Wikipedia-Mở. Và trang mạng này chọn một câu trả lời tương đối đầy đủ nhất của độc giả Tường Vi Trắng, cách đây 7 năm, nguyên văn như sau:
“Câu trả lời hay nhất: Chính Ðạo là một trong hai bút danh của Vũ Ngự Chiêu. Bút danh kia là Nguyên Vũ, rất nổi tiếng ở Miền Nam trước năm 1975. Trước 1975, Vũ Ngự Chiêu phục vụ trong binh chủng Pháo Binh Dù, QLVNCH, và đã có hơn 20 tác phẩm xuất bản. Sau khi ra hải ngoại, ông vừa tiếp tục cầm bút vừa đeo đuổi việc học. Tốt nghiệp tiến sĩ Sử tại Ðại Học Wisconsin-Madison năm 1984, sau khi cùng gia đình di chuyển về Houston, ông là giám đốc nhà xuất bản Văn Hóa và tốt nghiệp tiến sĩ Luật tại Ðại Học Houston năm 1999.
“Những tác phẩm của Vũ Ngự Chiêu xuất hiện trước năm 1975 dưới bút danh Nguyên Vũ gồm có “Ðời Pháo Thủ (bút ký), Những Cái Chết Vô Danh (tập truyện), Trở Về Từ Cõi Chết (truyện), Vòng Tay Lửa (trường thiên), Thềm Ðịa Ngục (truyện), Ðêm Hưu Chiến (truyện), Sau Bảy Năm Ở Lính (bút ký), Ðêm Da Vàng (trường thiên), v.v… Tại hải ngoại, Vũ Ngự Chiêu đã in thêm các tập Xuân buồn thảm: Cuộc Sụp Ðổ của Nam Việt Nam (bút ký), Trận Chiến Chưa Tàn (truyện), Giặc Cờ Ðỏ (trường thiên), cùng hai tâm bút Paris: Xuân 1996, và Ngàn Năm Soi Mặt.
“Về nghiên cứu sử học, ông đã in ba tác phẩm bằng tiếng Anh dưới tên thực, và 10 biên khảo bằng Việt ngữ với bút danh Chính Ðạo. Biên khảo duy nhất bằng Việt ngữ ký tên thực của ông là bộ Các Vua Cuối Nhà Nguyễn (1883-1945) gồm ba tập. Những tác phẩm ký tên Chính Ðạo thường được viết cho độc giả không chuyên môn, dễ đọc hơn, không quá khô khan như các biên khảo đúng yêu sách bác học.
“Ông vừa xuất bản tác phẩm mới nhất với tựa đề Cuộc Thánh Chiến Chống Cộng (1945-1975) tập I, gồm 5 phần: Sơ lược tiểu sử Tổng thống Jean Baptiste Ngô Ðình Diệm (1897-1963); Từ Ðiện Biên Phủ tới Geneva; Cuộc truất phế Bảo Ðại; Mùa Phật Ðản đẫm máu (1963); và ‘Phiến Cộng’ trong Dinh Gia Long.
“Sau năm 1975 ở hải ngoại, có những dòng thác ngụy tạo ngụy biện nhằm vặn méo sử kiện để chạy tội và biện minh cho sự vô minh của một số người. Vũ Ngự Chiêu đã dần dần xuất hiện như một nhà sử học khai sáng và can trường. Giá trị tinh thần của người trí thức không chỉ là tôn trọng sự thật mà còn nói lên sự thật và chấp nhận hậu quả của quyết định can trường đó. Ðó là một sự đổi đời tâm linh có ý nghĩa đã hình thành nơi Vũ Ngự Chiêu. Huyền thoại và huyễn mị lịch sử đã làm cho người Việt xa nhau, chỉ có sự thật mới làm cho người Việt gần lại với nhau, trong tình dân tộc, nghĩa đồng bào. Những tác phẩm mới của Vũ Ngự Chiêu là một đóng góp sáng giá và có ý nghĩa trong chiều hướng đó.” Nguồn: http://www.geocities.com/docsu17/noichuy…
(Còn tiếp một kỳ)
Chú thích:
(1) Ðược biết, cũng như bài “Còn Chút Gì Ðể Nhớ” của Vũ Hữu Ðịnh, bài thơ “Kỷ Vật Cho Em” của Linh Phương do thi sĩ Trần Dạ Từ đưa cho cố nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc, sau khi hai bài thơ vừa kể, đã được đăng trên một tờ báo do ông phụ trách.
(2) Nguồn Wikipedia-Mở
-o0o-
Những góc khuất của người lính trong văn xuôi Nguyên Vũ
Nguồn:nguoiviet.com – Friday, September 11, 2015
Du Tử Lê
(Tiếp theo và hết)
Sau một thời gian, thấy công trình tim, óc của mình bị các nhà xuất bản “bóc lột” một cách quá tay, nhà văn Nguyên Vũ (một trong vài nhà văn thuộc 20 năm VHNT miền Nam, có số lượng sách tiêu thụ lớn nhất – tính chung cho cả nhà văn gốc quân đội và dân sự); họ Vũ đã thành lập nhà xuất bản Ðại Ngã để tự in sách của mình, cũng như của bằng hữu (3).
Nhà văn Nguyên Vũ. (Hình: Bìa sách “Xuân Buồn Thảm”)
Ðiều đáng nói là ấn phẩm của họ Vũ mang tên nhà Ðại Ngã, bao giờ cũng cao hơn những ấn phẩm cùng loại, cùng số trang (độ dày) của các nhà XB khác, từ 10 tới 15%.
Lại nữa, phần trăm mà nhà Ðại Ngã để cho các nhà phát hành cũng ít hơn thông lệ…
Thế nhưng hầu như nhà phát hành hoặc nhà sách nào, cũng phải “order” ấn phẩm của Nguyên Vũ, vì nhu cầu của độc giả toàn quốc khá lớn.
Có thể có nhiều lý giải khác nhau về sự kiện họ Vũ là một trong vài nhà văn có số lượng sách tiêu thụ cao nhất miền Nam, giai đoạn 1954-1975.
Riêng tôi, tôi nghĩ, tuy thời điểm đó, chúng ta có khá nhiều nhà văn viết về đời sống, sinh hoạt của người lính… Nhưng tuyệt nhiên, người đọc không thể tìm thấy hình ảnh người lính trong tiểu thuyết, bút ký Nguyên Vũ là những hình ảnh cường điệu, kiểu “lính hào hoa,” “lính đa tình” hoặc, hình ảnh người lính như những “hoàng tử” trong tâm tư các em gái hậu phương. Những cường điệu, những phấn son tô hồng đó, hoàn toàn trái ngược với đời thực của người lính, trong bối cảnh chiến tranh tàn khốc mà, cam khổ vốn là thuộc từ người lính phải kinh qua…
Tôi muốn nói, người lính trong văn xuôi họ Vũ, dù cấp bậc nào, cũng là một người bình thường, với những bi phẫn của đời lính chiến. Bút lực hay ý thức vai trò nhà văn của họ Vũ, đã soi rọi vào những góc khuất buồn, vui, nhục nhằn của đời lính – – Tựa đó là kim chỉ nam, là ngọn hải đăng dẫn đường hoặc, trách nhiệm, tâm thái văn trước nhiễu nhương, tang tóc của tổ quốc.
Nếu không kể Phụ Bản là 3 bài thơ của họ Vũ, có tên chung: “Những bài ca buồn đời lưu dân,” (thì,) ngay chương thứ nhất, tiểu tựa “Ói Máu,” ghi Quy Nhơn ngày 31 tháng 3,1975, tác giả đã tâm sự:
“…Tôi cũng hiểu mình chỉ là, và chỉ muốn là, một nhà văn. Tôi không hề có tham vọng chính trị. Nhưng nhà văn, theo tôi, không thể tự cô lập trong thế giới chữ nghĩa riêng mình. Con dân một nước chậm tiến, nơi những con triều văn minh kỹ nghệ Tây Phương mới chỉ phá vỡ thế giá cũ nhưng chưa đủ sức tạo dựng những khuôn thước mới, nơi những kẻ cai trị thường nhìn những người cầm bút như bầy chó dại, như loài chuột mang vi trùng dịch hạch, một nhà văn dường phải đảm nhiệm vai trò người giác đấu, một Promotheus đánh cắp lửa trời, mang ánh sáng xuống trần gian. Mỗi chữ, mỗi câu là nỗi vinh quang và hổ nhục của những phấn đấu không ngừng nghỉ trong sứ nhiệm phục hồi quyền chức con người mà đã nhiều thế kỷ, dân tộc Việt bị tước đoạt…” (Xuân Buồn Thảm, tr. 23) (4)
Những dòng chữ trên, được họ Vũ viết trong “Những ngày cuối cùng của Nam Việt Nam,” đầy hỗn loạn, xáo trộn với những thủ đoạn, bắt bớ, thanh toán, trừ khử với nhiều lý do từ nhiều phía trong cơn hấp hối, giữa tâm bão thời thế cực kỳ hiểm nguy này. Dù được cảnh báo, can ngăn từ bằng hữu (và cả từ cha, anh), nhưng tư cách, lương tri nhà văn đã không cho phép họ Vũ đi tìm cho cá nhân mình, một nơi chốn ẩn núp an toàn!
Trong phần “bạt” cuối sách, những con chữ tươm, đẫm ưu tư của họ Vũ về một giai đoạn lịch sử, đất nước, con người, cũng được ông ghi lại, như những hồi chuông, hoặc những nén nhang tâm tưởng, thắp lên, một lần nữa, cho đồng bào (hay đất nước của mình?).
Sách của nhà văn Nguyên Vũ. (Hình Nhị Linh)
Tác giả viết:
“… Mười năm… Mùa Ðông thứ mười giữa lòng Paris, đọc và nhuận sắc những điều đã viết mười năm xưa trước khi trao cho nhà xuất bản tập bút ký Xuân Buồn Thảm này. Những cảnh, những người, những tâm động của một khoảng thời không vỡ tim, nát óc còn kích xúc lên hệ não những bồng bềnh, chếnh choáng của cơn mộng dữ. Và rồi, như trong cơn địa chấn, như phiên chợ ma, như ngày đại hội của những vong hồn uổng tử – trong tôi – nghiêng đảo tiếng pháo bom cầy nát ruộng đồng, làng mạc; ngạo nghễ nhẩy mứa những ngọn lửa hồng, những cuộn khói xám chì mờ phủ mục tiêu, những thây ma vỡ nát, phình trương, chết đủ cách, đủ kiểu. Trong tôi, gợn lạnh tiếng thét rú thê lương của những kẻ bất đắc kỳ tử giữa trận tuyến, hay được khéo léo ngụy trang, che lấp bằng bản nhạc quân hành, những bản cải lương mùi mẫn từ những chiếc loa phóng thanh của một trại cải tạo hay một trại giam cứu. Trong tôi, chập chờn nghiêng đảo những khuôn mặt phính tròn, dư thừa da thịt và lạc thú, nhói buốt những tiếng cười khả ố của bầy quạ ưng chiến tranh nơi trà đình, tửu quán, công viên hay dinh thự. Trong tôi, khảm khắc xuống thật sâu những nếp nhăn khắc nghiệt của thời gian và cơ khổ trên khuôn mặt của ông lão 70 đang oằn run dưới gánh củi độ nhật trưa nắng cháy thung lũng Quế Sơn; khô cằn rễ khoai, rễ sắn cứng như đay gai giữa hàm răng sữa của đứa cháu Nông Sơn vừa dứt vú mẹ. Trong tôi, hình ảnh những con tàu địa ngục vượt Thái Bình Dương mùa Xuân năm nào, những hình ảnh rũ mỏi, tả tơi trên những con lộ máu dẫn từ cao nguyên về hướng biển, từ Quảng Trị, Thừa Thiên đổ vào hay Quảng Tín kéo ra Ðà Nẵng, những kinh hoàng thô bạo của bầy thú điên trên những tầu, thuyền ‘tìm tự do.’ Trong tôi, như lửa bốc, như gió cuồng, như mật đắng…” (Xuân Buồn Thảm, tr. 195, 196).
Ở chương chót của “Xuân Buồn Thảm,” chương thứ 11, tiểu tựa “Ra Khơi,” ghi Côn Sơn ngày 28 tháng 4, 1975, họ Vũ viết:
“H. vụng về đưa tay chấm nước mắt. Một khoảng im lặng não nề nhẹ giăng xuống, đong đưa những giọt sương giá lạnh đã tám năm qua vây phủ bóng dáng H. trong tâm tưởng tôi.
“- Chắc là khó gặp lại H. – Tôi đứng lên, đốt thuốc. Những ngón tay run nhẹ: –
Mong vui vẻ bên đó.
“- Ngồi thêm chút nữa đã.
“H. nói, mặt nhìn về căn nhà mát của Thiệu, đã được tạm sử dụng làm nơi ngủ đỗ cho hơn trăm gia đình Sư Ðoàn 5 Không Quân. Tôi thở dài, định nói ngồi thêm bao lâu cũng chẳng thay đổi được gì.Tôi phải trở về đó, nơi gia đình tôi và bằng hữu đang chờ đợi. Nhưng cũng không thể giấu mặt chính mình những quyến luyến, bịn rịn không rời. Vì chỉ đôi, ba phút nữa, khi tôi rời bỏ góc vườn tối tăm, ngổn ngang những thân gỗ ẩm lạnh hơi sương này, tất cả chỉ còn là sương khói, là hư ảnh – – những kỷ niệm, những tháng năm mòn mỏi khắc khoải, trong một cuộc chơi thường được gọi là tình yêu giữa thời đại loạn…” (Mùa Xuân Buồn Thảm, tr. 176, 177) (5)
Tác giả chia tay với cuộc tình có tới 8 năm gắn bó với H., theo tôi, cũng có thể hiểu, đấy cũng chính là sự chia tay của một tấm lòng, một trái tim của một nhà văn, với một đất nước!
Ðó là đất nước hay, tổ quốc của nhà văn Nguyên Vũ/Vũ Ngự Chiêu, qua những trang viết gần như nhật ký, những ngày cuối cùng của miền Nam vậy.
Chú thích:
(3) Một số tác phẩm đầu tiên của nhà văn Phan Nhật Nam, do nhà Ðại Ngã XB, trước tháng 4, 1975.
(4) Ðoạn văn in chữ nghiêng theo nguyên bản.
(5) “Xuân Buồn Thảm” tái bản lần thứ nhất, bởi nhà xuất bản Văn Hóa, Houston, TX, 1992.
……………………………………………………………………….
Điểm, Sơ Lược 40 Năm Văn Học Nghệ Thuật Việt (1975- 12015) quyển 2
Nguồn: vietbao.com -12/09/2015
Đặng Phú Phong
Nhà Xuất bản HT Productions vừa mới cho phát hành 40 Năm Văn Học Việt (1975-2015) cuốn 2, tiếp theo tập 1 phát hành trong thàng 4/ 2015 của nhà thơ Du Tử Lê. Sách gồm 5 chương : Âm nhạc, Báo chí & Xuất bản, Hội họa, Thi ca và Văn xuôi, viết về 45 tác giả trong và ngoài nước:
Chương 1: Âm nhạc:
– Bản ngã nhị trùng và tố chất nhạc sĩ: Hải Nguyên,
– Nhất Chi Vũ và, những biến đổi nhạc thuật hôm nay (PV).
– Ngọc Uyên, hát như một hành trình đi tìm chính mình.
– Nguyễn Cao Nam Trân, tiếng hát chở quá khứ vào lấp lánh mai sau.
-Nguyên Long: “Thi ca món quà đặc biệt trong lãnh vực văn chương” (PV).
– Phạm Gia Cổn, từ âm nhạc tới Hoàng Hạc.
– Quỳnh Giao, hát, viết như đi tìm chân dung mình qua học thuật.
– Thái Xuân, nữ đại-sứ-tân-nhạc-Việt-xứ-người.
– Trần Dạ Từ và, cuộc cách mạng xanh cho ca khúc.
Chương 2: Báo chí, xuất bản:
– Đoàn Thạch Hãn / Đoàn Kế Tường: Hai tên gọi, một kiếp đời oan nghiệt.
– Phương Dung, và sự tái sinh của các Lạt Ma Tây Tạng.
Chương 3: Hội Họa
– Ann Phong, người đem được sắc màu Việt Nam tới quảng trường hội họa thế giới.
– Những nẻo đường văn chương, hội họa quyết liệt của Võ Công Liêm.
Chương 4: Thi Ca
– Hư-ảo-hình, làm thành hư-ảo-thơ Đoạn Trường.
– Từ Vương Kim Vân tới Lê Giang Trần: bập bùng những hơi thở buồn!
– Nguyễn Khắc Nhượng, thơ như một cứu rỗi.
– Nguyễn Khôi, Hà Nội, một nhan sắc khác.
-Nguyễn Ngọc Hưng, tấm gương lớn của một nhà thơ vượt cao, trên số phận.
– Nguyễn Ngọc Hạnh, “một đời lụy với câu thơ”.
– Nguyễn Phương Thúy, “Ba mươi nỗi buồn em cổ điển”, một nhan sắc thi ca ẩn hương.
– Tính dịu dàng Việt trong thơ Nguyễn Thị Bích Thoa.
– Những dặm đường xốn xang chữ, nghĩa Nguyễn Thiên Ngân.
– Nguyễn Xuân Thiệp, xương rồng nở hoa cùng “gió mùa”.
– Phạm Thị Ngọc Liên, ngọn pháo bông thi ca, ngày tới.
– Phạm Ngọc, người từ chối xài tiền giả trong thi ca.
– Trả lại chỗ đứng cho thơ Phượng Trương Đình.
– Tạ Tự, thi sĩ đến từ thế giới khác.
– Thiên Giang, những câu thơ mang tính định đề.
– Trần Lê Sơn Ý, những công án thi ca khôn giải đáp?
– Trịnh Sơn, người sớm tìm được cho thơ, cách-nói-khác.
– Nhan sắc mới cho thơ Trúc Thanh Tâm.
-Trương Thị Bách Mỵ, bản lãnh chữ, nghĩa của một người làm thơ trẻ ở VN.
– Tính siêu thực trong lục bát Trương Xuân Thiêm
– Chia tay và, trở về lục bát, qua thơ Sỹ Liêm.
– Võ Chân Cửu, con đường lênh đênh thiết tha chữ, nghĩa.
Chương 5: Văn xuôi:
– Bùi Bích Hà, trong cõi văn chương nữ giới, quê người.
– Châu Thụy, tái hiện bi kịch vượt biển trong “Vực Xoáy”.
– Lê Minh Hà, Nam Cao thời hiện đại?
– Lữ Thị Mai, trên dặm trường chữ, nghĩa nong chặt ám ảnh và, nỗi niềm trong thơ, văn.
– Những con chữ hân hoan búng mình trên mặt sông chữ, nghĩa Lữ Quỳnh.
– Nam Dao, cái đẹp, ân sủng của đời sống.
– Nguyễn Ngọc Bảo, ngày xuân đỏ đen cùng chữ nghĩa với hội VHKHVN và, trò chơi thả thơ với thơ Du Tử Lê.
– Những tiếng kêu thảng thốt trong văn Nguyễn Chính.
-Nguyễn Hồng, thế hệ nhà văn không có trong tay la bàn!
– Nguyễn Ngọc Tư, hiện tượng tiêu biểu của 40 năm văn xuôi Việt.
– Nguyễn Xuân Tường Vy, “mắt thuyền”. Trôi tới.
– Những ngọn nến văn chương mang tên Phan Thị Vàng Anh.
– Võ Thị Xuân Hà, trầm tích chữ nghĩa, văn chương một thời.
Xem cách Du Tử Lê dùng những tiểu tựa để tóm tắc về mỗi tác giả, người đọc không khỏi thích thú tính chất văn chương gần gũi phù chú của ông. Hình như có một người nào đã nói là ”Nhà thơ Du Tử Lê là một phù thủy chữ nghĩa”, xem ra câu nói này, nếu ta thay vào là Nhà văn Du Tử Lê thì cũng sẽ không làm thay đổi nghĩa của nó..
Để nhấn mạnh thêm đề tựa “ Sơ lược…” tác giả viết trong phần mở đầu:” chúng tôi không phải, (sẽ không bao giờ) tự nhận là một nhà phê bình văn học – Mà, chúng tôi chỉ là người ghi lại ít, nhiều cảm nghĩ của mình về một giai đoạn VHNT Việt phong phú, đa dạng, nhiều hứa hẹn tương lai rực rỡ…”
Về tiêu chí chọn các tác giả trong cả 2 tập, Du Tử Lê cho biết, giống như tập 1 “ chọn giới thiệu một số tác giả có mặt trong sinh hoạt 20 năm VHNT Miền Nam (1954-1975). Nhưng sau 1975 họ mới xuất bản tác phẩm hoặc, được độc giả biết đến một cách rộng rãi hơn. Như nhà văn, nhà thơ Lữ Quỳnh, Võ Chân Cửu, Nguyễn Khắc Nhượng, nhà báo Đoàn Thạch Hãn (tức Đoàn Kế Tường) v.v… “ Ngoài ra, ông cũng cho biết ông: “ đặc biệt chú ý tới những người trẻ. Những người mới cầm bút. Tên tuổi của họ, có thể còn xa lạ với đa số bạn đọc. Nhưng, nếu cá nhân chúng tôi tìm thấy ở nơi họ một hay vài đặc điểm, ít thấy nơi những tác giả khác; hoặc họ cho thấy đã vượt qua được chính họ thì, chúng tôi cũng rất hân hoan dành ưu tiên, cụ thể là một số trang sách đáng kể, cho họ… Như lời chào mừng những dòng nước VHNT đang sung mãn quăng mình về chân trời…”.
Trong suốt hai tập Sơ Lược 40 Năm Văn Học Việt (1975-2015), qua hàng trăm tác giả, “ngòi bút” Du Tử Lê đã bình nhiều hơn phê bằng một bút pháp thật đặc biệt: thoáng, nhẹ nhàng, trang trọng và nhất là có tính chất khẳng định qua những cụm từ (khá nhiều) hết sức là khiêm nhường như : “Tôi e rằng…”, “Trộm nghĩ rằng… ” , “Phải chăng vì thế mà…” trước khi đưa ra nhận định của ông về một tác giả nào đó. Những nhận định hoàn toàn có cơ sở và khoa học. Tôi nghĩ rằng, nếu không nghiên cứu cẩn trọng, nếu không có sự hiểu biết sâu sắc về tác giả viết đến, Du Tử Lê không thể gửi đến người đọc những tác giả văn, thơ những nghệ sĩ về âm nhạc, hội họa mà trong đó ngoài những tên tuổi quen thuộc còn có những tác giả hãy còn khá mới mẻ trong giới văn học nghệ thuật. Trong những tác giả “mới” này, qua sự chắc lọc kỹ lưỡng của mình, và, cẩn thận hơn nữa, Du Tử Lê đã đem cả kinh nghiệm của mình để giới thiệu tác giả đó bằng bà phỏng vấn với những câu hỏi không “dễ “ chút nào.( Nhất Chi Vũ và, những biến đổi nhạc thuật hôm nay). Với khả năng bay lượn với câu thơ, vận dụng kỹ thuật tinh tế cho thơ của mình, Du Tử Lê đã có thể chỉ ra những sắc thái thật tiêu biểu của những nhà thơ trẻ, mới xuất hiện như khi viết về nhà thơ Phượng Trương Đình : “Điều tôi ngạc nhiên, chú ý và thấy được là, chỉ trong một thời gian ngắn, tiếng thơ Phượng Trương Đình đã làm một cuộc hóa thân ngoạn mục. Thơ Trương Đình như diều gặp gió: Bay bổng tới những vùng trời cao rộng hơn: Từ khả năng vận dụng chữ nghĩa ở khía cạnh Tu từ học ( Rhetoric) , qua tới những kỹ thuật mang tên Ẩn dụ (Metaphor), Hoán dụ(Metonymy), Biểu dụ (Synecdocher) hay Nghịch dụ (Irony)…” Hay viết về nhà thơ Nguyễn Phương Thúy: “Người đọc sẽ thấy rất nhiều trong ‘con đường thơ Nguyễn Phương Thúy’ những so sánh, liên tưởng thông minh và, ý thức.
“Thí dụ, khi một trong những chủ-ngữ của bài thơ ‘Khi ta ba mươi’” là ‘nước biển’. Nguyễn Phương Thúy viết: ‘Chắt từ biển có đôi dòng nước mặn’ (ngụ ý đôi dòng lệ). Rồi ‘Nắng gửi cho em sấy thành hạt muối trắng’.
“Chỉ với hai câu thơ này thôi, chúng ta đã thấy ‘liên tưởng của liên tưởng’ đuổi bắt nhau, thành một đoạn phim ba chiều, liên tục. Và, khi muối (hay nước mắt) chất vào quang gánh đi dọc hành trình đời sống thì: ‘Đôi quang gánh đong đưa theo chiếc bóng/Lặng thinh mà như kể hết gian truân’.
“Nói cách khác, rõ hơn, Nguyễn Phương Thúy đã không liên tưởng ‘nước biển’ với đất, đá, chim muông hay bất cứ một hình ảnh không tương thích nào khác.
“Về phương diện kỹ thuật, theo tôi, cao hơn một bậc, là kỹ thuật nhân cách hóa. Trong “Con đường thơ Nguyễn Phương Thúy” hay thi phẩm “Ba mươi, nỗi em buồn cổ điển”, Nguyễn Phương Thúy không chỉ nhân cách hóa những sự vật cụ thể, mà, Nguyễn còn cho thấy khả năng nhân cách hóa cả những sự kiện trừu tượng, vô hình nữa.
Thí dụ:
“Ba mươi năm đủ dài để chăm bẵm giấc mơ”
Hoặc:
Ở phía cuối chân trời hạnh ngộ ốm chênh chao”
(Trích “Nỗi buồn em cổ điển”)
Bên cạnh đó không thiếu những dí dỏm và sâu sắc như khi viết về nhà văn Nguyễn Ngọc Tư:
“Đôi người có ý so sánh văn xuôi Nguyễn Ngọc Tư với hai nhà văn tiền bối Bình Nguyên Lộc và Sơn Nam.
Riêng tôi, tôi không thấy một tương cận nào giữa ba tác giả ở hai giai đoạn văn chương, khác nhau quá xa này. Họ chỉ có một điểm đồng quy là sử dụng tối đa ngôn ngữ Nam Bộ. Ngoài ra, nếu Bình Nguyên Lộc và Sơn Nam gặp nhau ở bối cảnh Nam Bộ thời khai hoang, đất phèn chưa lắng thì, Nguyễn Ngọc Tư lại giới thiệu vùng quê Nam Bộ trong giai đoạn đầu của nỗ lực hiện đại hóa, với tất cả những chông chênh, lệch pha của một thứ tư bản… mới.
Lại nữa, là phụ nữ, nên cách xử dụng động từ, tính từ… của Nguyễn Ngọc Tư, như những cái liếc mắt sắc lẻm dao cau – Một ưu thế khác của Nguyễn trong cuộc trường chinh chữ, nghĩa. Thí dụ:
“Cho dù người đàn ông ấy có quá nhiều nốt ruồi, cho dù chẳng cao ráo, đầu ít tóc… nhưng với chiếc ghe chở đầy vải vóc, những người đàn bà lam lũ quê tôi vẫn thường trông ngóng ông ta. Tất cả họ đều trở thành trẻ thơ khi bước chân lên ghe, họ tíu tít, háo hức, họ thèm muốn đến bồn chồn rồi dùng dằng trở lên bờ với tâm trạng tiếc nuối, ngậm ngùi, thấy mình già khi ngang qua bồ lúa vừa hót bớt một lỏm, thằng cha bán vải lấy mấy giạ mà như khứa một ít tuổi xuân đi. Cả đời, cái bồ lúa luôn làm lòng họ đau đáu, khi nghĩ tới bệnh tật, chuyện cất lại cái nhà, hay dựng vợ gả chồng cho con cái.
“Bồ lúa nhà tôi đã cạn từ sau Tết. Điều đó làm má tôi hơi buồn, nhưng người bán vải xăng xái bảo, ‘Cô Hai cứ coi đi, không mua cũng được – rồi ông ta sửng sốt khi thấy má rạo rực khi ướm thử những khúc vải rực rỡ lên người – Chèn ơi, coi nó bình thường vậy mà khoác lên mình cô Hai lại thấy sang quá trời… ’
(Với tôi, động từ “khứa” trong ngữ cảnh “… thằng cha bán vải lấy mấy giạ mà như khứa một ít tuổi xuân đi…” Là một chữ không thể “đắt” hơn mà, ngay với thi ca, chúng ta cũng ít gặp).
Cũng vậy, ở đoạn văn ngắn sau đây, những tính từ được Nguyễn chọn dùng, cũng đậm tính thi ca. (Một thiếu vắng trầm trọng nơi văn xuôi của những cây bút trẻ, hôm nay):
“… Những bữa ăn nối tiếp nhau trong im lặng. Lúc và cơm, tôi hay bị ảo giác, tưởng mình đang ngồi trên cánh đồng của chín năm trước. Một cánh đồng miên viễn với gió lắt lay những khói nắng héo xèo, một nhúm mây rất mỏng và rời rạc bay tha thểu trên cao. Đường chân trời mờ mờ xa ngái. Một vài gò mả loang lổ dưới chòm trâm bầu. Tiếng chim kêu nhỏ từng giọt thiu thỉu. Mùi rạ mới quyện với bùn tanh tanh. Bầy vịt rúc đầu vào nách, ngủ ơ hờ dưới bóng cây tra treo từng chùm bông vàng tuyệt vọng lay như những chiếc chuông câm…”
Trên đây chỉ là một ít ví dụ điển hình cho một núi nhận định của Du Tử Lê qua hai tập sách dày cộm, dày hơn 1200 trang với hàng trăm tác giả. Mỗi người một vẻ, một sác thái mà Du Tử Lê đã dày công nghiên cứu để cống hiến cho người yêu văn chương nghệ thuật tìm đọc cũng là những tài liệu quý giá dành cho các nhà nghiên cứu, phê bình một giai đoạn văn học dài 40 năm. Tuy chưa đầy đủ, nhưng đây là một bộ sách giới thiệu được nhiều gương mặt khá tiêu biểu trong 40 năm văn học Việt. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên ghi nhận và cảm ơn công lao của một người thiết tha với văn học của ông. Và, tôi cho rằng, nhiệm vụ của một người làm văn học là chú tâm vào sáng tác, vẫn chưa đủ, mà còn phải có trách nhiệm tìm kiếm, giới thiệu những người có khả năng về văn học nghệ thuật khác nữa.
Nhà thơ Du Tử Lê đã, đang và sẽ tiếp tục làm công việc này, và còn làm tốt!
Đặng Phú Phong
Quý vị nào muốn mua sách có chữ ký của tác giả, liên lạc với
phanhanhtuyen@gmail.com / Tel:(714) 383.4937 hoặc:
.
Tuyen Le
12751 Lucille Ave
Garden Grove, CA 92841
Giá bìa $29.00.
………………………………………………………………………………………………..
Aki Tanaka – Một người bạn của “Tự Lực Văn Đoàn”
Nguồn: Mặc Lâm, biên tập viên RFA – 2015-09-05
Cô sinh viên người Nhật Aki Tanaka- Courtesy photo
Không có gì lạ trong nền giáo dục Việt Nam
Ngày 9 tháng 1 năm 2007, trong trò chơi “Ai là triệu phú” trên đài Truyền hình VTV3 Hà Nội, do MC Lại Văn Sâm điều khiển, người được mời lên chiếc “ghế nóng” tham dự chương trình là cô Nguyễn Thị Tâm, 27 tuổi, giảng viên trường Đại học Sư phạm thành phố Thái Bình.
Câu hỏi nguyên văn như sau: “Trong tứ trụ của Tự Lực Văn Đoàn: Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Khái Hưng; ai là người không phải anh em ruột với ba người kia?”
Cô giảng viên Đại học Sư phạm suy nghĩ một lát rồi nói:
– Tự Lực Văn Đoàn, tôi chưa nghe nói đến bao giờ cả. Hình như đó là một gánh cải lương. Còn Nhất Linh chắc chắn là một nghệ sĩ cải lương. – Riêng Hoàng Đạo, Thạch Lam, Khái Hưng… tôi không biết ba ông này có phải nghệ sĩ cải lương như Nhất Linh không.
– Vậy chị kết luận ai không phải anh em ruột với ba người kia?
– Tôi đề nghị cho tôi được hưởng quyền trợ giúp, gọi điện thoại cho người thân.
– Chị muốn gọi cho ai?
– Cho anh Nam, một bạn đồng nghiệp cũng dạy trong trường. Anh Nam là người đọc rất nhiều sách, kiến thức rất rộng, chắc chắn anh ấy biết.
Phòng máy liên lạc với người tên Nam đang chờ sẵn ở nhà để trợ giúp, “cứu bồ” cho cô Tâm.
Cô Tâm lập lại câu hỏi như chương trình đã hỏi: “Trong tứ trụ của Tự Lực Văn Đoàn…”, “Anh cho em biết Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Khái Hưng, ai không phải là anh em ruột với ba người kia…” Đầu dây có tiếng trả lời rất lớn và dứt khoát, nghe rõ mồn một:
– Hoàng Đạo, Hoàng Đạo không phải là anh em ruột với Nhất Linh, Thạch Lam và Khái Hưng.
– Chắc chắn không anh?
– Chắc trăm phần trăm.
– Ba mươi giây của chị đã hết. Xin chị cho biết câu trả lời.
– Tôi tin vào kiến thức của người bạn đồng nghiệp của tôi. Tôi trả lời, Hoàng Đạo không phải anh em ruột với ba người kia.
– Chị quyết định như thế?
– Vâng, câu trả lời của tôi là phương án B, Hoàng Đạo.
– Sai. Giải đáp của chúng tôi là phương án D, Khái Hưng. Khái Hưng không phải anh em ruột với Nhất Linh, Hoàng Đạo và Thạch Lam. Hoàng Đạo tên thật là Nguyễn Tường Long, sinh năm 1906, em ruột nhà văn Nhất Linh, anh ruột nhà văn Thạch Lam. Như vậy phần thưởng của chị từ năm triệu đồng còn lại một triệu đồng. Nhưng không sao, chúng ta lấy vui làm chính. Xin cám ơn chị đã tham dự chương trình.
Câu chuyện về cô giáo giảng viên trường Đại học sư phạm thành phố Thái Bình thật ra không có gì lạ trong nền giáo dục Việt Nam bởi lẽ chương trình giáo dục không hề có bốn chữ Tự Lực Văn Đoàn mặc dù đây là một nhóm tác giả quan trọng bậc nhất trong nền văn học hiện đại của Việt Nam. Điều làm cho Tự Lực Văn Đoàn bị gạt ra khỏi dòng văn học là chủ trương chính trị của nó. Nguyễn Tường Tam, thủ lãnh của nhóm cũng là một chính khách với quan điểm chính trị đi ngược lại hoàn toàn quan điểm của Đảng cộng sản Việt Nam.
Tự Lực Văn Đoàn chủ trương đổi mới văn học, nâng cao dân trí, chống cường quyền phong kiến, bài thực dân, trong đó không quên những người cùng khổ và bị áp bức dưới bất cứ hình thức nào. Sức mạnh của Tự Lực Văn Đoàn bắt đầu từ sự ủng hộ của trí thức tiểu tư sản sau đó lan rộng trong quần chúng bình dân và ảnh hưởng trực tiếp tới nền báo chí An Nam đang có xu hướng hòa nhịp cùng đời sống đô thị.
Chẳng những tại miền Bắc Tự Lực Văn Đoàn bị cấm xuất hiện nhưng sau năm 1975 ngay cả khi hai miền Nam Bắc đã hoàn toàn thống nhất thì số phận của nó cũng không may mắn gì hơn, vẫn bị vùi dập, che dấu và cấm đoán ngay trong từng tù sách gia đình. Những tên tuổi như Nhất Linh, Thạch Lam, Khái Hưng, Hoàng Đạo… hoàn toàn biến mất trong mái trường xã hội chủ nghĩa, mãi tới hơn hai mươi năm sau một vài tác phẩm của họ mới được in lại từ những chiếc máy in của nhà nước với nội dung bị cắt xén cho vừa với tầm nhìn của cách mạng vô sản, vốn bất đồng với các tác giả này.
Aki Tanaka
Vậy mà từ nước Nhật xa xăm, lại xuất hiện những con người yêu văn hóa Việt Nam trong đó Tự Lực Văn Đoàn được nhắc tới như một dấu son của nền văn học Việt.
Một trong những người ấy là cô sinh viên Aki Tanaka.
Từ Tokyo, Aki Tanaka đã lặn lội tới Việt Nam, tìm hiểu về Tự Lực Văn Đoàn với mục đích học chữ Việt để rồi mê đắm nó đến nỗi bỏ hơn 13 năm theo dõi, nghiên cứu, viết tham luận rồi luận án về Tự Lực Văn Đoàn. Aki đã bay sang Hoa Kỳ nơi có khá nhiều tư liệu lẫn thân nhân của các tác giả để từ đó thấy yêu mến thêm nhóm tác giả đặc biệt này.
Mặc Lâm có duyên may gặp Aki Tanaka tại California trong lần cô sang Mỹ tìm kiếm thêm tư liệu về nhà văn Khái Hưng, người mà Aki Tanaka đặc biệt yêu thích. Cuộc phỏng vấn ngắn nhằm mang cô sinh viên người Nhật này tới gần với người Việt Nam hơn bởi cô đáng được người Việt mở lòng ra đón nhận như một người bạn chân thành của văn hóa Việt.
Aki Tanaka, trước tiên cho biết thời gian đầu cô tới Việt Nam:
Aki Tanaka: Khoảng năm 2000 khi sang Việt Nam tôi đã gặp ông Huy Tưởng thì ông ấy nói nếu Aki muốn học tiếng Việt thì nên tìm đọc Tự Lực Văn Đoàn để biết được tiếng Việt chính xác cho nên tôi đã tìm mua các cuốn sách về Tự Lực Văn Đoàn. Ban đầu thì tôi không hiểu hết, chỉ hiểu sơ sơ thôi nhưng mà đã cảm thấy tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn rất hay cho nên tiếp tục mua sách Tự Lực Văn Đoàn. Ước mơ của tôi là muốn nghiên cứu về Tự Lực Văn Đoàn nhưng lúc đó cảm thấy là điều thực tế chỉ là ước mơ thôi.
Mặc Lâm: Aki vừa nói là tìm mua những cuốn sách Tự Lực Văn Đoàn trong nước, không biết là sách cũ đã được in từ xưa hay những cuốn vừa được in lại trong nước?
Aki Tanaka: Tôi chỉ mua được sách tái bản thôi lúc đó không để ý là sách của nhà nước in hay sách cũ nó có gì khác nhau hay là sự khác biệt như thế nào cho nên chỉ mua được sách tái bản thôi.
Mặc Lâm: Sau này khi nghiên cứu sâu về Tự Lực Văn Đoàn thì Aki có thấy sự khác biệt nào giữa bản in gốc và bản in đã được in lại sau năm 1975 và nếu có thì những khác biệt ấy có quan trọng không?
Aki Tanaka: Dạ có. Tôi có học với thầy giáo người Nhật thì thầy này sử dụng sách cũ là sách trước 75 còn tôi thì cầm sách tái bản mới. Cuốn tôi thất vọng nhất là cuốn Đời mưa gió. Khi hai người đọc chung với nhau thì chúng tôi phát hiện sách tái bản và sách gốc nó khác biệt nhau. Tôi thấy nếu mình nghiên cứu văn học Việt Nam mà có sự khác biệt quá nhiều như thế này, mà mình là người phân tích mà tài liệu sai thì rất nguy hiểm cho việc nghiên cứu của mình.
Mặc Lâm: Khi Aki sang Mỹ để tìm gặp thân nhân những người trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn thì Aki đã gặp được ai và câu chuyện gặp gỡ ấy như thế nào?
Aki Tanaka: Hai năm trước có một buổi hội thảo về Tự Lực Văn Đoàn tại Mỹ lúc đó gia đình con cháu của nhóm Tự Lực Văn Đoàn tập họp lại cho nên lúc đó tôi gặp được nhiều người nhưng lúc đó tôi không có dịp nói chuyện nhiều với họ. Tháng Ba năm nay tôi có dịp thăm riêng ông Nguyễn Tường Triệu là con nuôi của ông Khái Hưng và Nguyễn Tường Thiết là con trai út của ông Nhất Linh. Tôi đã thăm được hai người này.
Mặc Lâm: Về ông Nguyễn Tường Thiết là con ruột thì đã đành rồi riêng về ông Nguyễn Tường Triệu là con nuôi của Khái Hưng thì Aki có nắm vững những nhận định hay lời kể lại của ông Triệu có chính xác và phù hợp với những gì Aki tìm hiểu không?
Aki Tanaka: Aki cũng biết được sơ sơ thôi vì lúc ông Khái Hưng mất thì ông Triệu còn rất nhỏ cho nên ông Triệu không biết gì nhiều. Tuy nhiên ông Triệu có cung cấp một số tài liệu cho Aki.
Mặc Lâm: Trong khi nghiên cứu Tự Lực Văn Đoàn và có dịp gặp gỡ hay thông qua tư liệu thì tác già nào trong nhóm làm cho Aki ấn tượng và yêu thích nhất?
Aki Tanaka: Tôi rất thích ông Khái Hưng. Lý do ông là người có tư tưởng sâu sắc nhất trong Tự Lực Văn Đoàn cho nên đọc tác phẩm của ông thì thấy rất hay.
Mặc Lâm: Nhưng rất nhiều người cho rằng ông Nhất Linh là người lãnh đạo của nhóm và là linh hồn của Tự Lực Văn Đoàn … Aki thấy thế nào về tác phẩm của ông?
Aki Tanaka: Theo tôi thì Nhất Linh là một người hành động, ông có cái ý tưởng cách mạng tuy nhiên so với ông Nhất Linh thì ông Khái Hưng là người suy nghĩ và theo sự tìm hiểu của tôi thì ông Khái Hưng không quan tâm mấy đến chính trị.
Mặc Lâm: Trong một thời gian khá dài sống ở Việt Nam Aki quan sát và thấy giới trẻ Việt Nam, đặc biệt là sinh viên khoa văn họ có chú ý tới Tự Lực Văn Đoàn hay không?
Aki Tanaka: Tôi thấy họ không chú ý đâu. Tôi nói chuyện với bạn bè đồng nghiệp với cái ý là tôi thích Tự Lực Văn Đoàn nhưng bạn bè đồng nghiệp của tôi lại không biết Tự Lực Văn Đoàn là ai nữa! Bây giờ ở Việt Nam không giảng dạy tác phẩm của nhóm này cho nên không ai biết, không được ai quan tâm đến.
Mặc Lâm: Có một thời gian rất dài Aki đã sang Mỹ tiếp xúc với người viết văn hay hoạt động văn hóa…Aki thấy họ có còn tha thiết khi nói về Tự Lực Văn Đoàn nữa hay không hoặc thời gian đã quá lâu khiến họ dần dần quên Tự Lực Văn Đoàn luôn, không giống như cách đây 40 năm?
Aki Tanaka: Do tôi tiếp xúc với nhiều người làm văn nghệ cho nên họ thường bảo rất còn quan tâm tới Tự Lực Văn Đoàn và họ muốn bảo tồn tác phẩm của nhóm này cho con cháu để sau biết được việc làm của nhóm Tự Lực Văn Đoàn cho đời sau. Tôi cảm thấy như vậy
Mặc Lâm: Aki cũng có bạn bè người Nhật yêu mến văn hóa Việt Nam trong số họ có ai nghiên cứu về Tự Lực Văn Đoàn như Aki hay không?
Aki Tanaka: Thầy cũ của tôi đã nghỉ hưu rồi ông ấy hồi trước cũng có nghiên cứu về Tự Lực Văn Đoàn trong trường đại học của tôi và ông cũng đã dạy Tự Lực Văn Đoàn cho sinh viên Nhật. Nhưng bây giờ vị giáo sư mới không quan tâm tới Tự Lực Văn Đoàn nên không dạy nữa cho nên sinh viên không biết gì về Tự Lực Văn Đoàn nữa
Mặc Lâm: Một lần nữa xin cám ơn Aki Tanaka rất nhiều và hy vọng những công trình nghiên cứu của Aki về Tự Lực Văn Đoàn sẽ mang lại nhiều kết quả mong đợi.
……………………………………………………..
Fwd: Viện Việt Học = Viện thất học?
Kim Vu to :…,me
> Subject: Fwd: Viện Việt Học = Viện thất học?
>> Thưa quý vị trong Viện Việt Học,
>> Đọc tờ Poster này, chúng tôi có ngay một thắc mắc: Tại sao lại có chữ BIỆT LI, là chữ mà chúng tôi chưa bao giờ biết, chưa bao giờ học, và chưa bao giờ đọc thấy ở đâu, trong suốt cuộc đời chúng tôi?
>>
>> Nếu quý vị muốn bỏ chử Y, thì xin quý vị đọc cho chúng tôi những chữ này:
>>
>> THƯA QUÍ VỊ, HÔM NAY CÓ CA SĨ BÍCH THỦI, THU THỦI, BÍCH HUIÊN, DUI QUANG, XUÂN HUI ĐẾN TRÌNH DIÊN… CA SĨ BẢO TRUIỀN SẼ TRÌNH DIỄN BÀI TÔI IÊU EM…
>> Cám ơn qui vị.
>> Xin những ai thấy chuiện bất bình thì chuiển tiếp giùm. Đa tạ.
>>
__________________________________________________________________________________________________________
>>
>> From: Bch HAHCNSGiaLongNamCali <hoiaihuugialongnamcali@gmail.com>
>> Date: September 9, 2015 at 9:33:58 PM PDT
>>
>>
>> Đêm Văn Nghệ Chủ Đề “Biệt Li” của CLBVN Viện Việt Học
>> Thứ Bảy 12 Tháng 9, 2015
>> 7:30PM
>>
>> 15355 Brookhurst St., Suite 222,
>> Westminster, CA 92683, USA
>> (714) 775-2050
>> clbvnvvh.org
>> <VVH-BietLi-Poster-600×900.jpg>
>> <image001.jpg>
………………………………………………………………………………