Cay nghiệt, hận thù không có chỗ trong văn chương Phan Lạc Tiếp
Du Tử Lê
Nguồn:nguoiviet.com-February 10, 2017
Nhà văn Phan Lạc Tiếp là cựu sĩ quan của Hải Quân Việt Nam.
(Tiếp theo và hết)
Qua ghi nhận của những tác giả từng viết xuống cảm nghĩ của họ về cõi-giới văn xuôi của Phan Lạc Tiếp, dường họ gặp nhau ở một số nhận định căn bản. Những nhận định căn bản đó là: Tính chừng mực, đôn hậu, yêu thương mọi người trong mọi hoàn cảnh… Giống như bản chất đời thường của con người ông.
Mọi hằn học, cay, nghiệt đã không có chỗ trong văn chương Phan Lạc Tiếp. Tôi cảm tưởng như ông muốn tránh mang sự “đau lòng” đến cho những con chữ trong sáng của ông. Ngay cả khi ông đề cập tới kẻ thù, những người ông phải đối đầu một mất một còn, trong cuộc chiến 20 năm miền Nam mà, ông có nhiều năm tham dự, ông cũng nói bằng một giọng từ tốn và tâm lượng của một nhà văn đứng trên phân chia do hoàn cảnh bất hạnh của lịch sử, vị trí địa dư của đất nước trong bàn cờ chính trị thế giới…
Hoàng Nhất Phương, một trong những tác giả sớm có những ghi nhận về tập truyện ký tựa đề “Một Thời Oan Trái” của họ Phan, do Tủ sách Tiếng Quê Hương ở Virginia ấn hành (1) ngay tự những dòng chữ đầu tiên, cũng đã trích dẫn và, nhận định như sau:
“Mẹ tôi người bên Chàng. Làng Chàng cách làng (bố) tôi một cánh đồng nhỏ… ‘Biên giới’ hai làng, một cách cụ thể là hai con chó đá để ở hai bên cổng của hai làng. Hai con chó này cũng là nơi trẻ con hai làng tụ họp, cỡi lên mình chó để nô đùa và đánh nhau… Rồi trong một ngày Tết, làng Chàng mở hội tế Thành Hoàng, đón Xuân, có đánh cờ người ở sân đình. Mẹ tôi được chọn là quân xe, dì tôi là quân tượng. Cả hai mặc áo tứ thân, váy lụa, đội nón thúng quai thao, thắt bao hoa lý, đeo xà tích bạc ông vôi quả đào, nổi tiếng đẹp giòn rã, tươi vui. Chú Cửu tôi và thầy tôi là hai anh em con cô con cậu, cùng tuổi, ở sát nhà nhau nên thân nhau lắm… chẳng biết hai chú làm quen với hai cô thế nào, chỉ biết cô P. (tên dì tôi) lấy chồng trước, nửa năm sau là đến cô L. (tên mẹ tôi) cùng về làm dâu làng Nủa.
“Từng câu từng chữ giản dị trong ‘Quê Ngoại’ vẽ ra khung cảnh thôn làng trong ngày lễ hội, dẫn đưa người đọc trở về với trò chơi đánh cờ người độc đáo. Tác giả giới thiệu hai cô gái đẹp mặc y phục truyền thống trang điểm rực rỡ làm quân xe và quân tượng. Và càng đặc biệt hơn nữa vì cuộc đánh cờ người ấy là nhịp cầu giúp cha mẹ ông nên duyên thành gia thất. Câu chuyện cũ mở ra một phương trời viễn mộng dư đầy kỷ niệm có giá trị vĩnh cửu, đã đóng ấn trong tim nhà văn Phan Lạc Tiếp dấu tích tình yêu tuyệt vời.” (Nđd)
Bước qua truyện ngắn “Người Ðàn Bà Trên Tàu HQ-502” – – Một truyện ký khác của họ Phan, ghi lại toàn cảnh buổi lễ hạ kỳ và hát quốc ca VNCH lần cuối, Phan Lạc Tiếp cũng ghi nhận đớn đau này, như một tang chung của một nửa dân tộc, với tâm lượng của một nhà văn luôn nêu cao tinh thần nhân bản.
Từ toàn cảnh là hình ảnh, nước mắt của lễ hạ cờ, biểu tượng của sự chấm dứt một quốc gia, họ Phan đã “close up’ bằng hình ảnh người mẹ có đứa con rớt xuống giữa biển đêm của thảm kịch, bằng tinh thần chia sẻ kín đáo, như muốn xớt lấy hay, nhận về cho mình phần nào bất hạnh của định mệnh, nơi kẻ khác. Tác giả Hoàng Nhất Phương viết:
“Nếu như ‘Quê Ngoại’ là hoài niệm đẹp bình an, thì ‘Người Ðàn Bà Trên Tàu HQ-502′ là bức phù điêu tân khổ của dĩ vãng khắc họa bằng máu, bằng nước mắt, bằng nỗi đau khổ của những người di tản chứng kiến Lễ Chào và hạ Quốc Kỳ Việt Nam Cộng Hòa lần cuối được diễn ra, đơn giản nhưng vô cùng nghiêm trang và rất đớn đau. Lá quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ bạc màu từ từ được kéo xuống, cùng với hàng ngàn giọng hát, già, trẻ, nam, nữ cất lên, vừa hùng tráng, vừa chất chứa những nghẹn ngào. Những lời hát như trùm kín cả vùng trời biển nước mênh mông. Người di tản biết rõ chuyến đi không có ngày về, hiểu rõ họ đã là người lưu vong biệt xứ. Nỗi đau chung còn rướm máu, cả đoàn tàu và tác giả bỗng rùng mình khi nghe tiếng kêu của một người mẹ ‘Con tôi, con tôi rơi… rồi. Ơi con ơi là con ‘giựt tóc, bôi dầu. Hình như không ai quan tâm gì đến số phận của đứa nhỏ vừa rời tay mẹ rơi xuống cầu tàu, mất tăm. Vô phương cứu tìm. Mà ai còn có thì giờ đâu để ngó xuống cái khe đen thẫm đó. Người càng lúc càng lên thêm, đứng đen đặc cả sàn tàu. Không ai biết, chẳng ai quan tâm đến cảnh huống bi thảm vừa mới xảy ra. Ðêm mỗi lúc mỗi sâu. Nỗi khốn khổ của người mẹ mất con như bay theo, mất hút giữa đêm đen mỗi lúc mỗi thêm kinh sợ. Chuyến tàu Thị Nại HQ 502 cùng với hơn 5,000 người làm cuộc phân ly với quê hương và cậu bé P. mới 6 tuổi. Em bị rớt xuống cái khe hun hút đen thẫm, dọc theo thân tàu dài hàng trăm thước.” (Nđd)
Chừng để những độc giả không có trong tay tập truyện ký “Một Thời Oan Trái” của Phan Lạc Tiếp, tác giả Hoàng Nhất Phương đã lùi xa, có được cái nhìn tổng thể – – Với một chi tiết cuối bài, rất đáng được ghi nhận, họ Hoàng nhấn mạnh:
“Nhà văn Phan Lạc Tiếp mang những hoài niệm từ ‘đất cũ người xưa’ làm phần mở đầu ‘Một Thời Oan Trái,’ và dùng ‘những ngày lưu lạc’ để kết thúc tác phẩm do nhà xuất bản Tiếng Quê Hương ấn hành năm 2011. Lá thư viết gửi các bạn thuộc gia đình Bảo Bình của ông, cho biết: Tác giả là cựu sĩ quan của Hải Quân Việt Nam, di tản trên tàu Hải Quân 502 với hơn 5,000 người. Nhìn lại quá khứ, ông nhận định: ‘Cuộc chiến thật buồn. Chúng ta chìm đắm trong sự đau buồn đó từ bao nhiêu năm qua… Ngôn ngữ chúng ta không còn hiệu lực. Người bên này và bên kia cùng nói chung một danh từ, nhưng nhiều khi hiểu khác hẳn nhau.’ Toàn tập truyện ‘Một Thời Oan Trái’ gồm 22 truyện ký, được chia thành hai phần. Phần một gồm chín bài viết về thời thế, phong tục, những người thân quen với tác giả từ thời thơ ấu. Phần hai gồm 12 bài, viết về một số nhân vật như nhà văn Võ Phiến, Nhất Linh, Nguyên Phong, Hoàng Văn Chí, Người đàn bà trên tàu 502… Và các quân nhân thì có Ðề Ðốc Hoàng Cơ Minh, Ðô Ðốc Chung Tấn Cang, Hải Quân Trung Tá Phan Phi Phụng, và chính tác giả. Có những chuyện đã qua và mờ nhạt được viết lại như một truyện ngắn, nhưng cũng có những sự kiện được ghi chép như một bài phóng sự. Dù viết dưới hình thức nào, nhà văn Phan Lạc Tiếp cũng chỉ muốn ghi lại nỗi buồn chiến tranh, mà ông và những người thân quen đã chứng kiến và chịu đựng.
“Chiến tranh qua đi, Tào Mạt Nguyễn Duy Thục – một người bạn thân của nhà văn Phan Lạc Tiếp và cũng là người đối đầu với ông, vì hai người ở hai chiến tuyến khác biệt – cuối cùng đã mong muốn ông trở về cố hương, ‘để anh em còn được nắm tay nhau, kẻo chần chừ thì quá muộn. Anh em ta là những người con của làng Nủa, cùng uống giếng nước Bỉm mà thành người, trước sau vẫn không thay đổi.’ Chuyện xưa sương khói phù vân không mong sum họp. Chuyện nay giấc mộng mê đường hư thực khó phân. (2) ‘Một Thời Oan Trái’ không chỉ là hồi ký ghi lại thời điểm hoảng loạn trong ngày 30 tháng 4 năm 1975 tại Bến Bạch Ðằng, mà còn là một trong số những câu chuyện bi thương thống khổ của người Việt di tản nói riêng, của người Việt Nam nói chung.” (Nđd)
Mong rằng những ai đã đọc Phan Lạc tiếp, sẽ đồng tình với ghi nhận riêng, của tôi:
-Mọi hằn học, cay, nghiệt đã không có chỗ trong văn chương Phan Lạc Tiếp. Tôi cảm tưởng như ông muốn tránh mang sự “đau lòng” đến cho những con chữ trong sáng của ông.
Du Tử Lê
(Calif., Tháng Hai 2017)
—–
(1) Ðịa chỉ Tủ sách Tiếng Quê Hương: P.O. Box 4653, Falls Church, VA 22044. Email: tiengquehuongbookclub@gmail.com. Hoặc uyenthaodc@gmail.com
(2) Nhà văn Phan Lạc Tiếp sinh năm 1933 tại Sơn Tây, Bắc Việt. Di cư vào Nam năm 1954 sau Hiệp Ðịnh Geneve. Sĩ quan Hải Quân VNCH. Di tản năm 1975 khi chính quyền miền Nam thất thủ.
Suốt những năm từ 1975-1985s, khi làn sóng người Việt vượt biển lên cao độ, ông đã tích cực tiếp tay trong công tác Cứu Người Biển Ðông, cùng Tiến Sĩ Trần Hữu Xương lập ra “SOS Committee for Boat People.” Ông hiện định cư tại San Diego, California. Ðã xuất bản: “Bờ Sông Lá Mục” (truyện 1969, TB 1998); “Quê Nhà, Bốn Mươi Năm Trở Lại” và, “Một Thời Oan Trái.”
………………………………………………………………….
VĂN – BẰNG HỮU
CAO ĐẮC VINH – Lá Thư Valentine Gửi Người Vợ Già
Nguồn:dutule.com – 08 Tháng Hai 2017
CAO ĐẮC VINH
===
Đêm nay là đêm tử biệt!
Em nằm đó, mắt ngấn lệ nhìn anh. Anh ngồi đây, nước mắt lưng tròng… Còn cảnh biệt ly nào xót xa buồn hơn nữa? Anh thấy em bất động, ngực phập phồng, cất tiếng qua làn hơi đứt quãng:
– Anh ơi! Em muốn hỏi lời cuối trước phút chia tay… chuyện chúng mình, tình vợ chồng sau nhiều năm, anh có mãn nguyện không?
– Em đừng nghĩ vẩn vơ. Dĩ nhiên đẹp, chẳng có gì tiếc nuối cả!
Miệng mỉm cười, em nhắm mắt, tự mãn… rồi tiếng nấc khô khan vang lên như tiếng còi tầu “nghìn trùng xa cách” chuyển bánh khởi hành.
Nhưng anh đã dối lòng!
Em ra đi mang theo lời nói dối cuối cùng. Trái đất ngừng quay và chính tâm hồn, thể xác anh đang quay tròn giữa không trung.
Sự sống, sự chết chỉ là hơi thở mong manh vài giây cách biệt. Có hợp thì có tan, cảnh tử biệt sinh ly không chờ không đợi, sớm muộn gì cũng tới! Thế mà giờ phút linh thiêng, mối tình trăm năm chia ngọt sẻ bùi, đầu gối tay ấp, gắn bó bên nhau… Sao anh nỡ nói lời dối trá cuối đời? Vậy sự thành thật phải chăng chính là cứu cánh ở mọi tình huống nếu muốn tránh cho lương tâm khỏi bị cắn rứt muộn màng.
Chuyện tình yêu vui buồn giống cảnh hôm nắng chiều mưa. Có cảm nhận hạnh phúc chan hòa khi nắng lên thì cũng đành chịu đựng lúc mưa gió bão bùng. Cuộc đời có bao giờ êm đềm như mặt nước hồ thu do đó tình vợ chồng hẳn nhiều lần cũng nổi cơn gió bụi. Mưa thuận gió hòa dễ làm lòng người nở hoa; ngược lại, phải tìm một hành động là điều khó làm… Có người đóng cửa chờ cơn mưa tạnh; có kẻ lịch duyệt biết nhẩy múa dưới cơn mưa nhưng chọn nhạc điệu cuồng điên hay lãng mạn… ấy là sự khôn ngoan mang tính cá nhân.
Em vừa trút làn hơi cuối, tâm hồn anh mất thăng bằng, cả thế giới chẳng còn gì quan trọng nữa. Hóa ra em ra đi mang theo món quà giá trị nhất đời anh hơn cả sự lạc quan hay vĩnh cửu. Bấy lâu nay, năm này qua tháng nọ, vô tình hay cố ý, tại anh hay tại em thiếu cởi mở, lỗi phải chập chùng, sống theo kỳ vọng phỏng đoán của mỗi người nên chúng mình hờn giận, trách móc… coi thường sự hiện diện và thương yêu lúc gần nhau.
Bây giờ xa cách, ngồi cạnh xác em, anh khóc như mưa lũ sụt sùi vào một ngày trời mây đen tối nhất! Khóc vì em vĩnh viễn đi xa; khóc vì anh ở lại, từ nay một hình một bóng cô đơn và tự tiềm thức, khóc vì buông lời dối trá phản bội cuối cùng.
Nhưng may thay, anh chợt tỉnh…
Đó chỉ là giấc chiêm bao, hoàn hồn thấy mình vừa run sợ, vừa mừng ra nước mắt. Em vẫn ngủ, say sưa theo nhịp thở ngắn dài. Anh phấn khởi như vừa tìm lại người xưa đã mất! Cơn ác mộng bỗng dưng trở thành giấc mơ đổi đời…
Chỉ còn vài ngày nữa là lễ tình yêu Valentine. Hãy nhìn nhau thật sâu và thật lâu, chia sẻ tâm tư qua cửa sổ của tâm hồn. Dù nói lời trách móc hay tỏ tình cũng đều thành thật bằng ngôn ngữ yêu thương. Can đảm bộc lộ mọi thổn thức còn giữ kín trong tim để được tha thứ và giải thoát. Một ngày hạnh phúc là cùng cho nhau niềm vui, thỏa mãn những nhu cầu dù tầm thường nhỏ nhoi nhưng tổng kết lại sẽ thành một năm, một đời hạnh phúc… Để rồi vào lúc tử biệt, đôi người đôi ngả, nói lời cuối cho cuộc tình, không ai thấy hổ thẹn với bản tình ca hòa tấu thơ mộng của đời mình.
Chỉ vài giờ nữa em thức giấc, lại một ngày mới bắt đầu bên ly cà phê buổi sáng. Chỉ vài ngày nữa trong tháng Hai, anh với em đón mừng ngày Valentine mới để cùng “nhẩy múa giữa cơn mưa”. Anh thích tư tưởng yêu đời lạc quan ấy vì nếu hai đứa tìm được niềm vui giữa khung cảnh ướt át đó thì chuỗi ngày trên thế gian sẽ chỉ toàn tiếng cười hoan lạc. Mỗi ngày qua là một ngày vui vì thực tế “không vui cũng mất một ngày”. “It takes two to tango”, em hiểu ý nghĩa và trách nhiệm mỗi người qua thành ngữ đó chứ?
Lễ tình yêu Valentine, người ta mua hoa tặng nhau… Anh chỉ có một giấc mơ từ cơn ác mộng như đóa hoa lòng viết gửi người vợ già, nói theo khái niệm thế gian về tuổi tác nhưng thực tâm thì em vẫn luôn trẻ đẹp dưới mắt nhìn của người chồng mong chờ hạnh phúc.
02/06/2017
…………………………………………………………..
Bàn về lễ hội nhân nhà sư phát lộc gây phản cảm ở chùa Hương
Hà Mi BBC Tiếng Việt
Nguồn:BBC- 8 tháng 2 2017
Bản quyền hình ảnh Tien Tuan/Zing.vn
Người dân tranh giành lộc do nhà sư ném ra tại chùa Hương. Ảnh: Tiến Tuấn/Zing.vn
Cảnh đi lễ chùa Hương với nhiều người lâu nay vẫn thường gắn liền với hình ảnh “hoa cỏ mờ hơi sương” và tâm tư của một cô gái mới lớn đầy mộng mơ trong bài thơ của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp.
Thế nhưng những năm gần đây hàng chục ngàn người đổ về di tích thắng cảnh Hương Sơn, Hà Nội, khiến các lối đi lên chùa Thiên Trù và vào động Hương Tích ùn tắc và đặc biệt lễ khai hội chùa Hương năm nay lại được nói tới nhiều vì là cảnh người đi lễ chen lấn tranh giành lộc từ tay một nhà sư tại chùa.
Được biết người tung lộc là sư thầy Thích Đạo Trụ, đang tu hành trong chùa Hương và Phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Hà Nội, Trưởng ban tổ chức lễ hội chùa Hương năm 2017, ông Nguyễn Văn Hậu, được báo chí trích thuật cho biết chương trình phát lộc cho phật tử và du khách về dự là không có trong kế hoạch khai hội.
Lộc được phát là một biểu tượng Phật Bà in chìm bằng nhựa trong, có dây đeo và các video lưu truyền trên mạng cho thấy hàng trăm người đã chen lấn xúm quanh nhà sư để cố tranh giành lộc. Có thể thấy lúc đầu nhà sư còn phát cho từng người đứng quanh, nhưng sau đó đám đông lớn quá, chen lấn và thậm chí có người còn thò tay giật lộc từ tay nhà sư và nhà sư này đã ném lộc ra cho những người ở xa khiến gây phản cảm.
‘Mưu cầu hạnh phúc tầm thường’
Nói với BBC Tiếng Việt khi được hỏi nhân vụ việc này, giáo sư Nguyễn Huệ Chi chia sẻ: “Tôi nghĩ ngày xưa những lễ hội như Chùa Hương, như Yên Tử, cũng đông người đi nhưng người ta đi tuần tự mà thực sự ra không phải để cầu cho được cái hạnh phúc vật chất tầm thường để muốn trở về là có ngay, hiện ngay trước mắt như bây giờ.
“Ngày nay người ta đi Bà Chúa Kho, đi Chùa Hương, tất cả những nơi được truyền nhau là linh ấy, chỉ để trở về ngày mai buôn bán, xin dự án, v.v. giành phần lợi về mình, vì thế mới chen chúc nhau. Và vì đua nhau nên đông một cách khủng khiếp.
“Cũng vì thế những người muốn đi đến nơi đó để thưởng thức thiên nhiên, thưởng thức sự thanh tịnh của cảnh vật, cái mà tôn giáo đem lại cho mình, thì người ta cũng không dám đi đến đó nữa vì đông nghẹt. Tôi thấy nhiều trí thức không đi đến đó nữa. Và tình trạng này hiện nay chưa giải quyết được.
“Tôi có nguyện vọng làm sao để người ta đỡ đốt hương, bớt vàng mã. Nói ví dụ các nhân vật trong các đền chùa ngày xưa làm gì có biết xem TV với đi ô tô mà người ta cũng đốt xuống.
Facebook Nguyen Hue Chi
Giáo sư Nguyễn Huệ Chi cho rằng lễ tục không thể dùng lệnh được mà phải làm sao để hiểu biết được nâng cao trong toàn xã hội
“Rồi thậm chí những cái ấn vô nghĩa vì người ta không biết chữ Hán nên khắc lung tung, phải nói là lăng nhăng, thì cứ đóng ấn là người ta đến mua và tranh cướp nhau. Chỉ riêng chuyện đó cũng thấy tâm lý của dân tộc có nét gì đó thay đổi, mà lại là thay đổi không hay, cần phải dẹp.
“Riêng phần lễ tục này thì không thể dùng lệnh được mà phải làm thế nào để sự hiểu biết được nâng cao trong toàn xã hội thì tự nhiên cái đó sẽ được dẹp bỏ.
“Nếu không, với tình trạng này thì ở đâu cũng tắc nghẽn, không chỉ giao thông bị tắc nghẽn mà ngay đến chùa chiền an thanh cảnh vắng để thưởng thức cũng bị tắc nghẽn, không còn lối để cho sinh hoạt tâm linh đúng với ý nghĩa chân tịnh của nó nữa,” giáo sư Huệ Chi nói.
‘Nhìn bằng con mắt thị trường’
Một giáo sư dân tộc học không muốn được nêu tên nói với BBC Tiếng Việt rằng xưa nay không có chuyện chùa hay sư phát lộc theo kiểu như vậy và ông cho rằng nay các chùa chiền đang làm những việc mà ngày xưa không làm.
“Chuyện gây ra tranh cướp lộc như vậy là một điều không hay. Kỷ cương xã hội và văn hóa của ngày xưa nó đồng bộ trong một xã hội và văn hóa làng xã. Nhưng bây giờ xã hội đang bị giải thể về cấu trúc nên đã không còn mang nghĩa như ngày xưa. Nó đã bị pha trộn nhiều loại văn hóa khác nhau và những cái coi là truyền thống đã bị giảm sút.
“Đó là dấu hiệu của quá trình giải thể những gì quý giá của ngày xưa mà nay đang được nhìn nhận với con mắt thị trường. Mà như vậy thì không phải là tín ngưỡng”, giáo sư dân tộc học nói.
“Chính vì với cái nhìn thị trường như vậy nên với mỗi người được càng nhiều sẽ càng tốt, do vậy mới dẫn tới hiện tượng giành giật lộc Phật như người ta được chứng kiến ở Chùa Hương mới đây,” ông nói.
Đạo lý và sự tôn trọng
Không chỉ ở Chùa Hương mà đã xảy ra tình trạng hàng nghìn người cướp hoa tre và trầu cau sau khi việc dâng lễ kết thúc tại hội Gióng, được tổ chức vào ngày 6-8 tháng Giêng âm lịch tại đền Sóc, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
So sánh việc người đi hội Gióng cướp lộc với việc người đi hội Chùa Hương chen lấn giành giật lộc, nhà dân tộc học này cho rằng có sự khác biệt: “Một bên là tục lệ của làng còn một bên là nhà chùa lại đứng ra làm những việc không phải của mình, tức là hiện đại hóa tôn giáo,” ông nói.
Ngay cả là phong tục tập quán hay tục lệ của làng, xã, giáo sư Nguyễn Huệ Chi giải thích ngày xưa cũng có đạo lý và sự tôn trọng.
Riêng phần lễ tục này thì không thể dùng lệnh được mà phải làm thế nào để sự hiểu biết được nâng cao trong toàn xã hội thì tự nhiên cái đó sẽ được dẹp bỏ.
Giáo sư Nguyễn Huệ Chi
Ông cho biết có những phong tục đã đi nào nếp sống của người dân và đưa ra ví dụ như lễ hội phồn thực, khi vãn hội là người ta tắt đèn và nam thanh nữ tú được tự do buông thả, để thả lỏng tình cảm của mình “và cái đó được gọi là thiên nhân hợp nhất, nó rất trong sáng, lành mạnh”, hay khi vãn lễ, oản được nhà chùa đem ra chia cho mỗi người một phần để hưởng lộc Phật, mỗi người được một ít mang về, nhưng người nào không được cũng không sao cả.
Giáo sư Huệ Chi nói: “Nó đã thành nền nếp. Ở đó có sự tôn trọng và có đạo lý, mình không được phép làm điều gì vi phạm tư cách con người. Hai nguyên tắc đó nó chi phối và nó tạo nên nét đẹp dân gian.
“Tôi ngày xưa lúc còn bé đi các lễ hội thì cũng có thấy tranh cướp nhưng sự tranh giành đó không gây nên sự tức giận, đến mức cào cấu nhau, ai không được thì cũng cười vui vẻ và nói là cố năm sau hy vọng sẽ được.
“Nhưng bây giờ lại khác, nếu tôi không giật được mà kẻ kia giật được thì có khi cái lộc đó nó thể hiện trong đời sống, nó sẽ không đến với tôi – người ta tin một cách thiển cận như vậy – vì thế nó trở thành tàn bạo, nó đẩy phong tục có giới hạn về đạo lý của ngày xưa thành ra mất giới hạn và thành tàn bạo với nhau.
“Nó đi cả vào trong đời sống tâm linh, gây nên sự bất bình thường khiến những người đứng ở cự ly xa hơn mà nhìn, hay những người còn giữ được chút thiện lương nhìn vào, thì người ta không thể chịu nổi.”
Sống lương thiện
Người dân đi lễ chùa ngày Tết âm lịch ở Long Sơn Tự ở Manka, thủ đô Đài Bắc, Đài Loan
Sống lương thiện cũng là điều nhà văn Vũ Thư Hiên được con gái, bà Vũ My Lan, lãnh đạo một doanh nghiệp ở Hà Nội, nhắc tới khi nói về người Việt. Trong một đăng cải trên Facebook cá nhân của mình so sánh cảnh đi chùa ở Đài Loan và chuyện xảy ra ở Chùa Hương vừa rồi, bà Vũ My Lan viết:
“Ngày mồng một Tết, nhân chuyến du lịch tới Đài Loan, gia đình mình tới Chùa Long Sơn Tự – ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng tại Đài Bắc để cầu bình an cho năm mới.
“Đúng như dự đoán, số lượng người tới lễ Chùa ngày đầu năm mới rất đông.
“Điều làm mình hết sức ngạc nhiên là cho dù cổng Chùa mở rộng nhưng người dân nơi đây không hề chen lấn, xô đẩy mà tự giác xếp theo hàng một để vào Chủa.
“Cũng chẳng thấy bóng dáng một anh cảnh sát hay bảo vệ nào bắt mọi người phải xếp hàng cả – người ta cứ tự giác đứng vào hàng, trên khuôn mặt mỗi người có thể thấy rõ cái cảm giác bình an, thư thái trong ngày đầu xuân mới.
“Một phụ nữ xếp hàng gần gia đình mình thỉnh thoảng lại tỏ ý muốn giúp đỡ khi thấy mẹ mình phải di chuyển bằng xe lăn. Chốc chốc lại có người hỏi thăm bà.
“Hôm nay xem cái video về khai hội Chùa Hương mà thấy vừa buồn và thương cho người dân mình quá! Ôi đất nước tôi! Ngay ở những chốn linh thiêng mà còn có tâm lý tranh cướp! Sư thầy trong cái video này cũng chẳng ra sao!
“Chợt nhớ tới câu của bố mình khi mấy bố con nói chuyện về cái sự “loạn” ở Việt Nam – “người Việt mình bây giờ cần học nhiều thứ nhưng trước hết là phải học sống lương thiện con ạ”.
“Lương thiện trong suy nghĩ và văn hoá trong hành xử – chỉ cần thế thôi mà sao khó có thế!”
‘Nó là từ hai phía’
Theo giáo sư Nguyễn Huệ Chi, ông cho là chính vị sư kia khi ném hình Phật có khi cũng không phải đã có ý thức là đang đưa một tín vật của nhà Phật tới cho đệ tử đâu và ông nói thêm: “Các nhà sư bây giờ được đào tạo cũng bị trần tục hóa, một số sư sãi chịu nhiều sự tác động nên không còn là một vị sư đúng tính cách của một nhà tu hành có phẩm hạnh như ngày xưa.
“Nó là từ cả hai phía – phía thiện nam tín nữ đến chùa và phía người tu hành – đều có sự thoái hóa và nó gặp nhau ở hiện tượng Chùa Hương vừa rồi và người ta thấy phản cảm.”
Người Việt mình bây giờ cần học nhiều thứ nhưng trước hết là phải học sống lương thiện.
Nhà văn Vũ Thư Hiên
“Chính một số nhà sư cũng đem lại cho người ta quan niệm rằng cái phúc do nhà Phật phát ra là cái phúc thực dụng, chính vì vậy bản thân các nhà sư về phương diện đạo lý, đạo đức tôi không đánh giá cao trong thực tế đời sống tu hành hiện nay. Đây tôi nói là ở nửa phía Bắc mà tôi quan sát chứ nửa phía Nam thì thực tình tôi chưa biết nên không dám nói,” ông Huệ Chi nói.
Vẫn theo giáo sư Huệ Chi: “Đây là một biểu hiện của sự thoái hóa xuống cấp về phong tục và nó là điều không thể cưỡng lại được tại Việt Nam hiện nay.
“Vì chúng ta kiến tạo xã hội trên tinh thần đấu tranh giai cấp để xây dựng một xã hội bình đằng nhưng quên mất cái quan trọng là cái nhân văn, nhân bản, tức là cái tính người của con người, sự gắn bó với nhau trên tinh thần nhân ái của cả cộng đồng.”
Tính thực dụng
Giáo sư Huệ Chi giải thích: “Nền kinh tế hiện nay thực sự là một nền kinh tế Tư bản chủ nghĩa man dã, hoang sơ cho nên con người nhìn nhau là theo hướng tôi được, thì anh mất và tôi phải cố mà giành cho được, còn anh mất thì mặc anh.
“Vì vậy nó dần đi sâu vào quan hệ trong cộng đồng, và người ta mất dần đi cái gọi là sự nhường nhịn: mình có thể không được mà người được thì mình cũng vui lòng, hoặc là mình làm cho người hạnh phúc thì đó là hạnh phúc của mình.”
Le Hieu/Zing.vn
Cũng xảy ra tình trạng hàng trăm người xô vào tranh cướp hoa tre tại lễ hội Gióng (Ảnh: Lê Hiếu/Zing.vn)
Theo giáo sư Huệ Chi do vậy trong bất kỳ hình thức sinh hoạt nào có chút dính đến tinh thần, tâm linh thì con người ta nay cũng mất đi sự hòa đồng, mất đi niềm vui nhường nhịn, mà chỉ cố gắng giành giật lấy phần được về mình.
“Đó là một nguy cơ hết sức lớn và nó thể hiện ra lễ hội cũng vậy thôi. Tôi cũng cho đây là một sự tha hóa thể hiện rõ ở tính thực dụng trong quan niệm về mục đích cuối cùng của việc tu hành: mình đi theo đời sống tâm linh để đạt được cái gì.
“Vì sự tha hóa đó nên cái thực dụng nó lấn át cái thanh tao. Thanh tao là để đạt được sự thanh thản trong tâm hồn và con người hướng đến lẽ sống sâu sa là tìm sự bình yên về tinh thần.
“Cái đó chính là cái mà Phật giáo và nhiều tôn giáo khác nhắm tới. Nhưng con người Việt Nam trở thành thực dụng cho nên khi đến chùa chiền, lễ hội thì ồn ào và có thói tục mà theo tôi nên làm thế nào để gạt bỏ, đó là đem hết tất cả mọi thứ tài lộc đến để cầu thần cầu Phật, mà chỉ cầu cho mình làm ăn phát tài để mà sống, để mà giành giật hạnh phúc ở giữa cõi trần, vì thế ngày nay người ta đi ào ạt,” ông Huệ Chi nói.
Nói về chuyện đi lễ cầu lộc đầu năm, một chủ doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh cũng chia sẻ suy nghĩ của ông:
“Cái Tết của người Việt mình nặng nề & kéo dài. Cả nửa tháng trước tết & hàng tháng sau tết mới đi vào ổn định cuộc sống. Trước tết thì mua sắm, biếu xén, sau tết thì lễ hội, cúng bái, cầu tài lộc (đặc biệt là ở phía Bắc) đến hết tháng Giêng luôn.
“Chẳng chịu làm ăn thì cầu, xin cũng thế, nghèo vẫn hoàn nghèo. Trời phật cũng chẳng giúp cho người lười chỉ muốn cúng bái mà giàu có,” ông nói.
……………………………………………………………….
Tháng chạp, mới
Nguồn: dutule.com – 07 Tháng Mười Hai 2016
Du Tử Lê
người buồn một cánh rừng
tôi buồn một dòng sông
đời buồn muôn kiếp trước
đêm buồn một cánh chim
đêm buồn một cánh chim
người buồn một đốm lửa
tôi buồn một mùi hương
chiều buồn đôi cọng cỏ
chiều buồn đôi cọng cỏ
người buồn một sớm mai
tôi buồn sân nắng, cũ
mưa buồn trên mái ai?
mưa buồn trên mái ai?
tôi buồn như ghế ngồi
người buồn như bếp lạnh
tóc buồn rơi xuống vai
tóc buồn rơi xuống vai
em còn không, tháng chạp?
mắt buồn rơi xuống tôi
rưng rưng ngày gió lớn
rưng rưng ngày gió lớn
em còn không, gương đời?
ai ngồi trong hiu quạnh?
tôi ngồi trong con tôi
tôi ngồi trong con tôi
mưa rơi hoài cuối bãi
người ngồi mơ mấy nơi?
trông chờ ngày nắng mới?
trông chờ ngày nắng mới
người buồn tôi cánh rừng
tôi buồn… tôi núi sông
thịt xương xưa đã gửi
rữa tàn chưa, cuối năm?
_Du Tử Lê
……………………………………………………….