Những thiết bị chỉ đường GPS trong truyện ngắn Vũ Thư Hiên
Nguồn: Du Tử Lê/Người Việt – July 14, 2017
Bìa “Tuyển Tập Truyện Ngắn Vũ Thư Hiên.” (Hình: Người Việt)
(Tiếp theo và hết)
Khi tả da mặt của bà cô tên Lương, bước vào tuổi già, thay vì nói, với thời gian, làn da đó sạm đi và khô khốc, thì Vũ Thư Hiên lại liên tưởng tới màu của những bao giấy đựng xi măng và, một sợi râu bạc, “chui ra” từ nốt ruồi.
Ông viết: “Cô Lương chậm rãi pha trà. Giữa chúng tôi hơi trà ngào ngạt và ấm áp bốc trên miệng chén. Ở khoảng cách gần, tôi thấy cô già sọm – hai mắt lõm sâu, má hóp, da mặt đã có màu bao xi măng. Mấy chiếc răng cửa hơi đưa ra, vốn là cái duyên của cô, giờ xuống màu, với những khe rộng hơn trước. Giọng cô không còn trong, không còn cao, nó hơi mệt mỏi, khàn khàn. Từ nốt ruồi ở hàm bên phải chui ra một sợi râu bạc…”
Bên cạnh những nhận xét tinh nhạy với ít nhiều tính trào phúng, tiêu biểu cho từng loại người trong xã hội, tôi cũng rất thích những bút ký viết về những văn nghệ sĩ đàn anh, hoặc cùng thời với họ Vũ, như nhà văn Nguyễn Tuân, họa sĩ Phạm Tăng, nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, hay nhà văn Nguyễn Khải…
Viết về những văn hữu của mình, dù ở giai đoạn của dòng văn học Việt Nam, Vũ Thư Hiên, luôn cho tôi cảm tưởng trong trang văn của ông luôn ẩn tàng những thiết bị chỉ đường GPS. Nó dẫn tôi tới những dấu vết nhận dạng riêng từng người. Cũng có khi trong bút ký viết về nhân vật A, người đọc sẽ được thiết bị chỉ đường GPS của chữ, nghĩa Vũ Thư Hiên dẫn đến chân dung nhân vật B; cũng đậm nét, cũng khắc sâu những dấu vết nhận dạng của người đó.
Thí dụ, trọng tâm của bút ký “Phở Cá” là Nguyễn Tuân, vì đề cập tới vấn đề ẩm thực, nên vào bài, họ Vũ đã nhắc tới Thạch Lam. Ông viết: “…Tiếng tăm các vị trưởng thượng trong làng ăn uống thì nhiều, đọng lại trong văn chương, tôi vụng nghĩ, chỉ có hai: Thạch Lam và Nguyễn Tuân.”
“Hai nhà văn khác nhau ở chỗ một đàng chết trẻ, một đàng chết già, thành thử lớp hậu sinh cứ Thạch Lam trống không mà gọi, còn với Nguyễn Tuân thì người ta cung kính kêu cụ Nguyễn, ông Nguyễn, bác Nguyễn.”
“Có thể thêm vào đấy một cụ nữa là Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Nhưng cụ này khác hai cụ kia – Tản Đà là người lập dị trong chuyện ẩm thực, chứ không được con cháu liệt vào loại sành điệu. Cụ ưa bịa ra những món ăn cầu kỳ và siêu cầu kỳ, nghe sướng con ráy, nhưng người theo chân cụ ngày một thưa thớt.”
“Thạch Lam còn mãi là nhờ tài bốc tận mây xanh những món sang món hèn trong Hà Nội Ba Mươi Sáu Phố Phường (tại sao không gọi là băm sáu nhỉ, cho đúng cách Hà Nội?)”
“Vũ Bằng với ‘Thương Nhớ Mười Hai’ hay tuyệt, nhưng theo nhiều nhà điểm sách đáng kính thì chỉ là một Thạch Lam nối dài, chứ không hơn.”
“Nguyễn Tuân sống lâu hơn cái chết của ông, không kể những ‘Vang Bóng Một Thời,’ ‘Chùa Đàn,’ ‘Quê Hương’ tức ‘Thiếu Quê Hương’…, có phần còn nhờ đưa cách ăn uống bình dân lên hàng nghệ thuật, trong tùy bút “Phở” (…).”
“…Trong cái tùy bút không dài này ông khẳng định cả quan niệm lẫn tình yêu của mình đối với phở. Thành ra khi nói về phở mà không nhắc đến ‘Phở’ của Nguyễn Tuân là coi như thiếu đứt một mảng văn chương của ông (…).
“…Khi nào Nguyễn Tuân sướng lắm trong sáng tác ông mới rụt rè hỏi người đối thoại về đứa con tinh thần của mình ‘Anh thấy nó thế nào?'”
“Tôi nói tôi thích.”
“Ông ghé cái trán bóng về phía tôi thì thào: Bây giờ thiên hạ sính nói chuyện lập trường, mình lại nói chuyện phở mà không bị họ bắt bẻ, thế là tốt lắm rồi đấy…” (“Phở Cá,” trang 525, 526, 528).
Ở một bút ký khác, để kỷ niệm bốn năm (ngày 2 Tháng Mười, 2012) ngày bạn tù Nguyễn Chí Thiện qua đời, Vũ Thư Hiên viết:
“Nguyễn Chí Thiện tù cùng với tôi ở trại Phong Quang, Lào Cai. Tính về mức độ tàn bạo, nó chỉ đứng sau trại Quyết Tiến, hoặc còn gọi là Cổng Trời, ở Hà Giang (…).”
“Vào thời gian ấy chẳng ai trong chúng tôi, những người bạn tù của Nguyễn Chí Thiện coi anh là nhà thơ, mặc dù không ít thì nhiều chúng tôi đều được anh thì thầm đọc cho nghe thơ anh trong những buổi tối của đời tù đằng đẵng.” (“Nhớ Bạn Tù Nguyễn Chí Thiện,” trang 615, 616).
Nhờ ra tù sớm hơn bạn khoảng nửa năm, lại gặp được một bạn cũ, trước kia cùng là giảng viên khóa 6, trường Sĩ Quan Lục Quân Trần Quốc Tuấn, cho việc làm. Khi Nguyễn Chí Thiện ra tù, cần việc, lại không có vốn, họ Vũ đã nói với bạn, cho Nguyễn Chí Thiện được lấy hàng trước (bột nở), bán trước, trả tiền sau…
“…Nhờ buôn bột nở, Nguyễn Chí Thiện nhanh chóng trang trải được nợ nần, thậm chí còn dư chút đỉnh giúp họ hàng ở quê, giúp các bạn tù còn loay hoay tìm kế sinh nhai. Ấy là sau này Thiện tâm sự tôi mới biết.”
“Thiện rất sòng phẳng. Bán được nhiều rồi, tích được lãi làm vốn rồi, anh lấy hàng lần nào trả ngay lần ấy không dây dưa.”
Nhưng, chính lúc tác giả “Hoa Địa Ngục” tương đối được thong thả về tài chính thì, đó cũng là lúc tai họa bất ngờ ập đến. Theo nhà văn Vũ Thư Hiên thì, đó là lần Nguyễn Chí Thiện dồn hết tiền bạc cho chuyến buôn “bột nở” từ miền Bắc vào trong Nam. Bị cơ quan thuế vụ tịch thu toàn bộ lô hàng.
Đấy cũng là thời gian Nguyễn Chí Thiện chép lại những bài thơ làm trong tù, rồi đột nhập Tòa Đại Sứ Anh, nhờ họ chuyển ra nước ngoài tập “Hoa Địa Ngục.” Vì thế, ông bị tù trở lại.
Gần cuối “Tuyển Tập Truyện Ngắn Vũ Thư Hiên,” tác giả viết về một người bạn văn khác của ông: Nhà văn Nguyễn Khải.
Đây là một nhà văn từng được những người cùng thời ở cả hai miền Bắc/Nam e ngại, đề phòng, xa lánh vì tính chất công khai phục vụ chế độ của ông ta (3). Vậy mà cuối đời, thật bất ngờ khi Nguyễn Khải để lại bài viết “Đi tìm cái tôi đã mất.”
Bằng vào tình thân và dùng tâm lý học, họ Vũ đã “giải mã” trường hợp văn nô Nguyễn Khải, một nhà văn, phải sống giả, phải tiêu những đồng bạc giả cho khi xuôi tay, nhắm mắt:
“…Khải có con mắt quan sát sắc sảo, có tài viết ra những gì mắt anh thấy. Anh đã chiều theo cái tài của mình để nó được thiên hạ biết đến rằng nó có mặt. Anh viết, bắt đầu bằng những bài báo tường, rồi báo giấy, rồi những cuốn sách. Anh sinh ra trong một thời đại đặc biệt khe khắt với mọi sản phẩm chữ nghĩa. Mọi thứ viết đều phải nhất nhất tuân theo ý người cai trị xã hội. Viết khác ý nó thì nó đập cho kỳ chết. Anh muốn phô cái tài của mình thì anh phải làm ra những cái mà nó muốn. Thế là người đọc có một nhà văn Nguyễn Khải như ta đã biết. Một thằng nịnh, một thằng hèn, một văn nô, như nhiều người nghĩ.”
“Khải thèm viết để chiều cái tài thiên phú. Dần dà cái sự thèm ấy trở thành một bản năng được cấy ghép vào người. Nói cách khác, nó là một thứ ma túy, không có nó không sống được. Đã bập vào nó khó dứt ra lắm. Khải đã bập vào, đã vật vã, đã không dứt ra được. Mãi cho tới cuối đời.”
“‘Đi tìm cái tôi đã mất’ đến với tôi khi Khải không còn. Tôi đã ở rất xa, cả quá khứ lẫn địa lý. Với bài viết này, Khải bộc bạch những suy nghĩ được giấu kín trong lòng. Không thể tưởng tượng nổi nhà văn được coi là con yêu của đảng lại có thể nói toạc về đảng mình đến thế này: ‘Nói dối lem lém. Nói dối lì lợm, nói không biết xấu hổ…'”
Và điều họ Vũ rút ra được từ Nguyễn Khải, cuối đời qua “Đi tìm cái tôi đã mất” là: “‘Bất cứ nhà nước nào lấy học thuyết xã hội hay tôn giáo thay cho hiến pháp thì trước sau sẽ chuyển đổi thành nhà nước chuyên chế.’ Và ‘Những gì mà chủ nghĩa cộng sản hứa sẽ thành hiện thực trong tương lai thì cái hiện thực ấy sẽ giết chết cả loài người.'” (“Nguyễn Khải – Vài kỷ niệm,” trang 672).
***
Tôi tin, độc giả sẽ tìm thấy rất nhiều thiết bị chỉ đường GPS trong “Tuyển Tập Truyện Ngắn Vũ Thư Hiên” do Người Việt Books ấn hành, như một trong những quà tặng tinh thần đáng kể nhất của năm 2017 này mà, Người Việt Books đã gửi tới những người yêu sách.
Du Tử Lê
—-
Chú thích:
(3) Sinh thời, nhà văn Mai Thảo từng cảnh giác: Trong số những nhà văn Hà Nội vào sinh hoạt ở miền Nam tiếp xúc với văn giới Sài Gòn thì, Nguyễn Khải là tay nguy hiểm nhất.
……………………………………………………………………………..
VNTB – Bi kịch một đời thơ Chế Lan Viên
Chế Lan Viên, forums, news, Phùng Hoài Ngọc, VNTB
Nguồn:vietnamthoibao.com– 23.7.17
Giang Nam (VNTB) Trong giàn thơ “cách mạng” thế kỷ 20, Tố Hữu và Chế Lan Viên là hai cây bút chiếm vị trí đặc biệt. (Tố Hữu ngồi riêng một chiếu một mâm, là quan chức cao cấp làm thơ. Nghề chính của Tố là chính trị, làm thơ chỉ là tay trái, vậy không bàn về ông ta như một nhà thơ nữa). Chế Lan Viên là công chức làm thơ, lãnh lương. Làm thơ là công việc chủ yếu, và làm báo văn nghệ (Không kể ông ấy đã làm đại biểu quốc hội tới 3 khoá liền, nhưng đi họp QH chỉ là dịp “tranh thủ ngồi nghĩ thơ”, chừng nào nghe chủ toạ hô thì giơ tay biểu quyết đồng ý, nên cũng không coi ông là chính khách). Do đó dịp này chỉ bàn về Chế Lan Viên như một nhà thơ đúng nghĩa, danh chính ngôn thuận.
Chế Lan Viên ký họa
Quá trình làm thơ của Chế Lan Viên gồm ba giai đoạn.
Giai đoạn 1, Chế Lan Viên thường gọi nhà thơ tiền chiến, với tập thơ “Điêu tàn” tiêu biểu, sau là tập tản văn “Vàng sao”.
Giai đoạn 2, chiếm trọn lứa tuổi trưởng thành sung sức tới khi nghỉ hưu. Được gọi tên là “nhà thơ cách mạng”. Sau 1954 tập kết ra Bác, làm tuyên huấn một thời gian rồi chuyển sang báo Văn nghệ, Hội nhà văn.
Thành tích thơ văn cách mạng của Chế Lan Viên:
– Khoảng hơn 1 chục tập thơ,
– Khoảng gần 1 chục tập tản văn, bút ký (xã hội, chính trị, thời sự),
– Khoảng 1 chục tập văn phê bình, lí luận văn học (văn nghệ)
Giới nghiên cứu phê bình văn học đương thời thống nhất chỉ ra một nét cơ bản của thơ Chế Lan Viên: “nhà thơ trí tuệ”. “Danh hiệu” này là con dao hai lưỡi, một lưỡi là ca tụng chất trí tuệ dồi dào của cây bút, hai là: vô hình trung chê Chế không phải nhà thơ (điều này ngoài ý muốn của giới nghiên cứu đương thời). Bởi, đặc trưng của Thơ là cảm xúc, không phải trí tuệ. Trí tuệ là đặc trưng nhà triết học, nhà tư tưởng. Nhưng Chế chưa bao giờ có đóng góp vào nền triết học. Hoá ra cả đời Chế loay hoay muốn làm nhà triết học, ông chỉ dùng hình thức thơ để chuyển tải triết lý. Ăn cây táo rào cây lê. Toàn là triết lý vụn vặt, nguỵ biện, tư biện. Nhìn lại ba chục tập sách của ông thì rõ: chục tập thơ chỉ là cách thơ hoá sự nghiền ngẫm triết học, đồng bản chất với hai chục tập văn kia. Rút cục, cái quan định luận, không biết bây giờ phải gọi ông là “nhà” gì cho thích đáng.
Đọc bài thơ “cách mạng” cuối cùng.
1975: “Ngày vĩ đại” – bài thơ nghênh ngáo và bạc bẽo với máu xương. (Viết ngày 3/5/1975, in trong tập thơ “Hái theo mùa” (1976),
“Tỉnh thức vĩ đại mà cứ ngỡ cơn mơ vĩ đại,
Có phải ta vừa giành lại non sông, có phải ?”
Ngôn từ khoa trương cường điệu, thủ pháp lạ hoá của Chế là một đặc trưng thi pháp của ông. Cảm xúc giả tạo. Cái gì ông thích thì đều là “vĩ đại”! Ngày 30/4 ấy, với nghệ sĩ Văn Cao đó là “mùa bình thường, mùa vui nay đã về”. Với ông cụ thân sinh của tôi, 30/4 là ngày ông thắp nhang khấn vái tổ tiên và bảo tôi “Hai thằng anh mày sống rồi, sắp về nhà rồi, con ạ” (hai anh tôi đang ở chiến trường miền Nam).
Dẫu sao, vô ý mà Chế Lan Viên đã nói một điều rất thực vốn bị che giấu dưới những lý tưởng đẹp đẽ, cao cả của giới tuyên truyền. Ngày 30/4là ngày giành giật được tất cả đất đai lãnh thổ:
“Ta chưa xong một câu thơ thì đã thu hồi hàng trăm dặm đất
Tổ quốc thu về bán đảo Sơn Trà và những Ngũ Hành Sơn”
Ngoặt một cái ta có gấp đôi đất và gấp đôi trời bể”
Rồi, Chế lại rơi trở lại khoa trương cường điệu, chém gió:
“Ngoặt một cái ta lành nghìn vết thương Bến Hải
Ngoặt một cái sạch hết bùn, chỉ có hoa sen.
Ta vứt hết thương đau và thành vĩ đại”.
Bao nhiêu núi xương sông máu đổ ra 20 năm mà nhà thơ viết “ngoặt một cái”, như ông ta bật cái công tắc đèn. Câu này lại viết đúng về sự bạc bẽo “Ta vứt hết thương đau” !?
Nhà thơ và Điêu Tàn
Suốt bài thơ dài, là lí luận miên man chắp vá về lịch sử dân tộc như một cây bút cuồng ngôn (chúng tôi không đủ kiên nhẫn dẫn lại nữa).
Chế viết phần Kết.
Với mọi bài thơ, phần Kết là quan trọng nhất.
Chế không hề viết một chữ đến nỗi đau hàng triệu chiến sĩ và hàng triệu thân phận tổn thất vì chiến tranh.
Vậy, ông Chế nghĩ đến ai?
Đây này:
“Đất nước vinh quang thì đã vắng Bác rồi
Máu lòng Người đau tận chót Cà Mau
Miệng Người đắng vì bát cơm Phú Lợi
Tóc bạc phơ nhanh từng sợi trên đầu”.
Sau đó, Chế thương cảm đến “mái tóc”các Lãnh tụ khác:
“Ba mươi năm, cho tôi kính chào các Anh tôi những mái tóc trắng màu,
những mái tóc hoa râm
Khi theo Bác ra đi, tóc các Anh còn xanh, bây giờ tóc bạc”.
Tôi không tin. Tôi nghi ngờ cảm xúc của nhà thơ là giả tạo, vào cái ngày chấm dứt chiến tranh ấy. Đó chỉ là thơ nịnh. Chao ôi đến giờ này còn nịnh, riết thành quen rồi !
Kết
Bài thơ “Ngày vĩ đại” Chế viết ngày 3 tháng 5 năm 1975. Có lẽ, còn bao hơi sức “cách mạng” ông trút ra hết để rồi sau đó khép hẳn lại hai giai đoạn chính của đời thơ “tiền chiến” và “cách mạng”.
Sau bài thơ trên, nhà thơ sẽ bế tắc, lúng túng, sượng sùng và bước vào giai đoạn Di cảo.
Giai đoạn 3: Di cảo
Năm 1987: “Ai ? Tôi !”- bài thơ dũng cảm, bức xúc, nhận lỗi.
Ai? Tôi!
(Chế Lan Viên)
Mậu Thân 2000 người xuống đồng bằng
Chỉ một đêm, còn sống có 30
Ai chịu trách nhiệm về cái chết hai nghìn người đó?
Tôi !
Tôi – người viết những câu thơ cổ võ
Ca tụng người không tiếc mạng mình
trong mọi cuộc xung phong.
Một trong ba mươi người kia ở mặt trận về, sau mười năm
Ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ
Quán treo huân chương đầy mọi cỡ,
Chả huân chương nào nuôi được người lính cũ!
Ai chịu trách nhiệm vậy?
Lại chính là tôi !
Người lính cần một câu thơ giải đáp về đời,
Tôi ú ớ.
Người ấy nhắc những câu thơ tôi làm người ấy xung phong
Mà tôi xấu hổ.
Tôi chưa có câu thơ nào hôm nay
Giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ
Giữa buồn tủi chua cay vẫn có thể cười
(Rút trong sổ tay thơ tập 5 của tác giả năm 1987)
Lời bình của Thuỳ Anh khi đọc Di cảo Chế Lan Viên
Trong những ngày tháng Bảy này, người ta nói nhiều đến việc tri ân liệt sĩ bằng việc dâng hương tưởng niệm, đến thăm các gia đình thương binh liệt sĩ… Nhưng có một việc mà họ đã quên, hay là cố tình quên đi, đó là trách nhiệm với vấn đề dân tộc hôm nay. Tri ân không phải chỉ là những hành động mang tính hình thức đó, mà phải là những việc làm thiết thực vì cuộc sống của nhân dân. Môi trường bị tàn phá, những công trình nghìn tỉ đắp chiếu, những dự án xây dựng méo mó với kinh phí cao gấp nhiều lần bình thường, biển đảo bị xâm chiếm v.v… Những điều đó đang diễn ra, và thủ phạm vẫn nhởn nhơ tại vị, không những không nhận trách nhiệm, mà còn ngang nhiên tiếp tục lộng quyền! Sự hy sinh của những người lính là vì những con người như vậy ư? Vì một cuộc sống như thế sao?
Từ trái: Thép Mới, Nguyễn Tuân, Chế Lan Viên, Đỗ Quảng và Huy Cận
Tôi chợt nhớ đến mấy câu này của nhà thơ “thần đồng” Trần Đăng Khoa:
“Nhân dân là mác là chông. Là sông là núi cũng không là gì”. (trích “Chả lẽ ông Chủ tịch thành phố Hà Nội không có lỗi gì trong vụ chặt cây” – FB.Trần Đăng Khoa).
Sự hy sinh của những người lính (…), thế nhưng gia đình liệt sĩ thì người mất đã mất, người còn thì sống trong tàn tạ của đói nghèo và đau thương. Thương binh, lính chiến trở về thì lay lắt với đủ nghề bé mọn. Không ấm, chẳng no! Không tiền, không quyền! Chỉ có “quá khứ hào hùng” còn vang vọng trong tiếng súng nổ, bom rơi váng óc còn mãi ám ảnh không dứt. Sâu thẳm tâm linh nhà thơ Chế Lan Viên đã xấu hổ và xót xa vì sự hy sinh của những người lính ấy dường như là phi lý, bởi hiện thực cay đắng này! Độc lập dân tộc đã có, nhưng vẫn thiếu hạnh phúc, ấm no”.
Lời bình của Giang Nam
Qua bài thơ ” Ai?- Tôi!”, Chế Lan Viên đã nhận trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm nhà thơ, không đổ thừa cho ai cả ; Mặc dù nhà thơ có quyền truy cứu đến cùng đích danh thủ phạm.
Giới nghiên cứu văn học, mỹ học đã đúc kết ra 6 loại bi kịch của con người thường được thể hiện trong lịch sử văn học nghệ thuật. Chế Lan Viên thuộc loại bi kịch hỗn hợp giao thoa của ba loại bi kịch: Bi kịch vỡ mộng, bi kịch của sự lầm lẫn, bi kịch của sự cả tin.
Nhà thơ Chế với tập Di cảo đã có một cố gắng cuối cùng, phá vòng vây bi kịch thoát ra. Cây bút Vũ Thị Thường vợ ông đã cố gắng giữ gìn di cảo và đưa tới nhà xuất bản, thực hiện di nguyện của ông. Đó là điều đáng ghi nhận ở bà.
Bi kịch Chế Lan Viên xứng đáng điển hình cho bi kịch văn nghệ sĩ “cách mạng” Việt Nam.
Tiếc thay, những nhà thơ phản tỉnh, nhận lỗi công khai còn quá ít, đếm chưa đủ ngón bàn tay *[3] trong đội ngũ cả nghìn cây bút thời chiến tranh. Bên cạnh Chế Lan Viên, hiếm có một nhà giáo dạy Văn đại học như GS Trần Đình Sử đã lên tiếng xin lỗi cựu sinh viên về những bài giảng ấu trĩ thời xưa của ông. Phần lớn họ giữ im lặng. Nói làm sao bây giờ ! Nhưng chưa nói thì chưa thể nhẹ lòng, vẫn còn mang đó nỗi hận dài.
Phải chăng họ còn nợ những người ngã xuống một câu Kiều:
Nợ tình chưa trả cho ai
Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan.
Chú thích
[1]* . Đọc một đoạn bài thơ “Cáí sọ người:”Ta muốn cắn mi ra từng mảnh nhỏ /Muốn điên cuồng nuốt cả khối xương khô / Để nếm lại cả một thời xưa cũ/ Cả một dòng năm tháng đã trôi xa!”. Nhà thơ tỏ lòng thương tiếc vương quốc Champa quá vãng trong lịch sử thực ra chỉ là biểu hiện của chủ nghĩa hư vô lịch sử. Vô ích ! Người dân Chăm cũng chẳng cần đọc thơ này làm gì nữa.
[2]* . Trích tản văn Vàng sao: “Mở chiếc áo để tìm vú mẹ, ta băn khoăn mở đôi cánh cửa, tìm trời. Chỉ một cử chỉ đó thôi mà ta tưởng đã lìa bỏ một cái gì để đưa mình vào một cái gì khác lạ. Thật thế, cách đây ba bước, ấy là phiền hà sâu bọ của cuộc đời: bữa cơm không ngon, đôi giày sắp thủng, bức thư nhạt nhẽo của cô nhân tình, tánh hạnh ngỗ nghịch của mấy ông học trò khó dạy. Nhưng bây giờ ta đã có một cõi khinh thanh”.
[3]* . Có thể kể một số cây bút phản tỉnh tiêu biểu: Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Khải, Trần Quang Huy, Lưu Quang Vũ, Bảo Ninh, Dương Hương Ly…
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả
…………………………………………………………………………….