1.Nhiều ẩn số về ĐT. P.Q.Thanh(RFA)2.Đại tướng còn thở(VB)3.Những con ma ẩn mình chờ chết(RFA)4.Tan sương. ..

Nhiều ẩn số về tình trạng Đại tướng Phùng Quang Thanh
Nguồn: Nam Nguyên, phóng viên RFA- 2015-07-21

bo truong thanh.jpg1

Ảnh minh hoạ-File photo

Việt Nam có vẻ đã huy động các kênh truyền thông nhà nước để bác bỏ tin Bộ trưởng Quốc Phòng Huỳnh Quang Thanh đã chết. Tuy vậy phát biểu của Trung Tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng Tham Mưu trưởng Quân đội nhân dân VN được cho là chưa đầy đủ, không trưng dẫn hình ảnh tướng Thanh trong thời gian chữa bệnh và hồi phục.

Chỉ cần một vài giây phút hình ảnh của tướng Thanh

Trả lời phỏng vấn của Nam Nguyên vào tối 21/7/2015, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nguyên tư lệnh Quân Khu 4 từng là Thủ trưởng của Đại tướng Phùng Quang Thanh đã làm rõ hơn về tình trạng của Đại tướng, một điều mà truyền thông trong nước không hiểu vô tình hay cố ý bỏ qua chi tiết này. Vị Trung tướng 89 tuổi nhưng rất dõng dạc, từ nơi nghỉ hưu ở Hà Nội cho biết, lần cuối cùng mà ông trực tiếp nói chuyện qua điện thoại với Đại tướng Phùng Quang Thanh là 18 ngày trước, tính đến 21/7/2015. Trung tướng Nguyễn Quốc Thước phát biểu:

“ Sự việc tôi biết được vào ngày 27 và từ ngày mùng 3 mỗi ngày tôi đều trao đổi tình hình với thư ký của Đại tướng như tôi đã nói trên mạng. Riêng ngày mùng 3/7 lúc 8 giờ tối bên mình tức là buổi chiều ở bên kia vì cách nhau 6 tiếng Bộ trưởng có điện thoại trực tiếp cho tôi, tôi nhắc lại ngày mùng 3 đấy nhớ. Bộ trưởng nói thế này, bác rất quan tâm tình hình sức khỏe của tôi anh em thư ký nói lại, hôm nay tôi trực tiếp mói chuyện với bác để bác yên tâm. Chúng tôi trao đổi với nhau đúng 7 phút đồng hồ, tất cả nội dung dõng dạc, nói rõ giống như chúng tôi ngồi nói chuyện ở Hà Nội vậy thôi. Tôi khẳng định rằng, những vấn đề tôi nói trên mạng những vấn đề tôi nói trực tiếp với thư ký của đồng chí Bộ trưởng hàng ngày và riêng ngày mùng 3/7 thì Bộ trưởng trao đổi với tôi trực tiếp, chứ không phải qua thư ký, thì tôi tin rằng, tất cả những việc người ta đưa lên mấy ngày hôm nay toàn là những việc để gây rắc rối cho đất nước chúng tôi.”

Báo chí do nhà nước quản lý, khi trích lời Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam, bác bỏ tin của Thông Tấn Xã Đức DPA nói Tướng Thanh đã chết hôm 19/6, nhấn mạnh rằng sức khỏe ông Thanh ổn định, cuối tháng sẽ về. Chúng tôi nêu câu hỏi, thời gian từ nay (21/7) tới cuối tháng chỉ là 8 tới 9 ngày. Phải chăng lúc ấy tất cả những lời đồn đoán, thông tin thất thiệt sẽ bị xóa sạch vì sự thật sẽ chứng minh. Trung tướng Nguyễn Quốc Thước đáp lời:

“ Ngươi ta nói là khoảng cuối tháng lúc ổn định thì sẽ về chứ người ta không có nói ngày giờ nào cả. Riêng đồng chí thư ký nói với tôi là bác sĩ bảo khi nào ổn định tình hình sẽ về, thời gian không bao lâu nữa, chỉ có vậy thôi. Còn ai nói cuối tháng là việc của người khác chứ tôi nghe qua đồng chí thư ký là như vậy. Tôi mong rằng tất cả những ai quan tâm vấn đề này, vì lợi ích của đất nước vì sự ổn định của Việt Nam chứ đừng vì những việc này gây rắc rối cho Việt Nam…những động cơ, những hành động như vậy tôi hoàn toàn phản đối.”

Cuộc nói chuyện qua điện thoại từ Washington DC với Trung tướng Nguyễn Quốc Thước ở Hà Nội bị mất tín hiệu, dở dang câu hỏi của chúng tôi là chỉ cần một vài giây phút đưa hình ảnh của Đại tướng Phùng Quang Thanh đang đi bộ tập hồi phục ở ngoại ô Paris lên truyền thông nhà nước thì sẽ lập tức đánh tan mọi tin đồn đoán không hay về sức khỏe của ông Bộ trưởng.

DPA không cải chính chỉ thêm tin Việt Nam bác bỏ

Đảng và Nhà nước Việt Nam cho tới nay luôn giữ bí mật về tình hình sức khỏe của các giới chức lãnh đạo. Trường hợp Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh trước đây và nay câu chuyện của Đại tướng Phùng Quang Thanh là những thí dụ điển hình.

Bô Thông tin Truyền thông, Bộ Quốc Phòng Việt Nam hay cao hơn là chính phủ đã chọn lối ứng xử không cần đưa tin về sức khỏe của lãnh đạo, trong trường hợp này một Đại tướng Bộ trưởng Quốc phòng vắng mặt tại nơi làm việc gần 1 tháng. Không hề có tin là ai tạm thay thế chức vụ quan trọng này. Theo tin ngoài luồng thì một Ủy ban của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu đang thực tế điều hành chính sách Quốc phòng.

Trong dịp trả lời chúng tôi, TS Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập từ Saigon nhận định:

“ Tôi đồ rằng có lẽ có vấn đề gì đó bất bình thường, nói cách khác hoàn toàn không bình thường đối với ông Phùng Quang Thanh, vì vậy vậy người ta mới cố gắng giữ kín. Nhưng càng giữ kín lại càng xuất hiện quá nhiều tin đồn và cho tới bây giờ những tin đồn đó đang đẩy tình trạng ông Phùng Quang Thanh không phải theo kịch bản như lúc đầu dự đoán là vấn đề sức khỏe nữa, mà theo những kịch bản xấu hơn. Đó chính là vấn đề mà tôi nghĩ rằng hệ thống tuyên giáo họ đã thất bại và họ để càng lâu thì tin đồn lại càng mưng mủ và do đó số phận của tướng Phùng Quang Thanh lại càng thêm bí ẩn.”

Ngày 20/7/2015, Trung tướng Võ Văn Tuấn Phó tổng tham mưu trưởng khi trả lời báo Thanh Niên đã nói nguyên văn: “sức khỏe của Bộ trưởng Quốc phòng Đại tướng Phùng Quang Thanh bình thường, không có vấn đề gì và không cần đi thanh minh trước các tin đồn thất thiệt.”

Xin được nhắc lại, Hãng thông tấn Đức DPA trong bản tin phổ biến chiều Chủ nhật 19/07/2015 trích từ nguồn tin quân sự ẩn danh, nói rằng Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đã qua đời sau gần một tháng điều trị tại bệnh viện Georges Pompidou ở Paris Pháp. Tiếp ngay sau đó báo chí Việt Nam phỏng vấn Trung tướng Võ Văn Tuấn, phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam và vị này đã bác bỏ tin của hãng DPA.

Khác với những gì truyền thông nhà nước cho rằng hãng tin Đức DPA đã cải chính. Trên thực tế DPA không cải chính vẫn giữ tin đã đưa của mình, nhưng đưa thêm tin Việt Nam bác bỏ tin tướng Thanh đã chết. Đặc biệt trong bản tin thứ hai DPA nói lả theo nguồn tin từ nhân viên Bệnh viện chứ không ghi là nguồn tin quốc phòng nữa.

Dù muốn dù không tình trạng thực sự của Đại tướng Phùng Quang Thanh sẽ chắc chắn được làm rõ trong thời gian tới. Ông còn sống hồi phục sức khỏe và về nước, hoặc như trường hợp ông Nguyễn Bá Thanh người ta đưa ông về nước để lo hậu sự.

……………………………………………………………..

Đại Tướng Còn Thở?
Nguồn:vietbao.com21/07/2015 (Hình NN sưu tầm trên Net: BT Thanh gặp BT Pháp 19-6-2015)

Trần Khải

doan menh 2
May quá, hình như Bộ Trưởng Quốc Phòng Phùng Quang Thanh còn hít thở… theo lời báo nhà nước.

Bản tin nhà nước đưa ra nhằm đính chánh một bản tin từ hãng thông tấn Đức DPA nói rằng Đại Tướng Phùng Quang Thanh đã “thôi thở” ở một bệnh viện Paris… Chúng ta nói “thôi thở” là tránh chữ “tắt thở” hay “hết thở”… và để phòng hờ có chuyện nhà nước cho Tướng Quang “thở tiếp”…

Tại sao Tướng Quang “thôi thở” hay “tạm thôi thở” vào dịp Biển Đông sôi động? Có gì bí ẩn không? Hay phải chăng, đây là cuộc tranh trừng sau khi Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng quyết định là phải cho Tướng Phùng Quang Thanh, người thân tín của CS Bắc Kinh và được nghe nói là CSTQ muốn dàn dựng đưa Phùng Quang Thanh lên nắm chức Tổng Bí Thư CSVN kế tiếp sau Nguyễn Phú Trọng.

Thanh trừng có lẽ là cách tiện nhất… vì nếu Phùng Quang Thanh lên Tổng Bí Thư, Nguyễn Tấn Dũng sẽ thê thảm, vì riêng câu hỏi rằng tại sao Ba Dũng cho con rể đưa công ty với vốn 250 triệu đôla sang Los Angeles đầu tư khổng lò như thế… Thanh sẽ hỏi Dũng là, có phải rửa tiền sang Hoa Kỳ để vun quén cuối đời?

Trong khi đó, Biển Đông vẫn sôi động.

Tại Philippines, Giám đốc giao tế Arsenio Andolo thuộc Bộ quốc phòng Philippines loan báo hôm Thứ Hai: chiến đấu cơ và tốc đỉnh sắp đuợc đưa tới căn cứ cũ của Hoa Kỳ, tại Vịnh Subic, theo tường thuật của phóng viên Pháp.

Căn cứ Subic cách đảo cạn tại Trường Sa đang do Trung Quốc kiểm soát tại Biển Đông khoảng 200 kilomét.

Tuần qua, quân đội Philippines quyết định tái xử dụng căn cứ Subic, có thời gian là căn cứ hải ngoại lớn nhất của quân đội Hoa Kỳ cho tới khi đóng cửa từ hơn 2 thập niên.

Biển Đông sôi động như thế, gia tộc Nguyễn Tấn Dũng ôm tiền sang Los Angeles làm gì?

Ngược lại, khi Trung Quốc chính thức biểu lộ tình thân với Phùng Quang Thanh, phải chăng đó cũng góp phần thúc đẩy tiến trình thanh trừng Thanh?

Bởi vì, ngay cả khi Phùng Quang Thanh có sống sót đợt này, sự nghiệp chính trị là tiêu ma cả rồi. Có sống cũng chì vì đối thủ từ bi cho tàn phế mà thở.

Mặt khác, bản tin RFI hôm 20/7/2015 ghi nhận chuyện Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đích thân thị sát Biển Đông. Nghĩa là một cú khều Bắc Kinh công khai?

Khi họp báo tại Seoul sáng ngày 20/07/2015 Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Scott Swift xác nhận ông đã thị sát tình hình tại Biển Đông. Đây là một chuyến tuần tra «bình thường» để bảo đảm quyền tự do lưu thông trên biển tại khu vực.

Lãnh đạo Hạm đội Thái Bình Dương cho biết ngày 18/07/2015 ông đã có mặt trên chiếc máy bay tuần tra P-8 Poseidon trong 7 giờ liên tiếp. Không đi sâu vào chi tiết nhưng Đô đốc Swift giải thích đã đích thân thị sát tình hình ở khu vực, để chứng minh là Hoa Kỳ bảo đảm các quyền tự do lưu thông trong vùng Biển Đông phải được tôn trọng.

Không trực tiếp nhắm vào Trung Quốc, tướng Scott Swift ghi nhận: «Có những yếu tố gây bất ổn trong khu vực và điều đó dẫn tới tình huống bất trắc».

RFI nhắc rằng Đô đốc Scott Swift, 63 tuổi, vừa chính thức nhậm chức Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ vào tháng 5/2015.

Bản tin VOA ghi thêm chi tiết rằng Hồi tháng 5, Bắc Kinh mô tả một chuyến bay của máy bay trinh sát P8 trên đó có một phóng viên của đài CNN là “vô trách nhiệm và nguy hiểm”. Đô Đốc Swift nói chuyến bay của ông, cũng như chuyến bay có ký giả của đài CNN, là một chuyến bay thường lệ, nhưng ông không cho biết liệu phía Trung Quốc có phản ứng gì hay không.

Đô Đốc Swift nói “Chúng tôi đã triển khai lực lượng trên khắp khu vực để chứng tỏ quyết tâm bảo vệ tự do hàng hải của phía Hoa Kỳ”, và cho biết là sự có mặt của ông trên chuyến bay cho phép ông trực tiếp đánh giá các khả năng hoạt động của hạm đội do ông chỉ huy.

Đô Đốc Swift mô tả những sự liên lạc với Trung Quốc ngoài biển là tích cực và bài bản, có thể nói là đã bình thường hoá. Trong khi Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói họ hy vọng Hoa Kỳ không ngả về phe nào trong cuộc tranh chấp biển đảo, và Bắc Kinh kiên quyết chống đối các phi vụ trinh sát của Mỹ, mặc dù họ không nói rõ lần này họ có cảnh cáo chiếc máy bay trinh sát chở Tư Lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ hay không.

VOA cũng ghi lời Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói với Hãng tin Reuters rằng máy bay và tàu của Mỹ đã thực hiện các hoạt động giám sát thường xuyên, rất gần các bờ biển Trung Quốc, phương hại nghiêm trọng lòng tin giữa hai nước và đe doạ các lợi ích an ninh của Trung Quốc, có nguy cơ dễ dàng gây ra một tai nạn trên biển hoặc trên không.

Trong một thông cáo riêng rẽ, Cục An Toàn Hàng Hải Trung Quốc cảnh cáo các tàu bè chớ nên tiến vào các vùng biển nằm về hướng Đông và Đông-Nam đảo Hải Nam từ ngày 22 tới 31 tháng 7 vì các cuộc diễn tập tại đây. Cơ quan này không cho biết chi tiết nào khác về các cuộc diễn tập quân sự này.

Tóm lại, các chuyến bay trinh sát của Mỹ trong khu vực từ lâu vẫn là nguồn gây bực bội cho Bắc Kinh.

Trong khi đó, bản tin VnExpress kể rằng “Trung Quốc sắp tập trận quy mô lớn ở Biển Đông.”

Bản tin này nói, Trung Quốc sắp tổ chức một cuộc tập trận lớn kéo dài 10 ngày vào cuối tháng, phạm vi diễn tập bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Cục Hải sự Trung Quốc (MSA) thông báo ngày 22 – 31/7, Quân Giải phóng Nhân dân nước này sẽ tổ chức một cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn tại khu vực phía đông đảo Hải Nam.

Khu vực diễn ra hoạt động quân sự lớn này bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam. Tuy nhiên, thông báo không nêu rõ cụ thể nội dung và ý đồ của cuộc diễn tập.

Khu vực diễn tập nằm trong phạm vi các toạ độ: 18-15N 110-30E; 19-32N 111-21E; 19-34N 113-26E;18-35N 114-08E;16-45N 113-15E;16-10N 112-18E. Trung Quốc cấm các tàu thuyền không phận sự của nước này vào khu vực kể trên.

Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, bị Trung Quốc đánh chiếm từ năm 1974. Việt Nam nhiều lần khẳng định sự chiếm đóng bằng vũ lực của Bắc Kinh với quần đảo Hoàng Sa là vô giá trị; các việc làm của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa là sự vi phạm chủ quyền. Hà Nội yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt những hành vi này ngay và không tái diễn.

Như thế, TQ muốn cả thế giới thấy rằng khu vực Hoàng Sa là chủ quyền TQ…

Trời ạ, phải chi còn Tướng Phùng Quang Thanh — tướng này mới hồi tháng 10-2014 đã dẫn phaí đoàn 13 tướng lãnh VN Trung Quốc.

Hình như Tướng Thanh là vị tướng duy nhất tuyên bố:

“Trên thực tế, ngay ở trong quốc gia hay mỗi gia đình cũng còn có những mâu thuẫn, bất đồng, huống chi là các nước láng giềng với nhau còn tồn tại tranh chấp về biên giới, lãnh thổ hoặc va chạm là điều khó tránh khỏi.”

Rồi cũng Tướng Thanh tuyên bố:

“Tôi thấy lo lắm, không biết tuyên truyền thế nào, chứ từ trẻ con đến người già có xu thế ghét Trung Quốc. Ai nói tích cực đến TQ là ngại. Tôi cho rằng cái đó là nguy hiểm cho dân tộc…”

Nhưng khi giàn khoan TQ vào Biển Đông của VN hồi tháng 5-2014, Tướng Phùng Quang Thanh tuyên bố:

“Chúng tôi mong muốn là Trung Quốc dời giàn khoan ra khỏi vùng biển, tuy nhiên tùy vào Trung Quốc có muốn dời hay không là chuyện của họ”…

Bởi vậy, cú khều Biển Đông của Trung Quốc mãi mãi chỉ là “mâu thuẫn trong gia đình” thì phải?

Thế thì, ngưng thở cũng phải. Chưa tang lễ thì phải?

…………………………………………………………………………………

Những con ma ẩn mình chờ chết

Cánh Cò, viết từ Việt Nam- 2015-07-20

doan menh.jpg1

Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam.
Photo: RFA

The Thorn Birds của nhà văn nữ người Úc, bà Colleen McCullough khi được dịch ra tiếng Việt trở thành “Những con chim ẩn mình chờ chết”. Theo nhà báo Trần Trọng Thức thì “The Thorn” là một loài chim huyền thoại, cái chết của chúng đã thi vị hóa từ nhà thơ Phạm Thiên Thư trong Đưa em tìm động hoa vàng khi viết “Chim ơi chết dưới cội hoa, tiếng kêu rơi rụng giữa giang hà….”

Đảng cộng sản Việt Nam ngoài công việc chính trị “nặng nhọc” khả năng viết tiểu thuyết của họ không hề kém thế giới tư bản. Tựa quyển tiểu thuyết diễm tình của Colleen McCullough được cải biên rất hay, rất phù hợp với thể trạng cộng sản: Quyền sinh sát của tập thể lãnh đạo đối với đồng chí của mình là tuyệt đối. Họ cho sống thì sống họ bắt chết thì phải chết.

Khi họ bắt chết thì trăm phương ngàn kế nạn nhân sẽ trở thành một cái xác nằm im bất động dưới lòng đất hoặc sống mà như đã chết trong các nhà tù nổi tiếng. Họ có biệt tài đối phó với người đồng chí khiến nạn nhân có miệng mà như không lời, đến khi được thả ra khỏi nhà tù rồi vẫn còn sợ không dám thở mạnh huống chi là tố cáo.

Đó là người sống, những con người.

Còn những con ma thì sao?

Vâng, ma là tiếng dùng để chỉ con người đã chết, mà theo y học thì “chết” thông thường được xem là sự chấm dứt các hoạt động của một sinh vật hay ngừng vĩnh viễn mọi hoạt động sống, không thể phục hồi, của một cơ thể. Tim, phổi và não khi ngưng không hoạt động nữa thì bác sĩ sẽ xác nhận là đã chết. Và sau khi chết thì không thể gọi là người mà phải gọi là ma.

Đảng cộng sản Việt Nam không chấp nhận cách khám nghiệm của y khoa trước một xác chết mà nó phải được Đảng có chấp nhận cho nó chết thì mới được chết. Những con ma này trong tiểu thuyết nhiều tập có tên “Những con ma ẩn mình chờ chết”.

Sở dĩ chúng ẩn mình vì không thể lên tiếng công khai cho cái chết của chúng và vì vậy chưa được gia nhập vào thế giới ma. Những con ma ấy thường là cấp lớn nhất trong hệ thống lãnh đạo và do đó Đảng phải đắn đo ngày giờ phù hợp cho nó chết. Trong lịch sử Đảng “đương đại” con ma gây tốn giấy mực nhất là Nguyễn Bá Thanh, đã chết từ bên Mỹ và xác được chở về Việt Nam nằm đó chờ thủ tục được gia nhập “tập đoàn ma” tức là các đồng chí của ông ta. Ông ta nằm trong tư thế một thi hài nhưng Đảng nằng nặc nói là ông ta chưa chết.

Trước tiên thẩm quyền nhất là ông GS Phạm Gia Khải, bác sĩ riêng của Bộ chính trị, người chuyên bắt mạch cho toàn bộ cấp lãnh đạo khi họ đã vào một bệnh viện nào đó ở ngoại quốc. Vì bắt mạch từ xa nên có khi “nhiễu sóng”. Ông Khải bảo ông Nguyễn Bá Thanh sức khỏe tốt đang diễn tiến thuận lợi. Vài ngày sau ông Bá Thanh rất thuận lợi nằm trên máy bay riêng hạ cánh xuống phi trường Đà Nẵng.

“Tau khỏe mà có chi mô” là lời kể của một ông Đảng viên ưu tú tại thành phố khi ra đón ông Thanh để rồi vài ngày sau đó, phái đoàn cao cấp của Đảng lục tục xếp hàng phúng điếu, xác nhận ôngThanh đã chết, đã thành ma.

Con ma thứ hai cũng tên Thanh nhưng chưa được phép chết.

Phùng Quang Thanh sang Pháp chữa bệnh không ai biết. Tin đồn râm ran trên trang mạng xã hội ngày càng nhiều khiến GS Phạm Gia Khải lại được lệnh Đảng một lần nữa ngồi tại Hà Nội, bắt mạch một con ma tận Paris để rồi đưa ra kết quả rất khả quan: Phùng tướng quân đã hoàn toàn bình phục.

Tin đồn bổng trở thành tin nóng sốt khi hãng tin DPA của Đức chính thức thông báo ông Phùng Quang Thanh đã trở thành ma, tức là đã chết vào chiều ngày 19 tháng 7 năm 2015 tại bệnh viện Georges Pompidou tại Paris.

Đảng lại một lần nữa không cho ông Thanh Phùng chết vào lúc này, lúc mà bọn phản động đang chăm chăm nhìn vào hoạt động thay ngựa giữa dòng của Đảng. Lập tức Thứ trưởng Bộ quốc phòng Võ Văn Tuấn yêu cầu DPA cải chính vì ông Thứ trưởng xác nhận như đinh đóng cột rằng ông vừa gọi điện cho ông Thanh và ông ấy vẫn còn khỏe sẽ về Việt Nam vào cuối tháng này.

Hảng tin DPA ghi lại nguyên văn lời ông tướng Tuấn nói, và vẫn giữ ý chính của bản tin đã được loan đi vào ngày hôm qua, nguyên văn như sau:

“An earlier dpa report said the general died Sunday after receiving treatment at the hospital, citing a source at the hospital.”

“Bản tin của dpa trước đó tường thuật rằng Tướng (Thanh) đã chết vào ngày Chúa Nhật sau khi được chữa trị tại bệnh viện, trích từ một nguồn tin của bệnh viện”’

Có nghĩa là DPA chả cải chính gì sất mà nó còn mượn lời phát biểu của ông Thứ trướng quốc phòng để khoáy sâu thêm vào sự ngờ vực của dư luận về một con ma chưa được Đảng cho chết.

Con ma họ Phùng vậy là còn “ẩn mình” chờ chết.

Nhưng một con ma khác, lớn hơn và “vĩ đại” hơn sẽ không bao giờ được chết mặc dù ông có lăng có miếu đường bệ. Ông là Hồ Chí Minh, vẫn sống mãi trong lòng các Đảng viên và vì vậy ông sẽ không bao giờ chết.

Đảng không cho ông chết mặc dù khi lâm chung ông đã yêu cầu được hỏa thiêu và nhất là không được làm rầm rộ trên xác chết của ông. Nhưng Đảng muốn rầm rộ thì toàn dân phải rầm rộ. Đảng muốn ông chưa được chết thật sự thì dù ông là ma cao cấp nhất vẫn phải ẩn mình chờ chết.

Ông đợi hơi lâu, vì duy nhất chỉ có một sức mạnh khẳng định cho cái chết của ông chính là lịch sử. Lịch sử đến từ từ nên ông vẫn còn phải vật vạ ẩn mình.

*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điềm của RFA.

…………………………………………………………………………………..

Tan sương đầu ngõ
Nguồn: Kính Hòa, phóng viên RFA-2015-07-20

dau ngo.jpeg 1
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trước bữa ăn với Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào ngày 07 Tháng Bảy 2015 tại Washington, DC-

Hai câu thơ của đại thi hào Nguyễn Du đã vượt qua lũy tre làng Việt nam vào đến tận phòng khánh tiết của Bộ ngoại giao Hoa kỳ, khi Phó Tổng thống Mỹ Joseph Biden cất lời chào đón Tổng bí thư đảng cộng sản Việt nam trong mùa hè năm nay.

Nếu như trong tuần lễ ông Trọng có mặt ở nước Mỹ, người ta bàn nhau về những toan tính chiến lược giữa các bên, những phỏng đoán chính trị thâm sâu cho tương lai,… thì một tuần sau đó dư âm trên các trang blog tiếng Việt về chuyến đi mà ông Trọng xem là lịch sử ấy lại là hai câu thơ của một thi nhân, người cũng từng gánh những trọng trách ngoại giao không dễ dàng hai trăm năm trước.

Có blogger nói là nước Mỹ chơi thâm, vì ví von ông Trọng với nhân vật trùng tên với ông trong truyện Kiều là Kim Trọng, một nhân vật nhạt nhẽo, không bản lĩnh.

Nhưng đa số những bình luận về câu chuyện văn chương- ngoại giao này là tích cực.

Kỹ sư Tô Văn Trường viết trên blog Bauxite Việt nam rằng người Mỹ đã chuẩn bị buổi gặp gỡ một cách kỹ lưỡng đến độ tra cứu cả kho tàng cổ văn Việt nam để tìm ra áng văn mà học giả Phạm Quỳnh từng cho rằng nó tồn tại cùng dân tộc Việt nam. Ông Tô Văn Trường cho là hai câu thơ mà ông Biden trích dẫn là rất thích hợp của cuộc tái hợp ngày hôm nay của hai quốc gia Việt Mỹ. Song ông Trường lại tiếc cho ông Trọng, người ắt hẳn am hiểu truyện Kiều vì đã tốt nghiệp khoa ngữ văn ở Hà nội, là không đem được sở học ấy ra mà đối đáp trong buổi tương giao.

Có blogger nói là nước Mỹ chơi thâm, vì ví von ông Trọng với nhân vật trùng tên với ông trong truyện Kiều là Kim Trọng, một nhân vật nhạt nhẽo, không bản lĩnh

Người cựu sinh viên tranh đấu trước năm 75 Hạ Đình Nguyên lại đặt câu hỏi quanh câu chuyện Tan sương đầu ngõ của ông Trọng.

Hạ Đình Nguyên dùng lại từ xoay trục mà giới phân tích chính trị thường dùng để chỉ chính sách Á châu của nước Mỹ để nói về câu chuyện của ông Trọng, rằng có phải thực sự ông Trọng đã thay đổi hay không, vì ông vốn là một người luôn tuyên truyền cho chủ nghĩa Mác Lê Nin, có phải ông thực sự xoay trục hay không!

Và ông Nguyên nhận xét rằng trong mấy ngày ở đất nước của nữ thần tự do, ông Trọng không hề nhắc đến cả tên của các vị tiền bối cộng sản của ông.

Cũng bàn về Tan sương đầu ngõ, Giáo sư Nguyễn Đình Cống, sau khi điểm lại lịch sử bang giao Việt Mỹ, cũng có nhận xét rằng con người gắn chặt với hình ảnh cương định chủ nghĩa Mác Lê Nguyễn Phú Trọng không mảy may đề cập đến việc kiên định xã hội chủ nghĩa, hay là chống Tam quyền phân lập,… vốn là những câu nói đầu môi trước đây của ông Tổng bí thư đảng.

Nhưng đâu đó vẫn còn có sự hoài nghi, Ông Hạ Đình Nguyên nghi vấn là với tính giáo điều và sự tự mãn trí thức xã hội chủ nghĩa, liệu ông Trọng có dấn thêm bước đi nữa để tạo nên đột phát cho bế tắc chính trị xã hội ở Việt nam hay không?

Còn Giáo sư Nguyễn Đình Cống lại có thêm một góc nhìn khác trong câu chuyện Tan sương đầu ngõ. Ông cho rằng sương ngoài ngõ có thể tan rồi nhưng câu chuyện trong nhà mới là quan trọng. Ông viết:

Quan trọng hơn là sự hòa thuận và ngăn nắp trong nhà, là xây dựng nhà nước pháp quyền, là tự do hạnh phúc, là nhân quyền cho toàn dân.

Những chuyện trong nhà

Ngay trong ngày ông Trọng kết thúc chuyến thăm nước Mỹ, một người nông dân biểu tình đòi đất ở Việt nam bị xe ủi cán trọng thương.

So sánh hai câu chuyện, câu chuyện tan sương của ngoại giao, với câu chuyện bế tắc của nông dân và đất đai, blogger Viết từ Sài gòn viết rằng mình có một cảm giác bất an! Bất an vì sự trí trá trong đối nội đối ngoại, và bất an về một vụ Thiên An Môn tiềm ẩn trên đất Việt.

Trong một bài viết khác của tuần này, Viết từ Sài gòn đánh giá những động thái đối ngoại của đảng cộng sản trong thời gian gần đây là:

Chuyển loại hình chính trị mà lợi ích nhóm vẫn được bảo đảm.

Bài toán nan giải nhóm lợi ích nhóm đó, một lần nữa lại được ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó ban Tuyên giáo trung ương đảng đề cập trên truyền thông chính thống.

Giáo sư Nguyễn Đình Cống viết bài Trao đổi thêm với ông Vũ Ngọc Hoàng, trong đó ông cho rằng:

dau ngo 2.jpg1
Công trình Văn Miếu Vĩnh Phúc trị giá gần 300 tỉ đồng

Muốn trừ diệt được về cơ bản sự tham nhũng, nhóm lợi ích, ngăn ngừa sự phát triển “chế độ tư bản thân hữu” thì hay nhất, có hiệu quả nhất là Đảng phải tự đổi mới, từ bỏ độc quyền, từ bỏ chuyên chính vô sản và đấu tranh giai cấp, thực thi chế độ dân chủ với Tam quyền phân lập, nghĩa là phải thay đổi thể chế để có thể xây dựng một chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Ông Cống vốn là người công khai yêu cầu xóa bỏ chủ nghĩa Mác Lê Nin với tư cách ý thức hệ lãnh đạo tại Việt nam.

Cũng nói về các nhóm lợi ích và chủ nghĩa tư bản thân hữu, blogger Mạnh Kim viết bài phân tích về cái gọi là sở hữu toàn dân mà đảng cộng sản vẫn hay lên tiếng ca ngợi, rằng Nó tạo ra lãnh chúa và sự chia chác thống trị của lãnh chúa với các thế lực kinh tế mang màu sắc giang hồ.

Muốn trừ diệt được về cơ bản sự tham nhũng, nhóm lợi ích, ngăn ngừa sự phát triển “chế độ tư bản thân hữu” thì hay nhất, có hiệu quả nhất là Đảng phải tự đổi mới, từ bỏ độc quyền, từ bỏ chuyên chính vô sản và đấu tranh giai cấp, thực thi chế độ dân chủ với Tam quyền phân lập

Giáo sư Nguyễn Đình Cống

Các nguồn lực kinh tế bị chia chác bởi các nhóm lợi ích, không chừa cả những vùng quê nghèo khó nhất, đó là câu chuyện lạm thu trên những nông dân nghèo khó tại tỉnh Hà Tĩnh, quê hương của nhà thơ Nguyễn Du.

Và cũng chính trên mảnh đất nghèo khó này một miếu thờ Khổng tử nguy nga sắp mọc lên. Blogger nhạc sĩ Tuấn Khanh viết:

Sắp tới đây, một Văn miếu nguy nga với giá gần 100 tỷ sẽ được dựng nên tại đây. Các quan chức cán bộ Hà Tĩnh nói rằng Văn miếu này sẽ giúp đẩy mạnh được giá trị văn hoá truyền thống đền ơn đáp nghĩa, đặc biệt là dành cho những người đã khuất. Trớ trêu thay, cái nghĩa dành cho người còn sống còn chưa trọn thì quy bái cho người chết có là gì? Mồ hôi và nước mắt của nông dân nghèo để đắp xây lên lâu đài, văn miếu… thì nơi đó phải chăng chỉ để gióng lên những tiếng oán thán cho đến tận đời sau?

Bình luận về sự tình cảnh bế tắc hiện nay của chính trị và xã hội Việt nam, Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc cho rằng đảng cộng sản đang tước bỏ vai trò lãnh đạo của mình vì độc ác và hung bạo.

Một chuyện khác cũng có thể xem là chuyện trong nhà đó là sự hòa giải giữa chính quyền của đảng cộng sản hiện nay với cộng đồng người Việt ở hải ngoại.

Giáo sư Lê Xuân Khoa từ California viết bài Hòa giải với người chết.

Sắp tới đây, một Văn miếu nguy nga với giá gần 100 tỷ sẽ được dựng…Trớ trêu thay, cái nghĩa dành cho người còn sống còn chưa trọn thì quy bái cho người chết có là gì? Mồ hôi và nước mắt của nông dân nghèo để đắp xây lên lâu đài, văn miếu… thì nơi đó phải chăng chỉ để gióng lên những tiếng oán thán cho đến tận đời sau?

Blogger nhạc sĩ Tuấn Khanh

Giáo sư Khoa là người từng gặp gỡ nhiều giới chức cao cấp của đảng cộng sản Việt nam để xúc tiến việc trùng tu nghĩa trang quân đội Việt nam cộng hòa trước đây. Đây là ý tưởng xuất phát từ một trí thức người Việt sống tại Mỹ, cho rằng có lẽ phe thắng trận trong cuộc chiến Việt nam nên bắt đầu việc hòa giải bằng cách hòa giải với những người đã khuất, vì đó có thể là bước đi dễ dàng được chấp nhận.

Nhưng theo bài viết của Giáo sư Khoa thì những cố gắng hòa giải dù là với những người đã mất đó, cho tới nay vẫn gặp vô vàn trở ngại từ phía các giới chức Việt nam.

Không rõ trong chuyến đi của ông Trọng tới Mỹ, ông có muốn tiếp tục xúc tiến sự hòa giải giữa đảng của ông và những người Việt hải ngoại hay không, nhưng trong những phát biểu của ông hướng tới chính quyền Mỹ ông nói rằng ông mong muốn đất nước này tạo điều kiện cho các đồng bào của ông được thuận lợi trong việc làm ăn sinh sống.

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cho rằng lời phát biểu đó là theo một công thức có sẳn, và theo ông thì nó có tính chất trịch thượng đối với một cộng đồng hằng năm gửi về quê hương một số tiền, mà ông gọi là viện trợ không hoàn lại, trị giá đến 15 tỉ đô la Mỹ, giúp đỡ rất nhiều cho nền kinh tế yếu kém của Việt nam do đảng cộng sản lãnh đạo.

Nhìn vào những xung đột đối đầu giữa người Việt với nhau dù chiến tranh đã chấm dứt 40 năm, từ Pháp Giáo sư Cao Huy Thuần viết rằng:

Chẳng lẽ chúng ta cũng cứ ở mãi trong tình trạng bất bình thường từ bốn chục năm qua? Cứ chiến tranh với nhau hoài? Cứ hận thù hoài? Cứ đánh gục mọi ý kiến khác, dù đầy thiện chí, như nã súng cối vào kẻ thù? Cứ đặt vòng kim cô trên đầu xã hội với mệnh lệnh và khẩu hiệu?

Ông viết thêm rằng ông chỉ mong có hai điều cho xã hội Việt nam hiện tại là nó sẽ trở nên bình thường và tìm thấy một sự đồng thuận.

Lời kết

Có lẽ cũng khó thấy thế nào là thành công hay không thành công sau chuyến đi gọi là lịch sử của ông Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ, vì có những góc nhìn những quan điểm hãy còn rất khác nhau. Nhưng trang Bauxite Việt nam nhận định rằng chuyến công du Hoa kỳ của ông Tổng bí thư là một vết son đậm nhất trong cuộc đời chính trị tẻ nhạt của ông.

Blogger Hạ Đình Nguyên cũng có hy vọng:

Theo đạo Phật, những ngày tháng cuối mùa, cuối đời thường có những thay đổi đáng giá, gọi là ánh sáng của giai đoạn “cận tử nghiệp”. Tình hình này ứng vào bản thân ông, vào thể chế, và cũng là tình hình đất nước.
Lành thay!
Đáng hoan nghênh thay!

Đó là lời kết trong bài viết Tan sương đầu ngõ của ông mà chúng tôi cũng xin mượn để đặt tựa đề cho bài điểm blog tuần này.

…………………………………………………………………………………………

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics