1.Nhớ lại Tháng Tư 1975(NN)2.Tháng Tư 2016:tai ương dồn dập đến với dân VN:Vụ Formosa &More..

NHỚ LẠI THÁNG TƯ 1975-

Nhã Nhạc

LGT-Bài viết dưới đây được đăng trên website này Tháng Tư 2010 . Tháng Tư năm nay 2016, biết bao nhiêu tai ương dồn dập xảy đến với đồng bào VN của chúng ta . Xin chia xẻ cùng bằng hữu, quý bạn đọc niềm đau hoang mang của chúng tôi vào tháng Tư 1975, và, hôm nay 4-2016, nỗi đau đớn, xót xa khôn cùng của chúng ta trước cảnh “nước mất nhà tan”, quân xâm lược Hán tặc đang tác oai tác quái trên quê hương với sự đồng lõa của những Lê Chiêu Thống ! Thật là đau đớn!! ./- NN

07/04/2010: Thương Tiếc
Category: Tùy Bút / Hồi ký Posted by: Tbl Đọc: 4928 lần

Thương Tiếc

Nhã Nhạc

“Thương tiếc” là tên một bức tượng dựng tại Nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa từ trước năm 1975 . Biến cố 30-4-1975 đã khiến tất cả người dân miền Nam, ở trong nước cũng như hải ngoại, đi từ đau đớn, bàng hoàng lúc ban đầu đến thương tiếc, ngậm ngùi trong suốt 35 năm qua . Ai trong chúng ta, không nhiều thì ít, đều đã kinh qua nỗi…

… đau đớn , thương tiếc này. Ngày 30-4-1975 là ngày Miền Nam Cộng Hòa của chúng ta chính thức mất vào tay Cộng sản miền Bắc, nhưng trước đó, ít nhất và rõ nhất là từ khoảng giữa tháng 3-1975, nhiều thành phố của miền Nam chúng ta đã lần lượt rơi vào sự tấn công ào ạt của họ : Huế, Đà Nẵng, Tuy Hòa, Cam Ranh, Pleiku …

(Hình bên ;Di tản từ Huế vào Đà Nẵng ngày 24 và 26-3-75)

  Một người không hiểu gì nhiều về quân sự, chính trị, như chúng tôi , cũng thấy rõ ràng nguyên nhân tại sao chúng ta thua : CS Bắc Việt tiếp tục nhận được cấp viện rất dồi dào của Cộng Sản Quốc Tế ; Miền Nam VN Cộng Hòa bị trói tay vì cạn kiệt viện trợ -chính yếu từ chính phủ Mỹ –

Những sự kiện lớn trong tháng 4-1975 được ghi lại như sau :

-Ngày 27-4-1975, Việt Cộng pháo kích dữ dội vào căn cứ Không quân Biên Hòa .Khi Cộng quân tiến đánh Sài Gòn, Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn khởi sự cuộc di tản nhân viên Mỹ cùng nhân viên Việt của họ .

-Ngày 28-4-1975, khoảng 6 giờ chiều, tân “Tổng thống” Dương Văn Minh tuyên thệ nhận chức, ngay sau buổi lễ, 3 phi cơ Cộng Sản (CS) tấn công bất ngờ phi trường Tân Sơn Nhất ; chiến xa trọng pháo mở đường vào Sài Gòn .

-Ngày 30-4-1975, * sáng sớm, Đại sứ Hoa Kỳ Graham Martin là 1 trong số những người Mỹ cuối cùng được không vận ra khỏi Sài Gòn về phía hạm đội 7 đậu ngoài khơi VN .

* Khoảng gần 10 giờ sáng, chiến xa CS tông đổ cánh cổng trước Dinh Độc Lập .

* Khoảng 10 giờ 30 sáng, “Tổng thống” Dương Văn Minh, thay mặt VNCH, đầu hàng không điều kiện … chấm dứt cuộc chiến 30 năm tại VN .

Trong bài “Nhớ Thăng Long Thành”, chúng tôi đã nhắc đến những chiến sĩ VNCH, từ cấp Binh Nhì tới cấp Tướng, đã tự sát trong ngày 30-4-1975 . Nay tài liệu cho biết thêm : cũng trong ngày 30-4-1975, tại Trường Thiếu Sinh Quân, Vũng Tàu, cách Sài Gòn 120 cây số về hướng Đông Nam, các Thiếu Sinh Quân tại đây đã chống lại lệnh đầu hàng quân CS mà tiếp tục chiến đấu cho tới khi trường của họ bị Cộng quân tràn ngập .

Sau 30-4-1975, xuất hiện câu nói : “Cái cột đèn, nếu biết đi, nó cũng đi” , người Miền Nam VN, đã liều hy sinh đến cả tính mạng, tìm mọi cách để đến được bến bờ Tự Do . Nhưng, còn người nằm dưới mộ sâu thì sao ? Đó lại là một vấn đề làm nhức nhối hầu hết người dân miền Nam trước đây . Họ không có thân nhân nằm lại tại các Nghĩa trang dân sự thì cũng ở trong Nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa (NTQĐBH). Trong bài viết “Cái bia”, tác giả (tg) Hoằng Hữu NVP cũng nhắc đến những ngôi mộ,có chủ hay vô chủ tại miền Nam, đang bị CS đòi lại đất ! Ai trong chúng ta cũng đều được dạy rằng “Nghĩa tử là nghĩa tận” (đối với bạn cũng như đối với kẻ thù) nhưng người CS không được dạy như thế . Và tất cả chúng ta càng lo hơn cho những ngôi mộ của các Chiến sĩ VNCH đã “Vị Quốc vong thân”, nằm lại trong Nghĩa Trang QĐ Biên Hòa .

Trong bài thơ “Đêm, nhớ trăng Sài Gòn”, (!978), của tg Du Tử Lê, khi nhớ tới những đồng đội của mình còn nằm lại tại đây, tg đã gọi nơi này bằng 1 tiếng rất thân thiết qua 2 câu thơ sau đây :

” nhớ nghĩa trang : quê hương bạn bè

nhớ pho tượng lính buồn se bụi đường”

Theo nhật báo Viễn Đông, phát hành ngày 12-1-2007, nhà báo Vi Túy, một trong số những nhà báo Úc gốc Việt đã về VN, tới thăm Nghĩa trang QĐ Biên Hòa , nhà báo Vi Túy đọc thấy 2 câu thơ, không biết của ai, ghi trên một ngôi mộ chiến sĩ vô danh :

” Tôi về giữa chốn hoang sơ,

thầm hôn trên những nấm mồ vô danh”

Thật là buồn ! Thật là đầy Thương Tiếc !

Và, có bao nhiêu nỗi buồn , bao nhiêu nỗi thương tiếc, đang trở lại với chúng ta trong những ngày này ?!

Nhã Nhạc

4/2010

(Hìnhbên “Pho tượng lính” tức là bức tượng Tiếc Thương)

(Hình bên: Nấm mồ chiến sĩ trong “chốn hoang sơ”)

NN hiệu đính 4-2016

…………………………………………………………………

THÁNG TƯ 2016: Bao tai ương dồn dập đến với đồng bào Viêt Nam :”Nước mất nhà tan”

Tột cùng của sự đê tiện!

Nguồn: Posted by adminbasam on 27/04/2016

FB Lang Anh

Ông Võ Tuấn Nhân, thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường. Ảnh: báo DT
Ông Võ Tuấn Nhân, thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường. Ảnh: báo DT

19h50 phút tối ngày 27/04/2016, sau nhiều lần trì hoãn kéo dài, cuối cùng thì ông Võ Tuấn Nhân, thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường cũng tiến hành cuộc họp báo công bố kết quả điều tra nguyên nhân thảm họa cá chết đang hủy diệt môi trường miền Trung và đe dọa tính mạng con người. Nội dung cuộc họp báo của ông ta chỉ có nhõn một thông báo với vài trăm từ vô cảm: “Theo ông Nhân, cơ quan chuyên môn đã thống nhất nhận định có hai nhóm nguyên tố chính. Một là do tác động độc tố hoá học của con người và trên biển. Thứ hai là do tác động của hiện tượng tảo nở hoa hay thủy triều đỏ.

“Hiện chưa thấy mối liên hệ với hoạt động của Formosa và các công ty trong khu vực với tình trạng cá chết hàng loạt này” – ông Nhân cho biết.

Các cơ quan chuyên môn sẽ tiếp tục nghiên cứu theo 2 hướng kể trên. Nếu cần thiết sẽ mời chuyên gia quốc tế kiểm chứng.”

Một cuộc họp báo nực cười khi không ai được hỏi và cũng không ai thèm trả lời, kéo dài chỉ trong 10 phút để nói về một thảm họa đang đe dọa cả đất nước.

Vậy là sau khi cá chết trên diện rộng gây những tổn thất to lớn về kinh tế xã hội, cuộc sống của hàng chục vạn người sống nhờ vào biển bị đe dọa trực tiếp, cá chết hàng loạt ở tầng đáy khiến môi sinh bị hủy hoại khủng khiếp, hàng chục triệu người khác thì đang hoang mang. Đã có xét nghiệm về thành phần kim loại nặng trong nước biển (1); Đã có một thợ lặn cho dự án Formosa tử vong không rõ nguyên nhân (2); Đã có một thợ lặn khác được xét nghiệm tìm ra độc tố chì và đồng là những kim loại nặng nguy hiểm trong cơ thể; Đã gần 30 ngày trôi qua và chính phủ với một bộ máy cực kỳ hùng hậu vẫn không thể có một kết luận rõ ràng. Họ không thể làm rõ cái gì đang tồn tại trong xác cá và trong nước biển, quả là một trò hề khi đã qua gần 30 ngày, trình độ xét nghiệm lý hoá của Việt Nam thấp đến thế hay sao? Họ thậm chí cũng không thèm đưa ra bất cứ khuyến cáo nào với người dân để đề phòng với tình hình, tránh nguy hiểm tính mạng, họ thậm chí cũng không có lấy một dòng đề cập đến những biện pháp cứu trợ cho những người đang chịu ảnh hưởng và đói khát vì biển chết. Thứ họ nhắc đến duy nhất là Formosa, nhưng nó giống như một lời bào chữa của luật sư cho bị can chứ không phải là một chính phủ đang hành động để bảo vệ người dân của nó.

Sự đê tiện đã được đẩy đến tột cùng. Đã đến lúc người dân không thể ngồi im được nữa. Rõ ràng là họ không hề quan tâm đến nhân dân, họ cũng không hề quan tâm đến tương lai đất nước này. Tôi đề nghị tất cả những người dân chịu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp hãy hành động trong khuôn khổ hoà bình để gây áp lực với chính quyền, nhanh chóng tìm ra thủ phạm, đồng thời có những chính sách cứu trợ phù hợp với những người chịu ảnh hưởng trực tiếp. Công lý đã không tự đến thì chính chúng ta phải giành lấy chúng.

Mỗi giờ, mỗi phút trôi qua, hậu quả càng nặng nề hơn với cả con người lẫn môi trường. Tôi buộc phải nói rằng việc chế độ này tồn tại đang tiếp tục là đại họa khủng khiếp cho người dân. Khi những kẻ cai trị bằng cách tiếm quyền và không được dân bầu thì dù không có Formosa cũng sẽ có một thứ quái vật tương tự khác. Giống như hàng lậu từ Tàu đang giết nền kinh tế và làm giàu cho kẻ xâm lăng; Giống như thực phẩm bẩn đang giết dần người dân; Giống như hạn mặn lan tràn miền Nam trong sự bất lực và bó gối của chính quyền vì đã chẳng làm gì trong quá khứ để ứng phó vì người dân; Giống như tình trạng tham nhũng và trơ tráo đến vô luân của hầu hết những kẻ nắm quyền; Giống như sự bất công lan tràn trong xã hội; Và giờ đây thêm cơn thảm họa biển miền Trung.

Giọt nước đã tràn ly. Tôi thực sự kêu gọi tất cả những người Việt Nam có hiểu biết và có lương tri, hãy tiến hành những hoạt động bất tuân dân sự một cách rộng khắp để phản đối sự vô cảm của chính quyền. Chúng ta đóng thuế làm gì để nuôi một lũ vô luân? Xin hãy cất tiếng nói, xin hãy cùng ký các đơn từ tập thể, xin các luật sư và các nhà phản biện xã hội hãy vào cuộc, xin các nhà khoa học có hiểu biết và có lương tâm hãy tiến hành các phân tích độc lập, xin các đồng bào Việt Nam ở nước ngoài hãy giúp đỡ những người trong nước để tìm ra sự thật, xin hãy nói giúp với thế giới điều gì đang diễn ra ở đây và xin toàn bộ người Việt Nam hãy ủng hộ những người dũng cảm dẫn đầu, đừng để họ lẻ loi và bị khủng bố trong đơn lẻ.

Và trong cuộc bầu cử 22/05/2016 tới đây, hãy nắm chặt tay nhau đi bầu, nhưng là để làm thất bại cái mong muốn cai trị trong ngu dân của chế độ phản văn minh này. Phải làm điều gì đó để thay đổi số phận của đất nước và của chính chúng ta:

https://www.facebook.com/Langlanhtu/posts/10204711080176939
https://www.facebook.com/Langlanhtu/posts/10204721882927001
https://www.facebook.com/Langlanhtu/posts/10204733592019721

……………………………………………………………………………….

Vụ cá chết: Nhận định của 3 nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài
Nguồn: Dân Tri- 27/04/2016

Vu ca chet: Nhan dinh cua 3 nha khoa hoc Viet Nam o nuoc ngoai - Anh 1

Trong lúc chờ kết luận của cơ quan chức năng về nguyên nhân cá chết ở bờ biển miền Trung, chúng tôi đưa ra những bằng chứng sau để dự đoán khả năng hai trường hợp có thể xảy ra.

Vu ca chet: Nhan dinh cua 3 nha khoa hoc Viet Nam o nuoc ngoai – Anh 1

Vụ cá chết: Nhận định của 3 nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài

Bài viết dưới đây có tựa đề gốc: “Chuyện bé như hạt gạo hay thảm họa quốc gia: Nguy cơ ngộ độc kim loại nặng ven biển miền Trung và những tác hại lâu dài“, Báo điện tử Trí Thức Trẻ đăng tải lại để độc giả cùng theo dõi. Đồng tác giả:

* ThS. Trần Thị Thanh Thỏa (Khoa Sinh học, Trường Đại học Thủ đô Tôkyo, Nhật Bản)

* Thiều Mai Lâm (Viện Khoa học Cao phân tử, Đại học Kỹ thuật Virginia, Mỹ)

* GS.TS. Trương Nguyện Thành (Khoa Hóa Học, Đại Học Utah, Mỹ)

Để khẳng định một cách chính xác, các phương pháp phân tích hóa chất thường dùng trong các phòng thí nghiệm hóa học, phân tích chất lượng nước… có thể xác định chính xác hóa chất gây cá chết .

Thí dụ dùng phương pháp Atomic Absorption Spectroscopy (AAS) có thể tìm ra những kim loại nặng hấp thụ trong cá chết hoặc Gas Chromatography Mass Spectroscopy (GC-MS) xác định hàm lượng vết các chất hữu cơ.

Những thí nghiệm này không quá phức tạp chỉ cần trình độ cử nhân hóa học là làm được.

Tuy nhiên không hiểu lý do vì sao cho đến giờ chưa có một báo cáo nào công bố cụ thể các chỉ số cho toàn dân biết để phòng tránh.

Trong lúc chờ kết luận của cơ quan chức năng về nguyên nhân cá chết , chúng tôi đưa ra những bằng chứng sau để có thể kết luận khả năng 2 trường hợp có thể xảy ra.

Trường hợp 1: Nhiểm độc kim loại nặng (KLN)

1. Chất có khả năng giết hàng loạt cá biển trên một diện rộng như thế phải là chất kịch độc như KLN và kể cả chất phóng xạ.

Theo thiết kế của khu công nghiệp, cổng xả thải được đặt ở vị trí 1,5 km ngoài khơi, nơi được cho là có khả năng làm loãng mọi hóa chất một cách nhanh chóng do dung lượng lớn của nước biển.

Tuy nhiên, đối với các KLN như chì thì một lượng rất nhỏ chỉ cần 1 g trong 1,000,000 lít nước cũng đủ chết người (Nồng độ IDLH (Immediately Detrimental to Life and Health) từ Environmental Protection Agency (EPA – Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ) và 1 g trong 10 triệu lít nước đủ nguy hại đến cá.

2. KLN khối lượng riêng nặng nên khi bị phát tán sẽ dần chìm xuống dưới nên mới gây chết rất nhiều cá ở tầng đáy.

Như các thông tin báo chí đăng có thể thấy cá sống ở lớp nước sâu bị ảnh hưởng nhiều hơn cá sống ở lớp nước mặt.

Điều đó có thể là dấu hiệu cho thấy do các hợp chất chứa KLN chìm xuống dưới làm chết các loại cá và sinh vật dưới đáy biển.

3. Kết luận kiểm tra của Sở NN&PTNT Thừa Thiên – Huế cho biết, nguyên nhân cá chết hàng loạt là do pH nước thay đổi đột ngột, chất lượng phú dưỡng (PO4 3- ) tăng cao đột ngột. Câu hỏi đặt ra “PO4 từ đâu ra và tại sao pH nước tăng đột ngột?”

a. Đá ở khu vực Vũng Áng rất giống loại đá phosphorite: có lỗ nhỏ và màu ngả vàng.

Vu ca chet: Nhan dinh cua 3 nha khoa hoc Viet Nam o nuoc ngoai – Anh 2

So sánh đá ở khu vực Vũng Áng và đá phosphorite

b. Trong qui trình khai thác đá phosphorite sẽ thải ra nước thải màu vàng.

Ta có thể thấy nước thải của Formosa có màu vàng, rất giống với màu đặc trưng của nước thải khi khai thác phosphorite.

Vu ca chet: Nhan dinh cua 3 nha khoa hoc Viet Nam o nuoc ngoai - Anh 3

Hình 2- Nước thải từ Formosa (trái) và nước thải từ quá trình khai thác vàng (phải)

c. Cấu trúc của đá phosphorite điển hình thường có chứa gốc iôn kim loại nặng và PO4 3-

Vu ca chet: Nhan dinh cua 3 nha khoa hoc Viet Nam o nuoc ngoai – Anh 4

(Một số ít ion bạc trong cấu trúc này có thể được thay thế bởi các loại kim loại nặng khác nhau). Khi khai thác đá phosphorite sẽ giải thoát một lượng lớn PO4, ion Ag cũng như một số kim loại nặng vào nước thải.

d. Phosphoric acid là một acid yếu do đó với lượng lớn PO4 3- ion, theo nguyên tắc chuyển dịch cân bằng Le Chatelie, chiều phản ứng sẽ bị đẩy ngược để tạo nhiều OH ion hơn và do đó nâng cao độ pH của nước.

e. Theo nghiên cứu của Salamon, chỉ cần 0.1 ppb (part per billions) lượng ion bạc là đủ giết cá. 0.1 ppb tương đương với 1 g cho 10 triệu litter nước. (hệ số biến đổi: 1 ppb = 1 g/1 triệu L)

Trường hợp 2: Nhiễm độc bởi cyanide (Xyanua)

Trong kỹ thuật khai thác mỏ kim loại, NaCN thường dùng để chiết xuất vàng và các kim loại quí hiếm.

Thí dụ trong trường hợp chiết xuất vàng từ quặng, NaCN giúp biến vàng thành chất có thể tan trong nước theo phản ứng sau và đồng thời sản xuất NaOH, một bazơ mạnh theo phương trình sau:

4 Au + 8 NaCN + O 2 + 2 H 2 O → 4 Na[Au(CN) 2 ] + 4 NaOH

NaCN là một loại muối rất dễ tan trong nước. Do đó nếu không kết hợp với kim loại thì ion cyanua sẽ xuất hiện ở dạng ion trong nước thải.Vì phản ứng hóa học thải ra NaOH do đó nồng độ pH của nước sẽ tăng phù hợp với báo cáo của Sở NN&PTNT Thừa Thiên – Huế. Ion Cyanua (CN-) tan trong nước là một chất cực kỳ độc.Nó làm hệ thống hô hấp của động vật mất chức năng tiêu thụ oxy. Nồng độ IDLH của CN là 25 g/1 triệu L.

Tuy không độc bằng KLN nhưng với lượng lớn cyanua cũng có thể gây cá biển chết hàng loạt.

Khu vực miền Trung được biết có nhiều mỏ vàng. Do đó khả năng chất thải có từ việc khai thác vàng và kim loại quí hiếm cũng không phải là thấp

Tác hại có thể dự đoán trên diện rộng của sự việc ở Vũng Áng

Khi cống thải được đặt ở 1,5 km xa bờ biển thì cột nước thải có thể dài vài chục đến cả trăm mét.

Dòng hải lưu nơi đó đủ mạnh để phát tán chất độc trong diện rộng từ vài trăm đến ngàn km dễ dàng và nhanh chóng. Thực tế cho thấy tác hại đã lan ra trên 250 km bờ biển.

Vu ca chet: Nhan dinh cua 3 nha khoa hoc Viet Nam o nuoc ngoai – Anh 5

Cột nước thải và sơ đồ vùng biển nhiễm độc

Theo lí thuyết, những chất này nếu là KLN thì tác hại của nó có thể là khôn lường và rất khó ước đoán. Các loại hải sản ở khu vực nhiễm độc đều có thể bị nhiễm nặng.

Lượng độc tố có thể ngấm sâu xuống mạch nước ngầm và gây hại lâu dài.

Tình trạng ở Vũng Áng có tầm nguy hại đến sức khỏe và mưu sinh của dân chúng trên diện rộng do dòng hải lưu và phân phối hải sản tiêu thụ trên cả nước chứ không chỉ giới hạn ở Vũng Áng.

Lịch sử thế giới đã ghi nhận rất nhiều trường hợp thương tâm về việc nhiễm KLN từ môi trường và cuộc đấu tranh pháp lí không hề dễ dàng.

Một vài ví dụ đau thương được ghi nhận về nhiễm độc KLN:

Vu ca chet: Nhan dinh cua 3 nha khoa hoc Viet Nam o nuoc ngoai - Anh 6

Nạn nhân bị nhiễm bệnh Minamata

Bệnh Minamata là đại thảm họa môi trường của Nhật-như cái giá phải trả cho việc quá nôn nóng phát triển kinh tế mà bỏ qua việc bảo vệ môi trường.

Từ năm 1932-1968, công ty Chisso (Nhật) sử dụng thủy ngân hữu cơ là chất xúc tác để sản xuất acetaldehyde, axit acetic và các chất dẻo.

Methyl thủy ngân là chất kịch độc, độc đến nỗi chỉ vài giọt rơi vào da có thể dẫn đến tử vong ngay lập tức.

Trong quá trình sản xuất, methyl thủy ngân được sinh ra và đổ thẳng xuống vịnh Minamata mà không qua bất kì một sự xử lý nào.

Thủy ngân phát tán trong môi trường nước, bám vào phù du và lắng xuống bùn. Cá hấp thụ oxy trong nước qua mang cá, tích lũy thủy ngân trong cơ thể.

Khi ăn phải những con cá bị nhiễm độc đó dần dần, người ăn sẽ tích lũy lượng thủy ngân đáng kể trong cơ thể.

Khi đi vào trong cơ thể người, thủy ngân tấn công thẳng vào hệ thần kinh trung ương, hệ nội tiết, và các cơ.

Thủy ngân làm con người trở nên loạn trí, các khớp xương bị co rút, dẫn đến biến dạng cơ thể.

Người mẹ nhiễm thủy ngân sẽ đẻ con ra quái thai, dị dạng hoặc bị nhiễm bệnh Minamata bẩm sinh. Hậu quả là hơn 17 000 người dân phải gánh chịu căn bệnh này suốt hơn 60 năm.

Tác hại của việc khai thác KLN cho môi trường có thể biểu hiện trực quan hơn ở chung quanh khu vực nhà máy khai thác KLN ở Baotou, Trung Quốc năm 2012 súc vật bị chết do nhiễm khí độc.

Ngay cả cây ăn trái cũng èo uột và trái có mùi hôi thối.

Nếu là NaCN thì sao?

Tuy tính độc hại lâu dài của cyanua không tàn khốc như KLN, chất độc này có thể phá hủy hệ thần kinh và bộ phận hô hấp, thay đổi hồng cầu.

Người bị nhiễm độc rất khó thở và dễ bị chảy máu mũi. Những triệu chứng này không phù hợp lắm với triệu chứng tìm thấy ở những người bị ngộ độc do ăn cá nhiễm độc báo chí đã đưa thời gian gần đây.

Không ăn cá chết thôi chứ hải sản sống thì ăn không sao? Tắm biển cũng không sao?

Đây là một nhận định sai lầm trầm trọng. Khi cá chết có nghĩa nồng độ chất độc đã vượt ngưỡng. Nhưng cá còn sống không có nghĩa là không có bị ngấm chất độc.

Tuy trường hợp cá chết do NaCN thì ít nguy hại hơn nhưng nếu là KLN thì hệ quả lớn hơn nhiều.

Xin nhắc lại tất cả hải sản từ vùng ô nhiễm có xác suất hấp thụ độc tố rất cao đặc biệt là những loại sinh vật sống sát đáy.

Những độc tố này tồn dư, tích lũy qua chuỗi thức ăn. Do cơ thể con người không có khả năng thải KLN hiệu quả, nó sẽ tích lũy dần dần và gây tác hại lâu dài như nói trên.

Đã có nghiên cứu chỉ ra lượng nhiễm độc thủy ngân vào cơ thể người từ việc ăn cá lên đến 95%.

Ngay cả lí do lần này không liên quan đến KLN thì việc chất độc tồn dư ở những con cá chưa đủ liều lượng giết chêt cá là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Nếu những chất độc này đã gây ngộ độc cho một số người ở Quảng Bình (Bố Trạch), Hà Tĩnh (Kì Anh), thì có thể thấy rõ tác hại của nó.

Người ngộ độc KLN qua đường tiêu hóa thường có triệu chứng bụng quặng đau, buồn nôn, tiêu chảy, nhức đầu và kiệt sức.

Bên cạnh đó, như chúng tôi đã đưa ra trước đó bên cạnh sự nhiễm độc do hô hấp và qua đường thức ăn thì chất độc có thể đi vào cơ thể qua da (niêm mạc).

Do vậy, trong thời gian này hạn chế việc tắm biển, thậm chí các bạn tham gia điều tra nên có bảo hộ khi lặn sâu vào vùng nhiễm độc.

Không đưa ra lời cảnh báo để tránh việc chặn đi đường sống của hàng triệu dân nghèo?

Cũng có một vài ý kiến cho rằng, khi chưa có bằng chứng cụ thể chúng ta không đưa ra nhận định để tránh làm mất đi nguồn sống của người dân hay làm nhân dân hoang mang.

Theo chúng tôi đây là một nhận định hết sức sai lầm. Khoa học ngoài việc tìm ra bằng chứng còn có chức năng dự báo để đề phòng trường hợp xấu nhất.

Chúng ta đề phòng trường hợp xấu nhất nhưng mong đợi vào tình huống khả quan nhất.

Nếu chúng ta không cảnh báo kịp thời, hậu quả sẽ lan nhanh, sâu và rộng hơn cho cộng đồng đến mức độ không còn khả năng kiểm soát được.

Như ví dụ trên: vụ nhiễm độc Minamata cũng được phát hiện nhờ vào lời cảnh báo của viện trưởng Hosokawa của bệnh viện Kumamoto khi nghi ngờ nhiêm độc thủy ngân hữu cơ của các bệnh nhân.

Tại thời điểm đó, sự việc như này chưa hề có tiền lệ trước đó.

Chúng ta đi sau nên học những bài học của người đi trước để tránh sai lầm. Hơn nữa việc chúng ta được cảnh báo là để chúng ta biết và đề phòng chứ không hề vì thế mà sợ hãi.

Những phát ngôn thiếu trách nhiệm

Thời gian gần đây nhiều cơ quan chức năng nhà nước đưa ra kết luận “nguyên nhân cá biển chết hàng loạt là do độc tố”.

Về điều này, một người dân không có hiểu biết về khoa học cũng có thể kết luận được, đặc biệt là những nạn nhân trúng độc phải cấp cứu do ăn đồ biển ở khu có cá chết.

Có ba nguyên nhân cá biển chết hàng loạt:

1) báo hiệu sắp có thiên tai từ động đất hay núi lửa ở thềm lục địa (điều này xưa nay chưa bao giờ xảy ra ở Việt Nam),

2) có sự thay đổi lớn về số lượng vi sinh vật trong vùng nước (hiện tượng nước nở hoa, hay dịch bệnh);

3) chất kịch độc do con người thải ra trong nước biển. Kết luận của cơ quan chức năng chỉ khẳng định rằng chúng ta sẽ không có thiên tai.

Điều 90 triệu dân Việt cần biết từ cơ quan chức năng là xác định cá chết và người dân bị ngộ độc là do hóa chất gì để cộng đồng khoa học có thể hổ trợ tìm phương án giải quyết.

Lãnh đạo Formosa nói 300 tấn hóa chất nhập về sử dụng để tẩy rửa một số đường ống không gây hại và với khu công nghiệp thì chỉ “bé như hạt gạo”.

Kết luận của lãnh đạo Formosa rất mập mờ và khó hiểu, gây phẫn nộ cho rất nhiều người dân Việt Nam. Xin phép được hỏi hóa chất tẩy rửa đường ống đó có tên hóa học là gì?

Nếu lãnh đạo Formosa không trả lời được thì xin cho biết tên thương mại là gì? Chi cục Hải Quan Hà Tĩnh có thể cho dân biết thông tin cụ thể về 300 tấn hóa chất này không?

Mới đây lãnh đạo Formosa còn tuyên bố để phát triển kinh tế việc chết vài con cá biển là chuyện nhỏ và là cái giá phải đánh đổi.

Chỉ tiếc là việc chết cá biển không phải là chuyện “bé như hạt gạo” mà nó có thể là cảnh báo cho một tai họa đổ xuống các thế hệ tiếp theo của Việt Nam.

Kết luận

Có thể coi sự việc nghiêm trọng này là thảm họa khôn lường và lâu dài.

Với sự nguy hiểm của chất độc chúng tôi cho rằng cần có một nghiên cứu toàn diện với sự hỗ trợ của cộng đồng khoa học quốc tế như World Health Organization (WHO) và nên khẩn cấp trong thời gian này.

Chính phủ cần yêu cầu Formosa dừng ngay việc xả nước thải ra biển cho đến khi có kết quả điều tra chính thức.

Các cơ quan luật pháp cũng như các luật sư cần thu thập thông tin đầy đủ để có thể bắt buộc thủ phạm bồi thường thiệt hại cho dân về sức khỏe cũng như thiệt hại kinh tế.

Người dân ở vùng bị nhiễm, cần phải xét nghiệm mẫu nước sinh hoạt và sản xuất nơi mình đang sống. Chúng tôi đã có bài viết hướng dẫn cách lấy mẫu và gửi đi xét nghiệm để có kết quả chính xác.

Nếu các bạn cần tư vấn thêm về cách xử lý nước hoặc trao đổi về các kết quả nhận được có thể gửi email cho chúng tôi.

Nếu có điều kiện hãy dùng máy lọc để lọc nước trước khi dùng kể cả đó là nguồn nước sinh hoạt.

Đồng thời chúng ta cũng nhanh chóng phổ biến đến người dân, để nhân dân an tâm, có biện pháp đề phòng và cũng cần đề phòng các lực lượng mê tín dị đoan lợi dụng hiện tượng này để tung tin đồn nhảm và trục lợi.

Hơn lúc nào hết người dân cần tự mình trang bị những kiến thức cần thiết để bảo vệ cho chính bản thân và gia đình.

* Tiêu đề bài báo do Tòa soạn đặt. Bài viết cũng đã được đăng tải trước đó trên Vietnam Journal of Science.

theo Trí Thức Trẻ
Posted by Dân News

………………………………………………………………………………….

BẢN LÊN TIẾNG CỦA TĂNG ĐOÀN GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT VỀ THẢM HỌA DO FORMOSA HÀ TĨNH GÂY RA

Nguồn:Posted by adminbasam on 27/04/2016

GHPGVNTN

TĂNG ĐOÀN GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT

HỘI ĐỒNG ĐIỀU HÀNH

Chùa Giác Hoa, 15/7 Nơ Trang Long, Phường 7, Q. Bình Thạnh, TP Sài Gòn

Phật lịch 2560

Số: 04/HĐĐH/VT/VT

Trong những ngày đầu tháng tư, trên địa bàn các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế đã xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt dạt vào bờ gây hoang mang cho người dân cả nước, nhưng nhà cầm quyền vẫn chưa có biện pháp gì để đối phó, ngăn chặn.

Đây là một cuộc khủng hoảng môi sinh nghiêm trọng vì tác động khôn lường của nó lên đời sống người dân trong hiện tại và tương lai, nhất là những ngư dân, trong lúc nền kinh tế đang suy thoái, thất nghiệp tràn lan.

Nước biển bị ô nhiễm cũng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất muối, và điều này đặt ra một hiểm họa khác cho sức khỏe của 90 triệu dân vì người dân Việt xử dụng muối biển để ăn hàng ngày.

Formosa – Hà Tĩnh đã cố tình hủy hoại một ngư trường quan trọng của Việt Nam bởi việc đầu độc nguồn nước bằng hóa chất cực mạnh và cực độc, dẫn đến tuyệt diệt nguồn hải sản trên một vùng biển rộng lớn mang tầm chiến lược trong việc phòng thủ quốc gia, biến vùng biển này thành vùng biển chết.

Mất nguồn cá, ngư dân mất nguồn lợi sống còn, mất động cơ ra khơi đánh bắt, mà việc ra khơi đánh bắt cá cũng là cách mà ngư dân trực tiếp giữ gìn chủ quyền biển đảo trong lúc nhà cầm quyền đang bế tắc trong việc bảo vệ biển Đông.

Việc ô nhiễm nguồn nước đã hủy diệt mọi sinh vật trong lòng biển chưa biết đến bao giờ mới phục hồi, đây mới là tổn thất lớn nhất cho môi sinh và cuộc sống người dân trong trường kỳ.

Trong lúc nhà cầm quyền đang hoang mang bối rối trong việc xác định nguyên nhân và thủ phạm gây ra thảm họa môi trường này thì ông Chu Xuân Phàm – Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã khẳng định một cách khó chấp nhận: Chỉ có một sự lựa chọn, hoặc là nhà máy thép, hoặc là cá tôm.

Hành động của Formosa – Hà Tĩnh không những hủy diệt môi sinh, đánh vào cuộc sống và sinh kế người dân mà còn thách thức công luận, chà đạp luật pháp, coi thường chủ quyền quốc gia và danh dự dân tộc Việt nam.

Trước hiểm họa môi sinh của đất nước, trước tình trạng tính mạng và sức khỏe người dân bị đe dọa, trước chủ quyền quốc gia bị thách thức, trước danh dự dân tộc bị xúc phạm, trước trách nhiệm đối với tiền đồ tổ quốc và tương lai của dân tộc:

Tăng Đoàn Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất cực lực phản đối hành vi độc hại của Formosa, lên án sự vô trách nhiệm của nhà cầm quyền và yêu cầu nhà cầm quyền phải có hành động hiệu quả và kịp thời.

Đòi hỏi nhà cầm quyền sớm xác định nguyên nhân và thủ phạm gây ra hiểm họa.

Nhanh chóng có biện pháp xử lý môi trường, khắc phục thảm họa, giúp đỡ hữu hiệu để người dân khôi phục sản xuất.

Truy cứu trách nhiệm đối với kẻ phạm pháp và có biện pháp chế tài thích đáng để ngăn ngừa những hiểm họa tương tự trong tương lai.

Xử phạt nghiêm khắc những người lãnh đạo có trách nhiệm liên quan trong việc dung dưỡng, bao che cho tập đoàn Fomosa gây tội ác.

Buộc tập đoàn Formosa phải chịu trách nhiệm khắc phục khủng hoảng, bồi thường thiệt hại cho người dân. Trả lại môi trường biển trong sạch cho người dân ở đây.

Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất rất mong nền kinh tế của đất nước được phát triển, nhưng đòi hỏi một sự phát triển bền vững, không chấp nhận hy sinh môi trường sống và tương lai dân tộc cho sự phát triển kinh tế, vì suy cho cùng sự phát triển nào cũng để phục vụ con người, nếu hy sinh đời sống và sự an lạc của con người thì sự phát triển đó là vô nghĩa.

Chùa Giác Hoa, Sài gòn, ngày 27.4.2016.

Thay mặt Hội Đồng Điều Hành

Tăng Đoàn GHPGVNTN

Viện trưởng

(ấn ký)

Tỳ kheo Thích Viên Định

……………………………………………………………………………………..

Add a Comment

Your email address will not be published.

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Web
Analytics