Từ mưa trong nhạc Việt tới ‘Thương nhau ngày mưa’ Nguyễn Trung Cang
Nguồn:nguoiviet.com-Friday, April 15, 2016
Du Tử Lê
Từ trái: Elvis Phương, Vinh, Nguyễn Trung Cang, Châu, Lê Hựu Hà. (Hình: nckbhtq.blogspot.com)
===
Thời tiết Nam Cali chào đón những bước chân đầu mùa Xuân, bằng nhiều trận mưa lớn, nhỏ.
Dù các nhà dự báo thời tiết cho biết, vũ lượng của những trận mưa đầu mùa này, không đủ sức giảm bớt mức độ hạn hán quá nặng nề của tiểu bang “Vàng” tính từ nhiều chục năm qua. Nhưng, chẳng vì thế mà những ngày, đêm mưa lênh láng, điểm xuyết mưa bụi đôi sớm mai, giúp tôi quên nhớ mưa Xuân Hà Nội, thuở nào.
Những sớm mai ngồi ở hành lang Café TB, nhìn mưa như… bụi trên những tán lá tường vi, đính trên tóc, trên áo phụ nữ, em bé, khách bộ hành, tựa những hạt châu cực nhỏ; tôi thấy, dường tôi được bay về với gấm vóc thi ca, âm nhạc Việt, cả trăm năm trước. Tôi thấy, dường tôi được rơi theo hương và, tiếng mưa trên những bậc thềm chữ nghĩa và, giai điệu của thời tiết quê cha.
Trong hằng ngàn bài thơ mưa của văn chương Việt, với tôi, “Buồn Ðêm Mưa” của Huy Cận và, “Mưa… Mưa Mãi” của Lưu Trọng Lư là những bài thơ mà hương và, tiếng mưa sẽ muôn đời không dứt:
“Ðêm mưa làm nhớ không gian
Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la
Tai nương nước giọt mái nhà
Nghe trời nằng nặng, nghe ta buồn buồn
Nghe đi rời rạc trong hồn
Những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi…
Rơi rơi… dìu dịu rơi rơi…
Trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ…
Tương tư hướng lạc phương mờ…
Trở nghiêng gối mộng hững hờ nằm nghe
Gió về, lòng rộng không che
Hơi may hiu hắt bốn bề tâm tư…”
(Huy Cận “Buồn Ðêm Mưa”)
(Nguồn Wikipedia-Mở)
Và:
“Mưa mãi mưa hoài!
Lòng biết thương ai!
Trăng lạnh về non không trở lại
“Mưa chi mưa mãi!
Lòng nhớ nhung hoài!
Nào biết nhớ nhung ai!
“Mưa chi mưa mãi!
Buồn hết nửa đời xuân!
Mộng vàng chưa kịp hái.
“Mưa mãi mưa hoài!
Nào biết trách ai!
Phí hoang đời trẻ dại
“Mưa hoài mưa mãi
Lòng biết nhớ ai
Cảnh tượng đầy nơi quan tái.”
(Lưu Trọng Lư “Mưa… Mưa Mãi”) (Nđd)
Hương và, tiếng mưa tâm cảm không chỉ vũ lộng không gian thi ca mà, nó còn lấp lánh vàng son nỗi buồn, thánh thót niềm riêng trong dòng chảy âm nhạc miền Nam, 20 năm, chan chứa ly, tan…
Trước khi cuộc chia cắt đất nước chính thức diễn ra vào tháng 7 năm 1954, tôi nhớ đêm, Hà Nội mưa nhiều. Ðó cũng là thời gian ca khúc “Phố Buồn” của Phạm Duy, mang theo hương mưa và tiếng mưa phủ khắp kinh kỳ.
“Ðường về đêm đêm mưa rơi ướt bước chân em
Bùn lầy không quên bôi thêm lối ngõ không tên
Qua mấy gian không đèn
Những mái tranh im lìm
Ðường về nhà em tối đen.
Nhìn vào khe song trông anh ốm yếu ho hen
Một ngày công lao không cho biết đến hương đêm
Em bước chân qua thềm
Mưa vẫn rơi êm đềm
Và chỉ làm phố buồn thêm.
(…)
“Ðường về trong mơ đêm đêm phố lớn thênh thang
Ánh sáng kinh kỳ tràn lan
Ðời nghèo không riêng thương yêu bóng dáng Xuân sang
Yêu phố vui, nhà gạch ngon
Ðèn đêm không soi bóng vắng
Kinh đô thắc mắc
Im nghe phố buồn
Người đi trong đêm tối ám
Nghe mưa thức giấc
Khuyên nhau chờ mong.” (Nđd)
Rồi hương, tiếng mưa, theo chân hơn một triệu người miền Bắc di cư vào Nam, trở thành nỗi xót xa, tựa những giải khăn tang cho chính hương, tiếng mưa không còn nữa, khi bức màn che phía Bắc, đã sập xuống. Ngay ở giai đoạn này, giới thưởng ngoạn đã được đón nhận “Mưa Saigon, Mưa Hà Nội” (lời Hoàng Anh Tuấn, nhạc Phạm Ðình Chương):
“Mưa hoàng hôn, trên thành phố buồn gió heo may vào hồn
Thoảng hương tóc em ngày qua
Ôi người em Hồ Gươm về nương chiều tà
Liễu sầu úa thềm cũ nằm mơ hiền hòa
Thương màu áo ngà
Thương mắt kiêu sa
Hiền ngoan thiết tha
Thơ ngây đôi má nhung hường
Hà Thành trước kia thường, thường về cùng lối đường
Khi mưa ướt, lạnh mình ướt
Chung nón dìu bước thơm phố phường
Mưa ngày nay, như lệ khóc phần đất quê hương tù đày
Em ngoài ấy còn nhớ hẹn xưa miệt mài
Giăng mắt heo may
Sầu rơi ướt vai
Hồn quê tê tái…” (Nđd)
Lúc cuộc chiến leo thang ở miền Nam thì, hương mưa và, tiếng mưa lại đem đến cho ca khúc Việt nhiều câu-hỏi-mở – – Loại câu hỏi mà ngay hương mưa, tiếng mưa, dù muốn, cũng không thể tự trả lời – – Ngoài nỗi khắc khoải, bơ vơ của chính nó!!!
Ðiển hình, chúng ta có “Chiều Mưa Biên Giới” của Nguyễn Văn Ðông:
“Chiều mưa biên giới anh đi về đâu?
Sao còn đứng ngóng nơi giang đầu.
Kìa rừng chiều âm u rét mướt
Chờ người về vui trong giá buốt
Người về bơ vơ
Tình anh theo đám mây trôi chiều nao.
Trăng còn khuyết mấy hoa không tàn
Cờ về chiều tung bay phấp phới
Gợi lòng này thương thương nhớ nhớ
Bầu trời xanh lơ…” (Nđd)
Xa xôi hơn nữa, ngay từ đầu thập niên 1940, chúng ta đã có:
“Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi/Trời lắng u buồn mây hắt hiu ngừng trôi/Nghe gió thoảng mơ hồ trong mưa thu/Ai khóc ai than hờ…” Ðó “Giọt Mưa Thu” của Ðặng Thế Phong và Bùi Công Kỳ (Nđd)
Tôi muốn nói, trên đây, chỉ là vài trích dẫn tượng trưng cho hương và, tiếng mưa trong hàng ngàn mưa-khúc của tân nhạc Việt. Dù những mưa-khúc rơi ướt tâm hồn người nghe, mang tính thời thế, hay tâm cảm thì, mưa ở đâu, thời nào âm bản của một trong những thuộc tính nhân loại vẫn là nỗi buồn truyền kiếp!.! Vì thế, tôi nghĩ sẽ khó có ngày những lênh láng lẻ loi, cô quạnh của mưa, chia tay nền VHNT Việt!!!
Vậy mà, bất ngờ, đầu thập niên 1970, một Nguyễn Trung Cang, bằng vào tài hoa riêng của mình, đã cho hương và, tiếng mưa một nhan sắc khác. Nhan sắc rạn, vỡ, nhưng rực rỡ tin yêu, của họ Nguyễn, với tôi, là một cuộc “cách mạng xanh,” qua ca khúc “Thương Nhau Ngày Mưa.”
(Kỳ sau tiếp)
*- NN đặ đặt tựa đề–
………………………………………………………………………
Lúa ơi!
Nguồn:Thạch Kiều/ VOA – 14-4-2016
Ruộng lúa ở huyện Tân Trụ, tỉnh Long An, Việt Nam. Hình minh họa. (Ảnh: Lê Văn Tài, độc giả của đài VOA)Ruộng lúa ở huyện Tân Trụ, tỉnh Long An, Việt Nam. Hình minh họa. (Ảnh: Lê Văn Tài, độc giả của đài VOA)
Sinh ra sau năm 1975, tôi lớn lên và trưởng thành gắn bó và chứng kiến với bao đổi thay thăng trầm của dân tộc, của làng quê Việt Nam. Tuổi thơ chân đất, da khét nắng, cưỡi trên lưng trâu từ năm lên 6. Tôi cũng như bao đứa trẻ trong làng, 6 tuổi đã bắt đầu đi vào cuộc sống… Cha tôi nghiêm túc giao cho nhiệm vụ: một buổi đi học, một buổi chăn trâu, làm sao đó làm, trâu phải ăn no, không để trâu ăn lúa người ta. Một đứa trẻ vừa mới lớn lên, chưa kịp chơi đùa, chưa kịp thỏa lòng bởi sự cưng chiều, nâng niu của cha mẹ đã bắt đầu nhận vụ nhiệm lao động của gia đình. Ở cái tuổi hồn nhiên, tôi chỉ ngoan ngoãn vâng lời (chẳng biết thoái thác như trẻ con bây giờ đâu).
Lần đầu ra đồng chăn trâu thích thật. Một không gian thoáng đãng, tự do nô đùa với bọn trẻ trong làng. Đồ chơi của chúng tôi là bùn, là đất, là nước, là dế mèn, cá rô thia, bóng làm bằng rơm… Chơi đùa chưa thỏa thì đã trưa rồi, chúng tôi giục nhau lùa trâu về, ăn cơm đi học. Ngoảnh lại nhìn, chẳng biết trâu mình ở đâu trong bầy. Mấy đứa lớn cười rồi phỉnh: “Trâu mày đi lạc rồi. Về ba mày đánh cho coi”. Thế là khóc, khóc trong sự hả hê trêu chọc của bọn chúng. Mẹ kịp đến đúng lúc. Mẹ cũng cười rồi xoa đầu tôi, vỗ về.
Trẻ con hiếu động, đêm về mệt, ngủ như chết. Tội nghiệp, sáng tinh mơ cha đã kêu dậy ăn cơm đặng còn dắt trâu ra đồng chăn. Đang còn ngái ngủ, chưa chịu dậy ngay thì cha cầm roi dọa đánh. Mẹ can thiệp cha, rằng “để nó ngủ thêm chút nữa”. Cuộc sống cứ thế ngày ngày trôi qua, không ít lần thấm thía đòn roi của cha vì ngủ nướng, vì ham chơi để trâu ăn lúa người ta, vì bẻ trộm ngô để nướng ăn ngoài đồng… Cha đã rèn cho thói quen dậy sớm, thói quen nghe lời, chịu khó, thói quen không được cãi lại người lớn. Mẹ cũng vài lần khóc khi thấy tôi bị cha đánh. Mẹ xoa dầu những lằn roi, dỗ dành, hứa ngoan sẽ mua cho đôi dép, cây bút máy. Mẹ còn nói: Bác Hồ nói “tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”.
Lên lớp 2, cha giao thêm nhiệm vụ, đi chăn trâu gánh thêm đôi trạc (quang gánh) để nhặt phân trâu bò về bón ruộng. Mấy đứa trẻ khác cũng như tôi thôi, cũng tìm nhặt phân. Trẻ con bây giờ đâu có biết rằng, chúng tôi ngày ấy quý phân trâu bò lắm, gặp bãi phân trâu bò thì rất mừng, bọn trẻ giành nhau, có khi giận nhau vì bãi phân trâu!
Trâu bò nhiều, cỏ lên không kịp. Ít cỏ, phân trâu bò cũng ít dần. Những buổi không có phân trâu bò để nhặt, bọn trẻ chúng tôi xúm tát nước bắt cá, bắt cua đồng, mò tôm, sò, ốc. Mùa hè thì té nước nhau, ra sông tắm thỏa thích. Mùa đông giá rét thì đốt lá sưởi, đào trộm khoai người ta nướng ăn. Khoai nướng chẳng bao giờ được chín mềm mà lựt sựt, bẻ chia mỗi đứa một miếng, nóng hổi, vừa xuýt xoa thổi, vừa ăn, nhưng mà sao thấy ngon đáo để. Ngon vì vui nhưng cơ bản là vì đói.
Chưa bao giờ cha hài lòng về tôi. Cha thường phàn nàn vì tôi ham chơi, vì tôi chăn trâu đói, vì tôi không nhặt được nhiều phân trâu bò. Tôi sợ và ghét cha. Hồi ấy tôi không hiểu sao cha ghét mình thế. Lớn lên, biết đọc sách, đầu óc mở mang dần mới hiểu, mới thấy thương cha mẹ, thương mình, thương cho quê hương mình dưới thời bao cấp. Dưới thời bao cấp, nhiều đứa trẻ nông thôn như tôi dường như không có tuổi thơ …
Cha nghiêm khắc với con là vì sợ đói, đói cả nhà. Cha chất phác, lam lũ chỉ biết bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Với cha, chỉ có lao động mới khỏi đói nghèo. Hoàn cảnh và môi trường sống không cho cha nghĩ rộng hơn, nghĩ đến chính sách của nhà cầm quyền. Chính sách nó là thứ vô hình nhưng có thể cứu người hoặc giết người.
Sự khốc liệt của đói nghèo không kém gì sự khốc liệt của chiến tranh. Miền Trung cát trắng, cây lúa ngọn khoai cũng oằn mình lớn lên như con người miền của mảnh đất ấy. Cái xứ chưa nắng đã hạn, chưa mưa đã ngập này dưới thời bao cấp càng điêu đứng, khốn khổ, điêu linh hơn nơi nào hết. Trẻ con kể từ khi biết cầm đôi đũa là phải biết lao động, phải biết chăn trâu cắt cỏ, nhặt phân, mót lúa, hái rau, kiếm củi… Ăn thì khoai, sắn thay cơm. Người ta nói rằng, không phải cơm độn khoai, sắn mà khoai, sắn độn cơm!
Năm 1988, nghĩa là 13 năm sau ngày “giải phóng”, Bộ Chính trị mới cho ra đời Nghị quyết 10 (gọi tắt là khoán 10) “cởi trói” cho nông nghiệp, giao đất lâu dài cho nông dân sản xuất. Từ đây người nông dân mới được thoát cảnh sản xuất tập thể, làm công điểm, cảnh tuốt lúa (hợp tác xã) cố ý quăng ra một mớ lúa chưa tuốt sạch để cuối ngày mót lại vài nắm thóc.
Thoát những cảnh đó, đồng lúa lại xanh tốt, nông dân Việt Nam mới có bát cơm trắng thay cho sắn, ngô, khoai. Lịch sử ngợi ca, tự hào đây là một cuộc cách mạng trong nông nghiệp. Lũ học trò học thuộc như những con vẹt. Đứa trẻ năm xưa may mắn thoát khỏi lũy tre làng, không theo nghiệp cầm cuốc bảy đời của gia đình, biết dùng Internet, mới biết rằng điều đó không có gì đáng tự hào, chẳng qua là một cuộc sửa sai. Một ông giáo già nói đùa một câu chơi chữ mà tôi không bao giờ quên được khi nghĩ đến chữ “sai”: “sai đâu sửa đấy, sửa đâu sai đấy, đấy sửa đâu sai, đấy sai đâu sửa?”. Luẩn quẩn và bế tắc.
Lại tiếp tục về câu chuyện về hạt lúa với vài số liệu hơi khô khan để xem hạt lúa Việt Nam có tương lai sẽ ra sao.
Loại bỏ mô hình kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, với bản chất cần cù của hơn 80 triệu nông dân, từ năm 1989, Việt Nam lần đầu tiên trở thành nước xuất khẩu gạo và từ đó đến nay, xuất khẩu gạo liên tục tăng mạnh. Từ năm 2003, Quốc hội Việt Nam có nghị quyết miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho nông dân, làm cho nông dân càng phấn khởi sản xuất. Năm 2011, Việt Nam xếp thứ 2 sau Thái Lan và vượt xa nước thứ 3 là Ấn Độ về xuất khẩu gạo. Từ năm 2003, Quốc hội Việt Nam có nghị quyết miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho nông dân. Năm 2012 Việt Nam đứng thứ 2 sau Ấn Độ (thậm chí có thời điểm trong năm Việt Nam đã vươn lên vị trí số 1), đã trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Giá như cứ thế, nông dân Việt Nam sẽ thoát nghèo bền vững. Đằng này sự thực diễn ra không như mơ ước. Chính sách đô thị hóa không hợp lý đã thu hẹp diện tích trồng lúa gần 370.000 ha trong 10 năm (2000-2010). Không phải đất hoang hóa, bạc màu mà vô số “bờ xôi ruộng mật” đã bị xóa sổ để lập các khu công nghiệp và đô thị. Cứ ven đường quốc lộ, tỉnh lộ, trục đường chính là nhà nước lấp ruộng đất, lấp không thương tiếc. Lấp cho khu công nghiệp đã đành, thôi thì cái giá của công nghiệp hóa đất nước. Nhưng còn có chuyện lấp để phân lô, để bán hoặc cho thuê đất kiếm lời, quan chức theo đó mà trục lợi. Ở Việt Nam, đất là tài sản toàn dân, nhà nước đại diện nhân dân quản lý nên nhà nước có quyền thu ruộng đất, dời nhà dân bất kể lúc nào, đền bù với giá rẻ mạt. Nông dân mất đất, mất kế sinh nhai, bị lùa vào các khu dân cư quy hoạch. Họ trở thành người nửa tỉnh nửa quê, nhận được ít tiền đền bù rồi xây nhà, sắm xe, chẳng bao lâu hết sạch. Con cháu cố chen vào các khu công nghiệp làm thuê, sống qua ngày. Vậy từ chỗ làm chủ ruộng đất, một bộ phận nông dân trở thành làm thuê, thành giai cấp vô sản thực sự.
Ngành nông nghiệp dự tính giai đoạn 2011- 2020 sẽ mất thêm khoảng 300.000 ha đất nữa do phải chuyển cho các nhu cầu sử dụng khác và do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Như vậy diện tích trồng lúa mất đi 670.000 ha (từ 4,5 triệu ha xuống còn 3,8 triệu ha) tức trung bình mỗi năm mất khoảng 32.000 ha, tương ứng sản lượng lúa giảm 320.000 tấn, trong khi nhu cầu trong nước tăng thêm 200.000 tấn/năm do tăng dân số. Dự báo nếu năng suất vẫn duy trì như hiện tại thì sản lượng lúa năm 2020 sẽ giảm khoảng 30% so với hiện nay (từ 45 triệu tấn xuống còn 30 triệu tấn). Đến lúc đó, đảm bảo an ninh lương thực sẽ trở thành vấn đề không đơn giản chứ chưa nói đến xuất khẩu.
Đó là chưa kể từ năm nay về sau, đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất cả nước, lâm vào nguy cơ hạn hán và nhiễm mặn, bị lệ thuộc nguồn nước, do Trung Quốc xây đập thủy điện chặn đầu nguồn sông Mê Kông.
Quay lại câu chuyện riêng của tôi. Hôm nay trở về thăm làng, thấy quán nhậu, quán cà phê mọc lên như nấm. “Mất đất thì phải kinh doanh thôi chứ ế khách lắm”, một bác nông dân phân trần.
Nhìn ra cánh đồng của thời “trẻ trâu” năm nào, nay đang bị sang lấp nham nhở, chẳng bao lâu nữa sẽ có một con đường xuyên qua và những lô đất hai bên đường sắp hình thành, những người lắm tiền kinh doanh bất động sản sẽ xúm vào đấu giá.
Đột nhiên có một làn gió mạnh bay qua, làm nhấp nhô những sóng lúa đang chín vàng ở những thửa ruộng còn sót lại. Xa xa một đám bụi mịt mù bay bay theo làn gió.
Tùy bút của Thạch Kiều
……………………………………………………………………….
Fwd: Tôi thấy hoang tàn trên tuổi xanh – Tác giả:Tuấn Khanh/RFA
Kim Vu to:….,me
>> Đó là một buổi chiểu của năm 1987. Một buổi chiều mà tôi cứ hay bị ký ức lôi về căn phòng tối thăm thẳm không lời đáp.
>> Đó là năm thứ 2 trung cấp, tôi đang theo học ở Nhạc Viện TP. Buổi chiều với giờ học Trích giảng Âm nhạc của thầy Trương Hữu Lang. Cả lớp bỗng sững lại. Gương mặt ông thấy cũng bối rối khi bà bí thư Đảng Uỷ Nguyệt Anh dẫn theo một công an viên đến lạnh lùng gọi tên một người bạn của tôi bước ra khỏi lớp. Anh Trịnh Bằng Phi, học contrabass, luống cuống nghe thông báo rồi quay lại bàn gom sách vở ra về. Từ đó về sau, tôi không bao giờ gặp lại anh được nữa. Anh Phi bị đuổi học bất ngờ vì người ta tìm thấy ba anh là một sĩ quan của chế độ VNCH. Khi ấy anh chưa được 25 tuổi, nhưng đã là một trong những tay chơi contrabass hiếm hoi đủ thể chất và trình độ của miền Nam, thế nhưng anh bị xô ngã một tương lai, vì lý lịch.
>> Trong suốt những năm theo học ở các trường đại học, tôi học khôn được một chuyện là ở quê hương mình, lý lịch có thể giúp một người đi xa đến bao nhiêu, và ngược lại, có thể tàn phá hành trình đến tương lai nhanh đến nhường nào.
>> Cho đến hôm nay, khi câu chuyện về anh thanh niên 30 tuổi nhận chức giám đốc Sở ở tỉnh Quảng Nam bị đưa vào các cuộc tranh cãi, tôi lại đọc thấy các phát ngôn trên các trang báo của Nhà nước bảo vệ cho vị giám đốc Sở trẻ trung ấy bằng những lời lẽ nhân ái mà tôi và thế hệ tôi chỉ có mơ mới thấy.
>> Trả lời phỏng vấn của báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long, nói rằng người tài không cần xét là con ai. Còn độc giả Vu Gia thì viết trên VietnamNet rằng “nhắc đến lý lịch làm gì?”.
>> Tôi chúc phúc cho anh giám đốc Sở 30 tuổi ấy. Và hy vọng rằng nếu anh may mắn được bảo vệ ở đủ chiều cho chức vị ấy, hãy cố gắng chứng minh khả năng của mình với đất quê Quảng Nam nghèo khó. Anh hãy chứng minh là một người lãnh đạo minh bạch và tử tế để vượt qua mọi cái nhìn ghẻ lạnh của dân chúng lúc này.
>> Anh ta may mắn hơn những người bạn của tôi, của thế hệ tôi.
>> Những ai từng học qua ở Nhạc Viện vào cuối thập niên 90 chắc đều còn nhớ tay chơi viola tài hoa Phúc Hải. Anh được nhận học ở Nhạc Viện bởi ngay từ lúc thi tuyển, các thầy cô chuyên môn đã nhận ra đó là một tài năng hiếm có. Những năm cuối của bậc đại học, Phúc Hải được các chuyên gia âm nhạc của Nga đến nghe và lập tức chọn để cho học bổng tu nghiệp ở Moscow. Cũng như mọi câu chuyện lãng mạn về âm nhạc, như Đặng Thái Sơn, sinh viên Phúc Hải có thể thử sức mình ở một môi trường thử thách với tài năng của anh.
>> Thế nhưng vào buổi chiều hôm đó, Phúc Hải được tin anh không được nhận học bổng đi du học, vì ba của anh là thành phần của chế độ cũ. Thầy tôi, giáo sư Đinh Sơn, một đảng viên có hơn 30 tuổi đảng, là người ra sức bảo vệ sinh viên Phúc Hải nhưng rồi thất bại. Ông buồn bã nói với tôi rằng có lẽ ở đất nước này, chuyện lý lịch là một cái bẫy công khai nhưng ai cũng phải bị vướng một lần.
>> Tôi chúc cho tất cả những bạn trẻ làm quan ở tuổi thanh xuân phô phới hôm nay, sẽ không có những ngày tháng hoang tàn như bạn bè tôi. Dù bên tai tôi nghe vẫn vo ve những xảo ngữ về chuyện lý lịch không quan trọng, tôi vẫn mong đất nước này người tài có thể cống hiến, và tham vọng cha truyền con nối chức vụ chỉ hiếm hoi ở bọn đê tiện.
>> Buồn chán, anh sinh viên Phúc Hải tài năng mà tôi biết đã bỏ trường và bỏ hẳn đàn. Sau đó ít lâu anh đi nước ngoài theo diện H.O. Anh là một trong nhiều trường hợp không may về lý lịch.
>> Lý lịch không phải là chuyện của hôm qua hay hôm nay mới trở thành chuyện bàn cãi, mà Việt Nam đã từ lâu ghi nhận câu chuyện của nghệ sĩ Đặng Thái Sơn với lý lịch có cha Đặng Đình Hưng, là một nghệ sĩ bị chỉ định cư trú kèm theo dõi của công an vì đã tham gia các phong trào Trăm Hoa Đua Nở, Nhân Văn Giai Phẩm. Nếu không có nghệ sĩ dương cầm người Nga Issac Katz ra sức bảo vệ và tìm đủ mọi cách để mang ra khỏi Việt Nam vào năm 1974, thì chưa chắc thế giới đã có một Khôi nguyên người Châu Á giải Chopin quốc tế tại Warsaw, Balan vào 1980.
>> Chúng ta không muốn nói về lý lịch. Thật vậy. Nhưng rõ ràng lý lịch đã là một hiện thực bất khả biện trên đất nước này, và đã gieo không ít hoang tàn lên tuổi trẻ của chúng ta và nhiều người khác. Vậy hãy đối diện với nó, trò chuyện với nó, chứ đừng tảng lờ và giả nhân giả nghĩa.
>> Tháng 9/2015, tôi gặp lại anh Nguyễn Hoàng Phương, từng là một trong những tay chơi Oboe xuất sắc của khoa kèn và dàn nhạc giao hưởng của Sài Gòn. Năm 1993, anh Phương cũng từng được cử dự tuyển đi du học ở Nga, như một trong những hạt nhân xuất sắc của dàn nhạc giao hưởng thành phố. Thế nhưng trước vài giờ vào phòng thi tuyển với chuyên gia người Nga, anh được thông báo của bên giáo vụ cho biết anh không đủ tư cách dự tuyển, cũng do có ba là sĩ quan VNCH – dù ba anh đã rời trại cải tạo và về nhà vài năm trước đó.
>> Còn rất nhiều người mà tôi chưa thể kể hết ở đây. Còn rất nhiều những câu chuyện mà thỉnh thoảng, khi chúng tôi ngồi lại, buồn ngơ ngác vì chỉ thấy hoang tàn trên tuổi xanh của thế hệ mình. Chẳng bao giờ chúng ta có thể thấu hiểu được mất mát nếu cứ giả vờ như những kẻ bại liệt lương tri và ý thức.
>> Mất mát sẽ là một bài học gần gũi và nhân ái nhất để nhận ra rằng lý lịch chỉ là chuyện vặt cần phải bước qua, nếu tuổi trẻ sớm được trao cho cơ hội để cống hiến danh dự, trách nhiệm cho tổ quốc. Nhưng tuổi trẻ sẽ mãi mãi hoang tàn, nếu chỉ biết nhìn quê hương như những phần ăn giấm giúi cho nhau dưới gầm bàn quyền lực. Tuổi trẻ đó, thời đại đó, không khác gì dành loài dã thú.
>> nhacsituankhanh
…………………………………………………………………………………….
Hai trận động đất ở Nhật giết chết 37 người; tiếp tục có hậu chấn
Nguồn:VOA-16-4-2016
Một người phụ nữ trước ngôi nhà bị sập bởi trận động đất ở thị trấn Mashiki, quận Kumamoto, miền nam Nhật Bản, trong bức ảnh chụp bởi Kyodo, ngày 16 tháng 4 năm 2016.
Hai trận động đất mạnh trong hai ngày ở Nhật đã giết chết tổng cộng 37 người.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tỏ ý lo ngại là mưa to và gió lớn hôm nay có thể gây cản trở cho nỗ lực cứu hộ trên đảo Kyushu, nơi gánh chịu hầu hết hững sự thiệt hại.
Cơ quan Khí tượng Nhật cho biết trận động đất hôm thứ 7 có cường độ 7.0 với một cơn hậu chấn 5.4. Những cơn hậu chấn tiếp tục gây chấn động trong khu vực, với hơn 140 cơn hậu chấn được ghi nhận sau trận động đất hôm thứ Năm.
Một số toà nhà bị sập sau cơn địa chấn ngày hôm nay, kể cả một cư xá đại học trong đó có hai sinh viên bị thiệt mạng. Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga cho đài truyền hình CNN biết rằng ít nhất 23 người bị chôn vùi trong các toà nhà bị sập. Ông nói khoảng 1.500 người bị thương, trong đó có 80 người bị thương nặng.
Những cơn địa chấn cũng gây ra một vụ đất sạt lở trên đảo Kyushu, làm cho nhà cửa bị cuốn trôi và một xa lộ bị cắt đứt. Một chiếc cầu dẫn tới làng Minamiaso bị phá huỷ và việc này có thể gây cản trở cho những nỗ lực nhằm đưa vật phẩm cứu trợ tới một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất.
Đền thờ cổ Aso, được xây cách nay hơn 1.700 năm, bị hư hại nặng. Một số toà nhà và một cổng thành có tên “Cổng Anh Đào” bị sập hoàn toàn.
Một núi lửa hoạt động trong khu vực cũng phun trào lần đầu tiên trong vòng một tháng. Hiện chưa rõ vụ phun trào này có liên hệ với những trận động đất hay không.
Thủ tướng Abe đã định tới thăm khu vực bị tác động nặng nhất sau trận động đất thứ nhất, nhưng ông huỷ bỏ kế hoạch đó sau khi xảy ra vụ động đất thứ nhì.
Ông đã ra lệnh điều động thêm binh sĩ tới khu vực lâm nạn để “tập trung toàn bộ năng lực của chính phủ vào các hoạt động cứu hộ, di tản và cứu sống mạng người.”
Khoảng 1.600 binh sĩ đã được huy động trong khu vực cùng với 2.000 cảnh sát viên và 1.300 nhân viên cứu hoả để giúp khu vực này phục hồi sau động đất.
Hai trận động đất làm sập các toà nhà và gây ra một vụ cháy lớn tại một khu chung cư ở thành phố Yatsushiro. Các giới chức cho biết họ e rằng có nhiều người bị mắc kẹt hoặc bị chôn vùi trong đống đổ nát của các toà nhà.
Hình ảnh trên truyền hình cho thấy một em bé được cứu sống từ một căn nhà bị sập.
Một viên chức tỉnh Kumamoto cho biết hơn 44.000 người đến trú ngụ tại các trung tâm tạm cư sau khi bỏ chạy hôm thứ Năm.
Phát ngôn viên chính phủ Yoshihide Suga nói rằng không có sự bất thường nào được ghi nhận tại các cơ sở hạt nhân ở gần đó. Tâm chấn của trận động đất thứ nhất nằm cách nhà máy điện hạt nhân duy nhất còn hoạt động ở Nhật khoảng 120 kilo mét về hướng đông bắc.
Hầu hết các lò phản ứng hạt nhân khác của Nhật tiếp tục ngưng hoạt động sau khi trận động đất 9.0 năm 2011 làm bùng ra một trận sóng thần khổng lồ.
…………………………………………………………………..