1.Nhạc sĩ Lê Hựu Hà-t.t và hết(DTL)2.Tô Thùy Yên,..tiếng thơ lớn..(DTL)

Giải mã cái chết đã phân hủy của Lê Hựu Hà
Nguồn:nguoiviet.com- Friday, April 8, 2016 2:13:41 PM

Du Tử Lê

(Tiếp theo và hết)

cai chet lhh.jpg1

(Hình: trandangchi.blogspot.com)

Mặc dù tài năng sáng chói, được dư luận, những người cùng giới ghi nhận là một trong “tam kiệt nhạc trẻ Việt” nhưng, những năm tháng cuối đời của nhạc sĩ Lê Hựu Hà, lại là một cuối đời chát, đắng phũ phàng tới mức không ai có thể tưởng tượng được! Tôi muốn nói tới sự quay lưng thẳng thừng, tàn nhẫn của bằng hữu họ Lê – – Gồm cả những người từng được ông nâng đỡ, hướng dẫn bước đầu, trên lộ trình âm nhạc – Mà, nhiều người sau đó, nổi tiếng và trở thành những bầu show quan trọng.

Sự quay lưng tàn nhẫn, khó hiểu này, đã khiến người vợ sau cùng của ông, ca sĩ Nhã Phương, phải thốt lên trong một cuộc phỏng vấn dành cho 1 nhà báo ở Saigon, 10 năm sau… Ðại ý:

“Có bầu show đã nói thẳng với Nhã Phương rằng, tôi mời chị, nhưng không mời anh Lê Hựu Hà…”

Nhã Phương tâm sự:

“Tôi có cảm tưởng họ muốn làm nhục anh ấy vậy!”

Dù đã có rất nhiều bút mực không ngừng đổ ra hơn mười năm qua, nhưng không một bài báo, một cuộc điều tra nào, mang đến cho người đọc một chút ánh sáng soi rọi đủ vào cái chết thê thảm của tài hoa Lê Hựu Hà!!!

Tôi nghĩ, phải đợi 12 năm sau, nhân kỷ niệm ngày mất sau 12 năm của bạn mình là nhạc sĩ Lê Hựu Hà, nhạc sĩ Tuấn Khanh, trong Tuankhanh blog mới trả lời cho linh hồn họ Lê, cho Nhã Phương, người bạn đời sau cùng của họ Lê và, nhất là cho hàng triệu người hâm mộ tài hoa tác giả “Hãy yêu nhau như chưa yêu lần nào.” Tôi hy vọng nỗ lực giải mã của Tuấn Khanh, sẽ giúp cho linh hồn họ Lê được siêu thoát về cõi vĩnh hằng.

Phần giải mã của nhạc sĩ Tuấn Khanh, dành cho Lê Hựu Hà, từ khởi đầu sự nghiệp tới ngày âm thầm “đi xa,” có thể tóm tắt như sau:

-Rất khó biết là nhạc sĩ Lê Hựu Hà qua đời vào lúc nào. Theo báo cáo pháp y, người ta chỉ tìm thấy ông vào ngày 11 tháng 5, 2003, nhưng dự đoán thời gian qua đời có thể từ 5 ngày trước. Lê Hựu Hà là một người cô đơn. Và những ngày cuối đời của ông lại càng cô đơn hơn khi đi về chỉ một mình, đóng cửa lặng lẽ đọc sách, nghe nhạc, mở ti vi cho có tiếng người chung quanh mình. Chính vì ti vi vẫn mở suốt nhiều ngày liền, nên chung quanh hàng xóm không ai ngờ rằng ông đã qua đời. Chỉ đến khi vài người bạn đến tìm, gọi chuông không được thì sau đó mọi người mới phát hiện rằng ông đã đi rất xa rồi.

-Câu hỏi đó thật khó trả lời. Phượng Hoàng sinh ra từ lửa và hóa kiếp trong lửa, tuần hoàn vô lượng. Nhưng để nhận biết là điều bất khả. Thật khó hình dung nền nhạc trẻ Việt Nam thập niên 60-70 nếu không Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang, Elvis Phương,… thì hôm nay sẽ là gì? Ban nhạc Phượng Hoàng của Lê Hựu Hà thành lập năm 1963, với chủ trương dứt khoát của Lê Hựu Hà là “người Việt phải chơi nhạc Việt,” nhằm tạo một khuynh hướng khác biệt với hàng loạt các nhóm nhạc trẻ lúc đó, phần lớn đang cover lại các bài hát ngoại quốc, và lấy tên tiếng nước ngoài như The Enterprise, CBC, The Dreammers, Les Vampires,… nhạc trẻ thuần Việt được coi như khai sinh từ đó. Nếu lịch sử âm nhạc Anh Quốc có cột mốc vĩ đại từ cuộc nói chuyện vô tình trên tàu điện giữa Paul McCartney và John Lennon, thì ở Việt Nam cũng có chương lịch sử âm nhạc kỳ thú từ sự kết nối giữa Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang.

-Trong các nhạc phẩm của Lê Hựu Hà, là niềm yêu tha nhân dù khổ đau vẫn phải gìn giữ như một định mệnh “Hãy cứ yêu thương người – dù người không yêu ta.” Từ cảm giác đó, Lê Hựu Hà bước theo lộ trình nhận thức thế giới không khác gì John Lennon từ việc viết về tình yêu cho đến hát về người nghèo khó, về một cuộc sống đầy súng đạn và hận thù. Hãy Nhìn Xuống Chân hay Lời Người Ðiên… là một dòng phát triển rất đặc biệt của nhạc sĩ Lê Hựu Hà bên cạnh những bài tình ca nhạc trẻ độc đáo của ông. Chỉ tiếc là sau 1975, chế độ kiểm duyệt của nhà nước Cộng Sản đã bóp chết không ít niềm cảm hứng và sự phát triển của nhiều văn nghệ sĩ, trong đó có nhạc sĩ Lê Hựu Hà.

cai chet lhh 2.jpg1
Nhạc sĩ Lê Hựu Hà.

-Có một điều không may cho nhạc sĩ Lê Hựu Hà là sau 1975, có một trung tâm sản xuất băng nhạc chống Cộng lấy tên Phượng Hoàng, cho ra chương trình và gửi vào trong nước. Trong thời buổi còn chưa đủ sức phân biệt được trắng đen, công an đã coi nhạc sĩ Lê Hựu Hà như là một trong những thành phần sản xuất chương trình đó. Ðã vậy, có lúc ông còn bị Sở VHTT Cộng Sản những ngày đầu kiểm soát miền Nam nhầm lẫn tên ban nhạc của Lê Hựu Hà và hệ thống tình báo Phượng Hoàng của VNCH.

-Hai điều đó hoàn toàn không liên quan. Ủy Ban Tình Báo Phượng Hoàng, vốn là tên gọi khác của Intelligence and Operations Coordinating Centre, do giám đốc CIA thời đó là William Colby dựng nên, hoạt động từ 1967 và chấm dứt vào 1973. Vốn đã bất đắc chí vì thời cuộc, việc bị truy vấn bởi công an mật vụ liên tục trong thời gian đó đã khiến nhạc sĩ Lê Hựu Hà trở nên trầm uất, và luôn lo sợ. Thậm chí, khi đi đường, nghe tiếng còi của cảnh sát giao thông cũng làm ông kinh hoảng, dừng xe, dù đó không phải là chuyện của ông. Ðã vậy, sau năm 1968, bị gọi nhập ngũ, nhạc sĩ Lê Hựu Hà đến học tại trường Bộ Binh Thủ Ðức, rồi làm việc ở Cục Quân Nhu, và dù không cầm súng bắn phát nào, nhưng do mang lý lịch là “ngụy quân” nên sự nghiệp của ông không bao giờ có thể nối tiếp trọn vẹn được nữa.

-Những khó khăn từ vật chất cho đến đời sống tinh thần vẫn đeo đuổi đến tận ngày nhạc sĩ Lê Hựu Hà qua đời, dù tài năng của ông vẫn chinh phục mọi giới. Những tác phẩm mới sáng tác sau 1975 như Vào Hạ, Ngỡ Ðâu Tình Ðã Quên Mình, Vị Ngọt Ðôi Môi,… luôn gây nên những cơn sốt trong thính giả. Nhưng cũng ít ai biết rằng các bài hát như Hãy Yêu Như Chưa Yêu Lần Nào là bài hát viết cho phim Vết Chân Hoang (chuyển thể từ tiểu thuyết Tuổi Choai Choai của Trường Kỳ), được sửa lời và chút ít giai điệu. Bài Lời Trái Tim Muốn Nói cũng là một ca khúc viết lại một văn bản cũ, trong đó ông lặng lẽ để vào chút tâm tư của mình, qua những câu chữ như “những tháng năm không có ngày vui.”

-Năm 1999, khi đang là thành viên trong ban nhạc Phiêu Bồng của nhạc sĩ, tôi cầm lấy những bài hát của ông và đi đến nhiều hãng băng đĩa, đề nghị làm album tác giả, nhưng mọi nơi đều lắc đầu, nói khéo. Chân thật nhất là một biên tập viên của xí nghiệp băng đĩa nhạc Sài Gòn Audio, hãng phim Bông Sen, đã nói thẳng thừng “Lê Hựu Hà là một người nhân thân có vấn đề.” Sau này, khi nhạc sĩ Lê Hựu Hà căn vặn hỏi mãi, tôi đành phải kể lại. Ông mỉm cười nhã nhặn và buồn. Sau đó, ngay khi tập bài cho các buổi diễn, tôi đề nghị chơi lại những bài hát nhẹ nhàng, không bị soi mói về quan điểm chính trị như Tôi Muốn, Yêu Em,… ông chỉ lắc đầu, cười nhẹ. Khó biết được đằng sau cặp kính của người nhạc sĩ hết sức uyên bác đó là những suy nghĩ gì về cuộc sống khốn khó này.

-Giờ đây khi tìm kiếm trên Internet, thấy những tấm ảnh sau 1975 của ông, lòng tôi chợt chùng lại. Ðể mừng một ngày sinh nhật của nhạc sĩ Lê Hựu Hà, tôi “dỗ” ông cho chụp vài tấm ảnh, tự mình design bìa CD cho ông, gom những bài hát làm thành một đĩa master rồi đi tìm Tuấn – biệt danh là Tuấn Chó (do có logo thương hiệu bầy chó đốm), một trong những ông trùm sản xuất CD lậu thời đó ở Sài Gòn, nhờ chép ra phát hành giùm. Thật buồn cười và mỉa mai, khi người nhạc sĩ cầm lấy những bài hát của mình được lén lút phát hành bất hợp pháp ngay trong đất nước của mình, và cười như một hạnh phúc…

-Tài sản lớn nhất, và có lẽ vĩ đại nhất đất nước, là bộ sưu tập đĩa nhựa âm nhạc của ông. Tất cả những đĩa quý nhất của thế giới, những ấn bản hạn chế của Rolling Stones, Beatles,… ông đều có đủ và luôn làm bạn bè kinh ngạc ngưỡng mộ. Thế nhưng một ngày mùa Hè cách mạng, các nhân viên Sở Văn Hóa Thông Tin đã ập đến lục soát và tịch thu, theo “tố giác của quần chúng nhân dân.” Nhìn từng chiếc xe ba gác chồng chất các bản đĩa mà ông nâng niu, chở ra đi, là một trong những điều suy sụp lớn của đời ông. Nhạc sĩ Bảo Chấn kể rằng đời ông chưa bao giờ hoảng sợ bằng nhìn thấy hình ảnh nhạc sĩ Lê Hựu Hà ngồi gọi rượu đế ra uống một mình, trầm ngâm và khóc. Ðó là lần uống rượu duy nhất trong đời của người nhạc sĩ chơi rock, Phật tử và không biết thuốc lá, rượu bia… (Nđd)

Tôi tin tưởng rằng, bài viết “kỷ niệm 12 năm ngày mất Lê Hựu Hà” của nhạc sĩ Tuấn Khanh, chí ít, cũng sẽ giúp cho linh hồn họ Lê siêu thoát về miền vĩnh hằng. Vì, ai rồi cũng chết, chế độ, chủ nghĩa nào, rồi cũng sẽ qua đi, chỉ những tài hoa, gấm vóc mọi tài năng ở tất cả các lãnh vực của dân tộc là, còn lại.

(Tháng Tư 2016)

Du Tử Lê

………………………………………………………………………

Tô Thùy Yên, một trong những tiếng thơ lớn, của 20 năm văn chương miền Nam.

Tác giả Du Tử Lê (nguồn:dutule.com- 07/23/2015-)

nha tho TTY

Tô Thùy Yên, theo tôi, là một trong những nhà thơ của 20 năm văn học miền Nam, có ảnh hưởng rộng, lớn. Cái ảnh hưởng rộng, lớn ông có được, không phải vì ông cùng với Thanh Tâm Tuyền là hai “mũi nhọn xung kích” thổi bùng ngọn lửa thơ tự do ở miền Nam, như một số người ngộ nhận.

Sự thực, cùng với Thanh Tâm Tuyền, những người tận hiến tâm huyết mình, cho mục đích xiển dương thơ tự do ở miền Nam (giới hạn trong phạm vi tạp chí Sáng Tạo,) là Quách Thoại, Trần Dạ Từ, Trần Lê Nguyễn, Đỗ Quý Toàn, Ngọc Dũng, Người Sông Thương (bút hiệu của Nguyễn Sĩ Tế)… chứ không phải là Tô Thùy Yên. Những bài thơ của ông, được yêu thích nhất, cũng không phải là những bài thơ Tự Do mà, lại là thơ vần, điệu. Hoặc những bài ông dung hòa được đặc tính của thơ tự do và thơ cũ (như một số tác giả cùng thời khác đã thành công. Điển hình, như cố thi sĩ Nguyên Sa.)

Duyệt lại hành trình thi ca Tô Thùy Yên, 20 năm văn chương miền Nam, căn cứ trên mấy chục số tạp chí Sáng Tạo, từ bộ cũ đến bộ mới; bên cạnh những bài thơ tự do (rất ít), thì hầu hết những bài thơ ký tên Tô Thùy Yên là thơ có vần, điệu. Đôi khi vần, điệu của ông, nơi những bài thơ ấy, còn chặt chẽ hơn cả những thi sĩ thời tiền chiến nữa. Trong thể loại này, Tô Thùy Yên trội, bật nhất là thể thơ 7 chữ.

Bài thơ đầu tiên(?) của Tô Thùy Yên được giới thiệu trên Sáng Tạo, gây tiếng vang lớn và, dư âm của nó, kéo dài nhiều năm sau, là “Cánh đồng con ngựa chuyến tàu” viết tháng 4 năm 1956.

Bài thơ này có tất cả 15 câu, toàn vần “au.” Rất chặt chẽ. Bài thơ, nguyên văn như sau:

“Trên cánh đồng hoang thuần một mầu
Trên cánh đồng hoang dài đến đỗi
“Tàu chạy mau mà qua rất lâu.
“Tàu chạy mau, tàu chạy rất mau.
“Ngựa rượt tàu, rượt tàu, rượt tàu.
“Cỏ cây, cỏ cây lùi chóng mặt.
“Gò nổng cao rồi thung lũng sâu.
“Ngựa thở hào hển, thở hào hển.
“Tàu chạy mau, vẫn mau, vẫn mau.
“Mặt trời mọc xong, mặt trời lặn.
“Ngựa gục đầu, gục đầu, gục đầu.
“Cánh đồng, a! cánh đồng sắp hết.
“Tàu chạy mau, càng mau, càng mau.
“Ngựa ngã lăn mình mướt như cỏ,
“Chấm giữa nền nhung một vết nâu.” (1)

Tôi nghĩ, có thể vì tính liên tục của cuộc rượt, đuổi giữa con ngựa và, chuyến tàu, nên tác giả đã cố tình không phân đoạn bài thơ của mình(?)

Nếu phân đoạn bài thơ trên với 4 câu cho mỗi khổ thơ, chúng ta sẽ có tất cả 4 khổ, mà khổ thơ chót, chỉ có 3 câu (Như thể đánh dấu sự bỏ cuộc, gục ngã bất ngờ, phút chót của ngựa?!.)

Dựa trên việc phân đoạn, để sự tìm hiểu bài thơ dễ dàng hơn; ghi nhận đầu tiên của tôi là, Tô Thùy Yên đã dùng âm “trắc” cho chữ cuối cùng của câu thứ hai – – Nhưng không phải để hiệp vần “trắc” với chữ cuối cùng của câu thứ tư – – Mà, nó chỉ là sự chuyển đổi vị trí. Bởi vì, ông vẫn cho hiệp vần “bằng” của các chữ cuối, ở những câu thứ nhất với các câu thứ ba và, thứ tư.

Nói về thơ 7 chữ, cũng như nói về thơ lục bát, những người có kinh nghiệm với cuộc chơi “chọn vần, lựa chữ,” đều hiểu rằng, ngoài luật định hiệp vần, còn có luật định về nhịp điệu riêng của thể thơ này. .

Nhìn lại những nhà thơ tiền chiến, từng được mô tả là thành công với thể thơ 7 chữ, tôi nghĩ, chúng ta có thể nhắc tới Huy Cận, với bài “Tràng giang.”

Khổ thơ thứ nhất của bài “Tràng giang”, như sau:

“Sóng gợn tràng giang / buồn điệp điệp,
“Con thuyền xuôi mái / nước song song.
“Thuyền về nước lại, / sầu trăm ngả;
“Củi một cành khô / lạc mấy dòng.” (2)

Tôi dùng dấu gạch chéo / slash để phân nhịp cho mỗi câu thơ. Kết quả, tất cả 4 câu thơ này, đều có nhịp 4/3.

Bước qua một bài thơ 7 chữ khác, cũng của Huy Cận, ta thấy, chúng cũng có chung một nhịp 4/3 như thế. Như bài “Vạn lý tình.” Cũng đoạn thứ nhất:

“Người ở bên trời, / ta ở đây;
“chờ mong phương nọ, / ngóng phương nầy.
“Tương tư đôi chốn / tình ngàn dặm,
“Vạn lý sầu lên / núi tiếp mây.” (3)

Nhịp 4/3 cũng là nhịp của hầu hết những bài thơ 7 chữ của Lưu Trọng Lư. Tôi xin chọn bài 7 chữ của ông, quen thuộc nhất với chúng ta. Bài “Nắng mới”:

“Mỗi lần nắng mới / hắt bên song,
“Xao xác gà trưa / gáy não nùng;
“Lòng rượi buồn theo / thời dĩ vãng,
“Chập chờn sống lại / những ngày không.” (4)

Ngay Xuân Diệu (người được coi là luôn có những đổi mới đáng kể về hình thức, cũng như tu từ,) cũng dùng nhịp 4/3 cho thơ 7 chữ của ông:

“Tôi nhớ Rimbaud / với Verlaine
“Hai chàng thi sĩ / choáng hơi men
“Say thơ xa lạ, / mê tình bạn,
“Khinh rẻ khuôn mòn, / bỏ lối quen.”

(Trích Tình trai.) (5)

Nhưng Tô Thùy Yên đã cho thơ 7 chữ của ông một nhịp, điệu khác.

Trừ 2 câu đầu, và câu số 10, với nhịp 4/3 – – Tất cả những câu còn lại của bài “Cánh đồng con ngựa chuyến tàu,” đều ở nhịp 3/ 4, ở những câu số 3, 4. Nhịp 3/2/2, ở những câu số 5, 9, 11, 13. Hoặc nhịp 2/5, ở những câu số 6, 14. Thậm chí ông còn cho câu số 12 của ông, một nhịp lạ hơn nữa. Đó là nhịp 2/1/4: “Cánh đồng, a! cánh đồng sắp hết.”

Tuy nhiên, bài thơ không chỉ tạo được sự chú ý chỉ bởi nhịp đi mới mẻ của nó! Sâu xa hơn, theo tôi, lại là những gì kín, khuất, sau phần hình thức vừa kể.

Tôi nghĩ, hình ảnh con ngựa rượt, đuổi chuyến tàu, với phông nền là những cánh đồng nối nhau, hút mắt; là một bức tranh sống động vẽ bằng… ngôn ngữ. Sức sống động mạnh mẽ tới độ, chúng cho ta cảm tưởng tác giả đã chụp được một bức ảnh thời gian… Bằng tài năng đặc biệt của mình.

Lại nữa, sự đuối sức, đầu hàng, từ giã cuộc đua của con ngựa, vẫn theo tôi, là một ẩn dụ, nhắc nhở rằng: Ý chí, sức mạnh của con người, dù kiên quyết, lớn lao tới đâu, cũng vẫn bị lưỡi dao hữu hạn, đời người, chém đứt!.!

Nói cách khác, bất lực trước, sau, vẫn là thuộc tính của con người, khi con người phải đối diện với chiều dài thời gian. Vô tận.

Đọc lại bài thơ, một lần nữa, về phương diện nhịp, điệu, tôi chợt có cảm nhận rằng, khi Tô Thùy Yên chọn cho bài 7 chữ này của ông, những nhịp đi gập ghềnh, có dễ ông cũng muốn cho người đọc liên tưởng tới những hơi thở không đều của chuyến tàu, con ngựa trong cuộc rượt. Một cuộc rượt, đuổi với tốc độ “tàu chạy mau mà qua rất lâu,” hay “tàu chạy mau, tàu chạy rất mau”… dẫn tới kết quả là những hơi thở “hào hển” hoặc, “cúi đầu”…

Mọi ẩn dụ, liên tưởng mà, bài thơ đem được, đến cho người đọc, theo tôi là những chiếc chìa khóa quý giá, để độc giả được quyền thênh thang bay bổng, phiêu hốt trong đất, trời rất tư, riêng, của bài thơ ấy – – Dù cho (cũng dễ hiểu thôi,) nếu những cảm nhận của độc giả, thường… xa lạ, không ăn nhằm, chẳng liên hệ gì, tới tình, ý (mơ hồ?) của tác giả, khi sáng tác!.

Nhưng, điều đó, cũng chỉ có thể xẩy đến cho những bài thơ hay, đi ra từ những tài thơ lớn. Mà, “Cánh đồng con ngựa chuyến tàu,” là một thí dụ.

Một nét đặc thù khác trong thơ Tô Thùy Yên là chủ tâm sử dụng khá nhiều ngôn ngữ Nam…rặc. Chủ tâm này rất đáng kể; nếu người đọc nhớ lại rằng, đó là những câu thơ được viết trong khoảng thời gian 1956 tới 1975, trên một diễn đàn cổ súy văn chương… mới. Chúng ta có thể tìm thấy nhiều ngôn ngữ đặc biệt kia, trong Tô Thùy Yên Thơ Tuyển (TTY/TT) in năm 1995, tại Hoa Kỳ. Như trong bài “Anh hùng tận,” ông viết:

“Dựng súng trường, cởi nón sắt
“Đơn vị dừng quân trọn buổi chiều.
“Trọn buổi chiều, ta nhậu nhẹt,
“Mồi chẳng bao nhiêu, rượu rất nhiều.
(…)

“Thiệt tình, tên bạn ta không nhớ
“Nhưng mà trông mặt thấy quen quen.”
(…)

“Tiếng hò mời dzô, dzô tở mở,
“Muỗi thuỷ triều chừng cũng giạt ra…”

(Trích TTY/TT.)

Hay một số chữ trong bài “Mòn gót chân sương nắng tháng năm”:

“Vụt đuốc đi thầm đến mãn kiếp,
“Lèm bèm ú ớ chuyện nhân gian,”

(…)

“Sáng ngày, đời giật mình ngơ ngác,
“Mường tượng đôi ba chuyện bắt quàng.”

(…)

“Ta lại trồi lên dương thế rộn,
“Ngày ngày ra bãi vắng vời trông…”

Hoặc:

“Ra đi như nước ao lền đặc”

(Trong bài “Và rồi tất cả sẽ nguôi ngoai,” TTY/TT.)

“Thế giới làm sàm điếc lác nặng”

(Trong bài “Bất tận nỗi đời hung hãn đó,” TTY/TT.”

Như đã nói, 7 chữ là đường kiếm lấp lánh nhất, trong cõi thơ Tô Thùy Yên, 20 năm, miền Nam. (Ngay bài thơ nổi tiếng “Ta về” Tô Thùy Yên viết tháng 7 năm 1985, hơn mười năm sau thời điểm vừa kể, cũng là thơ 7 chữ.)

Căn cứ vào tập TTY / TT, do chính tác giả xuất bản, tính riêng số thơ sáng tác trước tháng 4 năm 1975 của ông, có tất cả 21 bài; thì hết 14 bài viết theo thể 7 chữ. Bảy bài còn lại, dành cho tất cả những thể thơ khác.

Hầu hết thơ 7 chữ của Tô Thùy Yên đều đậm tính “khẩu khí!” Rõ hơn, ông mượn loại thơ này, để bày tỏ tâm sự mình trước thế sự. Cái tâm sự kẻ sĩ ngao ngán, bất mãn trước thời cuộc và, kiếp người. Khi viết loại này, các thi sĩ thường chọn thể loại “Hành.”

Chỉ có thể loại này, mới giúp tác giả hiển lộ tính cảm thán của mình. Đồng thời, nó cũng dễ gợi, khêu trong tâm hồn người đọc, cái phong vị hoài cổ. Chính vì thế mà, khi chọn thể loại “Hành,” ngoài yếu tố thơ 7 chữ, các tác giả thường xưng “ta với ngươi,” hoặc “ta với người.” Dường như các thi sĩ không bao giờ dùng nhân xưng đại danh tự “tôi!” Có dễ vì nó không thích hợp với phong cách ngang tàng, chán chường, bất cần đời mà, dạng thơ này, cung ứng.

Nói về những bài “Hành” nổi tiếng từ thời tiền chiến, người ta thường nghĩ Thâm Tâm (6) với “Tống biệt hành;” và Nguyễn Bính (7) với “Hành phương nam.”

“Tống biệt hành” của Thâm Tâm ngắn hơn “Hành phương nam” của Nguyễn Bính. Nhưng bù lại, bài “hành” của Thâm Tâm không dùng một điển tích nào, trong khi Nguyễn Bính thì có.

Bài “Tống biệt hành” của Thâm Tâm có những câu như:

“Đưa người ta chỉ đưa người ấy
“Một giã gia đình, một dửng dưng…
“- Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ,
“Chí nhớn chưa về, bàn tay không,
“Thì không bao giờ nói trở lại!
“Ba năm, mẹ già cũng đừng mong.”

(……)

“Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay,
“Chị thà coi như là hạt bụi,
“Em thà coi như hơi rượu say.”

(Trích “Thi Nhân Việt Nam” của Hoài Thanh, Hoài Chân; nhà Văn Học Hà Nội, 1988.)

Và bài “Hành phương nam’ của Nguyễn Bính, có những câu như:

“Ngươi ơi buồn lắm mà không khóc
“Mà vẫn cười qua chén rượu này
“Vẫn dám ăn tiêu cho đến hết
“Ngày mai ra sao rồi sẽ hay.
“Ngày mai, có nghĩa gì đâu nhỉ?
“Cốt nhất cười vui trọn tối nay.
“Rẫy ruồng châu ngọc, thù son phấn
“Mắt đỏ lên rồi, cứ chết ngay.

(……)

“Ta đi nhưng biết về đâu chứ?
“Đã dấy phong yên khắp bốn trời
“Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ
“Uống say mà gọi thế nhân ơi!
“Thế nhân mắt trắng như ngân nhũ
“Ta với nhà ngươi cả tiếng cười
“Dằn chén hất cao đầu cỏ dại
“Hát rằng phương Nam ta với ngươi
“Ngươi ơi! Ngươi ơi! Hề! Ngươi ơi!…”
Nguyễn Bính, Đa kao 1943.

(Theo dactrung.com)

Qua tới Tô Thùy Yên, tất cả những chữ “ngươi,” được thay thế bằng “bạn”:

“Tới đây toàn những tay hào sĩ
“Sống chết không làm thắt ruột gan.
“Cũng không ai nhắc gì thân thế
“Có vợ con mà như độc thân.
“Bạn hỏi thăm ta cho có lệ”

(……)

“Người thuở trước tìm vàng khẩn đất
“Tiêu xác thân, để lại oan hồn
Ngày nay, ta bạn đến đây nữa
“Đất thì không khẩn, vàng không tìm…
“Bạn nhủ ta: đừng hỏi khó
“Uống mất ngon vì chuyện loạn tâm…”

(TTY/TT.)

Đôi khi, nhân vật thứ hai trong những bài “Hành” của Tô Thùy Yên, là kẻ vắng mặt. Kẻ “vắng mặt” ở đây, khi là thiên, địa; lúc là lẽ tử, sinh:

“Nên ta phó mặc cho trời đất
“Trời đất vô ngôn lại bất nhân.
“Nên ta lẳng lặng đi đi khuất
“Trong lãng quên xanh hút thời gian.’

(……)

“Trăng, bạn hiền xưa giờ tái ngộ
“Ta thức đêm nay chơi với trăng,
“Nghĩ tội thương sau này, mãi mãi
“Quanh mồ ta, trăng phải lang thang.”

Hay:

“Những người thuở trước bây giờ lạc
“Trong dã sử nào như bóng mây,
“Trong trí nhớ nào như giọng hát.
“Hỡi ôi, trời đất lạnh tình thay!”

(TTY/TT.)

Có lần, “nhân vật vắng mặt” kia, được ông mệnh danh là “Hiu Quạnh lớn”:

“Mùa đông Bắc, gió miên man thổi
“Khiến cả lòng ta cũng rách tưa.
“Ta hỏi han, hề, Hiu Quạnh lớn
“Mà Hiu Quạnh lớn vẫn làm ngơ…”

(TTY/TT.)

Ai làm ngơ? Thiên, địa; lẽ tử, sinh hay, tự thân cuộc đời đã vốn là một lãng quên, lớn?

Về phương diện ngữ pháp, tôi nghĩ, trước Tô Thuỳ Yên (vẫn với thể thơ 7 chữ,) là một trong số ít tác giả có những câu thơ như:

“Mưa lâu, trời mốc buồn hôi xưa.
“Con đường đáo nhậm xa như nhớ…”

(Trong “Qua sông,” TTY/TT.)

Hay:

“Đôi bàn tay vỗ nháng âm thanh.

(…)

“Cỏ cây lưu gió khóc mơ màng…

(…)

“Gió thổi chai người đứng lặng thinh.”

(Trong “Mòn gót chân sương nắng tháng năm,” TTY/TT.)

Hoặc:

“Ta dậy khi gà truyền nhiễm gáy,
“Chân trời rách đỏ vết thương dài.

(…)
“Còn lại chăng chút u hoài mốc.

(…)

“Ngọn cây, ô! đã giát hoàng hôn.

(Trong “Hề, ta trở lại căn nhà cỏ,” TTY/TT.)

Tô Thùy Yên cũng như nhiều tác giả khác, từ đông qua tây, thường đối diện với những câu hỏi lớn mang tính siêu hình. Khi đề cập tới những vấn đề này, ông cho thấy sự dứt khoát đi tới một cách quyết liệt, không khoan nhượng. Ông không chỉ đặt vấn đề về ý nghĩa rốt ráo của thân phận con người; như con người được sinh ra từ đâu? Để làm gì? Rồi, sau khi chết, con người sẽ đi về đâu? Hay sự thực cuối cùng, thảm hại thay, tất cả cũng chỉ là hư không:

“Con chim nhào chết khô trên cửa,
“Cửa đóng tự ngàn năm bặt âm,
“Như đạo bùa thiêng yểm cổ mộ.
“Sao người khai giải chưa về thăm?”

(Trong “Góa phụ,” TTY/TT.)

Hay:

“Ta thấy mặt tinh cầu xếp nếp
“Như lằn nhăn tuổi tác hư không…”

(Trong “Và rồi tất cả sẽ nguôi ngoai,” TTY/TT.)

Với thơ Tô Thùy Yên, tôi không biết có một tương quan hữu cơ nào chăng, giữa con người, sự chết và, Thượng đế:

“Vì bom đạn bất dung,
“Thi thể chẳng ai thâu,
“Nào có chi đáng kể…”

(Trong chiều trên phá tam Giang,” TTY/TT.)

Hay:

“Ngọn đèn hư ảo chong linh vị
“Thắp trắng thời gian mái tóc em.”

(Trong Góa phụ, TTY/TT.)

Hoặc:

“Ta bằng lòng phận que diêm tắt,
“Chỉ giận sao mồi lửa cháy suông.

(Trong “Tưởng tượng ta về nơi bản trạch,” TTY/TT.)

Chưa kể, ông luôn cho người đọc như tôi, cảm nhận, với ông, chiến tranh cũng là một thứ thuộc tính của nhân loại, kiếp người:

“Tiếp tế khó – đôi lần phải lục
“Trên người bạn gục đạn mươi viên.
“Di tản khó – sâu dòi lúc nhúc
“Trong vết thương người bạn nín rên.
“Người chết mấy ngày chưa lấy xác,
“Thây sình, mặt nát, lạch mương tanh…”

(Trong “Qua sông,” TTY/TT.)

Hoặc:

“Cỏ cây sống chết không ta than.
“Em khóc hoài chi lẽ diệt sinh?”

(Trong “Góa phụ,” TTY/TT.)

Phải chăng, Tô Thùy Yên chọn lựa sự có mặt của mình, như một đối đầu sống, mái trước Thượng đế; dù có thể ông những hiểu rằng, cách gì, con người, cuối cùng cũng chỉ là một thứ con tin, trong vòng tay gai độc của định mệnh. Ông viết:

“Có đọc thuộc thánh thư,
“Linh hồn tôi vẫn vậy.
“Tôi vẫn không thể lạy
“Dù đứng trước hư vô.

(…)

“Đầu tôi cứng và trơn,

(Trong “Thân phận của thi sĩ,” TTY/TT.)

Dù đứng ở góc độ nhân sinh, chủ quan nào, chấp nhận hay, ruồng rẫy tiếng thơ Tô Thùy Yên (8), tôi vẫn trân trọng kính mời quý độc giả, cùng tôi đọc lại bài “Trường sa hành,” của ông – – Mà, theo tôi, là một trong dăm bài Hành hay nhất, của văn học, nghệ thuật miền Nam, 20 năm:

Trường Sa Hành

Trường Sa! Trường Sa! Đảo chuếnh choáng!
Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề.
Lính thú mươi người lạ sóng nước,
Đêm nằm còn tưởng đảo trôi đi.

Mùa Đông Bắc, gió miên man thổi
Khiến cả lòng ta cũng rách tưa.
Ta hỏi han, hề, Hiu Quạnh lớn
Mà Hiu Quạnh Lớn vẫn làm ngơ.

Đảo hoang vắng cả hồn ma quỷ.
Thảo mộc thời nguyên thuỷ lạ tên
Mỗi ngày mỗi đắp xanh rờn lạnh
Lên xác thân người mãi đứng yên.

Bốn trăm hải lý nhớ không tới.
Ta khóc cười như tự bạo hành,
Dập giận vác khòm lưng nhẫn nhục,
Đường thân thế lỡ, cố đi nhanh.

Sóng thiên cổ khóc, biển tang chế.
Hữu hạn nào không tủi nhỏ nhoi?
Tiếc ta chẳng được bao nhiêu lệ
Nên tưởng trùng dương khóc trắng trời.

Mùa gió xoay chiều, gió khốc liệt,
Bãi Đông lở mất, bãi Tây bồi.
Dăm cây bật gốc chờ tan xác,
Có hối ra đời chẳng chọn nơi?

Trong làn nước vịnh xanh lơ mộng,
Những cụm rong óng ả bập bềnh
Như những tầng buồn lay động mãi
Dưới hồn ta tịch mịch long lanh.

Mặt trời chiều rã rưng rưng biển.
Vầng khói chim đen thảng thốt quần.
Kinh động đất trời như cháy đảo.
Ta nghe chừng phỏng khắp châu thân.

Ta ngồi bên đống lửa man rợ,
Hong tóc râu, chờ chín miếng mồi,
Nghe cây dừa ngất gió trùng điệp
Suốt kiếp đau dài nỗi tả tơi.

Chú em hãy hát, hát thật lớn
Những điệu vui, bất kể điệu nào
Cho ấm bữa cơm chiều viễn xứ,
Cho mái đầu ta chớ cúi sâu.

Ai hét trong lòng ta mỗi lúc
Như người bị bức tử canh khuya,
Xé toang từng mảng đời tê điếng
Mà gửi cùng mây, đỏ thảm thê.

Ta nói với từng tinh tú một,
Hằng đêm, tất cả chuyện trong lòng.
Bãi lân tinh thức, âm u sáng.
Ta thấy đầu ta cũng sáng trưng.

Đất liền, ta gọi, nghe ta không?
Đập hoảng Vô Biên, tín hiệu trùng.
Mở, mở giùm ta khoảng cách đặc.
Con chim động giấc gào cô đơn.

Ngày. Ngày trắng chói chang như giũa.
Ánh sáng vang lừng điệu múa điên.
Mái tóc sầu nung từng sợi đỏ
Kêu dòn như tiếng nứt hoa niên.

Ôi lũ cây gầy ven bãi sụp,
Rễ bung còn gượng cuộc tồn sinh,
Gắng tươi cho đến ngày trôi ngã
Hay đến ngày bờ tái tạo xanh.

San hô mọc tủa thêm cành nhánh.
Những nỗi niềm kia cũng mãn khai.
Thời gian kết đá mốc u tịch,
Ta lấy làm bia tưởng niệm Người.

3-1974.

(Theo TTY/TT.)

————

Chú thích:

(1)Trích “Tô Thùy Yên / Thơ Tuyển.” Tác giả xuất bản, 1995, Hoa Kỳ. Tr. 13.

(2,) (3,) (4,) (5): Nhà xuất bản Đồng Nai, tủ sách thơ Việt Nam.
(6) Nhà thơ Thâm Tâm tên thật Nguyễn Tuấn Trình. Ông sinh ngày 12 tháng 5 năm

1917, tỉnh Hải Dương; mất ngày 18 tháng 8 năm 1950 ở gần Việt Bắc.

(7) Nhà thơ Nguyễn Bính, tên thật Nguyễn Trọng Bính. Ông sinh năm 1918 tại Vụ Bản, tỉnh Nam Định; mất ngày 20 tháng 1 năm 1966 ở nhà một người bạn, thuộc tỉnh Hà Nam.

(8) Tên thật Đinh Thành Tiên, Tô Thùy Yên sinh ngày 20 tháng 10 năm 1938 tại Gia Định. Ông có thơ đăng trên báo Đời Mới (thập niên 1950,) trước khi xuất hiện trên tạp chí Sáng Tạo. Sau 30-4-1975, ông bị nhà cầm quyền CS cầm tù 3 lần; tổng cộng gần 13 năm. Cùng gia đình, Tô Thùy Yên hiện cư ngụ tại thành phố Houston, Texas.

Du Tử Lê

…………………………………………………………………………………………….

 

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics