1.Nhà văn Vũ Thư Hiên- Kỳ 3 (DTL)2.Ánh Tuyết, tiếng hát ngọt ngào ..không còn nữa(NV)3.Thơ DTL-

Vũ Thư Hiên: ‘Hai người lính đối nghịch ôm nhau mà chết’

Nguồn: Du Tử Lê/Người Việt -July 7,2017

                                                                                      Nhà văn Vũ Thư Hiên. (Hình: Facebook Vũ Thư Hiên)

(Tiếp theo kỳ trước)

Ở một đoạn khác, là lời kể của chồng Tâm với họ Vũ: “Chúng em lội chừng trăm mét thì thì gặp một cái hốc um tùm cành lá và dây leo. Anh Mịch lấy dao mở đường vào cái hốc tối mò ấy. Cái hốc hẹp, nhưng nông, đất ướt nhoẹt, chúng em dò từng bước, người nọ theo chân người kia. Bỗng anh Mịch dừng lại: ‘Đây rồi!’ Anh ấy gieo mình xuống, hai tay bưng mặt ‘Tường ơi!’ Cùng với tiếng kêu xé ruột, nước mắt trào ra qua kẽ tay anh.”

“‘Không sâu đâu. Chú cứ đào đi. Nhẹ tay thôi!’ anh Mịch nức nở. Em lấy xẻng hớt dần từng lớp đất nơi tay anh Mịch chỉ. Tâm quỳ xuống bên, châm hương, khe khẽ khấn. Đúng như anh ấy nói, vài phút sau, cái xẻng đã đụng vào vật gì đó lùng nhùng – một mảnh vải mưa. Khẽ gạt đất đi, em kéo mảnh vải mưa đã mủn ra…”

“Cô Tâm (kể): Em sụm xuống, anh ạ, khi nhìn thấy anh nhà em. Người ta bảo người thân nhìn thấy xương sọ thôi cũng biết ngay là người nằm kia là người của mình, em nhận ra ngay anh ấy dù quần áo đã bục hết trơ ra bộ cốt. Em gào lên được hai tiếng ‘anh ơi!’ là ngất liền.”

“Chồng Tâm (kể): Em đỡ lấy Tâm, cuống quýt xoa dầu cho cô ấy. Phải mất một lúc sau nhà em mới tỉnh lại. Anh Mịch cứ mặc em săn sóc nhà em, cứ ngồi yên, như thể người mất trí. Em cũng sững người trước cảnh tượng trước mắt – dưới mảnh vải mưa không phải chỉ có một, mà hai bộ cốt trong tư thế nằm nghiêng, ôm lấy nhau…” (“Nấm Mồ,” trang 458).

Tới khi hình ảnh hai “bộ cốt trong tư thế nằm nghiêng, ôm lấy nhau” thì tâm bão mới thực sự hiện ra – một tâm bão khác. Tâm bão của tình con người, tính nhân bản, dù được nuôi dưỡng, tuyên truyền, nhồi sọ bao nhiêu năm thì trước cái chết, tính thiên lương, giữa người với người vẫn có cơ hội bật dậy, rạn rỡ như thể đó là tinh túy, mà thượng đế đã đặc biệt trao cho con người – như Mịch kể tiếp với người viết lại câu chuyện “Nấm Mồ:”

“… Chui vào sâu hơn nữa, tôi nhìn thấy một đống đen đen. Bất lửa lên, trong ánh sáng nhạt nhòa tôi nhận ra Tường. Nhưng sờ vào mặt Tường lạnh ngắt, tôi biết đã muộn. Cậu ta nằm nghiêng, tay ôm một cái gì đó. Soi gần lại thì thấy đó là một người nữa, nhưng không phải quân mình. Mà là người phía bên kia, căn cứ quân phục và cái mũ chỏng chơ bên cạnh. Khi ở bên ngoài trời đã sáng, mắt đã quen dần với bóng tối tôi thấy chung quanh hai người là bông băng bữa bãi, với một cái bi đông trong đó còn một chút nước. Chắc hẳn hai người tình cờ chui vào hốc này, họ gặp nhau khi cả hai đều bị thương nặng.”

“Tôi nói: Một tình huống bất ngờ. Họ làm gì nhỉ? Tiếp tục bắn nhau chăng?”

“Cả hai không còn súng. Tôi không thấy súng bên hai người, chắc họ đã vứt bỏ khi lết đến được đến đây. Là tôi đoán thế. Cả hai bị thương rất nặng. Trong tình trạng đó, họ đã có một quyết định thông minh là giúp nhau băng bó, những bông băng ở hai bên người cho tôi thấy điều đó. Hai cái bi đông không còn giọt nước nào. Chắc họ đã san sẻ cho nhau lương khô, nước uống. Nhưng rồi cả hai đã không tránh được cái chết. Nơi này khá xa những cuộc giao tranh, giá họ có kêu cứu cũng chẳng ai nghe thấy. Trước mắt tôi là một cảnh tượng kỳ cục không thể nào hình dung ra – hai người lính của hai bên đối địch ôm nhau chết. Chỉ có thể đoán phỏng rằng khi mất hết máu, người bị thương ắt run cầm cập vì lạnh, và lúc ấy họ chẳng còn cách nào khác là cho nhau hơi ấm còn lại…” (“Nấm Mồ,” trang 459, 460).

Tới lúc này, bằng vào tinh thần nhân bản, giữa con người với con người, Mịch mới giải tỏa uẩn khúc, tại sao bao nhiêu năm qua, Mịch đã nín lặng về cái chết của Tường. Tâm sự với người chứng Vũ Thư Hiên, Mịch nói: “Bây giờ chắc ông hiểu vì sao tôi tránh không muốn nói tới cái của Tường. Ông thử hình dung cảnh tôi báo cho đơn vị biết nơi Tường chết. Trong trường hợp ấy họ sẽ xử trí thế nào với hai cái xác?

Người ta sẽ nhặt xác Tường, còn cái xác kia thì người ta sẽ lấp đất lên, và bỏ đi. Tôi chắc chắn họ sẽ làm như thế. Nhưng thật bất nhẫn – hai người dù ở hai bên đối địch, đã giúp nhau trong những giờ phút cuối cùng để dành lại sự sống. Để làm được điều đó, họ phải bỏ ngoài mọi hận thù, nếu có. Mà chắc gì họ có cái đó. Cả hai đều là lính, họ bắn vào nhau theo mệnh lệnh, chẳng biết viên đạn của mình bắn sang bên kia sẽ trúng ai… (“Nấm Mồ,” trang 461).

Tới đây, câu chuyện những tưởng đã có được cho nó một “happy ending” nhưng không. Hoàn toàn không! Khi chồng Tâm kể với người kể chuyện rằng anh đã hỏi Mịch về cách cư xử với bộ cốt của bên thua cuộc thì, Mịch bảo: “Cô chú cứ việc mang cốt chú Tường về, rồi đưa chú ấy vào nghĩa trang liệt sĩ. Việc của tôi giúp cô chú đến đây là xong. ‘Còn bộ cốt kia?’ em hỏi. ‘Đó là việc của tôi’ – anh ấy nói – không thể để cậu này ở đây được. Hai đứa đã giúp nhau chống chọi với cái chết trong những phút cuối cùng, mang một đứa đi, đứa kia vứt lại sao đành?’

Em bảo: ‘Hay là ta cứ mang cả hai về, báo danh một anh Tường thôi, còn anh kia ta nói không rõ danh tính, coi như chiến sĩ vô danh… Họ sẽ được ở bên nhau cùng một chỗ. Anh Mịch quắc mắt quát: ‘Làm thế sao được? Làm thế là lừa đảo. Người lính bên kia cũng biết coi trọng danh dự chứ. Cậu ta không chịu nằm lẫn với những người được bên chiến thắng vinh danh đâu. Như thế là nhục. Không, tôi sẽ không để cậu ấy nằm lại đây một khi chú Tường được mang đi, tôi sẽ mang cậu ấy về, chờ đến khi nào có người nhà tìm đến…” (“Nấm Mồ,” trang 461).

Lần nào đọc tới đây, tôi đều nghĩ, ngay cả những lời nói sau cùng của Mịch, dành cho người lính bên thua cuộc, có thực sự là ý tưởng của Mịch và họ Vũ chỉ thuật lại một cách khách quan thì, tôi vẫn thấy đó là tâm thái nhà văn, nhân bản rất đáng trân trọng của Vũ Thư Hiên.

Nhưng thế giới truyện ngắn của họ Vũ, không ngưng ở đó. Nếu không kể những truyện ngắn không được tác giả chọn in trong “Tuyển Tập Truyện Ngăn Vũ Thư Hiên” do nhà Người Việt Books xuất bản tại Hoa Kỳ, 2017, thì với 41 truyện ngắn làm thành tuyển tập truyện Vũ Thư Hiên, còn mở ra những chân trời văn chương, chữ, nghĩa đặc biệt khác.

Không chủ tâm tả cảnh, tả tình, như chính họ Vũ đã cho biết, nhưng bù lại, Vũ Thư Hiên lại có khả năng đặc biệt, khi tả người hoặc viết về tâm lý đại chúng, bên cạnh kiến thức sâu rộng về địa lý (nhất là địa lý miền Bắc) người.

Khả năng đặc biệt này, ở tác giả “Tuyển Tập Truyện Ngắn Vũ Hiên, có được, theo tôi, do tích lũy nhiều năm chống trả với tù đày, cái chết, để tồn tại. Tôi trộm nghĩ, nếu ông không có khả năng nhìn người và lượng giá tâm lý đúng mức mỗi… “đồng chí” của ông, có dễ chúng ta đã không thể có một Vũ Thư Hiên, nhà văn, sống tới hôm nay (?)

Thí dụ, khi tả về một trong hai người bạn thân, thời còn đi học của mình, trong bút ký “Cái Bóng,” họ Vũ viết: “… Thường dẻo dai hơn hai chúng tôi, ngay cả trong thời cả nước thiếu ăn và anh luôn bị đói. Có những người như thế, nhìn họ ta không bao giờ có ý nghĩ rằng họ sẽ chết vào một lúc nào đó, cứ như thể họ là một cái gì đó bất biến, một cái gì đó vĩnh hằng. Năm tháng làm cho hình hài mọi người biến đổi, riêng anh thì không. Vẫn gầy nhẳng và khô đét, không bệnh tật, không đau không ốm, không già đi, y như một vật cũ kỹ trong nhà từ đời nảo đời nào chẳng còn ai để ý đến chuyện nó có hay không có…” (“Nấm Mồ,” trang 96).

(Còn tiếp một kỳ)

………………………………………………………

Ánh Tuyết, tiếng hát ngọt ngào của Ban Lửa Hồng, không còn nữa
Nguồn:nguoiviet.com – July 13, 2017


Ca sĩ Ánh Tuyết lúc sinh thời (Hình: Gia đình cung cấp)

Ngọc Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Ca sĩ Ánh Tuyết, người cùng thời với các ca sĩ Mộc Lan, Kim Tước, Tâm Vấn, Mai Hương, Linh Sơn, Văn Phụng, Quỳnh Giao… đã qua đời lúc 2 giờ 30 chiều ngày Thứ Ba, 11 Tháng Bảy, 2017 tại bệnh viện Corona, California, hưởng thọ 82 tuổi.

Chị Tôn Nữ Anh Thư, con gái đầu của ca sĩ Ánh Tuyết, xác nhận tin này với Người Việt.

Theo lời chị Anh Thư, ca sĩ Ánh Tuyết “bị bệnh tiểu đường đã lâu, kéo theo nhiều chứng bệnh khác. Sức khỏe bà sa sút nhiều kể từ sau Tết Dương Lịch vừa rồi. Tuy nhiên, nguyên nhân bà ra đi là vì bệnh thiếu máu trắng máu đỏ.”

Ca sĩ Ánh Tuyết tên thật là Hoàng Bạch Tuyết, sinh ngày 12 Tháng Năm, 1935 tại Hải Phòng.

Ông Tony Lâm, cựu nghị viên gốc Việt đầu tiên ở Westminster, người quen biết ca sĩ Ánh Tuyết từ khi còn ở Hải Phòng, cho biết: “Khi còn ở Hải Phòng, Ánh Tuyết tham gia trong ban hợp ca Lửa Hồng với Mộng Dung-Ngọc Hồ-Mai Sinh. Lúc nào tôi cũng đi sát với chị ấy, kể cả khi Ánh Tuyết vào trong Nam. Lúc đó, dù tôi đã vào Hải Quân, nhưng mỗi lần được đi theo nghe Ánh Tuyết hát thì thích lắm. Bả đi đâu, tôi cũng đi với bả, như một đứa em kết nghĩa vậy.”


Ban hợp ca Lửa Hồng với Ánh Tuyết, Mộng Dung, Ngọc Hồ và Mai Sinh. (Hình: Gia đình cung cấp)

Theo ông Tony, sau năm 1954, ca sĩ Ánh Tuyết vào Nam, đi hát trong Đài Phát Thanh Sài Gòn, hát trong các đại nhạc hội, cũng như hát ở phòng trà Tự Do…

Ca sĩ Ánh Tuyết lập gia đình lần đầu với ông Tôn Thất Tu, một sĩ quan VNCH, có được bốn người con.

Năm 1966, bà tái giá với một sĩ quan người Mỹ, cũng là một khán giả hâm mộ bà và sang định cư tại Hoa Kỳ từ lúc đó, chấm dứt sự nghiệp ca hát khi đang ở độ chín mùi.

Trong tập 2 của quyển “Chân Dung Những Tiếng Hát,” tác giả Hồ Trường An đã nhận xét về tiếng hát của ca sĩ Ánh Tuyết như sau:

“Trong các hàng ngũ nữ ca sĩ Tân nhạc từ cổ chí kim chỉ có Bích Thủy, Ánh Tuyết, Thùy Nhiên và Quỳnh Giao là có giọng kim. Nhưng giọng Ánh Tuyết ngọt ngào và lảnh lót nhất, tuy nhiên không điêu luyện bằng giọng của Bích Thủy thời chiến tranh Đông Dương giữa Pháp và Việt Minh và giọng của Quỳnh Giao sau này. Vả lại chuỗi ngân của chị bén nhọn như răng cưa. Lạ một điều, giọng chị một khi cất cánh phụng hoàng bay vút lên cao tới nốt sol trên thì tiếng hát vẫn ngọt lại còn vạm vỡ hơn, chuỗi ngân mướt hơn và rung từng lượn nhỏ mềm mại hơn hơn. Đây là giọng rung ngời ánh sáng, ngát lịm âm ba vang xa. Một giọng hát đẹp tuyệt như tấm gấm đại hồng thêu hoa mặt nguyệt bằng ngân tuyến xen kim tuyến. Khi được phơi trên sào thì gấm bay phất phơ trong nắng đẹp gió hiền, làm sóng sánh ánh phản chiếu chói hồng, làm nhấp nháy nét thêu trên mặt nguyệt. Cho nên Ánh Tuyết lựa những bản có chỗ lên cao để hát như ‘Mộng Đẹp Ngày Xanh’ của Hoàng Trọng, ‘Tiếng Dương Cầm’ và ‘Mưa Trên Phím Ngà’ của Văn Phụng, ‘Em Gắng Chờ’ của Huỳnh Anh. Riêng bản ‘Màu Tím Hoa Sim’ của Trịnh Hưng do chị hát được thu vào dĩa Việt Thanh, cũng có chỗ lên khá cao. Còn bản ‘Sầu Cố Đô’ của Lam Phương được chị hát bằng giọng ngậm ngùi và cách ngân dài ở câu trên theo lối ngân tự do, theo tùy ý để rồi chuyền qua câu sau mà không cần ngắt hơi. Chưa ai diễn tả bài ‘Sầu Cố Đô’ của Lam Phương tuyệt vời bằng Ánh Tuyết.”

“Những năm gần đây, ca sĩ Ánh Tuyết cũng có tham gia ca hát nhưng chỉ trong vòng bạn bè thân hữu chứ không xuất hiện trên sân khấu,” chị Anh Thư, con gái bà, cho biết.

Linh cữu ca sĩ Ánh Tuyết được quàn tại phòng số 1 nhà tang lễ Peek Funeral Home ở Westminster. Lễ thăm viếng bắt đầu từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối Chủ Nhật, 23 Tháng Bảy. Thánh lễ an táng lúc 10 giờ sáng Thứ Hai, 24 Tháng Bảy tại nhà thờ Blessed Sacrament Catholic Church ở số 14072 Olive St, Westminster, CA 92683.

………………………………………………………………..

Thơ ở Nguyễn Trọng Tạo

Nguồn:dutule.com-13 Tháng Bảy 2017

Du Tử Lê

và, Thương-Lắm.

không thể biết bao giờ chúng ta được gặp lại nhau?

trên quê hương, đất nước của mình?

nhưng tôi biết:

bạn tôi đã đôi lần dừng chân ở Hà Nam.

bạn tôi cũng đã có đôi lần tắm bến sông Đáy, Kim Bảng,

nơi thơ ấu tôi, diễn ra với những buổi chiều mây vần vũ

nhiều hình thù dễ sợ… 

hoặc, những ngày mưa bão thốn ruột, trôi gan…

mẹ tôi chết lặng,

nhớ, thương chồng, mất sớm…

tôi nghĩ, chúng ta đã gặp nhau tự những ngày lênh láng đó.

.

tin thì tin. không tin thì thôi*

 

.

không thể biết bao giờ chúng ta được gặp lại nhau?

trên quê hương, đất nước của mình?

nhưng tôi biết:

nhiều lần bạn tôi đã đi qua 17 phố Huế.

9 Bis Triệu Việt Vương. Trường Hàng Vôi, Nguyễn Du, Hà Nội.

nơi tuổi niên thiếu tôi treo lửng trên những cành, lá sấu xum xuê

niềm vui mùa thu chua / ngọt.

hay những chiếc lá bàng thương lắm:

đùm bọc tôi.

không để đám ve sầu thiêu cháy tâm hồn khờ, dại,  

tôi / mùa hè / phượng vỹ phơi lụa đỏ ven hồ.

tôi nghĩ, nhiều phần chúng ta đã gặp nhau.

đã cùng bơi thuyền ‘petite chose’ trên hồ Thiền Quang

để trăng tráng một lớp thủy tinh mỏng, óng, vàng thân thể.

chúng ta đem trăng về.

ngủ với trăng dậy thì. đêm. áo mới.

.

tin thì tin. không tin thì thôi *

.

tôi biết bạn tôi từng chia khói với nhà thơ Hoàng Cầm

trên gác-ống đường Lý Quốc Sư.

bạn từng dấu những cút rượu cuốc lủi (hay quốc lủi?)

cho nhạc sĩ Văn Cao.

thời bao cấp?

tôi cũng biết bạn tôi từng để dành

những củ lạc mẩy nhất,

cho nhà văn Nguyễn Tuân.

tôi chỉ không biết bạn đã bao lần ngồi quán ông Lâm Toét

với họa sĩ Bùi Xuân Phái?

có người kể với tôi,

đôi lần bạn cũng đã phải

để lại tranh, làm hình nhân thế mạng(?)

.

tin thì tin. không tin thì thôi *

 

.

không thể biết bao giờ chúng ta được gặp lại nhau?

trên quê hương, đất nước của mình.

nhưng tôi biết:

chúng ta đã gặp nhau giữa trái tim Saigon: chữ, nghĩa.

(hàng trăm năm trước. cả nghìn năm sau).

tôi biết bạn đã từng đi trên đường Trần Hưng Đạo

(khúc có hai rạp ciné kế cận nhau

và, một cái chợ nhỏ).

Hồng Thập Tự (đoạn chạy ngang hông Sở Thú)

tôi biết bạn cũng đã từng ở khu Thị Nghè.

tạm trú làng Báo chí Thủ Đức.

ngủ đỡ dăm đêm cư xá Thanh Đa.

ghé thăm ai đó, đường Trương Minh Giảng,

(chỗ ở sau cùng của mẹ tôi với người anh lớn!) 

đó là những nơi tôi trải qua năm, tháng cuối cùng ở quê nhà.

tôi nghĩ hồi đó, chúng ta đã gặp nhau. (nhiều lần?)

chúng ta từng ngồi chung một quán nhậu.

thản hoặc,

chúng ta cũng có cười với nhau.

dù không đứa nào nói một lời gì…

(sợ làm loãng khói, hương cuộc nhậu?)

.

tin thì tin. không tin thì thôi *

 

.

tôi không có khả năng đoán khẩu âm người đối diện

để suy ra sinh quán của người ấy.

nhưng tôi rất thích nghe giọng nói của bạn 

tuy đôi khi không kịp hiểu!.!

như chúng ta không hiểu những con đường, chim chóc, lá cây, hoa cỏ…

tỏ tình với chúng ta.

bí nhiệm trái tim,

thượng đế dành cho nhân gian.

những ngày cả gió!

những đêm mịt mùng không một ngấn sao!

tội nghiệp thay

những cánh tay quờ quạng vói, đuối hư không.

tin thì tin. không tin thì thôi. *

 

.

tôi rất thích nghe bạn tôi đọc hai chữ… “thì thôi!”

lúc chiếc mũ vải đính trên đầu

che dăm sợi tóc thưa. sớm bạc.

khi men-đời đã ngà ngà dẫn niềm vui / nỗi buồn (cùng lúc),

ngược / xuôi khắp cùng thân thể.

tôi vẫn nghĩ bạn tôi là một trong những đại-gia-chữ-nghĩa của Hà Nội

đem tình đi vương vãi khắp nơi…

mà không cần khuân, vác chữ trên vai.

như người ta quẩy đồ tế nhuyễn lúc ra khỏi nhà.

vì chữ, nghĩa của bạn tôi chính là những tế bào

làm thành con người, sự sống, hơi thở.

như hôm nay, bạn tôi vẫn còn ngồi đâu đó,

trên mặt đất rẫy đầy chết chóc, khổ đau này!

để chờ ngày gặp nhau…

thế nhé!

giữa quê nhà!

.

du tử lê,

(Calif. July 2017)

__________

(*) Thơ Nguyễn Trọng Tạo.

………………………………………………………………

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics